Tuần này, thấy một ông tự xưng là Thi Đà Lạt, đăng tải những hình ảnh về Đà Lạt khiến mình thất kinh vì thấy một thông tín bạ của một anh chàng học chung khi xưa tại Yersin, nhà có thời ở trong xóm mình trước khi dọn qua đường Phan Đình Phùng, gần ngã ba chùa, cạnh tiệm bán phân của gia đình Nguyễn Đắc Hớn. Anh chàng này có lần liên lạc với mình, nay ở San Diego. Mình có trả lời nhưng không thấy anh chàng liên lạc lại.
Lâu rồi, mình có đọc trang nhà của anh chàng này, hình như là chủ tiệm một tiệm cà phê ở đường Yagut. Anh ta sưu tầm máy móc âm thanh cũ khi xưa. Không ngờ anh ta tìm đâu ra những tài liệu khác về học đường, các trường tại Đà Lạt xưa. Anh ta có tải mấy tấm ảnh đám tang của ông Cửu Quế từ đường HÙng Vương, qua Lê Quý Đôn, đến Phan Đình PHùng tới Mả Thánh. Để hôm nào mình xem lại mấy tấm ảnh này, sẽ kể thêm về đường xá Đà Lạt xưa qua mấy tấm ảnh này. Hỏi thêm thì ông nội anh ta là người cùng làng với ông Võ Quang Tiềm, làng Ngọc Anh. Anh ta có gửi mình tấm ảnh ông Tiềm dự dám tang của ông Cửu Quế. Mình đoán ông ta đi lính khố xanh hay khố đỏ, đánh giặc bên tây thời đệ nhất thế chiến nên được lên chức Cửu nên người ta gọi ông Cửu Quế. Ông ngoại mình khi xưa đi lính khố Xanh lên chức đội Thất nên thiên hạ ở Huế hay gọi là ông Thất Do. Qua Tết, đi chơi rảnh mình xem hình lại tra tự điển mấy chữ Hán để hiểu thêm.
Giáo sư Anh Văn có thầy Tạ Tất Thắng có dạy mình vài tháng ở Văn Học. Thầy dạy trường Trần Hưng Đạo và hội việt Mỹ.
Tấm ảnh này khiến mình thất kinh, nhớ lại thời xưa còn bé. Mỗi tối mình đi đón ông cụ học thêm ở trường Hiếu Học này, do thầy Chử Bá Anh làm hiệu trưởng, trước khi dọn trường về số 4 Hoàng Diệu, mang tên Văn Học Đà Lạt. Ông cụ giải ngủ, thi đậu vào làm thư ký của ty Công Chánh Đà Lạt. Ban đêm ông cụ đi học thêm để đậu trùng tu bằng tiểu học, được vào ngạch, có thêm lương nuôi con. Sau này, có con mình cũng bắt chước ông cụ đi học trùng tu về đầu tư địa ốc suốt mấy chục năm.
Hình này cho thấy mấy cuốn vở của của Hồ Thanh Hỷ, học với mình tại Yersin, hàng xóm khi xưa. Nhớ dạo đó các cuốn vở được bao bởi các tờ giấy dầu màu này. Đầu năm là ra các tiệm sách ở Khu Hoà Bình, mua một cuộn tròn giấy này, rồi về nhà đo khổ xong thì lấy dao rọc từng miếng rồi bọc mấy cuốn vở, rồi dán étiquette, viết tên mình và lớp. Anh chàng này học 5 ème M3, với Nguyễn ĐÌnh Tài còn mình học M2. Vỡ được bọc giấy và dán cái étiquette bằng keo. Xem mấy tấm ảnh này bao nhiêu kỷ niệm một thời kéo về. Để hôm nào đi chơi với vợ, rảnh mình kể.
Thẻ học sinh của một cô học sinh Yersin, lớn hơn mình 2 tuổi, chắc học trên lớp vài năm. Mình đoán là chị ta học trên mình hai lớp vì niên khoá 62-63, mình học 11 ème, ngồi cạnh con trai ông Tôn Thất Đính, rồi đảo chánh ông Diệm thì tên này chạy mất đất. Vì ông bố bị đổi đi đâu. Nhìn tấm ảnh này mới nhớ khi xưa mình cũng có thẻ này, không biết để làm gì, chắc để mượn sách ở thư viện của trường. Vì ra đường, đâu ai hỏi giấy tờ như sau này lên trung học.
Học bạ ở Petit Lycee của ông nào có tên tây, chắc tên thánh hơn mình chắc cũng 2 năm vì năm này mình học 10 ème. Ông này là anh cô trên, nay ở Pháp. Tiến sĩ. Mình có kỷ niệm khá vui. Ông cụ mình ở BAn Mê Thuột nên thường là chú Hành, con ông bà KHoa hàng xóm ký học bạ màu này cho mình thế bà cụ. Có lần mình bị xuống hạng nên tự ký luôn khiến bà đầm kêu bà cụ lên trường vì dám ký tên thế bố mẹ. Họ kêu còn tái phạm thì sẽ bị đuổi học chi đó.
Cái này thông tín bạ màu khác ở Grand Lycee, nói chung là Chán Mớ Đời về số điểm hàng tháng. Của ông nào tên Nguyễn Văn Huy, trên mình 4 lớp. Vì 67-68 mình mình lên 6 ème. Năm Mậu Thân nhớ đời. Nghe cô em kể là đang ở Pháp, học ra tiến sĩ.Mình có học với bà đầm Cavalier này và thầy Tường, dạy Việt văn. Xem hình thấy có nhiều người trông quen quen, học trên mình 2 lớp. Nhớ cuối năm, bà đầm ngồi bắt chí trên đầu mình. Lý do là thầy Tường kêu Có CHí Thì Nên, do đó mình nuôi chí để nên người. Hôm trước, có mấy người học Yersin dưới mình một lớp đến nhà đón giao thừa Tây, có nói đi thăm thầy Tường ở bên BỈ, Bruxelles. Ai mà xinh gái nhất là cô có thẻ học sinh ở trên. Lúc này cô ta học trên mình ít ra một lớp. Hình này do bố cô bé xinh xinh chụp cho trường.
Thẻ học sinh để giảm giá vé xe lửa, gia đình trú quán tại Nhà Trang. Còn nhỏ mà phải xa gia đình, ở nội trú. Vậy là chị này có đi xe lửa răng cưa, Đà Lạt-Phan Rang, rồi Nha Trang. Còn sống xin liên lạc để mình hỏi vụ xe lửa răng cưa lịch sử của thế giới.
Học bạ trường Văn Học. Mình có hai cái năm đệ nhị B và đệ nhất B. Ông này học dưới lớp, cũng có thể khai trụt tuổi vì sinh năm 1957 nhưng học trễ.
Quảng cáo trường Văn Học chắc để học luyện thi tú tài, môn Toán Lý Hoá, có tên thầy Phạm Kế Viêm
Quảng cáo về hai lớp ban C thi tú tài.
Niên khóa 69-70. Lối vẽ này rất thịnh hành vào thời đó. Quảng cáo hai trường Văn Học 1 và Văn Học 2. Sau này Văn Học 2 được đổi thành Văn Khoa ở gần CHi Lăng.Thẻ học sinh của trường Việt Anh, có chữ ký của thầy hiệu trưởng Lê Phỉ
Quảng cáo luyện thi tú tài năm 75 nhưng đứt gánhTrường Trần Hưng Đạo lại gọi Thành Tích Biểu. Hiệu trưởng thầy Phùng Văn Hưởng, có dạy mình một năm, môn Vạn Vật tại Văn Học.
Thành Tích Biểu của trường tư thục Trí Đức.
Thành Tích Biểu của tư thục Lasan Adran. Ông này học dưới mình
Thẻ học sinh trường Trần Quốc Toản thời Bảo Đại. Mình không biết trường này ở đâu, chắc đổi tên khi mình lớn lên. Bác nào biết thì cho em xin để bổ túc.
Chứng chỉ học trình của trường Việt Anh năm 1960 có chữ ký của hiệu trưởng thầy Lê Phỉ, vẫn còn sống tại Đà Lạt. Mình có kể về thầy.
Thiệp mời của trường đại học Đà Lạt
Thành tích biểu của trường Bùi Thị Xuân, năm 1974-1975 xem như đứt gánh luônPhiếu báo danh đi thi đại học Đà Lạt