Chợ Tết, Chợ Đêm

Nguyễn Hoàng Sơn

Thời còn đi học ở Đà Lạt, mình thích nhất là nghỉ Tết vì có tiền. Dân Đà Lạt thường hay làm đám cưới trước Tết, chả hiểu tại sao, chắc theo câu “chúc đầu năm sinh trai cuối năm sinh gái”. Dạo đó người ta tổ chức đám cưới ở nhà, ngoại trừ dân giàu, có máu mặt, mới tổ chức ở các tiệm ăn sang như Mekong, Chic Shanghai, hay Nam Sơn ở khu Hoà Bình.


Làm tiệc cưới ở nhà thì hai gia đình cô dâu chú rể ra chợ, mướn chén đĩa của bà cụ. Ăn cưới xong thì họ đem trả, còn cô dâu chú rể tranh thủ, lo chuyện sản xuất nên lười, không rửa chén đĩa nên trả tiền cho mình và cô em gái ngồi rửa bên cái bồn nước dưới chợ đến 11, 12 giờ đêm mới về. Không có tên nào học chung đi ngang nếu không chúng sẽ đặt tên là Sơn phong teng thay vì Sơn Đen. Sau khi ráo nước thì lấy giấy báo xếp chồng lên cho khỏi bị nứt, đủ tá rồi lấy dây lát cột lại, để bán khỏi sợ thiên hạ kêu bụi bặm.


Dạo đó mỗi năm có chợ đêm, kéo dài cả tuần. Mình học buổi chiều nên đi học về là ra phụ bà cụ bán hàng, được ăn đĩa cơm thịt sường nướng ở dãy hàng ăn dưới chợ, ngon chi lạ. Mỗi lần đi Sàigòn, đến Định Quán là xe ngừng để hành khách xuống, xả máy bơm nước và ăn cơm là mình tự bồi dưỡng một đĩa cơm sườn nướng và ly trà đá. Không hiểu sao, ngày nay mấy đứa con cũng thích ăn cơm sườn nướng trong khi mình thì lại thích sườn mụ vợ, chán mớ đời! Chợ Tết và chợ đêm kéo dài một tuần thì phải. Dạo đó, Đà Lạt ít xe hơi nhưng mấy ngày chợ Tết, không có chỗ để đậu vì từ cầu Ông Đạo vào chợ, xe đậu đầy hai bên lề đường. Thiên hạ ở xa như Trại Hầm, Trại Mát, Thái Phiên, Đơn Dương, Tùng Nghĩa,...đều đi xe lam, xe đò ra chợ, gồng gánh bán buôn cộng thêm mấy người Việt Nam mới, gốc Ra Đê đeo mấy cái gùi ra chợ, đứng trước chợ Hoa bán ngo hay phong lan cho thiên hạ chụm củi hay treo lan ba ngày Tết. Nói chung là không gian rất vui, thêm có tiền rửa chén đĩa hay phụ bà cụ bán hàng. nói là bán phụ nhưng thật ra là khi khách mua đồ thì mình chạy ra kho để lấy, đưa cho họ hay khi bà cụ bận với khách thì mình chào hàng, câu giờ để họ không đi hàng khác.

Trước Tết độ một tháng thì người ta phát đơn cho những ai muốn bán chợ Tết, bà cụ mình lấy đơn cho mấy người hàng xóm, công chức với lương cố định lại đông con nên muốn bán chợ Tết kiếm thêm chút tiền ăn Tết. Họ trả tiền thuê chỗ rồi lấy hàng của bà cụ đem ra bán, mượn đầu heo nấu cháo. Bà cụ tuy chẳng bao giờ đến trường, đã biết dùng người khác để làm thêm tiền, kiểu franchise nhỏ. Chỉ tiếc là bà cụ có 3 cái kho để chứa hàng hoá, nếu không thì có thể kiếm thêm người bán dùm. Tối về khuya, phải còn phụ bà cụ đếm tiền rồi xếp từng cọc để chồng tiền cho các công ty đồ gốm như Thiên Nhiên ở Cầu Đất, Định Tường ở Phi Nôm. Mình có đi thăm mấy công ty này, chỉ nhớ mang máng, khói bay mù mịt.

Gần Tết thì toà thị chánh phái người đi kẻ mấy cái ô độ 2m x 4 m, dọc hai con đường bên hông chợ, hai hàng rồi bốc thăm cho những người đóng tiền chỗ bán chợ Tết. Khu này giá bán đắt nhất, nhưng thiên hạ lại nghĩ rẻ hơn trong chợ. Họ đâu có biết là người bán lấy hàng trong chợ đem ra bán. Nghe kể sau này mấy cô em lớn lên thì bà cụ mướn chỗ để mấy cô ra bán phụ, không cần hàng xóm, kiếm tiền ăn Tết. Khi có chợ Tết thì họ cấm xe chạy vào ngay cả xe gắn máy. Khúc trên cầu chợ hình như cũng phân lô để cho bà con bán chợ Tết.

Hàng xóm thì dạo đó có gia đình bà Tước, bà Hoà. Bà Tước thì có 7 cô con gái rất xinh, trong đó có cô "ừ trời mưa" còn bà Hoà thì đâu 5 cô nên hai gia đình này kéo con gái ra bán để tập buôn tập bán còn con trai thì ở nhà đi chơi. Cái khổ là mấy cô con gái ra bán, cứ ngơ ngơ ngáo ngáo, thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai, không biết chào hàng, miệng thì câm như hến, lâu lâu họ cho con vào nói là cần thêm loại đĩa A, tô kiểu C,...thì mình ra kho đem lại cho họ. Đứng xem thì thấy mấy cô láng giềng cứ câm như hến nên mình phải chỉ họ cách chào hàng, bán dùm, kiểu Sơn Đen University. Chán mớ đời! Vợ mình kể trong thời bao cấp, đi buôn khoai lang ngoài chợ, lại ốt dột nên không dám rao hàng, có cô bạn bảo mày không biết buôn bán, để tao bán cho, cô nàng đem khoai lang về nhà luộc cho mấy đứa em ăn, không có tiền bù nên cũng bù trớt. Mấy bà hàng xóm cũng nhớ ơn, Tết đến lì xì mình nhiều hơn mấy đứa em như để trả công.

Trước Mậu Thân thì có chợ đêm, vui lắm, bán lời hơn. Không hiểu vì sao, người ta ít trả giá khi đi chợ Âm phủ, có lẽ tối nên khách đi mua không có nhiều thì giờ đi lòng vòng trả giá thêm đèn đuốc tối câm tối mò, đúng là cõi Âm. Còn người bán thì cũng mệt mỏi sau một ngày đứng nên than khuya rồi em bán lấy vốn thôi nhưng lời gấp đôi. Người ta câu điện để cho có ánh sáng nhưng dạo đó toàn bóng đèn 40 watts nên lu mờ, có mấy hàng ăn thì họ treo đèn măng xông, loại đèn bão mà sau này đi cắm trại hướng đạo với mấy đứa con thì có mua để dùng. Mình nhớ có thằng Dư, anh con Thuý hàng xóm, hay đi chung về để bớt sợ ma hay tụi mấy xóm khác chận đầu đánh. Mẹ nó cũng có hàng ngoài chợ nên khoảng 8 giờ tối, sau khi ăn đĩa cơm sườn là hai thằng rủ nhau đi về vì trời tối, dạo đó nhà cửa ít lắm. Băng qua vườn chỗ chợ nhỏ Phan Đình Phùng, thấy mấy cái am với cái đèn dầu lờ mờ ớn da gà. Sau Mậu Thân thì chính quyền không cho bán chợ đêm vì giới nghiêm đâu 9-10 giờ đêm.

Sau này bà cụ mình làm thêm mứt để bán trước Tết, thêm bán gạo và đường nhưng không có môn bài đại lý gạo nên chỉ bán lậu rồi kêu mình đi chở giao đến tận nhà họ, khỏi phải tốn tiền xe Lam nên Tết đến thì mình hết phận sự bán chợ Tết, bàn giao lại cho mấy cô em kế còn mình thì vác gạo, vác đường chở tới nhà khách hàng. dạo đó muốn bán gạo thì phải xin thẻ môn bài, giấy phép vì chính quyền sợ tiếp tế cho VC.

Được tiền thưởng của bà cụ, mình bỏ vào trong trương mục tiết kiệm của ngân hàng Nguyễn Tấn Đời, có thời bị cướp ở ngay đường lên kho Bạc, cạnh khách sạn Palace, khiến mình lo mất tiền, có dịp sẽ kể. Trước khi đi Tây, mình đóng cửa trương mục, rút tiền ra đưa cho bà cụ được trên 40,000 đồng tính ra cũng được mấy trăm đô la. Ngay chính mình cũng không ngờ là có nhiều tiền như vậy. Của Cesar trả về Cesar!

Nhất vợ vi sơn, bán vợ vi sơn

Nhs
022715