“U chau! Sướng quá! Có cái ghế riêng cho mỗi người”. Đó là sự kinh ngạc của mẹ khi được tiếp viên đưa đến chỗ ngồi trên máy bay. Kỳ này mình mua vé hạng nhất cho mẹ đi vì sợ ngồi lâu 12 tiếng trên máy bay.
Tới phi trường, vào check-in rất thoải mái, không ngại thiên hạ đi trước mình, không phải đợi hay xếp hàng. Mình đem theo 2 cái vali nhỏ “carry-on” nhưng đi hạng nhất được gửi 3 vali cho mỗi người nên giao hết cho họ, chỉ vác cái ba lô nhỏ đựng ipad và chai nước. Họ kêu ngồi đợi, người ta đem xe lăn đến để đưa mẹ qua vùng kiểm soát an ninh. Đi kiểu này nhanh hơn là xếp hàng chờ đợi.
Trước khi đi mình làm thức ăn sáng cho mẹ xong, đang suy tính, đến phi trường có nên tranh thủ ăn chút gì hay không vì sợ mẹ đói hay làm khúc bánh mì đem theo ăn dậm, vì không biết khi nào họ cho ăn trên máy bay. Khi check-in họ đưa cho cái phiếu lên máy bay (boarding pass), thấy có chữ ‘World Lounge” thì mới nhớ sực là đi hạng sang, chúng cho vào câu lạc bộ ngồi, không phải dành dật ghế ngồi ngoài phòng đợi lên máy bay.
Anh chàng mễ đến đẩy mẹ vào lounge, đến lấy cái bàn trống thì thấy mấy núi thức ăn, thức uống được trình bày sang trọng đầy mấy cái bàn. Mình cho tiền boa anh chàng mễ rồi đi lấy thức ăn và thức uống cho mẹ. Ăn xong mẹ hỏi ăn thêm thứ khác được không con. Mình nói cứ vô tư, mẹ đứng dậy đi lấy thêm thức ăn. Mình chỉ ăn thêm xà lách cho nó lành. Mấy món ở đây làm rất ngon, có món súp bí ngon kể gì. Mẹ thấy có cái máy làm pancake nên hỏi cái chi lạ rứa. Người ta đổ cái chi vô rồi nó lòi ra cái bánh.
Có nhiều hành khách, đi một mình thì ngồi ở mấy chỗ có đồ cắm điện để gắn iphone hay ipad, laptop. Thấy đề mật mả của Wifi, không phải ghi tên họ đủ trò để lên mạng. Mình không cần vì đang ở LAX.
Ăn xong, hỏi muốn đi vệ sinh trước khi lên máy bay không, rồi đưa mẹ lại phòng vệ sinh. Thấy dân nhà giàu, họ ăn rất từ tốn, không lấy nhiều đồ ăn như mình. Lấy đĩa nhỏ, dao kéo muỗng nĩa toàn là design hiện đại của Ý Đại Lợi. Ngồi nhâm nhi ly rượu đỏ hay trắng trong khi mình thì như ăn cướp. Gốc nông dân thì có đi hạng nhất vẫn là nông dân đành chịu. Chán Mớ Đời
Ăn xong họ kêu người khác đem xe lăn đến đẩy mẹ ra nơi lên máy bay. Khu hạng nhất có đâu 60 ghế mà cũng không đầy lắm. Không có màn sợ người khác lấy chỗ của mình như đi hạng cá kèo, hay bị lôi cổ ra máy bay như bác sĩ Đào. Tiếp đãi viên dẫn đến chỗ, lấy cái móc áo, móc áo khoác xong thì máng lên cái móc. 30 giây sau là tiếp đãi viên đến lấy đem đi móc chỗ dành riêng cho áo ngoài, không như hạng bình dân, phải máng vào ghế hay xếp dưới chân ghế. Một loại đi máy bay kiểu khác.
Mỗi chỗ xem như chiếm 4 cái cửa sổ, chiều ngang 30 inches, còn chiều dài độ 7 feet hay 8 feet. Ghế bên cạnh thì nằm tụt về sau độ nữa thước để làm chỗ đi riêng cho người ngồi ghế bên, không vướng chân mình. Phía trước trên cái kệ có cái màn ảnh truyền hình 28” x 24”, bên tay trái của mình thì có remote để chọn phim hay nhạc, đủ trò. Mình xem một phim nhật khá hay, đầy ý nghĩa. Sau khi ăn cơm, chơi thêm một phim Việt Nam do đạo diễn Charlie Nguyễn làm tại Việt Nam, hình như quay ở Đà Nẳng nhưng lại nói tiếng Sàigòn. Chuyện phim Việt Nam thì lúc nào cũng chuyện không tưởng, không thực tế. Một cô gái thành đạt, đại bằng tiến sĩ ở Úc về, giàu có lại yêu anh chàng bán sách cũ làm ô sin. Chắc nhờ cúng vong,giải hạn.
