Nghe kể; hồi bé mình hay bị đau ốm. Ông Phúng kêu bán vía mình cho mấy Cô, mấy Cậu trên am Mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ, ấp Hà Đông. Cứ mỗi lần lên đó, họ cúng lá bùa gì đó, rồi sau đó đốt cháy thành tro, đổ nước lạnh, khấn xong cho mình uống như cà phê nên da mình đen như cột nhà cháy. Chán Mớ Đời
Nói vậy chớ vui lắm, mình thích ra am Mệ Cai, chơi với mấy tên cùng lứa lại được Ông Chín, cõng nhảy tưng tưng. Sướng kể gì. Ông Chín xem như Bố Đỡ Đầu.
Đến năm Mậu Thân, thằng em mấy tháng bổng nhiên lăn đùng ra chết. Bác sỹ cho rằng đau màng óc. Thế là phải đem đi chôn ở Mả Thánh. Chôn em ở đây mới khám phá ra đám chăn bò, những Đinh Bộ LĨnh thời nay. Phải cho chúng ăn cơm, trái cây cúng để chúng lấy, không đem về vì nếu không chúng làm loạn cho bò lại đạp bể cái mộ.
Chôn em xong thì phải cúng thất tuần. Tuần nào cũng phải làm mâm cổ để cúng, mời mấy đạo hữu lại tụng kinh. Mình là anh đầu nên quỳ lạy đủ trò, tụng kinh cả hơn tiếng đồng hồ. Sau này, gặp đồng chí gái, đi chùa, cô nàng thấy mình tụng kinh như Ba Tây nên mẹ vợ nhất trí cho cưới.
Ngay chỗ ngã ba Cường Để và đường Thành Thái, có cái dốc và mấy bậc thang bên trái, để leo lên tổ đình của Tổ Tiên Chính Giáo Đà Lạt. Tại đây, mình thường đến đay khi còn bé, sinh hoạt với nhóm hướng đạo TTCG. Hai bác Nguyễn Đình Thừa cũng hay đến đây nên thân với bố mẹ mình từ đó. Địa điểm toạ lạc tại số 2 Cường Để. Đi tới một chút là Ấp Ánh Sáng, có con đường Bà Triệu với cầu BÁ Hộ Chúc Bắc ngang con suối Cam Ly chảy về thác Cam Ly.Tụng kinh đây là kinh của Tổ Tiên Chính Giáo. Không phải kinh Phật Giáo như mình thường đọc cho Mệ Ngoại mỗi ngày trước khi đi ngủ. Mệ Ngoại mình không biết chữ nên tối nào cũng kêu mình đọc kinh cho Mệ nghe. Mệ còn sống đến ngày nay thì chỉ mở You-tu-be ra là nghe đủ loại kinh hay nghe Pháp Thoại, khỏi cần cúng dường cho thầy vì You-tu-be trả tiền quảng cáo cho thầy rồi.
Đạo này có Tổ Đình ở số 2 Cường Để, Đà Lạt, ngay cuối ấp Ánh Sáng, cuối đường Thành Thái. Có mấy thang cấp leo lên khuôn viên của Tổ Đình. Chỗ này là nơi người ta rước Thánh Mẫu với xe hoa đủ trò về các am tại Đà Lạt như trên Số 4, am Mệ Cai ở Ấp Hà Đông,... Khi xưa, mình hay đi theo mấy chiếc xe hoa này lắm, lại được ăn vì có ông Phúng. Ông thấy mình là hay dúi kẹo bánh chi đó cho ăn. Dạo ấy, Dì Thanh, cậu Mạnh chưa có con nên mình được xem là cháu đầu nên ông bà Phúng thương lắm.
Tụng kinh xong thì có màn cầu cơ chi đó, đợi hương tàn. Có một ông đội khăn màu đỏ, phủ lên đầu, tay cầm chiếc đũa, ngồi trước mâm gạo. Một ông ngồi cạnh để đọc những gì ông ta viết lên mâm gạo. Nếu đọc sai thì ông ta lấy chiếc đũa đánh xuống cái mâm. Một ông lấy viết ghi xuống, kêu là thơ của Mẹ hay ông thiên tướng nào như Đức Thánh Trần về báo. Họ gọi các mục này là cầu cơ chấp bút khiến sau 75 Việt Cộng rất sợ vì có thể nói ra những tư tưởng phản động chống họ nên dẹp ngay.
Tổ Tiên Chính Giáo ra đời ngày 1 tháng 1 năm 1964 tại tổ đình toạ lạc tại số 2 đường Cường Để, thị xã Đà Lạt. Mình hay đến đây chơi và đi hướng đạo của Tổ Tiên Chính Giáo. Đạo này dựa trên đấng siêu nhiên Hạo Nhiên thượng Đế, và các chư Phật, Tiên, Thánh thần và thượng phụ quốc tổ Hùng Vương. Truyền cơ bút thông qua một đồng tử để khai đạo như mình thấy ở nhà mình. Rồi lan rộng khác nơi ở miền Nam.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ra nghị định ngày 26 tháng 4 năm 1966, cho phép đạo này được phép hoạt động như một hiệp hội.
Chỉ nhớ có thằng Châu, nhà ở đâu trong Dốc Nhà Bò làm đội trưởng. Tên này đi hướng đạo Lâm Viên với anh hắn làm đoàn trưởng. Không biết sau này có còn hoạt động hay không vì mình đi mấy tháng thì chán ba vụ họp đoàn này nên nghỉ, ở nhà đi đá banh, thả diều.
Mình nghĩ mấy người di cư từ Huế vào, đem theo các lễ nghi từ làng xã của họ theo rồi từ từ, làm ăn khá, họ bắt đầu xây các am để thờ thần hoàn của quê. Am Mệ Cai Thỏ, ở ấp Hà Đông, thờ Thánh Mẫu rồi lan toả ra, người Đà Lạt khi ấy với chiến tranh nên tìm một chỗ dựa tinh thần. Hàng năm, có lễ rước Thánh Mẫu, từ Tổ Đình về các am hay đền ở các ấp ở Đà Lạt vào buổi tối với các xe hoa đủ màu. Sau Mậu Thân hình như không được tổ chức nữa hay mình không tham gia nữa.
Việt Nam có hai tôn giáo chính: Phật giáo và Thiên Chúa giáo nhưng dân gian lại thờ Thánh Mẫu, được truyền tụng qua văn hoá truyền khẩu từ xưa. Sau này, họ bắt đầu ghi lại kinh sách,…nên mới có chút gì khái niệm. Mình nghe kể có 3 vị thánh mẫu chính: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải mà người ta hay gọi Tam Mẫu Tứ Phủ. Sau này, họ thêm mấy vị khác, nghe nói lên đến 60 vị. Nghèo tới là ngưng vì không nhớ nổi.
Bố mẹ mình theo đạo này nhưng mình không rành lắm vì đi Tây sớm nên không có thời gian đi theo ông bà cụ đến tổ đình. Người hướng dẫn bà cụ mình vào đạo tổ tiên chính giáo là ông Phúng. Ông cụ mình chỉ vào sau 1975 rồi đi tù. Sau này về nhà thì rất tin tưởng vào đạo Tổ Tiên Chính Giáo, chịu khó đi làm lễ, đọc kinh,…
Người ta giải thích người Việt tôn thờ người mẹ trên hết. Không hiểu lý do. Khi xưa thuộc chế độ mẫu hệ. Có thể, trong lịch sử Việt Nam, can qua xẩy ra quá nhiều. Hết đánh tàu thì đến tây, hết tây đến mỹ, rồi đến campuchia rồi tàu lại,… cha đi đánh trận, ở nhà một mình, người phụ nữ Việt Nam, phải gánh vác hết. Nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ chồng, buôn bán như hình ảnh thiếu phụ Nam Xương. Có lẻ nhờ đó mà người con gần gửi mẹ hơn.
Mình nhớ khi xưa, ông cụ ở trong quân đội, lâu lâu mới về phép. Sau này, làm công chức trên Ban Mê Thuột, lâu lâu mới gặp. Ban ngày, mẹ đi bán ngoài chợ, chỉ tối về mấy mẹ con hủ hỉ với nhau.
Người ta thờ Mẹ Núi để đi rừng, gặp mấy con thú, vâng lời Mẹ Núi, không giết hại mình. Người đi biển, đi hồ đánh cá thì thờ Mẹ Nước để hà bá không bắt mình. Sau này, người ta thờ Mẹ Trời, để tránh mưa to gió lớn, làm hư hại mùa màn, lụt lội. Nay mình trồng bơ thì không biết phải thờ Mẹ Nào? Mẹ Bơ hay Mẹ Núi để mấy con sóc không ăn bơ của mình. Mình nghe một ông sư kể, ông nào có vườn ra kêu mời mấy ông đi, đừng ăn trái của tui, thì chim bỏ đi. Mình bắt chước kêu mấy ông sóc, đừng có ăn bơ của tui. Không bẩy hay cho thức ăn triệt sản, chúng sinh đẻ mệt thở luôn. Chán Mớ Đời
Có lẻ từ đó, các bà Mẹ nói trên được huyền thoại hoá, trở thành Mẫu Thượng Hoàng, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên. Họ dành cho mỗi bà này mỗi Phủ, toà nhà thiêng. Tam Toà được xem như 3 cõi Trời, Non, Nước. Từ đó xuất hiện việc thờ Mẫu Tam Phủ,… sau đó người ta nghĩ đến một phủ khác là Địa Phủ nên biến thành Tứ Phủ.
Có thể khi Phật Giáo du nhập nói đến Niết Bàn, Âm Phủ cũng có thể khi Thiên Chúa Giáo du nhập vào Việt Nam, nói đến Thiên Đường và Địa Ngục khiến dân gian kèm thêm vào các đạo thờ của mình. Ở miền Nam, nghe nói có đạo thờ ông Victor Hugo, mặt trời,…
Theo mình hiểu từ “mẫu” rất bao quát, được đại diện qua Thiên Phủ (miền Trời), được gọi là Mẫu Thượng Thiên. Địa Phủ (miền Đất), được gọi là Mẫu Địa, Thoải Phủ (miền sông biển) được gọi là Mẫu Thoải và Nhạc Phủ (miền núi), được gọi là Mẫu Thượng Ngàn. Người Đà Lạt thờ Mẫu Thượng Ngàn nhiều nhất.
Nghe kể; muốn vào đạo thì phải trên 18 tuổi, phải tình nguyện, không bị cha mẹ ép buộc. Nhờ vậy mình thoát vụ này. Đạo không phân biệt giai cấp, miễn là người muốn vào đạo phải theo các quy định của đạo Tổ Tiên CHính Giáo. Người muốn gia nhập đạo phải lương thiện, chấp nhận các nội quy của đạo. Khi mình về lại Đà Lạt thì bố mẹ mình xin tiền cúng cho tổ đình thì cứ đưa nhưng mình cũng không biết rõ ất giáp gì về đạo của bố mẹ theo.
Họ học giáo lý về vua HÙng Vương, quốc tổ của người Việt nên tổ chức ngày giỗ tổ mỗi năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Ngoài Bôn Sa, mình thấy có cái đền HÙng. Nếu mình không lầm bác Đức, khi xưa thầu khoán ở Sàigòn, cũng là đạo hữu của Tổ Tiên Chính Giáo đã đóng góp, xin tiền các cộng đồng để xây tổ đình (mướn chỗ). Nay mỗi ngày có người đến mở cửa để người Việt có thể ghé thăm, thắp hương cho tổ phụ.
Khi mẹ mình sang Hoa Kỳ chơi có gặp bác mấy lần. Nay không biết bác còn sống hay không. Lần cuối, mình ghé thăm bác ở thành phố Santa Ana trong khu người già. Ngày nay, họ giải mả cho thấy các vị vua hÙng được bịa ra. Trong cuốn sử ký Việt Nam đầu tiên, không thấy nhắc đến 18 ông vua này, tính ra thì mỗi người cai trị trung bình 183 năm. Bên tàu, nước Sở có 18 vị Sở HÙng Vương nên người Việt mình kéo đại vào để tô điểm thêm cho quá khứ giàu sang của tổ tiên mình. Mấy vụ Sùng Lãm , Âu Cơ đều được chế ra hết. Tương tự Phù Đổng Thiên Vương,… trong sách sử cận đại, chúng ta thấy có nhiều nhân vật được tạo ra như Lê Văn Tám, ngọn đuốc cách mạng,…
Mình chỉ nhớ có mấy người chính trong Tổ Tiên Chính Giáo là ông Nguyễn Văn Phúng, mẹ mình kêu bằng cậu, em của bà Võ Quang Tiềm, ông Đỗ Quang Tế, ông Lê Sơn Tùng, hình như ông này là người đồng tử, trùm khăn. Lâu quá chả nhớ ai ra ai. Người em lăn đùng ra chết, mình phải tụng kinh cho nó được đi đầu thai sớm.
Mình nhớ, quỳ cả mấy tiếng đồng hồ, bụng đói hương tàn mà mấy ông không chịu ngưng để ăn. Cứ tiếp tục đọc thơ, ông thì cầm cái bút lông viết lên mâm gạo, ông thì đọc. Nếu đọc sai thì ông Đồng Tử, trở cái bút lông lại, khỏ khỏ trên cái mâm, báo hiệu là đọc sai.
Mấy người lớn kêu là Thánh Thần, Phật, các vua HÙng Vương bút thông qua một đồng tử thực hiện việc khai đạo. Ông mà ngồi trùm khăn đỏ, được xem là đồng tử. Sau này được phát triển xuống các tỉnh miền nam, nay có nhiều người theo lắm. Dạo ông cụ mình chưa mất, hay đi xuống các vùng này thăm các đạo hữu. Khi ông cụ mất, nghe nói các phái đoàn từ các tỉnh về dự đám tang đông như quân Nguyên. Mình thấy họ phong ông cụ mình chức gì trên Thiên Đình. Kinh
Ở ngoài Bolsa, lâu lắm rồi, mình thấy hai vợ chồng chạy chiếc xe Jeep màu xanh, có gắn mấy con rồng trên mui xe, chạy vòng vòng tự xưng thiên tướng, tướng nhà trời được giáng xuống Bolsa để làm chi đó. Có chỗ để họ lên đồng lên bóng ở đường Hazard. Có bà mời mình đến nhà, chỉ cái giường, có tượng gỗ ông tướng nào nằm. Hỏi ai thế, bà ta bảo là vua Quang Trung, chồng của bà ta. Bà là công chúa Ngọc Hân. Hỏi chồng hiện tại thì được biết là chồng cỏi tạm. Kinh. Đồng chí gái mà biết vụ này, chắc cũn kêu mình là chồng cỏi tạm, tối cho ra salon ngủ, thỉnh ông vua nào khi xưa về.
Có lần, đồng chí gái bị đau, kêu mình chở đến chỗ nào ngoài bolsa. Có một ông nào từ Texas đến, kêu mở luân xa cho. Ông ta kêu mọi người nhắm mắt lại còn mình thì hé hé để xem họ diễn ra sao. Đâu 3 phút sau, ông ta mở công tắc đèn màu vàng bật lên. Thế là mở luân xa, rồi thiên hạ đưa cái giỏ cúng tiền. Mình thấy toàn tờ $100 không nên sợ, kéo mụ vợ đi về. Mụ vợ kêu đang nhắm mắt bổng nhiên thấy màu vàng. Mình nói thì họ bật đèn vàng thì nó lên màu vàng. Cuối cùng mụ vợ vẫn đau dù có người mở luân xa. Chán Mớ Đời bắt mình đấm bóp, mỗi cả tay mỗi ngày.
Sau 75 thì Việt Cộng cấm, và tịch thâu cái đình ở số 2 đường Cường Để. Nghe nói các người trong đạo đang tìm cách xin lại để thờ phụng, chắc tốn tiền sửa chửa bộn vì đã trên 45 năm. Chắc họ không cho vì miếng đất này là kim cương chớ không vàng.
Hình như Hà Nội ngày nay chủ trương cho tôn giáo lập lại nhưng để họ kiểm soát, kiểu tu theo kiểu quốc doanh nên nghe nói đã phát triển ra ngoài bắc. Ở làng Vĩnh Phúc, Phú Thọ có đền thờ. Khi con người càng mê tín thì không chạy theo ba cái tư duy về nhân quyền, dân chủ, dân công chi cả. Họ cứ tin thần thánh giúp đỡ làm giàu, thoát kiếp, hết đau bệnh. Xong om
Am thờ trên sân. Nhà cửa thiên hạ xây xung quanh đầyTổ đình tháng 4 năm 2024, phía trong đổ nát
Đền bên cạnh
Các tôn giáo như công giáo do toà thánh Vatican lãnh đạo vẫn bị Hà Nội làm khó dễ. Về Đà Lạt, mình có đi thăm mấy tu viện, nhà thờ thì được kể lại như vậy.
Mình nghe kể sau 75, tổ đình khắp nơi bị Hà Nội tịch thu nên các đạo hữu nhóm họp lén lút tại tư gia. Cứ như khi xưa, mấy người theo đạo Ki-tô bị quan quân nhà Nguyễn lùng bắt. Mấy người chính như ông Đổ Quang Tế, trốn ra Nhà Trang hay đâu đó rồi cuối cùng cũng bị bắt. Ông cụ mình thì cũng bị lên án 18 năm về tội phản động, đi tù được 15 năm thì trại cải tạo hết người nên được thả về sớm.
Tò mò tìm tài liệu đọc mới khám phá những gì xẩy ra xưa, còn nhỏ không hiểu gì cả. Người lớn bảo gì thì làm theo. Vấn đề ngày nay, mình dã sống tại hải ngoại gần 50 năm. Văn hoá, phong tục Việt thì không rành, chỉ lắc đầu không hiểu như một tên mất gốc.
Trong lịch sử nhân loại, chúng ta sống nhờ qua các câu chuyện kể. Một loại văn hoá truyền khẩu. Con người nhỏ bé trước thiên nhiên, không giải thích được các hiện tượng xảy ra thường nhật. Họ nghĩ có đấng thần linh nào đó đã gây ra nên cúng thờ các vị này để được yên ổn làm ăn.
Các chức sắc trong làng tạo ra các điều lệ, phong tục như mỗi làng đều thờ Thần Hoàn, thờ những ai thi đậu để họ giúp con cháu, người trong làng học giỏi,… ngày nay, người ta khám phá ra, chỉ cần bỏ ít tiền là có thể đậu bằng tiến sĩ, khỏi cần học hành gì cả.
Đà Lạt do các người di cư từ miền Trung vào rất đông. Người Đà Lạt đầu tiên đem theo tục lệ trong làng của họ theo. Khi làm ăn khá khá một chút thì họ đóng góp để xây các am miếu như am Mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ. Mỗi khu vực đều có nhưng am miếu như trên số 4 cũng có. Nếu mình không lầm thì ông Phúng và các người làng An Lưu, có làm một nhà thờ họ của làng trên Số 4, đường Ngô Quyền để hàng năm, các người gốc An Lưu có thể đến đó hội họp, nhận nhìn bà con.
Hay làng Dưỡng Mong, trong Ấp Xuân An mà mình hay đi vì làng của Ông Ngoại. Bên Mệ ngoại là An Lưu bên nội của mẹ mình là Dưỡng Mong. Bố ông Nguyễn Chánh Thi là anh ruột của ông cố ngoại mình ở làng Dưỡng Mong. Khi ông làm chức vụ gì ở miền Trung, có xây cái cổng làng to đùng cho làng Dưỡng Mong. Gần đây, mình thấy mấy cô hàng xóm của mình khi xưa, có về làng này để tu sửa lại cổng làng,… hoá ra ngày nay, sinh con gái được nhờ, chăm sóc làng quên cha đất tổ.
Vía mình được bán cho Ông Chín ở am Mệ Cai Thỏ hồi nhỏ, nên không biết nay đã lên chức gì trên thiên đình chưa. Thần cai vườn bơ chắc. Có người muốn mua vườn bơ của mình. Biết đâu sang năm đúng ngày vía của mình sẽ bán cái vườn bơ để đi chơi cho khoẻ đời. Mình chỉ biết là hiện nay đang theo đạo Sợ VỢ. Chán Mớ Đời
Nguyễn Hoàng Sơn