Mình đang húp tô nước phở thì anh hàng phở hỏi: “anh có biết là ông Đạo Chích sinh ra cùng thời với ông Khổng Tử, ông Không Hỏi Chết”. Ngạc nhiên, mình nói không, sao anh biết. Như gãi đúng chỗ ngứa anh hàng phở kéo ghế, ngồi xuống, đưa ly Coke lên tu một cái ực rồi ợ một cái hơi to to rồi kể tiếp.
Ông Không Hỏi Chết và ông Đạo Chích, được xem như ông tổ của giới ăn trộm, tham nhũng đều sinh cùng thời vào 500 năm trước Công Nguyên. Cả hai đều đói nhưng một ông thì cứ vổ bụng ảnh ạch, kêu người quân tử ăn bất cầu no. Dẫn một đạo quân, dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm đi từ làng này sang làng khác, từ nước này sang nước kia để xin một chức làm cán bộ trong triều đình. Những chả có thằng Tầu nào nhận cả nên đành làm cách mạng.
Vốn xưa kia, người tây phương đi học để có thời gian thử nghiệm về đời sống, tư duy về cuộc đời, lý lẻ, nhân sinh quan. Ngược lại người Tàu hay người á châu nói chung, đi học để mong làm quan, vơ vét, bỏ túi cho đời bớt khổ. Người ta nói một người làm quan cả họ được nhờ. Do đó thầy trò ông Không Hỏi Chết, dẫn nhau đi khắp nơi để xin làm cán bộ. Nhưng khi điều nghiên lý lịch trích dọc trích ngang thì ai cũng lắc đầu vì Hồng không chuyên 3 đời bần cố nông.
Ngược lại, ông Đạo Chích, tư duy rằng, đói thì lấy của kẻ giàu, cường hào ác bá, phong kiến, có nợ máu với nhân dân như anh hùng rừng xanh Robin Hood của tây phương. Do đó, hai ông đối nghịch nhau. Mỗi người tôn thờ đạo của mình. Từ từ đâm ghét nhau. Ông Đạo Chích thì kêu ông Không Hỏi Chết là đạo đức giả. Muốn ăn ngon mặc sướng mà cứ vêu vêu, quân tử không cần ăn no.
Một hôm ông KHông Hỏi Chết đi ngang nhà ông Đạo Chích, đúng lúc ông này mới xơi thịt cầy xong nên hứng chí quăng khúc xương ra ngoài đường khiến con chó chạy ra cổng cắn ông KHông Hỏi Chết. Ông Không hỏi chết, thấy chó sợ quá bỏ chạy nhưng chó berger ngửi mùi thịt chó nên nghĩ ông Không Hỏi Chết là người mới hạ cày tơ nên táp ông Không Hỏi Chết mấy miếng, máu chảy ròng ròng như suối như Sơn đen khi xưa bị con chó nhà bà Quán cắn, phải chích thuốc ngừa chó dại đến 21 mũi. Ông KHông Hỏi Chết, không nói gì cả, cứ lặng lặng bỏ đi, vừa xoa vết thương. Miệng lẩm bẩm người quân tử, 10 năm trả thù chưa muộn.
Thầy trò ông KHông Hỏi Chết gầy gò nhưng không hiểu sao bọn KHuyển quân, cứ gặp họ là chạy ra sủa vang trời. Sau này người ta khám phá ra họ ăn thịt cầy, do người dân nghèo, nể trọng kẻ biết chữ Thánh Hiền nên thịt con chó giữ nhà cho thầy trò đánh chén nên có mùi cầy tơ vương màu áo nên chó đánh hơi tài tình. Hôm ấy, Đạo Chích khoái trá khi thấy Không Hỏi Chết, bị chó cắn, như tàu lạ húc, chỉ biết ngậm bồ hòn mà bỏ đi. Đạo Chích lấy cái tăm định xỉa răng nhưng nghĩ lại tiếc mấy miếng thịt cầy dính ở hàng răng vẩu. Định bụng đợi ba ngày sau, nạy ra thịt cầy vẫn còn thơm.
Học trò Không Hỏi Chết tức tối nên hỏi thầy. Thầy vuốt râu, sờ sờ vết thương chó cắn rồi chậm rãi nói: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” khiến các học trò ngồi xung quanh như bò đội nón. Lý do là ông này xuất thân từ nước lỖ nên khi nói chuyện là xổ Lỗ Ngữ thay vì Việt ngữ để thiên hạ dễ hiểu, bớt tư duy. Ông Nguyễn Du có dạy học sinh lớp đệ tứ qua truyện Kiều của ông: “100 năm trong cỏi người ta, cái gì không biết thì tra gú gồ”.
Gú gồ cũng mất dạy, dịch rất cực đỉnh nhiều khi không ai hiểu. Gú gồ chuyển ngữ tiếng Việt là “Chẳng phải thiện, cũng không phải ác, nó thay đổi tuỳ theo môi trường”. Bình dân học vụ cho nông dân như mình hiểu là con cắc kè, thay hình, thay màu tuỳ không gian xung quanh nó. Thấy thế thì ông học trò Mạnh Tử, tra gú gồ dịch ra Chu ngữ vì ông ta là người nước CHu. Ông kêu Tính người vốn là thiện, nhân chi sơ chi đó. Ông Tuân tử, người nước Triệu, tra gú gồ dịch ra Triệu Ngữ, cho rằng con người sinh ra có cái tính Ác rồi mấy học trò các nước khác cứ tra gú gồ dịch ra tiếng nước họ nào là vừa thiện vừa ác,… đủ trò khiến hậu sinh phải học mấy ông dù chỉ có Tứ Thư Ngũ kinh, tóm lại chỉ có 9 cuốn sách được dịch ra từ một ông nước lỗ mà thầy giáo khi xưa bắt học chép các bài văn mẫu để đi thi.
Trở lại ông Đạo Chích. Ông này có cái tài ăn cướp như Arsène Lupin. Chuyện kể, một hôm ông Đạo Chích thấy một con lừa đi lạc đến vườn ông ta. Ông ta lấy dây kéo vào nhà nuôi. Mỗi lần cho ăn thì ông ta giựt giựt dây cương thì con lừa gật đầu lia lịa mới được cho ăn.
Khi ông mất lừa, bò đến, kêu là lừa của ông ta. Ông Đạo Chích hỏi làm sao biết là lừa của ông. Con này là lừa của tôi. Ông gọi nó mà nói gật đầu thì đúng là lừa của ông còn tôi gọi mà nó gật đầu thì lừa của tôi. Ông mất lừa nhất trí vì tin là lừa của mình. Ông mất lừa ra sức kêu lừa gật đầu nhưng không được, nên chửi thề vang trời. Đồ ngu như lừa, đồ CM30 nên từ đó dân gian hay sử dụng cụm từ ngu như lừa thay vì ngu như bò. Lý do bò ngu nhưng người ta vẫn bắt con nít uống sữa bò, thậm chí sữa mấy ông già uống víagra.
Nhân dân cho rằng, cứ bỏ đói thì dân chúng sẽ nghe khi cho ăn. Sau này ông Gia Long cũng tuyên bố khi đọc diễn văn trước triều đình: “có đói nói mới nghe”.
Đến phiên Đạo Chích thì cầm nắm cỏ rồi giựt giựt dây cương thì lừa gật đầu lia chia. Đạo chích kêu thấy không lừa của tôi rồi cười khoái chí đã cưỡng chế được tài sản của một thằng dân ngu khu đen. Tên đạo chích này không cần viết sách, tra gú gồ gì cả mà rất nhân chi sơ khôn tự bẩm sinh. Ông ta bắn tiếng đêm nay đi ăn trộm nhà thằng Bắc thì tối đó lại đi viếng thằng Nam. Đêm sau, hắn lại mò đến nhà thằng Bắc vì tên Bắc canh thức sáng đêm qua nên hôm nay mệt đừ, ngủ lăn cu chiêng. Sau này, Tôn Tử gọi là kế dương Bắc kích Nam. Hay trong tự điển con gái thì yêu thằng nghèo nhưng lấy thằng giàu cho đời bớt đau khổ. Tự điển đàn ông thì lấy chân ngắn nhưng mê con chân dài. Xong om
Anh hàng phở cho biết ông Không Hỏi Chết, giải thích là ông ta nói một đằng, mấy tên học trò thuộc nhiều nước khác nhau nên hiểu khác nhau nên thay vì làm một cuốn sách, chúng phải dịch ra đến 9 cuốn để bán cho hậu sinh mua về học làm văn mẫu để đi thi. Thằng học trò nào cũng muốn in sách để bán kiếm tiền nên thêm bớt, bựa thêm để khỏi bị thưa kiện đạo văn, phải trả tiền nhuận bút cho thầy. Từ đó, các thầy học chữ thánh hiền, bắt các học trò phải mua các sách văn mẫu của các thầy để tránh các vụ huý kỵ mà đậu làm cán bộ nhà nước.
Nguy hiểm nhất về văn mẫu, sẽ triệt tiêu tư duy của lũ trẻ. Điển hình khi xưa, mình học việt văn. Thầy dạy làm luận văn, khởi đầu là đầu bài, rồi đến thân bài, cuối cùng là kết luận, đuôi bài. Sau đó thầy cho bài tập về nhà, tả con chó nhà em.
Về nhà mình ngắm nghía con kiki ở nhà rồi tả. Mình bắt chước thầy nên viết bài luận văn “Đầu bài: con chó nhà em có cái đầu, hai cái lỗ tai và cái mõm, Thân bài: có thân với 4 cái chân, kết luận: có cái đuôi cụt bị chủ trước, chặt mất, đau quá nó chạy vào nhà em.” Tuần sau, thầy trả bài tập, mình được 1 điểm trong khi thằng ngồi cạnh được 10 điểm. Thầy kêu nó lên bảng đọc bài luận văn của nó. Rất hay! Thầy nhìn mình rồi bảo phải học tập, viết văn như bạn em nhé. Mình ngoan ngoãn gật đầu nhất trí, quyết học tập tốt làm trò ngoan của thầy, cháu ngoan của Ngô tổng Thống.
Mình học hối lộ, hủ hoá cán bộ từ bé nên cho thằng ngồi cạnh 1 cục kẹo gừng mua của nhà bà Thủ, mẹ thằng Vui, nằm vùng để mượn bài luận văn của nó về chép để làm bài văn mẫu. Phải công nhận thằng này, tư duy ở đâu mà viết cực đỉnh: “nhà em có nuôi một con chó, lông nó đen nên cả nhà gọi nó là Mực….” Tuần sau, mình được kêu lên đọc bài luận văn của mình. Mừng quá! Nghĩ phen này sẽ được 10 điểm như thằng nhà văn ăn hối lộ cục kẹo gừng. Thường thầy trả bài đầu tiên những tên dốt nhất như mình, rồi để lại tên hay ả giỏi nhất cuối cùng như để tạo nên một học sinh tiên tiến của thầy, để cả lớp bắt chước noi theo, làm trò ngoan của thầy, cháu ngoan Ngô Tổng thống.
Mình đứng trên bục như cán bộ đọc diễn văn cờ lờ mờ vờ. Mình đọc bài luận văn mẫu của thằng nhà văn hối lộ, chỉ sửa chửa lại cho đúng đề tài như sau: “nhà em có nuôi một ông ngoại, tóc ông bạc nên bà ngoại hay gọi là tên bạc tình. Trời lạnh nên ông hay nằm trên giường ngủ, lâu lâu thức giấc, đánh mũi từ nhà bếp, hỏi cơm chín chưa. Ông em già nên mấy cái răng bị rụng nên ăn rất chậm…. ” đọc tới đây thì cả lớp cười ồ lên như chó tru tháng 5. Kỳ đó, bài luận văn mình được 0 điểm vì chép văn mẫu của bạn. Dạo ấy, thầy chưa in sách văn mẫu. Cái mất dậy là tên viết văn mẫu, lấy cục kẹo gừng khi xưa, lâu lâu thấy hắn còm trên bờ lốc mình. Cuộc đời làm luận văn của mình có cái kết quá bi thảm.
Dạo ấy, mình chưa thấy mặt ông ngoại mình, còn núp ở quê. Ông đi theo Việt Minh rồi bị cách chức hay sao đó nên về Huế, núp ở làng. Có thể sợ Việt Minh trả thù, có thể sợ mật vụ của Việt Nam Cộng Hoà. Sau này, ông vào Đà Lạt, ở với gia đình mình được 2 năm rồi về Sàigòn.
Tội ông ngoại mình lắm, không biết chữ nên mỗi đêm mình phải đọc Tam Quốc Chí và Đông Chu Liệt quốc cho ông nghe. Sau này, ở với Mệ Ngoại thì hàng đêm mình đọc kinh Đại Thừa cho mệ nghe. Cuộc đời mình sau này, đọc sách nhiều vì 3 người: ông bà ngoại mình mù chữ và mẹ mình chưa bao giờ đến trường. Mình đọc như đọc dùm cho ba người mình thương nhất vì nghèo không được đi học.
Kể đến đây thì thấy có khách vào quán. Anh hàng phở lật đật đứng dậy, chạy ra mời khách rồi quăng cái thực đơn, cũ kỹ, dính đầy dầu lên bàn rồ chạy đi rót nước trà. (Còn tiếp)
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét