# 30 tháng tư 1975 (Những ngày đầu trên đất Pháp)

Sau khi đi làm cu li 1 tuần ở vùng nghỉ dưỡng mùa đông, trượt tuyết La Clusaz gần Grenoble về thì đọc báo tìm được làm việc ngắn hạn cho một nhà in ở Issy Les Moulineaux. Họ cần gấp nên trả tiền mặt, rẻ. Mình ở Pantin nên xem như đi làm phải đi xe điện ngầm xuyên Paris, mất độ gần 1 tiếng khi phải chờ đợi chuyến xe. Lâu lâu tiệm ăn Tây bên cạnh nhà in, cần người vì thợ nghỉ, ông chủ chạy qua kêu bà chủ tiệm in cho mình qua phụ việc, rửa chén đĩa dao cho họ. Thật ra họ có máy rửa chén nên chỉ chùi rồi bỏ vào máy. Sau đó ông ta cho ăn cơm Tây. Ngon vô cực. Dạo ấy 18 tuổi ăn bao nhiêu cũng không no.

Vấn đề là làm việc nhiều nên đi sớm về khuya. Có hôm về ngồi métro mệt quá ngủ luôn khiến xe đến bến cuối trạm, kiểm soát viên lên đuổi xuống, phải đi ngược lại, về đến nhà vào lúc 12 giờ đêm, sáng đã lên xe điện vào 7 giờ sáng để đến sở vào lúc 8 giờ.


Cuộc đời du học sinh, trước khi đi tưởng như tuyệt vời đến khi đặt chân lên xứ thực dân này mới thâm nhập thực tế cuộc đời không như trong mơ, chỉ muốn trở về mái nhà xưa ở Đà Lạt. Tuyết thì lạnh, Paris thì toàn cứt chó, sông Seine đen thùi,… cu li bên tây về Việt Nam nổ banh xác luôn. Từ một tên chả biết lo gì cả, chỉ biết đổ trứng gà, làm Sauce Mayonnaise, cơm chiên nay phải tự đi chợ, xem mỗi ngày phải xài tối đa bao nhiêu tiền, nay phải đi làm sống chết, mệt đừ. Về đến nhà là chỉ muốn ngủ. Sáng hôm sau thức dậy đi làm tiếp, chả đọc sách, đọc báo hay xem truyền hình vì không có. Làm trễ nên chủ mua cho thức ăn, bánh mì gì đó nên về già chỉ leo lên giường ngủ.


Một hôm, chủ kêu đi giao đồ cho khách hàng cần gấp, kêu taxi đi cho nhanh. Lần đầu tiên đi taxi tây khiến mình bỡ ngỡ vì leo lên chiếc Mercedes đời mới mà cả đời chưa bao giờ bò lên hay được rờ, nay lên ngồi như tên cu-li mít từ Đà Lạt sang, không dám tựa lưng vào ghế, cứ sợ trầy sẽ bị bắt đền. Xe hơi sang nhất mà mình leo lên khi ở Việt Nam là xe van của ông Marcel, khi Dương Quang Trí lấy chở cả đám đi Ninh Chữ, vào tết cuối cùng ở Đà Lạt.


 Chỉ có xe taxi ở Pháp là chạy xe Mercedes, đời mới nên giá taxi khá đắt. Đồng chí gái có cô bạn ở Paris, anh chồng lái taxi, lợi tức đâu trên 200,000 Euro một năm. Gặp ông tây lái taxi hỏi ông người gì, nói Việt Nam. Ông ta kêu là sáng nay, Sàigòn thất thủ, thấy một đám người chạy vào toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà đập phá khiến mình thất kinh, muốn xỉu luôn. Tối đó mình mua tờ báo le monde về nhà, đọc đi đọc lại mấy lần. Càng đọc càng lo sợ không biết gia đình ra sao. 


Trong lá thư đầu tiên và cũng là cuối cùng của ông cụ cho biết Ban Mê Thuột thất thủ nên dân Đà Lạt cũng bỏ chạy về BÌnh Tuy, để về Sàigòn vì đường  Sàigòn - Đà Lạt bị chận. Tối đó mình khóc như ông Đức Huy đã khóc một dòng sông. Một dòng sông dài nhớ cha nhớ mẹ, nhớ anh nhớ chị, khóc một dòng sông Seine hôi thối. 3 năm sau mới nhận được thư bà cụ từ Đà Lạt, nói gia đình bình yên, không nói gì nhiều, chắc sợ bị kiểm duyệt. Mình thắc mắc sao ông cụ không viết thư mà lại bà cụ. Sau này có người về Đà Lạt, mới hiểu là ông cụ bị bắt vì tham gia nhóm phục quốc ở Đà Lạt, do Hà Nội tổ chức để lừa tóm dân miền nam chống chế độ mới, lên án 18 năm đi cải tạo.

Cuộc đời mình có nhiều may mắn, gặp được nhiều người ngoại quốc giúp đỡ. Đi làm cu li ở La Clusaz thì làm quen với một anh tây. Anh ta mời đến nhà ăn cơm để hỏi thêm về tình hình Việt Nam. Bà dì cô vợ có căn phòng ô-sin ở Neuilly Sur Seine nên chị ta hỏi để mình mướn với giá rẻ 100 quan một tháng. Bà dì tên Cayla cho mướn độ 3 tháng thì không nhận tiền nhà nữa, mình dùng tiền đó để mua quà gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Sinh viên không có tiền mà mỗi lần nhận thư nhà là em út than nên chỉ dành tiền bao nhiêu rồi gửi về cho nhà. Đi xin thuốc tây của bác sĩ hay dược sĩ quen, bên tây hay bên Ý Đại Lợi, đóng thùng gửi về. Mỗi lần đóng thùng mà nghe ông Việt Dũng hát chút quà cho quê hương là chỉ biết khóc.


Nhìn lại không hiểu làm sao mình có thể vượt qua thời gian 3 năm, không biết tin tức gia đình. Nếu không có sự giúp đỡ của những gia đình người Pháp, may mắn gặp trên đường đời thì khó mà tốt nghiệp. Bạn bè mình quen gốc việt từ Đà Lạt, đa số là bỏ học đi làm. Hai năm đầu đại học, họ chỉ cho phép rớt học lại một năm, rớt hai năm là giả từ bút nghiêng, đi làm việc vớ vẩn. Đi học mà vừa đi làm để có tiền tiêu thì khó mà học lắm nếu không phải thông minh xuất chúng.


Con bà Cayla, người cho mình mướn căn phòng Ô-sin, rớt 2 năm ở đại học Jussieu, không được học tiếp, đi học nghề thợ mộc, mất mấy năm, không lương bổng gì cả rồi từ từ mới kiếm được việc. Lý do là học không tốn tiền nên nếu anh rớt hoài thì tốn tiền chính phủ, nhân dân pháp nên cấm học. Đại học Jussieu lớn nhất Paris dạo ấy. Thi không vào được các trường khác thì chui vào đây học. Đi ăn cơm ở đây, gặp sinh viên Việt Nam đông lắm nhưng không dám hỏi han vì không biết họ là chống cộng hay thuộc nhóm Việt kiều yêu nước. Suốt thời gian đi học mình chỉ quen có hai gia đình người Việt tại Paris, không tham gia hội đoàn gì cả. Mình cứ lo học cho ra trường rồi tính sau.


Lý do là ông Pierre Guillaume mà có cuốn phim làm về cuộc đời ông ta mang trên Crabe Tambour. Ông ta khuyên mình là tránh xa người Việt, lý do là mất quê hương thì hay tụ nhau lại khóc lóc rên rỉ sẽ đâm ra tiêu cực, không làm hay học gì cả. Ông ta nói đám tỵ nạn cộng sản từ Đông âu sang pháp hay bị vấn nạn này. Mày cứ lo học cho xong ra trường rồi tính sau. Chú tâm học cái đã.


Lâu lâu bà Cayla để cái Notes cho bà gác dan, kêu tối về ghé nhà bà ta ăn cơm. Các lễ lớn như Giáng Sinh, đều được mời đến nhà ăn mừng Chúa ra đời với gia đình họ để mình khỏi lạc lõng cô đơn nơi xứ người. Sau này, nhớ ơn họ, mình hay mời sinh viên xa nhà hay ai có con cái ở xa không về dự Lễ Tạ ơn, Giáng SInh hay Tết, giúp họ không bị cô đơn, lạc loài khi cả nước vui mừng.


 Rồi có người giới thiệu mình đến hội cựu quân nhân Đông-Dương. Tại đây, họ phát chẩn quần áo cũ nên suốt thời gian sinh viên mình không tốn một xu để mua áo quần. Mình chuyên viên bận đồ cũ từ Đà Lạt đến giờ. Áo quần cũ của ông cụ là mình thầu, sang tây thì quần áo cũ của Tây. Ra trường, mình mua đồ cũ chợ trời Aux Puces. Sang Hoa Kỳ thì cũng mua chợ trời áo sơ-mi giá 1 đô. Sau này lấy vợ cũng mua đồ chỗ mấy tiệm bán đồ cũ hay Garage sale. Nông dân đâu cần quần áo mới hay đồ xịn.

Tại hội cựu quân nhân Đông-Dương họ giới thiệu mình một ông thầu khoán, gốc Phi châu mà dân tây gọi là Pied noir vì sinh trưởng ở Phi Châu. Ông này kiếm được việc làm cho mình hai tháng hè trong một siêu thị ở thành phố của ông ta ở Mantes La Jolie. Ông ta có một văn phòng sắp sửa bị đập phá để xây cái mới hay chung cư gì đó. Ông ta cũng bảo lãnh một gia đình người Lào. Thế là mình ở chung nhưng khác phòng với gia đình này. Bà người Lào kêu đóng tiền, bà ta nấu cơm cho ăn mỗi ngày.


Sáng đi làm, để tiết kiệm tiền xe buýt để ăn học nên phải chạy bộ độ 3 cây số đến siêu thị vì ở ngoài ô, Le Val Fourre, khu thành phố mới (Villa neuve). Trưa thì ông tài xế chở mình về nhà ăn cơm. Sau đó lại chạy bộ thêm 3 cây số ban trưa nóng chết bỏ vào mùa hè. Quen chạy bộ về Paris mình cũng chạy hàng ngày trước khi đi học suốt mấy năm đời sinh viên, mưa nắng tuyết lạnh.


Nhiều hôm xui, đi giao hàng cho khách hàng mà cầu thang máy bị hỏng. Khu nghèo hay bị vậy lắm thế là mình với ông tài xế phải khiêng lên bằng cầu thang. Mất cả tiếng hơn mới bò lên 27 tầng. Hôm ấy, chả có gì giao hàng ngoài cái giường nên phải làm nếu không thì đem về rồi hẹn lần sau đến. Khu vực này dân gốc ả rập ở nhiều nên lối sống của họ khác với người Pháp, họ quăng rác tùm lum, vẽ bậy trên tường, phá hỏng cầu thang máy,..khiến ông tài xế kêu “sale bougnoules”. Cho thấy người Pháp đã kỳ thị từ dạo ấy. Nay thì chắc nhiều hơn vì phong trào Front National, Mặt Trận Quốc Gia, cực hữu lên cao. Có thể lịch sử sẽ quay lại, người Pháp kỳ thị chủng tộc lên cao, tìm cách đuổi cổ người dân ả rập hay đen hay vàng ra khỏi nước pháp. Đánh nhau, bắn giết nhau không chừng.


Cuối tuần thì con trai ông Marco chở đi chơi như lên Paris xem đá banh ở Parc Des Princes hay lòng vòng. Hay thằng Francis, cháu bà Marco với bạn nó rủ đi nhảy đầm. Đến một câu lạc bộ thanh thiếu niên, họ có khiêu vũ cho đám trẻ cuối tuần từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, không có rượu bia gì cả. Mình có bao giờ đi nhảy đầm ở Việt Nam đâu nên hơi ngọng khi vào trong chỗ nhảy đầm. Cứ ngồi một cục, mút mút ly nước ngọt, sợ mau hết phải tốn tiền mua ly khác. Bổng nhiên có cô đầm nào bò lại đưa tay mời mình nhảy, mình như bò đội nón, thầm nói không biết nhảy nhưng thằng Francis cứ đẩy mình ra. Thôi thì thân nầy như con thuyền, đi tới đâu thì biết.


Cô đầm xinh, kêu mình ôm cô ta rồi cô ta ôm mình cứ bước theo chân của cô ta chậm chậm nhưng tim mình thì hồi hộp, đánh bình bình nhưng phê phê. Thế là sơn đen có thể kêu đã nhảy đầm lần đầu tiên trong đời. Nhảy một lát, cô đầm hun mình khiến mình thất kinh phải há mồm ra cho cô ta mớm nước mồm. Ra về, thằng Francis và hai tên bạn nó kêu mày cưa gái đỗ như điên. Mình cười gượng nhưng trong lòng cũng vui vui, lân lân như chiếc máy bay lên thẳng. Lần đầu tiên ôm và mi gái trong đời. Lâu lâu thằng Francis chở đi nhảy đầm cũng gặp cô ta lại nhảy đầm xì lô rồi 2 tháng hè qua mau. Mình về lại Paris, cũng chả biết cô ta tên gì. Đối cảnh vô tâm. Chán Mớ Đời 

Sau này vào đại học thì được một tên bạn học dạy nhảy đầm với cô em hắn nên nhảy khá khá. Sau này mình hay xem những tên tây khác nhảy nhiều thế khác thì bắt chước. Học võ ngày xưa nên mình nhìn là hiểu cách xoay ra sao nên dễ chế biến lại khiến mấy con đầm học chung hay quen, hay rủ mình đi nhảy đầm với chúng, chẳng phải chúng yêu thích gì mình nhưng chỉ thích nhảy đầm với mình thôi. Nói như đầm là ivre de rock chớ không phải vì cái mặt hãm tài của mình. Em gái tên bạn một hôm kêu thằng bạn phải học thêm mấy điệu khác vì thằng Sơn nó nhảy hay hơn anh. Học trò hơn thầy là đầm có phúc. Qua Hoa Kỳ bổng nhiên mình hết thích nhảy đầm. Lấy vợ mít nên không biết nhảy mít. Chán Mớ Đời 


Về Paris đi học thì gặp một tên sinh viên gốc Việt Nam, nói chính phủ pháp có chương trình giúp đỡ sinh viên Việt Nam nên đi xin thì được nhận tiền trợ cấp, mấy trăm một tháng hình như 700 quan. Sau này thì mình được cấp học bổng nên lãnh được 1,200 tháng. Tiền học thì không trả, tiền nhà cũng không lại đi làm thêm nên có chút tiền, hàng tháng gửi về cho bà cụ nuôi mấy đứa em. Mình chả tiêu xài gì cả đến ngày nay cũng vậy. Có lẻ quen hà tiện một thời.


Lên năm thứ 3 thì lâu lâu văn phòng của Ông thầy cần nègres vẽ charrette thì kêu mình vẽ trả tiền nên cũng khấm khá có chút tiền, để dành đi du lịch với đám học chung ở Ý Đại Lợi và các nước khác mỗi năm. Thường mấy ông thầy có văn phòng kiến trúc, sinh viên nào giỏi thì họ kêu đến văn phòng vẽ cho họ. 


Cuối tuần thì có một bà chủ tiệm ăn Việt Nam, nhờ phụ bà ta làm bồi vì ông con đi nhảy đầm hay đánh bài. Anh chàng này sang tây trước mình nhưng không chịu học. Bà ta chỉ làm chả giò, cơm chiên và bún thịt nướng nên dễ xoay sở vì tiệm có thể chứa được 10 người. Thế là cuối tuần mình ăn bún thịt nướng hay cơm chiên, có thêm 100 quan cho mỗi đêm. Tuần được 200 quan, tháng được thêm 800 quan pháp, bỏ quỹ tiết kiệm. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn