Nhị thập ngũ Hiếu

Gần 50 cái Tết mình xa nhà. Mình dự định năm nay về ăn Tết với bà cụ và mấy em ở Việt Nam, nhưng đại dịch cô vít xuất hiện nên không biết chừng nào mới thực hiện được. Cứ thấy mùa hạ, báo chí nói chuyện nghỉ hè, đến mùa đông thì báo chí cứ phán đủ loại cô vít thay vì mùa cúm như xưa.

Tết khi xưa, kỷ niệm nhớ nhất là mấy trận đòn lì xì đầu năm từ ông bà cụ. Sau Mậu Thân không có màn đốt pháo nên ông cụ dường như muốn đốt phong long trước khi đi binh xập xám chướng, nên hay lôi cổ mình ra khệnh một trận. Kể ra đây thì dài dòng khiến ai đọc phải uống nhiều ly nước. Đánh thua về thì kéo đầu mình khệnh kiểu bài vè khi xưa: tháng giêng là tháng ăn đòn,..”

Trong những trận đòn, mình nhớ nhất là trận đòn chổi lông gà của bà cụ. Khi xưa, mỗi nhà đều có cái chổi chà để quét mương cống và chổi lông gà để quét bụi bàn thờ,…vì nhà nấu ăn bằng than nên tro bay bám vào cửa kính, cửa sổ và bàn thờ.

Chổi chà thì thường cuối năm, bà cụ kêu mình ra chợ, mua một cái đem về, còn chổi lông gà thì mua nhiều hơn. Lý do chổi được sử dụng để huấn luyện các con thành những nhị thập tứ hiếu mà đi học việt văn, cô giáo bắt phải mua cuốn sách để học trả bài. Cuối năm, mua chổi mới, quăn chổi cùn cho hên nhất là chổi lông gà trong năm sử dụng khá nhiều, để đánh đòn nên có phần bị tét mây. Quăn chổi như quăng những cái xui năm cũ.

Chổi lông gà được làm bằng lông gà. Họ thu mua lông gà ở các lò làm thịt gà, rồi lấy chỉ sâu các lông gà cùng cở lại rồi giặt cho sạch mùi gà hay máu nơi lông gà. Thường chổi lông gà trống đẹp hơn nên đắt tiền hơn. Sau đó thì họ lấy dầu hắc, chấm đầu lông gà, cắm vào thân cây tre hay mây rồi bó lại, giúp bố mẹ dạy con làm 24 Hiếu. Nhà mình khi xưa, mua toàn đồ hàng tốt, cao cấp làm bằng mây nên quất rất đau. Mỗi lần ông cụ hay bà cụ đánh là có khi bị tét roi. Kinh

Ngoài chợ, dưới đồn cảnh sát, có một bà bán chổi. Ôi thôi đủ thứ chổi. Chổi chà, chổi quét nhà, chổi cau, chổi lông gà, chổi tre, chổi xơ dừa, chổi đót,.. treo đầy. Ai mua chổi nào thì bà ta lấy cái cây có cái móc rồi lấy xuống. Nếu khôn thì đợi ra giêng mua rẻ hơn, 3 ngày tết thì giá khá cao, đợi ra Tết, trả rẻ bà bán chổi cũng bán mở hàng. Vấn đề là ai cũng muốn sắm đồ mới để khai trương cái chổi trong ba ngày Tết, để cả năm, có cái huông, giúp con mình nhớ dai. Ngày nay, mình nhớ dai chuyện ngày xưa vì bị khệnh, ăn chổi lông gà vào đầu năm. Nói chung là Tết năm nào cũng bị khệnh. Đi chợ, ai khôn thì đi vào lúc chợ mới mở hàng, mấy bà đều bán hết dù là giá vốn.

Lâu lâu thấy một ông người nam, gánh cái cây tre, treo mấy chổi lông gà, trước và sau đi trong chợ, rao bán. Mấy bà kêu lại mua, rồi uốn éo cái chổi, xem như có thể đánh con ở nhà được không. Mỗi lần như vậy thì mình kêu bà cụ, đắt quá, không nên mua nhưng mẹ mình có tính thương người nên ai rao cái gì cũng mua cho họ có tiền nuôi con, còn mẹ thì có chổi lông gà để quất mình.

Mình không hiểu lý do là 24 cái gương con hiếu thảo, đều ghi nhận toàn là đàn ông. Mình nghĩ người xưa hay nói: con gái là con người ta nên không hiếu thảo với cha mẹ, nên họ chỉ nêu gương con trai hiếu thảo. Thậm chí con gái đi lấy chồng, khi cha mẹ qua đời, về nhà, để tang cũng phải trùm tấm vải the che mặt để bố mẹ trên bàn thờ không thấy mặt. Ông thầy dạy việt văn giải thích như vậy. Kinh

Nay lớn lên mới hiểu. Tự nó, con gái bẩm sinh là đã có Hiếu, còn con trai thì có Hiếu với vợ. Nên khi xưa bên tàu, ông Quách Cư Nghiệp đã phải biên soạn, tìm khắp xứ tàu, mà chỉ được có 24 người con trai hiếu để với cha mẹ. 24 người này có chung một đặc điểm là Nghèo. Dường như chỉ có nghèo mới có Hiếu. Có thể vì nghèo nên không có á xẩm nào dám lấy nên phải ở với bố mẹ. Do đó, ông tàu viết kể 24 cái gương hiếu tử của người Tàu khi xưa chỉ tìm được có 24 tên nghèo xác xơ. Lấy vợ thì phải hiếu với vợ. Vợ nó giúp làm ăn, tiết kiệm,…mới khá lên được.

Từ cổ chí tân, không có cô gái nào, chịu lấy tên nào nghèo cả. Chuyện hai quả tim vàng và túp lều lý tưởng là hình ảnh do bà Tùng Long gợi ra để bán báo nhật trình. Cô gái nào cũng muốn làm Cinderella hay công chúa ngủ trong rừng để lấy hoàng tử. Ông Không hỏi chết khi xưa từng tuyên bố: Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”. Khi mình trên 30 tuổi, chẳng có gì cả, ngay chiếc xe hơi cũng không nên mấy cô đá lên đá xuống khi khám phá gốc 3 đời vô sản của mình. 

Khi xưa, mình đi kiếm vợ, gặp cô nào cũng hát: đừng yêu em, xin đừng yêu em, đời anh đó, có gì đâu mà em theo. May sao, gặp đồng chí gái, bố vợ kêu mình thật thà nên gả.

Có lẻ khi xưa, không có quỹ hưu trí nên người ta sinh con để cậy khi về già, thậm chí các cô chịu làm lẻ để sinh được mụn con mà nhờ như chị Vinh của ông Hoàng Cầm. Nay thì có an sinh xã hội, đi làm thì có quỹ hưu trí nên về hưu không cần đến con cái nuôi nên người ta bớt nhắc đến sự hiếu thảo. Về già con cháu đến thăm là vui rồi còn chúng lăm le, bảo bán nhà để chia nhau thì không nên nghe lời chúng. Bán rồi không đứa nào, mang về nuôi.

Thật ra, chúng ta có con vì hai vợ chồng nhất trí nên khi sinh ra thì chúng ta có bổn phận nuôi con. Con chúng ta đâu muốn ra đời nên theo lẻ thường tình, chúng không có trách nhiệm gì cả về người sinh ra chúng. Theo mình không nên trách con cháu bất hiếu. Về già, chúng nhớ đến mình thì là một bonus.

Ngày nay, mình thấy xung quanh hay thậm chí ở nhà mình, con gái đều lo cho cha mẹ còn con trai thì lo cho vợ. Con trai lo cho vợ nên vợ có thời gian lo cho cha mẹ vợ theo lẻ thường tình. Do đó, sinh con gái thì được nhờ. Người xưa, phán mấy câu như “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” là chắc mấy ông say rượu nên phán bú xua la mua. Mình ở xa, nghe bà cụ nói có mấy cô em hay ghé nhà, nấu món gì lạ thì sai chồng đem lại cho mẹ ăn, còn mình thì chỉ biết hỏi qua FaceTime “hôm ni ăn chi rứa mạ?” Xong om.

Ông cụ mình thích đánh bài và đánh đâu thua đó. Đầu năm, cứ độ mồng ba, sau khi đi chào thiên hạ xong là ông cụ đi đến nhà ai đánh bài. Khi thua hết tiền mới về. Giận cá chém thớt, cứ lấy mình ra làm thớt để khệnh. Sau này, lớn bằng ông cụ, lại tập võ nên ông cụ ngại, hết bị đòn. Ông cụ lại lôi thằng em kế khệnh. Vừa khệnh vừa kêu: thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Lại bồi dưỡng thêm câu cá không ăn muối cá ươn, con ăn đòn cha mẹ trăm đường đau mông. Hiểu chửa. Từ ngày bàn giao cho thằng em kế chức vụ làm thớt để khi ông cụ thua bài khệnh thì mình khoẻ đời.

Trong các trận đòn thì mình nhớ nhất trận đòn chổi lông gà, năm học 8ème. Hôm ấy, ông bà cụ dẫn mình đi xuống thăm ông bà Hai, hàng xóm khi xưa, ở ngay nhà mà gia đình mình đang ở. Khi họ dọn đi, họ bàn giao căn hộ lại cho gia đình mình, rộng hơn một tị, có sân chơi nên bố mẹ mình nhớ ơn. Mình căm thù bà Hai này lắm. Bà ta không có con cháu nên hay tỏ vẻ thương mình, cho roi cho vọt hàng ngày. Lâu lâu bà ta khệnh mình vì ăn cắp hoa cho con Thuý hàng xóm, bà trồng ở sau vườn.

Ông cụ là y tá trưởng của tiểu đoàn. Khi giải ngủ, có đem hộp cứu thương về nhà. Trong hộp có cái syringe để chích thuốc khi vợ con đau và cái kéo để cắt băng rất bén. Bà ta hay sang nhà mượn cái kéo của ông cụ để cắt mấy nhánh cây. Có lần mình  xuống nhà bà ta ở đường Nguyễn Trãi thì thấy cái kéo của ông cụ, bà ta chôm mất khiến mình bị ông cụ tẩn một trận nhớ đời, làm mất cái kéo. Mình chôm lại, đem về báo cáo cho ông cụ.

Từ dạo ấy mình mất lập trường cách mạng, không tin lời người lớn dạy dỗ nữa. Bà Hai khệnh mình khi bị con hàng xóm, kêu đi hái hoa của bà cho nó để chơi thờ ông bà gì đó. Nay bà ta chôm đồ nhà mình mà mình không có quyền dạy dỗ lại bà ta.

Tết xuống thăm. Nhà bà này, ở ngay ngã ba Nguyễn Trãi và đường Yersin, chỗ trạm xe đò Chi Lăng ngừng để học trò Grand Lycee xuống. Ông bà cụ gọi xe Lam từ chợ Đà Lạt xuống dưới đó. Mình không được đi đâu cả, bà Hai sợ mình đi chôm đồ của bà như cái kéo. Chán Mớ Đời 

Người lớn nói chuyện từ đầu năm Dần sang năm Tý. Ngồi chán quá, lại không được động đậy nên mình xin phép đến nhà hai anh em Phi Long, học trường Thanh Ngọc với mình buổi sáng. Dạo đó, mình học buổi chiều ở Yersin, sáng thì bà cụ sợ mình đi phá làng xóm nên cho đi học trường Thanh Ngọc. Thành ra mình ngu lâu dốt sớm từ bé, học cùng giáo trình sáng chiều mà vẫn không thông. Được cái mình không phải đi giang nắng 4 tiếng nên chỉ đen vừa thôi.

Nhà hai anh em sinh đôi, Bắc kỳ này ở ngay đường Phạm Hồng Thái, nối liền Nguyễn Trãi và đường Hùng Vương. Từ nhà bà Hai đến đây cho độ 100 mét, đi băng qua cái cầu có suối Cam ly chảy từ Chi Lăng về, ra hồ Xuân Hương. Có dạo nước lụt làm trôi cuốn theo mấy bao thuốc sâu của nhà vườn ở khu vực này, làm cá ở hồ Xuân Hương chết, nổi lên mặt hồ, thiên hạ đi vớt về ăn mệt thở cả thuốc sâu.

Mình và thằng em kế, chơi bắn súng với hai anh tên này trên ngọn đồi gần nhà có thông cao vời vợi. Mãi chơi quên vụ ông bà cụ ở nhà bà Hai. Cuối cùng hai anh em Phi Long về nhà ăn cơm chiều. Mình và thằng em mới chạy lại nhà ông bà Hai. Bố mẹ mình đã về. Hai anh em chạy bộ về Hai Bà Trưng khi trời tối. Lại phải đi ngang am Sohier, chim dế run như điên, khấn thần, khấn cô 7, khấn Phật đủ trò. Đến nhà thì mấy đứa em, kêu ba má đi qua nhà hàng xóm, chút về sẽ lì xì trận đòn mở hàng phong long đầu năm.

Mình lo lo cái bụng nhưng may là ông cụ đi đánh bài nên bà cụ sẽ lãnh nhiệm vụ lì-xì trận đòn đầu năm. Khi bà cụ về, kêu leo lên giường, nằm xuống, rồi kêu mấy đứa em lấy cái chổi lông gà treo trên tường xuống như lấy bảo vật gia đình. Mấy đứa em thì thường ngày hay bị mình khệnh nên hăng hái, đi lấy cái chổi lông gà để lập công cách mạng như dân CM30. Người lớn có cái tật hay trêu trẻ con. Bà cụ cứ nhịp nhịp cái chổi lông gà trên Mông mình như tra tấn tinh thần, chắc bị ảnh hưởng những ngày ở tù, bị mật thám tây bắt và tra tấn rồi nói, dạy bảo. Mình sợ đòn nên cứ mếu rồi nói dạ chừa, dạ chừa đủ trò.

Như người câu cá, cứ nhấp nhấp cái phao rồi bà cụ quất một cái đau điếng. Trong đầu mình bổng loé lên một tia sáng, tư duy cách mạng. Trong sách giáo khoa, có câu chuyện một ông tàu. Một hôm, mẹ đánh ông ta khóc như cha chết mẹ trối. Bà mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao mọi lần mẹ đánh, con lì lợm, không khóc. Sao hôm này, bị đánh con lại khóc. Ông này khóc như Lưu Bị, kêu khi xưa mẹ đánh đau con nên không khóc, nay mẹ đánh không đau nên con nghĩ mẹ mình nay đã già, mẹ con sắp xa lìa, buồn nên khóc.

Thế là mình bắt chước ông tàu, khóc như Tố Hữu khóc ông Xít ta Lin chết, thương cha thương 1, thương ông thương 10, để nghe mẹ mình hỏi câu của bà già tàu khi xưa. Ai ngờ, mình khóc thì mẹ mình kêu: Khóc hả rồi khệnh thêm mấy cái roi chổi lông gà đau điếng. Từ đó mình cạch đến già không dám làm người con có hiếu hay thập nhị ngũ hiếu thời đại. Không muốn làm người con hiếu thảo thứ 25.

May quá khi xưa, không có hàng bán trên mạng nếu không thì chắc bố mình gửi mua cả tá hàng tháng. Kinh

Sau này, mới hiểu ông cụ đi đánh bài nướng hết tháng lương Tết trước ngày 30. Cũng tội ông cụ, lương công chức ít, ông cụ muốn có thêm tiền cho vợ con ăn Tết, vui Xuân. Ăn tất niên trong sở xong thì có mấy người rủ xây sòng nên ông cụ tham gia, hy vọng kiếm chút tiền, mua áo quần mới cho vợ con, mua chả thủ, bia rượu cúng ông bà 3 ngày tết. Ai ngờ thần tài không gõ cửa nên nướng sạch tháng lương khiến bà cụ nổi điên, lấy mình làm thớt để đánh hả giận ông cụ. Chán Mớ Đời 

 (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn