Bánh sừng trâu

Tháng 4 vừa rồi mình về Việt Nam, bằng vé hạng thương gia nên ở phi trường Tân Sơn Nhất, có vào phòng đợi hạng thương gia thì thấy họ đề ”bánh sừng trâu” ở quầy hàng ăn. Tò mò xem thì hoá ra bánh “Croissant” mà dân tây hay ăn. Bánh này mang tên có nghĩa là trăng khuyết, đến Việt Nam thành sừng trâu, có lẻ được nông dân hoá cho có vẻ cờ lờ mờ vờ.
Đến thành Vienne, Áo quốc thì mới khám phá ra bánh croissant, trăng khuyết là do người Áo sáng chế ra. Nguyên thuỷ là khi đoàn quân của đế chế Ottoman bao vây vào năm 1683. Mấy người làm bánh mì của thành Vienne, đang làm bánh mì buổi sáng thì nghe tiếng động. Họ báo cho lính thì người ta khám phá ra đám lính Thổ đang đào đường hầm vào thành, để đánh lén thành Vienne. Để ghi dấu chuyện này, người làm bánh mì của thành Vienne đã làm bánh mì, tên gọi là kipferl với hình trăng khuyết (crescent), biểu tượng trên ngọn cờ đạo hồi giáo như thể họ cắn và ăn người hồi giáo. Do đó có nhiều nhóm hồi giáo chống bánh croissant này.

Người tây phương dùng thập tự, biểu tượng cho thiên chúa giáo còn hồi giáo thì dùng trăng khuyết và ngôi sao để biểu tượng cho đạo của họ. Điển hình người tây phương gọi hội Hồng thập tự, còn hơn 1 tỷ người hồi giáo thì gọi hội trăng khuyết.
Thật ra trăng khuyết và ngôi sao, có lịch sử từ thời Hy Lạp, biểu tượng của nữ thần Diane cho săn bắn và mặt trăng. Trong thời đại Byzantium, trên đồng bạc của nền văn minh này, người ta khắc trăng khuyết và ngôi sao để tưởng nhớ đến nữ thần này.
Khi hoàng đế Constantin dời thủ đô của đế chế La Mã về Istanbul ngày nay, mà người ta gọi là Constantinople thì biểu tượng trăng khuyết và ngôi sao vẫn tiếp tục được duy trì ở thành phố này.
Sau này khi người Ottoman chiếm đóng Constantinople, đổi tên lại Istanbul, ông Sultan của đế chế Ottoman, tự xưng là “Kaiser của La Mã”, (hoàng đế La Mã) và tiếp tục sử dụng trăng khuyết và ngôi sao của thành phố này, dần dần trở thành biểu tượng của Hồi giáo ngày nay.
Nghe kể là bà hoàng hậu Marie Antoinette, vợ của vua Louis 16, sau này bị chặt đầu, công chúa của đế chế Áo Hung, đã đem bánh croissant sang Pháp quốc, từ từ trong giới quý tộc thích ăn bánh này. Nhưng phải đợi đến ông August Zang, một người làm bánh của Áo quốc, sang lập nghiệp và mở tiệm bánh ở thủ đô Paris, với tên “Boulangerie Viennoise", số 92, rue de Richelieu, gần nhà hát lớn Opera thì bánh croissant mới được phổ thông hoá trong giới bình dân pháp.
Thời ở Tây, mình rất mê bánh croissant này vì nhớ đến Đàlạt khi xưa. Ngay bùng binh chỗ đường Hải Thượng, Duy Tân, cạnh bên phòng mạch của bác sĩ Thọ, có một nhà gốc bắc kỳ, làm bánh croissant nóng hổi. Mỗi lần có tiền là mình chạy lại đây mua 1, 2 cái ăn nức nở.
Bên tây thì mình thấy có hai loại croissant: loại hình trăng khuyết và thẳng băng. Một loại được làm bằng bơ (beurre) được gọi là “croissant au beurre” và một loại được làm bằng Magarine thì được gọi “ croissant”, rẻ hơn.
Dạo mình ở Pháp thì người Pháp nói mình là đừng bao giờ mua bánh mì hay croissant sau 10 giờ sáng vì sẽ bị cứng. Thợ làm bánh mì dậy sáng để làm sớm nên để lâu là cứng. Do đó họ lấy bánh cũ, bỏ thêm hạt nhân, đường nên gọi là “croissant aux amandes”. Do đó mình ít khi ăn bánh này. Kiểu cơm chiên.
Sau này, sợ mập, người Pháp chế thêm loại bánh không beurre, được gọi là “ordinaire”. Ngày nay, người ta chế thêm đủ loại, bỏ chocolat hay confiture trong bánh hay jambon, phô mát đủ trò.
Có lẻ bánh croissant mà mình thích nhất là tại ở bên Mễ Tây Cơ, ở khu nghỉ dưỡng ở Matzalan. Mỗi sáng họ làm nóng hổi, ăn nức nở.
Hàng năm, người Pháp có tổ chức giải làm croissant nhưng với điều kiện phải dùng bơ vùng Charentes-Poitou. Ở Paris, hàng năm có giải làm baguette ngon nhất để bán cho điện Champs Elysees, nơi tổng thống Pháp ở. Có vài năm người thắng lại gốc Ả Rập, bắc phi châu.
Bên Tây Ban Nha cũng có thấy bán loại này, được gọi là “cuerno” (sừng bò), có lẻ vì vậy người Việt mình gọi là bánh sừng trâu. Bên Bồ Đào Nha mình cũng thấy có loại bánh này nhưng hơi đổi khác đi.
Nói chung là đi tây đi đông, trở về Việt Nam thì lại thấy bánh tên croissant, được đổi tên thành bánh “sừng trâu”. Thanh niên còn trẻ chắc không nên ăn loại bánh này vì dễ bị cắm sừng.
Chán Mớ Đời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét