Whitney Houston ngày nay

 Lâu lâu vợ kêu chở đi ăn tiệc, đúng hơn các hội tại Bolsa tổ chức ăn cơm nhà hàng tàu để gây quỹ gì đó. Người ngoại quốc có nguyên tắc; ăn ra ăn, văn nghệ ra văn nghệ, họ không bao giờ trộn hai thứ này với nhau. Đi dự các buổi gây quỹ của người Mỹ thì chỉ có nghe họ nói về chương trình và các thành tựu năm vừa qua và cho biết năm tới sẽ thực hiện những chương trình gì, rồi kêu gọi mọi người đóng góp và bán tranh ảnh,… 


Người việt mình thì một công 3, 4 chuyện nên chương trình kéo dài mệt thở luôn. Mỗi lần đi dự tiệc của người Việt là được chờ như đám cưới nên cảm thán cho ca sĩ tại bữa tiệc, vừa hát mà nghe thiên hạ đang nhai nhóp nhép, kêu đưa tui chai xì dầu, gà này dai quá. Ồn ào như cái chợ, không ai nghe ca sĩ hát cả.


Gần đây, có điểm đặc biệt là khi ca sĩ lên hát thì có rất nhiều phụ nữ, bỏ ăn, nhảy lên sân khấu để đóng ẹo qua ẹo lại với ca sĩ, trong khi mấy ông chồng chụp hình quay video ở dưới. Mình thấy hơi lạ vì mình trả tiền để vừa nhai vừa nuốt vừa nghe ca sĩ hát, chớ đâu phải để xem mấy bà khá lớn tuổi, mập phì múa máy trên sân khấu, che luôn cả ca sĩ. Chán Mớ Đời nên mình cũng không nhìn lên sân khấu, cố nhai miếng gà nướng cho xong bữa rồi mở điện thoại ra lướt mạng cho qua thời gian, chở vợ về.


Gần đây, trong một buổi ca nhạc kịch tại Anh quốc, cảnh sát cơ động phải đem dùi cùi đến một hí viện để giải tán đám khán giả đi xem Bodyguard kiểu Broadway show mà mình đã xem Miss Saigon, Evita ở Luân đôn. Lý do là vài khán giả xem show, cảm hứng, đứng dậy hát theo ca sĩ khiến những người khác bất bình, vì họ trả tiền để nghe ca sĩ hát chớ không phải mấy người mê bài hát “I will always love you”, nổi tiếng qua giọng ca của ca sĩ Whitney Houston, được viết bởi Dolly Parton.

Khi ca sĩ đang hát bài này thì có vài khán giả cảm xúc dâng tràn nên cũng đứng lên hát ké, rống theo ca sĩ, hoặc cầm điện thoại mở đèn lắc qua lắc lại khiến khán giả ngồi cạnh, kêu suỵt ngồi xuống là choảng nhau khiến họ phải kêu cảnh sát đến. Lịch sự như ăng-lê ngày nay. Chán Mớ Đời 


Chẳng bù lại khi xưa, đi nghe nhạc chậm trễ 1 phút, gác dan bắt đứng ngoài đợi đến màn 1 hết, mới cho vào. Cho thấy văn hoá tự sướng đã thay đổi rất nhiều trong các sinh hoạt xã hội. Ai cũng theo chủ nghĩa tự xướng, tik tok, không để ý tới người khác. 


Các nhân viên của đoàn hát, rút kinh nghiệm từ những lần trước, đã đưa các bảng hiệu trước khi trình diễn, kêu gọi những ca sĩ vô danh, không nên hát theo ca sĩ trong lúc trình diễn. Nhưng các ca sĩ tự xướng kêu biết bố mày là ai không? Do you know my sugar daddy? Cứ tiếp tục lắc qua lắc lại rống như bò Houston Texas.


Các nơi khác ở Anh quốc, cũng đăng trên facebook của ca đoàn nhạc kịch, yêu cầu khán giả không hát theo để ca sĩ chính hiệu con Nai vàng hát. Các chương trình truyền hình đều bàn cãi về vấn nạn này. Ca sĩ nghiệp dư karaoke tại nhà muốn trổ tài trước đám đông. Mua vé vào để hát ké. Kinh


Có một bình luận viên kêu tại sao lại cấm đến khi họ cho chiếu một cờ líp trong hí viện, mấy người đứng dậy, hát theo ca sĩ chính nên phải xin lỗi khán giả. Một ca sĩ chính của show, cho rằng khán giả không thể nào tưởng tượng mình đang diễn đạt bài ca bổng nhiên nghe nhiều giọng thét lên từ khán giả khiến họ không định tâm được để thể hiện bài hát. Ca sĩ chính không được huấn luyện xử lý trong những tình huống này. Chán Mớ Đời 


Khi xưa, mình thích hát lắm. Họp bạn là mình hét đến khi gặp đồng chí gái. Cô nàng kêu giọng anh rất tồi, muốn lấy tôi thì từ bỏ mộng ca sĩ nghiệp dư. Mới hiểu lý do thiên hạ bỏ mình chạy mất dép hết, để thấm thía bản nhạc người đi qua đời tôi. Cuộc đời ca sĩ nghiệp dư chấm dứt từ đó. Nhiều khi họp bạn hát hò, mình cũng ngứa mồm nhưng đồng chí gái trừng mắt mình nên không dám ghi danh, bò ra sau ngồi xem đám nhậu cho xong đời. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn