Hồi nhỏ, trước Mậu Thân, Đà Lạt thường có chợ đêm trước Tết độ 2 tuần. Mình học buổi chiều về, ra chợ phụ mẹ mình. Nhiệm vụ coi chừng thiên hạ chôm đồ, hay khi mẹ cần hàng hoá thì mình chạy vào sập lấy đem ra. Mẹ mình thuộc dạng phụ nữ sinh năm một nên lúc nào cũng có bầu nên cúi xuống lấy hàng trong sập khó khăn, nhất là thiên hạ bu lại mua hàng vào chợ Tết đêm khá nhiều. Còn buôn bán, mời chào khách hàng thì mình mở miệng không ra.
Trong chợ, mấy bóng đèn to sáng, chỉ có khu hàng ăn thì họ gắn đèn Chợ Lớn nên vàng lè khè, hiu hắc tối tối nhưng lại là nơi đắt khách nhất. Mình hay ra đây, xem mẹ thằng Dư và con Thuý bán hàng cơm. Có lần được mẹ chúng cho tô cơm ăn chung với thằng Dư. Sau đó, thì độ 9 giờ tối, mình và thằng Dư về trước. Gần Tết nên trăng khuyết, trời tối, đi về, băng qua cầu quẹo, sợ ma khi ngang qua cái trang của mấy nhà làm vườn. Nhất là đường Hai Bà trưng, gần nhà mình, ngay cột điện, có ông lính nỏ lựu đạn chết.
Mẹ mình dọn hàng về sau. Mình thích chợ đêm vì vui lại được ăn cơm ngoài chợ. Mẹ mình chỉ cho ăn hàng của ông Lìn. Ông này chỉ bán mì Triều Châu, sáng thì có cà phê, hột gà ốp-la hay thịt bò, còn toàn là mì hay hủ tiếu. Nói chung thời ra chợ, mình ăn mì của chú Lìn mệt thở luôn.
Đùng một cái, Mậu Thân đến. Việt Cộng tấn công vào Đà Lạt, khu Hoà Bình bị bắn cháy đủ trò. Sau đó, Đà Lạt có vụ thiết quân luật, giới nghiêm. Cứ 9 hay 10 giờ tối là không được ra đường đến 6 giờ sáng. Tới giờ là còi hụ trên rạp Hoà Bình, hú báo đến giờ không được ra đường.
Từ đó, mình không còn thấy chợ đêm đến khi đi Tây. Bù lại trước Tết, mẹ mình viết đơn xin bán chợ Tết. Bên ngoài chợ, họ chặn hai còn đường bên hông chợ, không cho xe cộ vào khiến xe hơi đi chợ, phải đậu từ ngoài cà phê Hạnh Tâm vào đến bùng binh. Mình đoán là chương trình này giúp các gia đình quân nhân và công chức, kiếm thêm tiền ăn Tết.
Họ chận đường lại, vẽ mấy ô cho thuê. Ai muốn bán thì trả tiền thuê cho một tuần thì phải rồi đem hàng ra bán. Mẹ mình có xin một cái rồi kêu chị người làm ra bán, đem hàng xén ra bán. Cuối tuần mình và cô em kế bò ra bán hàng. Sau này, khi khu công chánh cao nguyên trung phần dọn từ Ban Mê Thuột dọn về Đà Lạt. Mẹ mình khuyến khích hàng xóm, xin thuê chỗ, rồi lấy hàng mẹ mình ra bán, lấy tiền ăn Tết. Có hai gia đình xin phép. Cứ gần cuối năm, mẹ xin mấy tờ đơn rồi kêu mình đem qua đưa cho hàng xóm. Bán ngoài đường đắt hơn trong chợ nhưng thiên hạ thích mua. Tương tự ngày này, mấy ông Mễ đi bán hoa, trái cây ngoài đường, giá cao hơn trong tiệm, nơi họ mua hay lấy ra bán.
Tháng chạp thường là mùa cưới. Các nhà nào có con gái, như bom nổ chậm nên tống cổ đi sớm chừng nào là vui chứng nấy. Nhà trai thì có thể vênh mặt lên kêu mới tậu được cô con dâu. Dạo ấy, thiên hạ tổ chức đám cưới tại nhà, chỉ có nhà giàu mới mới làm tại nhà hàng.
Họ che cái rạp rồi hàng xóm, bà con xúm lại nấy ăn đãi khách như kiểu ngày chạp mộ, các người trong làng xúm nhau về gặp nhau, nhận bà con. Vấn đề nhận bà con hơi mệt, đi đường ở Đà Lạt, đa số người Huế mình phải chào vì có họ hàng chi với mẹ mình hoặc bạn, khách hàng. Vì vậy, ngày nay mình mới nhớ vì phải chào người gốc Huế tại Đà Lạt. Ai mà dính dáng đến các làng An Lưu, An Cựu, Dưỡng Mong, Vĩnh Lại,..là bà con.
Ngoài ra các công sở và quân đội cũng tổ chức tất niên. Họ ra chợ mướn chén đĩa của mẹ mình, sau đó thì trả công cho mình và cô em kế để rữa. Đêm đêm trời lạnh, hai anh em ngồi rữa xà phòng, ngay bồn nước của chợ. Rữa xong thì úp cho ráo nước, sáng hôm sau, lấy giấy báo để xen kẻ, chồng lên nhau để khỏi bị nức, rồi lấy dây lạt buộc lại, bán Tết. Xong om. Tuy lạnh nhưng có mấy chục bỏ túi. Mai đi ăn quà.
Bên tay phải, chỗ hai cầu thang lên chợ, ngay tường có cái bồn nước cho người trong chợ dùng. Mình và cô em kế, ra ngồi bên cạnh để rữa chén bát. Hình như vòi nước bị hư nên nước cứ chảy ngập khu vực này. Hàng mẹ mình ngày cầu thang chợ phía trong. Mấy mái tôn che là nơi các hàng quán ăn. Quán ông Lìn, mái thứ nhì, ngay cạnh hàng mẹ mình nên mấy năm ra chợ mình ăn mì của ông ta nhiều nhất, sau đến món bánh căn, cạnh hàng thịt. Con đường này, bị cô lập trong mấy ngày trước Tết. Họ kẻ mấy ô, cho mấy người mướn chỗ, để bán chợ Tết hàng năm, thường 7 ngày trước Tết.Con càng ngày càng đông nên mẹ mình, ban ngày buôn bán, tối về làm thêm mức để bán chợ Tết, bỏ mối cho mấy tiệm như Thành Nhàn và bác Tế. Mẹ mình làm mức dừa, mức gừng, mức bí và đặc sản là món mức dâu Đà Lạt.
Mẹ mình luộc gừng với chút dấm để tránh bị đen. Gừng đã được bào thái từng lát theo đường nghiêng, xéo xéo nên mấy lác gừng to hơn. Sau đó lấy kim chỉ sâu lại rồi cho đường vào chảo để rim. Khi gần xong thì lấy ra rồi rẩy cho mau khô rồi cắt sợ chỉ, rãi ra mâm để giúp mau khô. Mức bí tương tự cũng phải luộc trước để chất dầu khỏi ra sau này. Bỏ vôi trắng vào ngâm rồi rim nên lúc nào cũng trắng và khô. Mức khoai lang tương tự.
Mẹ mình có món đặc sản là mức dâu tây Đà Lạt. Mẹ mua dâu loại còn cuống, rồi rim. Sau đó lấy giấy bóng đỏ mà người ta gói trà, bánh khi đám hỏi. Phải cắt từng miếng nhỏ. Mình lãnh vụ này. Rim mức xong thì cứng nên lấy giấy bóng goí lại, chừa cái cuống để người ta thấy mới mua. Sau đó phải cẩn thận bỏ vào hộp đậy lại, trình bày theo hình tròn, trái tim chi đó. Thiên hạ dành nhau mà mua. Nghĩ lại mẹ mình nên chú trọng mua dâu tây để làm mức, kiếm tiền nhiều hơn. Mỗi lần ai đám hỏi, đám cưới là lấy tờ giấy bóng đỏ, ép cho thẳng để dành đến Tết làm mức dâu.
Mỗi đêm, mẹ mình làm 10, 12 ký mức đến 1, 2 giờ sáng. Nay ngồi nhớ lại mới thấy thương mẹ. Không biết ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày. Sáng 7-8 giờ đã đi chợ, tối, 2 giờ sáng mới ngủ để nuôi 10 đứa con. Trong ngày, khi thưa khách thì đan áo cho con, thêu bọc gối cho thiên hạ đặt. Sáng ra, vừa hết giới nghiêm là thấy bà Ngự gõ cửa, lấy hết hàng. Đem ra chợ bán. Nghe kể sau 75 càng te tua nữa. Nuôi 10 đứa con thêm ông chồng ở trại cải tạo.
Khi bố mình bị bắt, cả xóm, bạn bè của gia đình chạy dài, xem như nhà mình là cùi hủi. Chỉ có gia đình bác Ngự, lên nhà mình, khuyên mẹ mình cố gắng, khắc phục để nuôi con. Gia đình rất mến gia đình chú Ngự khi gặp hoạn nạn mới biết ai là bạn thật. Khi bố mẹ mình sang Hoa Kỳ chơi, hai bác có đến nhà thăm.
Mẹ mình chơi hụi, chơi huê thì hay đợi đến cuối năm hốt lần chót để trả nợ, thanh toán hàng hoá, mua đồ sắm sửa cho Tết, mua áo quần cho con. Có lần mẹ mình làm chủ hụi vì thiên hạ tin mẹ mình hơn. Cứ thấy mỗi tháng, mấy bà ngoài chợ vào nhà mình, mặt mày rất hình sự, lo lắng, ngồi rồi nói chi đó, rồi có người cần tiền hốt hụi với giá cao. Mấy bà kêu trời sao lấy cao vậy nhưng trong lòng mừng vì đóng ít tháng đó. Chỉ có những người đã hốt hụi rồi thì buồn vì phải đóng hụi chết. Tiếc Bùi hụi.
Đời mình ở Đà Lạt chỉ thấy người lớn tụ nhà mình. Một là mấy ông quen ông cụ tụ lại đánh bài, còn bạn mẹ mình thì hốt hụi. Mấy bà hốt hụi xong là dọt còn mấy ông thì thâu đêm. (Còn tiếp)
Nguyễn Hoàng Sơn