Trí nhớ và karaoke

Khi xưa đi chơi mình hay vẽ, không có nhiều thì giờ thì đem sổ nhỏ ra phát hoạ vài đường để nhớ lại chỗ này có gì đặc thù, ghi chép lặt vặt. Có lẻ nhờ quan sát để vẽ mà mình có trí nhớ tốt. Hôm trước, vào ngân hàng, cô thâu ngân viên hỏi số trương mục của mình thì mình đọc cho cô ta đánh máy trên máy điện toán khiến cô ta ngạc nhiên, kêu mình nhớ cả tài khoản. Cũng như sổ thông hành, bằng lái xe mình đều nhớ. Khi điền đơn là khỏi phải đi tìm sổ thông hành cho mất công.

Hôm trước, thấy ông tây nào trên mạng tải tấm ảnh ở Paris trên nhóm nhiếp ảnh gia nên hỏi có phải Palais Royal thì ông ta nhất trí. Chỗ này mình có ghé lại lần chót với đồng chí gái năm 2009 với hai vợ chồng bạn học của vợ. Hôm ấy anh chồng nghỉ chạy taxi, chở hai vợ chồng đi vòng vòng Paris, nhờ có xe taxi nên có thể đậu nhiều nơi dễ dàng, chỗ dành cho taxi.

Mỗi lần leo núi, lên tới đỉnh mình ngồi nhìn phong cảnh để cảm nhận thiên nhiên. Trước khi đi xuống mới lấy điện thoại ra chụp một tấm hay hai để làm kỷ niệm. Nói chung thì về cũng chả xem lại, lười bỏ vào album. Mình có đâu hơn 1,000 tấm ảnh cũ Đà Lạt xưa nhưng lười bỏ, xắp xếp từng loại vào một album riêng trong iPad để dễ tìm. 


Khi mình sang Pháp, thấy người Pháp trước khi ăn đều đọc kinh để cảm ơn Thiên Chúa đã cho họ được bữa ăn. Nay thay vì đọc kinh, người ta lấy điện thoại ra chụp lia lịa mấy món ăn để tải lên mạng theo phương châm của ông Descartes, tôi xeo-phì nên tôi hiện hữu. Không ngửi mùi vị của thức ăn. Tôi chụp hình đồ ăn nên tôi hiện hữu nên thiên hạ chụp lia chia. Vấn đề là thiên hạ có xem hay không.


Người ta nói ăn bằng mắt, bằng lưỡi, bằng tai và bằng mũi trong khi chúng ta ngày nay ăn bằng điện thoại.

Điện thoại thông minh đã thay đổi hoàn toàn lối sống con người trên thế giới, người ta cho biết mỗi ngày trên thế giới, hình chụp cả mấy chục tỷ lần hay đi xem nhạc, thiên hạ thay vì nghe thưởng thức, họ mở điện thoại ra để quay, tự nhủ là sẽ làm kỷ niệm hay xem lại vô hình trung làm giàu cho các công ty bán Cloud (Mây). Cứ mở YouTube ra hay Netflix là có thể mở xem, khỏi mất công quay, tốn công quay. Vấn đề là chúng ta sống trong thời đại Fast & Furious. Những gì hôm qua được xem là sôi nổi nhưng nay đã đi vào lãng quên như chiến tranh ở Ukraine bị Gaza làm quên.


Chúng ta họp mặt gia đình, thân hữu, đối cảnh vô tâm. Mỗi người cầm điện thoại lò mò đọc tin nhắn. Cứ lâu lâu mở ra xem có gì lạ hay không rồi nhắn like hay còm gì đó. Chúng ta tuy gần nhưng cách xa. Rồi vài phút sau xem lại có ai nhắn lai còm của mình hay hình ảnh tô canh chua mới được đem ra. Chúng ta nghiện điện thoại như một người nghiện hút thuốc hay rượu. Không tự làm chủ chính mình. Khi đi ăn cơm tiệm, mình cất điện thoại trong xe để ngồi xem vợ con mở điện thoại chít chát. Không dám cấm mụ vợ, còn con thì mình có thể trừng mắt. Hôm trước, đi ăn với đám cháu, có 1 đứa cháu cứ mở điện thoại hoài, cuối cùng mình phải tịch thâu cái điện thoại của nó mới thấy cơn nghiện điện thoại ra sao. Thằng cháu cứ nhìn cái điện thoại để bên cạnh mình.

Nghệ nhân với tác phẩm và chi tiết. Nếu chụp hình ta chỉ thấy ông hoạ sĩ và bức tranh nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy các chi tiết được nghệ nhân vẽ rất chi tiết. Thường chúng ta chỉ ở hoàn cảnh tấm ảnh gồm nghệ nhân và tấm tranh của ông ta. Không chụp hình, chúng ta có thể có nhận ra các chi tiết được vẽ một cách công phu

Chúng ta chụp hình là để lưu lại những giây phút họp mặt, những giây phút đầu tiên đứa con ra đời hay một phong cảnh thiên nhiên mà chúng ta may mắn trải nghiệm. Mình nhớ khi thằng con ra đời, mình đem cái máy quay video vào phòng mỗ để quay làm kỷ niệm. Video cảnh bao giờ xem lại từ lâu vì máy móc cũ. Mình tiếc không cảm nhận khi thằng con ra đời bằng mắt thường thay vì qua màn ảnh video, thiếu không gian 4 chiều.


Người ta làm một thử nghiệm vào năm 2015, nghĩa là khá lâu. Họ đề nghị 20,000 người Mỹ theo dõi chương về hội thoại. Họ yêu cầu các thính giả không đụng đến máy chụp hình hay điện thoại để khai thác óc sáng tạo của họ. Họ hỏi lý do sử dụng điện thoại và máy ảnh.


Kết quả cho thấy: rất nhiều người sử dụng máy chụp hình như dụng cụ giúp trí nhớ như chụp hình để nhớ đậu xe chỗ nào, nhãn hiệu của một chai nước tương họ ăn trong tiệm ăn để mua dùng ở nhà…. Vấn đề là mỗi khi chúng ta chụp hình cái gì quá nhanh chóng, lại giảm thiểu trí nhớ của mình. Đúng hơn vì không kịp quan sát kỹ lưỡng khiến não bộ không ghi lại rõ ràng.

Một giáo sư tâm lý học của đại học Fairfield, COnnecticut, nghiên cứu về hệ quả chụp hình gây ảnh hưởng cho não bộ và trải nghiệm. Bà ta dẫn sinh viên đến viếng viện bảo tàng và yêu cầu các sinh viên chụp những tấm tranh hay những vật thể mà họ gặp trong chuyến viếng thăm và quan sát các sinh viên khác.


Hôm sau, bà ta đem sinh viên vào phòng thí nghiệm để xét nghiệm trí nhớ của họ về các vật thể mà các sinh viên đã có dịp xem thấy hôm qua. Nếu họ nhận ra vật thể thì bà ta hỏi thêm về các chi tiết khác. 


Kết quả cho thấy đa số ít nhận ra những gì họ đã chụp hình hôm qua, cũng như các chi tiết về các tranh ảnh được triển lãm tại viện bảo tàng so với những vật thể họ xem xét cẩn thận, đọc những ghi chú. Lý do là khi chúng ta chụp ảnh, chúng ta có khuynh hướng dựa vào tấm ảnh đó để lưu nhớ dùm mình. Tương tự mấy bà hay bắt chồng nhớ dùm mình.


Chúng ta không có sự cọ sát cảm nhận, cảm xúc với vật thể hay môi trường. Chúng ta nhớ về kinh nghiệm của giây phút ấy, chúng ta uỷ nhiệm (outsource) cho máy ảnh làm sự việc vô hình trung làm mất công việc của não bộ. Chúng ta không có trải nghiệm giây phút thật sự đó. Nói đúng hơn là máy ảnh bắt được giây phút ấy, không phải chúng ta. Chúng ta không cần có mặt, chỉ cần xem video. Khi chúng ta xem xét một vật gì, ngoài không gian 3 chiều, chúng ta còn được trải nghiệm không gian 4 chiều như âm thanh, thời tiết hay ruồi bu,… 


Khi đi xem The Eagles trên Netflix khác với cảm nhận khi xem trực tiếp ở buổi hoà nhạc ở sân vận động nào đó. Mình nhớ xem ở Wembley một chương trình gây quỹ cho bệnh SIDA gọi là Band AIDS. Ông Bruce Springsteen hát xong phần ông ta với Bono thì bay máy bay Concorde qua NEw York hát tiếp. Sau đó mình chạy về nhà xem truyền trực tiếp thì không còn cảm nhận như hồi chiều ở Wembley.

Mình lấy vợ trên 32 năm, đi chơi với vợ nhiều nơi. Mỗi lần vợ mình nghe bạn bè nói đến địa danh nào là hỏi mình. Mình nói đi rồi, nhắc này nhắc nọ làm gì ở đâu khiến mụ vợ mặt bò đội nón, kêu sao không nhớ. Lý do là chụp hình, chụp hình rồi quăng một đống nên mụ không nhớ gì cả. Cái nguy hiểm là những người không nhớ thường có đức tính khác là tính thù dai. Cái gì tiêu cực là họ nhớ đời đời, nhớ bền vững. Có thể xem đức tính của người quân tử tàu vì 10 năm trả thù chưa muộn. 


Khi xưa, đi viếng viện bảo tàng mình đều có cuốn sổ esquisse và hộp bút chì màu. Khi thấy một bức tranh hay tượng đẹp, gây chú ý thì mình đứng lại vẽ rồi tô màu thì sau này, khi xem một tấm ảnh về tấm tranh hay điêu khắc thì mình nhận ra ngay. Điển hình là ông tây tải tấm ảnh của hoàng cung ở Paris là mình nhận ra ngay, để chắc ăn mình hỏi Palais Royal thì ông ta kêu đúng. Làm sao mình nhớ một hình ảnh sau khi rời Paris trên 40 năm. Vì mình thường đi ngang đây và có vẽ quan sát chỗ này rất nhiều lần. Thiên hạ hỏi mình sao nhớ về Đà Lạt, lý do là đi bộ khắp Đà Lạt, mắt lúc nào cũng để ý xem có mấy trên tỏng xóm hay không. Lạng quạng chúng chận đường tẩn cho một trận, nên phải quan sát.


Hôm trước có một chị tập ở Đông Phương Hội, hỏi mình là những thế mình chỉ cho mọi người tập, cần phải quay video để về nhà xem lại để tập khiến mình buồn cười, khuyên không nên bỏ một buổi tập để quay rồi về nhà chả hiểu, quên không tập.

Bà giáo sư cho rằng khi chúng ta outsource (chữ này khó dịch, ai biết chỉ dùm ngoài bán cái) uỷ nhiệm trí nhớ của chúng ta vào các máy ảnh để bộ não có thể dùng vào việc khác. Vấn đề là chúng ta đi từ việc này đến việc khác và quên những sự việc xẩy ra trước đây do đó không bao giờ cảm nhận hoàn toàn sự việc. Mọi việc nó đều tuần tự thì mới thâu vào bộ nhớ. Khi mình kể chuyện đời xưa, thì tuần tự các hình ảnh lại lộ ra như ngày hôm qua.


Bà ta làm một thử nghiệm khác để xem xét trí nhớ của sinh viên về những lời hứa và thực hiện. Điển hình khi chụp ảnh chúng ta nói sẽ làm một cuốn album sau khi tải về DropBox hay Drive,… mình cứ nói sẽ lựa ra mấy tấm ảnh về Đà Lạt xưa, có đâu 1,000 tấm nhưng lười làm. Có dạo có bác nào muốn giúp mình việc này mà tìm không ra tên trên Facebook. Nếu đọc thì xin liên lạc với mình qua tin nhắn.

Phim Dolce VIta của Fellini khiến mình chỉ muốn đi viếng La MÃ để đến bể bơi Trevi này để xem. Cảnh tượng quá đẹp. Lần chót đến đây là thấy có người rờ túi quần, may là khôgn để ví trong túi quần


Bà ta cho sinh viên đi viếng bảo tàng lại và nhờ họ làm như sau: chụp hình các vật thể, tranh ảnh, tượng và chụp hình họ đứng bên cạnh các vật thể. Sau đó bà ta phỏng vấn họ.


Bà ta khám phá ra là cảm nhận rất khác nhau khi chúng ta có trong ảnh và ngoài ảnh. Nếu chúng ta ở trong ảnh thì chúng ta nhìn chúng ta đang làm việc gì thay vì cảm nhận về vật thể. Khi nhìn tấm nhỏ, việc đầu tiên khi nhìn một tấm ảnh là chúng ta tìm chúng ta trước và không nhớ đến vật thể ngược lại khi nhìn tấm ảnh thì sinh viên đều nhận ra cảm xúc, nghĩ gì khi đứng xem chụp vật thể.


Điển hình nếu chúng ta thấy tấm ảnh chụp đứng bên cạnh tấm ảnh La Joconde ở viện bảo tàng Louvres, việc đầu tiên là thấy chúng ta rồi nói tấm tranh nhưng không nói lên cảm xúc của mình khi đứng trước tấm tranh. Khi xưa mình đi viếng chỗ này thì có đứng xem xét, càng đứng lâu lâu càng thấy nụ cười ngầm của phụ nữ trong tranh. Sau đó mình đứng vẽ nháp tấm tranh nên khi nào nhìn lại mình vẫn cảm nhận nụ cười của người đàn bà trong tranh như 45 năm về trước. Bà giáo sư kết luận là máy ảnh rất hay nhưng không thể nào thay thế hay so sánh với bộ não trí nhớ của chúng ta.

Đối tượng một thời ở Tây 

Dạo này có vụ hát Karaoke, mình thấy thiên hạ cứ nhìn vào bản nhạc hát, bị điều kiện hoá bởi lời chữ trên màn ảnh truyền hình chạy nhanh hay chậm hay điện thoại thông minh nên thường là sai nhịp. Trước kia khi hát người ta học thuộc lời bài hát để diễn đạt theo cảm xúc, ngày nay chúng ta cứ đọc chữ để hát cho theo chữ tắt trên màn ảnh thay vì nhịp điệu nên khó mà hát gây cảm xúc cho thính giả.


Càng về già, chúng ta nên tập giúp trí nhớ cả không thì sẽ trả nhớ về không rất nhanh. Theo thống kê thì người Mỹ đến năm 82 tuổi là có đến phân nữa bị bệnh Alzheimer. Tập đọc sách, vẽ, đừng đụng đến điện thoại khi ra ngoài. Nhìn và quan sát cảnh vật xung quanh để lắng nghe tiếng động, tiếng nói, hơi thở để chánh niệm được cuộc sống để nhận thấy mình hạnh phúc, không bị lệ thuộc vào điện thoại hay một máy móc nào cả.


Nói như con nhà phật, chánh niệm khi đang làm việc gì thay vì để điện thoại thông minh sống dùm ta. Rồi hát hãy sống dùm tôi hãy thở dùm tôi, IPhone nè.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn