Máy truyền hình ngày xưa


Nếu mình không lầm thì máy truyền hình xuất hiện ở Đà Lạt từ khi quân đội Mỹ, đổ bộ vào Việt Nam sau khi đệ nhất Cộng Hoà bị lật đổ. Dạo đó ít thấy lính Mỹ ở Đà Lạt, ngoại trừ khách sạn Mộng Đẹp, ngay cầu thang lớn Chợ Mới, đối diện vũ trường La Tulipe Rouge. Bao cát chất đầy xung quanh, lính Mỹ, đứng trong phòng hay ngồi dọc theo cầu thang, đưa máy hình chụp đàn bà con gái đi xuống cầu thang hay huýt gió, cười nham nhở. Có lần có bà cô, em dâu của ông cậu, sinh viên Văn khoa ở Sàigòn lên chơi. Đi với mình ra chợ thì có mấy tên Mỹ chụp hình, la hét, bà cô này đi lại hỏi chụp thì nhớ gửi cho bà thì tên Mỹ bảo máy không có phim. Chán mớ đời!
Không biết trai hay gái 

Giải trí của dân thị xã Đà Lạt là đi xem xi nê tại 3 rạp Hoà Bình, Ngọc Lan và Ngọc Hiệp. Thường trước khi chiếu phim chính, mấy rạp xi nê câu giờ bằng chiếu mấy cái ảnh quảng cáo các cửa hàng ở Đà Lạt như tiệm đồng hồ Tiến Đạt ở khu Hoà Bình, bếp gaz Đức Xương Long, kem Perlon hay anh 7 chà Hynos, Winh Chan,..., rồi đến mấy phim thử, rồi phim thời sự của Bộ Dân Vận về các tin tức xã hội, chiếu mấy ông thủ tướng, tổng thống đi kinh lý, đa số là gắn bằng tưởng lục, lên lon cho cán bộ xây dựng nông thôn hay sĩ quan,..., hay các bà lớn đi ủy lạo các thương binh ở bệnh viện, tặng quà chiến sĩ mùa Xuân.

Dạo đó, có tiệm Việt Hoa, ở khu Hoà Bình, cạnh tiệm bán đồ mỹ phẩm Saigonnais của ông chà và và tiệm Công Đồng ở đường Minh Mạng, đối diện tiệm giày Mỹ Hưng là có trưng bày, bán máy truyền hình. Mình hay đi ngang vào buổi chiều, sau khi phụ bà cụ dọn hàng, đứng lại xem cái màn ảnh đen trắng, không có tiếng vì đứng ở ngoài tiệm nhìn vào, thèm thuồng phải chi nhà mình có một cái. Hình như ở đường Phan Đình Phùng có tiệm Việt Quang, đối diện nhà thuốc Tây Lâm viên, cũng có bán máy ảnh, radio,… lâu quá nên chỉ nhớ mang máng.

Sau Mậu Thân thì sau cơm chiều, mình và ông cụ ra phố ngủ ở nhà bà con ở đường Duy Tân vì sợ Việt Cộng gõ cửa ban đêm. Dạo đó, du kích đêm đêm hay về trên số 4, bắn trưởng ấp khu phố 2 hay bắt thanh niên tham gia mặt trận giải phóng miền nam hoặc các chuyến xe đò Đà Lạt - Sàigòn hay bị chận khoảng Phi Nôm hay dưới đèo Chuối Laba. Sau này có cái đồn Nhân Dân Tự Vệ ở đường Ngô Quyền, sau lưng trường Đa Nghĩa nên bớt lo. Có dạo đêm Việt Cộng đánh đồn, bắn phá, ông cụ mình dậy, lấy súng ra, nằm canh đợi với mình và bà cụ nên sau này thằng Tuấn trên đường Thi Sách, học Văn Học chung với mình rủ đi nhân dân tự vệ, gác chỗ đồn ở gần số 4 là mình chạy làng. Được vài tháng thì thằng Tuấn bị đôn quân. Mình thì có giấy tờ nhân dân tự C vệ ở kHu Phố I do ông Ngô La ký. Khỏi phải đi gác hay có súng gì cả.

Mình thích nhất là ngủ lại đêm ở nhà dì Huê, con ông bà Nguyễn Văn Ngạch ở dưới chợ Mới, bên cạnh tiệm Bình Lợi. Lý do là nhà này có cái máy truyền hình, ông chồng dạy trẻ ở dốc Nhà Làng, cạnh đường hẻm từ đường Duy Tân đi xuống, sau này bị động viên thì ông chồng dì Huê trốn lính, ở trong nhà đến khi Đà Lạt thất thủ, mới ra làm CM30.

Khúc dãy nhà này trên cao nên bắt được hình khá rõ. Thật ra mình chỉ ngủ lại nhà này đâu 1 đêm với thằng con nuôi của dì Huê, được xem truyền hình đài quân đội Mỹ. Tối đó hình như có Đô Vật, nghe tiếng Mỹ tá lả. Nhà mình không có máy truyền hình nhưng biết mấy chương trình của đài quân đội Mỹ vì đọc báo hàng ngày, có đăng và bình luận về Mission Impossible, Bonanza, Vic Morrow,.... Hình như có mấy báo hoạt họa, điểm lại những feuilleton này, lâu lâu mình hay đọc ké ở sập báo dưới chợ hay nhìn trang bìa. Nếu chủ sập báo đưa mắt đi chỗ khác là đọc ké ở trong. Sau này họ còn in hình mấy phim này để bán cho con nít chơi dít hình.

Nhà bà Vinh ở cuối xóm mình là nhà đầu tiên có máy truyền hình. Ông Vinh làm văn phòng Kiều Lộ, lo về danh bạ, lưu hành xe cộ nên hay được thiên hạ cho tiền để ký giấy tờ nên xem như khá giả nhất xóm. Sáng nào cũng thấy bà Vinh, kêu mấy gánh hàng rong vào nhà để mấy đứa con bà ăn sáng khiến đám con nít trong xóm như mình, thằng Đắc, Thằng Khánh Ù,...đứng xa xa coi cọp đám con bà này ăn sáng tương tự như Audrey Hepburn trong phim Sabrina, leo cây nhìn con chủ nhà đang ăn tiệc. Có lần thằng Đắc đứng cạnh cứ nuốt nước miếng ực ực khi thấy thằng Tiến, húp Tô bún bò của bà Cháu. Bà này người Huế, gánh hàng rong bán bún bò Huế nhưng lúc nào cũng bận áo dài.

Nhà bà ta ở đâu bên ấp Mỹ Lộc, gần ngã ba chùa. Mỗi lần bà gánh lên dốc chổ nhà mình đến đường Thi Sách là một nghệ thuật. Cái đòn gánh trên vai nằm chênh vênh, bà lấy tay giữ hai cái quang dây, đựng cái nồi bún bò và các đồ cần thiết để bán bún, bận áo dài, cái vạt áo được quàng lên vai, dáng đi khoan thai, lâu lâu nhổ bãi trầu cái phoẹt, đưa bộ hàm răng đen, rồi đưa cái tay quẹt nước trầu bên mép miệng. Cái quang dây phía sau đựng mấy cái tô, cái soong nước để rửa tô, phía trên là cái mẹt, đựng rau, bún, móc thêm mấy cái đòn nơi cái quang dây, để khi khách hàng đến, kéo đòn ngồi húp nước bún bò cay.

Thằng Tiến, con bà Vinh, thua mình 1 tuổi, con nít trong xóm rất ghét thằng này vì cái tánh "trảng bom" của nó cũng như mẹ nó không chơi với ai trong xóm vì sợ hàng xóm mượn tiền. Hồi bé, mình đã biết căm thù con cháu nhà giàu, bốc lột dân bán hàng rong. Cứ mỗi sáng chủ nhật là nó kể cho lũ con nít trong xóm, trong đó có mình về chương trình ca nhạc, kịch đêm qua mà gia đình nó được xem trên đài truyền hình. Mình tuy ghét nó nhưng vẫn chu mõm, ngóng tai nghe nó kể Nhật Trường, Thanh Lan hát Người ở lại Charlie ra sao, Tuý Hồng đóng kịch, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền với những tình khúc về lính. Nó càng say sưa kể tới đâu thì cả đám con nít há mồm nghe tới đó. Thằng nào mà làm trâu ngựa, bợ đít nó thì được nó cho đứng ở ngoài cửa sổ, coi cọp. Còn những tên như mình thì không bao giờ nó cho vào khuôn viên nhà của nó.

Nhà thằng này có làm cái garage phía đường Thi Sách, đối diện nhà nhổ răng Nguyễn Văn Nghi, kê cái bàn pingpong nên dân trong xóm hay ghé lại đánh. Mình hay ghé lại đánh để trả thù cái mặt vênh váo của nó, kể chuyện đài truyền hình.

Thằng này có cái tật rất nhan hiểm mặc dù đi hướng đạo Lâm Viên, cứ thua là nó giả bộ đánh, vô ý hụt tay rồi quăng cái vợt vào mặt mình may là không bao giờ trúng. Ông già nó thì thích mình nên ông ta cho mình đánh vì tên Tiến này lấy quyền làm chủ con để đuổi mình về. Dạo đó mình coi như độc cô cầu bại, không có ai hạ mình trong xóm. Ngay ông Hoè, bảo hiểm ở đường Phan Đình Phùng, gần dốc Minh Mạng, cựu vô địch Đà Lạt vẫn bị mình hạ. Ông này hay sang nhà ông Vinh, để cầu cạnh cho mấy cái xe do công ty của ông ta bán bảo hiểm, được đăng bộ thuế lưu hành cho năm mới.

Nếu mình không lầm thì thằng Vinh Kennedy, em của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, ở đường Calmette và anh Thành "Bồn lừa" của THĐ, con dì Ba Ca trên số 4, dạy mình đánh bóng bàn ở nhà ông Nghi. Dần dần mình hạ hết mấy tay chơi trước mình như ông Đức, em của ông Nghi, anh Toàn con ông Tô, đánh cho đội tuyển THĐ. Dạo đó mình hay bốc phét, đánh được chiêu nào là nói đây cú chụp bóng của Lê Văn Inh, cú đỡ Mai Văn Hoà,...mà mình chưa bao giờ thấy mặt mũi của hai tuyển thủ, chỉ thấy qua báo chí. Sau đó lớn lên một chút thì mấy tên như Đinh Gia Lành, anh Toàn,.., rủ mình đánh quần vợt trên ty công chánh ở đường Pasteur nên bỏ luôn bóng bàn từ dạo đó.

Mình thèm cái máy truyền hình nên hay hỏi ông cụ sao không mua máy cho cả nhà xem. Mình thấy ông cụ dẫn đi xem máy ở tiệm Việt Hoa và Công Đồng, trả giá bú xua nhưng cuối năm 1967, ông cụ thuê xe Lam, chở cái máy nghe đĩa hát và radio về nhà thay vì cái máy truyền hình làm mấy anh em tiêu nghỉu. Ông cụ mua được mấy cái đĩa 45 vòng của ban nhạc AVT và Hùng Cường, Mai Lệ Huyền về. Ông cụ mỗi tối mở đài BBC để nghe tin tức rồi mở mấy cái đĩa nhạc AVT. Vài tuần sau là tổng công kích Mậu Thân nên cái máy này rất quan trọng để được nghe tin tức.

Mình nghe ông Kỳ tuyên bố, kêu gọi nhân dân cán chính đi nghỉ Tết, đến trình diện tại các nơi hành chánh của địa phương..

Ngày mồng 3 Tết, gia đình dì Ba Ca, cháu kêu Mệ ngoại mình bằng dì ở trên số 4, thấy trái bom không nổ trước sân nhà nên bỏ chạy, tản cư xuống nhà mình. Mỗi tối, sau ăn cơm thì hai gia đình mình và dì, ngồi nghe đài BBC rồi mấy đĩa hát AVT như 3 bà mẹ chồng, em tập Vespa,..đến khi đi ngủ. Cũng từ dạo đó mình bắt đầu nhái giọng Huế, Bắc, Quảng,...theo mấy ông thần AVT. Chiều nào cũng ngồi nghe đi nghe lại 3 lần 4,5 cái đĩa rồi cả đám cười. Hạnh phúc thật đơn sơ dù có chiến tranh.

Có lần đi dọn hàng cho bà cụ về, đi qua Dốc Nhà Làng thì thấy bà con bu đông nghẹt trước một căn nhà. Tò mò ghé lại thì ua chao ơi, trong nhà có cái máy hình nhỏ xíu độ 12 inches nhưng lại có màn ảnh màu multicolor. Đó lần đầu tiên trong đời, mình thấy máy truyền hình có màn ảnh màu. Mình đứng mê mẩn nhìn đến tối mới về nhà nhưng chả thấy gì cả vì đứng ở ngoài, khá xa nhưng vẫn sung sướng.

Sau này vì sợ đám dốc Nhà Làng đánh nên mình đi về nhà theo ngõ Tăng Bạt Hổ, xuống Minh Mạng để tránh góc này. Mùa hè đỏ lửa xong thì bà cụ mình đem về cho cả nhà cái máy truyền hình 18" cũ.

Ai đó thiếu nợ bà cụ nên họ đưa cho cái máy để trừ nợ. Chắc con của họ căm thù bà cụ mình. Ông cụ mình kêu anh Dũng, anh của thằng Phương học 11, 12 B với mình, ở trong hẻm Nữ Công gia Chánh đến gắn cái ăng ten. Anh chàng này lấy mấy cái ống nước đâu với nhau lại rồi dựng lên trên ban công nhà mình, dùng mấy sợi dây kẽm để giữ cho cây khỏi ngã. Xoay qua xoay về mới thấy hình hơi rõ nhất, có mấy hột trắng hột đen li ti nhấp nháy.

Dạo đó nhà nào có cái ăng ten là được xem đẳng cấp. Sau đó mỗi lần gặp thằng Tiến, mình đều chỉ cái ăng ten nhà mình cao hơn nhà nó nên chiến tranh lạnh giữa mình và nó bắt đầu từ đó đến khi gia đình nó xây cái nhà to đùng và dọn về ở gần Chi Lăng. Ba nó bị bắt vì tội tham nhũng, ở tù mấy năm, chạy chọt khẩm bạc, của ông trả địa. Ông ta ăn tiền của người ta mà lại không dấu, đem tiền ra xây cái nhà to đùng. Lương công chức, vợ không đi buôn bán, 6 người con nên bị điều tra. Như ai nói sau lưng một người đàn ông thất bại là một người đàn bà ngu dại vì xúi dại.

Nghe nói đâu sau 75, nó làm giáo viên chi đó. Tên này là một trong những người hàng xóm mà mình không bao giờ muốn gặp lại.

Có truyền hình thì buổi chiều mình bớt đi chơi đánh bi da. Ở nhà coi Đố Vui Học Đường,... Mình thích nhất là coi đá banh. Năm 74, có giải vô địch túc cầu ở Tây Đức nên toà đại sứ Tây Đức cho VIỆT Nam Cộng Hoà mượn mấy cuốn băng thu trong giải vô địch nên nghe tiếng Đức mệt nghỉ. Đó là lần đầu tiên mình thấy các thần tượng Rivelino đá nhưng thật ra thì coi hình không rõ chỉ lờ mờ, tối nào mà có mưa bão là coi như hết thấy hình. Dạo đó các máy truyền hình xem trực tiếp từ đài Sàigòn nên không rõ, hình như sau này họ làm cái đài tiếp vận ở Đà Lạt, rồi qua ngày sau phát lại nên rõ. Lúc đó mình đã đi Tây.

Có máy truyền hình thì nhà mình tối thứ 6, thứ 7 đông như hội. Các gia đình trong xóm ghé lại coi cải lương, ca nhạc kịch khiến mình lâu lâu cứ ngắm mấy cô láng giềng nức nở, cứ thấy bụ mấy o nhô nhô ra u chầu u chầu khiến mình bị cận thị, phải đeo kính Anh Lân ở khu Hoà Bình. Bà cụ mình lâu lâu kêu một cô: “Sau này làm dâu Bác nghe” làm mình sướng rên mé đìu hiu. Mấy người lớn thì ngồi trên ghế còn con nít là ngồi dưới đất, trầm trồ, vỗ tay mỗi lần Minh Cảnh hay Ngọc Giàu xuống một câu vọng cổ hay ai đó cứ hát bài. Ai cũng khóc nức nở khi xem Con Gái Chị Hằng. Mình tự hứa là nếu lấy một cô láng giềng đẹp như Thanh Nga thì sẽ không bao giờ bỏ vợ như ông cò quận 9. Khách tới nhà xem truyền hình lại phải mời nước, bánh trái đủ trò nhưng mình thích lắm, cứ thấy mấy con nhỏ hàng xóm chu mõ ra nhai bánh của mình đưa là hạnh phúc.

Lúc nhà mình có máy truyền hình thì quân đội Mỹ triệt thoái khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris nên không còn đài truyền hình Mỹ nữa, hình như họ dùng làm đài quân đội thì phải. Rồi trời ị trúng đầu, mình đậu Tú tài lại được đi Tây nên quên bố mấy cô láng giềng.

Sang Tây thì mình thích nhất coi đá banh, các giải vô địch đội tuyển Âu Châu nhưng không có máy truyền hình nên tối thứ tư là sau khi ăn cơm ở đại học xong thì trên đường về, ghé lại Champs Élysées để coi đá banh vào lúc 8 giờ tối. Dạo ấy, có một tiệm Locatel, có dịch vụ cho thuê máy truyền hình nên họ trưng bày mấy cái máy hiệu Sony nên thiên hạ như mình, không có máy truyền hình đều ghé lại xem đá banh. Đa số là người ả rập.

Trời mùa đông, lạnh cóng phải đứng ngoài trời xem. Coi xong thì đi bộ về nhà, hứng hứng thì mua một gói hạt dẻ mà mấy tên Á Rập rang trong cái chảo to. Đói thì làm ổ bánh mì với merguez, một loại lạp xưởng của dân Á Rập, trét với Harissa, ớt cay xé lưỡi. Sau này quen đám bạn cũng mê đá banh nên được mời ghé lại nhà tụi nó coi đá banh.

Ngày nay thì coi trên iPad, iPhone, máy điện toán, thâu trước rồi khi nào rảnh coi. Đủ loại máy móc khiến mình không biết chọn cái nào. Nhiều khi nghĩ lại chặng đường đi qua, những buồn vui, bị xua đuổi như ăn mày khi coi cọp máy truyền hình của nhà thằng Tiến, đến những đêm Đông xem các đội Sainte Etienne, Liverpool,...đá giải Âu Châu, trên đại lộ ánh sáng của thủ đô Pháp. Nếu có kể cho tụi con thì chắc tụi nó sẽ như bò đội nón, chả hiểu mình nói cái gì. 50 năm từ cái màn ảnh đen trắng, xem Appollo 11 đổ bộ cung trăng đến cái iPhone, quả là thần diệu. Nói đến phi thuyền Appollo 11, dạo đó mình bắt đầu đi học anh văn ở hội Việt Mỹ, thấy họ in cho huy hiệu Appollo mệt thở. Cứ tưởng tượng 50 năm về trước, thằng Tiến đưa cái iPhone cho mình xem, nếu nó bắt mình làm đầy tớ, nô lệ cho nó thì chắc mình sẽ nghĩ gì.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét