Mekong 2019

Mình gốc Đàlạt, trên Cao Nguyên nên không để ý hay biết đến vùng đồng bằng sông Cửu Long vì hồi nhỏ không có dịp thăm viếng. Chỉ nghe là vùng sông nước qua sách vở và học địa lý với thầy Hứa Hoành rồi đi Tây. Về thăm nhà vài ngày thì ghé Đàlạt rồi thăm quê nội ngoài bắc và quê ngoại Thừa Thiên. Xong om
Các đây 3 năm, nhân chuyến về thăm nhà, có anh bạn ở Sàigòn rũ đi chơi miền Tây nên tò mò đi theo, mới hiển thị sông Hậu, sông Tiền mà mình được nghe hay đọc mấy sách của ông Vương Hồng Sển, Sơn Nam... Đi có 2 ngày nên mình cũng không thấy nhiều, chỉ thấy đất lỡ, cát tặc,… nhà cửa được xây trên sông với cây Tràm. Loại cây này không bị nước làm hư hại, ai ở Việt Nam làm ván ép bằng loại cây này thì hốt bạc. Nghe kể là nước mặn từ biển chảy vào khiến cây cối, lúa của nông dân vùng này chết hết.
Lý do là nước thượng nguồn sông Mekong chảy về rất thấp hơn xưa, thuỷ sản rất ít. Nghe các chuyên gia quốc tế như Mekong Watch,… chỉ còn 50% trước đây vì các đập thuỷ điện của Trung Cộng và Lào được xây dựng ở thượng nguồn. Nghe nói họ có dự định xây 150 cái đập trên dòng sông này. Xem bản đồ của 1 nhóm chuyên gia ở Phần Lan thấy Kinh. Năm nay thì nghe nói là xuống 75%.

Mình ngạc nhiên là sự sống còn của vùng Đồng Bằng Sông Cửa Long trong tương lai mà ít thấy tin tức trên báo ở Việt Nam đề cập đến vấn đề này. Chỉ có đọc tài liệu của các nhà nghiên cứu quốc tế mới biết còn ở Việt Nam ít có thông tin về vấn nạn này.
Nghe kể ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng Việt Nam, dự định đi Hoà Lan để nghiên cứu cách làm đê của họ để chống biển ngập. Hoà Lan, một nước nhỏ, nằm thấp hơn mực nước biển nên ngay Hoa Kỳ cũng phải tham khảo các chuyên gia của họ để xây cất bờ đê ở vùng Louisiana. Cho thấy Việt Cộng có biết vấn đề này từ mấy chục năm trước, ông Kiệt qua đời mấy tháng trước khi đi Hoà Lan. Đến nay chả thấy nói năng gì cả.
Các cô gái nghèo miền Tây rũ nhau đi làm dâu xứ Hàn và xứ Đài còn con trai thì đi lao động quốc tế vì vùng này không còn là đất dễ sống như khi xưa. Nếu xưa kia, mấy người đi Bưng mà gặp hoàn cảnh ngày nay thì chắc không sống nổi để làm cách mạng. Đói.
Lần sau về thăm nhà, mình đi Cambuchia và Lào để xem vụ Mekong này. Chuyến đi tuy ngắn như để kiểm chứng lại những gì mình đọc trên báo chí, tài liệu. Hải hùng.
Thầy Hứa Hoành giảng khi xưa là sông Mekong chảy xuống, đem theo thuỷ sản và phù sa thì cá chui vào Biển Hồ (Ton le sap- ở Cambuchia), sinh sản đến mùa khô thì kẹt lại vì hồ thấp hơn mực nước dòng sông nên dân Cambuchia cứ ra hồ bắt cá, sinh sống ấm no.
Gặp tây thực dân xưa kia ở Pháp, mình nghe họ nói về người dân Đông Dương như sau: người Việt thì làm việc, người Cam bốt thì nghỉ trưa còn người Lào thì hát. Nay thì người Cam Bốt hết hát vì dòng sông Mekong không còn cho họ cá và thuỷ sản thiên nhiên nữa.
Mình đến viếng vùng này thì thấy có nhiều làng ngư phủ người Việt, họ sinh sống tại đây nhiều đời, đi đánh cá ở đây, đang chới với vì Biển HỒ không còn cá nữa, phải lấy ghe chở du khách đi lòng vòng, bán mấy cái lưu niệm vớ vẩn.
Mấy người này sống trong mấy cái nhà gỗ, xây cất trên mấy cái cột cao ngất ngưỡng, cả chục thước từ mực nước hồ. Mùa khô thì thấy mấy cái cọc cao lêu nghêu. Nghe dân tình kể là mùa khô, nước xuống quá thấp mà mùa mưa cũng phải leo khá cao mới lên đến nhà.
Thầy Hứa Hoành giảng là phù sa được nước sông Mekong kéo về nên đắp bồi Mũi Cà Mau, mà nay phù sa không về nữa vì bị ngăn chận bởi mấy cái đập ở thượng nguồn thì sau này sẽ mất vùng Mũi Cà Mau và xung quanh vì nạn đất lỡ hay nước biển tràn vào.
Mình có lướt sơ qua một dự án của hai kỹ sư gốc Việt đệ trình, nhằm cứu đồng bằng sông Cửu Long. Có dịp mình sẽ kể vụ này. Nếu Hà Nội biết cách kêu gọi Liên Hiệp Quốc thì thế giới sẽ giúp xây dựng chương trình này.
Mình đến hải cảng Sihanoukville thì tá hoả tam tinh vì toàn là tàu và tàu và tàu. Bao nhiêu sòng bài, khách sạn đều do người Tàu làm chủ. Hỏi ra thì Hun Sen gốc tàu, đã cho Trung Cộng thuê. Ngoài ra còn cho thuê dọc bờ biển đến biên giới Việt Nam. Kinh
Bao nhiêu bộ đội nằm xuống tại chiến trường Cam bu chia để rồi Trung Cộng hưởng hết.
Dạo này ở Hương Cảng, dân cư đi biểu tình chống lại chính sách Trung Cộng. Trung Quốc bị bắt buộc cho Anh Quốc thuê hải cảng này 99 năm, sau đó thì trả lại năm 1997. Người dân ở đây, đa số đến từ Trung Hoa Lục Địa, gốc gác, văn hoá tàu mà còn chống lại luật pháp của Trung Cộng, đòi tự trị. Vùng này nói tiếng Quảng Đông thay vì Quan Thoại mà dân địa phương rất ghét người Tàu lục địa. Tàu và tàu mà còn ghét nhau huống chi người ngoại quốc.
Thử hỏi mấy chục năm nữa khi mấy đặc khu cho thuê, phải trả lại cho Cambuchia thì toàn là người Tàu và tàu ở mấy đời ở đó, có chịu theo luật pháp khờ me hay đòi tự trị như ở Hong Kong? Trung Cộng hiểu vấn đề này nên cứ đi thuê đặc khu khắp nơi khỏi tốn công đánh nhau, chiếm đất.
Dân số Khờ Me nay là 16 triệu, Lào là 6.8 triệu, Trung Cộng chỉ cho 1% dân số họ qua mấy đặc khu là xem như trong tương lai, đi bầu phiếu phổ thông là người Tàu chiếm đa số. 75% dân số của Tây Tạng ngày nay là người Tàu sinh sông hay sinh ra tại đây. Muốn bầu cử là thua trước.
Phía bắc của Trung Cộng, nay có vấn đề là bị sa mạc hoá nên đất còn sử dụng được không còn nhiều. Xem mấy phim tài liệu của National Geographic thì thấy kinh khủng, tưởng tượng ngày nào Trung Cộng sẽ biến thành sa mạc như sa mạc Mông Cổ. Có dịp mình sẽ kể vụ này để thấy sự tàn phá của cuộc công nghệ hoá của Trung Cộng từ 30 năm qua.
Mình nhớ thầy Hứa Hoành giải thích là dòng sông Mekong khởi nguồn từ Tây Tạng rồi Trung Quốc mà họ gọi là “Lancang”, chảy xuống qua Thái Lan, Lào, Cambuchia và cuối cùng là Việt Nam, đỗ ra biển qua 9 nhánh sông mà người Việt gọi là Cửu Long (9 con rồng).
Trung Cộng cho xây đập đầu tiên Manwan, ( công suất 1,670 MW), được chạy vào năm 1993 và đập mới làm xong là Nuozhadu, (công suất 5,850 MW) năm 2014. 6 cái đập của Trung Cộng sẽ lưu trữ 23 tỷ mét khối nước, 28% lưu lượng hàng năm ở biên giới Trung Cộng và Thái Lan.
Ngay các khoa học gia Trung Cộng cũng công nhận sự tai hại tàn phá môi trường của mấy cái đập của họ nhất là cái đập lớn nhất thế giới của họ, đập Tam Hiệp mà thế giới cố gắng ngăn cản. Ngày nay, họ phải bơm nước,…(đọc bài mình kể về Tây Tạng).
Thấy ông tàu chơi đập thì ông Lào cũng bắt chước chơi đập, họ mới thông báo là đang xây cái đập thứ 3 trên sông Mekong. Các quan sát viên quốc tế cho hay là vào mùa mưa thì lưu lượng suốt 2,000 cây số giảm 1/2 trước đây.(2017)
Trong các loại năng lượng xanh thì điện gió, và mặt trời ít gây tổn hại cho môi trường còn các đập thủy điện thì tàn phá môi trường nhiều nhất. Dòng sông Mekong là con sông có thuỷ sản nhiều nhất thế giới mà nay mấy cái đập tàn phá môi sinh nên số lượng thuỷ sản giảm đi rất nhiều.
Vấn đề là các đập thuỷ điện này sẽ được dùng cho người Lào hay “người Tàu”. Trong tờ National Geographic, có bài về Miến Điện, họ đang xây cái đập to lớn mà 90% điện phát ra sẽ chuyển qua biên giới Trung Cộng. Dân Miến Điện đóng thuế kèm thêm những tác hại về môi sinh, để xây đập rồi mấy người Tàu hưởng . Mình đoán anh ba tàu theo kế “Tân Thực Dân” mà mình đã có kể, cho tiền mấy ông lãnh đạo Miến, rồi cho xứ này mượn tiền để xây đập rồi trả tiền lời bằng bán điện cho Trung Cộng. Họ không phải phá huỷ môi sinh ở Trung Cộng. Xong om.
Ngoài hãm nước lại, các đập còn tàn phá môi trường, các sinh vật như cá mà hàng năm người ta bắt được trên 2.6 triệu tấn cá, ước lượng 3.9 - 7 tỷ đô la.
4 nước ở hạ nguồn như Cambuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cũng chơi đâu 40 cái đập thuỷ điện và dự tính sẽ xây thêm 80 cái đập thuỷ điện khác.
Lào là nước chơi trội nhất: họ bắt đầu xây hai cái đập Xayabury (1,260 MW) và Don Sahong (260 MW) và mới đây đang khởi công cái đập Pak Beng (912 MW) theo tài liệu mình đọc năm 2017.
Dự tính của các xứ vùng này là xây 150 cái đập có chiều cao trên 15 mét.
Năm 1995, các nước hạ nguồn sông Mekong có thành lập một hiệp hội sông Mekong (Mekong River Commission) nhưng anh ba tàu và Miến điện không tham dự. Đến năm 2016 thì Trung Cộng có cho ra đời “Lancang Mekong Cooperation Mechanism” và 6 nước thuộc lưu vực dòng sông này ký kết, để tạo diễn đàn cho các nước thoả thuận với nhau về sử dụng dòng sông này.
Source: Timo A. Räsänen et al., Journal of Hydrology (2017).
Gần đây mình đọc báo ở Việt Nam có bài kêu là mực nước sông Mekong xuống thấp nhất từ xưa đến nay. (Xin trích)
“Theo stt mới nhất của Lê Nguyễn Hương Trà: Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission) vừa phát đi thông báo cho biết, mực nước trên sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo báo cáo Cục khí tượng và thủy văn Lào, ngày 18.7 mực nước sông Mekong tại khu vực Km4, Viêng Chăn chỉ đạt 70cm, thấp nhất trong vòng 50 năm qua; để lộ cả chân trụ cầu Hữu nghị số I Nongkhai.
Theo báo cáo Cục khí tượng và thủy văn Lào, ngày 18.7 mực nước sông Mekong tại khu vực Km4, Viêng Chăn chỉ đạt 70cm, thấp nhất trong vòng 50 năm qua; để lộ cả chân trụ cầu Hữu nghị số I Nongkhai.
Ảnh hưởng sẽ là khủng khiếp trước nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn. Sông cạn, ruộng khô, cây chết, đất đai sạt lỡ...
Tờ Bangkok Post 16.7 đưa tin, mực nước sông Mekong ở Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua - hiện tại là 2,6 m thấp hơn 10m so với điểm tràn nước trên bờ sông.
ĐBSCL Việt Nam, vùng hạ lưu Mekong đang đối diện nguy cơ thiếu nước và xâm mặn gia tăng, ảnh hưởng sẽ là khủng khiếp khi mực nước đang xuống quá thấp.
Ba nguyên nhân chính được đề cập làm suy giảm nguồn nước là: hạn hán, lượng mưa quá ít; việc giảm lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc); kế hoạch tích nước để chạy thử máy phát điện ở đập Xayaburi, Lào.
P/s: sau Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng, vào tháng 4.2019 Lào triển khai tiếp dự án thủy điện thứ tư là Pak Lay trên dòng chính sông Mekong, bất chấp phản ứng từ những quốc gia nằm trên dòng chảy và các tổ chức NGO. Theo kế hoạch, 7 máy phát điện của Xayaburi sẽ hoạt động chính thức từ tháng 10.2019.
Đối với Việt Nam, sông Mekong nuôi dưỡng hai vùng kinh tế trọng điểm là ĐBSCL và Tây Nguyên, với gần 60% tổng lượng dòng chảy hàng năm của Việt Nam và khoảng 23% tổng dân số cả nước. Các tác động tiêu cực xuyên biên giới của các dự án thủy điện Lào sẽ gây nhiều tác động nặng nề cho hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL.
Biển Đông, tàu Trung Quốc vẫn quậy. Đồng bằng SCL và Tây Nguyên gặp nạn. Sao nhà nước còn chưa đưa ra kế hoạch khẩn cấp giải quyết ? Sao còn có những ông trời vạch đám mây, kéo về cái kế hoạch trời sợ: làm đường sắt cao tốc Bắc Nam 58,7 tỷ đô la trong khi quá bức bách chuyện đồng bằng miền Tây đang có nguy cơ tan rã?” (Hết trích)
Vấn đề là 6 nước có con sông Mekong chảy qua nhưng hai ông thần ở thượng nguồn là Miến Điện và Trung Cộng không đếm xỉa gì đến các nước ở Hạ Nguồn nên không thể hợp tác để có sự đồng thuận về vấn nạn Mekong. Thêm ngày nay, Trung Cộng cho tiền hai anh Lào và Cao Miên, tạo dựng mối tình hữu nghị sông liền sông núi liền núi khiến Thái lan và Việt Nam ngọng. Tổ chức có 6 nước mà 4 nước theo anh tàu.
Mình có coi một phim tài liệu về Thái Lan vùng sông Mekong thì dân tình cũng chới với, môi sinh bị phá vở.
Bao nhiêu triệu người sống nhờ vào dòng sông này từ mấy ngàn năm qua. Nay họ phải bỏ làng bỏ quê đi tìm kiếm sinh sống khác ngoài nghề đánh cá gia truyền đánh cá,…
Hôm trước mình có xem một video của ông bác sĩ người Thái Lan, quay bằng Drone trên dòng sông Mekong ở thượng nguồn Việt Nam. Mùa mưa mà nước yếu, các phù sa thay vì được kéo ra biển để bồi đắp như ở Mũi Cà Mau Việt Nam thì lại tạo nên những ụ đất trên dòng sông như các cù lao nhỏ trên sông Mekong ở Thái Lan, thượng nguồn của đồng bằng sông Cửu Long. Ông này quay xong thì gửi cho đài truyền hình Thái Lan.
Lạ là bác sĩ, không dính dáng gì đến môi trường lại lo lắng còn những ai chuyên về môi trường thì coi như không có chi là đặc biệt. Mình có đọc vài bài của một ông bác sĩ gốc Việt, tên Ngô Thế Vinh, cũng viết sách báo kêu gọi vụ đồng bằng sông Cửu Long mà không thấy ai để ý cả. Mình đang đọc cuốn sách của ông ta về dòng sông Mekong. Hơi chăm vì không rành về phạm vi này.
Không có nước sông chảy ra biển thì nước biển (mặn) sẽ chảy vào các đồng bằng sông Cửu Long, tàn phá hết ruộng nương, vườn cây mà mình nghe kể khi xưa.
Việt Nam hiện nay là nước thứ nhì sau Thái Lan, xuất cảng gạo trên thế giới là nhờ đồng bằng sông Cửu Long, nay nước mặn vào thì người Việt hết có gạo mà ăn, đừng nói đến xuất cảng. Mình đọc đâu đó, cán bộ khuyến khích người dân trồng lúa trên núi như các người thượng du. Chán Mớ Đời
Vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.
Thái Lan trồng lúa mà nay thiếu nước nên họ đang dự tính sẽ trồng loại khác hay nuôi thuỷ sản,….mình đang theo dõi xem họ có dự án gì không để xem có thể áp dụng cho Việt Nam.
Thăm viếng sông Hậu có 2 ngày nhưng mình thấy cái cầu Cần Thơ do người Nhật Bản làm đã thay đổi kinh tế vùng này. Chiếc cầu giúp xe cộ di chuyển nhanh, không cần đến phà nên mấy cái chợ trên sông ít tấp nập hơn xưa rồi từ từ thế hệ con cháu sẽ bỏ cách sinh sống ở vùng nước để lên Sàigòn hay ở đâu đó tìm kiếm việc làm. Chỉ khổ là vào mùa mưa, Sàigòn lại chìm trong nước lũ. Chưa kể họ chặt cây ở Cao Nguyên.
Nay có thêm vụ sông Mekong bị chặn nước từ thượng nguồn thì chỉ có chết nếu không tìm ra đáp án, tạo dựng một lối kinh tế, văn hoá mới thì 10, 20 năm nữa vùng đồng bằng Cửu Long sẽ trở thành sa mạc hay chìm trong nước mặn.
Mình đọc lướt qua tập tài liệu của hai kỹ thuật gia gốc Việt, đệ trình nhưng không có ai nghe cả hay biết đến.
Kể tới đây thì mình chợt nhớ Sàigòn có sông Đồng Nai, bắt nguồn từ cao nguyên nhưng nếu họ chặt hết cây thì trong tương lai, Sàigòn cũng sẽ khốn đốn vì nước mặn sẽ chạy vào sông.
Thành phố Venise của Ý Đại Lợi có nguy cơ bị chìm dưới biển, cả thế giới chú ý đến và có xây dựng một hệ thống chống ngập.
Đọc báo Việt Nam thì thấy lãnh đạo vùng này đi Hoà Lan, không phải nghiên cứu xây đập mà học tổ chức xổ số tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân bán vé số để đánh thuế lợi tức.
Chán Mớ Đời