Baguette văn hoá Tây tạo dựng?

 

Dân Đà Lạt trước 75 đều nhớ đến lò bánh mì Vĩnh Chấn ở khu HOà BÌnh, đầu đường Duy Tân. Sau Mậu Thân, họ có mua một lò điện làm bánh mì to đùng mà tây gọi bánh mì “baguette” khiến họ giàu có gần như lấy hết khách hàng của các lò bánh mì khác như đường phan Đình Phùng, cạnh tiệm bán gạo Sơn Hà, mà họ bỏ mối nhà mình mỗi ngày 5 ổ để mấy anh em ăn sáng. Nay ở Bolsa thấy mấy lò điện nhỏ xíu, tự làm luôn. Thượng chỉ việc kéo ra bán cho khách hàng. Hôm qua đi ăn thịt vịt quay ngon nhất miền nam Cali thì thấy cái lò nướng vịt của họ bé tí tí, treo 10 con vịt. Quay vịt rất nhanh mà khi ăn miếng da. Tuyệt vời.


Dân Đà Lạt đứng xếp hàng nhiều khi dưới mưa để đợi bánh mì ra lò, mua nóng, vừa đi vừa thổi vừa ăn. Ngon cực. Kỷ niệm lớn nhất về thực phẩm ở Đà Lạt là món này. Nếu chịu khó bỏ trong áo blouson, chạy về đến nhà, lấy bơ trét lên bánh mì, cho chảy ra hết nhai. Mình có anh bạn, khi gặp lại ở Gia-nã-đại, anh ta chỉ nhớ đến vụ ăn bánh mì Vĩnh Chấn nóng với bơ ở nhà mình. Mình thì nhớ ăn bún thang của mẹ anh ta làm. Hình như dạo mình ghé thăm gia đình anh ta ở Gia-nã-đại, bà mẹ có làm món bún thang cho mình ăn lại. Đời chỉ đẹp khi ăn bánh mì Vĩnh Chấn. 

Cuối phố là tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, cạnh tiệm thuốc tây Nguyễn Văn An, con rể của ông Phạm Quỳnh. Bà An quen mẹ mình từ ngoài Huế.

Sang tây ở Paris thì mình thấy dân tình mua baguette mỗi ngày ăn mệt thở, còn dư thì bỏ trong các “boîte à pain” nhưng khi có dịp đi chơi ở vùng quê như Normandie hay Bretagne thì vào các lò bánh mì thì họ bán bánh mì tròn tròn, to như cái mâm mà tây gọi “pain de campagne”. Thế này là thế nào. Đi mấy xứ bên cạnh như Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha,…thì họ ăn bánh mì nhưng khác lạ, không có baguette. Mấy xứ Bắc Âu thì ăn bánh mì đen thùi. Xem như baguette là đặc sản của Pháp quốc. Hình ảnh một ông tây đội cái mũ béret và ổ bánh mì baguette kẹp nách về đến nhà thơm nồng mùi hôi nách nhất là dân tây ít tắm. Ngoài ra họ có làm bánh mì kiểu baguette nhưng nhỏ và ngắn hơn, gọi là “Ficelle”.

Bánh mì baguette cũng nuôi mình biết bao nhiêu năm thời sinh viên. Cuối tuần các tiệm ăn đại học đóng cửa, lười đi xa nên mua ổ baguette và lon cá hộp Sumaco nhập cảng từ Maroc, ăn thôi. Cùng giá tiền ăn ở đại học xá. Khi nào sang thì mua saucisson với Cornichon ăn cho đời giống tây. Ổ baguette giá 1 quan gần trường mình, có chỗ bán 1.2 quan như ở khu mình ở, thêm hộp cá mòi giá 0.5 quan. Mua thêm bình sữa tươi là xong bữa ăn.

Ông này thắng giải bánh mì ngon nhất Paris năm nay 2023, xem mặt thì không phải tây chính cống. Mỗi năm có đâu gần 200 tiệm bánh mì Paris dự thi. Xem lò bánh mì nhỏ xíu không như cái lò của tiệm Vĩnh Chấn Đà Lạt xưa, mua của tây về

Gần đây, UNesco đã tuyên dương “baguette” là văn hoá phi vật thể gì đó của thế giới dù bánh mì baguette chỉ mới xuất hiện rất gần đây độ 100 năm từ thế kỷ 20. Hàng năm có giải thi đua xem lò bánh mì nào ở Paris làm baguette ngon nhất để giao bánh mì cho điện Elysees, nơi tổng thống pháp ở trong vòng một năm. Đa số là do các chủ lò bánh mì gốc di dân thắng. Mấy năm trước có ông gốc Tunisia thắng. Dân tây da trắng không muốn làm nghề chân tay nữa. Dân di dân sang tây, đói đi làm thợ vịn rồi nghề dạy nghề, khi chủ tiệm về hưu, con cái không theo nghề nên bán lại cho người làm. Vài năm nữa ở Bolsa, các tiệm ăn Việt Nam toàn do người Mễ làm chủ. Nem cuốn sẽ được gọi burito Vietnamita.

Có 2 người Pháp buồn đời nghiên cứu về lịch sử baguette qua tựa đề “pain et liberté” dầy cộm, bán đến 45 Euro. Kinh. Dịch ra tiếng Việt là “bánh mì và tự do” khiến mình tò mò gửi mua từ bên tây. Sách bên tây đắt mà thiên hạ đọc nhiều trong khi ở Hoa Kỳ sách rẻ nhưng ít ai đọc. Tây hết gọi Liberté, Égalité et Fraternité. Giờ đói rồi nên chỉ cần bánh mì và tự do chửi nhau.


Có ông thần nào tự xưng là sử gia về bánh mì kêu: “C’est un pain qui est plus facile à faire que des miches rustiques, un pain qui est fascinant justement par sa forme phallique.” Đại khái là dễ làm hơn bánh mì ở quê mà tây gọi là miche de pain. Một loại bánh mì được làm từ xưa, tròn tròn, như ổ bánh tây nhất là ông này nói đến từ “phallique”, tính từ của dương vật. Thế là mấy bà nội trợ pháp khi xưa thích mua baguette vì hình ảnh của dương vật. Kinh

Người Pháp hay có cái này để đựng bánh mì gọi là boîte de pain

Dạo mình ở Pháp, họ cho ra đời hai loại nước uống: Perrier và Orangina. Họ nói công ty sản xuất cố tình làm chai tròn tròn như dương vật, điển hình các chai dầu gội đầu, kem xoa mặt,…tạo ra một hình ảnh vô hình trung khiến phụ nữ yêu thích như cầm, sờ mó dương vật. Ngày nay thì chắc phải nhắc đến các ông đồng tính. Ngày nào, xem truyền hình, đi xi-nê đều thấy quảng cáo suốt mấy năm liền và ngày nay thiên hạ khắp thế giới mua uống đầy. Phụ nữ là người mua sắm tất cả thứ tiêu dùng nên họ cố ý vẽ các đồ gia dụng với hình thể dương vật để khiến phụ nữ, trong tiềm thức yêu mến và mua. 


Mình có theo học một lớp về quảng cáo, họ giải thích trong các rạp xi-nê, có nơi xịt một loại hoá chất khiến thiên hạ yêu thích trở lại cũng như trong các tiệm lớn. Nhất là tại các sòng bài, họ xịt một loại hóa chất để người ngồi đánh bài không bỏ đi đâu hết đến khi hết tiền thôi. Lần sau các bác đi Las Vegas, để ý mấy người hút bụi, họ xịt một loại hoá chất nơi ghế trống. Bác nào không muốn chồng đi cà phê lú thì cứ xịt loại này trên giường là các bác trai sẽ ở nhà.


Nếu nói về packaging thì nếu họ làm hình bằng hình ống thì đỡ mất chỗ thay vì làm cái đầu chai nhỏ lại. Nghe mấy ông bác sĩ ở bệnh viện cấp cứu kêu hay thấy mấy bà, giận đời vì thấy mình quên, đút cái chai vào âm vật rồi bị bể nên kêu xe cứu thương lại để bác sĩ rút ra. Kinh


Người ta kêu có 3 huyền thoại nói về sự cấu thành, ra đời bánh mì baguette. Một là xuất phát từ thời Napoleon ở thế kỷ 19, khi ông ta đem quân đi đánh đông dẹp tây để rồi bị nhốt, hát karaoke Người yêu cô đơn với Tuấn Vũ, ở đảo Saint Helene. Mình có kể về thời gian này, quân đội của ông ta ra giải thưởng cho ai có thể giúp cách để bảo quản thức ăn, giúp quân đội ăn thường ngày, lâu hư. Bánh mì baguette dễ mang theo, bính sĩ có thể bỏ trong túi của họ thay vì ổ bánh mì “miche” to tròn.


Một huyền thoại khác cho biết là ông thợ làm bánh người Áo tên August Zang, mở một lò bánh tại Paris và bán các loại bánh mì có hình ở là, tương tự ở Áo quốc. Đúng hơn là ông này đã chế ra bánh croissant (bánh sừng trâu) nổi tiếng. Đi Áo quốc thì mình có đọc tài liệu về vụ này. Cái này thì sử gia tây cũng công nhận.


Huyền thoại thứ 3 là baguette được cấu tạo tại các công trường xây dựng của cuộc đấu xảo năm 1900, như xây dựng các tuyến đường thầm xe điện ngầm mà mình đã kể. Dạo ấy Paris cần thợ nên dân các vùng bò về Paris để làm việc. Các cuộc ẩu đả xẩy ra như cơm bữa giữa đám thợ thuyền nhất là các người Bretagne và Auvergne như người Việt hay nói Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co,… thường được kết thúc bởi đâm nhau. Do đó các chủ công trường xây dựng yêu cầu các lò bánh mì bán bánh mì loại nào dễ bẻ thay vì cần đến con dao.


Để giải thích cho ai chưa bao giờ sống ở Pháp, khi xưa thợ thuyền, nông dân đi làm đều đem theo bánh mì tròn, thường họ đem theo saucisson để ăn trưa nên họ đều có con dao nhỏ đeo bên người. Khi ăn thì lấy con dao ra để cắt các lác saucisson và bánh mì nên khi giận đời hay rút dao để đâm tên nào dám cãi hay co. Hồi ở tây mình hay có trong người con dao Thụy sĩ, để cắt saucisson, mở chai rượu,… đến khi 9/11 đến đi máy bay, họ bắt bỏ lại nên hết sử dụng.

Nói đúng hơn thì mấy huyền thoại này bú xua la mua cho vui khi dân tây uống rượu vào rồi nói phét. Đúng hơn là dân thành thị cần ăn bánh mì ra lò hàng ngày vì bánh mì tròn kia rất cứng. Mình nhớ mỗi lần đi săn với gia đình anh bạn ở Normandie. Trước khi đến nhà trong rừng, là chạy đến lò bánh mì rồi mua miche de pain to đùng, dành cho ăn mấy ngày. Cứ đến giờ ăn thì lấy con dao cắt ra từng miếng. Loại bánh mì này to đùng và nặng cả 1, 2 kí lô. Nhất là thiên hạ thích ăn lớp bánh mì cháy dòn bên ngoài hơn là “mie”, ruột bánh mì. Ở Bolsa bánh mì Việt Nam nhỏ nhỏ, phía trong toàn là ruột, mua hai tặng một là vậy còn baguette thì chả có tặng vì ăn ít ruột. Tốn nhiều bột hơn.


Ngày nay, người ta khám phá ra loại bánh mì xưa này tốt cho sức khoẻ hơn là baguette khiến bị tiểu đường. Họ dày công làm lại loại bánh mì khi xưa của tổ tiên gaulois để lại. Họ gọi là Whole wheat. Bột bị xay nát thành bột mì trắng, hết chất bổ kiểu gạo trắng thay vì gạo lức. Mình có xem một phim tài liệu của Ý Đại Lợi. Mấy người nuôi cừu đem mấy con này lên núi mấy tháng để ăn cỏ, mấy bà vợ làm bánh mì ăn 6 tháng, cứng như đá, đen đủi. Họ đem theo để ăn mấy tháng. Loại này cứng lắm nhưng họ cho rằng rất tốt cho sức khoẻ. Mình có ăn một lần, nay không nhớ mua ở đâu. Bánh mì đen, cứng như đá. Bác nào biết ở vùng Quận Cam này có chỗ bán htif cho em xin. Cảm ơn trước.


Từ thời dân tây biết làm bánh mì thì nghề làm bánh mì rất cực vì bánh mì được làm với men để dậy bột, tốn nhiều thời gian. Phải thức khuya để làm để sáng sớm ra lò nóng hổi người Pháp đến mua. Nhớ năm ngoái mình làm thử bánh mì, men lên chậm, bánh mì cứng như cục đá khiến mụ vợ cười nức nở, kêu mình là tây đui, đến khi bà Mễ giúp việc đến. Bà ta chỉ cách làm vì ông bố khi xưa nghề làm bánh mì chỉ mình cách làm ra sao thì bột mới phồng lên. Cách thức khi xưa để làm bánh mì rất châm tương tự các công nhân làm trong các hầm mỏ. Đâu có đèn đuốc như ngày nay.

Năm 1919, chính phủ pháp ra luật bảo vệ nhân công, cấm các người ở lò bánh mì làm đêm. Mấy ông thần làm bánh mì phải tìm cách làm sao để bột nổi phồng nhanh hơn. Họ tư duy đột phá, thay vì dùng “levain”, mất thời gian để bột dậy, dùng “levure” giúp bánh mì dậy nhanh độ 20 phút toàn là ruột. Bánh mì làm với “levain” thường chua chua, hình như người Mỹ gọi là “sourdough”. Nghe nói bánh mì loại này ăn tốt cho sức khoẻ hơn. 


Khởi đầu dân giàu có mới mua ăn nhưng nhanh chóng trở thành phổ thông sau đệ nhị thế chiến và từ từ các loại bánh mì được làm theo cách cổ truyền không được làm nữa. Chỉ khi về nơi xa thành phố, người Pháp ngại đi mua bánh mì hàng ngày mới có bánh mì cổ mà người Pháp gọi là “pain de campagne”. Baguette cũ thì người Pháp họ thái nhỏ ra gọi là crouton để nướng ăn hay bỏ trong súp ăn. Dạo ở Ý Đại Lợi, viếng thăm nhà anh bạn ở làng quê, bà mẹ cho ăn bánh mì cũ trét dầu olive gọi là bruschetta.


Khi người ta toàn cầu hoá về thực phẩm, các nước tây phương muốn chiếm lãnh vụ buôn bán thực phẩm cho thế giới thì chúng ta thấy xuất hiện hamburger, đi kèm với coca cola quần Bò và nhạc xi-nê,… của Mỹ khắp thế giới. Người Pháp cũng sử dụng một chiến lược tương tự để quảng bá hàng xuất cảng của họ như thời trang, rượu,..và bánh mì baguette được sử dụng làm công cụ quảng bá văn hoá pháp để khuyến khích người dân sở tại mua hàng hóa của họ. Khi anh chị thích bánh mì tây, dần dần sẽ muốn mua thời trang, hàng nhập cảng của Pháp. Họ cho các người Pháp ra hải ngoại để mở các tiệm bánh mì trong khi dân tây lại chen lấn ở đại lộ Champs Elysees để mua MAcDonalds. Chán Mớ Đời

Mình có kể tuần trước về các viện nghiên cứu tại các xứ tây phương, độc lập với chính phủ để tìm cách nghiên cứu về kinh tế, khoa học, giáo dục, giúp xứ họ cạnh tranh với thế giới. Điển hình hình ảnh bánh mì baguette cho là văn hoá của Pháp quốc rất phổ biến khắp thế giới nhằm trong mục đích bán các sản phẩm của Pháp như thời trang, rượu, phô mát,….giúp ông chủ Louis Vuiton và mấy tập đoàn khác trở thành tỷ phú. Việt Nam thì NADA.


Điển hình là sau 75, Hà Nội bán rẻ nước mắm Phú Quốc cho Thái Lan rồi xứ này đóng chai đem bán cho thế giới với nhãn hiệu Made in Thailand, đến nay cứ mua nước mắm của Thái Lan. Lý do là nước mắm Việt Nam toàn là muối và háo chất, không có cá vì không amino acid. Amino acid là protein, chất đạm. Nếu không có các thì không có chất đạm. Nghe một ông trùm hải quan Sàigòn kể là các công ty làm nước mắm, nhập cảng toàn là hoá chất để làm nước mắm. Gạo Việt Nam ST25 mới được công bố là sản phẩm ngon nhất một năm tại Rick Traders thì 2 tuần sau đó có bán gạo nhái loại này rồi họ lại đem gạo này đi dự thi vào mấy năm sau lại rớt đài thì ai dám mua sản phẩm Việt Nam. Hình như năm này tôn vinh dưới dạng tên khác. Gạo Việt Nam bán rẻ mấy lần so với gạo Thái Lan và Cao miên vì chất lượng xấu, nhiều thạch tín.


Trước đại dịch covid có đến trên 90 triệu du khách viếng thăm Pháp quốc hàng năm trong khi đó dân số của Pháp quốc chưa đến 70 triệu. Biết bao nhiêu tiền được người Pháp thu vào. Nội mỗi ngày mấy du khách đi tiểu, phải vào quán cà phê uống hay ăn cái gì đó để tè là đủ giàu. Năm nay thì nghe nói đâu gần 50 triệu và sang năm có thế vận hội tại Paris chắc con số du khách sẽ nhảy vọt. 

Ngược lại Việt Nam có 18 triệu du khách trước Covid mà phân nữa là người Tàu nhưng nay chỉ có 3.8 triệu, giảm 400%, không biết trong số này bao nhiêu Việt kiều. Cho là 50%. Du khách người Tàu thì chỉ có 1.1 triệu. Lý do họ chê Việt Nam, thích đi Thái Lan dù đắt tiền hơn. Chỉ nhìn con số là chúng ta biết dù Việt Nam rẻ nhưng không thu hút được du khách ngoại quốc. Lý do? Văn hóa Việt Nam không được quảng bá trên thế giới. Muốn được thế giới biết đến, cần phải quảng bá tiếp thị văn hoá cho thế giới biết.


Năm nay, mình đi chơi với đồng chí gái tại mấy nước mà Liên Xô cũ, thân hữu đa số không biết hay chưa bao giờ nghe tên thì làm sao có du khách đến viếng mấy xứ này. Có vịnh Hạ lOng, thì chỉ thấy du khách tây phương đi về đăng hình ảnh, rác nổi lênh bênh trên biển. Gần đây có ông thần nào, bắt chước Trung Cộng, xây dựng đảo nhỏ để làm biệt phủ. Nay không thấy nói đến nữa. Đi Georgia, thấy mấy tu viện được UNESCO đánh giá là văn hoá của thế giới. Mấy ông thần xứ này với tư duy đột phá học của Liên Xô khi xưa nên cho xây thêm, sửa chửa cho hoàng tráng hơn như Marx đã dạy. Thế lại bị UNESCO tước danh hiệu. Đi viếng 10 chỗ thì 6 cái bị tước danh hiệu. Chán Mớ Đời 


Thí dụ; người Việt muốn bán đồ làm tại Việt Nam. Cứ cho các đoàn hát múa rối nước đi khắp nơi trình diễn như ballet của Nga, Shi-Jun của Đài Loan. Sau khi xem xong người ngoại quốc thấy hay nên tò mò đi tìm về văn hóa Việt Nam, du lịch để tìm hiểu thêm, ăn phở, uống cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc, ăn bánh mì thịt như ngày nay, mấy món này nổi tiếng rồi từ từ bán áo dài, quần lãnh, nón cối từ từ đến xe Vìnfast chớ nay người ta không biết gì về Việt Nam, lại tọng cho họ xe điện Vin-chậm là ngọng. Nếu có một hay vài viện nghiên cứu độc lập với Hà Nội, sẽ giúp ý làm sao để phổ biến văn hoá Việt Nam, để bán sản phẩm maze in Việt Nam cho thế giới. Người tây phương làm cái gì cũng có chiến lược lâu dài. Không đột xuất tư duy vẽ biểu ngữ treo trên đường phố.

Thời chiến tranh Việt Nam, có nhiều Việt kiều yêu nước giúp Hà Nội thắng mặt trận chính trị tại hải ngoại. Mình có đọc bờ lốc của một ông giáo sư của đại học Paris V về thời này cũng như giáo sư NGuyễn Đăng Hưng. Nay thì Chán Mớ Đời. Xem trên mạng tại các xứ Á châu như Nhật Bản, Thái Lan, Nam Hàn yêu cầu người Việt không bỏ mứa đồ ăn hay ăn cắp đồ đủ trò. 


Du khách sang Việt Nam thì bị chặt chém không ngon không ăn tiền. Đọc trên mạng, ngoại quốc chửi du lịch Việt Nam quá cỡ vậy ai dám viếng thăm Việt Nam. Thậm chí trên báo Hà Nội cũng những đăng tin này cho nên không thể nói xuyên tạc. Kêu người Tàu chê Việt Nam dù rẻ. Đi du lịch người ta muốn trải nghiệm tích cực thay vì bị chặt chém một cách dã man. Mình nhớ ăn con tôm hùm ở Đà Nẵng, chưa tới 1 ký giá 100 đô cách đây 20 năm về trước trong khi ở Cali, giá $10/ cân hay 1 ký lô giá $20.


Ở New York, mình thấy các tiệm như Paris Baguette, đủ loại nằm nhiều nơi góc phố. Thậm chí ở Cali có mấy tiệm bánh do người đại hàn làm chủ. Có lẻ dân đại hàn thích baguette, bánh tây nên có mấy tiệm mọc ở các khu đông người đại hàn như Garden Grove, Irvine, Fullerton, nên bị văn hoá tây thu hút. Việt Nam mình thì bị đô hộ nên đã có trong máu rồi qua cà phê bánh mì và các món ăn pháp. Ở Costco họ làm baguette ruột dầy hơn là các tiệm bánh mì Việt Nam. Mình thích mua ở Costco hơn dù đắt hơn bolsa nhưng có chất lượng. Bolsa chỉ toàn là ruột. Croissant của Costco cũng ngon và to đùng.


Có ông thần nào mua Mực Tím Sơn Đen rồi làm ướt hay sao bỏ lò vi-sóng cháy luôn. Chiến dịch đốt sách văn hóa đồi trụy phản động. Chán Mớ Đời 

Cuốn sách Pain et Liberté giải thích rõ ràng chiến lược của người Pháp để bán đồ của pháp qua mặt trận văn hóa trên toàn cầu. Mình có xem một phim do người Pháp làm nói về các công ty như Louis Vuiton, mướn các trẻ em đuối vị thành niên làm việc, trong những điều kiện rất độc hại, đủ trò ở xứ khác rồi họ quảng cáo bán giá trên trời. Những người mua lại cảm nhận mình sang trọng, mua đồ tây nhưng làm tại các xứ nghèo khác. Cho thấy người tây phương rất khôn và thông minh, họ bán một sản phẩm vô hình, văn hoá của họ quà hình ảnh baguette, hamburger, pizza….


Rượu tây chưa chắc ngon hơn rượu của Ý Đại Lợi hay Tây Ban Nha nhưng thiên hạ bu lại để mua ví Louis Vuiton, nên phải ăn thực phẩm, nhà hàng Pháp, mua rượu của pháp, mua áo quần của Pháp, cảm thấy sang trọng hơn... tại sao phải mua chai rượu giá $100 trong khi có chai rượu bán ở Traders’ Joe có $2.5. Uống chả khác gì nhau. Chúng ta bị điều kiện hoá, bởi hình ảnh và quảng cáo về hình ảnh của thời trang, thức ăn pháp,…tương tự các chai nước hay bình đầu gội đầu. Chúng ta có bánh mì baguette và tự do để mua những gì họ quảng cáo. Chán Mớ Đời 


Khi xưa, người tây phương chiếm thuộc địa, nay chỉ cần bán văn háo của họ, vô hình trung chúng ta trở thành nô lệ của họ. Nô lệ văn háo thì không bao giờ thoát khỏi. Vì chúng ta tự nguyện, không bị bắt buộc.  người Tàu đô hộ chúng ta đêm cái văn háo của họ áp đặt lên chúng ta. Có mấy ông tây mũi lò làm được chữ quốc ngữ, cho chúng ta một cách thâu nhập kiến thức nhanh chóng thay vì học Tứ Thư Ngũ KInh của tàu từ 2000 năm qua. Nay lại quay về với tiếng tàu, khổng tử cỏn khổng tử viết. Chán Mớ Đời 

Bán hàng như một cô gái được trét son phấn lên khuông mặt, thấy đẹp lộng lẫy nhưng không ai biết dưới vết son phấn, có những gì. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đời đẹp chán khi gặp người tri kỷ

Lễ Tạ Ơn năm nay, khác với mọi năm, đồng chí gái tổ chức gia đình ăn cơm với vợ chồng ông anh vợ. Không nhộn nhịp như mọi năm với mấy gia đình anh chị vợ khác. Không ai đem điện thoại thông minh ra để chứng tỏ mình thông minh hơn người ngồi chung bàn.


Mình hỏi anh vợ làm sao phát hiện ra mối tình hữu nghị của bà chị dâu. Chị dâu này thương mụ vợ mình lắm, cứ nấu ăn kêu mình đến lấy về cho vợ ăn. Mình có bà mợ, cũng thương mụ vợ, khi xưa chưa bị bệnh, cứ kêu mình lên lấy thức ăn về cho đồng chí gái. Còn mình thì chả ai đoái hoài đến. Rứa là răng. Có người hứa hẹn đủ thứ ở Đà Lạt, nói về đây sẽ đổ bánh căn gia truyền, người thì nói sẽ nấu bún bò. Khi mình về Đà Lạt, mấy bà này chạy mất dép, khi mình rời Việt Nam mới thấy họ liên lạc lại, kêu vì ăn chay nên không dám sát sinh. Không bao giờ tin con gái Đà Lạt ngày nay ngoại trừ đối tượng một thời. Cô nàng có mời đi ăn bánh căn nhưng mình xin lỗi, dành thời gian đi ăn với bà cụ và mấy người em. Hy vọng lần sau có thời gian nhiều hơn.

Mình nhận thấy đồng chí gái rất tốt với mọi người, bạn bè, cháu,… Giáng sinh nào từ ngày lấy nhau đến giờ, đều tổ chức giáng sinh, tết mua quà cho mấy đứa cháu. Mình có 4 bà chị dâu nhưng chả bà nào lo hết, cứ để mụ vợ mình lo nên qua năm tháng mấy đứa cháu thương vợ mình lắm. Con gái mình ở New York, nhưng cứ Tết và Giáng Sinh là bay về nhà thậm chí mấy đứa cháu ở xa cũng bay về ăn tết vì không khí đại gia đình được mụ vợ xây dựng từ mấy chục năm qua giúp mấy đứa cháu gắn bó với nhau. Hè rồi, có đám cưới cô cháu ở Boston, mấy đứa cháu bay qua hết cho thấy anh em, họ hàng gần nhau cần phải có một người kêu gọi lại như con gà mẹ cu cu đám gà về chuồng.


Năm ngoái đi Dubai bên gia đình mình do mụ vợ đưa ý kiến, mời cả nhà bay đến Dubai khiến mình khóc một dòng sông vì phải trả tiền ăn ở, máy bay cho mấy chục người khắp nơi trên thế giới bay về, chúc thọ bà cụ được 90 tuổi.


Lâu lâu mụ vợ lên vườn, hái trái đủ thứ. Mình hỏi chi nhiều vì ăn không hết. Hoá ra mụ đem cho bạn bè. Còn mình, bạn bè hỏi thì kêu lên vườn mà hái. Mình hái là để bán vì phải làm việc đủ trò trên vườn. Do đó bạn bè thương mụ vợ lắm, còn mình thì họ tránh Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Có anh bạn nói mua dùm cho bạn nhưng mình biết anh ta thích bơ vườn mình nên mua, tránh mình bắt buộc cho nhiều nên nói mua cho thân hữu. Mình kêu thằng con hái rồi đem giao tại nhà 2 thùng 40 cân anh, lấy tiền cho nó xài.

Anh vợ mình kể là sau 75, bị đi cải tạo được 3 năm thì cho về. Xin vào làm việc cho một công ty xây dựng. Anh ta học kiến trúc trước khi đi lính. Tại đây thì phát hiện ra đồng chí chị dâu. Anh vợ mình là nhà thơ Thanh Toàn, lấy tên cầu ngói mang tên ở Huế. Anh ta nhắc đến bài thơ:


Chia cho nhau miếng cá ngọn rau

Đời đẹp chán khi gặp tri kỷ

Anh vẽ hoạ đồ thiết kế

Em kiểm văn thư dự toán. (Thanh Toàn)


Chị dâu làm thư ký cho công ty, ông chủ muốn cá độ cho con ông ta nên trưa kêu lên nhà ăn cơm nhưng chị ta không chịu. Có ông kia làm chung công ty đi xe Lambretta kêu để ông ta chở về nhưng chị cũng không ưa, chỉ muốn được ông anh vợ chở bằng xe đạp.


Chưa đám cưới gì cả thì Việt Cộng kêu anh vợ đi kinh tế mới. May mà ông chủ công ty viết văn thư gửi cho công an khu vực, nói đất nước cần những người biết về kỹ thuật. Anh ta đã leo lên xe tải để được gửi lên vùng kinh tế mới thì công an khu vực đem cái văn thư ra đưa, cho tên có trách nhiệm, kêu ông anh xuống xe. Nếu không chắc đã bỏ mạng trên vùng kinh tế mới.

Hai người lấy nhau, ông chủ chết nên chị về làm ở nhà. Chị ta có khiếu về make-úp nên được rất nhiều hoa hậu Sàigòn nhờ làm mặt nên làm ăn khấm khá. Bổng nhiên được giấy tờ đi mỹ với bố mẹ vợ nên hai người băng khoăn không biết nên đi hay không. Rồi cuối cùng đi cho tương lai mấy đứa con.


Người Việt mình hay nói đến cụm từ “duyên nợ” nên mình không hiểu. Cứ thắc mắc “duyên” là gì? Làm sao để giải thích cho mấy đứa con. Theo mình hiểu duyên là điều kiện, tây phương gọi là “condition”. Khi ta muốn nấu bún riêu, phải có nước, mắm tôm, riêu, cà chua,… đó là những điều kiện để hội tụ, để nấu nồi bún riêu. Nếu thiếu những thứ này thì không thể gọi là bún riêu.


Người Việt hay dùng từ “duyên” để nói về gặp gỡ giữa trai gái và lấy nhau thì gọi là “nợ”. Khi vợ chồng bỏ nhau thì họ kêu “hết nợ”. Nếu không có đủ tất cả những điều kiện thì chúng ta không thể nấu được nồi bún riêu. Nấu bún riêu chưa chắc là ngon, dù có đầy đủ điều kiện. Tương tự lấy nhau, có đầy đủ điều kiện nhưng chưa chắc cuộc hôn nhân có hạnh phúc như nồi bún riêu thiếu ruốc. Phải thử vài lần vì không đúng lắm như hôn nhân nào cũng có lục đục, chưa đả thông được tư tưởng. Nếu không chịu khó, thông cảm kẻ nội thù sẽ đưa đến đỗ vỡ hôn nhân.

Hôn nhân lúc đầu cũng phải có đầy đủ điều kiện để lấy nhau. Gia đình đồng ý, thương nhau, trọng nhau. Dần dà các cuộc xung đột xẩy ra, nếu không cẩn thận cuộc hôn nhau vì tình yêu có thể đưa đến hận thù và đổ vỡ. Tại sao các điều kiện tốt hội tụ để đưa hai người xa lạ quen nhau, yêu nhau rồi đưa đến sự chia lìa. Tại vì chúng ta quên một điều, hạnh phúc như trồng một cái cây, cần phải được chăm sóc, phân bón, tưới nước được nhận nhiều ánh nắng mặt trời để có thể lớn mạnh, nhất là các nhánh khô, cần được cắt bỏ để những nhánh tốt có không gian phát triển. Nếu không chăm sóc, tỉa các nhánh chết khô thì dần dà chỉ còn lại nhánh khô.


Hai vợ chồng yêu nhau, đi mua một cây táo, đem về trồng ở sau vườn nhưng không có ai chăm sóc cây táo, đều ní cho nhau thì sớm muộn cây táo sẽ chết. Trong cuốn “Anger”, ông Thích Nhất Hạnh có nhắc đến trường hợp hai vợ chồng đều có bằng tiến sĩ, xem như họ đều có học thức cao, có thể hiểu nhau hơn. Nhưng không, họ sống với nhau, cãi nhau như mổ bò hàng ngày. Cuối cùng bà vợ nói chuyện với người bạn, kêu chịu đựng hết nổi, muốn tự vận. Bà bạn sau khi nói chuyện, nói bà ta nên đi theo bà tham dự một khoá tu thiền. Bà này nói tôi là thiên chúa giáo, không thể nào bỏ đạo. Bà bạn nói, trước sau gì cũng chết thì tại sao không học tập lớp tu thiền rồi chết. Nếu mình không lầm thì thiên chúa giáo không cho phép con chiên tự tử.

Bà tiến sĩ nghe lời đi theo học khoá tu thiền. Tại đây bà ta học được cách nhìn lại bản thân, lắng nghe, chánh niệm,… sau khoá tu bà ta bắt đầu lắng nghe ông chồng và thương ông chồng. Mới hiểu ông chồng đau khổ vì không ai lắng nghe ông ta. Ông ta giận dữ với con, với vợ vì khắc khoải trong nổi cô đơn, không ai nghe hiểu tâm sự của ông. Không ai muốn nghe nổi đau khổ của ông ta. Bà yêu cầu ông chồng đi học một khóa tu khác và ông này cũng nhìn lại mình, hiểu về bản thân mình và không trách móc vợ con nữa. Từ từ họ nối kết lại với nhau qua sự lắng nghe nhau. Khi họp mặt thân hữu, nếu để ý, ít ai chịu khó ngồi nghe cả bàn nói chuyện. Đa số chỉ đợi người kia ngưng để nói cảm nghĩ của họ thay vì lắng nghe người nói. Vợ chồng cũng y chang.


Chúng ta thương chúng ta hơn ai cả. Ngày nay với cộng đồng mạng, chúng ta có thể hiểu cộng đồng mạng là thượng đế. Chúng ta muốn cộng đồng chấp nhận chúng ta như khi xưa đi đến giáo xứ. Cuộc đời chỉ loay hoay trong làng, trong giáo xứ. Thượng đế là giáo xứ, là mọi người trong làng. Chúng ta luôn luôn nghe lời cộng đồng, ai khác lạ được xem là điên khùng. Thòi liên xô, anh không tin chủ nghĩa cộng sản vậy anh là người bất bình thường, phải cho vào nhà thương điên chữa trị. Ngày nay với Internet, một người có thể kết nối với một ai ở Alaska hay đâu đó. Có một người muốn kết bạn với mình, kêu là gửi nhắn tin đủ trò nhưng họ lại dùng gú gồ chuyển ngữ nên mình ngại không dám kết bạn nhất là mở link của họ vì sợ spam. Nên đành kêu Amen.


Chúng ta ai cũng xem cái tôi, bản ngã của mình trên hết, chúng ta muốn áp đặt cái tôi trên mọi người. Đi họp mặt ăn uống tại nhà thân hữu, mình để ý vài người, cứ dành hết thời gian nói chuyện, để đưa ra những quan điểm của mình mặc dù không ai để ý. Họ cứ nói đủ thứ đề tài. Dành nói hết. Họ không nhìn bản thân, hay lắng nghe người khác để xem biết đâu họ có thể học hỏi điều gì từ thân hữu. Mình dám chắc tại nhà, họ cũng không nghe vợ con hoặc bị vợ lấn áp, không cho nói nên ra đường phải nói cho bưa.


Dạo này đi chơi, leo núi với đồng chí gái, mình bắt đầu chịu khó chụp hình kẻ nội thù. Mụ vợ thay vì chụp một kiểu lại đòi chụp quay lưng, rồi nghiêng nghiêng cành lá rồi thực diện, rồi chân trái nhấc lên đến chân phải hất ra sau,… mụ hay kêu đi là con đường hạnh phúc, không cần phải tới đích. Mình thì muốn mụ đi cho mỏi giò để hết nói, hết tạo khẩu nghiệp nhưng khi thấy kẻ nội thù vui hồn nhiên như trẻ thơ đứng cà ẹo, trong ống kính thì thấy cũng vui. Đó là niềm vui. Vợ vui là chính thay vì lên tới đỉnh cho sớm. Khi đi xuống núi thì mụ mệt nên không cần đứng lại chụp hình vì chánh niệm vào hai cái đùi đau quẹo chân.


Từ ngày tập Đông Phương Hội đến nay, mình từ từ mình nhận thức được cơ thể, hơi thở khi đi quyền, kéo nội công, hiểu từ từ, lắng nghe cơ thể rồi từ từ người xung quanh. Khi chúng ta hiểu được hoàn cảnh, lý do kẻ nội thù hay con cái hành xử như thế này thế nọ. Khi đã hiểu thì chúng ta dễ thích ứng với sự quan tâm để hòa hợp với vợ con. Mỗi lần đi chơi với vợ con, mình đều bỏ điện thoại trong xe để chịu khó lắng nghe vợ con. Thay vì ngồi xeo-phì tự sướng. Một tấm ảnh khác với không gian 4 chiều.

Cái duyên, những điều kiện để cho vợ chồng gặp nhau nhưng cần được sự chăm sóc để cái duyên ấy được đâm hoa kết trái. Đó là hạnh phúc đời người.


Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao

Dù hàm răng không còn chiếc nào

Dù thân thể còm nhom như là con cóc

Dù cho bước đi vô cùng khó nhọc

Những vẫn thường hái hoa tặng nhau


Một tiếng hắt hơi, cụ bà tắt thở

Một chiếc xe tang đưa cụ bà ra bãi

Thấy cụ ông đứng đó

Ở trên mồ tay vẫn cầm lá thư tình yêu


Ơi trái tim cụ ông như mặt trời sắp lặn

Ở dưới nơi chim rừng cháy rực

Sáng tình yêu, ngàn năm


Cụ bà vẫn đẹp sao, mụ vợ vẫn đẹp sao, đẹp sao. Đẹp sao đẹp sao…..


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tàu Ruồi trên sông Seine


Ai đến Paris đều thấy du khách viếng thủ đô dọc dòng sông Seine trên những chiếc tàu được gọi “bateaux mouches”, nếu dịch ba chớp ba nhoáng ra tiếng Việt là “tàu ruồi” khiến mình thất kinh, không dám đi sợ ruồi bu. 10 năm ở Paris, mình chưa bao giờ leo lên đây đến khi về lại Paris với vợ con thì không thấy ruồi trên tàu nên hỏi đám tây đầm quen. 

Đầu hay cuối của đảo Cité có bến tàu ruồi, đi xuống từ Cầu Mới (Pont Neuf). Giữa cầu có một tượng vua Henri VIII, nổi tiếng bắt các bà bồ, không được tắm 3 tháng trước khi giao hoan với ông ta. Chụp trên cao khúc Passerelle Des Arts nơi mình đi ngang qua hàng ngày.

Mình được giải thích lý do người Pháp gọi là tàu ruồi. Ở thế kỷ 19, có một khu vực đóng tàu ở Lyon, thành phố lớn thứ nhì của  Pháp, có nhánh sông Rhône mà khi xưa người Pháp gọi Mouche nên từ đó họ gọi những tàu được đóng tại khu vực này là “bateaux Mouche” , không có “s” sau Mouche vì là tên (Nom propre). Các tàu này được sử dụng để đưa khách qua sông hay di chuyển ở các thành phố cạnh bờ sông như Paris. Nếu đi viếng Venise hay Istanbul, chúng ta sẽ thấy các con tàu chở hành khách trên các con kênh được gọi là vaporetto hay người dân Istanbul, đi tàu qua Bosphorus chia cắt Âu châu và Á châu.


Ngày nay đi viếng các nơi có bờ sông, chúng ta đều thấy các tàu chở du khách trên sông như ơ Budapest, Vienne,..trên dòng sông Danube. Có ăn uống múa hát thường là rất dỡ. Ở Vọng Các, mình có đi tàu với bà cụ, ăn uống không ngon lắm, du khách từ Việt Nam hay Thái, dành hết thức ăn rồi bỏ mứa.

Tàu Ruồi nhưng không giống con ruồi. Chán Mớ Đời 

Nói chung các thành phố âu châu khi xưa đều được xây dựng cạnh bờ sông. Lý do là người ta di chuyển bằng tàu và chuyên chở hàng hoá để buôn bán và các vật liệu để xây dựng. Ở Paris, chúng ta thấy các dinh thự, nhà thờ, tháp Eiffel, đều được xây cất cạnh bờ sông Seine giúp chuyên chở các vật liệu xây cất. Ngày nay thì chỉ thấy tàu cho du khách đi chơi và các péniche chở hàng hoá. Mình có quen một tên tây, hắn mua một chiếc tàu nhỏ và neo bên dòng sông Seine để ở rẻ hơn mua nhà. 


Cách đây mấy tháng mình có xem một phóng sự bên Tây, một bà đầm ở trong một chiếc tàu đậu trên kênh Saint Martin ở Paris. Khi xưa, ông Tây bà đầm dạy về các péniche trên con kênh này, nước được đỗ đầy trước khi họ dỡ mấy cái cửa chấn. Phương cách này tương tự đi tàu qua kênh Panama hay trên dòng sông Nile mà mình có viếng thăm cách đây 2 năm. Vợ chồng bà ta mua chiếc tàu trên 30 năm. Mỗi năm phải di chuyển tàu một vài lần khi chính phủ khám xét, xem tàu còn sử dụng được hay không trước khi cấp phép cho tàu sử dụng hàng năm. Hình như bên tây có những chuyến hải hành trên sông với những chiếc tàu nhỏ, bên vùng Venise cũng có. Mình không thích du thuyền lắm nên không nói cho mụ vợ biết , mụ lại đòi đi. Được cái là họ cho đầu bếp giỏi nấu ăn trong 1 tuần hay hai tuỳ tuyến đường. Mình cũng không phải dân thích ăn uống nên chả thiết,

Chiếc cầu đầy kỷ niệm một thời sinh viên, đi qua mỗi ngày đến trường băng qua dòng sông Seine im liềm.

Vào năm 1862, công ty đóng tàu “Mouche” được thành lập, đóng tàu để chuyên chở hành khách trên sông. Có cuộc đấu xảo vào năm 1867 tại Paris, các chiếc tàu này được trưng dụng để chở các du khách thăm viếng cuộc đấu xảo tại Paris. 30 chiếc tàu ruồi này được đóng, theo dòng sông Rhone, chảy theo lên đến sông Seine, để giúp du khách thăm viếng, và dân cư Paris, di chuyển Paris trên sông Seine. 


Nghe kể vì không có phim ảnh, có đến 300-400 hành khách di chuyển trên các tàu ruồi này vì giá hạ và nhanh chóng. Các chuyến tàu ruồi này hoạt động được một thời gian ngắn lại bị dẹp vì thủ đô xây dựng một hệ thống đường ngầm gọi là Métro cho cuộc đấu xảo năm 1900 giúp dân pAris di chuyển nhanh hơn vì có thể đến những nơi xa cách dòng sông Seine. Mình có kể rồi những ngày đầu tiên trên đất Pháp.

Tàu trên dòng sông Rhône, nơi người ta gọi là khu vực Mouche (tiếng tây cổ có nghĩa là nhánh sông). Thấy tấm bảng quảng cáo “chocolat Meunier", công ty sô-cô-la nổi tiếng của tây mà khi xưa, còn bé ở Đà Lạt, bà cụ mua về pha cho mấy anh em uống. Qua tây mình khám phá ra công ty này được Nestle mua. Nên chả còn tây gì nữa.

Sau thế chiến thứ 2 thì có một ông tây mới đột phá tư duy, mua mấy chiếc tàu cũ này, trang trí lại và sử dụng chuyên chở du khách trên dòng sông Seine. Ông ta thành lập một công ty hàng hải mang tên Compagnie des Bateaux-Mouches® vào năm 1950. Ông ta chơi trò cá Tháng 4, ngày 1 tháng 4. Ông ta mướn hai người tên dài dòng lắm, viết một tiểu sử bịa đặt: cho rằng ông chủ của công ty tàu ruồi, tên là Jean-Sébastien Mouche. Một cựu cộng tác viên của ông Baron Haussmann danh tiếng dưới thời đệ tam đế chế Pháp khiến dân tình tưởng thiệt, đến tham dự đông đúc như quân Phú LĂng-xa ngày khai trương của công ty, cũng như bức tượng của ông ta và sử dụng tàu ruồi đi dã ngoại trên sông Seine. Từ đó ai đến Paris cũng leo lên tàu Ruồi. Ban đêm có đèn pha rọi sáng rực hai bên bờ sông Seine. Mình nhớ là chỗ Cầu Mới (pont Neuf) là bến để du khách lên xuống.

Sông Seine, thấy Cité, bên phải là khu La-tinh, chỗ Saint Michel. Dọc sông Seine, có những xập bán sách cũ mà mình đã kể.

Nghe kể có một hội viên của hàn lâm viện Tây tưởng thiệt nên đến tham dự đọc diễn văn bú xua la mua.

Bác nào đến Paris, đi du ngoạn trên tàu Ruồi, thật ra không phải ruồi mà chữ Mouche có nghĩa khi xưa là nhánh sông. Đừng có ngu ngu như em tưởng tàu có ruồi rồi không dám leo lên. Thức ăn thì dỡ lắm. Để tiền vào các tiệm ăn mà em đã kể nhưng nếu có khả năng thì nên đi ăn đêm trên dòng sông này có nhảy đầm vớ vẩn. Phong cảnh hai bên sông thì rất đẹp, hơn cả dòng sông Thames ở Luân Đôn hay Danube ở Đức quốc hay Budapest, HUng Gia Lợi . Xong om

Chúc các bác cùng thân quyến một năm 2024 được nhiều sức khoẻ. Em cố gắng không lên mạng từ đây đến cuối năm 2023.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn