Hồi nhỏ, mình nghe người lớn nói về một nhân vật Don Quichotte nhưng chả biết là ai, vì cứ hỏi thì bị kêu “mi ăn chi mà ngu rứa”. Sau này, trời ị trúng đầu, được đi tây thì khám phá ra đó là nhân vật của nhà văn Miguel de Cervantes trong tác phẩm El Ingenioso Hidalgo Don Quijote de la Mancha. Mình có đọc cuốn này bằng tiếng tây. Khi viếng thăm Tây Ban Nha, mình phải lội đến vùng này để mục thị cái cối xay nhưng chả thấy gì cả.
Lâu quá không nhớ rõ câu chuyện, đại khái là một nông dân tưởng tượng mình là một hiệp sĩ ……, một mình ra trận đánh những kẻ ác to lớn để cứu một bà tên Dulcinea Del Toboso, trên thực tế là một bà nông dân khác tên Aldonza Lorenzo, ở cạnh nhà của người nông dân này. Khi đi vòng quanh xứ Tây Ban Nha, mình có ghé vùng La Mancha, nơi cốt truyện được dàn dựng thì mới hiểu. Mùa hè nóng như búa bổ, ai cũng tá hoả tam tinh nên anh nông dân của Cervantes mới điên điên tưởng tượng mình là một hiệp sĩ thời vua chúa xưa, đi vào nhà thổ mà cứ tưởng tượng như đi vào các lâu đài,…
Giấc mơ của Don Quichotte đã nói lên ý nghĩa của cuộc đời, nói lên những ham muốn, mộng tưởng của con người, hầu thoát khỏi hiện thực để bay về một vùng đất tuyệt vời nào đó. Ai cũng muốn có người tình đẹp, hiền, yêu súc vật như cô bé lọ lem hay chàng hoàng tử, đẹp trai, có thật nhiều tiền để đi shopping…
Lâu lâu mình hay hóng chuyện người lớn tuổi thì khám phá những người này như người đi trên mây. Họ khoe khoan về con cháu của họ hay những thành tựu của họ trong đời mà người Việt mình hay kêu là “Nổ”. Về Việt Nam, nghe thiên hạ kể con người này đậu tiến sĩ, cháu người kia học đại học Harvard, có thể gọi là bú xua la mua. Có ai biết, sang Hoa Kỳ mà kiểm điểm, nghe nói các tiến sĩ học tại chức, có bằng tiến sĩ của đại học bên mỹ nhưng không khạc được một chữ tiếng anh.Mình không biết là Fake News, fake pictures nhưng thấy tấm hình này hơi lạ vì nếu thật thì họ có biệt tài đọc ngược hay báo in hình bìa ngược cũng có thể họ chỉ cắt phần đầu của video trước khi ông ta xoay tờ báo lại
Lấy trường hợp ông Don Quichotte, nếu ông ta sống những mộng tưởng của chính mình, rồi giết người thật sự. Ông ta không phân định được đâu là mộng tưởng, đâu là thực tế tương tự một người đăng lính, ra trận tin tưởng mình giết kẻ thù là ái quốc, yêu nòi giống.
Năm 1915, Ý Đại Lợi tham dự đệ nhất thế chiến dù không ai làm phiền họ. Chính phủ Ý Đại Lợi mượn cớ là để “giải phóng” lại vùng Trieste, gần vùng Veneto mà đế quốc Áo-Hung đã xâm chiếm. Nhà cầm quyền Ý mơ tưởng thành lập lại một đế quốc La Mã xưa khiến hàng triệu người, tình nguyện ra trận hô to khẩu hiệu giải phóng “Trento va Trieste” tương tự trong chiến tranh Việt Nam có khẩu hiệu, tất cả cho tiền tuyến, đánh cho mỹ cút nguỵ nhào, ta đánh cho Nga Tàu.
Có một ông cựu thượng tá ở Hải Phòng, từng vào nam đánh mỹ cứu nước, nay là chủ tiệm hàng ăn. Khi viếng thăm vịnh Hạ Long, mình có ghé ăn cơm tiệm ông ta. Ông ta kể là khi xưa, tôi nghe lời đảng và nhà nước, đi bộ đội vào nam, đánh cho mỹ cút nguỵ nhào. Nay thì lại mời mấy thằng đế quốc hay nguỵ quân trở lại, tôi phải phục vụ chúng tốt để được tiền boa. Ông ta chỉ cười chua chát cho những khẩu hiệu, định hướng tuổi trẻ ngu dại.
Quân đội của đế quốc Áo-Hung đóng hàng ngang, dọc bên dòng sông Isonzo, quân đội Ý Đại Lợi tấn công 11 lần nhưng chả đi tới đâu. Trận đầu tiên quân ý nướng 15,000 lính. Trận thứ nhì nướng thêm 40,000 binh sĩ rồi đến trận thứ 3 thêm 60,000 binh lính thiệt mạng rồi cứ kép dài suốt 2 năm trời như vậy. Đến trận thứ 12 thì quân đội của Áo-Hung, chán đời vì cứ bị quấy rối nên phản công, đẩy quân đội Ý Đại Lợi về đến Venice. Giấc mơ đế quốc tàn lụi, Ý Đại Lợi có đến trên 700,000 lính thiệt mạng và trên 1 triệu bị thương, cụt giò, cụt chân.
Sau trận thứ 1, thua và có đến 15,000 liệt sĩ, chính phủ Ý Đại Lợi hiểu ra sự ngu muội, lầm lẫn của mình, nhưng họ không thể nào nói với nhân dân, các gia đình tử sĩ. Xin lỗi, chúng tôi đã lầm, mấy thằng chỉ huy ngu như bò, hy vọng bà con, đồng bào đừng có trách cứ sự ngu xuẩn của bọn này. Tụi này xin từ chức vì khiến binh sĩ chết vô nghĩa. Tương tự ngày nay, họ đánh nhau ở Ukraine một cách vô lý.
Đây họ lại phong con cháu các người này là những liệt sĩ, chết vì quê hương, tổ quốc ghi ơn. Họ chết vì yêu nước. Đám cầm đầu chính phủ Ý Đại Lợi lại hô hào; chúng ta sẽ đánh cho tới giọt máu cuối cùng, nướng thêm 40,000 lính vào trận thứ 2 rồi kéo đến trận 11, đi đoong 700,000 lính Ý Đại Lợi. Cái nguy hiểm được lãnh đạo bởi kẻ ngu dốt. Lãnh đoạ ngu dốt thì người dân lại càng cực NGU vì để bọn bớt ngu hơn mình lãnh đạo. Họ ngu nhưng vì không có súng trong tay hay lo sợ bị đàn áp nên chịu ra trận hay bị tuyên truyền, kêu gọi lên đường làm trai cho đáng nên trai vớ vẩn.
Người ta không thể trách nhà cầm quyền vì toàn dân đều ủng hộ cuộc chiến. Nhà chức trách khó có thể nói với các gia đình tử sĩ là họ lầm lỗi, gây ra cuộc chiến vì đế chế Áo-Hung không có thù hằn gì với Ý Đại Lợi, chính phủ Ý muốn mượn đà đế chế này đang bị quân lính Nga Sô đánh te tua, muốn nhảy vào ăn có. Khốn nổi gia đình các liệt sĩ Ý Đại Lợi càng khổ tâm hơn. Họ không thể kêu con họ, cháu họ chết vô tội vạ, vì sự hy sinh con mình vô ý nghĩa tương tự anh thương phế binh, cụt giò, mất một con mắt,.. Không thể nói là tôi cụt giò, mất mắt vì tôi ngu xuẩn, nghe lời mấy tên chính trị gia hô hào, xung phong ra mặt trận. Cho thấy con người sống với những mộng tưởng hơn là sống thành thực với thực tại.
Mình mới viếng nước Georgia về. Nước này cũng từng là thành viên của Liên Xô, đòi độc lập rồi theo anh Mỹ nên Putin đem quân năm 2008 đến chiếm 20% lãnh thổ. Trong khi đó Ukraine cũng bị chiếm một phần đất năm 2014 rồi họ vẫn tiếp tục theo Tây phương nên được NATO huấn luyện nên khi Putin nghĩ sẽ chiếm xứ này như năm 2014 thì bị sa lầy, thành phố bị đánh bom tan hoang. Mình có hỏi mấy người Georgia sao họ không chiến đấu. Có người chỉ mình nhóm lính đi quân dịch, cho biết mỗi năm họ chỉ bắn được 10 phát đạn. Không có tiền cho quốc phòng.
Mình nghe kể ông nội mình kêu nhục quá nhục quá, làng nước họ chê cười tao vì ông chú ruột mình, không muốn đi bộ đội, vì là con út, có anh đã hy sinh rồi. Cuối cùng ông chú mình đi bộ đội, bị B52 dập chết ở đường mòn Hochiminh.
Khi ông Bush con hô hào, đánh vào I-Rắc nhân danh tự do, trả thù cho cuộc khủng bố 9/11 để rồi nướng mấy ngàn binh sĩ mỹ tại các chiến trường trung đông. Tiền bỏ ra để tàn phá, giết người, chính phủ mỹ có thể dùng ngân quỹ ấy xây dựng lại một Hoa Kỳ mới đẹp hơn. Ai khi xưa ủng hộ cuộc chiến, ngày nay đều kêu tôi chống cuộc chiến này cả. Mỗi tuần mình ra biển chơi, đi ngang thành phố Huntington Beach, thấy họ treo hình ảnh các binh lính của thành phố, chết tại chiến trường I-Rắc, khiến mình không khỏi buồn cho những gia đình liệt sĩ này. Nuôi con khôn lớn để rồi mấy tên giàu có, xua chúng ra chiến trường trong khi con họ thì trốn ra trận như Bush Con, Trump,…
Nhìn lại thì cuộc chiến Việt Nam rất vô lý. Đánh nhau cho đả rồi ngày nay vẫn bị ngoại quốc khống chế về kinh tế, tài chánh lẫn chính trị. Không biết bao nhiêu triệu người đã nằm xuống vì cuộc chiến ngu dại. Bao nhiêu người chết trên đường mòn HCM, trong các trại cải tạo hay trên đường vượt biển. Họ nhân danh độc lập tự do hạnh phúc để đem lính trẻ nướng ở chiến trường miền nam, kampuchia, Lào hay biên giới. Nay lại lập bang giao hữu nghị đủ trò, uống rượu với ông tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Nhưng cũng phải mất đến 70 năm mới giác ngộ cách mạng là mình sai lầm.
Hôm trước, thấy có hình ảnh ông nào trên mạng, đeo đầy huy chương, bằng cấp tưởng lục, con cháu liệt sĩ, hy sinh cho cuộc chiến để rồi nhà cửa cũng bị họ cưỡng chế, đứng khóc. Chán Mớ Đời
Dạo mình ở Pháp, có xem truyền hình một chương trình có ông nghệ sĩ tên Coluche. Chương trình có mời mấy người tự xưng là có tham gia kháng chiến chống đức quốc xã, ngồi tranh luận với ông Coluche. Mấy ông này, đeo huy chương, bị ông Coluche kêu mấy ông muốn huy chương, đây rồi ông ta cầm một nắm huy chương mua ở chợ trời, quăn vào mặt mấy ông tự gọi là kháng chiến quân.
Thời đức quốc xã chiếm đóng Pháp quốc, người Pháp chạy theo làm việc với quân đội chiếm đóng nhưng sau khi quân đội đồng minh đánh bại lính đức thì ai cũng nhận mình đã tham gia kháng chiến, có công với cách mạng, kiểu CM30 của Việt Nam sau 75.
Mấy ông cố đạo của các tôn giáo, đều hiểu vấn đề này nên khuyến khích con chiên cúng tiền phát sương cho nhiều. Càng cho nhiều tiền nhà thờ, chùa, mosque,…người ta càng tin vào đức tin của mình vì nếu không sẽ tự định nghĩa cho mình là ngu.
Sự hy sinh càng đau đớn chừng nào thì người ta càng tin tưởng vào sự đón nhận hồi báo qua trí tưởng tượng. Một nông dân cúng một con heo cho ông thần hoàn vào ngày hội lại càng tin tưởng vào sự linh ứng của vị này. Nếu không làm sao họ có thể định nghĩa được sự ngu dại của mình. Người nông dân sẽ tiếp tục hiến tặng con heo khác và con heo khác trong những lễ lạc khác để tiếp tục tin tưởng vào vị thần hoàn nếu không sẽ phải chấp nhận sự kiện là những gì mình đã cúng đều là vô nghĩa.
Do đó khi một gia đình ý mất một người con trong cuộc chiến vô nghĩa hay một anh thương binh ý, mất một giò cho cuộc cách mạng vô sản, sẽ giúp họ trở thành một người ý ái quốc cực đoan hay một người cộng sản trung thành tuyệt đối. Nếu họ cho rằng những huyền thoại về nước Ý Đại Lợi hay chủ nghĩa cộng sản là ba láp ba sàm, hoá ra vô hình trung họ chấp nhận sự hy sinh của họ là vô nghĩa. Dạo mình ở Ý Đại Lợi, 36% dân Ý bầu cho đảng Cộng Sản, khiến ông Aldo Moro phải mời đảng cộng sản Ý ra tham chính thì bị bắt cóc và giết chết, để tránh có chính phủ liên hiệp với đảng cộng sản, thân Liên Xô. Người ta nói CIA đã thực hiện vụ bắt cóc này.
Xứ Tô Cách Lan nổi tiếng về hà tiện. Năm 1999, xứ này muốn xây nhà quốc hội. Theo chương trình thì sẽ mất 2 năm để xây cất và chi phí 40 triệu Euro. Cuối cùng mất đến 5 năm để hoàn thành và chi phí lên đến 400 triệu Euro, nghĩa là gấp 10 lần dự trù. Nhà thầu xây giữa chừng, kêu là thiếu tiền, buộc quốc hội chi thêm tiền. Quốc hội Tô Cách Lan, thay vì kêu mình ngu, bị lừa hay xin lỗi quốc dân, họ đánh thuế dân để trả tiền thầu khoán để xây cho xong. Từ 40 triệu lên đến 400 triệu nhưng không thấy tên đại biểu quốc hội nào từ chức cả. Chán Mớ Đời
Những câu chuyện trên cũng xẩy ra tương tự với mỗi cá nhân của chúng ta. Người ta có phạm những sai lầm nhưng không dám nhìn thẳng để tìm cách thay đổi, không tái phạm lỗi lầm nữa. Nếu làm như vậy thì hoá ra mình tự phủ nhận tất cả những gì đã làm trước đây. Trong cuốn “Đắc Nhân Tâm”, ông Carnegie có kể về một tên tướng cướp, bị cảnh sát bao vây nhưng tên cướp này trong những giờ phút trước cái chết vẫn tin tưởng hắn là một người tử tế, những người mà hắn bắn chết hay cướp của là đúng.
Mình không bao giờ tự nhận là người tử tế. Đi chơi về mới viết thư lên tiền nhà được $700/ tháng hay $8400/ năm đủ để đồng chí gái đi máy bay hàng thương gia. Thanksgiving tới thì lên hết vì không ai muốn dọn nhà.
Dạo mới qua mỹ, mình hay đọc các hồi ký của những người có thế lực trước 75. Họ chỉ trích, phê phán những người khác, còn cho họ là những bộ óc siêu việt nhưng không may, không được nắm vận mệnh của quốc gia.
Người thương binh có thể nói; tôi cụt giò vì đã lầm lỡ, nghe lời xúi dại, đăng lính. Từ nay tôi sẽ đấu tranh cho hoà bình, giúp sự mất mát của tôi có ý nghĩa. Một người cộng sản, có thể nói tôi đã sai lầm trong quá khứ, nay tôi xin để dành thời gian của đời tôi để giúp khôi phục lại tình người như ông Gorbachov. Mấy ai có thể nói được điều này. Ông Gorbachov là người mình phục nhất, từ một địa vị chúa tể, ông ta nhận ra sự gian dối của chế độ và chấp nhận thay đổi Liên Xô, đưa đến sự xụp đổ của khối này, làm công dân bình thường. Sau này ông ta chết mình nhịn ăn một ngày để tang ông ấy.
Ít ai dám chấp nhận sự thật này. Mấy tháng trước, có vài người được xem là trí thức của Hà Nội, tuyên bố bỏ đảng khi đã trên 80 tuổi. Họ không dám chấp nhận sự sai lầm của mình đến khi bị đề nghị kỹ luật thì phải lên tiếng bỏ đảng, chấp nhận sự sai lầm cả đời người. Quá trễ!
Mỗi cuộc đời đều là những câu chuyện cá nhân tưởng tượng. Mỗi người trong chúng ta đều tự chọn một hệ thống chọn lọc những gì xẩy ra, để giữ lại hay quăng đi tuỳ theo nhân sinh quan của mỗi người. Thêm bớt bởi những gì đã nghe, hay đọc truyện hay xem xi nê, truyền hình hay những gì đã nghe rồi lập lại. Khi xưa, học Truyện Kiều, khi Thuý Kiều đi chạp mộ, về, thấy bên đường có một ngôi mộ của Đạm Tiên, như bị cuốn hút bởi cuộc đời của người ca kỷ này mà Thuý Kiều trong suốt 15 năm trời đã sống như bị ảnh hưởng bởi cuộc đời của Đạm Tiên.
Mình đọc đâu đó, một bài viết bởi một học trò về Truyện Kiều. Học sinh này cho rằng Thuý Kiều là một nạn nhân của chế độ phong kiến, sau nhảy sông Tiền Giang tự vận, thay vì sông Tiền Đường. May thay có một nữ cán bộ giao liên, đi ngang qua, nhảy xuống sông, cứu vớt và Kiều đã giác ngộ, xin đi theo Cách Mạng. Học sinh này nghe người ta dạy dỗ, nào là cách mạng, nào là phong kiến,…nên chỉ lập lại hay sống hoặc tưởng tượng theo những gì được hấp thụ tại học đường vì theo phương trình của xã hội chủ nghĩa thì đáp số lúc nào cũng là người lầm đường lạc lối, nhờ cán bộ giúp giác ngộ cách mạng và dùng cả cuộc đời còn lại để phục vụ cách mạng, sẽ noi gương theo các anh hùng như Lê Văn 8,…
Mình học Truyện Kiều thời trước 1975, với một nhân sinh quan hấp thụ cách đây 50 năm nên suy nghĩ của mình có thể bị đám cháu của mình ở Việt Nam, kêu phản đạo đức cách mạng, mất lập trường. Đâu là sự thật? Mình không biết. Tuỳ hoàn cảnh, tuỳ không gian và thời gian. Biết đâu một trăm năm nữa, người Việt lại đọc Truyện Kiều, lại áp đặt Thuý Kiều trên một nhân sinh quan khác lạ với thế giới ngày nay.
Khi đã thoáng vấn đề thì mình phục tùng đồng chí gái. Đồng chí gái nói gì mình đều nhất trí vì nhân sinh quan mỗi người khác nhau, chỉ cần hiểu thì khỏi tốn công cãi nhau vì không ai muốn tự nhận mình sai lầm. Hãy sống và để người khác sống.
Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét