Vác giò heo

Nguyễn Hoàng Sơn

Hôm trước TVS của làng này có đề cập đến dân Mỹ càng ngày càng nghèo dù được tăng lương. Trên thực tế, nhân công được tăng lương vì hàng năm có nạn lạm phát, cho nên chủ tăng lương để bắt kịp giá cả thị trường chhớ không phải vì chủ thương mình làm việc cật lực. Chủ rất ma giáo, bảo là tao tăng lương mày vì chịu khó để nhân công cảm thấy hãnh diện rồi làm việc chết bỏ. Tuần rồi vợ mình cho biết lên lương thì mình tính ra bao nhiêu phần trăm của lạm pháp năm vừa qua, chỉ có bonus cuối năm thì mới biết rõ là tên chủ xem khả năng làm việc của mình ra sao. Dạo Motorola chưa bán công ty của vợ đang làm cho Safran của Tây thì bonus, hàng năm được lên tới 20-25% thêm stock option còn Tây thì keo kiệt nên chỉ cho độ 10%.

Khi nói đến nghèo thì phải định nghĩa nghèo là sao. Chính phủ Hoa Kỳ định nghĩa một gia đình 4 người, vợ chồng và 2 con, được xem nghèo, nếu lợi tức chung của gia đình thấp hơn $27,500.00/ năm. Lấy thí dụ ở Los Angeles là nơi có tiền lương tối thiểu ($9/ giờ), một người làm việc 40 giờ/ tuần hay $360/ tuần hay hay $18,720/ năm. Hai vợ chồng làm việc với mức lương tối thiểu thì mỗi năm được $18,720x 2 = $37,440/ năm. Coi như thành phố này, hai vợ chồng đi làm thì không có ai nghèo cả. Cái khổ là họ phải đóng thuế nếu làm nhiều hơn $27,500/ năm. Có nhiều gia đình có lợi tức thấp nhưng sở hữu chủ căn nhà đang ở và xe cộ... Hoa Kỳ rất rộng lớn nên đời sống khác biệt nhau. Một gia đình có lợi tức $100,000.00/ năm ở Arkansas sống thỏai mái hơn một gia đình có lợi tức $200,000.00/ năm ở thành phố New York. Sống trong một căn nhà giá $200,000.00 ở Houston có thể gọi là American Dream khác với căn nhà $500,000.00 lụp xụp ở Los Angeles.

Đảng Dân Chủ mất đa số tại lưỡng viện nên họ rêu rao tăng lương tối thiểu $15.00/giờ để lấy phiếu cho kỳ bầu cử tới. Ỏ thành phố Seattle, một nghị viên trẻ gốc Ấn độ, thuộc đảng Dân Chủ đề nghị tăng lương tối thiểu $15.00/ giờ và được chấp thuận năm vừa rồi và tiền lương sẽ được gia tăng từ từ từng khu vực đến $15.00. Đa số các đảng viên của đảng Dân Chủ thường không bao giờ biết buôn bán hay làm thương mại nên cứ phán đại để hốt phiếu. Các hãng lớn như Microsoft, Boeing thì có thể làm được rất nhiều tiền để trả tiền $15.00/ giờ nhưng đa số các công ty trung bình thì không thể nào tăng lương tối thiểu từ $9.32/ giờ lên $15.00/ giờ tức là tăng 61% là chuyện hoang tưởng. Báo chí Seattle có đăng một bà chủ tiệm Z Pizza của thành phố này phải đóng cửa tiệm vì không thể nào tìm ra thêm $81,000.00 để trả thêm lương cho 8 công nhân cho nên phải đóng cửa tiệm. Các công nhân vừa hân hoan ngày hôm trước vì được lên lương thì hôm sau bị sa thải.

Đời sống xã hội Mỹ vào thập niên 70 của thế kỷ trước và ngày nay đã quá thay đổi. Khi xưa, các công đoàn lao động rất mạnh nên họ có thể đấu tranh bằng cách đình công để được tăng lương nhưng trong bố cục kinh tế của Hoa Kỳ hiện đại hay thế giới ngày nay thì các công đoàn đã hết thời vì máy móc điện tử đã thay thế các công việc như thư ký đánh máy, lấp ráp xe hơi,... Mình nhớ công đoàn lao động của Đức bắt công ty Siemens, tăng lương và cho nhân công làm việc 30 tiếng/ tuần thì tập đoàn lãnh đạo tuyên bố sẽ đóng cửa hãng ở Đức và sẽ chuyển sang Ba Lan thì 24 tiếng sau công đoàn chấm dứt cuộc đình công. Dạo trở lại Âu châu chơi mình thấy dân Ba Lan, tràn ngập Anh quốc như Mễ ở Cali. Dân Lỗ Ma Ni thay thế dân Tây, móc túi ở Paris.

Nếu ta xét về phẩm chất của đời sống thì ngày nay quá khá hơn xưa. Một gia đình trung lưu thời 1970 sống trong một căn nhà có 2 phòng ngủ và 1 phòng tắm, có một chiếc xe hơi. Ngày nay họ sống trong một căn nhà rộng hơn có 3-4 phòng ngủ, 2 phòng tắm, có 2 xe, máy điều hoà không khí, video,... Thay vì chỉ có một máy truyền hình để giải trí như khi xưa, ngày nay người ta có máy truyền hình HD ở mỗi phòng, karaoke, ipod, ipad, netflix, máy giặt máy sấy,.... Đời sống ngày nay tiện nghi hơn, có nhiều đồ dùng cá nhân, điện thoại thông minh, internet....

Để sử dụng những nhu cầu mới này, người ta phải trả tiền cho nên không còn tiền để dành hay đầu tư như xưa.

Các ứng cử viên Dân Chủ kêu gào sự chênh lệch tài sản quá cao giữa các tầng lớp, nói sẽ đóng thuế nặng những người có lợi tức cao, tăng lương tối thiểu là không hiểu gì về kinh tế thị trường. Người đi làm đòi lương cao thì họ sẽ mướn dân ngoại quốc làm. Thị trường tự điều chỉnh lấy, nếu chủ cần thì sẽ trả cao. Mình có hỏi một tên thợ mộc gốc Ý, chuyên thầu đóng dựng dàn nhà cho mình, lý do hắn không mướn nhân công gốc Mỹ trắng. Hắn kêu Mỹ trắng lười, khi say thì kêu là đau ốm, ăn tiền bảo hiểm về tai nạn. Mới 2 giờ trưa đã lo dọn dẹp đồ đạc về, hay đi trễ. Hắn trả cho thợ Mễ $25.00/ giờ.

Hoa Kỳ ngày nay là một xã hội hậu công nghiệp, không ai thật sự sản xuất gì cả, tất cả đều chú trọng vào việc tiêu dùng, ai cũng chú trọng vào internet xử lý bằng máy móc. Sản xuất được chuyển qua các nước nghèo với nhân công rẻ như Phi châu, Trung Quốc,... Hoa Kỳ đã từ bỏ một xã hội hậu công nghiệp qua xã hội digital, một xã hội tiêu dùng, nếu người dân không có tiền thì các ngân hàng cho vay mượn rồi trả tiền lãi.

Chính phủ cho hay là số người nhận thất nghiệp xuống nhưng đa số có việc làm, chỉ làm bán thời gian vì chủ không muốn trả tiền y tế, hưu bổng,... Có kinh tế gia cho là Cali có đến 15.5% thất nghiệp đó là chưa kể đến số người ở lậu thất nghiệp. Chủ tịch công ty Cisco, trước khi về hưu, tuyên bố là trong 20 năm tới chỉ còn 10% những công việc cần đến nhân công.

Xã hội Mỹ ngày nay có sự cách biệt giàu nghèo vì kẻ nào có khả năng trong thế hệ SMS, iphone sẽ được trả tiền cao còn nếu không có trình độ cao thì khó kiếm việc ngoại trừ những việc tay chân, đã được người di dân lậu lãnh hết.

70% GDP của Hoa Kỳ là sản phẩm tiêu dùng và y tế. Sự kiện này cho thấy lý do dân Mỹ luôn luôn nghèo. Có tài liệu cho rằng mỗi người Mỹ nợ thẻ tín dụng trung bình $6,577/ người với tiền lãi 12%-24% hay $789.24 - $1,578.48/ năm hay $65.77 - $131.54/ tháng. Theo luật 72 thì chỉ trong vòng 6 hay 3 năm thì số nợ sẽ nhân gấp đôi.

Ngày nay thế giới được thu hẹp lại, một công ty tại Hoa Kỳ không những phải cố gắng thi đua với các công ty khác trong thành phố mà cả thế giới. Ngay học đại học, muốn vào đại học, thí sinh phải thi đua với các sinh viên toàn thế giới. Có trên 270,000 du học sinh đến từ Trung Quốc, họ chấp nhận trả tiền cao thì người Mỹ muốn vào học các đại học danh tiếng cũng trầy vi tróc vẩy. Báo đăng có tên học sinh gốc Tàu thi SAT, ACT được điểm cao nhất nhưng không có trường Ivy League nào nhận vào.

Gần đây các công ty ngoại quốc dời các hạ tầng cơ sở về sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, để đem vào Việt Nam, Ấn Độ,..., hay đem về Mỹ. Lý do là tại Trung Quốc, tiền lương được gia tăng. Với chế độ một con, một công nhân đi làm phải nuôi bố mẹ, ông bà nội và ông bà ngoại, coi như nuôi 6 người. Nếu lập gia đình thì phải cong lưng nuôi thêm bên vợ. Hai vợ chồng nuôi 12 người chưa kể là nếu có con. Nếu là một người đầu tư thì không ai dại gì đầu tư lâu dài vào Trung Quốc vì lương bổng, y phí phải lên, như các vụ biểu tình, đình công đòi tăng lương xẩy ra hàng ngày tại quốc gia này. Đứng trên phương diện kinh tế thì Trung Quốc không phải là môi trường thuận lợi cho việc đầu tư vì tương lai chỉ toàn người già. LHQ dự tính năm 2035, 1/3 dân số của Trung Quốc sẽ qua đời. Lãnh đạo TQ chơi những trò Biển Đông để đánh lạc hướng nhân dân của họ, nhân danh tình yêu tổ quốc, họ phải hy sinh.

Vì vậy một lãnh đạo giỏi phải nghĩ đến vài chục năm tới để đề xuất những chương trình hầu đáp ứng nhu cầu của đất nước trong tương lai. Anh quốc ngày nay, ngoài gia đình vua chúa, quý tộc là giàu nhưng quân đội Hoàng Gia chỉ có 80,000 binh sĩ và 20 năm tới sẽ giảm xuống 50,000. Sự kiện nay cho thấy đế quốc Anh đã hoàn toàn kết thúc. Khi ông Obama ăn cơm với các chủ tịch công ty ở Silicon Valley thì họ khuyên ông ta là Hoa Kỳ cần 30,000 kỹ sư hàng năm nếu không sẽ bị các nước khác qua mặt trong những thập niên tới nên ông ta đang phát hoạ chương trình cho các đại học cộng đồng miễn phí.

Nếu nói dân Mỹ nghèo vì trong trương mục không có nhiều tiền, không có tiền đầu tư so với những năm của thập niên 70 của thế kỷ trước thì không đúng hẳn. Nhu cầu khi xưa rất ít so với ngày nay. Trong gia đình, người chồng đi làm còn người vợ ở nhà lo cho con cái, cả gia đình sống với đồng lương của người chồng nhưng ngày nay phải cần đến hai lương ngoại trừ lương của một người có lương khá cao để người phối ngẫu có thể ở nhà để lo cho gia đình và chi trả cho những chi tiêu hàng tháng của gia đình.

Sự khác biệt là ngày nay, vai trò của người phụ nữ khác hơn xưa. Khi xưa, phụ nữ chỉ đóng góp vào những công việc luẩn quẩn, lo toan việc nhà, sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng nhưng ngày nay người phụ nữ có quyền chọn lựa. Họ có thể dấn thân ngoài xã hội, không giới hạn vai trò nội tướng. Họ có thể thực hiện mộng ước của họ, thay vì chỉ đóng một vai trò phụ giúp người chồng. May gặp thằng chồng đàng hoàng chớ bất hạnh gặp thằng chồng tối ngày say sưa như vào đầu thế kỷ 20, tiền không đem về, cúng hết vào các quán bia. Họ phải hy sinh mặt gia đình, ít có thì giờ dành cho con cái, gia đình. Gần đây mình có đọc một bài viết của bà tổng giám đốc Pespi Cola, một người gốc Ấn Độ. Bà ta kể là đêm nào cũng về tới nhà vào lúc 12:00 đêm, sáng thì 6:00 sáng đã có mặt ở sở. Chúng ta có quyền chọn lựa và chấp nhận hy sinh để đạt được những tham vọng cá nhân hay thực hiện giấc mơ chung. Vì lý do đó mà các nước Âu châu có tỷ lệ sinh sản rất thấp. Phải cần 2.3% tỷ lệ sinh sản mới quân bình dân số.

Dạo ở Tây, mình nhận thấy Tây khá khá một tí là hay có bồ như ông Francois Mitterand có con riêng. Hình như có bồ là cái thú hay thời trang. Cái nạn "vợ là địch, bồ là ta" này bắt nguồn từ thời Napoleon. Ông này gây dựng một đế quốc Pháp, đem lính đi đánh chiếm khắp nơi,Phi châu, Âu châu,..., rồi thất bại ở Nga sô, cuối cùng ở Waterloo. Trong vòng mấy năm cầm quyền, ông này nướng ở các trận đánh đâu trên 500,000 đàn ông tây vì thế Pháp quốc có nạn thiếu nhân mãn trầm trọng. Thiếu đàn ông để gây dựng giống nòi, sản xuất. Gerard Depardieu có đóng trong phim Le retour de Martin Guerre, nói lên vấn nạn lính chết nhiều khiến kinh tế của Pháp bị xuống dốc và sau đó bị Anh quốc qua mặt, dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp, trở thành cường quốc thế giới. Đàn ông hiếm nên đàn bà phải chia sẻ vấn đề tình dục nên dần dà cái nạn bồ bịch kéo dài đến ngày nay như truyền thống.

Ra đường, ai hỏi mình làm nghề gì thì nói làm nghề nội trợ. Đó là chọn lựa của mình, bớt làm tiền để lo cho con và vợ. Có người hạnh phúc khi làm tiền, còn mình chỉ thấy hạnh phúc khi làm tài xế cho con, xem con bơi nay chúng biết lái xe nên vai trò của mình bị lu mờ. Sáng nay, chủ nhật con gái đi bơi từ 6:00 sáng đến 8:00 sáng rồi đi họp hướng đạo. Nó lấy xe của mình đi nên chả biết làm gì, ngồi viết lêu bêu.

Thử hỏi có ai muốn sống lại thời 40 năm về trước, giàu có hơn hay sống nghèo như ngày nay trong cuộc cách mạng digital. Hôm kia đi ăn mừng con cháu vợ ra trường. Vào tiệm ăn, gia đình mình không ai đụng tới cái điện thoại cầm tay trong khi gia đình ông anh vợ thì ai cũng lay hoay với cái Iphone hay Samsung.

Có lẽ nên vác giò heo đến mụ Diễm nấu bún bò là vui cả làng. Hạnh phúc là ăn tô bún bò thơm lừng lựng, cay cay của Mụ Diễm.