Thủy Tạ- La Grenouillère Đà Lạt

Có dạo, mình tải bài về Thuỷ Tạ Đà Lạt. Có người còm cho rằng phải gọi Thuỷ Toạ mới đúng. Mình không rành chữ Hán lắm, trước kia mình cũng thắc mắc vì sao họ gọi Thuỷ Tạ thay vì Thủy Toạ. Theo mình hiểu “tọa” là ngồi ở trên, thuỷ tọa là ngồi trên nước. Mình mò mấy trang tự điển Hán Việt thì được biết là Thuỷ Tạ là đúng.

Họ cho rằng; chữ “Tạ” ở đây là , thuộc bộ Mộc, được giải thích là: "Sàn, nhà tập võ, cái đài có nhà ở gọi là tạ". Vì thế, Thuỷ Tạ là ngôi nhà trên mặt nước và gọi Thuỷ Tạ là chính xác. Từ đó mình viết Thuỷ Tạ. Có bác nào rành chữ Hán thì cho em xin ý kiến.

Thủy Tạ, được tạo thành ốc đảo tròn như ốc đảo Camembert, nhà hàng La Grenouillere bên Tây

Còn người Pháp thì gọi là “la grenouillère”, cái đầm ếch. Mình cũng thắc mắc sao họ gọi cái đầm ếch, bộ họ nuôi ếch ở đó hay sao nhưng hồi xưa, ra đây chơi đâu thấy ếch nhái gì đâu. Thắc mắc mà không dám hỏi vì sợ thầy cô chửi ngu lâu dốt sớm. Đến khi qua tây, học về lịch sử hội hoa, thời belle époque của Pháp, mới khám phá ra có một nhà hàng trên sông, ngoại ô Paris mà khi xưa, dân chơi Paris hay đến đó để ăn uống nhảy đầm, có hòn đảo nhỏ tròn nên họ gọi là Camembert như cái hộp phô mát của tây.

Do đó người Pháp mới đào xung quanh làm một ốc đảo tròn như hộp phô mát Camembert rồi làm chiếc cầu để đi qua như nhà hàng La Grenouillere ở Pháp. Họ xây trên mấy cái cọc (pilotis) để có thể đậu thuyền ghe ở dưới. Mình mới viếng Seattle về, ngay hồ, có câu lạc bộ chèo thuyền. Đi Ai Cập, bên dòng sông Nile cũng có rất nhiều câu lạc bộ chèo thuyền. Dân trưởng giả ở tây phương chơi môn này nhiều lắm. Học sinh mà chơi môn này giỏi thì được vào các đại học danh tiếng như chơi. Harvard và Yale hay có màn chèo đua thuyền. Chơi môn này tốn tiền lắm. Mình có khách hàng, gốc Lỗ Ma Ni, từng là vận động viên của xứ này tại Thế Vận Hội, sau chạy qua Mỹ, thi đua cho Hoa Kỳ, tập luyện khá nhiều.

Đây địa điểm của Thuỷ Tạ khi chưa được xây cất. Có tiệm ăn, sau này để xây lại có tên Đào Nguyên trước 75. Khi họ phá cái đập sau 1932 thì họ tạo thành cái ốc đảo tròn, gắn cái cầu gỗ như bên tây. Các sân quần vợt đang được thành hình bên tay trái. Phần đất phía trước, sau này trực thăng hay đậu tại đây.

Từ đó mình mới đoán là mấy ông tây bà đầm khi xưa, xây cái hội quán trên nước tại hồ Xuân Hương là để nhớ lại quê hương của họ như người Việt mình ngày nay, mở tiệm ăn kêu Phở 89, Phở Hiền Vương, Dakao,… họ xây dựng Đà Lạt, đặt tên cho nhiều nơi với tên của các nơi ở Pháp, quê hương của họ.

Chỗ này chụp khi họ bắt đầu làm cái ốc đảo Thuỷ Tạ, tước khi phá các đập chạy từ ngã năm Palace qua bùng binh Đinh Tiên Hoàng, trước vụ lũ lụt 1932. Chỉ thấy cái pontoon nhỏ ở địa điểm Thuỷ Tạ ngày nay

Khi xây dựng Đà Lạt thành một trung tâm du lịch cho Đông Dương, họ phải xây thêm các hạ tầng cơ sở thể thao để du khách có thể chơi, chớ không lẻ lên Đà Lạt chỉ ngồi nhà. Ngày nay chỉ cần tạo những gì vớ vẩn, giả tạo để thiên hạ đến chụp hình toả nằng, tự sướng là xong.

Khu vực sau này được biến thành ốc đảo Thuỷ Tạ nhìn từ khách sạn Palace


Từ đó người Pháp mới thành lập một câu lạc bộ thể thao (cercle sportif), có sòng bài ở khách sạn Palace, có sân quần vợt ở câu lạc bộ thể thao mà dân Đà Lạt khi xưa hay gọi “xẹc” từ Cercle sportif mà ra. Có sân cù và nhà thuỷ tạ nơi họ chơi các môn đua thuyền, bơi lội,… trong mấy phim ngắn của ông tây sinh tại Việt Nam, có ghi lại hình ảnh lính nhảy dù xuống hồ Xuân Hương và có ca nô chạy trên hồ. Chỉ khi tây về nước mới có pedalo ở nhà hàng Thanh THuỷ cho người Việt mướn.

Thủy Tạ. Dưới sàn nhà là để các chiếc thuyền
Thời Tây, chỗ này có tranh đua nhảy xuống nước, bơi lội

Chơi thể thao xong thì họ ăn tại nhà hàng của câu lạc bộ, mang tên La Chaumière, (mình có tấm ảnh cũ của nhà hàng này, có mái lợp bổi như bên Tây, lười kiếm quá, ai tò mò thì tìm bài mình viết trước đây về Thuỷ Tạ) mà sau 1954 họ đổi tên nhà hàng Đào Nguyên. Khi tây về nước thì các cơ sở của câu lạc bộ thuộc tỉnh Tuyên Đức. Mấy người giàu có ở Đà Lạt đều là hội viên của xẹc. Có một bác, bạn với mẹ mình, kể khi xưa là hội trưởng của câu lạc bộ thể thao Đà Lạt. Họ cho người dân mướn để làm ăn. Mình nghe nói con gái của tiệm Đào NGuyên hiện ở miền nam cali nhưng chưa bao giờ gặp mặt.


Đọc tài liệu Pháp thì được biết có một bà tên Seurin, mở trên một chiếc tàu chở hàng hoá (péniche) thành một tiệm ăn và chỗ nhảy đầm thêm chỗ để người ta nhảy xuống sông tắm. Dạo ở Paris, mình có học chung với một cô đầm, có ông chú là chủ cái piscine, cho tây đầm mướn vào tắm trên dòng sông Seine. Cô này lấy chồng là một người Việt. Hình như nay họ đã bỏ rồi. Khu vực này được gọi La Grenouillère với bãi tắm, và thuyền ghe. Cuối tuần dân thượng lưu Paris ra đây dã ngoại, đi xe lửa Paris - Saint Germain en Laye. Báo chí xem chỗ này như Trouville. Tây đầm ra đây tắm tiên trên dòng sông Seine, khiến thành phố phải ngăn cấm nhưng khó vì dân ra đây toàn là giới thượng lưu. Thậm chí ông hàng đế Napoleon đệ Tam, đem vợ con ra đây chơi với dân tình.

Hình này chắc xưa, trước khi xây cất Thuỷ Tạ, có máy bay thuỷ toạ.

Ngay nhà văn Guy De Maupassant mà khi xưa, ông tây bà đầm bắt mình học bỏ mạng về ông này, cũng ra đây mướn căn nhà gần sông Seine để viết, bắt mình học sau này.


Rồi có hai ông hoạ sĩ Auguste Renoir và Claude Monet, bò ra đây với giá vẽ, và thiên thu hoá cái ốc đảo mang tên Camembert, có một cây duy nhất mọc trên. Muốn đến đó người ta phải xếp thuyền và bắt ván để đi qua.

Ốc đảo Camembert được mấy hoạ sĩ thời Belle epoque vẽ khiến nhà hàng này nổi tiếng

Năm 1889, chỗ này bị hoả hoạn tiêu huỷ hoàn toàn. Người ta cho xây lại nhưng không được thành công như trước. Người ta phát minh ra xe đạp nên dân tây ưa chuộng môn xe đạp, bỏ bê đua thuyền. Nhất là ống cống của các thành phố như Paris đỗ ra sông Seine nên tây đầm sợ hết dám bơi. Cuối thập niên 1920 thì tiệm này đóng cửa. Hồi ở Việt Nam nghe nói sông Seine đủ trò, qua Tây, ra thấy sông Seine, dơ đen xì.


Nay có nhiều tiệm ăn pháp đặt tên La grenouillere, nghe nói có một tiệm được 2 sao của Michelin. Ai buồn đời, viếng Paris, ghé lại đây, có viện bảo tàng, nói về thời thịnh hành của La Grenouillere. Sau đó đi ăn chân nhái (cuisse de grenouille) và escargots, uống chút rượu tây là có thể hỏi bồi bàn, Do you know your sugar daddy? Chán Mớ Đời 

Thời tây lúc chưa xây Thuỷ Tạ, chỉ có một quán ăn trên nước. Hôm trước, có ai muốn giúp mình sắp xếp hình ảnh Đà Lạt theo thể loại nhưng rồi bận đi chơi nên không liên lạc. Nay chả nhớ là ai cả. Chán Mớ Đời 
Cầu đầu tiên vào Thuỷ Tạ, chỉ đi bộ thôi sau này mới làm cái cầu để xe có thể chạy qua. Xa xa nơi địa điểm của Thuỷ Tạ sau này, có một quán nhỏ mà hình trên cho thấy các sinh hoạt khi có cuộc đua thuyền
Đây Thuỷ Tạ lúc mới xây xong, vẫn chưa cho xe vào
Hình hồ lớn (grand lac), lúc Thuỷ Tạ chưa được xây cất. Sau trận lụt 1932, cuốn đi nhà cửa của khi người Việt, chỗ Ấp Ánh Sáng. người Pháp mới cho đạp phá cái đập và xây ốc đảo Thuỷ Tạ (còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn