Hiếu với con, Trung với vợ *

Có lần nhóm điều hợp giới thiệu mình về mục con cháu của Văn Học nên có vào xem vì bạn học xưa mình chỉ biết về con của NĐT, Nhị Anh, Nhất Anh, con Cua, Chị em họ Trần,.. nhưng chỉ có một anh đưa lên hình ảnh và sinh hoạt của con cháu. Tuần vừa rồi vào xem thì vẫn con cháu anh này một mình trấn giữ giang hồ nên mình gửi mấy cái link cũ cho ban điều hợp mấy video của mấy đứa con 4-5 năm về trước. Mình bỏ lên mạng cho ông bà cụ mình ở VN có thể coi các sinh hoạt của các cháu nên lâu quá cũng quên. Hy vọng các bạn khác sẽ tải lên căn nhà Văn Học các hình ảnh sinh hoạt của con cháu giúp cái cây Văn Học có thêm nhiều lá xanh vì thế hệ lá vàng của mình cũng sắp rụng.
Nhất Anh hỏi làm sao khuyến khích mấy đứa nhỏ chơi nhạc cụ dân tộc. Nói cho ngay, sinh con ra mà chân tay lành lặn là một cái phước của ông bà để lại, con cái chịu học hành là đại phước cho gia đình. Ông bà mình hay nói "cha mẹ sinh con trời sinh tánh" cho nên khó mà áp đặt tụi nhỏ nhất là ở bên Mỹ này. Thứ nhất là không có kinh nghiệm dạy con, thứ hai là không biết hướng dẫn con theo Ta hay Tây vì Ta thì mình cũng không rành vì xa VN khi mới 18 còn Tây thì mình cũng không tường.
Thằng con mình khi nộp đơn xin vào các trường đại học thì phải viết vài tiểu luận tự sự (essay) trong đó có một tự sự chính về "cái đàn bầu". Cháu kể là như bị tiếng sét ái tình khi lần đầu tiên trông thấy cái đàn bầu và nghe cái âm thanh vang lên từ cái đàn mộc mạc, khiêm tốn ấy, âm hưởng rất thân quen nhưng không biết từ đâu nên cố gắng tập thì vài năm sau mới khám phá ra cái âm thanh quen quen kia là di sản văn hoá Việt ấp ủ trong tâm khảm từ bao năm.

Lúc đọc bài tiểu luận này thì mình mới hiểu thêm về những khắc khoải của mình khi xưa. Cái đàn bầu đối với con mình tương tự như đoàn Văn nghệ Tiên Rồng mà mình có dịp coi khi chưa là học sinh Văn Học. Buổi trình diễn của đoàn này đã dấy lên trong mình một ánh sáng, hiểu đâu là nguồn cội của mình. Từ nhỏ đến lớp 11 mình học trường Tây cho nên không rành về Văn hoá VN, không biết mình là ai như một người mất căn cước hay bản thể mà bên Mỹ họ hay gọi "identity crisis".
Mình nghiệm cuộc đời con người như một tấm tranh. Khi mới sinh ra thì như tấm canvas trắng rồi từ từ những chuyện xẩy ra thường nhật như cái cọ sơn, tô lên bức tranh dần dần các lớp màu ngày nay đã che lấp những lớp cũ nên mình không nhận ra. Đọc bài tự sự của thằng con thì mình như một người bảo thủ tranh, dùng cái máy để xét lại các lớp sơn cũ bị bao phủ.
Mình có khuynh hướng thích nhạc cổ truyền dân tộc có lẽ bị ảnh hưởng của những năm mới sinh ra, nghe bà cụ kể là khó nuôi nên đem mình lên Am Mệ Cai, ở ấp Hà Đông, đường Nguyễn Công Trứ gần nhà Ngô Văn Thuỷ, bán cho thánh thần trên đó. Mỗi lần đau ốm là Mệ Cai đến nhà để chích lể. Mình nhớ dạo chưa đi học, những ngày rằm thì bà cụ mình hay đi xe lam chở 10 người , loại Lambretta có 3 bánh có bến ở trước Vũ trường La Tulipe, cạnh bến xe đò Chi Lăng, lên cúng trên am mệ Cai. Bà này được gọi là bà Cai Thỏ, chắc ông chồng làm Cai lục lộ nên được goị là ông Cai Thỏ. Khi đi thi Tú tài bà cụ mình lén lấy giấy báo danh đem lên Am Mệ Cai cúng nhờ đó mình mới được đậu.
Mỗi lần như vậy thì mình thấy có một ban cổ nhạc, lâu quá rồi mình không nhớ ai trong ban nhạc, hình như có một ông cậu bà con, bán thuốc cẩm lệ, sau này gặp anh Trần Quang Hải và Chị Bạch Yến mới thấy lại những nhạc cụ khi xưa. Mình thích đi lễ am mệ Cai vì được ăn chè kê, bánh đa và xem các bà lên đồng. Thường thường thì có 4 hay 2 bà bận đồ sặc sỡ lắm, cầm kiếm múa dù họ không biết võ. Nay ở vùng Bolsa cũng có chỗ hay hội họp để lên đồng nhưng mình không dám đến để xem vì nghe nói ai mà yếu vía thì tự nhiên đồng nhập vào rồi tự nhảy.
Viết tới đây mình nhớ dạo đồng chí gái bị PMS làm mình cũng dở điên dở khùng với vợ. Đang nằm tung chăn lên kêu là nóng, rồi run cập cập kêu mình xoa dầu, truyền Nội lực nhưng chẳng thấm tháp gì cả. Có hôm đồng chí vợ bảo đưa đi đến nhà ai để ông thầy chữa bệnh, gần Bolsa. Tới nơi thì họ bảo sẽ chữa nhân điện thì mình hỏi có phải nhóm của ông thầy H thì họ nói trớt đi là khác, khoa học hơn nhiều. Khi đến thì có một ông được giới thiệu là sẽ mở luân xa cho vợ mình và có thêm vài người khác. Ông ta bảo nhắm mắt lại nhưng mình hé xem thì thấy một người trong nhóm bật một công tắc thì có bóng đèn vàng trên đầu ông ta sáng lên, sau đó thì ông bảo đã mở luân xa cho mọi người rồi nên mình dẫn vợ về khi thấy có người bắt đầu rút tiền bạc trăm ra để cúng thầy. Đồng chí gái thì ngây thơ bảo tự nhiên thấy ông thầy vàng như Phật. Mình chỉ cười vì sợ mang tội nhạo báng vợ.
Mình có học đàn tranh với cô Minh Đức Hoài Trinh khi dọn về làm việc ở Nam Cali. Mình thì không uống cà phê, rượu và ngay thuốc lá cũng không nên có nhiều thì giờ, nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc vì có lần mình có tổ chức cho giáo sư Nguyễn Thuyết Phong trình bày cho sinh viên về môn nhạc cổ truyền. Sau này có gặp anh Trần Quang Hải, chị Bạch Yến hay giáo sư Trần Văn Khê mà có lần mình nghe ở Paris. Dạo đó có lễ hay các nhóm Mỹ mời là cô MĐHT kêu học trò đi trình diễn cho ngoại quốc biết chút gì về nhạc cổ truyền sau này mình báo với cô là sẽ lên xe bông thì cô bảo đã mất một học trò vị chi linh như sấm. Lấy vợ xong là cuộc nghiên cứu của mình về nhạc dân tộc được vợ gác lên tường. Kinh tế là chủ yếu như Nhị Anh kể khi gặp Mai Thu là cô nàng lập kế hoạch; kế một năm là để dành tiền, kế năm năm là mua Nhà,.... không biết kế trồng chồng của Mai Thu là bao nhiêu năm?
Mình có 10 đứa em nên ru em, thay tã rất rành do đó khi có con thì đồng chí gái giao mình quản lí mấy phần này. Vợ mình là con út, ru con là con khóc ré lên trong khi mình cò lã hay hát tình anh bán chiếu thì tụi nó yên lặng cho nên lớn lên tụi nó bị ảnh hưởng của mình nhiều hơn. Mình hay kể chuyện cho tụi nó mỗi tối trước khi đi ngủ. Bao nhiêu chuyện từ Anh hùng Lĩnh Nam,.. của ông Trần Đại Sỹ rồi đến truyện bên Tây, bên tàu như Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử, Tây Du Kí,.... đến truyện Kim Dung đều đem ra kể hết sau này hết chuyện thì phải chế. Có dạo mình đi học đêm hàng tháng về tài chánh, về trễ thì thấy hai đứa con nằm trước cửa phòng ngủ của mình vì muốn được nghe kể chuyện trước khi đi ngủ cho nên từ dạo ấy mình đi đâu thì phải về trước 9 giờ tối để kể chuyện cho con trước khi đi ngủ.
Sau này mình mua Tam quốc chí, Thuỷ hữ, tổ quốc ăn năn, Tây Du Ký,... bằng tiếng Anh cho con nó đọc rồi bố con luận anh hùng về Tào Tháo, Lưu Bị,... Có lẽ cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn" gây ảnh hưởng nhiều nhất cho thằng con, giúp nó hiểu nhiều về gốc gác, nguồn cội, lịch sử VN. Sau này đi học các lớp việt ngữ vào cuối tuần và tham gia hướng đạo Mỹ có các trưởng gốc VN hướng dẫn giúp các cháu hiểu thêm về VN. Thằng con mình đi hướng đạo cũng trên 10 năm, lên tới chức đại bàng hướng đạo (Eagle Scout). Muốn lên chức thì phải nghiên cứu học các môn rồi phải qua các cuộc khảo sát của các counselor khác đoàn thì có lần một ông Mỹ nói là phải tôn trọng nguồn cội, tiếng nói của phụ huynh nên thằng nhỏ tìm hiểu thêm bản thể và chịu khó học thêm tiếng Việt.
Khi con vào tiểu học thì vợ mình cho tụi nó học dương cầm và vĩ cầm còn ở trường thì chơi kèn với ban nhạc nhưng mấy đứa con rất tò mò về mấy cái đàn của mình nên mình lén dạy cho con. Tội thằng con, tập đàn bầu nhưng sợ mẹ biết nên không dám gắn vào cái loa. Con người mình thì sớm muộn cũng phải có ngày tự hỏi mình từ đâu đến, đâu là nguồn cội cũng như một căn nhà mà không có cái móng thì khó mà giữ vững khi gặp bão táp phong ba. Cái móng là nguồn cội mà nếu mình không hiểu rõ thì khó mà vươn lên trong xã hội Mỹ. Cái bản thể rất quan trọng cho giới trẻ thăng tiến trong xã hội Mỹ vì nếu cháu không hiểu về nguồn cội của mình mà qua tranh ảnh, lịch sử nói xấu về chiến tranh VN, về sự sụp đổ của VNCH sẽ làm cháu cảm thấy xấu hổ về nguồn cội của bản thân, không định hướng được sẽ bắt chước bạn bè như nhuộm tóc vàng, chạy đua theo bè phái trong trường thì dễ bị sa ngã.
Vấn nạn trong học đường Mỹ là sì ke. Mình có tham dự một buổi hội thảo của trường các cháu học, có 2 nam sinh và một nữ sinh đang theo khoá cai nghiện nói chuyện. Một nam sinh kể là hồi 12 tuổi lấy bia của cha mẹ uống thử sau thì lấy rượu mạnh của cha mẹ uống rồi lần lần đi chơi bạn bè rủ hút sì ke đâm ra ăn cắp tiền của cha mẹ, ăn cắp đồ của thiên hạ đem bán còn cô nữ sinh kể tương tự sau phải đi bán thân để có tiền mua thuốc hút. Cô này nói là 1/3 học sinh trong lớp chơi sì ke, có điện thoại di động, nhắn tin thì họ giao tận nhà. Con gái mình mới 14 tuổi mà đã nói có nhiều bạn học rất là thông minh nhưng lại chơi sì ke. Có lần mình đọc một cuốn sách nói về thời điểm quan trọng nhất của đứa bé là giờ tan học vì con nít muốn tâm sự kể chuyện xẩy ra trong ngày cho nên khi đón con là phải hỏi liền trong ngày ra sao thì chúng nó quen tâm sự với mình thì khi lớn lên có bức xúc về cái gì thì sẽ hỏi mình. Con cái thường thì không nghe lời cha mẹ khi đến tuổi dậy thì cho nên mình phải nhờ người khác nói hộ. Các trưởng hứơng đạo hay cố vấn hướng dẫn nên đỡ tốn nước miếng. Các cháu tò mò thì hướng dẫn nhưng việc chính là cho các cháu sinh hoạt trong môi trường lành mạnh.
Hè thì mình không bắt học hè, cho đi học thêm các lớp luyện về kỹ năng, cho đi ngoại quốc qua chương trình trao đổi thanh niên của hội Lions quốc tế mà mình là hội viên. Các cháu đi Âu Châu, Nhật,.. một mình sống với gia đình địa phương, làm quen với các giới trẻ khắp thế giới thì có cái lợi là hiểu biết thêm ngoài nước Mỹ rộng lớn. Phải công nhận bên Mỹ này thì nếu chịu học thì có rất nhiều phương tiện để thăng tiến không như mình ở Đà Lạt khi xưa chả biết làm gì. Sách thì không có tiền mua, mướn truyện của nhà sách Minh Thu thì toàn những truyện chưởng hay tiểu thuyết. Hè bên này thì trong các đại học có các lớp cho học sinh như là hội hoạ, điện toán, ảo thuật, speed reading, đóng kịch,... Các cháu theo học các lớp của công ty Dale Carnegie hướng dẫn về ăn nói trước công chúng, nói chuyện, làm quen. Năm nay mình có cho cháu theo khoá học một tuần của nhóm Anthony Robbins để có thêm tự tin hay đi hướng đạo trong 10 năm qua giúp các cháu tự lập nhiều hơn. Thứ 6 đi học về là tự động đem quần áo dơ đi giặt, phụ rửa chén bát,.. nên cũng đỡ thân mình. Người Mỹ hay nói " if you think education is expensive then try ignorance".
Sơn đen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét