Nợ tiền học đại học

Mình nhớ khi xưa, học trường tây lâu lâu bị giám thị gọi lên văn phòng, bảo về kêu cha mẹ đóng học phí theo quy trình “tiên học phí, hậu học văn”. Phải chạy ra chợ xin bà cụ tiền đóng học phí mới được vào lớp lại. Mỗi lần như thế, mình lại thích vì không phải ngồi trong lớp.
Chỉ có hai năm cuối học trung học, học Văn Học thì được thầy Chử Bá Anh cho học miễn phí nên hết có vụ bị kêu lên văn phòng như xưa. Sang Tây thì mình có học bổng nên chỉ đóng lặt vặt tiền thư viện, bảo hiểm sức khoẻ,…đi làm bồi cuối tuần, nhà thì có người ta cho ở phòng ô sin miễn phí nên không thiếu thốn.
Học đại học là một đầu tư rất quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc đời, tương lai của con em chúng ta sau này. Ở Việt Nam, báo chí nói con quan nhớn chạy $45,000 để được nâng điểm vào đại học công an, cho thấy cha mẹ biết con mình học dốt nên chỉ chạy vào ngành công an vì đánh người ta để lấy khẩu cung thì dễ học. Chưa có tội thì đánh cho có, có tội rồi đánh cho chừa. Ai có tâm hơi ác ác một tí thì sẽ làm trò tốt của thầy công an, cháu ngoan của bác ngay.

Người Việt mình thường có quan niệm sai lầm về học vấn. Cứ nghĩ học giỏi là tốt nhưng trên thực tế thì thành công trên đường đời, dựa vào nhiều yếu tố, cái bằng chỉ là thước đo về mặt tri thức, chớ không chắc là sẽ đưa người ta lên tuyệt đỉnh của cuộc đời ở thế kỷ 21. Các tỷ phú thường không thuộc dạng học giỏi lắm, nhưng họ có viễn kiến. Điển hình hai ông bị cha mẹ bỏ rơi và được các gia đình hảo tâm đem về nuôi như Bill Gates và Steve Jobs.
Ở Hoa Kỳ, học đại học là một vấn đề quan trọng lớn về tài chánh, không như kiểu ở âu châu, học phí rẻ vì đa số là trường công, trường tư là để cho ai giàu có và học dốt. Năm ngoái qua Ý Đại Lợi chơi, gặp lại anh bạn du học một thời với mình, kêu là ngày nay học đại học sướng lắm. Có thằng cháu ở Việt Nam sang học, năm đầu đóng tiền rồi năm sau khai là cha mẹ không đủ tiền chi đó thì được cấp tiền trợ cấp để ăn học, dù là sinh viên ngoại quốc không như tụi mình ngày xưa.
Hôm trước, gặp anh bạn mới đi Florida, ăn đám cưới cô cháu gái về. Anh ta kêu con cháu gái mất dạy, bố mẹ nó làm việc chết bỏ, thương nó nên lấy tiền hưu trí, đóng tiền học phí cho nó. Nay ra trường lấy thằng chồng bác sĩ mỹ, đâm ra khinh thường bố mẹ nó, nói tiếng anh dỡ như cứt. Chửi bới tỵ nạn, di dân cứ như người Mỹ trắng nói chuyện. Cha mẹ xem như đi cày đến khi chết vì không có tiền hưu trí.
Người Mỹ trung bình thì không trả tiền học đại học cho con cháu. Con họ muốn học thì mượn tiền để học, ra trường đi làm trả nợ trong khi người Việt mình thì hay trả tiền học phí cho con nên khi về già là ngọng. Con mình chưa chắc là thành công dù có bằng cấp, nói anh ngữ giỏi hơn mình vì chúng không chịu khó, có chí hướng như cha mẹ với bàn tay trắng lên xứ người.
Khác với Âu châu, ở Hoa Kỳ, học trường tư thì có giá hơn trường công nên tốn tiền rất nhiều. Học sinh lớp 11 được các trường đại học rũ rê, dụ học trường của họ, mời thăm trường đủ trò. Đại học ở tiểu bang khác thì họ mướn khách sạn sang trọng để giới thiệu đại học của họ. Học phí thì rất đắt. Kinh
Ai ở tiểu bang khác mà muốn học đại học ở tiểu bang Cali là xem như phải đóng hơn thêm 20,000/ năm nên ai khôn thì cho con đến học trung học ở Cali thì sẽ đỡ tốn $80,000 cho 4 năm đại học. Lý do là chính phủ tiểu bang Cali giúp sinh viên đã ở tiểu bang quá 2 năm trước khi vào học, được xem là dân cư địa phương, cha mẹ đã đóng thuế ít nhất 2 năm.
Ở tiểu bang Rhodes Island, mình nghe bà thống đốc tìm cách kéo dân tình đến cư ngụ nên cho học bổng với điều kiện là phải ký giấy tờ, là sau khi tốt nghiệp, phải ở lại tiểu bang mấy năm để làm việc, đóng thuế cho tiểu bang…. Ở Cali, tiểu bang khác đến học thì 4 năm đóng thêm $80,000 cho tiểu bang như đóng thuế để sử dụng các phương tiện, hạ tầng cơ sở của tiểu bang. Còn trường tư thì không phân biệt do đó mình thích trường công hơn vì trường công Cali như UCLA, UC Berkeley, San Diego mà thằng con mình tốt nghiệp được xem là trường khá tốt ở Hoa Kỳ.
Kỹ nghệ đại học đường thu hoạch hàng năm rất nhiều tiền, nay họ đi các xứ khác để mở chi nhánh, hốt bạc của thế giới. Vào trường đại học ngày nay, thấy toàn là các tranh, tượng điêu khắc của nghệ nhân danh tiếng, cứ như đi vào khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao. Vào khung viên đại học của họ đẹp nức nở không như mấy đại học ở Paris nhất là trường cao đẳng quốc chia mỹ thuật mà mình theo học khi xưa. Những hí viện của trường đẹp mê tơi. Mình hay đi xem kịch hay nghe nhạc ở mấy đại học trong vùng, loại bình thường là đủ mê. Dạo đi làm ở New York, mình có quen một cô sinh viên ở Princeton nên cuối tuần xuống đó đi nghe nhạc hay xem kịch.
Người ta dự tính là kỹ nghệ giáo dục tại Hoa Kỳ sẽ lên đến 700 tỷ đô la hàng năm vào năm 2024. Có 4.2 triệu người làm việc, công tác trong 8,000 đại học tại Hoa Kỳ.
Theo thống kê của FAFSA vào năm 2018, có gần 1 triệu du học sinh quốc tế tại Hoa Kỳ, người Tàu chiếm 30%, Ấn Độ chiếm 19%, Việt Nam chiếm 2%. Đổ đồng cứ 7 du học sinh thì tạo thêm được 3 việc làm cho người Mỹ. Du học sinh của Trung Cộng học về kỹ thuật rất nhiều và mình có đọc ở đâu đó, là du học sinh phải kiểm soát hành vi, kiểu làm ăng ten cho chính phủ, báo cáo những tư tưởng phản động trong hàng ngủ du học sinh. Hình như phim tài liệu về một ông cựu CIA kể.
Người ta tính là năm 2015, các du học sinh đóng góp vào kinh tế Hoa Kỳ là 35.8 tỷ đô la mỗi năm. Cứ xem đó là tiền xuất khẩu hàng năm. Sinh viên ngoại quốc chỉ chiếm có 5% tại các đại học Hoa Kỳ trong khi ở Úc Đại Lợi lên đến 25%. Hôm nào rảnh mình kể vụ làm tiền của các đại học anh ngữ trên thế giới.
Mình nghĩ học trường rẻ cũng được, miễn là mình chịu khó nhưng con mình đâu có hiểu, cứ nghe bạn bè ào ào đòi học trường này trường nọ. Bill Gates, Steve Jobs,..thành công đâu phải vì bằng cấp đại học. Quan trọng nhất là con mình có biết quản lý tài chánh, hiểu về tài chánh, để đầu tư,… mình biết nhiều người học cao, bằng cấp đủ trò nhưng khi về già, họ sống rất chật vật vì không hiểu về tài chánh mà ở trường không có dạy.
Lúc đầu, mình tính cho con học 2 năm đầu ở đại học cộng đồng trong thành phố cho rẻ. Sau đó xin chuyển vào trường nổi tiếng dễ hơn, chỉ đóng 2 năm học phí của trường nổi tiếng rồi tốt nghiệp vẫn tên trường nổi tiếng. Đỡ tốn 2 năm hay $100,000 nhưng nghĩ là một chuyện còn giải thích cho con, hay mụ vợ hiểu là chuyện khác, trong khi chúng bị bạn học làm áp lực, học trường nổi tiếng,… 3 tháng đầu của năm lớp 12 là lo viết tự sự và nộp đơn đại học như điên.
Kỹ nghệ buôn chữ lại kêu gào: “If you think education is expensive, try ignorance” lại làm cha mẹ điên lên cho con đi học trường nổi tiếng. Trước đó, ở trung học phải học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, học đủ thứ rồi đi làm việc thiện nguyện,…. Rồi học thi với mấy trường luyện thi để đậu SAT được cao điểm. Khổ. Họ mới khui ra bà tài tử đài truyền hình nào đó mà mình chưa bao giờ xem, chạy tiền để con bà ta vào trường đại học danh tiếng miền nam Cali mà con gái mình đang theo học.
Chắc bà tài tử này không giàu lắm nên không tặng tiền tươi cho quỹ trường USC thường được gọi là “Endownment”, tiền của thiên hạ cho trường hàng năm để giúp trường có tiền nghiên cứu hay cho sinh viên học bổng,…. Chớ có vài triệu cúng như con rễ của ông Trump, tặng cho Harvard 2 triệu thời đó là được nhận ngay hay bố ông Trump cũng có cho tiền đại học Pennsylvania,…
Con gái mình được học bổng $3,600 năm ngoái khi đi thực tập ở Vọng Các, Thái Lan để trang trải tiền ở lữ quán thanh niên, tiền ăn phố chợ và máy bay. Năm nay đi thực tập ở Maui, khách sạn Hilton, được trả lương và được cung cấp chỗ ăn ở nên không nhận được học bổng.
Ở Đàlạt khi xưa, năm 12 thì lớp mình cũng được mời thăm dự ngày chi đó quên tên, ở viện đại học Đàlạt, giới thiệu các ngành học. Đến cổng trường thì được vài sinh viên của viện đón, kéo vào lập thành nhóm, ăn bánh mì, xem văn nghệ sau này mới khám phá chị sinh viên trong nhóm, cao ráo rất xinh, đánh đàn hát hay là tác giả bài hát “không cần biết em là ai…”. Sau tú tài thì mình có học đại học Đàlạt 1 tháng, để có giấy hoản dịch rồi đi tây nên có thể nhận là cựu sinh viên đại học Đàlạt.
Đồng chí gái có anh bạn, tự kêu ngu vì nghe lời con mình. Anh ta có hai đứa con, được nhận vào đại học công danh tiếng của miền nam Cali là UCLA trong khi một trường khác ít nổi tiếng, thì được học bổng bán phần. Anh ta kêu là ngu nghe lời con nít, thật ra là tính Việt Nam thì đúng hơn, cho con học UCLA, rút tiền hưu trí trả. Trung bình một năm là $30,000, 4 năm là $120,000. Nên nhớ là đi làm ra, đóng thuế mất 35% rồi mới đóng tiền do đó phải cộng thêm 35% nữa là khoảng $160,000, hay $40,000/ năm.
Đứa đầu học xã hội học xong, ra kiếm việc không được, đi làm cho tổ chức thiện nguyện nên lương ít, không đủ tiền trả nợ đại học nên bấm bụng giúp con trả. Đứa thứ 2, học lông bông, ăn chơi vì ở xứ khỉ ho cò gáy nên vào đại học vui quá. Cuối cùng, anh ta kêu con học cho xong, bố hết tiền thế là anh chàng chọn ngành khảo cổ học hay chi đó, 5 năm sau ra trường. Không có việc đành lái xe cứu thương. Mấy năm sau khôn hơn nên kêu con qua xứ khỉ họ cò gáy nào học điện toán trường nào không có tiếng cho rẻ. Ra trường có việc ngay.
Nghĩ là thấy gương thiên hạ, học tập, rút kinh nghiệm khi nào đến phiên mình chắc khôn ra, ai ngờ. Vâng, ai ngờ đến mình thì cũng ngọng. Con mình thì chúng nó tự hiểu học lực không thể vào các đại học danh tiếng như Harvard, Yale, MIT,…nên chú tâm vào trường đại học miền nam cho nó lành.
Con trai đầu ghi tên học kỹ sư đại học công của Cali, UC San Diego, được trợ cấp tài chánh nên chỉ mượn tiền độ 25% / năm nên cũng đỡ khổ. Nay đi làm, mỗi tháng trả $385, nợ tổng cộng đâu $27,000. 4 năm trời là đóng $120,000. Hôm trước, nó hỏi bỏ tiền đầu tư ở trương mục nào thì mình nói Roth IRA cho khoẻ.
Đến phiên con gái thì mới khổ tâm, nó được đại học của thằng anh đang theo học, nhận vào môn kỹ sư điện tử nên cũng mừng vì đi thăm hai anh em một lúc khoẻ. Đùng một cái trường đại học tư USC nhận nó với môn thương mại toàn cầu (World Business Bachelor). Thông thường thì người ta học môn này ở cấp cao học, nay họ chơi luôn ở cấp cử nhân đỡ mất thời gian đào tạo. Môn này mới được thành lập đâu 5 năm.
Mình thấy nó học UC San Diego thì cũng tốt, gần nhà nhưng khi đi viếng trường USC thì họ có cái chuông, con bé cứ xin bố lên kéo cái chuông để tuyên bố là nhận đi học trường này. Cái giống người Mỹ họ rất tinh lanh về tiếp thị. Điên. Đi vòng vòng, nghe chuông kêu leng keng rồi thiên hạ vỗ tay lại khiến con gái điên lên. Mình tính để từ từ phân giải, khuyên con nhưng rồi thấy con muốn rồi mụ vợ cũng có vẻ khóai có con học trường này nên mình đành gật đầu. Cái gật đầu đắc tiền nhất của mình. Khi xưa, gật đầu khi được đồng chí gái đăng ký quản lý đời nhau, chỉ tốn có nhẩn hột xoàn nhỏ còn cái gật đầu này thì tối tăm mặt mày. Chán Mớ Đời
Khi nó nộp đơn trường USC thì mình đoán là không được, vì họ chỉ lấy có 15 sinh viên mà con mình, không thuộc loại thần đồng vì thi SAT được điểm khá khá chớ không như con thiên hạ được 100% nên cho nó $70 để nộp đơn, để nó khỏi ức. Ai ngờ trời ị trúng đầu con gái như mình khi xưa, đậu tú tài, được nha du học cấp nghị định cho xuất ngoại đi du học. Nó viết tự sự khi nộp đơn là muốn có cuộc sống như bố nó ngày xưa, giang hồ, làm việc tại nhiều nước, nói được nhiều ngoại ngữ nên mới nộp đơn, học môn này để được ở hai nước và học thêm 2 ngoại ngữ (quan thoại và ý ngữ).
Môn này được 3 trường đại học tổ chức giảng dạy chung: đại học USC, đại học Hong Kong và đại học kinh tế Bocconi, nổi tiếng nhất nhì âu châu ở Ý Đại Lợi. Mỗi trường chọn 15 sinh viên để học chung, xem như lớp chỉ có 45 sinh viên. Năm đầu tiên học ở Cali, năm thứ nhì thì học ở Hong Kong và năm thứ 3 học ở Milan còn năm cuối thì tự chọn trường nào cũng được. Con gái mới xong năm thứ 3, học trường Bocconi ở Ý, kêu là đứng đầu lớp về môn Ý ngữ, điểm cao nhất năm. Nó nói chỉ có môn Kinh Tế và sinh ngữ là nó khá thôi, mấy môn kia thì bình thường. Tháng 9 này qua Hong Kong học năm cuối thì học thêm tiếng Quan Thoại. Khổ cái là dân xứ này nói tiếng Quảng Tây nên không thực tập được nhiều. Nó tính cuối năm xin đi Thượng Hải thực tập chi đó. Chán Mớ Đời
Năm tới thì nó muốn học ở đại học Hong Kong thay vì về trường mẹ USC, khi ra trường thì được cấp cho 3 cái bằng của 3 đại học nói trên. Mình thích nó học ở Ý Đại Lợi hay Hong Kong vì rẻ hơn. Năm đầu ở USC tốn $72,000, còn Hong Kong và Ý Đại Lợi tốn $34,000 thêm tiền máy bay xem như phân nữa. Cứ mỗi lần nó kêu trả học phí là mình lại nhớ đến bà cụ mình khi xưa. Chạy qua mấy người bạn hàng, mượn tiền đưa cho mình đi đóng học phí.
Chỉ có khổ cái là cuối tuần, nó hay đi chơi với bạn. Nay nó nhắn tin cuối tuần này đi Amsterdam, rồi tuần sau Barcelona, rồi tháng sau Roma, rồi Venice, rồi sinh nhật nó ở Paris , Budapest, Praha, hay nghỉ mùa xuân ở Bali, hay Vọng Các, rồi Hội An, Đà Nẳng đến Đài Bắc, đủ trò. Mình đưa nó cái thẻ tín dụng, không phải trả hối đoái nên cứ cà thẻ đi chơi với bạn.
Mình khi xưa đi giang hồ khắp âu châu là đi quá giang xe, vẽ tranh để bán, kiếm tiền trả tiền nhà trọ, hàng quán còn nó thì có suy nghĩ khác, cũng đi chơi, giang hồ như bố khi xưa nhưng bằng máy bay với tiền của bố nó. Được cái là nó cũng không tiêu xài, cũng chắt chiêu như bố mẹ nó. Khi nào có khuyến mãi như mình bay từ Barcelona qua Paris chỉ có $30 hay Roma qua Barcelona có $40 nên cũng không đớn đau nhiều khi trả thẻ tín dụng.
Người ta dự đóan là trong tương lai, các học sinh cấp 3 tại Hoa Kỳ, ghi danh vào đại học sẽ giảm 15% vì dân số bị giảm và tiền học phí lên như điên, qua mặt cả tỷ số lạm phát. Các đại học công, hổ trợ tài chánh từ phía chính quyền địa phương giảm từ 60.3% năm 1975 đến 34.1% vào năm 2010. Do đó học phí đại học lên nước lụt vào mùa mưa.
Do đó các đại học cho người đi tiếp thị trường quanh năm suốt tháng. Họ cho học bổng hay giúp một phần cho sinh viên để dụ họ ghi danh học. Khi gặp bạn bè mà nói con họ được học bổng đủ trò là họ không nói thiệt. Đại khái tiền học trung bình là $40,000/ năm nhưng họ đẩy lên thành $50,000/ năm rồi cho học bổng hay trợ giúp tài chánh chi đó $10,000 thì cũng bù trớt. Đã nói tư bản là gian manh, chúng có đủ mánh khoé để móc tiền thiên hạ. Một sinh viên đến từ Trung Cộng, Việt Nam thì tại sao đại học phải cho học bổng trong khi sinh viên mỹ không có. Vô lý.
Vấn đề của sinh viên mỹ là mượn tiền đi học nhưng khi tốt nghiệp thì cái bằng được xem là “bằng thừa” nếu không tìm được việc làm. Tuổi trẻ có nhiều ước mơ không thực tế, học những môn cà lơ phất phơ như khảo cổ, tâm lý học, xã hội học, văn chương thế kỷ thứ mấy đó,…vì ra trường khó kiếm việc làm. Như trường hợp con của anh bạn, học khảo cổ và xã hội học. Học xã hội học ra, tốn $40,000/ năm, 4 năm là $120,000 (chưa thuế là $160,000), ra trường đi làm cán bộ xã hội được $25,000/ năm là ngọng. Khỏi cần tốn 4 năm đại học, đi làm thợ chi đó cũng được nhiêu đó tiền. Dùng $120,000 mua được 4 cái nhà, mỗi năm giá nhà lên 10% là có $50,000/ năm, 4 năm là có $200,000 thay vì cái “bằng thừa.”
Thật ra, các đại học nổi tiếng nhận sinh viên theo học các môn như tâm lý học, xã hội học rất nhiều, ít tốn kém vì sinh viên các môn này học tại các giảng đường lớn rộng, chứa được nhiều người trong khi các môn kỹ thuật thì ít, lại tốn kém về phòng nghiên cứu,… nên nghe con thiên hạ được nhận vào đại học danh tiếng thì phải xem học ngành gì. Kỹ thuật hay tâm lý học,…kỹ thuật là thuộc loại giỏi còn tâm lý học thì xem như đóng tiền để nuôi đám sinh viên kỹ thuật. Mình thấy lớp học về lịch sử ở đại học Harvard , sinh viên đông như quân Nguyên còn các lớp kỹ sư thì ít hơn.
Họ chơi cái mánh là kêu vài tên nào viết bài, cho rằng nên họ các môn nhân văn, văn chương vì rất cần cho tương lai. Thế là cha con chui đầu ghi tên đi học văn chương, xã hội học, tâm lý học,…làm giàu cho đại học. Họ kêu gào là cuộc chiến kỹ thuật của thế kỷ 21 tùm lum, khuyến khích giới trẻ học về nhân văn. Obama kêu là Hoa Kỳ thiếu hàng năm độ 50,000 kỹ sư. Thằng con mình học kỹ sư thấy rất chăm cho nên khó học, thiên hạ chạy theo cái dễ học.
Ấn độ sản xuất hàng năm 1.5 triệu kỹ sư mà chỉ có 200,000 kỹ sư có công ăn việc làm. Vụ anh chàng cử nhân tốt nghiệp ở Tunisie, kiếm không được việc làm, phải đi bán hàng rong, bị công an đuổi nên tự tử, gây ra cách mạng mùa xuân ả rập cho thấy khắp thế giới đều vướn vào vấn nạn này. Cứ kêu gào học tập nhưng sau đó được cấp cái “Bằng Thừa”, đi bán hàng rong còn không được.
Hôm trước, có ông bộ trưởng nào kêu 200,000 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp hàng năm, không kiếm được việc làm là lỗi của họ vì không có phong bì chớ không phải lỗi của lãnh đạo.
Vấn nạn ngày nay của tuổi trẻ tại Hoa Kỳ là tiền nợ đại học. Học xong, kiếm không được việc làm, lại đi học thêm thì càng khốn đốn thêm vì học cao học thì đắc. Xem như học xong cao học thì nợ từ $300,000 đến nữa triệu. Nếu học y khoa, nha khoa thì hoạ may khá sau này vì lợi tức khá cao còn học về xã hội học thì chỉ có ngọng. Mình có thằng cháu học nha khoa ra, nợ gần $400,000 nhưng may là lương nó cũng lên $350,000/ năm nên có thể trả nổi. Do đó, đảng Dân Chủ đang tìm cách hốt phiếu với chiêu bài xoá nợ học đường như ông thượng nghị sĩ Sanders rêu rao. Tìm đâu ra 1,000 tỷ đô để xoá nợ. Ông Sanders này cả đời không đi làm một ngày mà tài sản lên mấy triệu tương tự bà Waren, ứng cử viên tổng thống kỳ tới, ở cái biệt thự giá gần 5 triệu đô, lại hô hào chủ nghĩa đại đồng.
Có người quen cho con qua Hung Gia Lợi học y khoa tốn $40,000/ năm thì mình thấy họ khôn vì khỏi thi MCAT chi đó. Học xong về lại Hoa Kỳ thì không thi nổi lấy bằng tương đương vì hội y sĩ Hoa Kỳ không muốn có sự cạnh tranh nên phải đi học châm cứu chi đó để kiếm tiền. Dạo sau 75, người Việt di tản qua đây nên cần một số y sĩ, nha sĩ nên họ dễ dãi cho một số được đào tạo lại nhanh để giúp đỡ cộng đồng người Việt, còn ngày nay thì Nơ Pa. Có một anh chàng bác sĩ người đức, lấy vợ mỹ, sang Hoa Kỳ để học lại nhưng cứ rớt hoài, nhà thương lại không cho thực tập, nay đành lái xe Uber để kiếm sống.
Lên mạng như facebook để đọc những câu chuyện sinh viên ra trường, nợ chồng chất để hiểu hoàn cảnh của họ. Đi học thầy cô dạy kiểu “Selling the dream”, giúp học sinh mơ mộng về một tương lai đại đồng sáng sủa của nhân loại để rồi kiếm không được việc, nợ chồng chất. Đa số giáo viên hay giáo sư đều theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa nên đầu óc hay định hướng thế giới đại đồng, không cần tìm hiểu lấy tiền đâu ra để thực hiện mấy vụ đó.
Được biết là nợ học đường nhân gấp 3 từ 10 năm qua, người ta tính là đến năm 2022 số nợ này lên 2 ngàn tỷ đô la. Vâng 2 ngàn tỷ mà lương của cử nhân mới ra trường dường như không tăng. Trung bình một cựu sinh viên nợ độ $30,000, còn ở Cali thì nhiều hơn. Dạo này học điện toán ra kiếm tiền nhiều còn mấy ngành kia thì ngọng ngọng.
Hôm trước, đọc báo thấy kể có người Mỹ trốn trả nợ học đường, chạy qua xứ khác sinh sống. Có tên nào, 29 tuổi, sinh trưởng ở Colorado trốn sang Ấn Độ, ở trong một ngôi làng, nuôi gà,…
Anh chàng này kể, nợ đâu $20,000 nhưng anh ta không kiếm được công việc với bằng cử nhân. Kiếm không được việc nên anh ta phải làm những công việc tay chân lương tối thiểu nên không trả nổi tiền lời hàng tháng $300 với lương hàng tháng $1,700. Anh ta phải sống với người mẹ, ít khi đi chơi với bạn bè vì khôgn có tiền.
Anh ta lấy vợ người ấn độ, giáo sư đại học tỉnh lẻ và ở bên đó, kêu là có đời sống hơi cao ở xứ nghèo còn ở Hoa Kỳ thì cả đời không ngóc đầu lên được.
Vấn đề là ở ngoại quốc nhưng cái nợ không trả, cứ chồng chất lên nhau với tiền phạt rồi tiền lời chồng lên theo luỹ kép nên khó trở về Hoa Kỳ.
Có anh chàng khác, 39 tuổi, sinh trưởng tại tiểu bang Pennsylvania, kêu là học về lịch sử và truyền thông. Ra trường lúc kinh tế bị khủng hoảng, kiếm việc không ra, ở với cha mẹ rồi đi làm, giao pizza cho thiên hạ. Trễ nải vụ trả nợ đại học, sợ bị bộ giáo dục xiết nợ, qua chủ pizza. Trước khi trả lương, chủ phải trích ra số tiền $400 để trả cho bộ giáo dục mà người Mỹ gọi là “Garnish” . Kiểu mấy ông có con, ly dị bỏ chạy không trả tiền phụ cấp thì công ty sẽ trích phần lương để gửi cho vợ con.
Năm 2011, qua Trung Cộng dạy anh ngữ, được $1,000/ tháng. Thay vì giao pizza, anh ta cảm thấy làm việc gì có ý nghĩa cho cuộc đời dù phải xa quê hương, gia đình. Sau đó anh ta chạy qua xứ Ukraine, đi dạy anh ngữ ở đó. 8 năm nay không xem nợ đại học ra sao. Trong tương lai, khi đến sứ quán xin gia hạn hộ chiếu, có thể tiền nợ sẽ nhảy lên máy điện toán thì sẽ trở thành kẻ vô tổ quốc. Không có sổ thông hành, không đi đâu được, về Hoa Kỳ thì bị bắt phải trả hết nợ mới có sổ thông hành. Ở lại thì cần sổ thông hành để xin thêm chiếu khán.
Một cô khác, tốt nghiệp đại học South Alabama năm 2013, mỗi tháng phải trả $700. Cô ta làm đủ nghề, bán thời gian nhưng chỉ đủ trả tiền xăng, không trả nổi bảo hiểm sức khoẻ. Năm 2015, cô ta dọn qua Nhật Bản ở, đi dạy anh ngữ.
Nợ cô ta nay lên đến $100,000. Cô ta muốn trở về Hoa Kỳ nhưng sợ số tiền nợ đại học. Kinh
Giáo dục tại Hoa Kỳ rất là quái. Ở âu châu thì bị bắt buộc học đến lớp 10, sau đó thì nếu không thích học chữ thì học sinh có thể học một cái nghề để sinh sống. 3 năm sau đến 18 tuổi thì có một cái nghề lao động kiếm cơm. Ở Hoa Kỳ thì học phải xong trung học. Nhiều đứa không thích học nên 3 năm cuối cùng của trung học, chỉ lang bang ăn chơi, nhiều khi vô con đường băng đảng, nghiện ngập. Ra trường thì điểm ít nên chắc chắn là không được tốt nghiệp lại chả có nghề gì cả. Tốn tiền chính phủ vì chính phủ ra lệnh đủ trò bắt học sinh phải được khảo sát, học hè đủ trò….
Trung bình chính phủ tốn tiền cho 1 học sinh từ cấp tiểu học lên đại học là $5,000/ học sinh mà kết quả càng ngày càng tệ. Lý do là chủ trương bảo vệ văn hoá người di dân, dạy các người di dân trong ngôn ngữ của họ như tiếng Tây Ban nha cho người gốc La tinh, tiếng Việt cho học sinh gốc việt, tiếng tàu, đủ loại,…
25% học sinh Hoa Kỳ tốt nghiệp trung học và ghi danh học đại học. Học đại học ra thì lại không có việc làm, nợ chồng chất. Như anh chàng gốc Colorado, tuyên bố là 4 năm đại học đã phá huỷ cuộc đời của anh ta.
Cái khổ là kỹ thuật thay đổi nhanh chóng nên con người cần phải được tái tạo lại liên miên, phải học thêm các kỹ thuật mới nếu không thì trở thành những con khủng long cổ lổ sỉ. Những người không có khả năng tự tái tạo lại, học hỏi thêm ngành mới để đáp ứng với nhu cầu của công ty thì sẽ mất tương lai dù còn trẻ.
Anh đi học, nợ chồng chất rồi ra trường không có việc lại phải đi học tiếp để rồi ôm nợ thêm đến bao giờ. Về mặt tâm lý, người kiếm việc không được sẽ đau buồn, khủng hoảng tâm lý, đủ trò, uống thuốc tâm thần hay nghiện ngập,…mà người ta gọi là giai cấp vô dụng của thế kỷ 21. Lên L.A. Thấy người vô gia cư, đầy đường và con số này gia tăng theo tỷ số hàng ngày.
Đi học về đầu tư, người ta có dạy là mua một căn nhà cạnh trường đại học, cho con mình đứng tên, rồi để nó cho sinh viên thuê phòng. Con mình học cách quản lý nhà cửa và người thuê nhà. Sau 4 năm đại học, thì giá nhà lên thì bán, tiền lời để trả tiền học phí nhưng khi đến phiên thằng con đi học thì nhà cạnh đại học quá đắc nên không thực hiện được.
Đồng chí gái có người bạn mua căn hộ gần trường đại học thằng con, để con học ăn học ở đó vì tiền ăn ở cũng lên $1,500/ tháng. Hai đứa con là $3,000/ tháng, trả tiền ngân hàng và thuế đủ rồi. Sau 6 năm vì đứa học trước đứa học sau, thêm có thể cho mướn phòng trống. Khi con họ học ra trường, mình tính mua lại nhưng mụ vợ kêu không được thì đành chịu.
Mình có mua cho hai đứa con mỗi đứa một căn nhà thuê khi chúng ra đời để lấy tiền thuê nhà trả cho chúng ăn học sau này. Nay mình tính là khi chúng đi làm thì cho chúng đứng tên lấy tiền thuê nhà để trừ thuế rồi sau một năm thì chúng sẽ tái tài trợ, lấy tiền ra để trả hết tiền mượn đi học.
Lý do là thuế vụ chỉ cho phép được khấu trừ tối đa $3,000 tiền nợ đại học trong khi tái tài trợ ngân hàng thì được khấu trừ nhiều hơn. Sang năm con gái ra trường thì sẽ chuyển tên một căn qua hai đứa con để có thể mượn tiền tái tài trợ sau một năm.
Có nghề tốt nhất là nghề đi tu. Ăn uống có nhà thờ hay chùa lo, lâu lâu có ai chết kêu đi đọc kinh hay tụng kinh là có tín hữu cho thêm tiền sống thỏi mái con gà nòi. Không đóng thuế nhưng ít ai chịu làm việc này, cứ như con thiêu thân bay vào đống lửa đại học. Nếu mình được phép lấy vợ thì chắc chắn sẽ đi tu. Mình xây vài căn nhà nhỏ trong cái vườn bơ của mình.
Bên tàu có ông thần nào mất 7 năm trời để quan sát cây trúc, mình sẽ cho người đến ở cuối tuần trong khu vườn của mình, quan sát cây bơ do mỗi người tự trồng. Mỗi người $200/ cuối tuần, 1 năm 52 tuần là $10,400, 7 năm quan sát bơ đến khi nó nở hoa lần đầu tiên là họ đóng cho mình $72,800. Mỗi tuần chỉ cần 10 người là mình sống thoải mái. Chỉ cho họ ăn toàn là bơ rồi ngày nào đó người ta sẽ gọi mình là “Sơn Đạo Bơ”.
Tửng tửng nhưng có thể một ngày nào đó mình sẽ làm vụ này. Đang tính mua container về làm thử một căn nhà đơn sơ thử rủ mụ vợ vào đây cuối tuần nhất là mùa đông, xem núi phủ đầy tuyết đẹp nức nở.
Chán Mớ Đời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét