Domaine de Marie, Đàlạt

Trong cuốn Récits et lettres d'Indochine et du Vietnam 1927-1957, của Jean Le Pichon, có nói về giai thoại sự thành lập tu viện "Domaine de Marie" của thành phố Dalat, cách nhà mình vài trăm thước. Dòng tu này thuộc dòng tu “ l'ordre des Filles de la Charité - Saint Vincent de Paul (http://www.filles-de-la-charite.org/fr/)

Họ có đăng tấm ảnh chụp ngay đường Calmette, trước bệnh viện Nhi Đồng, khiến nhiều kỷ niệm trôi dạt về. Năm 1968, một cậu em mình bị bệnh, nằm ở đây khiến mình lên ngủ, ở lại đêm trông em rồi khi em qua đời, phải đem em về trong giờ giới nghiêm. Chỗ này, mình hay đá banh với đám con bà sơ, hay bị chúng ăn hiếp, thêm có thằng Cu bò, nhà ở Abattoir, đem bò lên đây ăn cỏ, mình xin nó phân bò về để trồng rau sạch 🙂

Dòng tu này được xây trên 22 mẫu đất, nay chỉ còn đâu 3 mẫu, còn bao nhiêu bị Hà Nội chiếm lấy. Nghe kể, ngày nay vẫn còn độ 27 bà sơ, nuôi đâu 300 trẻ em. Theo cuốn sách kể, trong thời pháp thuộc, đã có sự hiện diện các sơ người Pháp, khắp miền nam. Họ phát hiện nhiều thiếu nữ người Việt muốn đi tu, theo tiếng gọi của Thiên Chúa nên dòng tu này mới cử sơ Durand sang Việt Nam năm 1940, và sơ Sirjacq làm phụ tá để tìm một nơi để thành lập tu viện của dòng tu, để huấn luyện các tập sinh người Việt.

Nghe sơ Durand kể: bà ta đi xe ngựa, viếng các địa điểm xung quanh Đàlạt mà chính quyền thực dân đề nghị nhưng không thích, rồi khi đến một ngọn đồi xa thành phố thì bà ta kêu: : "ça y est, c'est là !". Ngồi viết kể lại thì mới nhớ là nhà mình, nhìn phía tay phải thì thấy nhà thờ Tin Lành, ở đường Hàm Nghi, còn nhìn phía tay trái thì nhà thờ Domaine De Marie. Nhìn phía trước thì thấy chùa Linh Sơn. Sáng nghe tiếng chuông chùa, mùa đông thì nghe kermesse của mấy bà sơ, lâu lâu thì nghe loa đài nhà thờ Tin Lành, rao giảng khiến mình không biết theo đạo nào đến khi lấy vợ mới ngã theo đạo Thờ Bà.
Domaine de Marie dạo mới thành lập, chụp từ góc, sau này  là đường Calmette 
Bà sơ Durand kể là khi họ đi lên đồi, bà ta quyết định sẽ xây thánh đường trên đồi này, còn nhà để dạy các trẻ em lai, tu viện ở phần dưới, rồi trường dạy y tá, toàn khu vực sẽ được gọi là Domaine de Marie và nhờ thừa phát lại mua đất với giá rẻ vì thuộc về chính quyền thực dân.

Cuối tháng 10 năm 1941, 30 nữ tập sinh (novice) đến nhà dòng. Không biết người công giáo dịch ra sao từ “Novice” vì mình nhớ ở gần đèo Prenn, có một chủng viện thừa sai thì phải, nơi mấy thanh niên đi tu, theo tiếng gọi của Thiên Chúa, hình như họ học ở trường Lasan Adran. Cuối tháng 11 năm 1942 thì có đến 60 nữ tu, có một cha bề trên của dòng Lazare, đến từ Ethiopia, cha Bringer. Cha Bringer và sơ Sirjacq giảng dạy những thế hệ nữ tu người Việt đầu tiên. Sau này, khi bị Việt Minh đàn áp nhưng các nữ tu này rất can đảm, làm kẻ thừa sai của Chúa, vẫn tiếp tục giảng dạy các nữ tu trẻ và chăm sóc những đứa bé mồ côi.

Sơ Durand rất cởi mở với những vấn nạn xã hội. Sơ muốn huấn luyện các nữ tu, có khả năng giúp đỡ những người nghèo. Vấn nạn của trẻ em lai, bị gia đình bỏ rơi khắp Đông Dương, được khuyến khích đem về đây để dạy dỗ rồi sẽ cho về Pháp, để các gia đình pháp nuôi hay cho vào các tu viện khác.

Chương trình này được bảo trợ bởi ông William Bazet, một trong những người chủ đồn điền, giàu có nhất Đông Dương dạo ấy. Ông này cũng là con lai hai dòng máu.

Ngoài ra, có bà Graffeuil, vợ của toàn quyền Pháp mới qua đời, bà ta đến ở tại Đàlạt, và nhiệt liệt hưởng ứng, giúp đỡ đóng góp vào sự hình thành dòng tu này. Đã giúp đỡ hàng ngàn trẻ em bất hạnh tại Đông Dương.

Khi toàn quyền Decoux viếng thăm sơ Durand, biết được ý định giúp đỡ các trẻ em bị bỏ rơi khiến bà Decoux, xúc động và tiếp tay giúp sơ Durand, thành lập chương trình huấn luyện, dạy thể thao mà toàn quyền Decoux đang thi hành khắp Đông Dương để người bản địa lo chơi thể thao thay vì chống đối, tham gia Việt Minh, chống lại chính quyền thực dân.
Khuôn viên của Domaine de Marie gồm 20 hectare nay chắc ít hơn
Bà Decoux, vợ của toàn quyền Jean Decoux từ năm 1940-1945, được chôn tại dòng tu này khi bà ta bị tại nạn xe hơi, khi viếng thăm vua Bảo Đại năm 1944. Lần trước về Đàlạt, mình có ghé lại thăm và có thấy mồ của bà ta cạnh nhà thờ.

Hình như Đàlạt có hai nữ dòng tu là Domaine de Marie và Couvent Des Oiseaux, chăm lo dạy học. Domaine De Marie thì lo giáo dục, nuôi con lai bị bỏ rơi,… còn Couvent Des Oiseaux thì lo giáo huấn con ông cháu cha của người Đông Dương và con cháu thực dân do bà hoàng hậu Nam Phương, vợ của vua Bảo Đại, khởi xướng. Mình chỉ nhớ Đàlạt có rất nhiều dòng tu nhưng dạo đó không hiểu vì không phải công giáo, như Đa Minh, Don Bosco, đâu gần nhà mình.

Hồi nhỏ, mình có chơi đá banh với đám con bà sơ ở Domaine de Marie. Mỗi năm gần giáng sinh thì các sơ ở đây tổ chức kermesse, hội chợ từ thiện để kiếm tiền nuôi các trẻ em mồ côi. Mình nhớ có một tên tây lai, to con mà trong xóm mình hay gọi nó đồ tây lai nên mỗi lần đi hội chợ ở đây là sợ gặp nó nên lúc nào cũng gặp phải đi đông. Khi xưa thì nuôi con lai tây, sau này thì con lai mỹ. Hôm trước, có anh chàng kể trên mạng là khi xưa ở học ở đây, lớn hơn mình mấy tuổi, chắc là một trong những tên khi xưa ăn hiếp mình. Sau này, mình thấy mấy bà sơ chở đồ mỹ viện trợ như áo quần cũ đem ra chợ bán. Dạo ấy, ốm cà tong cà teo nên bận đồ tây hay mỹ vào chẳng vừa nhưng thèm.

Hồi nhỏ không để ý, lần trước về Đàlạt thì mình có bò lên đây, đi tìm lại những dấu vết ngày xưa, từng lên đây đá banh hay đi hội hợp từ thiện thì mới để ý đến cái nhà thờ trên đồi. Kiến trúc làm theo kiểu tây, do kiến trúc sư pháp tên Evariste Jonchère thiết kế năm 1943.

Trong nhà thờ có bức tượng của đức mẹ đồng trinh treo trên tường do bà vợ toàn quyền Decoux tặng do chính ông Jonchère, nguyên hiệu trưởng trường Mỹ Thuật Đông Dương (Ecole des Beaux Arts d’ Indochine thực hiện. Nghe nói cao đâu 3 thước. Lối kiến trúc có lẻ bị ảnh hưởng các nhà rông, của người dân tộc ở vùng cao nguyên trung phần. Mình rất ngạc nhiên về cấu trúc khá hay cho thời kỳ đó.


Thông thường, nhà thờ đi vào là đi thẳng vào cửa chính điện nhưng đây thì lại phải leo lên hai cầu thang hai bên, khá cao chắc độ 3 mét. Có lẻ ông kiến trúc sư muốn làm theo hình ảnh Nhà Rông của người thượng, sinh sống tại cao nguyên. Nếu mình không lầm thì Nhà Rông là nơi sinh hoạt tập thể của người thượng sinh sống trong buôn, tương tự cái đình của người kinh. Nhà được xây theo lối nhà sàn, hai tường được xây tụ lại trên cao, là cách sử dụng thiên nhiên, để làm ấm hay mát trong nhà tuỳ khí hậu của mùa. Có nhà thờ Cam Ly cũng dựa theo nhà Rông cảu người Thượng tỏng vùng, rất đẹp. Mình có kể rồi.

Phía dưới thánh đường, được xây bằng đá men, mình không biết là nơi để làm gì, chỉ biết cửa nhìn ra tu viện phía trong. Họ xây như các sous sol của nhà bên Pháp, giúp ấm vào mùa lạnh tương tự các vùng đông bắc, người ta phải xây hầm dưới nhà để giữ nhiệt độ vào mùa đông nếu không thì mở sưởi quanh năm vẫn lạnh cóng.

Cái tháp chuông thì được xây phía sau nhà thờ, đâu lưng của tu viện (cloitre), không đồ sộ như nhà thờ con gà, nhẹ nhàng cho khung cảnh tu viện.

Mình thấy cấu trúc bên trong được làm bằng gỗ khá đẹp, bị ảnh hưởng của kiến trúc vùng Normandie của Pháp quốc. Không biết ông kiến trúc sư Jonchère là người gốc Normandie hay không. Có dịp mình kể về sự thành hình của Đàlạt và các biệt thự kiểu pháp để hiểu tư duy của người pháp tại Việt Nam khi thành lập thành phố này.

Trong cuốn sách nhỏ “Métis et Congaies d'Indochine” của ông Douchet, xuất bản năm 1928, nói về vấn nạn, hậu quả của chế độ thực dân; con lai và me tây. Tác giả muốn nói đến vấn nạn xã hội của những người trẻ, đàn ông Pháp sang Đông Dương.

Nhớ dạo mình sang Ma rốc, mấy người lớn nói là coi chừng phụ nữ xứ này. Các coopérant trẻ, là chìa khoá để cho mấy cô được thoát khỏi xã hội ràng buộc của hồi giáo. Dạo ấy, thanh niên pháp phải đi quân dịch 1 năm, ai không muốn đi quân dịch, có bằng đại học thì được đi làm coopérant ở phi châu hay á châu, đa số là dạy học trong các trường như Yersin Đàlạt hay đại học. Mình có gặp một cặp Tây- Ma rốc. Tên tây đi làm cho chính phủ Pháp, lấy vợ ma rốc, rất đẹp. Cô này kể là đi ngoài chợ với chồng, bị người ma rốc chửi là đỉ điếm, tương tự người Việt kêu mấy bà khi xưa lấy chồng Tây là Me tây hay gái bán ba thời mỹ. Cô này chỉ mong hết thời hạn làm việc cho chính phủ để về tây sinh sống, thoát khỏi văn hoá hồi giáo, nghiêm khắc đối với phụ nữ.

Người ta nói người tây trẻ sang thuộc địa làm việc. Có thể vì tuổi trẻ nên muốn giang hồ, làm việc vài năm rồi trở về Pháp quốc. Xa xứ buồn, gặp mấy cô người Việt để thoả mản sinh lý, có người nấu ăn, giặt quần áo,…rất tiện lợi. Có con thì sau này họ trở về pháp, bỏ rơi bà vợ và con cái. Mấy bà Me tây ở lại nhất là sau khi Việt Nam dành độc lập thì không còn được chính quyền bảo hộ bảo vệ, hay cho con vào các cô nhi viện, để làm lại cuộc đời. Trong xóm mình khi xưa, có một tên Tây lai, hay đi chơi với mình, đi học Thái Cực Đạo chung được 3 năm đến khi hắn biến mất, chắc đi lính. Bà mẹ một thân một mình nuôi con.

Ông Douchet thanh loại ra 4 loại con lai tại Việt Nam:
1/ nhóm con lai bị bố bỏ rơi, sống trong cộng đồng người Việt như trường hợp tên Minh Tây Lai ở xóm mình.
2/ nhóm con lai bị bố bỏ rơi và được hội Société des enfants métis abandonnés đem về nuôi.
Hai nhóm này thì người cha tây không sợ bị tù, chắc dọt về Tây rồi.
3/ nhóm con lai được bố tây nuôi, có hôn thú với người mẹ Việt. Nhóm này thì người cha không bị tù nhưng bị xã hội pháp đàm tiếu, người da trắng mà lấy người hạ cấp da vàng.
4/ Nhóm con lai được bố tây nuôi nhưng không có hôn thú với người mẹ Việt. Có thể đã có vợ con ở Pháp quốc, đợi ngày hết hạn thì về tây.

Người phụ nữ Việt Nam, Me Tây, bồ bịch với tây được gọi là “congaie”, có cả động từ như “encongayer”,… do cụm từ “Con Gái”. Ông ta cho rằng mấy Me tây sinh sống với người pháp kiều vì quyền lợi kinh tế nhiều hơn là tình yêu. Đa số là phụ nữ ít học, thuộc giới lao động vì các cô thuộc gia đình giàu có thì khó mà được gia đình chấp thuận cho lấy chồng ngoại quốc.

Ông ta cho rằng lúc khởi đầu cho cuộc tình, hay sống chung với Congaie thì mấy bà, mấy cô rất nhẹ nhàng, chìu chuộng như bài hát “La Tonkinoise” (cô bắc kỳ). Từ từ thì mấy bà mấy cô này, lột xác ra, trở thành bà chằng. Cái này thì mình đồng ý, đồng chí gái khi xưa rất nhẹ nhàng đến khi lấy nhau về thì vỗ bướm, kêu đây là đảng, tui là nhà nước còn anh là nhân dân.

1 -
Pour que j'finisse mon service
Au Tonkin je suis parti
Ah! quel beau pays, mesdames
C'est l'paradis des p'tites femmes
Elles sont belles et fidèles
Et je suis dev'nu l'chéri
D'une petite femme du pays
Qui s'appelle Mélaoli.
Je suis gobé d'une petite
C'est une Anna (bis) une Annamite
Elle est vive, elle est charmante
C'est comme un z'oiseau qui chante
Je l'appelle ma p'tite bourgeoise
Ma Tonki-ki, ma Tonki-ki, ma Tonkinoise
D'autres me font les doux yeux
Mais c'est elle que j'aime le mieux.
- 2 -
L'soir on cause d'un tas d'choses
Avant de se mettre au pieu
J'apprends la géographie
D'la Chine et d'la Mandchourie
Les frontières, les rivières
Le fleuve Jaune et le fleuve Bleu
Y'a même l'amour, c'est curieux,
Qu'arrose l'Empire du Milieu.
C'est moi qui suis sa petite
Son Anna-na, son Anna-na, son Annamite
Je suis vive, je suis charmante
Comme un p'tit z'oiseau qui chante
Il m'appelle sa p'tite bourgeoise
Sa Tonki-ki, sa Tonki-ki, sa Tonkinoise
D'autres lui font les doux yeux
Mais c'est moi qu'il aime le mieux.
- 3 -
Très gentille c'est la fille
D'un mandarin très fameux
C'est pour ça qu'sur sa poitrine
Elle a deux p'tites mandarines
Peu gourmande, elle ne d'mande
Quand nous mangeons tous les deux
Qu'une babane c'est peu coûteux
Moi j'y en donne autant qu'elle veut.
- 4 -
Mais tout passe et tout casse
En France je dus rentrer
J'avais l'coeur plein de tristesse
De quitter ma chère maîtresse
L'âme en peine, ma p'tite reine
Était v'nue m'accompagner
Mais avant d'nous séparer
Je lui dis dans un baiser:
Dernier refrain:
Ne pleure pas si je te quitte
Petite Anna (bis) p'tite Annamite
Tu m'as donné ta jeunesse
Ton amour et tes caresses
Tu étais ma p'tite bourgeoise
Ma Tonki-ki, ma Tonki-ki, ma Tonkinoise
Dans mon coeur j'gard'rai toujours
Le souv'nir de nos amours.

Dạo ở Pháp, mình tình cờ nghe được bài này do Josephine Baker hát, sau đó thời youtube thì mò ra Maurice Chevalier hát khi xưa. Nói lên, thân phận người tình hờ ở Việt Nam của mấy tên pháp sang thuộc địa làm việc cho chính quyền bảo hộ.
Tu m'as donné ta jeunesse
Ton amour et tes caresses

Vấn đề là người pháp lấy vợ Việt Nam chính thức với hôn thú, thì người Pháp ở Đông Dương thường nói với nhau, như ký tờ giấy khai tử của họ vì trên pháp lý, người vợ việt có quyền lãnh hưu trí của chồng nên có nhiều trường hợp ông chồng Pháp quốc bị đầu độc, lăn ra chết để cô vợ người Việt lãnh lương bổng và gia tài của chồng cả đời. Mình đoán chắc Việt Minh, cho người tuyên truyền, chiêu dụ mấy me tây như trong phim Indochine. Nghe nói có nhiều người pháp lấy vợ Việt Nam bị mất tích rất nhiều. Có người pháp hay đau nên tự hỏi không biết bà vợ có “ma gà” hay không vì theo dị đoan của người Việt nhất là người Thổ ở vùng Lạng Sơn,.. Hay sử dụng bùa ngải để hại người khác.
Không ảnh khuôn viên Domaine de Marie, chắc chụp khi năm Mậu Thân, Việt Cộng chui vào đây tử thủ

Bà Marguerite Duras, có kể trong cuốn “L’ amant”, nói về liên hệ của bà ta, một người pháp tại Việt Nam và một người đàn ông gốc Hoa ở Sadec. Trong cuốn phim thì thấy đẹp nức nở nhưng khi mình viếng Sadec, ngôi nhà của “người tình” thì không thấy to tát gì lắm. Cho thấy ngày xưa, tình yêu giữa người Pháp và người Việt rất ít xẩy ra.

Ngày xưa, thấy dòng tu này nuôi trẻ em lai nhưng không hiểu vì sao. Nay thì mới hiểu lý do mấy bà vợ của các toàn quyền Tây, ủng hộ sự thành lập tu viện này, để nuôi các hậu quả của nền đô hộ thực dân. Tương tự sau này có mấy làng như S.O.S của người Đức, nuôi các trẻ em lai mỹ, hệ quả của chiến tranh Việt Nam. Hình như có một người đức gốc việt, được một gia đình đức nuôi, sau này làm bộ trưởng của xứ Cộng Hoà Đức quốc.

Đồng chí gái có quen một chị, con lai. Nghe chị ta kể khi sinh ra tại Việt Nam, khổ lắm vì không biết cha là ai, lại lai mỹ đen. Bị bạn bè, hàng xóm đánh đập, chửi mắng. Nhất là Hà Nội xem chị ta là tàn tích của chế độ đế quốc mỹ xâm lược nên đì chết bỏ. Sau này, được Hoa Kỳ nhận nên biết bao nhiêu người đến nhận làm con nuôi để được di dân qua Hoa Kỳ. Qua đây rồi, họ bỏ chị ta nên phải tự lo. Sau này, có tìm lại được ông cha và mấy người em cùng cha khác mẹ rất tử tế với chị ta, khác với người Việt, anh em họ hàng người Việt của chị.

Mình nhớ khi mới sang Hoa Kỳ làm việc, ở New York có vấn nạn các trẻ em lai, được Hoa Kỳ nhận đem về mỹ. Vấn đề là họ không được cộng đồng người Việt chấp nhận, tương tự người Mỹ cũng không nhận họ vì lai, không biết nói tiếng anh,… do đó nhóm trẻ này, tụ tập lại giúp nhau mà sống rồi đưa đến hút sách, ma tuý. Có hội thanh thiếu niên Việt Nam ở New York, được thành lập để giúp nhóm trẻ con lai này. Sau khi lấy vợ dọn về Cali thì mình không sinh hoạt với hội này nữa.

Chán Mớ Đời

Nguyễn Hoàng Sơn 

http://www.filles-de-la-charite.org