Thánh ca lịch sử mùa giáng sinh


Cứ đến mùa giáng sinh thường các đài phát thanh nhạc hay chuyển tải “Largo”, một giai điệu trong vở opera mang tên Serse, của nhạc sĩ George Frederick Handel, viết cho hí viện của nhà vua tại Luân Đôn vào thế kỷ 18. Mình không thích nhạc ông này lắm. Vở opera Serse không được công chúng yêu mến, phải ngưng sau vài lần trình diễn và không bao giờ được diễn lại khi tác giả còn sống. Serse là từ ngữ Ý Đại Lợi cho “Xerxes”, tên của vị hoàng đế của xứ Ba Tư, đi chinh phạt Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5 và bị thất bại. Gần đây có cuốn phim nói về 300 người lính Spartan, chận đoàn viễn chinh của hoàng đế ba tư, đánh te tua tại cổng Thermopylae. Sparta nổi tiếng huấn luyện lính rất giỏi thời xưa, mình có ghé thăm khi viếng thăm Hy Lạp. Mình nhận thấy ở Hoa Kỳ ít ai để ý đến lịch sử của các xứ khác nhưng ở âu châu, khi nói chuyện, người ta hay đem những điển tích trong lịch sử lâu năm của Châu Âu nhất là Hy Lạp ra để diễn đạt ý tưởng họ muốn nói. Tương tự người Việt hay dùng điển tích của người Tàu để diễn đạt suy nghĩ của mình. Ở âu châu cần học lịch sử các nước lân cận nhất là nền văn mình la-hy.

Giai điệu này được gọi là Ombra mai fu, (không bao giờ là cái bóng). Tại sao người ta hay nhắc đến giai điệu này của nhạc sĩ Handel? Bởi vì nhạc của ông ta được phát thanh lần đầu tiên trên thế giới qua làn sóng điện Amplitude Modulation  (AM.) 


Đêm giáng sinh năm 1906, hai nhà tiên phong về làn sóng điện, Reginald Fessenden và F.W. Alexanderson phát thanh qua làn sóng điện AM từ thành phố Brant Rock thuộc tiểu bang Massachussetts, với sự mở đầu Largo của nhạc sĩ Handel, kèm theo đó là một thông điệp về giáng sinh. Chỉ có những người nghe được làn sóng điện ngoài biển khơi mới nghe được nhưng chắc chắn đã đem lại cho họ sự yên ấm, bình yên trong đêm giáng sinh, mọi người trên thế giới đón mừng sự ra đời của vị cứu tinh. 


Cứ tưởng tượng trong đêm tối, trên biển cả vào đêm giáng sinh, xa gia đình, bạn bè và quê hương, bổng nhiên tiếng rẹt rẹt trong làn sóng mà người ta sử dụng để liên lạc, cầu cứu ngoài biển khơi, họ nghe lần đầu tiên âm nhạc cổ điển. Mình nhớ đến muôn đời khi đi xem hoà nhạc hát tại hí viện của thành phố Torino, Ý Đại Lợi, lần đầu tiên trong đời. Nghe họ hát Carmina Burana của nhạc sĩ Carl Orff khiến mình mê nhạc cổ điển từ dạo đó đến nay. Sau này sang làm việc tại Luân Đôn, mình mua vé hàng năm đi nghe Opera. Rẻ. Ở Hoa Kỳ thì mấy vụ văn hóa kiểu này đắt tiền nên chỉ có một thiểu số, có khả năng thưởng thức, ngoại trừ vào các viện đại học xem trình diễn với các dàn nhạc ít nổi tiếng hơn.


Luân Đôn là thành phố văn hoá, âm nhạc theo mình là số 1 ở âu châu. Biết bao nhiêu kịch, nhạc, đủ thứ loại mới, cổ điển được dàn dựng hàng ngày. Mình ở đó 2 năm, tuần nào cũng đi xem kịch, opera hay nhạc Punk với bạn đầy nơi. Thường các show như MIss Sàigòn, Evita, Les Miserables,…khởi đầu tại Luân Đôn. Khi ăn khách thì họ mới cho qua New York. Điển hình về truyền hình cũng vậy, chương trình American Idol hay American Got Talent đều xuất thân tại Anh quốc trước khi đưa sang Hoa Kỳ rồi đi khắp thế giới.

Sự phát thanh của giai điệu Largo, tác phẩm được xem là một sự thất bại ê chề của nhạc sĩ tài danh Handel khi xưa, nhưng cũng đánh dấu lần đầu tiên nhân loại, nghe nhạc qua là làn sóng phát thanh và đã thay đổi hoàn toàn nhạc cổ điển hay tất cả các loại nhạc trên thế giới. Nhất là cách thức, phương tiện nghe nhạc xem như cuộc cách mạng âm nhạc. Các đài phát thanh ra đời và họ bán radio như điên khắp thế giới và ngày nay chúng ta nghe nhạc từ các điện thoại thông minh.


Trước khi đài phát thanh được chế tạo, hay trước khi các kỹ thuật thu âm được sáng chế, con người nghe nhạc trực tiếp. Chúng ta phải có mặt trong căn phòng với người chơi nhạc và ca sĩ. Nhạc bị giới hạn bởi không gian vì căn phòng, nhà thờ, hí viện ở một thời điểm nào đó hay phải ra các Amphitheatre lộ thiên như ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ,… Như trường hợp mấy đứa con khi xưa, học chơi đàn tranh và đàn bầu, chỉ được trình diễn trong các hội trường của trường học hay chơi trumpet tại các buổi lễ của trường tổ chức.


Âm nhạc đã được dân chủ hoá, giải phóng thoát khỏi các hí viện, bởi sự phát minh các máy thâu âm và đài phát thanh, giúp các người nghèo có thể thưởng thức được âm nhạc cổ điển vì khi xưa, âm nhạc chỉ để dành cho những người giàu có, có khả năng mua vé đi xem tại các hí viện. Nếu không chỉ có những dân ca trong các hội hè tại làng quận.


Trước đây, chúng ta không được tự do thưởng thức âm nhạc, hay nghe nhạc tuỳ theo hoàn cảnh của chúng ta. Chúng ta bị giới hạn bởi thời gian và không gian, với chương trình. Chúng ta cần nhiều yêu tố để có thể nghe nhạc. Chúng ta phải mua vé trước, bận áo quần như đi dạ hội, đến đúng giờ vì nếu không sẽ bị bắt đứng ngoài rạp cho đến hết phần đầu.

Thậm chí 60 năm về trước, ở Đà Lạt muốn nghe nhạc, mình phải đợi tối thứ sáu có chương trình nhạc yêu cầu trên đài phát thanh Đà Lạt để được nghe những bản nhạc mới ra đời, được yêu cầu bởi thị dân Đà Lạt. Còn chương trình Nhân Dân Tự Vệ thì cứ giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh, vận nước gặp hồi gian nguy. Ôi nhân dân ta ơi cũng nhau kết đoàn, cũng nhau chống giặc không gì hay hơn. Ngồi học bài với cái radio bên cạnh. Hay nghe trực tiếp truyền thanh trận đá banh của phóng viên Huyền Vũ từ Mã Lai, khi đội tuyển Việt Nam Cộng Hoà thắng giải Merdeka năm 1966. Dần dần các băng thâu nhạc ra đời, người dân chuyền nhau nghe và các nơi sang băng lậu giúp dân chủ hoá phương cách thẩm âm nhạc của người dân.


Ngày nay, chúng ta không cần xem trực tiếp, có thể thâu hình rồi khi nào rảnh mới mở lên xem, không cần biết kết quả trận đấu trước. Hay nghe nhạc lúc nào hứng thú, cảm nhận đầy cảm xúc.


Nhờ các phương tiện truyền thông mà chúng ta mới có nhạc POP, đủ thứ nhạc ngày nay. Những giai điệu mới lạ được giới thiệu. Nếu không được yêu chuộng bởi thính giả sẽ bị khai trừ ngay vì radio cần bán quảng cáo.


Mình có kể vụ làn sóng nhạc do đài phát thanh Europe 1 phát thanh hàng ngày tại pháp đã đưa thế giới nhạc trẻ qua chương trình Salut Les Copains. Mà sau này mình qua pHáp thì được nghe trên chương trình Hít Parade mỗi chiều, được giới trẻ gọi điện thoại vào yêu cầu hay bầu bán. Từ đó người ta bán các sản phẩm về các ca sĩ hàng đầu của chương trình, mở các cuộc lưu diễn tại các thành phố nhỏ, tạo dựng một nền kinh tế rất phát triển giúp bán băng nhạc, thời trang và sách báo. Giúp ca sĩ kiếm tiền nhiều với một chương trình tiếp thị có bài bản lâu dài.


Ngày nay, qua các mạng xã hội, chúng ta không cần phải được lăng-xê mà qua các dạng như YouTube, các nhạc sĩ hay ca sĩ có thể được phát hiện và yêu chuộng khắp nơi trên thế giới và làm tiền qua các các môi trưởng truyền thông này. Điển hình là thể loại Gangnam xuất phát từ đại hàn rồi lan truyền khắp nơi trên thế giới.

Chúng ta có thể lựa chọn thời gian không gian để nghe nhạc không những thế mà khi chúng ta thèm, hay cảm xúc cần nghe vào thời gian nào đó. Thậm chí còn hát theo khi đang tắm, đang cuốc đất hay chạy bộ. Nhiều khi cả ngày buồn chán, chúng ta có thể thể mở những bản nhạc vui để giúp thay đổi tâm thức hay hát karaoke. Chúng ta có dàn nhạc, chuyển hóa giọng ca lè tè trở thành chuẩn qua phần mềm được cài đặt, tạo ảo giác, chúng ta là một đi-va, một đi-vô, rồi được chồng đem hoa tặng, có tiền ở trong để boa anh nhạc công. Chán om. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 






Đầu năm nói chuyện Living Trust

Hôm trước, bà vợ của ông nuôi ong trong vườn, cảm ơn đã nhắc ông chồng làm living trust. Nay ông ta về hưu nên mật ong của tên thay thế ông ta sẽ đắt hơn. Đọc một nghiên cứu của YouGov về tài chánh thì được biết trên 2/3 người Mỹ không có làm di chúc, thừa kế tài sản. Nếu người Mỹ sinh ra tại đây còn không làm thì người Việt di cư của mình chắc ít hơn. 

Nếu ai không làm thì con cháu có khả năng phải hầu toà và tài sản thừa kế có thể sẽ không được chia theo ý muốn của người qua đời. Có thể họ không có gì để chia cho con cháu nên không màng đến. Trên thực tế thì khi qua đời con cháu vẫn phải ra hầu tòa dù bố mẹ không có gì để lại. Lý do là bố mẹ có thể nợ ai đó như nợ ngân hàng mua nhà hay xe hoặc thẻ tín dụng,.. tòa cần xem người quá cố có nợ ai để lấy tài sản còn lại để trả nợ cho người đã về thiên quốc. 
Chúng ta có thể nói là chết là hết để mặc chúng tự lo. Vấn đề là khi mình còn sống, thậm chí đầu óc còn minh mẫn nhưng có thể bị toà án đề cử một người giám hộ, chưa chắc là con cháu mình để quản lý tài sản mình. Đang sống vui vẻ ở nhà, bị đưa vào viện dưỡng lão. Người giám hộ được chỉ định bởi quan toà có thể bán tháo bán sạch tài sản để trả tiền viện dưỡng lão và tiền công giám hộ của họ. Mình đã kể, còn ai muốn tìm hiểu thêm thì lên Netflix xem các phim tài liệu về vụ này. Điển hình là cô ca sĩ Britney Spears làm biết bao nhiêu tiền nhưng ông bố kêu cô ta không quản lý được tài sản nên ông ta phải quản lý tài sản cho cô ta rồi kiện tụng đủ trò. Còn con cháu đánh nhau vì khi bố mẹ hơi Ngô Ngô ngáo ngáo thì như cơm bữa.

Chưa kể khi về già, người Mỹ sống cô đơn, con cháu ít về thăm, có thể bị nhóm lừa đảo tìm cách bán sạch tài sản. Cứ lâu lâu thấy tin mấy người hưu trí bị lừa gạt. Ai tò mò thì xem chương trình “American Greed.” Nhiều người chuyên đi lừa, cứ nhờ toà để họ làm Executive cho mấy người gì vì họ không có khả năng rồi bán tống bán tháo. Hôm nay mình đọc một tài liệu người Mỹ về già có đến 61% cảm thấy sự cô đơn, bị trầm cảm. Dễ bị lừa đảo. Hôm tước, đọc báo có tin hai vợ chồng người Mễ, tin con trai nên mua nhà đứng tên con trai, nay bị đuổi cổ ra khỏi nhà vì người chủ nhà bán cho ai. Ông con đã bán căn nhà cho người bán lâu rồi. Về già, không nhà ở.

Khi chúng ta đang trong tuổi lao động nhất là con còn nhỏ thì việc thừa kế tài sản không nằm trong những gì quan trọng cần thiết những lo âu toan tính thường nhật. Vấn đề là chúng ta không biết khi nào, giờ phút, năm nào sẽ ra đi, nhất là khi lên trên 6 bó.


Nhớ 25 năm về trước, khi mình khi mua bảo hiểm nhân thọ thì đi Seminar về hậu sự thì các cụm từ “living trust” và “revocable trust” hay “irrevocable trust” khiến mình nghe như bò đội nón. Nhưng cũng nhắm mắt nhờ luật sư làm đại vì có anh bạn người Ái Nhỉ lan, di cư sang Hoa Kỳ cùng thời với mình rủ đi làm.


Có người bảo tại sao mua bảo hiểm nhân thọ để khi chết thì bà vợ, lãnh tiền tử đi lấy thằng khác. Ngu gì để thằng khác hưởng. Thoạt đầu thấy có lý nhưng nếu đọc tài liệu thì phụ nữ mỹ lập gia đình hay ở chung với một người đàn ông khác sau một năm ly dị hay chồng chết. Lý do là khả năng tài chánh không đủ để nuôi con. Vợ anh đi lấy thằng khác vì yêu hắn thì Anh chết, nằm dưới đất, không làm gì được. Nhưng nếu vợ anh, bắt buộc phải ngủ với một tên khác, cung phụng hắn để có thể nuôi con anh. Tên này có thể bạo hành con của anh, khiến tương lai có thể có nhiều vấn đề tâm lý hay tù tội. Đó là vấn đề của anh. Mình thấy rõ nhất với mấy người mướn nhà. Lâu lâu thấy mấy bà gọi kêu là ông chồng đi theo bà nào khác, rồi vài tháng sau lại gọi kêu bỏ tên người đàn ông khác vào hợp đồng mướn nhà.

Khi nói đến tài sản thừa kế thì đa số chúng ta rất ái ngại, lo sợ về cái chết như là nói chuyện xui xẻo, nói quở. Nhất là khi về già, kêu trù ẻo tao hả. Năm ngoái có anh bạn mỹ quen từ lúc mấy đứa con còn đi học tiểu học chung trường, bơi đua cùng đội. Lăn đùng ra chết 18 tháng trước khi về hưu. Cuộc đời có thể khẳng định một điều là sớm muộn gì chúng ta cũng đi theo ông bà dù muốn hay không. Đúng giờ là phải đi.


Vấn đề là không biết lúc nào. Có người muốn chết nhưng cũng không được. Cô em mình có người anh rể, nằm Coma trên 10 năm, ở nhà trong phòng riêng nhưng chúa vẫn chưa gọi về. Vì chưa có tên trong sổ lên thiên quốc. Họ chưa chia lô bán đất cho anh trên đó được vì có nhiều người ghi danh hay đặt cọc sớm hơn. Mình có anh bạn cứ rên là ông bố sợ chết nên không dám làm gì cả sợ là điểm gở lại ở tiểu bang xa con cháu nên Chán Mớ Đời. Nói ông bố thì ông ta kêu mày trù ẻo tao nhưng có lẻ ông bố muốn hành mấy đứa con sau khi qua đời. Phải trả tiền bay đến tiểu bang nơi ông ta ở để lo thủ tục thừa kế, trả nợ nần thiên hạ. Con cháu không đến thì tiền điện nước ga, thuế địa Trạch không đóng thì thành phố sẽ kêu bán đấu giá. Còn dư tiền thì xung công quỹ thành phố.


Mình đi rất nhiều Seminar miễn phí, có nơi cho ăn sáng ăn tối nên cứ tha hồ bò lại ghi danh để bồi dưỡng thêm về sự việc thừa kế ở đất Mỹ này. Ăn chùa nhiều lần nên từ từ mình hiểu thêm chút ít rồi nhắm mắt làm Living trust rồi từ từ hiểu thêm nên bổ túc và làm lại living trust cách đây 4 năm cho hợp với những gì hai vợ chồng mong muốn. Tuần tới ở nam cali, họ cho ăn miễn phí nên mình ghi danh đi nghe, miễn được bữa cơm Ý Đại Lợi.


Lý do là con lớn và người mình nhờ đứng ra làm bảo hộ nếu lỡ hai vợ chồng có mệnh hệ nào trong khi hai đứa con còn nhỏ qua đời sớm. Nay thì để tên hai đứa con làm người thừa kế vì chúng lớn. Mình có người quen, không làm di chúc, Living trust nên khi qua đời, con cháu cãi nhau kiện nhau ra toà. Họ nằm dưới mồ, nhưng trên này con cháu đánh nhau khiến họ cũng không yên, về thiên quốc.


Khi chúng ta không kế hoạch hoá thừa kế tài sản của mình thì khi qua đời, theo luật của Hoa Kỳ thì phải đưa ra toà thừa kế (probate Court), không biết tiếng Việt dịch ra sao. Con cháu phải mướn luật sư để lo giấy tờ vì không rành về luật pháp tại Hoa Kỳ. Số tiền luật sư phí và hầu toà có thể lên đến $50,000 cho tài sản nho nhỏ. Trường hợp của ông Elvis Presley, được người Mỹ xưng danh là cha nhạc Rock, qua đời bất thình lình, không làm di chúc khiến toà thừa kế kéo dài trên 20 năm, cuối cùng cô con gái ruột chỉ lãnh được đâu trên 1 triệu đô la hay ông ca sĩ Prince cũng lâm vào tình trạng này. 

Theo thống kê thì trung bình ở Cali chi phí luật sư và toà án như sau:

  • 4% trên số tiền $100,000 đầu tiên
  • 3% trên số tiền $100,000 tiếp theo
  • 2% trên số tài sản $800,000 tiếp theo
  • 1% thêm trên số $9 million tiếp theo 
  • 0.5% thêm trên số $15 million tiếp theo
  • Tòa án sẽ quyết định số tiền cho tài sản trên $25 triệu.
Ai có một căn nhà tại Cali xem như có tài sản trên 1 triệu. Nói chung là tại Cali có thể mất độ 10% tài sản nếu phải ra toà thừa kế.

Những điểm sau đây khiến chúng ta cân nhắc khi làm kế hoạch thừa kế.


1/ kiểm soát bây giờ và mai sau

Để mình bình dân học vụ cho dễ hiểu. Khi chúng ta thành lập một công ty, một pháp nhân để buôn bán hay trồng cây, xem như đại diện chúng ta. Công ty này sẽ có hội đồng quản trị bầu một người làm tổng giám đốc để điều hành công ty. Nếu người tổng giám đốc không làm việc tốt, khiến công ty thua lổ lả thì ban quản trị có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm, và bầu một người khác có khả năng thay thế.


Tương tự khi thành lập Living Trust, như một pháp nhân đại diện cho hai vợ chồng như thành lập một công ty. Ban quản trị là hai vợ chồng rồi bầu một người tổng giám đốc được gọi là “trustee”, để quản lý tài sản. Nếu chúng ta minh mẩn thì hai vợ chồng đồng làm “trustees” và có ghi chú trong trường hợp mình qua đời hay nằm Coma thì ai sẽ là người đứng ra thay thế chức tổng giám đốc (successor trustee) để lo cho hậu sự cho chúng ta, quản lý tài sản, cuối cùng chia tài sản ra sao. Chúng ta có thể sửa đổi hay bổ túc thêm Living trust nhiều lần trước khi về thiên quốc. Do đó người Mỹ gọi là “revocable trust”, là có thể thay đổi trong suốt thời gian mình còn tại thế. Đừng làm kiểu “irrevocable trust” vì cái này thì không được sửa đổi gì cả. Thí dụ: muốn người thừa kế là con mình nhưng con mình chết trước mình là ngọng. Con dâu hay con rể vớt tiền chạy mất dép.


2/ tránh probate (tòa thừa kế)

Khi đã làm trust thì sẽ không phải ra tòa thừa kế. Di chúc để lại dù không bị tranh cãi vẫn có thể bớt một số tiền tòa án và luật sư phí. Ông nuôi ong trong vườn mình cuối cùng đã mướn luật sư do mình giới thiệu để làm living trust khiến bà vợ thứ 4 mừng quá. Ông ta lấy vợ mấy lần mà trong di chúc cũ ông ta đề tên người thừa hưởng gia tài là bà vợ đã chết hơn 20 năm qua. Khi chết thì con cháu của bà vợ trước sẽ lãnh gia tài. Trust là một riêng tư không công bố cho công chúng nên không ai biết. Nếu không làm trust thì khi qua đời có nhiều chuyện xảy ra. Ai đó ra tòa kêu người quá cố là cha hay nợ họ gì đó là tòa bắt phải trả nợ cho họ hay chia gia tài. Hay con rơi con rớt từ đâu bò về đòi gia tài.


3/ ghi tất cả những di nguyện

Làm living trust sẽ giúp chúng ta ghi tất cả di nguyện như di chúc, chia chác ra sao, cúng dường. Khi nằm coma có muốn được rút ống hay không nếu không cứ sống như thực vật, con cháu phải bán nhà cửa đủ thứ để trả tiền nhà thương. Khi hết tiền thì vào nhà thương thí. Hay cho các nội tạng cho ai cần.


Chúng ta có thể dùng các văn chứng như power-of-attorney và các di nguyện về y tế cũng như hậu sự chớ đừng Hãy nói về cuộc đời khi tôi không sống nữa hay khi tôi chết đừng đưa tôi ra nghĩa địa, tốn tiền, đừng nói, đừng nói nữa em ơi. Nên nhờ luật sư chuyên về luật gia đình để bàn luận.


Chúng ta rất nhậy cảm về hậu sự khi chúng ta không còn sống nữa. Nếu chúng ta thật sự thương con cháu thì nên làm để con cháu theo đó thi hành di nguyện của mình thay vì để khơi khơi khiến chúng cãi nhau như mổ bò. Đứa thì nói bố muốn như thế này, mẹ muốn như thế kia. Nhiều khi con cháu đến thăm, lúc đó nói như thế này, lúc khác nói như thế kia. tốt nhất là viết xuống, ký tên. Living trust rất uyển chuyển vì chúng ta có thể thay thế bất cứ lúc nào nếu còn minh mẫn.


Trên mạng có nhiều tài liệu để làm miễn phí nhưng tốt nhất là nên nhờ một luật sư chuyên về luật gia đình làm. Khi làm rồi thì chúng ta sẽ đỡ lo, con cháu cũng nhẹ nhõm vì biết được di nguyện của bố mẹ trước nên khi đụng chuyện thì sẽ theo việc đó mà làm, không cãi nhau. Sẽ giúp chúng thương nhau sau khi mình qua đời thay vì không nhìn mặt nhau. Điển hình người thì kêu bố muốn được thiêu, rồi đem tro về Việt Nam rãi ở sông Hồng, người thì kêu muốn chôn bên cạnh bố thế là cãi nhau.

Có thể lúc đầu chúng ta mất thời gian để làm living trust nhưng sau này khoẻ, con cháu ít tốn tiền cho luật sư hơn và không cãi nhau. Tình anh chị em vẫn đời đời bền vững.


Đầu năm cuối năm em nhắc nhở các bác lo hậu sự nhưng đừng có gọi em nhé vì em sẽ không trả lời rồi cho em là Lemon question . Ra Bolsa kiếm luật sư về luật gia đình mà hỏi. Lý do là luật sư chuyên về gia đình thì họ hiểu rõ hơn, đỡ tốn tiền hơn. Nếu gặp ông hay bà chuyên lo đụng xe, tai nạn ăn 33% thì họ không rành, lại bán cái cho ông bà nào rành về luật gia đình, ăn thêm hoa hồng.


Hôm kia, em đi dự một Seminar về thừa kế do một công ty tài chính mời. Họ cho ăn miễn phí nên đi, không bắt buộc phải làm với họ. Em dắt theo thằng con để nó hiểu thêm chút gì. Có một điểm em quên nhắc là các tờ giấy uỷ quyền về y tế, tài chính, cần phải được thị thực chữ ký. Nếu không có thì bác sĩ, hay ngân hàng sẽ không thi hành theo chỉ thị của người thân.


Chúc các bác cùng thân quyến một năm mới vui vẻ để xeo-phì năm 2024.


Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao

Dù hàm răng không còn chiếc nào

Dù thân thể còm nhom như là con cóc

Dù bước đi vô cùng khó nhọc 

Nhưng vẫn thường xeo phi tặng nhau.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Xeo-phì hay Tự-sướng


Mình đang cố gắng, không lên mạng từ đây đến cuối năm 2023 để suy nghĩ về cuộc sống với Internet. Mỗi ngày lên Internet nhất là mấy mạng xã hội để đọc tin tức quá nhiều khiến mình không kịp suy nghĩ. Chưa hết tin À thì tin B đã xoá mờ trong não bộ. Khi xưa, đi uống cà phê với bạn để chém gió, ngày nay chỉ cần gửi tấm ảnh chụp của ai đó lượm trên mạng một tách cà phê cho mọi người, thậm chí chưa bao giờ gặp mặt. Khi gửi một tấm ảnh đại trà ra thì có giá trị gì không vì bạn hữu thường có người thân hơn người chỉ quen, nay đại trà bạn bè thì hơi lạ. Như thế giới đại đồng hoá các người quen cũng như chưa bao giờ gặp.


Mình cũng xóa mấy cái app mạng xã hội trên điện thoại để khi ra đường, không phải mở ra để xem. Lâu ngày trở thành thói quen. Chỉ về nhà, rảnh thì mở ra vào sáng và chiều. Nếu không thì bị mấy vụ này chia phối quá nhiều thời gian và quên sống. Đi ăn với vợ con mình bỏ điện thoại trong xe. Nói cho ngay là tập chính niệm.


Hôm trước, có một người ngoại quốc sử dụng gú gồ để chuyển ngữ, muốn kết bạn với mình nhưng bị chận. Mình lên mạng xem người này là ai thì thấy họ giảng kinh thánh chi đó nên chỉ biết kêu Amen. Mình cũng chận mấy người nhắn tin kêu tết này có về quê, đủ thứ. Mụ vợ kêu không được trả lời vì spam, bị virus này nọ nên mình cũng chận luôn. Không dám mở. Ai muốn nhắn tin thì cứ nhắn trên các còm, em sẽ trả lời cho chắc ăn.

Chúng ta đang sống một thời đại mà chưa ai đã từng trải qua trong lịch sử loài người. Cái điện thoại thông minh trở thành một vật bất khả ly thân. Người ta có thể bỏ vợ bỏ chồng nhưng không thể bỏ điện thoại thông minh, vì thiếu điện thoại thông minh, chúng ta sẽ hết thông minh, đần độn như nông dân Sơn đen. Hôm trước Lệ Thu, con gái STT Đà Lạt xưa, từ Pháp qua, đến nhà countdown, kêu tui chịu câu Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen của ông.


Đi xem đá bóng, hoà nhạc,.. khán giả thay vì xem cầu thủ chơi bóng, dàn nhạc âm hưởng chơi, lại lấy điện thoại ra quay. Có lẻ chúng ta quen làm việc, đọc tin tức qua máy tính nên phải xem trận đấu hay buổi hoà nhạc qua màn ảnh của điện thoại. Ông Thích Nhất Hạnh đã qua đời nếu không sẽ hỏi ông ta khi chúng ta nhìn sự vật qua điện thoại thông minh, là chánh niệm hay chánh niệm thông minh.

Đồng chí gái và Lệ Thu, con gái STT Đà Lạt xưa vào đêm Saint Sylvestre. Ai cũng mê cô này hát nhạc tây.

 Hôm trước, đi ăn với mấy đứa cháu, có thằng cháu cứ cầm điện thoại hoài trong khi ăn khiến mình phải lấy điện thoại bỏ bên cạnh mình, nói ăn xong sẽ trả lại cho nó. Thấy thương nó vì cứ nhìn cái điện thoại hoài dù đã 32 tuổi đời. Đám trẻ ngày nay về nhà lại dính vào vụ chơi game.


Mặt khác, thiên hạ từ tây sang đông lại ùn ùn đi học về nhìn lại bản thân, yoga, thiền định,…cho thấy cuộc sống khá phức tạp. Chúng ta muốn nhìn lại chính mình nhưng mặt khác lại cứ mở điện thoại ra để xem có gì lạ ở đâu đâu, thật giả cũng không biết. Ông tây tên Montaigne khi xưa làm khổ mình vì đọc những gì ông ta viết, chả hiểu gì cả khi mấy ông tây dạy về ông tây này. Ông ta có phán câu: “quand je danse je danse et quand je dors je dors”. Đại khái ông ta đã chánh niệm từ lâu. Không biết ông ta có biết về Phật giáo thời đó chưa nhưng dám kêu khi tôi nhảy đầm thì tôi nhảy đầm, khi tôi ngủ thì tôi ngủ. Ngày nay, chúng ta có thể gọi tôi xeo-phì là tôi xeo-phì.

Có tấm ảnh lịch sử khi cầu thủ James LeBron, ngày 7 tháng 2 năm 2023, trở thành người ghi bàn nhiều điểm nhất của giải NBA Hoa Kỳ. Ai nấy trong khán đài đều đứng dậy quay phim, giây phút lịch sử ấy riêng chỉ có ông chủ của đội banh, ngồi im, không có điện thoại trong tay. Chúng ta có thể gọi ông ta già cổ hủ nên không biết gì nhưng chưa chắc. Ông ta giàu có, có thể có cách suy nghĩ khác đã khiến ông ta hốt tiền của những người bỏ tiền vào chụp hình, quay phim.


Khi tất cả khán giả đứng lên quay phim chụp hình lia lịa, nêu lên hai vấn đề: người quay phim, bỏ mặt tất cả ngay cả chính người quay, để nhìn từ đàng xa qua khung ảnh và thứ hai họ quay phim cho quá khứ của tương lai. Giây phút đang được họ quay là quá khứ của ngày mai hay 1 giây, 1 tiếng, 1 ngày sau đó. Xem như họ không có chánh niệm tại giây phút đó. Như vậy họ đang ở đâu ở giây phút đó? Luật của ông Einstein được áp dụng vào trường hợp này ra sao.


Đêm giao thừa tại Champs Elysees 

Không như ông Montaigne, xem bóng rổ là xem bóng rổ. Họ vừa ghi giây khắc lịch sử ấy để làm kỷ niệm như qua máy ảnh của điện thoại để khỏi quên nhưng họ không nhận thức sự việc ngoài những hình ảnh của máy ảnh điện thoại, không khác gì một người khác đang xem trên truyền hình trực tuyến. Vậy tại sao phải bỏ tiền đến tận nơi xem nhưng lại quay hình vì ở nhà chúng ta có thể xem giây phút ấy qua truyền hình dưới nhiều gốc độ khác nhau.


Điển hình, hôm nay đi ăn cơm với hai đứa con thịt vịt quay mà một ông thần trong nhóm cầy tây cầy ta giới thiệu trên El Monte. Việc đầu tiên là hai đứa con chụp hình. Chỉ thấy được không gian cho phép của máy ảnh điện thoại thông minh, lại bỏ rơi sự việc là đĩa thịt vịt bắc kinh nằm trên cái bàn rộng lớn, không nhỏ bé, thu gọn trong phạm vi của màn ảnh điện thoại. Những tấm ảnh chụp sẽ bị những tấm ảnh chụp sau này nhận chìm và rồi lỡ sau này có lần xem lại cũng không nhớ chụp ở đâu.


Mụ vợ mình thích chụp hình nên lâu lâu bạn của mụ nói đến tiệm ăn, chỗ nào đó thì mụ muốn mình dẫn tới. Mình nói đã ăn tiệm đó rồi hay đã đến chỗ nào, du lịch viếng thăm được nhắc đến mấy năm trước, giờ tháng nào thì mụ như bò đội nón, không nhớ. Có anh bạn học khi xưa kêu học chung với mình cùng trường, cùng thầy, ở Đà Lạt để rồi ngày nay khi mình kể về Đà Lạt, những gì xẩy trong trường, trong lớp, anh ta nhìn mình ngơ ngác. Thậm chí anh ta không nhớ đến buổi văn nghệ cả lớp tổ chức, anh ta và người em đánh đàn trong ban nhạc hôm đó. Anh ta là tiến sĩ tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, đại học danh giá nghe. Không phải nông dân Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen .

Khi xưa, anh ta học rất giỏi, học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm. Chánh niệm vào học hành mà quên cuộc sống bình thường với bạn bè, Đà Lạt khi xưa. Mình kể khi xưa, được một tên nào chỉ một cô gái xinh trong trường hay ở Đà Lạt cảm thấy hạnh phúc. Anh ta kể khi xưa ở Đà Lạt, giải được một bài toán khó, cảm thấy hạnh phúc. Nói chuyện với anh ta về toán học, học hành thời đó thì anh ta nhớ đủ hết ngược lại nhà ta ngơ ngác khi mình kể chuyện tình học trò giữa mấy người trong lớp hay ở trường. Có bạn học khi xưa, tiếc là khi xưa chỉ lo học, không trải nghiệm những gì mình đã trải qua khi còn sinh sống tại Đà Lạt. Phải có sự trao đổi. Học giỏi để được điểm cao đi du học hay đi phá xóm như mình để rồi làm nông dân.


Nay mụ vợ sống chung với mình trên 32 năm, kêu không nhớ những nơi đã đi qua. Có phải vì khi viếng thăm, mụ chỉ muốn chụp hình để làm kỷ niệm, như bỏ vào album để rồi không bao giờ nhớ. Khi xưa, chưa có điện thoại thông minh, người ta chụp hình rồi in ra, bỏ trong một album, ghi xuống địa danh, ngày giờ thì khi mở album ra lại, chúng ta còn đọc ghi chú để nhớ lại kỷ niệm xưa ấy. Nay có nhiều hình ảnh, giờ nhìn lại chả nhớ gì cả, không biết đâu là đâu. Người Mỹ hay nói chúng ta là những gì chúng ta nhớ. (We are what we remember) mà nếu chúng ta không nhớ thì chúng ta là ai? Do đó mình muốn ít vào mạng để xem lại chính mình.

Ngày xưa, ở Đà Lạt mỗi lần được bố mẹ dẫn đi ăn cơm tàu, ở tiệm Kim Linh, tổng cộng là 2 lần trong suốt 17 năm sinh sống tại Đà Lạt. Cả hai lần đều được ăn món tả phí lù. Nhớ lại là nhớ đến mùi vị của món đó, trời lạnh, cả nhà ăn xụp xùi, mùi nước tương vị yểu, chất ngọt của cải hay rau vẫn theo khứu giác của mình đến ngày nay. Hay ở Paris, được ăn những bữa cơm gia đình ở nhà ông bà Cayla, PELLERIN hay những lần được chủ mời đi ăn khao ở các tiệm quá đỉnh. Miếng da của vịt quay hôm nay ăn nhẹ nhàng, mềm, cắn cái rụp hoà tan vào cái lưỡi của mình sẽ nhớ mãi nhưng nếu chụp hình thì mình chắc sẽ không nhớ gì. Vì não bộ sẽ giao lại cho iPhone làm việc lưu giữ hình ảnh thời gian của đĩa thịt vịt quay được đem ra, đặt trên bàn.


Năm 2024, mình tính sẽ bớt vào mạng xã hội, để có thì giờ đọc sách thêm và đi chơi với mụ vợ. Có nhiều dự định đi chơi trên núi 2 lần mỗi tuần, rồi leo núi ở phương trời xa để chụp mụ vợ rồi một ngày nào đó phải nhắc lại cho mụ là đã đi rồi thì mụ nhìn mình như bò đội nón rồi kêu rứa à. Chán Mớ Đời  

Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao

Dù hàm răng không còn chiếc nào

Dù thân thể còm nhom như là con cóc

Dù bước đi vô cùng khó nhọc 

Nhưng vẫn thường xeo phi tặng nhau.


Xin chúc các bác cùng gia quyến được nhiều sức khoẻ và năm 2024 vẫn giữ các bác tràn trề sức khoẻ để xeo-phi tự sướng.

Đi dạo với mụ vợ, thấy phong cảnh đẹp, mình chụp mụ vợ để sau này không đi nổi, còn có gì để nhìn lại đời mình thấy rong rêu. Hôm qua, đi bộ vào buổi chiều trên biển Hungtington bEach. Về già, mình chỉ trả $20/ năm để đậu xe ở bãi biển. Đi bộ hít khí trời ở biển cho có iode.  

Đang dự định tổ chức họp mặt dân Yersin Đà Lạt xưa, năm nay tại Nam Cali. Bác nào muốn tham dự thì cho em biết để báo với ban tổ chức. Thức ăn thì có Ghiền Mỳ Gõ, Ghiền Cơm Hến, Bún Bò Huế đảm trách với Ghiền Cơm Bụi. Chỉ cần bay về tham dự. Xong om 


Nguyễn Hoàng Sơn