Du lịch vào tuổi cao niên

Có chị bạn hỏi làm sao bà cụ mình, nay 86 tuổi lại đi Nhật Bản khế khế với mình được, lại lội 9 cây số mỗi ngày. Vợ mình thì lội 15 cây số một ngày với mình. Mẹ già nên phải đi ít lại. 🙂
Dạo mình tập để leo núi Whitney, cao nhất Cali thì vợ kêu sao không cho bà đi theo nên mình dẫn đi leo núi một lần có 9 dậm. Cô nàng cứ như cái xác không hồn. Thay vì đi xuống lại mình động viên có chút xíu nữa thôi để leo lên đỉnh. Về nhà là tuần sau trốn hết dám đòi theo nhưng sau này vợ mình mỗi tuần leo núi 9 dậm bình thường. Cho thấy là do sự tập luyện thường xuyên thì không có gì khó cả.
Bà cụ mình tập dưỡng sinh ở Đàlạt từ mười mấy năm nay. Sáng 5:00 sáng dậy, đem theo cái đen pin rồi đi bộ lên trường Đa Nghĩa tập với một nhóm bạn trong phường. Mình có lần đã tập với họ. Họ chỉ tập có một 1 tiếng nhưng mỗi ngày và đi bộ nên cũng khỏe. Ngoài ra mẹ đi chợ, đi thăm bạn bè bằng xe lô ca chân thêm Đàlạt có dốc nên khoẻ chân. Qua Phila, ở với cô em, không đi ra ngoài nhiều vì lạnh nên teo chân nên qua cali mình phải động viên đi bộ, leo dốc mệt thở xung quanh nhà.
Mình đeo cho mẹ cái đồng hồ Apple, dặn là mỗi khi nó kêu tíc tắc, bấm vào tay là đứng dậy đi vòng vòng ngoài sân. Khi ngồi quá lâu thì đồng hồ tự động báo động để tránh máu ứ lại rồi bị nhồi tim. Mình có bà mợ hơn mình đâu 10 tuổi nhưng ít hoạt động, kêu đi mỗi ngày một vòng sân trước nhà, không tới 100 thước, gặp bác sĩ cho uống thuốc mệt thở nay bắt đầu lẫn, bị parkinson. Uống thuốc sẽ có những hiệu ứng phụ mà mình đã kể. Người xưa kêu là bệnh tòng khẩu nhập. Ông thợ cắt tóc cho mình kể uống thuốc quá nhiều nên sợ, bỏ luôn lại khoẻ.

Dẫn mẹ ra biển, đi 6 dậm, rên quá nhưng đi được là tốt vì cứ tập dần dần là đi được. Theo đông y, họ cho biết hai cái chân rất quan trọng, họ cho là phần âm để nuôi phần dương từ bụng lên. Khi viết mình hay đứng để khỏ ipad. Chân mà yếu thì mọi thứ trong người đều bị ảnh hưởng. Chân có bắp vế và bắp chuối, có chức năng làm trạm bơm phụ để bơm máu về tim. Nếu phần này yếu thì sinh ra nhiều bệnh do đó phải đi lại rất nhiều để giúp máu lưu thông, thở nhiều để đem oxy vào phổi, vào máu để nuôi tế bào nếu không thì bị ung thư.
Năm kia leo núi bị gãy chân, nằm nhà 6 tháng cái chân trái bị teo lại, cơ bắp mất tiêu. Sau phải bò vào đi bơi rồi từ từ mới có cơ bắp lại.
Đồng chí gái kêu 86 tuổi mà lưng không còng, đi đứng còn vững vàn. Đầu óc minh mẫn nay bắt đầu có dấu hiệu nên mình cần gọi để hỏi thêm nhiều chi tiếc khác để giúp khỏi quên. Mình đưa sách cho đọc thay vì đọc báo, giúp suy nghĩ nhiều lâu thay vì đọc cái rẹt bài báo mấy trăm chữ.
Mình có nói với mẹ mình là con cháu có tiền cũng không mua được sức khỏe cho mẹ. Chỉ có mẹ mới tự tạo cho mình sức khỏe, bằng cách tập thể dục hàng ngày. Đọc sách để luyện trí nhớ.
Hôm qua mình có thâu lại. Mẹ đọc truyện Phạm Công Cúc Hoa mấy trăm câu làu làu. Kinh thật. Mẹ mình là dân chưa bao giờ được đi học, chỉ bình dân học vụ. Mẹ chỉ nhớ sơ sơ truyện Kiều như : đầu lòng hai ả tố nga, Thuý kiều là chị, em là thuý vân. Mẹ lại còn chơi Lục Vân Tiên. Kinh hồn. Kinh kệ chi là mẹ mình đọc lau làu.
Mẹ kể khi xưa ông Phúng. tiệm HIệp Thạnh hay cho mượn sách truyện để đọc mà lại nhớ đến ngày nay. Kinh hoàng
Mình sang thăm mẹ bên Phila thì tá hỏa tam tinh vì bà cụ sang mỹ mà cứ nằm nhà, xem phim bộ. Mình có gọi điện thoại dặn là đi bộ tập Thái Cực Quyền. Cô em thương mẹ nên không muốn mẹ làm việc trong nhà, theo mình đó là không tốt cho sức khỏe.
Qua Cali, mình bớt cho ăn cơm, tinh bột lại. Bắt đi bộ mỗi sáng 30 phút rồi chiều mình đi tập nội công và Thái Cực Quyền thì rũ đi nhưng mẹ chỉ tập có 1 tiếng là ngồi trong khi mấy người kia tiếp tục tập Thái Cực Quyền. Bà cụ muốn làm cái gì để không cảm thấy thừa thải nên muốn nấu cơm thì mình để cho nấu, sử dụng trí nảo mà mình thì ít khi ăn cơm mẹ nấu vì không hạp lối dầu mở của Việt Nam.
Trong lớp mà mình hướng dẫn, có một người bị tai biến, một bị Pảrkinson, 2 người bị mà ông thầy thuốc bắc nào cũng kêu là thần kinh toạ nhưng sau khi tập với mình một năm thì người bị tai biến bắt đầu quơ tay trái được tuy chưa thuần thục lắm. Một hôm có một bà kêu, 6 tháng trước ngồi xuống không được, hai tay bóp co lại không được nay thì ngồi lên đứng xuống như pha, tay bóp lại hết viêm khớp.
Người bị Parkinson thì sức khỏe tiến bộ, có mấy người gần 80 khỏe hẳn, tập được 2 tiếng đồng hồ còn 2 người tự xưng bị thần kinh toạ nay phơi phới, tập liên tu ti 2 tiếng đồng hồ, hết bị thần kinh. Lúc mình mới đứng lớp sau khi bị gãy chân thì mọi người tập đến 30 phút là rên đừ, nay họ tập đến 60 phút mà vẫn còn khí thế. Tập Trạm Trang Công lúc đầu chưa tới 5 phút đã rên nay 16 phút là bình thường. Có cô nào, tập dưỡng sinh với bà cụ ở Đàlạt, rên qua facebook là bị cao máu lộn xộn, uống đủ thứ thuốc. Mình nói bà cụ là hôm nào mình về Đàlạt, kêu cô ta tới nhà mình chỉ cho tập Trạm Trang Công là hết. Không thuốc theo gì cả. Thuốc vào lại làm điện thêm.
Có câu chuyện, ông kia muốn luộc con ếch, nấu nồi nước sôi rồi bò con ếch vào thì con này cảm thấy nóng nên nhảy văng đi chỗ khác trốn. Cuối cùng ông ta nghĩ cách là bỏ con ếch vào nồi nước lạnh rồi đun sôi từ từ, thịt ếch mềm ra. Do đó không nên làm cái ào, cứ từ từ mỗi ngày thêm một tí do đó mấy người tập với mình sau một năm, có nhiều người đau nhức rên la khi mới vào tập nay thì khoẻ hẳn ra, da tươi hồng lên vì có oxy. Có ông bác sĩ lớn tuổi, mới đầu kêu ông Sơn trẻ thì đứng lâu được còn chúng tôi già thì sao đứng lâu quá 5 phút. Sau một năm thì ông bác sĩ nầy đứng 16 phút tỉnh bơ vì mình tăng mỗi tuần 30 giây.
Đi Nhật Bản kỳ này thì xứ này có rất nhiều người cao tuổi. Nghe đâu 50% mà họ lại thuộc dân sống dai nên dịch vụ giúp người lớn tuổi rất được quan tâm. Hôm đi viếng hoàng cung, miễn phí lại có hướng dẫn viên. Mình thấy có mấy chiếc xe lăn, rồi thấy có bà mỹ to đùng, ngồi trên ghế rồi có một cô nhật làm cho hoàng cung, đẫy xe bà này đi rồi có một cô nhật khác, cầm dù che cho bà mỹ. Miễn phí sau đó mình xem có được boa hay không nhưng không thấy gì cả. Tối hôm qua ngồi ăn ở khách sạn, thấy một bà mỹ to như con bò rừng, đi bên cạnh cô phục vụ viên nhật bé tí teo.
Ai muốn đưa bố mẹ đi Nhật Bản chơi thì cứ đem đi, đừng sợ gì cả. Bà cụ mình đi được nhưng vì để qua quan thuế, an ninh phi trường nhanh nên mình gọi xe lăn. Họ đến tận máy bay để đẩy ra ngoài, mình còn kêu đưa mình đến chỗ gửi hành lý cho 6 ngày, sau đó họ dẫn đến quầy lấy vé xe lửa,…rồi cuối cùng đưa đến bến xe lửa. Miễn phí, không nhận tiền boa.
Sức khoẻ là do mình tự tạo lấy. Chỉ có tập thể dục, bơi hay chi đó, phải vận động tay chân thì mới khoẻ, không bị viêm khớp chớ uống thuốc thì càng te tua thêm. Có ông bác sĩ mỹ 93 tuổi, vẫn còn lái xe, cho biết muốn sống khoẻ phải đi bộ, tập thể dục. Những người đi bộ hàng ngày, dù có bị cao đường cao máu, đều sống thọ hơn những người không bị mấy vụ nhưng không chịu tập thể dục, ngồi yên.
Dạo còn sinh viên mình có xem cuốn phim nhật bản hình như The Ballad of Nảrayama của đạo diễn Shohei Imamura, nói về phong tục của một làng ở Nhật Bản đoạt giải điện ảnh Palme d 'Or ở Cannes, cách đây 35 năm.

Thiếu thực phẩm nên trong làng ra quy định để mấy đứa bé và người già trên 70 tuổi chết vì thuộc thanh phần không lao động lại tốn lương thực. Họ bắt buộc người nhà phải đem những người không lao động được lên núi và để họ lại trên đó. Con gái thì cho nuôi để bán sau này. Có một bà lão còn khỏe mạnh, muốn nhường phần của mình nên nói người con trai cõng mình lên núi để bà ta chết. Trên đoạn đường cõng mẹ lên núi, phong cảnh rất đẹp, hai mẹ con có dịp ôn lại những kỷ niệm rồi người con vuốt nước mắt, người mẹ xua đuổi con xuống núi trong khi những giọt tuyết rơi phủ dần dần lên người mẹ, hy sinh đời mình để củng cố đời con.
Khúc cuối nếu mình không lầm thì sau khi bỏ mẹ ở lại trên núi, Ken Ogata thẩn thờ đi xuống thì bắt gặp người hàng xóm, cõng cha lên núi và để lại nhưng người cha không chịu ở lại và níu kéo người con trai, vùng vẫy ra sao rồi rơi xuống núi. Người mẹ thì chấp nhận hy sinh cho con, đón chờ cái chết, lâm râm cầu nguyện trong khi người cha thì ích kỷ hơn, muốn được sống và giằn co với người con và gây tai nạn.
Trong chuyến đi này, mình có cảm tưởng đang thực hiện chuyến đi lên đỉnh Nara để có kỷ niệm với mẹ rồi mai này, có trả nhớ về không sẽ không ân hận. Mẹ kể chuyện đời xưa rồi mình kể kỷ niệm với mẹ về chuyến đi thăm ông bà Hai ngày xưa.
Người lớn thì họ nói chuyện từ năm Canh Dần cho đến Bính Tý,..nên mình xin phép qua nhà hai anh em sinh đôi Phi Long học chung, ở đường Phạm Hồng Thái nối ngang với đường Nguyễn Trãi, có con suối chảy từ hồ Than Thở về Hồ Xuân Hương mà có lần nước mưa trôi mấy bao thuốc trừ sâu của nhà vườn khiến cá ở Hồ Xuân Hương chết, nổi đầy hồ còn dân Đà Lạt đi vớt về ăn.
Nhà hai tên này làm vườn trồng rau cải, dân Bắc kỳ, đối diện nhà bọn hắn là khu rừng thông nên tụi nó rũ mình lên đó chơi bắn súng. Mãi chơi nên mình quên bố hết thời gian đến khi trời tối, trở lại nhà ông bà Hai thì ông bà cụ mình đã ra về nên hối hả chạy bộ về Hai Bà Trưng. Khi đi qua cái am Sohier thì phải cuối mặt, run run vì nghe nói am này linh lắm lại thêm trời tối nên vừa đi vừa khấn Phật. Qua cái am thì mới dám chạy vì nghe nói đi qua am phải kính trọng những người đã khuất nếu không họ vật chết. Mình chạy bở hơi tai mới về đến nhà thì mấy đứa em báo là sẽ bị đòn nhưng mà may là ông cụ đi đánh tổ tôm nên bà cụ sẽ thi hành công tác bồi dưỡng chức năng nghiệp vụ làm con của mình với cái chổi lông gà.
Mình nhớ trong Quốc Văn Giáo khoa thư thì có ông Carnot khi về làng, ghé đến trường thăm người thầy xưa sau này làm đến chức tổng thống của Tây hay trong luân lý giáo khoa thư có chuyện một ông, bị mẹ đánh thì khóc nức nở khiến người mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao mọi lần mẹ đánh, con không khóc nhưng tại sao lần này con khóc. Ông ta tức tữi thưa rằng vì khi xưa mẹ đánh đau, còn hôm nay thì con không thấy đau, con nghĩ chắc mẹ đã già yếu nên con mới khóc vì sắp xa mẹ rồi khóc tiếp.
Mình định bụng khi bà cụ đánh sẽ ré khóc cho to để bà cụ hỏi tại sao khóc thì sẽ thưa với mẹ rằng như tên trong luân lý giáo khoa thư thì chắc bà cụ sẽ mũi lòng, lì xì thêm ít tiền, mai đi xem xi-nê. Ai ngờ khi mình rú khóc như mưa bất thì bà cụ bảo câm ngay không tao cho thêm vài roi, mình càng khóc to thì càng bị bà cụ đánh tan tác cái mông với cái chổi lông gà nên đau quá đành im và từ dạo đó cạch đến già không dám tin hay noi gương theo những nhân vật trong hai cuốn này hoặc 24 hiếu, những tâm hồn cao thượng mà ông Hà Mai Anh dịch. He he he
Xong om

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét