Những tấm ảnh xưa #2

 Mình không biết lý do nào lại có trên 2,750 tấm ảnh cũ của Đà Lạt xưa. Nhiều người nhớ Đà Lạt xưa nên sưu tầm hình ảnh cũ rồi gửi cho mình. Vấn đề là làm gì với mấy tấm ảnh này. Không lẻ cứ xem mấy tấm ảnh rồi kể chuyện đời xưa. Mấy bác nghe em kể chuyện Đà Lạt nay chắc đã ớn cận cổ. Mấy bữa nay tình cờ thấy mấy tấm ảnh của ông nhạc sĩ nào tên Thi ở Đà Lạt, tải lên mạng khiến mình thất kinh. Những tấm ảnh này mới thấy lần đầu tiên nhất là đám tang của ông Cửu Quế (Nguyễn Quế). Ông này người làng Ngọc Anh, Thừa Thiên, đồng hương với ông Võ Quang Tiềm. Có thấy tấm ảnh chụp ông Tiềm đi đám.

Tò mò mình hỏi ông nhạc sĩ kiêm chủ quán cà phê ở Đà Lạt thì khám phá ra Ông Cửu Quế là người làng NGọc ANh. Mình hỏi vậy có bà con chi với ông Võ Quang Tiềm, bà cụ mình gọi Dượng. Lần trước về Huế, mình có chạy xe qua làng Ngọc Anh thì bà cụ nói làng ni làng của ông Tiềm. Do đó mình nhớ. Hoá ra người cùng làng với ông Tiềm. Nghe nói làng này có 3 dòng họ Nguyễn và một họ Võ, cho nên rất gần nhau.

Vấn đề là khi xem một tấm ảnh cũ Đà Lạt khiến mình xốn xang, nhớ lại ngày xưa, những ngày đi ngang đây. Không ngờ những hình ảnh ấy chỉ còn trong tiềm thức.

Tấm ảnh này chụp trên đường Hùng Vương, gần ngã Ba Huyền Trân Công CHúa đi lên trường Couvent Des Oiseaux, toạ lạc trong rừng cây thông phía sau. Hình chuẩn bị cuộc đưa đám ông Cửu Quế. Bên tay trái hình như là ngôi chợ ở khu vực này. Có người nói chợ Suối Cát Nam thiên. Khu vực này được xem là khu vực dành cho người Việt (indigenes) đầu tiên theo bản vẽ phát triển của Đà Lạt thời tây. Hình như chỗ này có đường băng qua suối về Hoàng Diệu, chỗ lò gạch và có một bản thượng, có nhà thờ Cam Ly mà mình đã kể.

 Hồi năm 8 ème và 9 ème, bà cụ cho mình học trường Thanh Ngọc vào buổi sáng, mình học Petit Lycee vào buổi chiều, gần Couvent des Oiseaux nên mỗi ngày đi ngang khu vực này. Nếu mình không lầm có một anh chàng tên Châu, người béo béo, thấp thấp, học với mình khi xưa ở lycee, nghe nói nay sinh sống tại Úc Đại Lợi. Biết thôi chớ không chơi với nhau. Hình như ông bố có chiếc xe Lambretta, chở khách.
Đám tang đi lên về phía đường Lê Quý Đôn, bên trái là đồi của trường Petit Lycee. Bên phải là các biệt thự đẹp. Mình nhớ khi học 11 ème, ra chơi là dưới mấy cây thông này, nhìn xuống đường Hùng Vương. Chỗ này nhớ có lần bà đầm Cavalier dạy, dẫn ra đây để đón Ngô tổng thống, đi kinh lý, ngồi xe huê kỳ từ phi trường Cam Ly chạy về. Hai bên đường là học sinh với thường dân, cầm cờ phất ầm lên kêu Ngô tổng thống muôn năm. Sau đó mấy tháng thì ông ta bị giết. Chán Mớ Đời

Đối diện Petit Lycee thì có nhiều biệt thự, có một con đường nhỏ đi xuống vùng thấp, nơi mấy cái vườn. Có dạo mùa hè mình học tư một ông giáo ở khu vực này. Bổng nhiên quên tên. Ông ta có một người con trai du học ở Pháp, năm 1972, có về Đà Lạt thăm, lấy vợ đầm. Mình gặp khi ông ta ghé thăm bà dì mình ở số 11 Duy Tân, Đà Lạt xưa. Có một cháu gái học chung với mình, năm 10 ème với ông Didier, không nhớ tên. À cụ Khâm.
Đây là góc ngã ba Hùng Vương và Lê Quý Đôn, thấy hai ông cảnh sát đứng gác. Trước mặt là khách sạn Duy Tân. Hình như chỗ này có vũ trường thì phải vì nghe thiên hạ kể đi nhảy đầm ở đây. Phía bên tay trái là nhà của một gia đình tây, thường thấy họ nuôi vài con gà tây. Có xích đu đủ trò. Mỗi lần đi học về thấy mấy đứa tây đầm ở đây, ngồi đánh đu thèm chảy nước miếng. Mình đi học mỗi ngày băng qua khúc này đến Petit Lycee. Bây giờ  là một khách sạn to đùng. Lần trước về mình có ăn cơm với Ngô Văn Thuỷ tại đây và mấy người bạn học chung khi xưa.
Hình này của ông Lê HUy Cầm tải căn nhà của công ty Shell, ngay đường Hùng Vương và Đoàn Thị Điểm. HÌnh như mình có kể hai căn nhà này rồi. Bên phải là đường Huỳnh Thúc Kháng, có nhà thờ Tin Lành bị bắn nát năm Mậu Thân mà mình đã kể rồi.
Đây đường Phan Đình Phùng, gần ngã ba chùa. Cuối đường hình ảnh, thấy nhà thờ Tin Lành trên đồi Hàm Nghi, thấy khách sạn Mimosa, dãy nhà tiệm Sơn Hà bán gạo. Đối diện bên tiệm Đức Lợi và tiệm thuốc tây, hình như trường bà sơ Trinh Vương. Cạnh tiệm thuốc tây bên tay trái, có quán cơm của gia đình Nguyễn Lương Đô, có ông anh nghe nói học rất giỏi. Chỗ này phía trong có một dãy nhà, hình như của bà Mười Võ, cho thuê. Trong lớp có một anh chàng nhà ở Tùng Nghĩa tên Trần Thiện Tân, ở trong này. Lâu lâu mình cũng hay ghé đây nghe anh ta và Nguyễn Đình Tài đánh đàn. Năm đó thi rớt, anh chàng chạy về Sàigòn học lại.
Hình này chụp ngay cây xăng ngã ba chùa, thấy tiệm thuốc tây Long Vân của bà Mười Võ nhưng bên tay phải thấy căn nhà 2 tầng ngói của ông dượng mình, nhà mái cạnh hãng cưa của ông Xu Huệ. Ông dượng mình khi xưa có tiệm hớt tóc cạnh quán cơm bị Việt Cộng đặt chất nổ. Góc này có con hẻm đi qua vườn ông Ba Đà.
Đây khúc này thường được gọi là ngã ba chùa. Thấy tiệm thuốc tây Long Vân, hình như của bà Mười Võ. Bên cạnh có một chỗ dạy khiêu vũ. Đi lên chút xíu có lò xay gạo để dân Đà Lạt đổ bánh căn. Hình như bà 10 Võ có một người con trai đồng tuổi với mình tên Cao Minh Đức, nghe nói qua đời sau 75. Thấy con cháu người quá cố lạy mệt thở trên đường đi đưa đám ra Mả Thánh
Hình này thấy rõ hơn. Trạm biến điện, bên cạnh có trạm Nhân Dân Tự Vệ, ban đêm họ dăng rào kèm gai. Chỗ này có một cây xăng, bị Việt Cộng đặt chất nổ. Trụ sở nhân dân tự vệ do ông Phấn làm đoàn trưởng, đóng ngay hợp tác xã Rau.
Khúc này là ngã ba chùa. Thấy con đường từ Hàm Nghi bên trái chạy xuống Phan Đình Phùng mà người Đà Lạt xưa gọi là Cầu Quẹo vì từ Hàm Nghi chạy xuống quẹo lại về khu phố Ngọc Hiệp nên thường được gọi là đường Cầu Quẹo, vì có chiếc cầu nhỏ khi xưa. Sau này thời ông Diệm được đổi tên thành Phan Đình Phùng. Khúc này đi tới chút xíu có cái cầu, người xưa gọi Cầu Quẹo. Phía dưới có ống cống to đùng bằng Xi Măng, hướng dẫn nước từ ấp Mỹ Lộc chảy xuống ra tới suối. Ở trên được lát đường nhựa. Mình thấy giải thích này chí lý nhất do một anh lớn tuổi ở Đà Lạt kể lại khi mình kể đường Cầu Quẹo.

 Có dạo một ông cán sự ty Công Chánh Đà Lạt, quên tên, họ hàng gì đó với CBMT, lái chiếc xe công xa ngang đây thì có thằng bé chơi sao chạy ra đường bị ông ta cán chết ngày cuối tuần. Sau này họ kêu ông ta đi công tác rồi đền cho gia đình một số tiền và một tấn gạo để khỏi thưa ông ta ra toà.

Bên tay trái của đường đi xuống có cổng chùa Linh Sơn, bên tay trái có tiệm bánh rồng vàng, bán loại bán xu-xê, bánh cốm để đi đám hỏi. Có ba người học Yersin với mình ở đây. Phan thị Thu Thuỷ, nay ở nam cali, mình có gặp lại, có người em trai tên Tuấn thì phải, Bích Thu và Nguyễn Văn Khoa, học chung lớp khi xưa, hay cúp cua đi đá banh với mình ở sân Cô Giang phía sau Grand Lycee. Trước kia ở Số 4, hay đánh lộn với Tuấn Trung, sau Mậu Thân xuống đây ở nhà bà con hay sao đó vì sợ Việt Cộng đêm về trên số 4, bắt đi lính giải phóng. Mình về Đà Lạt, cố tìm anh ta nhưng không biết nơi mô. Hơn mình mấy tuổi.

Chỗ này mình đoán là từ Ấp Mỹ Lộc đi tới khúc hãng cưa Xu Tiếng

Hình này mình chưa định hình vị được vì có thể đường Ngã ba Chùa nhưng không thấy hợp tác xã rau Đà Lạt, nơi đồn Nhân Dân Tự Vệ. Mình nhớ là hai tầng lầu. Ai nhớ thì cho mình biết để bổ túc. Ngoài ra thấy căn nhà mà mình hay đem gạo đến cho họ xay gạo mỗi lần nhà đổ bánh căn. Họ lấy tiền công xay gạo. Cứ sáng đem lại rồi trưa ghé lại lấy với cái xoong, đem về. Hồi nhỏ phải đi bộ băng qua vườn ông Ba Đà, sau lớn có xe gắn máy thì chở về.
Đoạn đường này ở Mả Thánh. Phía dưới đường là con đường tên Tôn Thất Thuyết, chạy ra trường Trần Hưng Đạo. Con đường này nối liền với đường Nguyễn Hoàng ngay đoạn Nguyễn Công Trứ. Chỗ đoạn này lên mả thánh từ đường Tôn Thất Thuyết vì đường đi lên chỗ cái am ngay ngã ba La Sơn Phu Tử và Phan Đình Phùng và Tôn Thất Thuyết đã hết chỗ nên họ nới thêm con đường phía này. Em trai mình chết năm Mậu Thân cũng được chôn khu vực này. Xa xa thấy Domaine de MArie trên đường Ngô Quyền.
Bản đồ Đà Lạt xưa do tiến sĩ Chử Nhị Anh vẽ lại qua tài liệu cũ. Để ai muốn mò đường cũ của Đà Lạt xưa.

Xe chạy đẩy lên đồi mả thánh. Xe chở quan tài này được sử dụng khi em trai mình qua đời năm Mậu Thân, chắc mướn rồi chở quan tài rồi thiên hạ xúm lại đẩy tới Mả Thánh, mình nhớ đi lên khúc này rất châm vì trời mưa, đường trơn trợt.
Đường Nguyễn Trường Tộ từ cây xăng Esso, Thuỷ Tạ chạy lên cây xăng Kim Cúc, xuống Nguyễn Tri pHương, chạy về thác Datanla và Sàigòn. Nay về thì khó mà nhận ra đâu là đâu. Hình này ông Lê HUy Cầm tải lên. Nhìn thì mình nhận ra ngay. Hình ngày nay thì chịu. Hôm trước có xem YouTube ông thần nào ở Đà Lạt, quay khúc này khiến mình thất kinh.
Hình không định vị được thời gian của tấm ảnh được vì nhà may Văn Gừng lại tên Duyên, bên cạnh có tiệm xe đạp em của bà Cháu ở Phan Bội Châu và ông Công Thành ở đường Phan Đình pHùng. Chỗ hai nữ sinh đầu bên tay trái là hẻm vô tiệm chè Mai Hường. Khi xưa mình ăn chè ở đây hai lần và chè gì ngay ngõ vào dốc Nhà Làng được 3 lần, vài lần chè Mây Hồng ở đường Tăng Bạt Hổ. Mấy chị bạn kể nhiều tiệm chè ở Đà Lạt khiến mình thất kinh. Em chỉ biết có mấy tiệm này thôi. Thêm tiệm Vọng Nguyệt Lầu, chỗ này đi xuống chút xíu, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ.
Hình này trên đường Minh Mạng. Mình có tấm ảnh tương tự nhưng không có bóng người. Tấm này chụp thấy tiệm giặt ủi của cậu Châu, con Mệ Cai Thỏ, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ và Minh Mạng nên đoán chụp gần tiệm giày Mỹ Hưng. Xa xa bên trái là lữ quán Sàigòn và tiệm bi-da Hồng Ngọc. Nhà bên trái Lữ Quán Sàigòn, của một ông luật sư nào ở Sàigòn. Chỗ thằng bé đứng bên tay trái, chỗ nhà ông luật sư ở Sàigòn, có mấy thang cấp đi xuống đường Phan Đình Phùng, ngay tiệm Cẩm Đô. Chỗ này gia đình chú Lìn, bán hủ tíu cạnh hàng bà cụ ngoài chợ ở. Chỗ chiếc xe Traction đậu có tiệm hủ tiếu Nam Vang cũng do chủ lữ quán Sàigòn làm chủ. Cô con gái kể là sau 75, có ông nằm vùng kể cho bà mẹ, ông được lệnh đặt chất nổ trong gà mên vào cuối tuần khi sinh viên Võ Bị ghé lại đây ăn đông lắm nhưng thấy mấy đứa bé chơi trước cửa tiệm nên không nở. Tháng 8 năm nay sẽ lên vùng Seattle chơi, hy vọng gặp lại cô bạn học cũ, và gia đình hàng xóm khi xưa, biết đâu có duyên gặp gia đình hủ tiếu Nam Vang.
Tấm này chụp được phía bên kia dãy Hoà Bình. Chỗ tiệm Đà Lạt, có một quầy nhỏ bọc plastic các giấy tờ tuỳ thân như thẻ học sinh, hoãn dịch. Kiếm tiền bộn vì sinh viên học sinh phải ra đây bọc nhựa giấy tờ tuỳ thân. Họ lấy cái fermeture để dưới bàn, bỏ miếng nhựa lên rồi lấy bàn ủi, ủi lên, hàn kín thẻ học sinh hay giấy tờ. Hình như họ có lấy gì bỏ trên mặt plastic để khỏi chảy nhựa hết. Anh chàng phụ ông bố là học sinh Trần Hưng Đạo. Thấy có bà người thượng bán ngo, cái gù hết ngo. Có thể bà ta ở chỗ gần nhà thờ Cam Ly. Bên tay trái chỗ tấm tăng che có chữ Traders là của ông Chà Và, trước khi đi Tây, ông cụ dẫn đến đây mua cho cái dây nịt.
Hình này là trường Võ Bị Quốc gia, quá mờ. Ai có tấm nào rõ hơn một tí thì cho em xin
Khóa sinh mới nhập ngủ, đứng trước cổng vào trường chuẩn bị vào cuộc đời binh nghiệp. Nghe nói kiến trúc sư người Việt quên tên, thiết kế trường võ bị quốc gia nhập ngủ ngành Công Binh nên có nhiệm vụ thiết kế các căn cứ quân đội của Việt Nam Cộng Hoà, đã thiết kế trường Võ Bị quốc gia trước kia mang tên trường Lục Quân do tây thành lập.
Hình ảnh ga xe lửa Đà Lạt khi xưa
Mình có xem mấy tấm ảnh ngày của mấy trạm xe lửa trên, tan hoang quá.
Trường bà sơ Couvent des oiseaux
Grand lycee
Văn phòng Proviseur, chụp thời đổi thành trung tâm giáo dục Hùng Vương

Thác Prenn thời mình còn bé, có nhớ mấy nhà dù này

Mấy bưu thiếp Đà Lạt xưa
Hình ảnh phi trường Liên kHương xưa
Chỗ này thấy quen, biết là ngay Grand lycee. Hỏi bạn học cũ thì được biết từ trong trường đi ra cổng, có mấy căn nhà to đùng ở bên cạnh, chụp gần cái chuông cao. Mình đoán chắc chụp sau 75 khi chế độ mới mở trường dạy sư phạm chi đó. Hay sau khi trường Yersin được đổi qua Petit Lycee. Trở thành trung tâm giáo dục hÙng Vương. Mình có đâu 2 người em học ở đây.
Lữ quán thanh niên Đà Lạt khi xưa. Bà mẹ của Mai Thế Lương thầu trúng nấu cơm hàng ngày cho sinh viên ăn
Nhà của ông Quản Đạo Trần Văn Lý sau này được dùng làm câu lạc bộ thể thao trước khi bị phá bỏ, gần cầu ông Đạo
Hồi xưa, còn nhỏ chưa có bồ để dẫn lên đây. He he . Chắc ai có con học ở Lasan Adran nên đến đón con rồi dẫn nhau ra đây ăn uống. Lúc mình lớn lớn một chút thì chỉ đến đá banh chớ không dám vào rừng. Sợ Việt Cộng nằm vùng.

Còn nhiều tấm ảnh mới nhận được nhưng để hôm nào kể tiếp.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 




 






Sự tàn bạo của hoà bình

Chiến tranh đưa đến sự chia ly chết chóc, tàn phá, huỷ hoại đạo đức con người nhưng khi cuộc chiến chấm dứt, hoà bình vãn hồi. Tưởng sẽ đem lại yên vui, thanh bình cho mọi người, nhưng kẻ thua cuộc sẽ phải trả một giá rất đắt, thậm chí cả mạng sống của họ. Của cải tiền bạc bị kẻ thắng cuộc chiếm đoạt, họ trở thành tay không, chống chọi với bệnh tật, đói khát trên con đường lưu vong, xa nơi họ sinh ra.

Mình có quen một bà người đức, gốc vùng Đức quốc, ngày nay là Ba Lan. Sau đệ nhị thế chiến bị đuổi về Đức quốc mà bà ta chả biết gì cả. Tương tự, mấy người sinh sống tại Algerie, bị đuổi về Pháp dù chả biết gì cả về xứ này thậm chí ít người biết nói tiếng pháp. Thời thực dân xâm chiếm vùng đất này, các trường học dạy bằng pháp văn nên ai đi học thì biết tiếng Tây còn không thì nói tiếng ả rập.

Mình nghe bà ta nói về sự việc nhưng không hình dung nổi, đến khi xem một phim tài liệu của đài BBC với những khúc phim, quay những cảnh người sinh tại đó, nhưng nói tiếng đức thì thất kinh. Họ bị hành quyết bởi người dân Ba lAn, Tiệp Khắc ,… lý do là kẻ thắng cuộc Anh quốc, Hoa Kỳ, và Liên Xô đồng tình chia đất đai ảnh hưởng. Khi sang Pháp thì mình mới nghe đến các trại tập trung do Đức quốc Xã thành lập để nhốt và sát hại các người gốc Do Thái trong thời đệ nhị thế chiến. Đọc Quần Đảo Ngục Tù thì mới thấu hiểu những trại cải tạo tại Việt Nam.


Chúng ta thường nghe kể là Đức quốc xã tàn ác, đầy đoạ người Do Thái. Khiến người Do Thái phải bỏ chạy nơi tổ tiên của họ ở khắp âu châu từ mấy ngàn năm qua, tìm về mảnh đất Palestine mà các nước đồng minh của kẻ thắng cuộc đã đồng thuận. Mình cứ nghĩ người do thái đã bị Đức quốc xã tìm cách tiêu diệt thì họ phải thương người Palestine đã cho họ tá túc. Đây họ càng ngày càng ép người dân Palestine vào những khu vực bị hạn chế bởi các tường, chận đứng đường kinh tế, phải làm cu li cho người Do Thái, phải xin phép hàng ngày qua biên giới để kiếm chút tiền nuôi gia đình trong sự nhịn nhục. Hôm trước, có 1 ông thần tải một khúc phim quay cảnh lính do thái rút quân về từ Gaza, bị dân do thái chận đường lại chửi, hỏi đã giết bao nhiêu người vô tội.


Chúng ta thường nghe lịch sử do người thắng cuộc viết nên chỉ học sự việc xẩy ra từ bên thắng cuộc. Còn kẻ thua cuộc thì chả biết ất giáp gì cả và người sau chỉ biết nguyền rủa kẻ thua cuộc. Được cái là ngày nay, các học giả, sử gia có đầu óc viết lịch sử cho rõ ràng, được tự do đi tìm được tài liệu cũ để tìm hiểu hơn thì thất kinh. Kẻ thắng cuộc cũng tàn bạo không thua gì đoàn quân Nazi của Hitler.


Khi mình ở Pháp, khám phá ra trong thời gian bị Đức quốc xã chiếm đóng, có rất nhiều người Pháp a dua theo đoàn quân viễn chinh của Hitler như dân 30 tại miền nam sau 75. Tạm gọi là Pháp gian vì cộng tác với kẻ thù. Họ truy lùng các người Pháp, gốc do thái để đưa đến các trại tập trung, để được đàn em của Adolp Eichman cho vào lò hơi ngạt mà sau này một nhóm người được Mossad gửi sang Á Căn Đình, bắt cóc đem về Jerusalem, xử tội và hành quyết. Mình đoán lý do là lợi lộc. Khi chúng ta điềm chỉ một người đang bị nhà cầm quyền hiện tại truy lùng thì có khả năng chiếm đoạt được tài sản của họ. Dân Do Thái nổi tiếng giàu có nên thừa cơ họ chơi luôn để chiếm đoạt tài sản.


Điển hình tại Việt Nam sau 75, dân CM 30 tìm cách lập công với chế độ mới, hy vọng được điểm với chế độ mới và có khả năng chiếm đoạt tài sản của những gia đình được xếp vào thành phần nguỵ quân nguỵ quyền. Mình nghe kể mấy người hàng xóm CM30 khi xưa, thay phiên nhau tố cáo bà cụ mình, thậm chí họ viết thư nặc danh phản động, gửi cho bà cụ, hy vọng nhà nước đuổi đi kinh tế mới với hy vọng dành chiếm căn nhà của gia đình mình.


Cái vui thì người Pháp kêu khi xưa có rất nhiều người Pháp cộng tác với quân chiếm đóng nhưng sau khi Đức quốc xã bị đánh tan tành thì số người theo kháng chiến chống lại sự đô hộ của Đức quốc xã gần như toàn dân Pháp. Họ đem ông thống chế Pétain xử. Ông này có vai trò như ông Dương Văn Minh, đầu hàng để tránh dân pháp bị đổ máu thêm. Sau đệ nhất thế chiến, các ông tướng pháp hồ hởi cho xây cái lũy thường được gọi là Ligne de Maginot, hầu chống cuộc xâm lăng của Đức quốc. Ai ngờ quân đội Hitler cho xe tăng chạy bọc cái luỹ của mấy ông tây. Chạy đến Paris đúng 7 ngày.

Hôm qua, ngày đầu năm, ngồi nhà, xem các phim tài liệu lịch sử trên Prime, có một phim tài liệu do đài BBC thực hiện cho nên không thể nói do người đức tuyên truyền. Hoá ra sau 1945, có đến 12 triệu người gốc đức như bà Inge bị bắt buộc rời khỏi các nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan, HUng Gia Lợi,… về lại Đức quốc, nơi họ chưa bao giờ đặt chân đến thậm chí ông bà họ cũng không biết. Lý do là quân đội đồng minh và Stalin chia đất và cứ bắt dân tình ở nơi đó bị buột rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của họ, để đến một nơi nào đó họ không biết đến. Như người Việt sinh sống bao nhiêu đời ở Campuchia rồi năm 1970 bị cáp duồn, sợ quá chạy về Việt Nam, nhiều người không biết nói tiếng Việt.


Những thước phim khó xem, nói lên sự dã man con người khi thấy họ bắn chết các người được xem là gốc đức, dù hôm qua là hàng xóm, chia xẻ đắng cay trong cuộc đô hộ, đàn áp của Đức quốc xã. Các xe nhà binh chạy trên đường cán lên các người hàng xóm hôm qua, còn sống bị bắt nằm giữa đường vì có cái tội là gốc đức.


Họ có nói đến câu châm ngôn: “nên hưởng thụ chiến tranh vì hòa bình rất tàn nhẫn”. Sau 45, mọi người đức đều nói là họ là nạn nhân của Đức quốc xã, đệ tam Reich. Anh sinh tại một nơi họ đang thực hiện Đức quốc xã thì bị bắt buộc nghe lệnh. Như trường hợp bố cô bạn ở Munster, Alsace, kể bị bắt đi lính cho Hitler, sau bị bắt làm tù binh, cho về quê thì lại phải học nói tiếng tây vì trước chiến tranh vùng này thuộc Đức quốc. Ông ta kể lúc sinh ra đời thì là dân đức, đi lính cho Hitler rồi ở tù do lính mỹ giảm giữ. Được thả về quê thì chả hiểu ất giáp gì cả vì thấy mấy ông tây bà đầm. Thế là phải bình dân học vụ đi học tiếng tây. Do đó ở nhà họ vẫn nói thổ ngữ của họ. Tiếng tây khi phải trình giấy tờ .


Trước 75, anh sinh ra trong Nam thì đi lính Việt Nam Cộng Hoà, còn sinh ra tại miền bắc thì đi bộ đội. Anh không có lựa chọn. Sau 75, anh may mắn là kẻ thắng cuộc thì êm ấm, nhận họ rồi vác đồ về bắc chia chác cho họ hàng, rồi chạy vào nam kiếm sống. Còn không may làm kẻ thua cuộc thì bị đưa đi học tập cải tạo. Nhà cửa bị chiếm đoạt, gia đình bị đưa đi kinh tế mới, một cách gián tiếp trừ khử các kẻ chống đối và giết lần mòn. Anh chỉ sinh ra không đúng chỗ.


Có ai có thống kê số người từ miền Bắc vào nam lập nghiệp sau 1975 thì cho em xin. Mình xem chương trình bạn muốn hẹn hò thì thấy có rất nhiều người kêu từ Bắc vào Nam rất đông. 


Khi Đức quốc xã chiếm đóng các nước đông âu như Tiệp khắc, Ba Lan, HUng Gia lợi, thì người dân sở tại, gốc Phổ (prussia) được xem như là được giải phóng vì họ là thiểu số ở các xứ này. Phải học lịch sử âu châu từ thời trung cổ thì mới hiểu được vụ này. Khi xưa, âu châu là những quốc vương nhỏ, sau này từ từ, các nước nhỏ đánh chiếm các nước bên cạnh, xáp nhập với họ luôn nên các người dân sở tại vẫn nói tiếng thổ ngữ của họ. Ít ai đi học để biết tiếng đức, tiếng tây,…


Điển hình hai vùng đất nằm giữa Đức quốc và Pháp quốc có tên Alsace và Lorraine. Dân địa phương nói phương ngữ của họ, khi mình viếng thăm vùng này năm 1977, hai vùng này thuộc về Pháp quốc sau 1945 nhưng người dân sở tại nói thổ ngữ tựa tựa tiếng đức, tương tự khi sang Thuỵ Sĩ vùng đức ngữ. Họ được đi học tiếng đức ở trường nhưng vẫn sử dụng phương ngữ tương tựa đức ngữ để nói chuyện. Có lẻ ngày nay thì khác. Giới trẻ ít nói phương ngữ hơn trong sự toàn cầu hoá. Anh hỏi người đức thì họ kêu Alsace và Loraine thuộc xứ họ nhưng nếu anh hỏi anh tây thì được trả lời là thuộc về Pháp quốc. Ngay ông Rouge de Lisle, người sáng tác bản La Marseillaise, kêu gọi người Pháp tòng chinh chiếm lại hai vùng này, rồi cuối cùng cũng bị đưa lên máy chém vì tội phản động.

Lớp người dân tại Đông Âu nói thổ ngữ như đức ngữ được gọi là Volksdeutsche (volk là nhân dân, deutsche là đức). Sau 1945, 12 triệu người này, bị đuổi đi về hướng Tây, và bị chiếm đoạt tài sản, bị tước bỏ quyền công dân, nhà cửa tài sản,.. các sử gia gọi đây là cuộc di dân đông nhất và chiếm đoạt tài sản lớn nhất lịch sử loài người. Những người sống sót trong cuộc di dân vĩ đại này như bà Inge mình quen, rất chịu khó vì đã trải qua gian nan, chết chóc trên cuộc vạn lý trường chinh về quê tổ. Sang Hoa Kỳ làm ô sin cho bà dì rồi từ từ tậu được 30 căn nhà cho thuê. Một mình học cách hàn ống nước, sửa chửa điện nước,…


Sang Uzbekistan thì mình khám phá ra Stalin có bắt buộc hơn 40,000 người Mãn Châu đến vùng này mà dân sở tại gọi là người đại hàn. Nghe giải thích vì sợ họ làm gián điệp cho người Tàu tại Liên Xô. Mãn Châu khi xưa, người Nhật có chiếm đóng, hình như cũng là gốc của người Triều Tiên, từ Mông Cổ ra. Khi ăn các bánh xếp ở vùng này thì ngạc nhiên hỏi mới lòi ra vụ này. Năm 1979, Việt Nam cũng bắt chước, đuổi người Việt gốc Hoa có bài bản. Không biết bao nhiêu người nhưng khởi đầu cho các cuộc vượt biển tìm đất sống, mua bãi của công an chế độ mới. Ông Lý Quang Diệu có viết lá thư cho bà Thatcher về vấn đề này. Kết quả Chợ Lớn ngày nay đa số là người Việt sinh sống, nghe đâu người gốc Hoa chỉ còn chưa đến 800,000 người tại Việt Nam.


Vấn đề là các đạo quân đồng minh họp mặt tại Postdam tuyên bố là cuộc di dân này được thực hiện có trật tự và đầy ắp tình người. Toàn là những cụm từ mỹ miều để tả cảnh chết đói, hãm hiếp phụ nữ vì đàn ông đa số chết hay bị là tù binh.


Tương tự khi đế chế Ottoman bị bại trận trong đệ nhất thế chiến. Ít ai nói đến số người dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ, hay đạo hồi giáo ở các vùng đất thuộc đế chế Ottoman bị đuổi về cố quốc, lên đến 7 triệu người tương đương 1/4 dân số của đế chế này vào thời ấy. Cũng mất mát, chết chóc, cướp bóc,…


Theo mình hiểu qua những tài liệu lịch sử sau này thì Winston Churchill muốn đế quốc Anh thống chế các vùng dầu lửa cho cuộc phát triển đế quốc anh nên mới khai mào đệ nhất thế chiến, để tiến chiếm các mõ dầu mà nếu chúng ta xem phim Lawrence of Arabia có nói đến và sau đó họ chia rẽ để trị các bộ lạc tại các vùng này. Một mặt đế chế Áo-Hung cũng banh ta lông, giúp đế chế Anh quốc hưởng hết. 


Hitler hiểu vấn đề nên tìm cách phục hồi kinh tế và quân sự nhưng không may với giấc mơ vĩ cuồng như Napoleon, đi chiếm đóng khắp nơi để tạo dựng một đế quốc, đưa đến can qua chết chóc.

Khi xưa ở quê làng, bị đánh đòn. Hình tây chụp thời tây thuộc

Nói chung các sử gia tân đại ít ai nhắc đến sự việc vì là hồi giáo. 7 triệu người, 1/4 dân số của đế chế này bị đuổi về Thổ Nhĩ Kỳ, 12 triệu người gốc đức từ đông Âu, Nam tư, Lỗ Ma Ni,… bị đuổi về Đức quốc. Nhiều khi vấn nạn dân số của Đức quốc ngày nay bị ảnh hưởng bởi đệ nhị thế chiến vì đàn ông chết rất nhiều tương tự trường hợp của Pháp quốc sau các cuộc viễn chinh của Napoleon. Nhưng ít ai biết đến vì kẻ thắng cuộc viết lịch sử và bỏ quên. Có thể mấy người này thuộc con cháu của đế chế Áo-Hung, nói tiếng đức, chẳng dính dáng gì đến HItler. Sau 1918 đế chế bị banh ta lông rồi.


Ngày nay người ta tìm lại các khúc phim của cơ quan tình báo Anh quốc, hồng thập tự,.. và nhân chứng để phỏng vấn như trong phim tài liệu của đài truyền hình BBC. Mấy bà lớn tuổi kể con nít, phụ nữ tại các nước Đông Âu đều bị lính Nga gõ cửa nhà rồi hiếp dâm ngày đêm. Mình có xem một phim tài liệu về thủ đô Bá Linh, sau thế chiến do người đức thực hiện. Mấy phụ nữ đức bị lính nga hiếp dâm, nghe nói Stalin cho phép trong 3 ngày. Xem họ phỏng vấn các nạn nhân mà Chán Mớ Đời.


Người ta đặt vấn đề về mặt chính trị cũng như đạo đức. Kẻ thắng cuộc có thể nhân danh là nạn nhân của Đức quốc xã rồi trả thù qua các người dân gốc đức, hàng xóm của chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng các người gốc đức trong thời gian Đức quốc xã chiếm đóng, họ không bị mất nhà cửa, tài sản. Có thể họ giúp đỡ đoàn quân viễn chinh Đức quốc xã. Không ai biết chính xác. 


Ngày nay, các sử gia khám phá ra sự công tác của các người dân sở tại, không nhất thiết là người gốc đức, giúp nazi bắt các người gốc do thái để cưỡng chế tài sản của họ. Quân đội Slovakia đã tham dự cuộc tấn chiếm Balan vào năm 1939, và Nga sô vào năm 1941. Sau này ít có người slovak bị phạt, xử án về tội cộng tác với kẻ thù. Chưa kể các người dân sở tại, tại các vùng nói trên, có thể chỉ điểm Đức quốc xã bắt các người gốc Do Thái, để tiếm đoạt tài sản của mấy người này rồi sau khi hết chiến tranh, quay qua tự nhận thành viên của kháng chiến rồi điềm chỉ các người gốc đức để chiếm đoạt tài sản tiếp. Trên thực tế, sau khi thực hiện cuộc di cư này thì dân Đông Âu bị Liên Xô đô hộ mấy chục năm trong tăm tối như bị trời phạt những lỗi lầm của họ.

Cuộc hội nghị tại Postdam giữa các kẻ thắng cuộc, đã quyết định sự việc, nhằm giúp Stalin có thể kiểm soát vùng đất Đông Âu, đồng bộ hơn như để trả công cho sự hy sinh của Liên Xô dưới thời Stalin, nghe nói là trên 30 triệu người đã chết. Anh và Hoa Kỳ được các vùng mõ dầu ở Trung Đông. Xong om


Các sử gia cho rằng các nhà lãnh đạo tây phương, Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm vấn đề diệt chủng này. Chúng ta phải quay ngược dòng thời gian lại vào cuối cuộc chiến thế giới lần thứ nhất. Khi đế quốc Áo-Hung và Ottoman bại trận, hai đế quốc này gồm những khác biệt chủng tộc, sống chung nhau hòa bình từ bao nhiêu năm qua, thế kỷ, bị chuyển hóa qua các quốc gia nhỏ bé. Ông tổng thống Wilson đưa ra chủ thuyết quyền tự quyết mỗi quốc gia, để âu châu cho Anh quốc và Liên Xô lo, còn Mỹ châu thì thuộc về quyền kiểm soát của người Mỹ. Người dân không có chính phủ đại diện cho họ bị mất quyền làm người. Cho thấy cụm từ quốc gia rất mới mẻ từ thuyết này ở đầu thế kỷ 20. Khi các chế độ quân chủ bị truất phế.


Theo mình, chủ thuyết này nhằm giúp Hoa Kỳ trở thành một cường quốc bằng cách phá tan các đế chế bao gồm nhiều quốc gia, chủng tộc. Các người dân trên thế giới đột phá tư duy, kêu là đúng rồi, phải dân chủ hoá, ai cũng là có quyền đại diện, nổi dậy chống lại các nước bảo hộ mình. Điển hình đế quốc Ottoman có trên 70 chủng tộc như Hy Lạp, trong khi đó đế chế Áo-Hung có 17 chủng tộc.


Chủ nghĩa Woodrow Wilson đưa đến vấn nạn là các biên giới được chia cắt, tại các quốc gia tại Đông Âu, Trung Âu không theo thể thống nào cả. Các chủng tộc, ngôn ngữ thuộc đế chế Áo-Hung sống cạnh chung với nhau từ bao nhiêu thế kỷ. Khó có thể phân biệt vì đa số nói nhiều phương ngữ, lấy nhau từ bao nhiêu đời. Thậm chí vùng đất của Tiệp KHắc mà người ta hay gọi Sudetenland, đa số là người nói đức ngữ. Giống người dân này muốn gia nhập nước Áo nhưng lại bị chia cắt cho Tiệp khắc. Lý do để giúp kinh tế của xứ này. Thậm chí sau khi Liên XÔ xụp đỗ nước Tiệp Khắc lại được chia ra làm hai; Tiệp và Slovak. Đó chưa nói đến các nước tại phi châu bị người tây phương chia cắt bất chấp vùng miền, ngôn ngữ đưa đến sự hổn loạn ngày nay. Mình đoán là họ cố tình làm như vậy để có thể trị vị, có ảnh hưởng với các thuộc địa cũ.


Sự chia nhau đất đai sau đệ nhất thế chiến gây khó khăn cho các vùng thuộc đế chế Áo-Hung và Ottoman. Phía Đông Âu thì các nhóm thuộc chủng tộc Đức và Do Thái, được xem là đông nhất. Chính quyền Czek chơi cha thiên hạ, tiến chiếm các vùng đất có đông người đức và do thái biến thành các thuộc địa của họ.

Họ cho di dân các dân nói tiếng Czek đến các vùng này giúp dân gốc czek đông hơn trong thể chế dân chủ sẽ được nhiều phiếu. Chúng ta thấy sau 75, biết bao nhiêu người từ miền bắc được khuyến khích vào nam trong khi một người miền nam muốn di chuyển, xin đổi hộ khẩu rất khó khăn. Ngày nay, về Đà Lạt hay các vùng Tây Nguyên, người di dân từ miền bắc đông hơn người sống lâu đời tại các vùng này.


Họ rêu rao dân chủ hoá và quốc gia hoá các vùng thuộc đế chế cũ Á-HUng và Ottoman, khiến các người dân sống lâu đời bị bứng nhổ chuyển đi nơi khác. Người Hy Lạp bị hoán chuyển với người Thổ Nhĩ Kỳ, người Bảo gIa lỢi với người Hy Lạp, người Ukraine với người Ba lAn, hung gia lợi với slovak,… tương đối đỡ hơn các cuộc diệt chủng người Armenia và do thái lên trên hàng triệu người.


Từ đó đã giúp Hitler có cớ để “giải phóng” các người đức ở phía Đông Âu châu. Lên chương trình Đức quốc hoá các vùng đóng chiếm ở Đông Âu. Hitler lại đem các dân gốc đức từ Nga Sô về vùng Ba Lan để xây dựng đế quốc Đức quốc xã Reich. Từ đó mới có chuyện đuổi người do thái và Ba Lan ra khỏi để người đức ở vùng này. Hận thù chồng chất từ sau 1918.


Viếng thăm Georgia và Uzbekistan thì khám phá ra có nhiều người đức vì lý do tôn giáo, bị áp bức ở Đức quốc nên bỏ chạy qua Nga ở, rồi có người chạy qua Uzbekistan, đem theo kỹ thuật canh nông giúp các vùng này phát triển nhanh hơn, kịp bắt các xứ âu châu. Cũng như người Anh quốc bị đàn áp tôn giáo bỏ chạy sang Hoa Kỳ trên con tàu Mayflower, khởi đầu cho sự thành lập Hoa Kỳ.


Cái mất dạy là chúng ta lên án Hitler giết hại các chủng tộc thì sau 1945, các quốc gia chống đối Hitler lại tiếp tục công trình diệt chủng của Hitler đối với người gốc đức.


Tổng thống Tiệp khắc và ngày 15 tháng 9, năm 1939, đã đề nghị tặng Hitler 6,000 mẫu vuông để 2 triệu người đức được gọi là sudeten, có thể dọn về vùng này để sinh sống. Đức quốc khởi đầu là nước Phổ (prussia), hay đánh chiếm các xứ âu châu nên sau này thất trận bị kẻ thắng cuộc chia năm xẻ 7.

Bản đồ xứ Phổ khi xưa mà người Pháp hay gọi người Việt là người pHổ của á châu vì thích đánh nhau.

Trong hội nghị tại Yalta và Postdam, các kẻ thắng cuộc đã ký kết, về chia đất chia đai. Stalin vớt đất phía đông của Ba LAn, để đổi lại cho phần đất phía đông của Đức quốc với 7 triệu người đức sinh sống tại Ba Lan (đất cũ). Kẻ thắng cuộc cho rằng, làm như vậy sẽ giúp các quốc gia thuần chủng tộc. Gom lại các giống dân cùng chủng tộc mới đưa đến vụ trả thù cướp bóc tàn bạo đối với các người láng giềng hôm qua từ bao nhiêu đời.

Tổng thống Tiệp khắc năm 1945, ra đạo luật truất phế công dân và tài sản các người gốc đức, Hung gia lợi và các tay cộng tác viên với Đức quốc xã. Họ đuổi luôn các người không phải phát xít. Lý do là con cháu họ lớn lên sẽ làm nội gián cho ngoại bang.


Vấn đề là các khoa học gia Nazi, czek, không thể phân biệt được giữa người đức và người czek, hay người Ba Lan với người đức. Chưa kể họ lấy vợ lấy chồng từ bao nhiêu năm qua. Có xem một cuốn phim kể về một cặp trai gái BA LAn và Ukraine lấy nhau trong làng rồi khi các chỉ thị nổi dậy thì người trong làng đánh nhau giữa người gốc Ba Lan và Ukraine. Mình hay đọc tài liệu hay xem phim để hiểu thêm về lịch sử thay vì nghe báo chí tuyên truyền.


Bắt đầu tháng 5 năm 1945, quân đội và cảnh binh czek thì hành vụ thuật xuất 2 triệu người gốc Đức khỏi Đông Âu với sự đồng ý của các cấp lãnh đạo đồng minh, kẻ thắng cuộc. Đa số các đàn ông đức đều bị bắt nhập ngủ trong thời gian chiến tranh, sau chiến tranh thì bị bắt làm tù binh nên cuộc di dân vĩ đại đa số toàn là phụ nữ, con nít và người già.


Chúng ta thường xem phim ảnh đề cao tính chiến đấu của quân đội đồng minh, và run sợ về sự tàn ác chế độ Phát xít của Hitler. Nay tìm đọc và xem phim tài liệu của bên thắng cuộc nói về sự làm ngơ của quân đội đồng minh. Hoá ra họ đã ký kết với nhau vế số phận của người đức, kẻ thua cuộc.


Mình hay xem mấy phim về thế chiến thứ nhất và thứ 2 do người đức và người nga thực hiện để có thêm hình ảnh của nhiều phía để có cái nhìn rõ hơn về lịch sử vụ chiến tranh xẩy ra.


Khi xưa, học sử địa nghe kể các đoàn quân viễn chinh như La MÃ, Mông Cổ, Hun,…đi tới đâu là gây tàn phá nhưng không cảm nhận được. Mậu Thân đã cho mình mục thị sự tàn bạo của chiến tranh. Người việt chôn sống người Việt. Nay xem các khúc phim do Hồng Thập Tự và của phe thắng cuộc quay thì mình thất kinh. Không ngờ con người tàn ác với đồng loại, chỉ vì lòng tham muốn chiếm đoạt tài sản của người hàng xóm.


Chúng ta sống trong một môi trường mà nhà cầm quyền cần kiểm soát và tuyên truyền. Chúng ta có thể chọn nghe theo những gì nhà cầm quyền nói như nghe ông cố đạo. Chúng ta cũng có thể tìm được sự thật hay phần nào sự thật để có nhận định riêng cho mình.


Mình học lịch sử khi xưa nên tò mò tìm hiểu sự thật những gì đã cấy vào đầu mình, xem có đúng như ông tây bà đầm giảng.



Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn