Tiên ném đá hậu làm vợ sợ

 Từ ngày viết bờ-lốc đến nay, mình bị ném đá rất nhiều. Như làm dâu 100 họ. Người thì chê viết sai chính tả, người thì chửi viết như kít nhưng vẫn cứ viết vì thuộc dạng con cháu phản động Cường Hào Ác Bá. Lâu lâu, Facebook nhắc lại, mình đọc lại thì khám phá ra ủa dạo đó mình suy nghĩ, đọc cuốn gì, tin tức ra sao thấy cũng vui. Như thể viết nhật ký về đầu óc lùng bùng trong đầu.

Đa số những người chửi mình, không quen. Họ chửi đủ cách, kêu khinh họ vì họ còm mà mình không trả lời, người thì kêu họ nhấn Like sao không thưởng họ, cứ như họ phát chẩn khi đọc bài mình viết. Mình viết đâu phải để câu Like. Người thì kêu mình hạ nhục đàn ông, người thì kêu mình Macho, xem thường phụ nữ, … Choáng luôn.

Lý do mình viết vì có anh bạn học cũ, cho rằng mình đặt những câu hỏi mà chính anh ta cũng đang tìm hỏi. Mình viết để cho những người cùng thế hệ mình đặt lại những vấn đề, bản sắc của mình,..vì sống dưới hai chế độ, hai quốc gia nên không biết mình là ai. Một người bị khủng hoảng bản thể.

Mình để ý, người Mỹ, họ lên tiếng ngay nếu có ai ném đá mình. Mình có tham gia vài nhóm có sự tham gia người Việt và người Mỹ. Lâu lâu có mấy tên ném đá mình, người Mỹ nhảy vào choảng mấy tên kia liền. Người Việt thì không, ai ném đá mình thì họ cũng im luôn như một sự đồng tình. May họ không nhảy vào đánh hội đồng Sơn đen.

Mình có tham gia vài nhóm người ngoại quốc. Khi mình viết điều gì mà họ không vừa ý thì họ phân tích những gì mình viết để nói lên quan điểm của họ trong khi người Việt thì đa số chỉ ném đá nhưng không giải thích lý do họ không đồng ý với những gì mình viết. Do đó mình không hiểu sai cho nào, cũng như dỡ chỗ nào. Khi tham gia một tổ chức, hay một nhóm nào, mình đều muốn đóng góp để giúp nhóm có khả năng tồn tại, lớn mạnh. Lâu lâu còm một tí gì đó.

Có lẻ vì thế mà mình thấy nhiều nhóm trên mạng của người Việt, ít thấy ai xuất hiện, đăng bài vỡ dù có rất nhiều hội viên. Cũng có người sống tại Việt Nam, kêu mình thay đổi vài từ để họ có thể chia sẻ với thân hữu vì lý do chính trị. 

Có thể người Việt mình sống theo cảm tính nhiều hơn, không như người tây phương, phải dùng lý trí để tìm hiểu sự việc. Khi lý luận, họ hiểu rõ hơn về vấn đề do đó họ rất duy lý, phải dẫn chứng để thuyết phục người đọc, người nghe. Người Việt thì sống về cảm tính hơn người Tây ở phương, chỉ nói được “ viết như cứt”. Xong om. Không cần giải thích lý do thối như cứt, vì không biết lý luận, phân tích lý do mình không thích. Rồi thoá mạ lẫn nhau. 

Có lẻ mình quen học trường tây từ bé rồi sống tại hải ngoài trước 75 nên quen ghi lại những gì trong đầu. Khi xưa, thầy đọc để chép bài. Về nhà, mình có thói quen là viết lại những gì ghi chú, mới hiểu rõ thêm bài tập. Nhờ ông hàng xóm cho mượn mấy cuốn sách Học làm Người của ông Hoàng Xuân Việt, chỉ cách đọc sách, ghi chú,…

Sang Tây đi học thì tương tự, thầy kêu tuần sau, sẽ học trang mấy trong sách nên mình có thì giờ đọc kỹ hơn để ghi lại. Thật ra khi viết xuống thì mình mới có thời gian suy nghĩ về một vấn đề, rõ về một điều gì như khi vẽ một bức tranh, thêm chi tiết, tô màu ra sao để phản ánh lại phong cảnh và ánh sáng,.. lúc đó mới hiểu cảnh trước mắt mình đẹp chỗ nào, xấu chỗ nào, để mình loại bỏ. Điển hình là thấy cái tháp chuông đang được trung tu, nếu chụp hình thì thấy mấy dàn giáo. Mình vẽ thì có thể lấy phần dàn giáo ra, và vẽ cái chuông theo mình thấy. Khi nói thì khác vì không có thì giờ để suy nghĩ chín chắn.

Do đó cần sự xây dựng lành mạnh khi đóng góp bài vở hay phản biện. Thay vì ném đá rồi bỏ chạy. Người mỹ có điểm hay là dùng cách Sandwich: họ khen những điểm hay trước để người viết hay diễn thuyết không phật lòng, sau đó họ nêu ra những cái không hay, cần phát triển thêm. Cuối cùng khen lại khiến người bị phê bình cảm nhận được những điều mình cần thay đổi, sửa chửa cho lần sau mà không bị mất lòng. Khi biện luận với nhau, giúp họ hiểu thêm cái sai, càng được sửa chửa. Đó là dạng phê bình với tinh thần xây dựng.

Khi ông Phạm Duy mượn bài thơ “adieu” của Apollinaire để sáng tác bài “mùa thu chết” bằng việt ngữ thì bị các dư luận viên, các chiến sĩ an ninh báo chí đánh te tua. Cho rằng ông ta nói xấu cách mạng, ông ta ám chỉ Mùa thu đây là cách mạng mùa thu tháng 8 mà ông ta dám kêu đã chết. Nói xấu lãnh đạo. Thế là mọi người, xúm vào chửi hội đồng ông ta để lập công bú xua la mua. Nếu mình không lầm thì Việt Nam chỉ có hai mùa: mưa và khô. Mùa thu lá vàng lá đỏ khi sang Tây mới thấy.

Tương tự, dạo mình đi làm ở Luân Đôn, ông Phạm Duy từ Hoa Kỳ sang hát các sáng tác, do ông phổ từ các bài thơ tù của ông Nguyễn Chí Thiện. Mình bò đi coi. Sau khi hát các bản nhạc phổ thơ tù của ông Nguyễn Chí Thiện. Ông Phạm Duy có nói về thi sĩ Hoàng Cầm, với kịch thơ Kiều Loan gì đó, khi xưa họ trình diễn trong kháng chiến trường kỳ, rồi hát bài “lá Diêu Bông”. Ông ta giải thích Lá Diêu Bông không có trên đời. Ông Hoàng Cầm ví cách mạng như Lá Diêu Bông. Bài Lá Diêu Bông của ông Phạm Duy không hay nên không được nổi tiếng. Có lẻ đã lồng chính trị vào một bài thơ tình trong sáng của cậu bé 7 tuổi .

Ai ngờ ở Việt Nam, nghe sự giải thích này, bắt nhốt ông Hoàng Cầm hai năm tù, chỉ vì ông Phạm Duy, giải thích vớ vẩn. Sau này, đọc ông Hoàng Cầm kể về bài thơ này, ông nói chỉ viết về mối tình, dành cho chị Vinh, hàng xóm của ông khi còn bé. Chớ không có óc cao siêu, nghĩ đến ý tưởng nói xấu cách mạng. Nhiều khi mình kể chuyện thời xưa, thời nay, không phải để nói xấu lãnh đạo. Mình hay tếu như rắt hành, tiêu vào thịt bò dát vàng.

Khi xưa, mình vẽ tranh bán để kiếm tiền. Mấy người xem tranh của mình, bàn tới bàn lui, theo trường phái này, ảnh hưởng nọ. Mình cần tiền để trả tiền trọ và tiền ăn mà thiên hạ cứ nói bú xua la mua không biết đâu là bến bờ. Thiên hạ ném đá thì chịu vì họ đứng ở một góc độ nào đó, mà mình không biết nên cũng không chấp họ.

Một chiến sĩ an ninh mạng, quen đồng chí vợ đọc bài mình, không hiểu mình, cũng định hướng những gì mình kể theo quan điểm lập trường của họ, khiến mấy bà kêu u chau, u chau rứa tên ni thiệt ác ôn hè. Rủ nhau đấu tố mình qua điện thoại. Chồng dại vợ mang. Đồng chí gái lãnh đủ, làm cô gái vót chông, hứng đạn cho mình. Có người kêu sao đồng chí gái có thể sống với mình, một tên ác ôn, hạ cấp, nông dân vô học…. Thương cho mụ vợ, không may lấy mình. Từ ngày quen mình đến nay, chỉ thấy toàn người chê mình, nói lên bản lĩnh của đồng chí gái với mối tình hữu nghị sông liền sông núi liền núi. Trước sau chỉ là một, bất chấp thị phi, đàm tiếu của thiên hạ.

Có câu chuyện về ông Tăng Sâm mà trong cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu có đề cao ông ta là một gương Hiếu tử. Truyện kể, mẹ ông ta đang làm bánh bao ở nhà, bổng có người hàng xóm chạy ngang, la to con bà giết người. Bà ta đinh ninh là không phải vì chỉ mẹ mới hiểu lòng con. Người thứ hai chạy đến cũng la to con bà giết người, khiến bà ta bắt đầu mất lập trường cách mạng đến khi người thứ ba chạy lại la to con bà giết người thì bà ta cũng bỏ nồi bánh bao mà chạy. Mình nhắc chuyện này để chứng tỏ sông có cạn núi có mòn nhưng mối tình hữu nghị của đồng chí gái không bao giờ thay đổi.

Ngày xưa, học Việt văn ở tiểu học. Thầy cô bắt học mấy bài trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, có câu chuyện ông nào cởi ngựa, bị con chó sủa khiến con ngựa giật mình, ông ta tức giận nên chạy vào làng kêu chó dại chó dại, khiến dân làng lấy gậy gộc đến đánh con chó chết. Thiên hạ ngày nay, cũng hay ném đá như ông thần cởi ngựa khi xưa. Thiên hạ không biết ấp giáp gì cứ nghe là hùa vào ném đá.

Như vụ người dân bức xúc về một tập đoàn nào bán buôn đồ thử nghiệm giả thì dư luận viên dùng vụ ông bố nào, nghe lời bà vợ thứ hai, khệnh con gái đi Tây phương cực lạc để định hướng thiên hạ trên mạng. Thế là mọi người nhảy vào choảng, không biết ất giáp gì cả nhưng được cái là thỏa mãn các đạo Đức trong thâm tâm mình. Vụ công ty bán đồ giả, làm tiền no nê trong mùa đại dịch chìm luôn.

Có biết bao đứa bé nghèo khổ như vậy, để rồi một ngày kia, lớn lên, bị bán sang Cam Bốt hay lấy chồng xứ Đài. Không ai lên tiếng hay tặng quà giáng sinh rất đơn sơ.

Nói chung, số người mến thì đông hơn số người ném đá. Như đã kể, có người mình không biết là ai, ghé nhà mình chụp hình, hay gặp mẹ mình thì hỏi chuyện thăm hỏi khiến bà cụ vui mừng trong tuổi già đơn độc. Cuối năm nay, có một số mời mình ăn bún bò óp-lai. Thay vì chụp hình nồi bún bò tỏa sáng, họ mời ăn thực thụ. Có người chạy từ San Jose xuống để óp-lai. Kinh

Mình chỉ muốn an bần lạc đạo. Ai hơn mình thì mừng cho họ, ai thua mình thì giúp họ. Sáng mới thức giấc, đã thấy nhắn tin từ Việt Nam, một ni cô xin 3 chiếc thuyền để chở học sinh đi học, người dân khi mùa lũ lụt đến. Sao dân mình khổ như ri. Năm nào, đến mùa mưa là bị lụt. Mình bị dính lụt khi thăm Quảng Nam nên hiểu hoàn cảnh người địa phương khi mưa lụt, nhắn người bạn nhờ đưa tiền dùm cho ni cô mua thuyền, giúp người dân địa phương di chuyển trong mùa lụt.


Thế là cả tuần nay đồng chí gái, trong vai bất đắc dĩ mắt em là bể oan cừu, bắt mình học tập đạo đức cách mạng, viết bản tự kiểm. Trước khi đi ngủ, phải nằm nghe cái loa phường, bên tai, mụ vợ ra rã, giảng về đạo đức cách mạng 5 gờ như tấm lòng của biển. Mình thiếp đi thì bị đánh thức, đồng chí gái, với đôi mắt kẻ nội thù, kêu sao ngủ rồi. Mình chỉ biết con chiên kêu lỗi tại tôi mọi đằng, để được ngủ tiếp như thuyền ra cửa biển.

Đồng chí gái kêu lãnh đạo rất nhậy cảm khi ai nói về họ. Muốn nói về lãnh đạo thì mình luôn luôn phải ca tụng mặt trời cách mạng, mặt trời hồng đẹp từ Đông sang Tây, kể cả khi Nguyệt thực hay đêm 30 vẫn sáng. Mình phải tiếp thu những lời vàng ngọc của đồng chí gái vô vàn kính yêu, ru mình vào giấc ngũ. 

Mình đành phải vượt qua số phận thằng chồng phản động, khắc phục học tập tốt, để trở thành cháu ngoan của bác, trò giỏi của thầy cô, người chồng ưu tú của đồng chí gái. Mà nếu là cháu ngoan của bác, trò giỏi của thầy cô, vô hình trung khuyến khích giới trẻ, theo chân bác, năm xưa xuống tàu đi Tây, tìm đường cứu nước lại làm dân khổ thêm. 

Mình đọc đâu đó, cho rằng, người xưa định nghĩa 3 loại đàn ông sợ vợ.

1) Loại sợ Thế, chồng không bằng vợ nên người chồng mặc cảm, sợ vợ. Loại sợ Thế cũng được chia làm 3 loại:

    1.1) sợ vợ do địa vị xã hội của gia đình nhà vợ cao, bản thân muốn nương nhờ thế lực của nhà vợ, do vậy nên sợ. 

Chử đồng Tử khi xưa, chỉ có cái khố, khi cha chết thì liệm cái khố cho cha để về bên kia 9 suối, ông bố có cái khố mà che nếu không mấy lại bị an ninh mạng, soi mói, kêu mất lập trường cách mạng. Thấy công chúa và đoàn tuỳ tùng đi dã ngoại, sợ quá, trốn dưới cát. Ai ngờ công chúa đến đấy, kêu tỳ nữ múc nước ngọt để tắm sau khi tắm biển và phơi nắng cởi trần cho có sinh tố D. Nước tắm chảy xuống cát, làm lộ Chử Đồng Tử với con chim đa đa hoành trắng vì thấy công chúa ở trần. Công chúa tắm nắng nên bồi dưỡng được nhiều sinh tố Dê, thích quá nên lấy về làm chồng, từ đó Chử Đồng Tử, đại diện cho kẻ bần hèn, nông dân, đều mang tính sợ vợ như mình.

    1.2) sợ vợ do gia đình nhà vợ giàu có, bản thân nhận được sự giúp đỡ tiền bạc của nhà vợ, do vậy nên sợ. Chử Đồng Tử là một thí dụ. Hôm nào mình kể chuyện tình Chử động Tử và công chúa Tiên Dung. Cực kỳ hấp dẫn. Ai muốn nghe kể thì báo cho biết. Mình kể theo đơn đặt hàng.

    1.3) Loại sợ vợ do tính cách của vợ quá hung hãn, tính cách người chồng nhu nhược như Sơn đen, sợ sự đánh chửi của vợ. Đồng chí gái không có đức tính này. Hú vía. Mình nói đồng chí vợ là Bồ Tát tại gia. Khi đang đói bụng, mình chỉ cần lấy cái điện thoại ra khấn một chút thì 15 phút sau, vợ đem thức ăn về, hết đói. Khi hết tiền, vợ cho $5 đi uống cà phê với bạn. Không bao giờ đưa hơn vì sợ mình đi cà phê Lú. Mình mua chiếc xe Truck cũ của một tên người Việt. Hắn kêu lại cà phê Lú để có wifi lên mạng của hãng xe, để xem hắn nợ bao nhiêu để mình tiếp tục trả nợ cho hắn. Thấy hắn gọi một ly cà phê, giá 2 đô, và cho tiền boa cô gái 10 đô, khiến mình thất kinh.

2 ) Loại sợ Lý, tức người vợ luôn chiếm thế thượng phong về Lý, có câu “Lý trực Khí tráng”, chồng không thể không phục. Đồng chí gái rất hãnh diện, khi xưa đậu phổ thông sau 75. Được ông thầy Việt Cộng dạy biện chứng luận về con người mới của xã hội chủ nghĩa. Mỗi lần khẩu chiến với kẻ nội thù là mụ đem biện chứng luận ra để lý luận khiến mình câm họng. 

Loại sợ Lý cũng chia làm 3 loại :

    2.1) người vợ hết sức hiền thục đức hạnh, làm người chồng phát từ nội tâm sự kính bội vợ. Sau mấy ngày học tập cải tạo tư tưởng thì mình phải nhất trí điều khoản này. Phải khen lãnh đạo đẹp và hát hay như mặt trời cách mạng.

    2.2) người vợ rất có tài hoa, người chồng khâm phục, tự than bản thân không bằng, do vậy nên sợ, như chồng của Lý Thanh Chiếu bên Tàu. Đồng chí gái thì không viết véo, làm thơ như Lý Thị gì cả. Chỉ hát đến khan cổ, ho luôn, kêu mình pha mật ong và nước chanh rồi mở cho mình nghe lại giọng ca nước mắt mùa thu của mụ cả ngày, rồi hỏi có hay không. Không dám tiêu cực.

    2.3) người vợ tần tảo vất vả vì gia đình, hy sinh rất nhiều cho chồng con gia đình, người chồng nghĩ đến cái khổ của vợ, do vậy nên sợ. Cái này thì đúng. Đồng chí gái nuôi mình từ khi lấy nhau đến giờ. Có vợ là có tất cả.

3 ) Loại sợ Tình, tức người chồng quá yêu người vợ, chỉ sợ người vợ không vui, lâu ngày chầy tháng do yêu mà sinh sợ, khúm núm dưới chân vợ. Cái này, để khỏi phải làm bản tự kiểm thì mình cứ nhất trí. 

Loại sợ Tình cũng chia làm 3 loại :

    3.1) Loại yêu sắc đẹp của vợ, tình nguyện làm ô-sin sắc tướng của vợ, do vậy nên sợ. Đồng chí gái có cô bạn, tên chồng được mấy bà phong làm người chồng nhân dân ưu tú. Ông chồng mua sắm áo quần cho vợ, toàn là đồ xịn, không có khuyến mại, còn cô vợ thì chả bao giờ đi sắm. Mình thì không biết kích thước áo quần của mình, nói chi của đồng chí gái. Cả đời bận đồ phát chẩn.

    3.2) Loại thương vợ trẻ. Chồng già vợ trẻ, người chồng luôn cảm giác tuổi tác của mình quá lớn, tự thẹn khuất trước thanh xuân của vợ, do vậy nên sợ. Cái này thì mấy tên về Việt Nam lấy mấy Em chân dài nên sợ. Khi có thẻ xanh là mấy em kêu pú lít tống cổ ra khỏi nhà nên sợ. Mình có ba tên bạn, lấy vợ Việt Nam, thua cả hai giáp nhưng vẫn vui vẻ bên mặt trời hồng từ 20 năm nay. Gần 70 mà con mới 8 tháng. Ra đường, thiên hạ hỏi ông cháu đi đâu thế. Thậm chí ở Đà Lạt, có tên Easy Rider, lấy cô học trò in-lí pho-tu đây, kém 40 tuổi thì sao. Có lẻ mấy bà kêu chiến sĩ an ninh mạng hù doạ, tuyên truyền để mấy ông đừng về Việt Nam, tìm chân dài.

    3.3) Loại thương người vợ yếu đuối. Người vợ thân thể hoặc tính cách yếu đuối như Trà Hoa Nữ, người chồng sợ vợ bị tổn thương như Hoạn Thư khi xưa, cho nên lúc nào, nơi nào cũng nhường nhịn vợ, như Thúc Sinh, do vậy nên sợ.

Theo mình thì ngày nay có thêm 2 loại đàn ông sợ vợ. Loại thứ 4 là sợ Toà. Kẻ nội thù, đưa ra toà ly dị là cháy túi. Mấy ông về Việt Nam, lấy mấy em chân dài, đem sang đây. Sau 3 năm, mấy em có giấy tờ, đưa đơn ra toà là nhà cửa gì đều thuộc về mấy em. Trở thành chuyên chính vô sản, hát người yêu cô đơn, yêu ai cũng trắng tay. Chán Mớ Đời 

Có loại đàn ông chỉ sợ Thế, có loại chỉ sợ Tình hoặc chỉ sợ Lý, có loại sợ 2 thứ, có loại sợ cả 3 , có loại sợ Toà… đố các bác em thuộc loại sợ vợ nào? Em sợ loại thứ 5. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn