Hồ Xuân Hương và các hồ nhân tạo nhỏ tại Đà Lạt


Hôm trước, mình kể về sự thành lập ốc đảo Thuỷ Tạ Đà Lạt, qua tấm không ảnh chụp toàn diện hồ Xuân HƯơng, thấy có thêm hai hồ nhỏ; hồ Đội Có và hồ Tống Lệ, nằm phía bắc hồ, hai bên đồi Cù. Khi trời mưa, nước mưa từ Sân Cù hay thành phố, chảy vào các hồ này để hứng nước dơ thay vì để chảy xuống hồ Xuân Hương. 


Thiên hạ hay nhầm hồ này mang tên bà thi sĩ Hồ Xuân Hương. Thời tây, lúc đầu có hai hồ; gọi là hồ Lớn (Grand lac) và Petit Lac (hồ Nhỏ), rồi nhập thành một hồ. Đến thời Ngô Đình Diệm, được đổi tên Xuân Hương.


Đà Lạt nhiều nơi có những cái ao nhỏ, khi mưa thì nước mưa từ trên cao chảy xuống vào những nơi này. Đất Đà Lạt đa số là đất sét nên khó thấm nhanh. Mình nhớ ở Petit Lycee, chỗ vào trường ngay đường Hùng Vương, có cái hồ nhỏ để chứa nước mưa mà khi xưa, cả đám hay đến đây bắt lăn quăn cho cá ăn. Tháng 2 vừa rồi, có về Đà Lạt, xe chạy ngang đây, thấy còn 1 phần. Hồ Tổng lệ thì chắc mất tiêu, hồ Đội Có thì có lần thấy, nay hình như họ lấp rồi, không để ý lần chót về Đà Lạt. Hôm nào rảnh mình kể vụ đồi Cù.

Hồ Xuân Hương và đồi Cù trước năm 1932. Ốc đảo Thuỷ Tạ đã được thành lập, chỉ có một quán nhỏ tại địa điểm Thuỷ Tạ ngày nay.


Nhìn tấm không ảnh, thấy hồ Xuân Hương to lớn từ khi ông Cunhac, chính thức cho đào hồ nhân tạo này, để chấn nước của suối Cam ly, để thị dân Đà Lạt sử dụng nước uống và có không gian như buồng phổi của thành phố. 


Thiết kế đô thị luôn đi kèm với các công viên, như các buồng phổi của thành phố. Khi dân tình ngột ngạt trong nhà thì bò ra các công viên thành phố để dã ngoại. Đầu năm nay, mình có đi viếng A Căn Đình, thành phố Buenos Aires có rất nhiều không gian xanh, thậm chí đường phố đều có trồng cây hai bên đường mà trên máy bay thấy rõ ràng. Nói chung Đà Lạt khi xưa không có công viên gì cả cho mỗi khu phố.


Sân vận động khi xưa, nay họ xây cất siêu thị ở dưới và phía trên thì bê tông hóa nhưng ít ra cũng có chút không gian để người thị dân ra đây chơi. Mình thấy đa số là du khách thì đúng hơn, chụp hình toả nắng. Khi Đà Lạt bị bê tông hoá thì nước sẽ không thấm xuống đất mà chảy đi đâu, lôi kéo thêm rác, dơ bẩn theo.


Ở Cali, có luật không được thải nước dơ xuống ống cống. Điển hình là khi đổ xi măng cho khách hàng, mình phải hứng lấy nước dơ, xi măng, không được xịt nước dơ xuống đường, chảy xuống ống cống. Trước khi đổ xi măng, phải đem đồ bịt miệng cống để nước dơ không chảy xuống đó. Thu dọn chiến trường sau khi đổ xi măng rất châm và tính thêm tiền.


Trung tâm thị xã Đà Lạt khi xưa có hai không gian xanh là đồi Cù và xung quanh hồ Xuân Hương. Sau 75 thì họ rào đồi cù lại, chỉ dành một tầng lớp giàu có đi bách bộ ở trong, lâu lâu dừng lại, lấy cái gậy sắt, quất quả banh. Nay nghe nói họ đang xây cất nhà cửa. Xem như Đà Lạt luôn Đồi Cù, còn hồ Xuân Hương thì nước cống đổ về khiến cá chết như rạ, xông mùi như thác Cam Ly ngày xưa.


Mình thấy ảnh chụp xây nhà hay khách sạn chi đó, nước thải sẽ đi về đâu. Đi về đâu nước dơ?

Nếu xem tấm ảnh trên chúng ta thấy hồ Xuân Hương với ốc đảo có nhà hàng được người thị dân Đà Lạt gọi Thuỷ Tạ, mà mình đã kể. Phía trên hồ Xuân Hương, bên tay phải, có một hồ nhỏ, gọi là hồ Tống Lệ hay Tổng Lệ. Chỗ này, mình hay ra đây câu cá với ông dượng mình, thợ hớt tóc, chỗ ngã ba chùa, cạnh hãng cưa của ông Xu Huệ. Con gái của ông bà Xu Tiếng, lại nói với mình là hãng cưa của gia đình cô ta nhưng không hiểu sao thiên hạ hay gọi hãng cưa Xu Huệ. Ông Xu Huệ hay dạy dân Đà Lạt vô thất, nhịn ăn chữa bệnh. Mình chỉ nhớ ông ta râu trắng, da hồng,… người ta gọi Xu vì thời tây làm giám thị, cai công trường mà người Pháp gọi “surveillant”, người Việt mình đọc tiếng tây dài không được, nên đơn âm hoá rồi từ từ thành Xu như ông Xu Tiếng, Xu Huệ.

Thủy tạ, họ nới rộng thêm ra veranda nên mất cái đẹp nhỏ nhắn của quán này như thủa ban đầu. Sợ nhất là xem Đà Lạt ngày nay. Kinh. Để mình tải tấm ảnh ngày xưa để quý vị so sánh. Vài năm nữa thì họ xây luôn cái khách sạn to đùng trước khách sạn Palace.
Đà Lạt năm 1968

Bên trái là hồ Đội Có, cạnh là nhà máy nước, lọc nước cho dân Đà Lạt xài. Hồ được gọi Đội Có vì ông Đội Có xây như cầu ông Đạo do ông Quản Đạo xây. Nước mưa ở vùng trên cao như Giáo HOàng Học Viện, Võ Tánh chảy xuống, chứa tại đây. Ông Đội Có, có dãy nhà trên khu Hoà BÌnh, ngay bến xe đò mà người Đà Lạt khi xưa hay gọi dãy nhà Đội Có. Ông này, khi xưa, làm cai đội cho tây, sau đi thầu xây cất nhà nên giàu, xây mấy dãy nhà ở Đà Lạt tương tự ông Võ Đình Dung. Thời đó mấy người lên Đà Lạt, đi làm thợ vịn cho Tây rồi khi biết nghề nhảy ra làm thầu khoán như ông Võ Đình Dung là người thầu khoán xây nhà ga Đà Lạt, ông Xu Tiếng xây Nhà Địa Dư,… 

Chỗ đường đi vào Petit Lycee, có cái hồ nhỏ để chứa nước mưa, nay vẫn còn

Ông Võ Đình Dung làm thầu khoán nhưng cũng là nghị viên thành phố, gồm 3 người Pháp và hai người Việt. Ông ta biết chương trình phát triển Đà Lạt ra sao nên mua hết đất đai dành cho người Việt. Khu từ MÃ Thánh tới trường Việt ANh, khúc đất bằng là dành cho người Việt nên ông ta mua hết, sau này cho người ta mướn để làm vườn như ông Ba Đà. Sau 75 thì con cháu hết dám đòi. Đất của chùa Linh Sơn, Linh Quang, đều của ông bà Võ Đình Dung hiến tặng. Nói chung ông bà Võ Đình Dung là một người có công rất lớn với người dân Đà Lạt. Nghe kể, một hôm ông Võ Đình Dung, đi làm về, đưa cho bà vợ cái cặp tiền mới lãnh về. Đang ngủ bổng nhiên bà Võ ĐÌnh Dung có linh tính chi đó, ngồi dậy, mở cặp tiền ra thì thấy toàn là tiền giả nên đem đốt. Vừa đốt xong thì mã tà gõ cửa, xét nhà. Từ đó, ông bà tặng đất để xây chùa và từ từ hết làm việc, tu tại gia.


Năm 1932, có một vụ lũ lụt khá lớn, làm vỡ cái đập, cuốn trôi mấy nhà cửa dành cho người Việt nên người Pháp cẩn thận hơn nên họ thành lập thêm hai hồ nhỏ này. Mình xem mấy tấm ảnh cũ xưa, không thấy hai hồ nhỏ này. 


Ông cụ mình khi xưa, làm cho ty công quản nước Đà Lạt, ở ngay hồ Đội Có, nên mình có thấy mấy ống nước to lớn, bơm nước từ hồ Xuân Hương vào nhà máy để lọc, cho dân Đà Lạt dùng. Nay nghe nói nước hồ Xuân Hương hôi thối vì ống cống chảy ra đây, dân Đà Lạt dùng nước uống của hồ Dankia. Khi xưa, chợ Đà Lạt có ống cống, trời mưa là chảy ra suối Cam Ly ngay góc Ấp Ánh Sáng, là thối rồi. Khúc đường Phan Đình Phùng và HAi Bà Trưng, chảy ra hai con suối rồi chảy về Thác Cam Ly. Các cặp tình nhân đến Thác này, mơ mộng, thề thốt mối tình hữu nghị sẽ không bao giờ thay đổi như mùi thối ở đây. Nay khắp Đà Lạt, cho ống cống chảy từ thượng nguồn suối Cam Ly ra suối rồi ra hồ Xuân Hương là ngọng. Nghe nói cá hồ Xuân Hương chết nổi lềnh bềnh trên hồ.

Đây là hồ Lớn (Grand Lac),có cái đập và con đường trước khách sạn Palace, chạy qua bùng binh tiếp nối đường Đinh Tiên Hoàng và Võ Tánh, Nguyễn Thái Học sau này

Lúc đầu, người Pháp cho làm 2 cái hồ nhân tạo, bằng cách làm cái đập để ngăn hai hồ. Hai hồ được gọi là hồ Lớn và hồ Nhỏ (Grand lac và Petit Lac). Hồ lớn để người Pháp sử dụng và hồ nhỏ để người Việt sử dụng, giai cấp khác biệt. Thật ra có thêm một cái hồ nhỏ khác ở thượng nguồn, bị ngăn bởi chiếc cầu chạy lên Nguyên Tử Lực. Lâu ngày phù sa kéo về, người Việt không có tiền sau 1954, không vét hồ nên trở thành bùn đọng. Cách đây mấy năm mình đi ngang thì thấy hơi được vét bùn một tí. Mình có đọc trong Đặc San Sử Địa trước 75. Để hôm nào buồn đời mình kể thêm vụ này.

Đây tấm không ảnh Đà Lạt khi Hà Nội cho vét bùn ở hồ Xuân Hương, ta thấy còn dấu vết của cái đập, đê ngăn hồ Lớn và hò Nhỏ, chỗ đường Trần Quốc Toản, cây xăng Esso, cạnh Thuỷ Tạ, chạy qua phía bùng binh bên kia đường Bà Huyện Thanh Quan, lên đường Đinh Tiên Hoàng. Mình nghĩ nếu cái đập này không bị vỡ thì có lẻ người Pháp đã không xây Thuỷ Tạ

Đến năm 1932 thì có một vụ lũ lụt làm vỡ cái đê của hồ Lớn, cuốn trôi mấy căn nhà của khu người Việt ở hạ lưu, khiến 15 người chết nên người Pháp mới cho dời khu phố người Việt gần ấp Ánh Sáng sau này, lên khu Hoa Bình.

Đây hình ốc đảo Thuỷ Tạ được thành hình trước khi xây quán Thuỷ Tạ, và đạp bỏ cái đập bên tay trái, chạy từ Palace qua bên kia bờ, chỗ đường lên Đinh Tiên Hoàng. Có thấy một phần hồ Tống Lệ been kia hồ chỗ đường Bà Huyện Thanh Quan

Khi người Pháp thiết kế thành phố Đà Lạt, qua bản vẽ của ông kiến trúc sư Ernest Hébrard, các khu vực có đồi ở Đà Lạt đều dành cho người Pháp như dọc đường Trần Hưng Đạo, Yersin và Hàm Nghi, nên mới có dinh tỉnh trưởng được xây trên đỉnh đồi cao nhất Đà Lạt. Sau này, khu Hoà BÌnh được dành cho người Việt và phố xá người Việt tại Đà Lạt, khởi đầu từ đây ra. 

Đây khu phố người Việt trước vụ lụt năm 1932, bị nước cuốn trôi, khiến 15 người Việt tử nạn. Sau đó được biến thành đất vườn để người Việt trồng rau cạnh cầu Ông Đạo mà nay họ làm công viên. Mình có kể khu này rồi nhưng nay có thêm tài liệu, để hôm nào có ai muốn mình kể tiếp thì sẽ bổ túc. Mình kể chuyện Đà Lạt theo đơn đặt hàng. He he
Từ máy bay khi đến Buenos Aires, thấy cây cối hai bên đường. Khi xuống dưới đất mới thấy cảm mến thành phố này vì có rất nhiều cây và công viên. Họ không bee tông hoá đất nước họ.
Sàigòn năm 1955, cây cối được trồng khắp nơi. Nghe nói họ chặt hết và để thành lập mấy auvent như ở Tân Gia Ba. Chán Mớ Đời 


Nguyễn Hoàng Sơn