Mình có viết về mấy con hẻm Đà Lạt khi xưa nhưng chưa viết về mấy con dốc Đà Lạt xưa. Đà Lạt là xứ đồi núi nên đi đâu cũng phải leo dốc. Theo ký ức mình thì có vài con đường không có dốc như Phan Đình Phùng, Cường Để, Hoàng Diệu, dọc bờ hồ Xuân Hương. Ngoài ra đều có những con dốc nhỏ.
Theo mình, dốc cao nhất và khó đi nhất vào mùa mưa là dốc Sòng Sơn. Chỗ đường Triệu Việt Vương và đồn Quân Cụ đi vào Suối Tía. Mùa nắng thì đất đỏ, leo lên tới đầu dốc là mặt mũi mình bị bụi đỏ bám như mọi da đỏ. Còn vào mùa mưa thì xem như phải chụp ếch. Đường đất, chưa được tráng dầu hắc. Hay dốc vào đập Đa Thiện, Thung Lũng Tình Yêu. Ngoài ra có mấy con dốc Đào Duy Từ, dốc Xuân An.
Dốc mình hay đi qua là Dốc Nhà Làng, từ đường Phan đình Phùng, ngay khách sạn Cẩm Đô đi lên đường Minh Mạng hay quẹo qua đường Duy Tân. Lối đi thường khi mỗi lần mình ra chợ. Sau này lớn lên, mẹ mua cho chiếc xe gắn máy thì chạy đường Phạm Ngủ Lão ra chợ. Ít dốc. Dạo ấy, xe chỉ có 50 phân khối, không như bây giờ, leo dốc Đà Lạt là một vấn đề. Hai chiếc xe của mình BS và Honda đều được độ lại nên mạnh hơn.
Dốc Nhà LÀng có căn nhà bà giáo Trình trước khi ông Đoàn và tiệm chụp hình Mỹ Dung xây ba căn nhà lầu
Có lẻ con dốc mà mình nhớ mãi vì đi lại mỗi ngày. Con dốc này có đặc trưng: nối dài 3 con đường nổi tiếng của Đà Lạt: Hai BÀ Trưng, Thi Sách và Calmette. Đường Hai Bà Trưng nối liền với Thi Sách thì nối với đường Calmette. Khu vực này có thi sĩ Lệ Khánh và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và một chị đậu tú tài hạng tối ưu, người Nùng, thêm thủ khoa của trường Võ Bị.
Mình có kể là khu vực dành cho người địa phương (người Việt hay người Thượng) mà Tây gọi là indigènes là khu vực dưới thung lũng, đất tương đối bằng như khúc đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng. Khu đất này kéo dài từ Mả Thánh đến đường Cường Để mà ông Võ Đình Dung mua rất nhiều và cho thuê các nhà vườn trồng xú, rau cải.
Mình đọc tài liệu tây thì được biết trong hội đồng thành phố dạo ấy, có 5 thành viên. 3 người Pháp và hai người Việt. Ông Võ Đình Dung là một. Ông ta lên tiếng khi thấy sơ đồ quy hoạch thành phố Đà Lạt, dành cho người Việt rất ít đất, và kích thước các nhà cửa trong khu vực này rất nhỏ so với khu vực người Pháp ở trên đồi xung quanh hồ Đà Lạt. Nhờ đó mà kiến trúc sư Hébrard mới sửa lại chút chút.
Dọc hai còn đường Phan Đình PHùng và Hai Bà Trưng là do người việt ở. Phan ĐÌnh Phùng thì xem là phố tiệm nên có hàng quán còn đường Hai Bà Trưng thì dành cho cư trú. người Pháp cho xây rất nhiều cư xá công chức làm việc tại ty Kiến Thiết, viện Pasteur, ty Bưu Điện, Nha Địa Dư, Ty Công Chánh,…
Giữa hai đường này là các vườn trồng rau cải nên có mấy con đường mòn để nối với hai đường trên để nhà vườn đem phân bón, rau cải ra xe hàng. Hai con đường này được nối với 3 cái chiếc cầu. 1 là trên Mả Thánh, cầu La Sơn Phu Tử, 2 là chiếc cầu ngay khách sạn Cẩm Đô, mà trước đây người Đà Lạt gọi cầu Cửu Huần và 3 là cầu Hải Thượng ngay trường Việt Anh. Giữa 3 chiếc cầu này thì có những con đường mòn nhỏ. 1 ngay chỗ ga-ra Phan Xứng, hãng cưa Xu Tiếng đi qua đường Hai Bà Trưng, chỗ trường Đa Nghĩa. Con đường mòn này, ngày nay, xe hơi có thể chạy vào thì phải. Hôm trước nói chuyện với anh bạn Đà Lạt xưa. Gia đình anh ta được xem là 1 trong 100 gia đình người Việt đầu tiên đến định cư tại Đà Lạt. Mẹ anh ta nhận giấy khen thưởng khi xưa. Anh ta cho biết Mẹ anh ta thường gọi Cầu Quẹo là cầu chỗ đi qua Chợ Nhỏ, chỗ tiệm thuốc Tây Lâm Viên và tiệm may của ông Ba Hoà, chuyên may liễn.
2 là chỗ Ngã Ba Chùa đi băng qua vườn ông Ba Đà đến xóm Địa Dư và Công Chánh, 3 là chỗ chợ NHỏ, ngay tiệm thuốc Tây Lâm Viên, tiệm may của ông Ba Hoà, qua cư xá Địa Dư dường Hai Bà Trưng, 4 là chỗ cây xăng Ngọc Hiệp, đi qua tiệm mì quảng của ông Bắc Kỳ đến Hai Bà Trưng và một ngay gần trường Tân Sanh đi qua Hai Bà Trưng, chỗ trường Hiếu Học khi xưa.
Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang ở gần xóm mình, trên đường Calmette. Khi xưa, anh ta có làm một bản nhạc mang tên “tình tôi, con dốc nhỏ”. Có thể anh ta lồng cuộc tình vào những lúc đi về nhà, sau khi đến nhà đả thông tư tưởng một nữ sinh viên, từ Sàigòn lên Đà Lạt trú học tại nhà một chị bạn ở đầu đường Hai Bà Trưng.
Nhìn hình này thì mình đoán được chụp vào những năm 1950, trước khi gia đình mình dọn về đây. Nhìn hình thấy đơn sơ thật, nay thì Chán Mớ Đời. Thấy cư xá Bưu điện bên tay phải, đường Hai bà Trưng trước khi đến trường Đa Nghĩa. Còn trên đồi thì lãnh địa Đức BÀ (Domaine de Marie). Dãy nhà ông Lê, bà con chi với ông Tô trên đường Thi Sách, chưa được xây cất. Chỉ thấy nhà Hiếu học Yersin khi xưa. Thậm chí dãy nhà Cao Quốc Tuấn, ông Định chưa được xây. Mình nghe người lớn kể là dạo mới dọn về đây, heo rừng, Nai thậm chí ông 30 về. Hình của Đà Lạt Xưa, lấy trên Facebook.
Hình này, có lẻ chụp từ đường Hàm Nghi. Cận cảnh cho thấy căn đầu của cư xá Địa Dư mà căn đầu tiên bên phải là gia đình ông Lào ở. Nghe nói ông ta mới mất đâu 3 tuần trước. Mẹ mình có đi đám.
Mấy căn nhà hình chữ A thuộc cư xá Công Chánh (8 căn). Mỗi nhà như vậy được chia làm hai căn kiểu duplex. Căn đầu tiên, số 42 bên tay phải của cư xá Địa Dư do nhà ông NHị ở, bên cạnh là ông Điện, bố của thầy Trịnh Minh Đức, dạy Pháp Văn.
Bác Nhị có 3 người con trai và một cô con gái út. 3 người con trai là Bảo, Toàn và Miều còn cô gái út thì chịu không nhớ tên. Mình hay chơi với thằng Bảo khi xưa, học trên mình một lớp. Nghe nói hiện ở Vũng Tàu, Toàn thì nghe nói ở Hoa Kỳ, còn Miều bằng tuổi em trai mình thì nghe nói đã qua đời. Có lần mình ghé thăm bác Nhị Gái thì có thấy cô em út chăm sóc bác gái.
Hồi nhỏ mình hay thấy ông Điện đi chiếc xe Lambretta. Thầy Đức có mấy cô con gái, con trai. Hồi nhỏ, thấy đi học trường Thanh Ngọc với mình, còn nhỏ lắm. Hình như có cô tên Thảo thì phải.
Căn thứ hai số 44 là gia đình Dì Tân, con bà Dụ, chị bà Võ Quang Tiềm, kêu Mệ ngoại mình bằng Dì, mới qua đời năm nay thì phải. Bà con với mình, chỉ gặp ở khi có kỵ giỗ hay tết ghé nhà đổ Xâm Hường. Dì có một người con trai tên Thăng, hơn mình một tuổi còn mấy chị kia thì chịu vì xa Đà Lạt quá lâu.
Nhà bên là gia đình ông Địch. Có hai người con trai: một tên Thắng, học y khoa và Võ Việt Điểu, hình như bằng tuổi mình hay nhỏ hơn một tuổi. Nay ở Virginia. Có mấy người chị, mình nhớ có người tên Lực, một cô em gái tên Thu.
Căn tiếp 46 là nhà của gia đình bác Bửu Ngự và bên cạnh nhà của bác Bửu Duy. Cuối cùng là nhà của ông Sâm, trưởng ty Công Chánh. Có hai người con trai. Con trai đầu thì không nhớ tên, người thứ 2 tên Chiến, học Trần Hưng Đạo, trên mình một hay hai lớp.
Bác Bửu Ngự, đá banh giỏi lắm, bác Ngự Gái thì gia đình ở trong Hoàng Diệu, chỗ Lò Gạch, có người chị lấy bố của anh Phong, con dì Bê, bán chuối ngoài chợ. Lúc chưa lấy chồng thì bán lòng heo hay chi đó, có máu buôn bán nên sau này mở tiệm bánh Thành Nhàn ở Khu Hoà Bình. Con của bác thì để xem, cô gái đầu tên Mina, sau đó đến Hội, rồi một cô khác, rồi đến Huy,…chỉ nhớ tới đó thôi. Mấy người này rất thành công tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh là nhà bác Bửu Duy, chuyên làm bánh Bông Lan bỏ mối cho mấy tiệm ngoài chợ Đà Lạt. Con đầu là Vinh, sau đó là Dũng, đến con gái đầu tên Hương, rồi đến Hải cũng tuổi với em trai mình, đến Hồ, rồi Hà. Có lần, Tết, ông cụ mình lì xì vài roi mây, đánh mình kiểu mở hàng đầu năm, đốt phong long. Đau quá mình chạy xuống nhà bác Duy. Bác kêu ngủ lại đợi ông cụ nguôi rồi về. Tối đó mình ngủ lại trên lầu với thằng Dũng, cùng tuổi mình. Thấy nhà ấm không lạnh như nhà mình giường nệm chi êm và ấm ghê. Mình thì ngủ trên giường có trải tấm chiếu rồi 3 anh em nằm như cá mòi. Sau này, mới hiểu vì không có lỗ thông hơi. Thường thì người ta hay bỏ mấy cục gạch trên cửa sổ hay cửa để cho không khí bay vào, để hạ thấp độ ẩm trong nhà nên ban đêm khá lạnh vì độ lạnh bên ngoài lan vào trong nhà.
Dãy nhà của cư xá Công Chánh đối diện cư xá Địa Dư. căn đầu tiên hình chữ A: số 41 A, nhà ông Mai, em ông Lào, ba của thằng Banh, cùng tuổi mình, hồi nhỏ hay chơi với nhau và bên cạnh là nhà ông Tân Ù số 41B, có cô con gái tên Trần Hoàng Giang, cùng tuổi mình. Sau đó đến số 43A, nhà ông Kham, bố của Thanh Tịnh và 43B, nhà ông Hiển, sau này chết thì gia đình ông Châu dọn đến. Trong xóm có hai ông tên Tân. Để dễ nhận khi nói chuyện, người ta gọi ông Tần Ù, khá to con và ông Tân Gầy, vì ông này gầy. Nói cho ngay thì gia đình mình không có liên lạc với gia đình ông Tân Ù vì ở xa. Nói chung là các nhà ở dưới đường Hai Bà Trưng, ngoại trừ mấy căn gần nhà mình.
Khi nào đầy tháng thì có mời ông Tước, ông Duy, ông Ngự ăn cơm hay khi cúng thì đem chén chè đĩa xôi sang mời lấy thảo.
Căn thứ 3, số 45A là nhà ông Quán, còn số 45B là nhà ông Ngần, hay chứa đánh bài, lấy tiền xâu. Có lần 302, đột nhập vào nhà chỉa súng lấy hết tiền mấy ông công chức đang binh xập xám. Lần đầu tiên về Đà Lạt, mình thấy mấy cô con gái ông bà Ngần, ông Nghi, đi tù với ông cụ mình, bán chỗ tiệm Đức Xương Long, nay chắc đi Mỹ hết.
Nhà ông Quán thì con đông lắm. Đa số là lớn tuổi hơn mình nên ít chơi với nhau. Mình chỉ chơi với tên Điệp, học Việt Anh, người con út tên Điềm. Hình con trai được đặt theo chữ Đ, nào là Đường, Độ, Điệp, Điềm. Hình như người con trai đầu tử trận thì phải. Nhỏ quá mình không nhớ rõ. Gần đây, có liên lạc với chị Liễu hơn mình đâu 2 tuổi. Còn chị Hoa, Nguyệt, Mai thì không biết ở đâu.
Sau đó là căn 47A, nhà của bà Tân gầy, mẹ của thằng Đôn, cùng tuổi với mình. Chị Lan, hơn mình 1, 2 tuổi gì đó rồi đến hai tên Ân, Ái, hình như có cô út tên gì quên rồi. Nhà này có hai người cậu thì phải, sinh đôi. Chỉ nhớ mại mại hồi bé có thấy họ khi đến nhà chơi. Mình có gặp một lần khi về Đà Lạt, cô ta chăm sóc mẹ ở nhà. Căn 47B thì người ra người vô nhiều lắm không nhớ rõ. Sau đó là căn cuối số 49A, 49B của nhà ông Hân và ông Ngọc. Mình có liên lạc được với hai cô con gái của ông Ngọc, hiện sinh sống tại Úc. Bà Ngọc đã mất, ông Ngọc, đánh bài, mấy ông hay kêu Robert. Chắc tên thánh của ông. Ông ta có một người con trai, bằng tuổi mình thì phải, tên Chân. Nghe nói chết ở Sàigòn trước 30/4, bị Việt Cộng pháo kích.
Nhà bác Hân thì đặt tên con theo chữ H. Con gái đầu là chị Huệ, sau đó đến chị Hương, sau này lấy thầy Tôn Thất Trai, nghe nói hiện ở San Diego nhưng không biết cách nào để liên lạc, đến 2 người con trai, không nhớ tên vì nhỏ tuổi hơn mình. Có một cô khác khá xinh, rồi nhiều người nhỏ quá không nhớ.
Nhờ bờ-lốc Sơn Đen mà mình tìm lại được khá nhiều hàng xóm ngày xưa. Nay mình khám phá ra căn nhà xây sau Mậu Thân, ngay vườn ông Bắc kỳ mang số 49 C. Ông thần ở nhà này không biết có nhớ thằng Hiếu, khi xưa học với mình ở Yersin, ở nhà 2 căn, ngay dốc hẻm đi vào khu nhà Cò đào.
Đó là những căn nhà thuộc cư xá Công Chánh, nằm ngay đường Hai Bà Trưng. Ngoài ra, còn một dãy nhà chung cư gồm 7 căn ở trên đồi, phía sau mấy căn nhà hình chữ A. Có một con dốc với thang cấp, nằm giữa nhà Bà Ngần và nhà bà Tân Gầy, đi lên ngay nhà ông Mãn, cán sự công Chánh, số 47/2. Trước đó chú Điềm, cán sự ở đó với một ông kiến trúc sư, dạy mình vẽ bản đồ và tô màu. Mình có liên lạc được với chú Điềm, nay ở Sàigòn. Khi gia đình mình dọn về đây thì ở tại căn này. Đến khi ông bà Hai, ở căn đầu tiên 47/1, dọn đi thì bố mình mới xin dọn qua. Rộng hơn nhất là có vườn, đất sân rộng. Bố mẹ có xây một căn bên cạnh. Nhờ đó mà khi Việt Cộng vào đuổi cổ đi, mới có nhà ở riêng, không phải đi kinh tế mới.
Bên cạnh là nhà bà Thường, số 47/3 có 4 cô con gái và một người con trai tên Dũng học Yersin trên mình đâu 5 lớp. Cô đầu tên Oanh, lấy ông chồng nào thổi sáo rất hay. Tối tối hai người ra trước mấy thang cấp, thổi sáo nghe phê không thể tả. Sau này, cô Oanh sinh con so. Bà Thường, mỗi sáng chạy qua nhà mình dựng cổ dậy, đưa cái bô để mình tè vào, cho cô Oanh uống. Nghe nói uống nước tiểu của mình tốt. Đó là lần đầu tiên trong đời mình được thiên hạ trân trọng nước tiểu. Sau này, có chú Nhân, đi Xây Dựng Nông Thôn, có cô vợ làm thư ký cho ty Công Chánh, dọn đến. Chú Thân hay kêu mình vô nhà, cho mượn sách của ông Hoàng Xuân Việt đọc. Nghe nói chú nay giàu lắm, có tiệm ăn hay nhà nghỉ to đùng cạnh nhà ông Mai. Mình có tìm chú khi về Đà Lạt nhưng chưa có duyên.
Bên cạnh số 47/4, là nhà ông Khoa, làm ty kiến thiết. Có 3 trai hai gái thì phải. Mình nhớ con đầu là anh Bình, sau đó đến Chú Sanh, chú Hành. Con gái thì chỉ nhớ cô Cúc, một cô khác đi lấy chồng ở xa nên chưa bao giờ gặp. Sau này, ông KHoa về hưu ở Ba Ngòi. Nhà để trống, mình và mấy đứa trong xóm chạy vào căn này chơi khi trời mưa. Sau này, khu công chánh cao nguyên trung phần từ Ban Mê Thuộc dọn về Đà Lạt, thì gia đình ông Tước dọn vào. Nhà này con đông như nhà mình. 7 gái 3 trai. Con đầu là anh Lâm, sau đi biệt kích rồi Biệt Cách Nhảy Dù, tham dự giải vây An Lộc, Phước Long, nay ở Hoa Kỳ.
Kế đó là chị Gái, hay cho mình mượn sách việt ngữ đọc với điều kiện là phải trả sáng hôm sau. Nhờ vậy mà mình đọc sách rất nhanh. Trung bình một cuốn sách là 2-4 tiếng đồng hồ. Sau đó là thằng Bi, Tí Chị, Tí Em cùng tuổi với mình, rồi đến Bé Lớn, Bé Nhỏ, thằng Tèo, nghe nói đang ở Bolsa, con Nguyên, và Con Oanh, đang ở Bolsa, chưa gặp lại. Mình có liên lạc lại chị Gái, tự kêu là fan cứng của mình, Tí Em, Bé Nhỏ và Nguyên.
Kế đó là 47/5 là nhà ông Kiếm. Bà Kiếm hay kêu mình vào nhà, nhờ xỏ chỉ luồng kim cho bà vì mắt kém hay nhổ tóc bạc cho bà. Bà có một người con trai độc nhất tên Sửu lớn mình đâu 4 tuổi. Sau này, về hưu, nghe nói về lại Quảng Trị. Mình không nhớ gia đình nào dọn về đây.
47/6 là nhà con Thuý, thằng Dư. Thằng Dư hơn mình đâu 3-4 tuổi, có con em nhỏ hơn mình 1 tuổi tên Thuý, hay chơi với mình hồi nhỏ. Thằng Dư hay dẫn mình sang Chùa, hay lên trường Bùi Thị Xuân nghe hướng đạo Lâm Viên chơi văn nghệ. Mẹ nó bán cơm ngoài chợ. Mỗi lần chợ đêm vào trước Tết, mẹ mình nhờ nó đưa mình về nhà. Sau này, gia đình này dọn lên Ban Mê Thuột. Khi khu Công Chánh Cao Nguyên Trung Phần dọn về Đà Lạt, mình hy vọng con Thuý cũng dọn về nhưng bặt tin. Mình có kể về chuyện con này bắt mình cho nó xem chim đa đa của mình. Sau đó gọi mình là thằng cu đen.
Căn này sau đó có nhà bà Hoà dọn đến. Nhà này cũng con đông. Con đầu là chị Hợp, học Văn Học, sau đó đến chị Hiền, nay ở San Jose, mình có gặp lại một lần. Kế đó là Phương, cùng tuổi mình, học Bùi Thị Xuân, rồi đến thằng Hiếu, thua mình 2 tuổi, rồi thằng Hậu, rồi mấy cô con gái nữa nhưng không nhớ tên. Hình như có một cô tên Hằng. Nhà này đặt tên con theo chữ H tương tự nhà ông Hân.
47/7 là nhà của ông Nhân, người Bắc. Có hai đứa con gái. Một đứa tên Oanh hơn mình 1 tuổi và con em tên Hoà thì phải thua mình 1 tuổi. Sau này, dọn về Sàigòn trong cư xá Thanh Đa. Gia đình ông Vinh dọn đến. Nhà này có 3 gái 3 trai. Để xem có nhớ tên hay không. Người đầu tên Thanh, đi pháo binh, sau đó anh Tú, học đại học khoa học Sàigòn, đến chị Tân, rồi đến thằng Tiến, thua mình một tuổi, học Trần Hưng Đạo. Đến con Tâm, rồi con Tuyết. Sau này, dọn về đường Phan CHu Trinh, xây cái nhà to đùng. Mất liên lạc từ đó.
Ngoài ra, có gia đình anh Bình, con ông Khoa. Khi ông Khoa còn đi làm, thì gia đình anh Bình ở chung với ông Khoa. Sau ông Khoa về hưu, dọn về Ba Ngoài thì anh Bình chiếm miếng đất, phía sau cầu tiêu của xóm, làm một căn nhà để ở. Nhà này thì con đầu là Đắc, thua mình 1 tuổi, đến Thái, Thu Oanh, rồi Trâu,…Thu Em, mấy người con sau nhiều quá, không nhớ tên. Mình có thăm cô Kim, em dâu của Dì mình.
Bên kia con dốc, đối diện nhà mình thì có nhà bà Phú. Sau này dọn qua đường Phan Đình PHùng, cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên, bán gạo đường gì đó. Con đầu là chị Mẫn, sau này lấy chồng là cháu bà Tước. Kế đến có một chị khác rồi đến thằng Phúc, rồi một tên nữa rồi sau này bà Phú còn sinh ra mấy trự thì không nhớ vì đã ở bên đường Phan Đình Phùng. Nay cả gia đình ở vùng Seattle. Chị Mẫn là người đầu tiên tìm ra mình. Sau đó nói lại với con bác Tước, rồi có con bác Ngọc ở Úc Dại Lợi.
Nhìn tấm ảnh trên, thấy cột điện trước nhà ông Hiển (Châu) khiến mình nhớ đến vụ ông lính tự tử ở đây. Hình như ban đêm, nghe tiếng nổ cái đùng lớn. Tuy hoang man nhưng không ai làm gì cả. Sáng ra, dì Gái, con bà Cáp, nhà trên phía trường Đa Nghĩa, đi chợ hay ghé vào nhà mình, rủ mẹ mình đi chung. Hôm đó, mặt dì xanh như đít nhái khi vào nhà mình, nói không ra hơi. Dì kêu có cái xác ông lính nào chết, nằm dưới đường. Mình nghe đến là chạy xuống ngay. Thấy có ông lính bị nữa cái mặt bay mất tiêu, máu me tùm lum đường. Cho đến giờ này, mình không biết lý do. Nghe đồn tùm lum, người thì kêu ông ta thất tình nên đến trước nhà người yêu, cho nổ lựu đạn. Ai biết thì cho em xin. Chỉ tội cho mình là mỗi lần đi ban đêm về là phải đi ngang cột điện này, mình phải vái, đọc kinh kêu đủ thứ Phật về phù hộ cho mình. May quá ông này chết không linh, nếu không đã có người cho xây cái am nhỏ rồi.
Khi gia đình bà Phú dọn đi thì gia đình bà Ron, em của ông bà Phú dọn về đây. Ông Ron có vợ bé nên lâu lâu mới về, kiếm nhà cho vợ con ở rồi dọt đi nhà vợ bé. Bà Ron, bán cơm ngoài chợ. Có toàn con gái, người trừ một tên con trai tên Long. Bên cạnh nhà bà Ron, là nhà thằng Hoàng thì phải, cùng hay hơn mình một tuổi. Hắn hay rống bản nhạc: “cớ sao buồn này Kim, ai yêu em hơn anh mà tìm,…” chị nó đẩy đà, nghe ai uống dấm nhịn ăn sao đó, lăn đùng ra chết. Sau đó thì gia đình này dọn đi đâu mình không nhớ.
Nhà mình thuộc về Hai Bà Trưng nhưng lại gần đường Thi Sách. Do đó mình chơi với đám con nít trên đường Thi Sách nhiều hơn là đám dưới đường Hai BÀ Trưng. Ngay đường Thi Sách, ngay con dốc là nhà của bác Đinh Gia Lành. Sau này ông đi Pháp nên để lại căn nhà này cho gia đình Đinh Gia Lành chăm sóc rồi cho ai ở. Sau 75 thì mất luôn.
Đi lên dốc về phía Calmette thì bên cạnh là nhà ông Ấm Thảo, người Huế. Mình hay ghé lại nhà này. Trước sân có cái trang thờ mà mẹ mình đem cái thai bị xẩy đến đây chôn và thờ. Ông Ấm Thảo có tài tán gái, có đến 3 bà vợ. Mình nhớ con đầu tên Ngữ, đi Thuỷ Quân Lục Chiến, bị mất một con mắt khi tái chiếm Quảng Trị. Sau đó thì nhớ có hai tên khác, tên Hậu thì phải rồi đến thằng Thọ, thua mình một tuổi, rồi tên con út, con bà thứ 3.
Cạnh đó là nhà thằng Trí thì phải, bố làm nha Địa Dư, có mẹ bán ngoài chợ. Nghe nói đi vượt biển cùng tàu với em mình, định cư tại Úc đại Lợi. Rồi đến nhà Hồ Thanh Hy, Hồ Thanh Hải,.. rồi đến nhà thằng Thạch, hơn mình đâu 2, 3 tuổi, học Yersin. Sau này đi 302, sau 75 cãi lộn với ai bị đâm chết. Nhà hắn ngày đầu đường Calmette.
Tấm ảnh này hơi mờ nhưng cho thấy rõ ràng 3 dãy nhà cư xá Địa Dư nhất là 3 con đường song song: Hai Bà Trưng, Thi Sách và Calmette mà con dốc đi ngang nhà mình đã nối liền 3 con đường mà mình đã đi qua rất nhiều lần, hằng ngày. Nhà Phạm Ngọc Liên và Văn Tài Phát, nằm ngay căn giữa. Dãy bên trái, có nhà ông Thạc, thợ thiết. Dãy cuối có nhà ông Lào, chú Be.
Phía sau chỗ đường Thi sách, thấy có nhà hội của cư xá Pasteur, nhà của thằng Cường lùn. Nhà ông Đề, giám đốc trung tâm thẩm vấn.
Trên 3 dãy nhà Địa dư là dãy nhà của cư xá Pasteur. Giữa nhà ông Mai và một căn của cư xá Pasteur, con dốc đi lên từ đường Hai Bà Trưng lên Thi Sách, qua nhà ông Tác, nhà thằng Thạch, bà Thủ.
Thấy con đường mòn từ Phan đình Phùng, chỗ Cầu Quẹo, băng qua mấy cái vườn, qua con suối rồi lên mấy thang cấp giữa hai dãy cư xá Địa Dư. Thấy bên phải ngay vườn có nhà Cậu Liễu, bán thuốc Cẩm Lệ, con bà Dụ, chị bà Võ Quang Tiềm. Cứ đến mù mưa thì chỗ này bị lụt. Nước dâng lên đến chân khu cư xá Địa Dư. Thôi ngưng ở đây.
Nguyễn Hoàng Sơn