Ký ức và áo dài

Một anh bạn như đi guốc trong bụng mình, i meo bảo mình không còn rung động khi thấy mấy bà ngoại, bà nội bận áo dài vì "vai em không còn gầy guộc nhỏ như xưa và tóc dài thả gió lê thê đã mất."
Đúng thật, khi ông thần nào hát "áo lụa Hà Đông' ngoài sân, khởi đầu cho cuộc biểu diễn áo dài, có bà béo hùng hục vừa đi vừa nhúng nhẩy làm những thớ thịt béo rung rung rinh rinh như bà Phán của Xuân Tóc Đỏ ngày nào rồi ngừng lại, tay chống nạnh, cúi xuống rồi hất cái đầu theo kiểu nữ hoàng nội y của Victoria Secret, bổng mọi người reo vang khi thấy một cụm tóc giả bay luôn lên cái khay bò bía. Chán mớ đời! Lúc ấy mình mới khám phá ra; ngày nay tóc mình bạc gần hết mà mấy bà này tóc tươi cứ như đầm 20 tuổi, hoá ra họ nhuộm tóc hay đội tóc giả. Bà ngoại ấy bỏ chạy không kịp trối, một bà bạn chạy vội lại chụp bộ tóc giả chạy theo vừa vẩy nước mắm.
Mình hiểu mấy bà muốn nhặt lại vài giọt ký ức của một thời ngây ngô, ôm sách đến trường, có mấy tên đi lè kè phía sau. Bơi ngược về dòng sông tuổi thơ nhưng thực tế phủ phàng, vòng số 1, 2, 3,… đều có cùng đáp số của phương trình bậc 1 của đòn chả lụa Hà Tây. Mấy anh nhuộm tóc hay hói thì lăng xăng làm phó nhòm như các tay chuyên nghiệp ở các buổi trình diễn thời trang trong khi mình ngồi nhai, nhai miếng chả cá như Đặng Thế Phong ngày nào trong buồn tàn thu.
Nhớ dạo mình sang Văn Học, trong chương trình quân sự hoá học đường, cứ hai năm Đà Lạt Tuyên Đức tổ chức giải thể thao học đường, có màn các trường đi diễn hành ở sân vận động cạnh Thao Trường. Mấy cô Văn Học bận áo dài màu vàng đẹp nhất các trường còn mấy tên con trai như mình bận đồ vía màu trắng do thầy CBA mượn ở ty giáo dục, quần đen khiến thiên hạ kêu giống bồi của nhà hàng Chic Shanghai. Không ngờ 2 năm sau mình thực hiện giấc mộng làm bồi cho Tây ở Paris.

Điểm khác là khi từ trường Tây sang Văn Học thì có nhiều nữ sinh hơn và họ toàn bận áo dài, lâu lâu thì có cô vận váy đầm khiến một tên hỏi mình "gió luồng lên chắc con ni lạnh lắm", mình chỉ biết gật đầu dù không biết cô gái có lạnh hay không. Sang Tây thì thấy đầm bận cái "bas", một loại vớ mỏng ôm sát hai chân lên tới trôn nhưng không nhớ hay dám nhìn gần mấy đùi gà của mấy cô bận váy ngày xưa, có vận loại này để chống lạnh vào mùa đông.
Khi xưa, Dì D, em kế bà cụ mình, làm thợ may, ở nhà mình nên quen cảnh mấy bà mấy cô vào nhà mình may áo dài. Nghe nói đến áo dài cổ hở của bà Ngô Đinh Nhu nhưng chưa bao giờ thấy, đến sau này xem hình lịch sử thì mới biết áo décolleté ra sao. Dạo ấy thì chỉ nhớ là cổ cao khiến mấy bà mấy cô không cục cựa được cái cổ, rồi đến kiểu cổ thấp rồi áo chít banh, thấy Dì D xếp vãi theo hình losange, dưới ngực, không biết để làm gì, chắc để làm cho bụng co vào để có eo.
Lúc sang Văn Học là có kiểu áo dài ngắn, cái vạt không dài như xưa mà ngắn đâu tới đầu gối hay gọi là áo dài mini, quần thì dạo ấy theo phong trào Hippie nên quần ống loa, rộng thêng thang. Mấy cô thì gầy như que củi mà bận quần ống rộng phùng phình nhưng vẫn vênh vênh cái mặt lên trời.
Mấy bà đến may áo hay nói đến tay Raplan chi đó, hỏi ra mới biết là may theo kiểu có hàng nút bấm từ cổ xuống eo thì giúp cho cánh tay ít bị nhăn.
Đọc tài liệu thì áo dài Việt Nam thật sự được bận gần đây chớ không phải truyền thống lâu đời. Nhớ hồi nhỏ, mình thấy mấy bà người Bắc di cư vẫn còn bận váy. Học lịch sử thì được biết là có dạo ông vua Minh Mạng nổi hứng hay muốn bắt chước mấy chú Ba, cấm phụ nữ bận váy nên dân Bắc Hà chống đối mới tạo ra câu vè: “Cái trống thì thủng hai đầu. Bên ta thì có , bên tàu thì không!”
Lần mò đọc tài liệu thì được biết dân Việt Nam khi xưa bận váy ngay cả đàn ông vì phong thổ nóng của miền nhiệt đới như người Miên bận xà rong thêm làm ruộng cũng dễ hơn. Hồi mình sang Phi châu thì thấy dân địa phương bận djelabah, nên mua bận thử thì rất mát, gió luồn từ dưới lên xoắn theo hình nón nên giúp thân hình mát rượi. Ngược lại người trung hoa thì thuộc dân du mục, cởi ngựa nên vận quần cho dễ di chuyển.
Khi nhà Minh sang đô hộ thì muốn đồng hoá người Việt nên bắt phụ nữ bận quần sau này vua Lê Huệ Tông ra chỉ thị cấm bận quần. Khi Nguyễn Hoàng xuống phía Nam sinh sống, buôn bán với người ngoại quốc nhất là người Tàu, lại muốn khác biệt hoá với truyền thống phía của Chúa Trịnh vua Lê nên kêu bận quần.
Đến thời nhóm Tự Lực Văn Đoàn ra đời, họ xướng thay đổi văn hoá truyền thống thì mới có những ông như Cát Tường (Le Mur) thiết kế áo dài sau đó thì họa sĩ Lê Phổ cũng thiết kế áo quần rồi từ từ người ta chấp nhận và bận áo dài.
Ký ức của mình về áo dài dừng lại năm 1974 nên sau này áo dài được cách tân khiến mình khó chịu. Màu sắc rực rỡ, vẽ hoa bướm đủ trò khiến người ta chỉ chú ý đến màu áo mà quên đi tổng thể của thân người phụ nữ Việt Nam. Lại còn có màn thêu gấm đủ trò khiến cái vạt áo dầy cộm, cứng như cái thớt nên khi người bận đi như thể mang cái tấm bảng quảng cáo, mất đi cái dáng tà áo phất phơ trong gió của ngày xưa.
Mình mê con gái bận áo dài nên khi xưa, mấy ngày Tết là mình thích đi dự để ngắm, tìm lại chút để âm dư của ngày nào. Nhớ hồi quen một đối tượng ở Boston, cô nàng bay sang Luân Đôn ăn Tết với mình, đem theo áo dài bận đi chùa với mình. Sung sướng kể gì.
Sau này lấy vợ thì mụ vợ không thích bận áo dài. Xong om!
Nhs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét