Ừ, Trời mưa

Nguyễn Hoàng Sơn

Mình có tên hàng xóm xưa tên Bi, hơn mình đâu 3-4 tuổi nhưng vẫn xưng mày tao với nhau. Gia đình hắn đông anh em tương tự gia đình mình, 3 trai, 7 gái. Hắn học Văn Học, sau Chính trị xã hội, phân khoa mới mở ở đại học Đà Lạt. Mình hay đi chơi với hắn vào mùa hè, đánh bi da, ngắm gái...Hắn có một người chị, 6 em gái, một em trai và ông anh đầu đi Biệt Cách Nhảy Dù.. Nghe anh này kể nhảy vào An Lộc đánh xáp lá cà với VC trong đêm không nhận ra ai với ai làm mình nổi da gà. Sau được giải vây, tướng Lê Văn Hưng tuyên bố là An Lộc như trận Stalingrad của đệ nhị thế chiến. Trong trận này thì lính BCND dùng M72, tiêu huỷ nhiều xe thiết giáp T54 khiến VC phải độ lại thiết giáp cho cuộc tấn công 1975, nhưng chết khá nhiều nên có một nghĩa trang dành cho BCD mà cô giáo viên Pha làm bài thơ tặng cho liên đoàn 81 BCND "An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân".

Dạo đó buổi sáng mình hay nghe phóng viên chíến trường Trọng Tiến tường trình cuộc giải vây An Lộc và Thủy Quân Lục Chiến vượt sông Thạch Hãn để chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị. Có lần ông anh BCD nhảy ra đường mòn Hồ Chí Minh nằm cả ngày, ngụy trang đến tối mới di chuyển, không may đang nằm trong bụi bị bộ đội đái vào người nên phải bắn chạy, mất tích một thời gian mới được trực thăng bốc về khiến gia đình khóc như mưa ngâu. Dạo đó nhà tên Bi hay nghe đài Mẹ VN và tiếng nói Tự Do của Mặt Trận Gươm ThiêngÁi Quốc, lấy tên theo lịch sử của ông Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy, nghe nói phát thanh từ cù lao Chàm ở Đà Nẵng mà sau này ở hải ngoại người ta hay dùng bản nhạc "sinh Bắc tử Nam" (Hồn Tử Sĩ của ông Lưu Hữu Phước) làm lễ truy điệu khi có họp mặt Cộng đồng. Đài "Mẹ Việt Nam "phát sóng kêu gọi các cán binh, bộ đội chiêu hồi bằng câu mở đầu là "...Mẹ VN rất đau xót khi thấy các con của mẹ sinh..sinh...sinh B...ắc T..ử N...am ".Tiếng của người phát ngôn viên nữ Bích Thủy nói trong đêm khuya nghe kinh rợn nên chỉ dám nghe vào buổi chiều. Đài này phát thanh nhạc rất hay. Sau hiệp định Paris thì quân đội Mỹ rút quân nên không còn nghe nữa, chắc hết ngân sách cho các chương trình này. Hè Đà Lạt thì hay mưa nên chả biết làm gì, nhất là sau khi ăn tối nên hay qua nhà tên Bi ngồi ngoài hiên, tránh mưa và tán phét với hắn. Khi có tiền thì hai thằng rủ nhau lên đường Minh Mạng uống sữa đậu nành của bà Bảy Quốc. Bà này tên Bảy, bán cá ở chợ dưới, có ông chồng làm nghề hớt tóc tên Quốc nên trong chợ hay gọi là bà Bảy Quốc. Có lẽ không thích ngửi mùi cá nên xoay qua bán sữa đậu nành và bánh da lợn rất nổi tiếng ở Đà Lạt. Nay chị Hoa, con của bà ấy nối nghiệp. Trời về đêm lạnh và mưa mà uống được ly sữa đậu nành của bà Bảy Quốc (mở hàng đêm, đối diện nhà may Văn Gừng cạnh tiệm chè 47) thì hạnh phúc tràn trề, và nhất là có tiền để tậu thêm cái bánh chuối. 40 năm qua, mình vẫn thấy thèm ly sữa đậu nành và cái bánh chuối của bà Bảy, nhưng về thăm Đà Lạt thì không dám uống vì sợ mất đi cái hương vị ngày xưa.

Hè năm đó, tên Bi này phải đi thực tập ở Cầu Đất nên mình không có ai tán gẫu, mình qua nhà hắn ngồi ở dưới mái hiên, lấy ná bắn đá xuống mấy nhà ở Hai Bà Trưng cho đỡ buồn. Nếu ai phát hiện hướng của đá thì không biết là do mình vì nhà mình cách đó vài căn. Đá rơi xuống mái tôn rồi lăn xuống đất nghe ảo não như nỗi buồn chán trong cơn mưa ròng rã. Người nhà bị pháo kích chạy ra mưa xem hướng pháo binh thì mình ngưng và nghe họ chửi cho...đỡ buồn. Nhờ bắn đá nên mình mới hiểu thêm về vật lý, Parabol,.... Nhắc lại bắn đá nhà người ta thì nhớ đến tên Khánh ù, nhà trên đường Thi Sách. Nghe nói sau này làm hiệu trưởng trường học ở Đàlạt. Hắn thua mình một tuổi. Có lần hắn thấy mình bắn nên bắt chước, ghét tên nào là cứ bắn ban ngày lại nhắm mái ngói bắn bể làm dột nhà người ta. Tên Ái rình bắt hắn tại trận, bị bà Tân gầy lên mắng vốn bố mẹ hắn.

Xóm mình có hai nhà tên Tân, một là Tân ù và Tân gầy. Có lần mình thấy cây chuối của ông bắc kỳ làm vườn không nhớ tên, đối diện nhà trồng răng Nguyễn đình Nghi, bên cạnh nhà anh Bình hay Lê Minh Sớm. Cây chuối ra một buồng quá to nên mình kêu tên Khánh ù, tối nhảy qua hàng rào, chặt buồng chuối đem về dú mấy tháng không chín, sau phải bỏ. Sáng ra bị mất buồng chuối bà làm vườn chửi kinh hồn: "bớ làng trên xóm dưới, bớ láng giềng láng tỏi, bên sau bên trước bên ngược bên xuôi. Bà có một buồng chuối tính để rằm này cúng ông bà mà thằng nào đã chặt mất của bà đêm qua. Đứa nào trót nhỡ tay chặt buồng chuối thì hãy banh lỗ tai, vạch cái lỗ nhĩ lên mà nghe bà chửi đây nầy...." bà này chửi ròng rã cả mấy ngày, cứ mệt là vô uống nước rồi ra chửi tiếp nên sau đó bố mẹ tên này không cho chơi với mình nữa. Ngẫm lại cũng may là mình đi Tây chớ ở lại sau 75 thì chắc bị hàng xóm đấu tố, đi cải tạo mút mùa.

Bắn đá chán nên cũng chả biết làm gì ngoài nhìn mưa và đập muỗi. Bỗng nhiên một hôm có một cô em gái của tên Bi mở cửa bước ra ngoài rồi ngồi xuống cạnh mình, cũng không nói năng chi. Cô này tuổi chó, nhưng có lẽ mình thích cô em tuổi lợn hơn. Ngày xưa còn bé thì chơi nhảy dây hay 5-10 thì mày tao nay đến tuổi dậy thì có cái gì ngường ngượng làm mình không biết kêu xưng ra sao. Hình như cô nàng cũng lâm vào tình trạng đó nên hai đứa cứ ú ớ ù ơ như người tiền sử trong phim "La guerre de feu" của Jean Jacques Annaud. Ngồi bên nhau nhưng chả biết nói gì, lại bị mấy con muỗi cái đột kích, hút máu mà không dám kêu hay đập vì sợ cô nàng bỏ vào nhà. Buồn mà có người ngồi bên cạnh, dù câm lặng cũng là một hạnh phúc, nhất là người ấy lại là con gái. Lâu lâu cô nàng kêu "trời mưa" như khám phá ra một điều gì tâm đắc làm mình nhìn mưa rồi bắt chước đáp: " Ừ, trời mưa". Một lát sau cô nàng lại nói "trời hết mưa" làm mình giật mình, gật đầu "ừ trời tạnh mưa". Cứ thế, câu chuyện cứ tiếp tục trời mưa rồi trời tạnh mưa như con thuyền không bến đến khi ông cụ cô nàng kêu vô ngủ, sắp giới nghiêm thì mình đứng dậy đi về. Dạo đó Đà Lạt giới nghiêm từ 9 hay 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Cứ nghe còi hụ ở khu Hoà Bình là biết giờ, không cần đồng hồ báo thức. Hôm sau thì sau khi ăn tối, mình lại vác ná sang nhà tên này bắn đá phá làng phá xóm, đợi cô nàng bước ra ngồi xuống bên cạnh để tiếp tục điệp khúc trời mưa như tối hôm trước và chấm dứt bằng tiếng gõ cửa của ông cụ. Ngồi xem mưa với cô nàng nhưng lâu lâu mình nghe tiếng ai kéo màn cửa phía sau chắc bố cô nàng xem chừng mình có hủ hoá gì không. Có hôm cô nàng nói có ai tặng cho đôi bông tai, hỏi có đẹp không thì mình mới khám phá ra đôi má hồng của cô nàng... Muốn mi một phát nhưng không dám. Tối hôm sau mình tới sớm nhưng không bắn ná, mà để tập cho thành thạo, hít thở cho bớt run. Đến khi cô nàng ra ngồi bên cạnh, thì mình chỉ ừ ừ ờ ờ, đấu tranh tư tưởng nghĩ đến cái má, nhưng không dám nhìn sợ cô nàng phát giác ra mưu đồ đen tối của mình. Ngày hôm sau, mình ra sớm hơn, hy vọng mấy con muỗi đốt sẽ giúp biến “đau thương” thành “hành động cách mạng” nhưng đến khi có cô nàng bên cạnh thì chỉ ngồi đực ra như ngỗng ị, ừ ờ ú ớ không dám nhìn cô nàng. Rồi tên Bi đi thực tập về, mình lại đi chơi sau cơm chiều hay ngồi nhìn mưa bay, đấu láo với hắn thay vì cô em. Tên này kêu mình bái hắn làm sư phụ để hắn dạy cách tán gái,...Có lần hắn rủ mình đi tới nhà một cô bạn để giới thiệu cô em của đối tượng hắn cho mình. Nhà cô này ở đường Hai Bà Trưng, ngay góc cầu Cẩm Đô đối diện nhà Vũ Xuân Tùng 11B, có cái quán hớt tóc. Nói chuyện hớt tóc lại nhớ hè năm đệ tứ cạo trọc! Có cá là hè năm đó “xuống tóc” chung với một tên quen, nhưng cuối cùng tên ấy thất hứa để mình cô đơn với cái đầu trọc nên mình bái bai hắn luôn. Cô em gái của đối tượng hắn học Bùi Thị Xuân, cùng tuổi, người Huế ngoại hình không có chi là xuất sắc cả. Thật ra hắn sợ vào hang cọp cái vì nhà này toàn là đàn bà con gái, nên dụ mình đi theo. Thấy hắn năn nỉ cô nàng đi ăn kem Việt Hưng ở đường Thành Thái mà thấy khổ. Cô chị cứ ỏng ẻo nên mình chuồn sớm, nói phải ra chợ phụ bà cụ nên hắn giận mình từ đó và cũng không còn có dịp qua nhà hắn ăn bánh bèo của mẹ hắn làm. Tướng Vĩnh Lộc mê bánh bèo của mẹ hắn nên khi làm tư lệnh vùng II hay ghé ăn. Mẹ hắn có cái tài chích lể, mỗi lần đau là mình nhờ đến bà ấy. Bà đập bể miếng mẻ chai rồi xoa dầu, chích rồi nặn máu độc ra. Tiếc là dạo đó không học cái nghề này của bà mẹ hắn. Mẹ hắn hay nói với mình: “bớt ba gai sau này tau gả cho mi một đứa con gái”. Bà có 7 cô con gái xinh nhất xóm.

Bẵng đi một thời gian không gặp cô nàng. Khi đổi sang học Văn Học thì phát hiện ra nhiều đối tượng khác, xinh đẹp hơn nên quên luôn. Một hôm đi chơi với Dương Quang Trí, Trần Thiện Tân, Võ Hoàng Đa, Phạm Thành Nguyên,... Chạy xe vòng vòng trên đồi Cù, hù mấy cặp ngồi dưới cây thông nhìn trời hẹn ước thì DQT bị một trái banh cù rớt trúng đầu làm đầu óc hắn quay cuồng quay lại thì thấy ông bác sĩ Hách và giáo sư Phó Bá Long đang đi lại để đánh trái banh. DQT có cái số hay bị nạn. Đi chơi ngồi chở 3, hắn ngồi ở giữa lại bị trúng đầu, chọc phá làng xóm, thì du côn đến trường đòi rạch mặt may có Nguyễn Đình Tài làm Đường Sơn đại huynh nhảy ra giải vây. Cả đám chưa biết làm gì, DQT còn chưa hoàn hồn thì mình thấy một cặp từ xa tiến lại gần, nhìn kỹ thì hoá ra cô hàng xóm "trời mưa" của mình đi với tên nào lạ hoắc. Mình phục tên này quá, dám nắm tay cô nàng đi trên đồi cù trong khi mình bị muỗi đốt cả tháng mà không dám làm gì cả.

Sau này có lần về thăm Saigon, ghé cư xá Thanh Đa thăm gia đình cô nàng chỉ gặp bà cụ. Cô em nói cô nàng theo chồng làm ăn xuống Cần Thơ, ông anh đầu đại uý Biệt Cách Dù thì đi Mỹ theo diện H.O. Còn tên Bi thì lấy cô bạn học Văn Học mà dạo trước hắn dẫn mình vào nhà để chỉ cách tán gái. Nghe đâu cô vợ ăn bo bo nhiều quá bị đau và chết trong thời ngăn sông cấm chợ. Nếu gặp lại cô nàng, chắc mình sẽ hỏi, dạo đó nếu mình xin "cho mi má", không biết cô nàng có trả lời: "ừ cho”! không?