4 mùa Noel

 Mình không phải công giáo nhưng cuộc đời hay dính vào Thiên Chúa Giáo. Hồi bé, vì muốn nếm mùi Réveillon, nên đi theo bạn vào lễ nhà thờ, về nhà nó ăn thịt chó, nhớ đời. Sau này, qua Tây, nhớ nhất là Noel đầu tiên tại xứ người. Xa Việt Nam, Sàigòn mất, mất liên lạc với gia đình đến 3 năm mới nhận thư người dì bà con, nay cư ngụ tại Úc Đại Lợi, báo cho biết gia đình còn sống sót sau cuộc di tản lịch sử tại Đà Lạt, chỉ dấu việc ông cụ đi tù Việt Cộng 18 năm nay.

Gần tới Noel, bổng nhiên mình nhận được một bức thư ngắn của một gia đình Tây, mời mình lại nhà ăn cơm trưa ngày 25 với họ. Mình gọi điện thoại ngoài đường, cho biết sẽ đến. Dạo ấy, mình ở phòng ô-sin nên không có điện thoại. Thời sinh viên xem như không có điện thoại. Con mình ngày nay, nhìn cái điện thoại trên bàn, hỏi cái gì thế.

Muốn gọi điện thoại thì phải bò xuống 7 tầng lầu, ra đường, kiếm cái booth điện thoại công cộng để gọi. Nhiều khi phải đi nhiều trạm để gọi. Lý do là dân tình, gọi điện thoại xong thì có màn đập máy để xem tiền có rớt ra, hay đang gọi thì hết tiền lẻ nên cầm cái máy nghe nói, đập tùm lum bể hư. Cái mất dạy là hay đạp cứt chó ngoài đường, nhất là các nơi có điện thoại công cộng bỏ tiền. Tây đầm dắt chó đi điện thoại nên chó đứng cạnh, vắt chân lên đái cho khỏi bị ướt chân hay ị một bãi cho thiên hạ đạp lấy hên mua cá ngựa.

Sau này, khi ông Jacques Chirac lên làm đô trưởng Paris, mới có màn các chiến sĩ hốt cứt chó, chạy xe mô tô leo lề, hốt cứt chó thì dân mua số cược đua ngựa chửi thề vì không có cứt để đạp bằng chân trái để lấy hên. Người ta tính thủ đô, kinh thành ánh sáng có độ 300,000 con chó, thải trung bình 20 tấn cứt chó. Cứ mỗi 5 giây đồng hồ là 1 kí-lô cứt chó được thải ngoài lề đường.

Chiến sĩ an ninh cứt chó, chạy xe mô-tô, hốt cứt chó mệt thở.

Nói đến đua ngựa, mình nhớ thằng Paulo, học trên mình hai lớp. Một hôm, nó đọc báo thấy cá cược đua ngựa. Tây gọi PMU (Pari Mutuel Urbain). Nó rủ đi trường đua ngựa. Mình tò mò vì chưa bao giờ vô trường đua ngựa. Trong phim thấy thiên hạ bận đồ như tây đầm nên bò đi theo. Mình hỏi nó đánh con nào, nó kêu con ngựa tên Romero. Mình hỏi tại sao, nó kêu con này chưa bao giờ thắng nên kỳ này về ngược.

Đậu xe xong, đứng đợi nó đi mua vé cá cược rồi hai thằng với thằng Jeff bò lên khán đài. Họ đang cho đua ngựa khác. Đến khi Romero của thằng Paulo đua thì thấy khá hấp dẫn. Họ cho mấy nài và ngựa sau một cánh chắn rồi cửa mở ra. Mấy con ngựa phi nước đại ra. Mình hỏi Romero là con nào? Con số 55, Paulo chăm chú nhìn như người bị bón. Ngựa chạy đến vòng cua thứ nhất, mình thấy thằng Paulo, mặt nó đang hồ hởi bổng nhiên tái như thịt heo chiều 30. Từ từ nét mặt nó chuyển sang màu xanh, rồi đến màu đít nhái khi con ROmero về chót… đó là lần đầu và cũng là lần chót mình đi xem đua ngựa trong đời.

Mình không biết gia đình tây này là ai, mà sao lại có địa chỉ mình nhưng bản tính đói quanh năm của đời sinh viên thì ai mời ăn là không bao giờ từ chối, sợ người ta chê mình bất lịch sự, nghèo mà làm bộ làm tịch. Trưa đó, mình bận bộ đồ vét, may trước khi lên đường du học. Bạn bè kêu lại nhà may Sơn Tánh, trong xóm Cò Đào may. May xong bận đi tây nhưng sau này, xin được nhà thờ đồ phát chẩn thì quăn ngay dù bận có hai lần: lần lên máy bay và lần đi ăn giáng sinh đầu tiên tại Paris. Cực quê! Nay vẫn còn tiếc tiền của bà cụ. Từ dạo ấy mình không mua áo vét gì nữa. Bộ đồ vét bận lên đài truyền hình, mua $12 ở chợ trời từ 35 năm nay.

Hoá ra ông chồng là lính tây ngày xưa, có thời đi Việt Nam. Ông ta rất ngoan đạo, chống De Gaulle, muốn bảo vệ Đông Dương, thuộc địa của pháp đủ trò. Ông này thì thấp, bà vợ thì cao tới nách. Ông người vùng Bordeaux còn bà ta thì gốc Alsace nên nói tiếng Đức và thổ ngữ vùng này. Vùng này và Lorraine là hai vùng đất, cạnh biên giới Đức quốc nên trong lịch sử, cứ đổi chủ hoài. Khi thì thuộc Pháp quốc khi thì Đức quốc. Thổ ngữ của họ thì ảnh hưởng đức ngữ nhiều. Mình có ghé hai vùng này, viếng thăm bạn bè.

Hàng năm, họ mời một người lạ dùng cơm ngày 25 với họ. Chắc ông cố đạo nhà thờ nhắn nhủ hay Chúa Giê Su cảm thấy mình cô đơn nơi đất khách quê người nên về báo mộng cho vợ ông ta. Thường là mời người không có gia đình, bà con thân thuộc. Năm đó, họ hỏi hội cựu chiến binh Pháp thì được giới thiệu về mình nên họ viết thư mời. Mình thuộc dạng buồn ngủ gặp chiếu manh nên nhận lời ngày. Cứ có ăn thì chân trời góc biển nào cũng đi cho bằng được. Sau này, nhớ họ nên lễ tạ ơn, mình hay mời bạn học con mình hay ai có con xa nhà dùng cơm với gia đình mình.

Gia đình này có 4 người con, hai trai hai gái. Con trai đầu tên Paul và con trai út tên Pierre, ở giữa thì hai cô con gái tên Marie Christine, Marie Thérèse. Bà mẹ mời mình ăn. Tính mình thì được dạy từ bé là ăn không được bỏ mứa nên ăn sạch bách cái đĩa thức ăn. Bà mẹ thấy vậy, bới thêm thức ăn, gà tây chi đó thì mình lại làm sạch dù bụng đã căng. Bà mẹ lại bới thêm khiến mình phải tranh thủ ăn cho hết nữa. Sau đó, bà ta hỏi còn đói nữa không thì kêu no rồi. Sau này, gặp lại mình mới giải thích văn hoá đói của người Việt là không bỏ mứa.

Từ đó, họ mời lại mỗi chiều chủ nhật dùng cơm với gia đình họ đến khi họ về hưu, dọn về Bordeaux, quê chồng. Mình có dự đám cưới thằng Paul, con Marie Christine. Cô này đi hướng đạo kiểu thanh niên thánh thể chi đó, nhảy dù đủ trò. Sau này lấy ông chồng bác sĩ người Do Thái. Bố mẹ là thiên chúa giáo, ghét cay ghét đắng người Do Thái, xem như ghét của nào trời cho của nấy. Cô này làm y tá thì trong nhà thương bác sĩ dê là đúng rồi. Đám cưới mấy người này thì mình có đi lễ nhà thờ. Nhà thờ bên tây thì to cao, lớn bự hơn Việt Nam nhất là cổ kính.

Học kiến trúc thì họ dạy về kiến trúc nhà thờ còn tranh ảnh toàn là các bức tranh dựa vào những câu chuyện kể trong thánh kinh nên mình phải kiếm kinh thánh để đọc, để hiểu khi thầy giảng hay nói chuyện với tây đầm. Điển hình khi xem một bức tranh về thánh Bartolemeo thì phải hiểu điển tích như thế nào,…

Khi xưa, chỉ có nhà thờ mới có tiền trả cho các hoạ sĩ vẽ tranh. Nhà thờ thì chỉ vẽ hình tượng chúa như Michelangelo, bỏ bao nhiêu năm để vẽ nhà nguyện Sixtina hay vẽ xây nhà thờ cho đức giáo hoàng. Chỉ sau thời Phục Hưng, các doanh nhân giàu có như Ò buôn bán mới có tiền mướn các hoạ sĩ vẽ tranh ảnh như các gia đình Borghese…. 

Hôm trước, có ai dẫn bài báo cũ, phát hành năm 1953, tác giả ký tên C.B. Không biết có phải cán bộ. Ông này cho biết bố mẹ ông chúa Giê-su thuộc thành phần cơ bản bần cố nông, nghèo quá, bị bọn phong kiến, áp bức, phải đi làng thang, ghé vào ở máng cừu để hạ sinh ông Giê Su. Sau này, ông ta học tập, giác ngộ cách mạng, có 12 cán bộ lớn đi theo học tập với ông ta. Có một cán bộ mất lập trường cách mạng, hủ hoá nên bán đứng ông ta cho lính La-mã như khi xưa, có người bán ông Phan Bội Châu vì chút tiền còm. Ông ta đi giảng về một thiên đường, xã hội chủ nghĩa, nơi đó ai cũng bình đẳng cả,… 

Có lần, tan học, mình bò ra khu Saint Michel, ăn bánh mì thịt của người Hy Lạp, loại họ chồng chất thịt trong một cây kim săm to đùng rồi cứ quay vòng vòng nơi lò lửa cho chín. Sau đó, lấy dao khới khởi từng lát, bỏ vào bánh mì ăn. Có một nhà thờ cổ kính, mình ghé lại ngồi ngay ghế trước nhà thờ, ăn khúc bánh mì Hy Lạp. 

Bổng trong nhà thờ vang lên tiếng hát nghe lạ lắm. Tò mò, làm xong ổ Gyro hy-lạp , mình bò vào trong nhà thờ. Thấy một đám đàn ông, râu ria, đứng hát. Sau này mới hiểu là họ hát thánh ca Gregorien. Từ đó chiều thứ sáu nào mình cũng lại đây, vào nhà thờ để nghe nhạc Gregorien này. Rất lạ tai. Ông cố đạo giảng bằng tiếng la-tinh nên mình ngọng, không hiểu nhưng được cái là nghe ca đoàn hát nhạc Gregorien.

Sau này mình có quen vài cô, thiên chúa giáo và Tin Lành nhưng Chúa không muốn mình trở về đạo. Chắc mình là hiện thân của Juda, cán bộ đã mất lập tường cách mạng, bán đứng Chúa ngày xưa. Kêu mình cứ đi xa nhà thờ càng tốt cho giáo dân. Cấm mấy cô này đả thông tư tưởng, truy kích lý lịch trích ngang trích dọc vì hết thuốc chữa. Ông Trịnh Công Sơn có làm bài “ chúa đã bỏ loài người, chúa đã bỏ thằng nông dân trồng bơ”. Mình như con ghẻ, chỉ đứng ngoài nhà thờ nhìn vào. Nay có ông mỹ cứ muốn mình trở về đạo, để được lên thiên đàng. Mình nói không muốn gặp lại mấy cô, một thời đã đì mình khi xưa. Đồng chí gái thì nói kiếp sau, thấy mình từ xa là sang lề, chạy mất dép. Lên thiên đàng, ăn có một trái bơ, thậm chí chỉ mới cắn có một tí mà đã bị đày xuống trần gian. Thôi để mình làm nông dân để ăn bơ 4 mùa thay lá.

Trở lại vụ mình muốn kể là nhạc Gregorien trong nhà thờ mà có thời mình rất mê. Người ta gọi nhạc thánh ca Gregoirien theo tên Giáo Hoàng Grégoire . Nhà thờ Thiên CHúa Giáo phát triển rất nhanh khi hoàng đế La Mã Constantin, nghe lời vợ vô đạo này thì đóng đô tại Constantinople (thành phố Constantin) nhưng một thời gian sau thì thiên chúa giáo bị chia đôi cho đến ngày nay. Một bên thì theo tục lệ của nhà thờ Chính Thống như ở Hy Lạp và một ở toà thánh Vatican. Rồi có thời có đến hai Giáo Hoàng tự xưng đại diện nhà thờ: 1 ở Avignon và một ở La MÃ. Ngày nay ai viếng thăm thành phố Avignon, sẽ thấy cũng điện của các giáo hoàng khi xưa.

Ông đức Giáo Hoàng Gregoire thay đổi nhà thờ lại. Dạo ấy thánh ca đều được học bằng cách nghe, chưa có nốt nhạc. Người ta cho biết Huyền thoại về các thánh ca do ông Giáo Hoàng sáng tác hay thu thập nên từ đó người ta gọi các bài thánh ca thể loại này thánh ca gregoirien. Trên thực tế, người ta cho biết, có một ông tên Johansen Hymonides, được biết dưới tên Jean Diacre de Rome, có viết tiểu sử về đức giáo hoàng Gregoire này, và cho rằng chính ông đã thu thập các bài thánh ca để lập thành một cuốn thánh ca nên từ đó người ta gọi nhạc thời này là thánh ca gregoirien. Chắc để được giáo hoàng trả công chi đó. Trên thực tế, giáo hoàng Gregoire chỉ có thành lập trường dạy hát Scola Cantorum tại La MÃ.

Thánh ca được sử dụng một cách truyền đạo. Khi xưa, người ta ít học nên nhà thờ tìm cách giảng đạo qua các bài thánh ca. Điển hình khi ông Guttenberg phát mình ra cái máy in chữ. Dạo ấy, âu châu chỉ có độ 3% dân số là biết đọc chữ. Các thánh kinh rất hiếm, chỉ có những người viết chữ đẹp mới được viết lại thánh kinh. Cho nên một ông cố đạo trong một làng nhỏ chưa chắc đã có cuốn kinh thánh. Mấy ông chép kinh thánh lại, cứ tuần tự thêm vào các chương mới khi nghe ai đó kể.

Sau này, mình bắt chước tính của người công giáo. Họ như các kẻ thừa sai, làm việc thiện. Mình hay tham gia với các người theo thiên chúa giáo làm việc thiện. Cuối năm theo các hội viên của Lions Club phát quà cho trẻ em hay thức ăn cho các gia đình người nghèo trong thành phố. Lâu lâu nấu cơm cho người vô gia cư.

Phần Việt Nam, theo mấy ông linh mục, kêu gọi cứu giúp người nghèo, nạn nhân lũ lụt, tặng quỹ khuyến học cho học sinh nghèo,.. phật giáo chắc cũng có các đạo tràng làm việc thiện nhưng mình không có duyên gặp. Thêm nữa, mình cảm thấy người Việt theo Phật giáo hình như họ làm việc thiện để tạo Phước cho con cháu họ, trong khi người công giáo thì họ làm việc, vì muốn làm chớ không đòi hỏi gì trở lại. Đạo nào cũng tốt, mình cứ theo những người quen theo thiên chúa giáo để đóng góp chút gì cho tha nhân.

Cô bé nhận quà giáng sinh năm nay của Bút Nhóm Lửa Việt.

Khi nghe mấy ông cha giảng thì cách họ làm lễ, nói rất lạ tai: chúa ở cùng anh chị em,..” (còn tiếp)

Phải lên vườn xem mưa có làm hư hao gì không.

Nguyễn Hoàng Sơn