Đi hạng nhất chúng có Menu do đầu 2 tên đầu bếp chả bao giờ nghe tên. Một tên lo cơm nhật, một tên lo cơm tây. Cái hay là nó đề muốn gọi lúc nào cũng được, ăn bao nhiêu cũng chiêu đãi hết, ngoài trừ 2 tiếng trước khi hạ cánh. Mình chọn đồ ăn nhật xem vì đồ ăn tây thì có thịt bò hay tôm. 4 tiếp đãi viên phục vụ độ 40 hành khách.
Hỏi mẹ thì nói ăn chi cũng được. Tội. Cả đời mẹ ít có chọn lựa, đời cho cái gì thì nhận cái nấy theo quan niệm á đông “cái số mình vậy”. Số mình kiếp trước vụng tu nên nay phải trả, cúng chùa giải vong nhưng nghèo vẫn nghèo chỉ có những người nghĩ ra cách làm tiền là giàu vì kiếp trước họ có tu. Cụm từ này rất nguy hiểm vì giúp chúng ta lấy cớ để an phận, tự an ủi về thất bại của mình. Chiêu đãi viên hỏi mẹ uống Champagne hay rượu đỏ. Mẹ kêu Champagne, lâu quá chưa uống. Thấy mẹ cầm cái ly Champagne uống nhấp nhấp thấy vui trong khi mình uống nước. Hình ảnh này sẽ lưu mãi trong ký ức mình đến mai sau. Phải nhắc mẹ uống thêm nước vì uống rượu mất nước trong người nhiều khi đi máy bay.
Họ đem ra 2 món khai vị nguội, để uống với Champagne, sau đó một khay thức ăn nguội rồi một khay khác thức ăn nóng với súp Miso, rồi bánh Tỉramisu và trà xanh. Mẹ ăn không hết. Mới đẫn mấy đĩa thức ăn trong câu lạc bộ xong. Mẹ gọi mình, ăn không con. Tội sợ bỏ uổng như tập tục gia đình mình mấy chục năm nay. Không bao giờ bỏ mứa cơm thức ăn. Thật ra nhà anh em đông, ăn chỉ có thiếu chớ chưa bao giờ có thừa. Vừa mời bố xơi cơm, mời mẹ xơi cơm, mời anh mời chị xơi cơm xong là và cơm như thể sợ ai lấy hết phần mình. Được cái là mình hay nhịn phần ăn cho mấy đứa em, lúc nhúc như đàn heo con.
Có một bà Việt Nam quen, kể đã thực hiện giấc mơ, đưa ông bố về Việt Nam chơi, mua vé hạng nhất nên từ dạo ấy, mình có ghi vào sổ tay. Không ngờ hôm nay đã thực hiện được mộng ước này.
Ngồi đợi người ta đem xe lăn đến, mẹ cứ hỏi bao nhiêu tiền rứa con. Mình nói đừng có lo nhưng mẹ cứ hỏi hoài nên đành nói khiến mặt mẹ xanh như tàu lá, như bị trúng gió. Mẹ lấy chai dầu xanh ra, quẹt quẹt trên mũi. Tội! Tiếc tiền, chưa bao giờ mẹ bỏ số tiền lớn như vậy để đi chơi. Ở Việt Nam, đi Sàigòn là mẹ đi xe Thành Bưởi ban đêm có ghế nằm nhưng vẫn mệt để hà tiện tiền.
Hôm gần đi, đồng chí gái đưa mẹ tiền về quê cho mấy người em. Mình đưa cho cây vàng, nói khi mô tiêu hết thì cho con biết rồi chuyển tiền về. 5 phút sau, lò mò gặp mình đưa mình mấy trăm đô bằng tiền $20 mà vợ mình đưa. Nói đổi cho mạ tiền trăm đô, cho mạ đủ một lượng để khi mô cần tiêu chi. Mình chỉ biết cười đi lấy cho mẹ một cây. Dặn đừng cho ai vay hết nghe. Mẹ mình bị thiên hạ vay tiền rồi xù luôn đến khi chết, con cháu không ai biết mà đòi vì chỉ tin miệng, không làm giấy tờ.
Thương một đời tận tuỵ, nuôi đàn con 11 đứa thêm trả nợ cho chồng mê đánh bài thua hoài, sau này lại đi thăm nuôi, gánh đồ ăn tiếp tế cho ông cụ suốt 15 năm trời. Ông cậu mình kể; đi thăm nuôi ông cụ mình mà mẹ mình gánh như không trong khi cậu kề vai là oải.
Lên máy bay ăn xong, là đi vệ sinh, kêu phòng vệ sinh sướng quá, rộng rãi khác với lần từ Việt Nam sang, không phải đợi như đi hạng cá kèo. Khi đứng dậy, không cần xin lỗi ai hết vì mỗi người một cabin, có lối đi riêng trong khi hạng bình dân thì phải xin lỗi xin phép rồi thằng hay con mỹ ngồi bên to như 2 tạ gạo là chết. Ăn xong, tiếp đãi viên đến, bấm nút cho ghế nằm xuống thành cái giường, mẹ nằm phê con cà cuống luôn. Cái khổ là khi đã nếm được cái mùi hạng nhất thì khó mà cản được là trong tương lai phải tiếp tục đi kiểu này nữa. Mình tính bán cái dự án xây 128 căn hộ nhưng nay chắc phải chịu khó, xây cho xong, để có tiền đi chơi hạng nhất hoài với vợ con.
Thấy mẹ với đôi con mắt ngỡ ngàng, nhìn xung quanh, quan sát những không gian xa lạ nên thấy thương mẹ. Nhiều khi nghĩ lại, không ngờ một người như mẹ có thể nuôi cha mẹ, em út rồi đến con, chồng. Cả đời chưa bao giờ được đi học, chỉ có học bình dân học vụ mà có thể tạo dựng một cơ nghiệp để rồi 1975 đến là bay hết tất cả, phải làm lại từ đầu. Một thân một mình, nuôi con nuôi chồng. Cả đời tận tuỵ lo cho con, cho chồng, ngày nay cũng tiếp tục lo dù không làm gì được nhưng con tằm phải nhả tơ.
Có lẻ hình ảnh hào hùng nhất của mẹ đã gây ấn tượng nhất khi còn ở Việt Nam là bụng mang dạ chữa mà khiên bao gạo cho bà cây xăng Esso vì mình gàn gàn không chịu đem giao lại bao gạo khác cho bà ta. 18 năm ở Đàlạt, mình thấy hình dáng mẹ là một phụ nữ mang bầu. Có mấy bà hàng xóm nói mẹ theo chế độ ngừa thai nhưng mẹ lại sợ, ông tiệm Sơn Hà kêu ông cụ mình cắt ống dẫn tinh nhưng ông cụ không chịu, cương quyết tử thủ đến cùng nên cứ năm một bà cụ cho ra đời 1 đứa em.
Mình có anh bạn bác sĩ, sang Hoa Kỳ khi còn nhỏ, được người Mỹ nhận làm con nuôi. Sau này anh ta về quê ở Quảng Nam. Anh ta có xây nhà xây cửa cho mẹ anh ta nhưng cái buồn là mẹ anh ta cứ loanh quanh với tư duy của người Việt ở làng. Đi mót củi buổi sáng để nấu ăn, dọn dẹp trong nhà. Anh ta muốn kể về cuộc sống gia đình anh ta, nghề nghiệp nhưng bà mẹ không màng đến. Không có sự kết nối với nhau. Mẹ anh ta cũng không muốn rời quê, sang Hoa Kỳ. Cứ bám theo lối sống thường nhật quen từ bé đến nay.
Cho thấy còn mẹ là một hạnh phúc nhưng nếu nối kết được với mẹ là một diễm phúc.. Đi đường, quan sát mọi thứ rồi mẹ hỏi. Lên máy bay, biết mò chỗ để hạ ghế xuống để nằm,… tài thật.
Nhiều khi tự hỏi nếu mẹ được ông ngoại ruột nuôi ăn học thì có lẻ cuộc đời của mẹ đã khác. Con gái nuôi của ông ngoại, được đi học trường tây, con trai nuôi của mẹ làm đến thanh tra giáo dục nhưng ai biết được vì phạm trù “Nếu” có rất nhiều đáp án và ẩn số.
Chán Mớ Đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét