# quartier Latin (Paris có gì lạ không)

Dạo mình mới sang Paris được mấy tháng thì có một ca sĩ người Mỹ da đen tên là Josephine Baker qua đời khiến cả nước Pháp để tang và thi hài của bà ta được liệm trong Pantheon, nơi chôn các người có công với đất nước pháp như Victor Hugo, Pierre và Marie Curie, Voltaire,… Cô này có bài hát nổi tiếng “ j’ai deux amours“. Cho thấy tây khá hơn mỹ ở chỗ chọn một người ngoại quốc da màu, phụ nữ ghi nhớ công lao của bà ta cho nền văn hoá nước Pháp. Hình như trong đệ nhị thế chiến, bà ta có làm gián điệp cho quân đội đồng minh khi Đức quốc xã chiếm đóng Paris.

On dit qu'au-delà des mers

Là-bas sous le ciel clair

Il existe une cité

Au séjour enchanté

Et sous les grands arbres noirs

Chaque soir

Vers elle s'en va tout mon espoir

J'ai deux amours

Mon pays et Paris

Par eux toujours

Mon cœur est ravi…

Một con đường nhỏ trong khu la tinh không nhớ rõ tên đường. Nay họ cho trùng tu lại khá nhiều nên thấy sách sẽ. Theo ông Trần Xuân Như là đường Rue des Bernadins

Không ngờ sau này, rời Paris đi kiếm cơm ở các xứ khác, mình vẫn yêu Paris như bài hát của cô ca sĩ người Mỹ này. Dạo ở Thuỵ Sĩ, trong sở mình thường hâm hâm bài này và bản nhạc được Maurice Chevalier hát “ Douce france, cher pays de mon enfance,…”  Chỉ tiếc mụ vợ không thích tây, nếu không mỗi năm mình về đây thăm em út, bạn bè, ăn cơm tây như ngày xưa. Mụ vợ không thích tây vì mót tè không có chỗ đi tè. Thật ra khi mình mới đến Paris thì cũng Chán Mớ Đời lắm nhưng ở lâu thì mới nhận ra vẽ đẹp của Paris và mê luôn. Mình có ở Luân Đôn hai năm, New York 5 năm nhưng mình thích Paris hơn vì Luân Đôn rất nam tính, khác với Paris đầy nữ tính.


Hôm trước có anh bạn hỏi về nhạc bên Pháp. Anh ta hỏi về Christophe, Johnny Halliday,… mình kể là khi xưa ở Đà Lạt, mình có nghe mấy nhạc tây và rất mê mấy ca sĩ này nhưng khi sang Pháp thì khám phá ra có nhiều loại nhạc Pháp. Nhạc mà Christophe , Sylvia Vartan,…thường được xem nhạc cho giới choai choai mới lớn như mình khi xưa, giới đọc Salut les copains. Mireille Mathieu thì như Phương Hồng Quế, sến sến. Mình có kể vụ này rồi. Còn người Pháp trong giới sinh viên, họ nghe nhạc của Léo Ferré, Jacques Brel, Barbara, Georges Moustaki, Georges Brassens,… như thể loại nhạc Văn Cao, Trịnh Công sơn, Cung Tiến,…của người Việt.  


Dạo mình mới sang thì có một một ca nhạc sĩ hát những nhạc nói về giới lao động với ngôn ngữ chợ trời, toàn là tiếng lóng, ngôn ngữ của dân sinh sống tại Paris, tên Renaud. Nếu ở pháp lâu ngày sẽ nhận ra sự khác biệt dân vùng Paris và dân các thành phố nhỏ khác, lối sống, cách ăn nói, đệm tiếng lóng rất nhiều. Mình về Paris, mấy cô bạn kêu những từ mày dùng bây giờ cổ hủ rồi. Lâu lâu nhìn đồng chí gái thì nhớ đến bài hát của Georges Moustaki “la femme qui est dans mon lit n’a plus vingt ans depuis longtemps…” buồn 

Paris rất rộng lớn nhưng sinh hoạt thường ngày của mình đều loanh quanh khu la-tinh (quartier latin). Khu vực này nằm phía tả ngạn của sông Seine. Tây gọi là rive gauche của dòng nước chảy. Chỉ có khi thẻ cam (carte Orange) ra đời, có thể dùng xe điện ngầm và xe buýt đi chơi khắp Paris cùng giá tiền trả trong tháng thì mình mới hay leo lên xe buýt đi vòng vòng, chỗ nào thấy đẹp thì nhảy xuống đi viếng hay vẽ. Có dịp mình sẽ kể về các công viên , viện bảo tàng,… mùa xuân trời ấm thì đi xe buýt, viếng các công viên ,.. còn mùa đông thì chạy vào các viện bảo tàng. Mùa hè thì mình đi giang hồ, vẽ tranh bán kiếm tiền đi học vì tiền bán tranh 3 tháng nhiều hơn lương SMIC làm việc vớ vẩn trong mấy ngân hàng.


 Như mình đã kể, người ta gọi khu la tinh vì khi xưa các trường học đều giảng dạy bằng tiếng La-tinh tương tự ngày nay, đa số các đại học tại âu châu đều có những lớp giảng dạy bằng anh ngữ. Con mình học trường Bocconi, Milano, Ý Đại Lợi với các lớp anh ngữ. Giáo sư và sinh viên đều nói bằng tiếng la-tinh. Một sinh viên đến từ Đức quốc, Ba Lan, Hoà Lan,..không rành tiếng sở tại nên vào đại học đều có lớp giảng bằng anh ngữ và sinh viên của mấy quốc gia trong Liên Hiệp âu châu bắt buộc phải sử dụng anh ngữ để nói chuyện với nhau như khi xưa họ dùng tiếng La-tinh. Biết đâu mấy trăm năm sau, sẽ gọi quartier anglais. 


Nói chung đa số các đại học đều nằm trong khu vực này như Sorbonne, Y khoa, dược khoa, luật khoa, trường Hầm Mỏ, trường Cao đẳng Mỹ Thuật, trường cũ Bách Khoa, sau này họ xây một trường Bách Khoa mới ở ngoại ô Paris, quên ở đâu, mình có đi đến đây đá banh với trường của mình với đội tuyển Bách Khoa. Họ học giỏi nhưng đá banh dỡ.


 Có thể xem quartier Latin như một Campus như đại học mỹ nhưng trải rộng trong các phố xá. Nếu mình không lầm tiệm ăn ở trường y khoa là ngon nhất nhưng phải đi xa nên phải ăn ở Odeon. Ngoài ra còn có các trường học trung học danh tiếng cũng như các lớp luyện thi vào các trường lớn như Louis Le Grand, Henri IV, Saint Louis. Khi sang tây, mình có ghé lại những trường này để hỏi tin tức theo học để thi vào các trường lớn. Thấy mình học ngu nên không dám trèo cao. Nghe mấy ông thầy khi xưa kể về các trường ngày.


Sau khi ăn cơm, trước khi đi học lại thì mình hay vác bản vẽ đi vòng từng khu vực nhất là mấy nhà thờ để vẽ hay mấy dẫy phố. Điểm chính của khu la-tinh này là quảng trường Saint Michel được xây dựng dưới thời Napoleon đệ tam do ông Baron Haussmann thi hành, ngay bờ sông Seine. Có đại lộ Saint Michel rất quan trọng vì nối liền Nam Bắc của Paris. Đi băng qua sông Seine là thấy một khu vực cũ nhất Paris mà thời La MÃ họ gọi Lutèce.

Bể nước Saint Michel

Từ bể nước Saint Michel, đi về phía Nam, leo lên dốc đến đồi Sainte Geneviève, được xem là nữ thần phù hộ cho thành phố Paris tránh nạn giặc Huns của Attila. Ông Attila này bị bắt làm con tin ở La MÃ, như các hoàng tử ngày xưa bị bắt làm con tin để hai nước không xâm chiếm nhau. Ông này học nghề đánh nhau, quân sự của La Mã, giả bộ ngu nên sau này được thả về nước. Ông ta đem quân đội của ông ta đánh chiếm các vùng do quân la mã chiếm đóng. Sau này ông ta bị bại trận khiến đế quốc la mã sống sót thêm một thời gian ngắn. Ông ta đem quân đến Metz và Troyes nhưng dạo ấy Lutèce, tên cũ của Paris, còn nhỏ bé không quan trọng nên quân đội của Attila không thèm đến nhưng người Pháp cứ nói đủ trò là bà Geneviève, một trinh nữ giải cứu Lutèce khỏi bị chiếm đóng. Mình đoán là nhà thờ dùng những câu chuyện này rồi bơm thêm như bà Jeanne d’Arc để giúp người Pháp tin vào chúa nhiều hơn.

Đại lộ Saint Michel vào mùa thu 

Đại lộ Saint Michel khá quan trọng. Trong thời gian cách mạng văn hoá 1968 mà người Pháp thường gọi “Mai 68”. Sinh viên học sinh xuống đường, nạy đá lót đường lên để quăng vào cảnh sát cơ động. Cuộc biểu tình này đã khiến chính phủ De Gaulle suýt banh ta lông. Sau này ông ta hứa sẽ cải đổi giáo dục nước pháp và các thủ tục hành chánh nên mới sống sót. Ông ta lên làm tổng thống thì bị tổ chức OAS ám sát hụt nên cai trị như một người độc tài, bỏ tù đủ thứ người nên dân tình chán nản.


Mình hay lang thang vào đường La Huchette. Nhờ đi lang thang mà mình thấy văn phòng của lữ quán thanh niên (auberge de la jeunesse) mà sau này mình làm việc cho họ để dẫn tây đầm viếng thăm các nước Tây đức, Hoà Lan, Bỉ, Áo quốc. Khu này khi xưa có nhiều tiệm ăn Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Du khách đông. Họ nướng quay thịt cừu ngoài tiệm, đi ngang khiến thèm ăn Kebab. Tiệm ăn mình làm bồi vào cuối tuần ở trong khu vực này. 


Phía bên kia có đường Saint André des Arts cũng khá vui. Trong khu vực này có một nhà thờ tên Saint Séverin mà mình hay vẽ ở đây. Học lịch sử nhà thờ nên phải đi vòng vòng vẽ. Có một nhà thờ mà mình quên tên, khi xưa hay ghé lại nghe họ hát thánh ca gregoirien rất lạ. Hình như nhà thờ Saint Gervais. Lâu quá nên không nhớ nổi. Mình không phải con chiên nhưng nghe nói nên tò mò ghé lại để nghe ông cố đạo giảng bằng tiếng la-tinh rồi ca đoàn của họ hát nhạc thánh ca cổ. Chỉ là tò mò, sống một mình nên lang thang mò mò mấy thứ người Pháp kể.

Đại học Sorbonne

Từ đó đi về phía nam đại lộ Saint Michel sẽ đến đại học Sorbonne nằm bên tay trái. Đại học này được xây bởi một ông tên Robert de Sorbon, sinh tại làng nhỏ Sorbon, vùng Ardennes nên mình đoán là gốc Bỉ vào năm 1253, do ông vua pháp muốn xây một trường để 16 sinh viên học về thần học. Thế kỷ 17, ông cố đạo Richelieu nổi tiếng, mà khi xưa khiến mình điên đầu khi nghe ông tây giảng về ông này, kêu kiến trúc sư vẽ lớn thêm. 


Đại học Sorbonne nổi tiếng từ độ đó đến khi hoàng đế Napoleon đệ tam, cho xây dựng các trường lớn để đào tạo các nhân tài cho đế chế như các trường bách khoa, quốc gia hành chánh,… khi xưa, chỉ có con nhà giàu đi học đại học, nhằm nghiền ngẫm về giáo lý, triết học,… nhưng đến thời Napoleon đệ tam thì cuộc cách mạng kỹ nghệ bắt đầu nên người ta phải đào tạo các chuyên viên để giúp nghành công nghệ pháp cất cánh.


Hình như khúc này có chợ trời trên đường Mouffetarde. Mình có đến đây vẽ chợ búa, người bán người mua khi nghiên cứu mấy cái chợ trời. Đâu gần đây có rạp hát Maubert-Mutualité mà người Việt tổ chức Tết hàng năm. Có chợ Thanh Bình, và đường Monge có rất nhiều người Việt sinh sống và tiệm ăn Việt Nam.

Panthéon nơi các người nổi tiếng, có công với Pháp quốc được chọn cất ở trong 

Có một chỗ mà mình đến viếng khi mới đến Paris là Panthéon, chỗ họ liệm xác các người có công với người Pháp như vợ chồng ông Pierre và Marie Curie, Victor Hugo, Voltaire, Jean Jacques Rousseau,.. Mùa đông mình hay vào viện bảo tàng lịch sử tự nhiên, để vẽ mấy bộ xương của mấy con thú lớn như voi, khủng long,… mùa Xuân thì đến vẽ ở vườn Jardin des Plantes,..


Hình như có một tiệm ăn rất nổi tiếng cạnh bờ sông tên Tour d’Argent, chỉ nghe tên thôi, vô đây là tốn bộn bạc mà phải đặt chỗ lâu ngày. Nói cho ngay, thời ở Paris, sinh viên không có tiền nên chỉ ăn lặt vặt. Lâu lâu có charrette thì đàn anh kéo đi ăn trả tiền, bù lại mình phải thức đêm vẽ cho họ. Toàn là những tiệm gần trường rẻ. Cho nên cơm tây mình chỉ biết khi đến nhà ai đó ăn cơm. Họ nấu mấy món cũng bình dân còn tiệm ăn thường thì nấu mấy món như người Việt thích ăn ragout, bò nấu rượu, vớ vẩn. 


Mình nhớ hay ăn Croque monsieur, bánh mì baguette, họ bỏ cái xúc xích lượt rồi bỏ phô mát lên rồi nướng cho phô mát chảy ra, ăn ngon. Nhưng có lẻ món mình thích ăn nhất ở Pháp là món Couscous của người ả rập hay trên đường phố, họ có mấy xe bán đồ lưu động, họ nước merguez, một loại xúc xích bằng thịt trừu, bỏ trong baguette rồi trét một chút harissa, cay xé họng. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn