Chủ nhật vừa rồi, chở vợ xuống San Diego để thăm thằng con đang theo học ở UCSD vì hai tháng nay, bận đi công tác xa nên vợ chưa gặp mặt con. Cái thú khi vợ chồng mình đi xa là kể cho nhau những kỷ niệm về tuổi thơ. Mỗi lần vợ mình kể chuyện ngày xưa nghèo khổ, đói ăn ở Việt Nam thì hai đứa con đực ra như bò đội nón, như nghe chuyện hoang đường. Chúng sống trong không gian, thời đại khác mình nên chả hiểu bố mẹ chúng nói gì. Về thăm Việt Nam thì cũng ở khách sạn có tiêu chuẩn cao cấp hiện đại như bên mỹ.
Nhiều khi tưởng tượng chúng nói chuyện với bạn về mình chắc buồn cười lắm. Nghe bố mẹ kể hồi bé thèm ăn đồ chiên bột, thịt mỡ thì chúng bảo bố mẹ chúng điên khi thèm ăn saturated fat, MSG, ngọt đường... Hay là khi chúng được điểm A, mình lại hỏi "can you do better than that?" Mình như con chó Palov quen mồm khi thương lượng nên buột miệng hỏi câu vớ vẩn như vận động viên bơi lội mỹ gốc Liên Xô Lenny Krayzelburg kể: sinh ra tại Ukraine nhưng vì chính sách lí lịch nên anh ta không được tham dự tập luyện bơi với giai cấp chuyên chính. Anh ta gốc Do Thái nên bố anh ta lén đem ra dòng sông để tập bơi. Sau này Liên Xô xụp nên di cư sang mỹ, đoạt huy chương vàng thế vận hội cho mỹ. Ông bố chỉ nói:" that's all! You can do better".
Vợ mình thích ăn bún mộc nên lâu lâu ra phố Bolsa đều mua về cho vợ ăn. Thật ra đồng chí gái thích ăn món này là để nhớ lại thời xưa còn bé, như tìm lại dư âm của tuổi thơ. Mỗi lần bà cụ vợ trúng mánh khi đi buôn yến thì hay đãi các con một tô bún mộc. Mình cả đời chả bao giờ nghe đến món ăn này đến khi lấy vợ thì mới được bồi dưỡng thêm về các món ăn khác tương tự vợ chưa bao giờ ăn bánh căn của Đàlạt. Dạo ấy quán phở Thanh Lịch vào cuối tuần có bán bún mộc do ông bố của chủ tiệm làm. Nghe nói khi xưa ở Sàigòn món bún mộc của ông ấy nổi tiếng nhưng sang mỹ thì chỉ nấu cuối tuần vì đa số vào thì ăn phở. Cuối tuần khách đông nên làm thêm nồi bún mộc để khỏi lụt nghề. Nay tiệm này đóng cửa thế vào đó là tiệm bán bánh canh tá lả nên chả biết chổ nào nào ngon để mua cho vợ.
Mình thì kể lâm râm lạy phật rồi lấy ngón tay vuốt vuốt lên cái bánh đang cúng để trên bàn thờ, trèo lên cái ghế, chỏ cái mõm vào cái đĩa bánh trung thu hít hà hít hơi như chó rượn đực. Nay con mình không thèm nhìn nên không mua bánh trung thu để cúng rằm tháng 8 nữa. Truyền thống từ từ sẽ mất dần.
Mình nhớ thấy cái tủ lạnh lần đầu tiên trong đời khi đi mua bịch chè đậu ở nhà bà T trong xóm. Bà này nấu chè đậu đỏ rồi bỏ trong cái bịch nylon nhỏ rồi quay vài vòng, buộc sợi dây thung nhỏ, bỏ trong ngăn đá. Mấy đứa con nít trong xóm, có tiền thì hay chạy vào nhà bà T mua ăn. Cầm cái bịch chè đông đá cắn một góc nhỏ rồi cứ mút mút từ từ đá tan rồi bị sâu răng, tốn tiền đi nhổ nhưng hạnh phúc tràn trề. Ngon nhất là chạy khoe đám con nít trong xóm, cầm cái bịch nylon, mút mút miệng than lạnh quá lạnh quá, rồi hít hà giúp con nít hàng xóm tê răng qua cách hiển thị. Món này 2 đồng rẻ hơn món đậu đỏ bánh lọt nước dừa của ông tầu ở bên cạnh rạp Ngọc Hiệp với giá 5 đồng.
Mình vẫn thích nhất là kem Eskimo của tiệm kem Thuỷ Tinh đối diện rạp Ngọc Hiệp mà mỗi lần Tết, mình phải lấy tiền lì xì để mua cho bằng được dù lên giá, ngày thường 5 đồng nhưng Tết đến là 7 đồng. Trên đường Hai Bà Trưng có ông bán cà rem của tiệm Thuỷ Tinh. Ông hay đi ngang vào đúng lúc ngủ trưa nhưng mình cứ lén ra ngoài, chạy xuống đường khi nghe tiếng chuông tay của ông kêu leng keng. Thường thì mình hay đi chung với thằng Đắc, thua mình một tuổi chạy theo ông bán cà rem. Khi nào có ai kêu mua thì ông ta dừng lại, để cái thùng vuông bằng nhôm xuống, giở cái nắp lên. Cái thùng có hai ngăn; ngăn đầu để cà rem đậu đỏ và kem đậu xanh mà mình vẫn thấy bán trong chợ Việt Nam nhưng không màng đến.
Mình và thằng Đắc chỏ mõm vào xem cái thùng đựng kho báu, toàn là kem và kem và kem khiến hai thằng nuốt nước miếng ừng ực. May mắn hơn là khi ai kêu mua kem Eskimo thì ông dỡ cái ngăn cuối lên rồi lấy vội cây kem có bọc giấy bạc rồi đầy cái nắp liền như sợ chảy tan. Thường là thằng Tiến trong xóm và hai cô em gái của nó đều mua kem loại này. Ông bố làm ty kiều lộ, ký giấy tờ cho phép xe lưu dụng, chạy hàng năm nên nhận quả khá nhiều, sau này bị tù vì ăn hối lộ. Như để tra tấn mình và thằng Đắc chúng ăn từ từ, miệng tía lia, kêu không ngon bằng kem ở Brodard Sàigòn, lâu lâu có miếng sô cô la bị bể rớt xuống đất, chúng chả để ý cứ mút mút cây kem như kẻ bị bắt buộc ăn trong khi mình và thằng Đắc nuốt nước bọt ừng ực, không cần kem bô đa bô đá gì cả, chỉ cần kem Thuỷ Tinh Đàlạt.
Hai đứa em gái của thằng Tiến thuộc chế độ gái xấu, thường thì mình không thích chúng, không chơi nhảy dây hay đánh thẻ với chúng nhưng khi chúng cầm cây kem Eskimo, ôi sao chúng xinh chi lạ, cứ như Monica Bellucci, cứ ước ao chúng cho mút một cái nhưng cái đám con nhà giàu rất quái, chúng thích tra tấn nhân dân vô kem bằng cách mút mút cà rem trong tinh thần chán chường thừa mứa, gây thêm nợ máu nhân dân.
Trong xóm dạo đó, các bà vợ công chức muốn kiếm thêm chút tiền, để phụ đồng lương ít ỏi của chồng, làm công chức trong thời kỳ kiệm ước, vật giá leo thang từng ngày nên họ làm chè bán cho con nít như nhà bà T, chiên bột như nhà bà H. Mình cũng mê món bột chiên này. Bà H lấy bột mì, nhồi với nước và bột nổi rồi ve bột thành những con sâu đóm rồi bỏ vào chảo chiên dầu, ăn ngon khôn tả. Bà ta bắt đầu làm món này khi Việt Cộng tấn công Mậu Thân. Không biết con gái bà H, nay cư ngụ ở San Jose có còn biết làm món gia truyền này không. Mấy lần lên San Jose nhưng không gặp chỉ gặp hôm Văn Học hội ngộ lần đầu, hỏi vớ vẩn vài câu.
Nhà bà này cũng đóng thùng gỗ cho nhà vườn đựng rau quả, bán cho quân đội Mỹ. Dạo đó dân làm vườn Đà Lạt khá lắm vì bán rau cho lính mỹ nên được giá nhưng bán cho mỹ thì phải đóng thùng chớ đâu có kiểu thảy từng bắp sú hay cây xà lách. Nhà vườn kêu ai đó đóng thùng có kích thước bằng gỗ. Trong xóm thì có ông Lào làm cho nha Địa Dư nhận lãnh gỗ đem về cho dân trong xóm gia công kiểu Cô Thuỷ ngày nay đưa cho người ta đem len về nhà để kéo máy hay đan áo. Chỉ kiểm soát khi họ đem nộp hàng rồi gắn nhãn hiệu của công ty rồi gửi cho khách hàng.
Lúc đầu mình vác cái búa ở nhà, đến đóng thùng ở nhà bà H. Bà này gốc địa chủ nên đầu óc thông minh cứ mỗi lần mình đến lãnh tiền là bà ta hỏi mua bột chiên không, thế là bao nhiêu tiền lương đóng thùng gỗ đều cúng lại cho bà H. Bà ta theo chế độ lí lịch, khi đóng thùng gỗ ở nhà bà ta thì con bà ta được ăn uống còn mình thì chả thấy được mời, khát thì phải chạy về nhà uống nước hay ăn. Sau này mình hỏi con ông Lào cho đóng thùng ở nhà nó thì được nhiều tiền hơn vì bà H ăn bớt phần của của mình lại không bị dụ ăn bột chiên nên để dành được tiền sau này bỏ trương mục tiết kiệm. Dạo đó trong xóm vui như ngày hội, đi đâu cũng nghe tiếng búa đập đinh, trăm nhà đua tiếng đóng đinh, cùng nhau hò zô ta đóng đinh. Ngày nay ở mỹ thì dùng súng bắn đinh hay staple nhanh hơn.
Có người nấu cơm tháng cho mấy tên độc thân làm ở ty công chánh hay dạy học ở trường Trần Hưng Đạo. Thời tây thì các thầy thông ngôn, thầy ký có cuộc sống khá sung túc nhưng đến thời chiến tranh lên cao điểm, lạm phát lên như diều gặp gió khiến các bà vợ công chức phải tìm cách kiếm thêm tiền đi chợ. Có người mở cái quán nhỏ, làm bằng gỗ trước sân nhà, che vài tấm tôn để bán bánh kẹo cho con nít trong xóm.
Cái tủ lạnh nhà bà T rất nhỏ, kiểu các sinh viên bên Mỹ mua bỏ trong phòng ký túc xá, cao độ 1 m, chiều ngang độ nữa thước. Cái ngăn đá nhỏ để các bịch chè đậu trong cho đông đá. Mỗi lần vào mua, mình bị bà T, bắt bỏ dép ở ngoài, mấy thằng con bà ta đi theo mình như canh chừng sợ lấy đồ. Nhà mình thì bà cụ đi chợ hàng ngày thêm con lại đông nên cơm nước hàng ngày không có dư thừa, bỏ mứa như hai đứa con mình ngày nay. Đúng giờ kêu ăn cơm là 10 đứa phải có mặt tại bàn ăn vì chậm là coi như hết đồ ăn, hết cơm. Anh em đông nên học cái tính dành dực từ nhỏ, thêm cái tính ăn nhanh vẫn theo mình đến ngày nay.
Cái tủ lạnh hoành tráng, to lớn như ở ngoại quốc mà mình thấy lần đầu là ở nhà một ông bạn của ông cụ, làm cho hảng mỹ. Cái tủ to lớn đồ sộ, đầy ngập đồ ăn mỹ, lon coca, bia, như sữa tươi mà ông ta cho mình uống một cốc lớn, loại vân vân như nút chai, màu cứt ngựa mà dạo quân đội mỹ sang, nhà nào cũng có để uống nước. Dạo đó nhớ nhà nào trong xóm cũng có cục pin mỹ vuông to tổ bố, cở 12 inches, để gắn vào cái radio bé phân nữa, được câu giây.
Nghe kể những người đi lượm rác mỹ, bán mà giàu to thì không hiểu kêu là láo. Sau này sang mỹ thì mới hiểu được, dân mỹ xài xong thì quăn hay bán garage sale trong xóm. Lính mỹ thì bán cho ai mỗi khi họ rời đơn vị nên quăn thùng rác giúp đổi đời nhiều gia đình dạo đó. Mình có bà dì ở Sàigòn, đi làm sở mỹ ở căn cứ Long Bình. Trong xóm mình có chị thằng VVĐ, học Yersin khi xưa, cũng làm cho sở mỹ, sáng nào cũng thấy mấy thằng lính mỹ, lái xe Jeep đến chở đi làm, nói tiếng mỹ you you mi mi nghe nhức tai khiến mình nể phục chị thằng này đến con gà quay.
Dạo đó nhà mình chỉ có cái garde à manger, to cở cái tủ lạnh, làm bằng gỗ, và bọc lưới để đựng đồ ăn để chuột khỏi ăn vụng. Để tránh bị kiến ăn thì dùng 4 cái chân tủ, bỏ trong 4 cái chén bằng đất rẽ tiền, đựng nước để kiến chết nếu muốn vượt Trường Sơn leo lên tủ. Có cái khoen móc để cài hai cánh cửa để tránh mèo hàng xóm, ban đêm chui qua mái nhà vớt.
Nghe nhà kể trong thời bao cấp, bà cụ mình mua đâu được nữa lạng thịt ba chỉ, nói để nấu cho con ăn nhưng vì tối đó phải lên tổ khu phố để họp, học tập chính sách "xoá no giảm giàu" theo đường lối Cách Mạng nên về tối, định bụng sáng hôm sau sẽ nấu thịt kho ba chỉ cho con ăn vì cả tháng nay chưa thấy miếng thịt. Sáng ra con mèo hàng xóm chắc từ ngày giải phóng vào, phải ăn chay trường nên tối đó lén qua nhà mình, phạm giới quất hết nữa lạng thịt, khiến bà cụ mình khóc như mưa bấc.
Cái tủ đựng đồ ăn có 4 cái chân cao độ 30 cm, đặt trong 4 cái bát bằng sành đặc biệt, ở giữa có chổi để gác cái chân tủ, xung quanh đựng nước mà bà cụ có bán. Mình có nhiệm vụ đổ nước vào mỗi tuần nên nhiều khi cảm thấy khoái chí khi thấy mấy con kiến trôi dật dờ. Phần đựng đồ ăn được chia làm hai tầng: phần được đóng bằng gỗ theo chiều dọc, hơi thưa độ 1/8" để thông hơi, dùng để đựng chén đĩa, có hai cái cánh cửa nhỏ và phần trên thì hai cánh cửa làm bằng lưới cho thoáng hơi, không làm xiêu đồ ăn, dùng để đồ ăn và gia vị.
Ngoài ra trên bàn tròn thì có cái lồng bàn bằng nhựa để che đồ ăn đựng trên cái mâm tròn khi nhà chưa ăn cơm để tránh ruồi đậu. Hồi nhỏ có luyện tập món bắt ruồi, lấy cái tay hớt chổ con ruồi đang đậu rồi vẫy xuống đất. 10 lần thì dính vài con sau này biểu diễn cho con vào mùa hè nhưng chúng không ham luyện món này, ra tiệm mua cái vợt bằng pin bắt ruồi.
Về thăm nhà, thấy có cái bàn tròn nhưng không biết là cái bàn khi xưa, có lẻ mới vì đã trên 42 năm. Chỉ thấy cái đồng hồ mua ở tiệm Tiến Đạt, khu Hoà Bình thì còn treo trên tường nhưng không chạy, dù mình có lên dây cót. Có lẻ cần phải cho dầu vào, để lần sau về, đem cho thợ vô dầu xem.
Năm mình qua Văn Học thì nhà mình mới mua được cái tủ lạnh cũ nhưng chỉ dùng vào những lúc có giỗ, Tết vì sợ tốn điện. Tết đến thì bà cụ mua nước ngọt, bia,.., bỏ chả thủ, củ kiệu, dưa món,..., ở trong tủ lạnh. Khi khách đến thì ông bà cụ sai mình hay mấy đứa em lấy đồ mời khách, không quên nhắc to khi nói đến "tủ lạnh", để ngầm báo cho người quen, hàng xóm biết là nhà có tủ lạnh, đem ra mời khách, ăn thấy lạnh lạnh thì họ suýt xoa khen ngon, nhấp nhấp tí bia hay nước ngọt lạnh lạnh, phê không thể tả.
Mình nhớ tết năm 11, tự cho mình là lớn nên lấy một lon bia Hamms trong tủ lạnh ra, kéo cái móc khoen, dựt lên nghe cái tách, rồi bọt bia chảy ra làm mình khoan khoái, đưa lon lên uống cái ực như trong xi nê, gắp một củ kiệu cho vào mồm như thể dân nhậu chuyên nghiệp. Mấy phút sau, đầu óc mình quay cuồng, bò lên cầu thang, vào giường tim đập đập như trống Tây Sơn đánh phá quân Thanh năm Kỹ Dậu, nằm ngủ đến sáng mai nên sợ đến già không dám đụng tới bia rượu.
Nhs
Có ai gửi tấm ảnh này, tương tự cái Garde à manger ở nhà mình khi xưa, tuy đất là xi măng. Xin phép bỏ lại đây cho bà con mường tượng lại một thời nghèo đói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét