Nguyễn Hoàng Sơn
Có thể kỳ bầu cử 2016, cử tri của tiểu bang Cali sẽ phải đi bầu cho cuộc trưng cầu dân ý nhằm chia cắt tiểu bang hiện nay thành 6 tiểu bang nhỏ.
Dự án này do tỷ phú Tim Draper bỏ tiền riêng và kêu gọi dân chúng được trên 1.3 triệu chữ ký, hơn 400 ngàn chữ ký như hiến pháp đã qui định. Các tiểu bang mới sẽ được đặt tên như Jefferson, Silicon Valley, North California, South California, West California, East California.
Khi các nhà cách mạng Hoa Kỳ nhờ ông Thomas Jefferson viết bản tuyên ngôn Độc Lập, li khai đế quốc Anh, ông ta có viết 32 từ đã giúp Hoa Kỳ được hoàn thành như ngày nay và có thể thay đổi nguồn chính trị và kinh tế trong tương lai. "..whenever any form of government becomes destructive of the ends for which for it was established, it is the right of people to alter or abolish it, and to instill a new government.." Khi vua xứ Anh đánh thuế các thuộc địa thì các nhà kinh doanh ở Hoa Kỳ đã họp nhau lại để tranh đấu dẫn đến sự ly khai, dành độc lập. Dạo đó Hoa Kỳ chỉ có 13 tiểu bang rồi dần dần đã mua hay sát nhập các tiểu bang khác để có 50 tiểu bang như ngày nay. Năm 1803, hoàng đế Napoleon của Pháp đã bán cho Hoa Kỳ lãnh thổ Louisiana (Louisiana Territory), phần đất gồm 15 tiểu bang của Hoa Kỳ ngày nay như Arkansas, Missouri, Iowa, Oklahoma, Kansas,.... và 2 tỉnh của Gia Nã Đại như Alberta và Saskatchewan. Phần đất này chỉ chiếm một phần tiểu bang Louisiana ngày nay. Mình hay lộn lãnh thổ Louisiana và tiểu bang Louisana hay thành phố Louisiana.
Lãnh thổ Louisiana quá rộng lớn cho nên nhờ 32 từ của ông Jefferson viết trong bản tuyên ngôn độc lập, đã giúp người dân cư ngụ trong lãnh thổ Louisiana, bầu để chia cắt lãnh thổ này thành 15 tiểu bang Hoa Kỳ của ngày nay, để dễ kiểm soát, phát triển kinh tế, xã hội. Trong lịch sử loài người, các đế quốc quá hùng mạnh, to lớn thì khó được quản lý như xứ Mông Cổ, La Mã, Áo Hung, Ang Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,.., đưa đến sự tan rã. Gần đây ta thấy Liên Sô bị tan rã, khiến nhiều nước đòi tự trị, độc lập mà ngày nay dân Nga đang muốn trở lại thời xưa bằng cách thu tính Crimea,...
Nước Mỹ ngày nay với kỹ thuật, Internet, xã hội, giáo dục bị đình trệ, không được cập nhật hoá theo đà phát triển, sử dụng các phương tiện mới của truyền thông,... Lần bầu cử trước thì có cuộc trưng cầu dân ý của quận Los Angeles, nhằm chia cắt vùng Fernando Valley thành một quận mới của tiểu bang Cali, không lệ thuộc vào hành chính của thành phố Los Angeles nhưng không đạt được đủ số phiếu. Có thể trong tương lai dự luật này sẽ được đưa ra lại và sẽ được chấp thuận.
Lý do là người dân cư ngụ tại vùng này, tương đối khá giả hơn các vùng khác của quận Los Angeles, đóng thuế cao nhưng tiền thuế của họ được dùng để chi tiêu cho các khu nghèo do dân di dân lậu ở. Nhóm này không đóng thuế lại hưởng những trợ cấp do tiểu bang và liên bang chi.
Một người làm cho chính quyền tiểu bang Cali nói với mình là 49% dân số ở Cali, nhận trợ cấp của tiểu bang hay liên bang. Mình hay đi ngang các khu nghèo của thành phố như Anaheim, Santa Ana của quận Cam thì thấy những trường học mới được xây cất cho con cháu của đa số các nhóm di dân lậu cư ngụ trong khi những khu của người Mỹ trung bình, đóng thuế mệt nghỉ thì trường học được xây từ 60 năm qua chưa được tu bổ. Dân ở lậu không đóng thuế, học khu phải trả tiền ăn sáng và trưa cho học sinh nghèo, ít ai lên đại học sau này.
Khác với nền giáo dục đại học Hoa Kỳ, được tự do giảng dạy theo chiều hướng của mỗi đại học, nền giáo dục trung tiểu học của Hoa Kỳ bị chi phối, theo các đường lối của chính phủ liên bang và tiểu bang đề ra như No Child Left Behind của chính phủ George Bush hay Race to the top của chính quyền Obama thêm công đoàn giáo viên rất mạnh, họ cố bám vào cái lương của họ thay vì nhắm vào dạy dỗ học sinh. Có một bà giám hiệu gốc Đại Hàn được cử để cải cách học khu vùng Hoa Thịnh Đốn nhưng cuối cùng phải từ chức vì công đoàn giáo chức quá mạnh. Người giàu có thì cho con cháu của họ đi học trường tư.
Những năm gần đây ở Cali có chương trình Charter school, trường công lập nhưng phụ huynh đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giáo dục con cái, họ có đại diện để bàn thảo cách tổ chức khác nhau, tuỳ theo địa phương nhưng vẫn theo đường lối do chính phủ đưa ra vì họ lãnh tiền của chính phủ tuỳ theo số học sinh tham dự. Mình nhớ dạo cô con gái được tuyển nhận vào trường chuyên thì bà hiệu trưởng của trường tiểu học mà cháu đang theo học, gọi điện thoại cho mình và muốn gặp mình để khuyên mình cho cô con gái tiếp tục học ở trường của bà cai quản. Lý do là bà ta sợ mất học sinh giỏi vì cuối năm mà điểm thi trung bình của học sinh toàn trường xuống thì họ bị khiển trách và nếu mất học sinh thì mất tiền của liên bang và tiểu bang cấp hàng năm hình như $5,000.00/học sinh sẽ bớt tiền chi tiêu cho trường của bà ta.
Công đoàn giáo chức chống lại ý định của chính quyền Bush, cho phụ huynh học sinh một cái voucher, để họ tự chọn trường cho con họ. Lý do là các trường có giáo chức dở sẽ bị đóng cửa và họ sẽ bị sa thải. Các trường Charter được hưởng ứng khá nhiều ngày nay vì điểm thi trung bình cao, bớt sì ke,..vì cha mẹ phải thay phiên nhau canh gác, tham dự các chương trình sinh hoạt của học sinh.
Nền chính trị lập pháp, hành pháp của Hoa Kỳ ngày nay bị các giới tài phiệt hay công đoàn lũng đoạn. Các đại biểu của dân chạy tiền để tái tranh cử nên được các công ty, nhóm lợi ích chi tiền cho cuộc bầu cử của họ nên không đáp ứng nhu cầu địa phương. Ở miền nam Cali có 3 thành phố bị phá sản và trong tương lai sẽ còn nhiều hơn vì nền hành chính không được cập nhật hoá theo đà tiến triển của xã hội ngày nay.
Mấy năm trước có một thành phố trong quận hạt Los Angeles, tên quản lý thành phố ký lương trả cho mình gần 1 triệu/ năm, bạn hắn là cảnh sát trưởng của một thành phố khác, kêu bị thương nên về hưu sớm, được trả 0% tiền lương của tháng cuối cùng rồi nhảy qua thành phố của hắn làm được trả 1/2 triệu. Cuối cùng thành phố hết tiền, hắn bị bắt không hiểu tình hình ra sao.
Lí do đó đã khiến nhiều người bực tức và đang tìm cách thay đổi như các nhóm thân hữu ủng hộ đảng TEA, nhóm thân tả thì ủng hộ các Occupy Wall Street,... Từ ngày mình sang định cư tai Cali, một tiểu bang của đảng Dân Chủ nên nhiều khi không muốn đi bầu vì biết là ứng cử viên mình bầu sẽ thua. Tiểu bang Cali có trên 30 triệu dân, có nền kinh tế riêng đứng thứ 7 trên thế giới nhưng chỉ có 2 thượng nghị sĩ, đai diện bảo vệ quyền lợi cho họ trong khi tiểu bang Alaska, xứ không có khỉ ho, gà không dám gáy vẫn được 2 đại biểu đại diện vài triệu người ở Thượng Viện Liên Bang.
Không những chỉ có Cali mà các tiểu bang khác của Hoa Kỳ cũng muốn dùng 32 chữ của cựu tổng thống Thomas Jefferson để chia cắt lãnh thổ tiểu bang của họ như trường hợp lãnh thổ Louisiana năm 1817 để dễ giúp họ có một đời sống khá hơn, cập nhật hoá với kỹ thuật ngày nay.
Tiểu bang New York đóng thuế chết bỏ để tiền bạc được dùng cho mấy quận của thành phố New York. Người ta tính Hoa Kỳ sẽ có trên 126 tiểu bang nếu các đạo luật này được dân chúng thông qua.
Những dự luật có thể hoặc sẽ không được thông qua nhưng đặt trường hợp nếu các nhóm tài phiệt ở Cali, nhất là vùng Silicon Valley, nơi tập trung nhiều tỷ phú và triệu phú bỏ tiền túi để giúp dự luật này thành công thì tương lai của mình và con cháu sẽ ra sao? Vùng Silicon valley sẽ trở thành tiểu bang Silicon, đóng thuế nhiều nhất thì liên bang và tiểu bang sẽ trả lại tiền nhiều nhất để xây dựng hạ tầng cơ sở, giáo dục ở trung học sẽ được nâng cao vì sẽ có lập pháp, tư pháp và hành pháp mới của tiểu bang ra đời, được viết lại theo hoàn cảnh của thế kỷ 21,...sẽ trở thành một tiểu bang thiêng đàn mà các nơi trên thế giới sẽ ao ước.
Miền nam Cali gồm quận Cam và San Diego, có nhiều công ty kỹ thuật nên chắc cũng khá nhưng các vùng phía Đông như Inland Empire thì nhiều thành phố chắc sẽ bị phá sản nhiều nhưng sẽ có những luật lệ mới ra đời,.. Sẽ lèo lái tiểu bang này đến một nền thịnh vượng. Theo mình thì chỉ giải pháp này sẽ ổn định lại cơ cấu xã hội Hoa Kỳ ngày nay bị đình trệ. Dân Hoa Kỳ chán ngán các đại biểu quốc hội, các nhóm lợi ích lũng đoạn nền hành pháp, tư pháp và lập pháp.
Hoa Kỳ sẽ te tua lúc đầu trong vụ Balkanization này tương tự vùng Quebec của Gia Nã Đại đòi tự trị. Biết đâu các vùng ở Âu châu như Cataluna (Barcelona), Basque, Bretagne, Corse, Bỉ, Thuỵ Sĩ sẽ bị phân chia để dễ quản lí hơn ngày nay,...dân vùng Cataluna là nơi có một nền kinh tế sản xuất cao nhất xứ Tây Ban Nha nhưng thuế của họ bị thủ đô Madrid lấy hết để nuôi dân vùng này nên phong trào tự trị lên rất cao, dân vùng nầy nói thổ ngữ riêng. Nước Bỉ có hai vùng chính nói tiếng Flamand, tiếng Pháp thêm một vùng nhỏ nói tiếng Wallon cũng muốn li khai. Nước Pháp có mấy vùng đòi tự trị như Corse, Basque,...
Một căn nhà ở Silicon Valley giá hiện nay 1 triệu sẽ trở thành 2,3 triệu đô trong khi một căn nhà ở East California có thể rao bán 100 ngàn không ai mua dù ngày nay trị giá 1 triệu. Các thành phố vùng nghèo sẽ không có tiền để chi tiêu, sẽ khai phá sản,... Như thành phố Detroit ngày nay. Sự chia cắt tiểu bang sẽ dẫn đến những tai hại không thể lường trước, sẽ giúp các nước khác theo gương mà đòi tự trị.
Vấn đề là mình sẽ làm gì, chuẩn bị ra sao vì có người sẽ bị te tua, có người hiểu được thời vận sẽ nhảy vào đúng thời đúng lúc để thay đổi vận mạng của thế hệ con cháu của họ sau này, ai giàu ba họ ai khó 3 đời.
Người ta tiên đoán là cuộc chuyển nhượng tài sản vô tiền khoáng hậu sẽ được tái lập. Các dòng họ lớn như Kennedy, Bush, Romney,.. làm giàu nhờ Great Depression vì ông cha của họ nhận định được tình hình để làm giàu cho con cháu họ ngày nay. Ai có tin tức hay chương trình gì để lỡ 6 tiểu bang Cali được thành lập thì cần phải làm gì thì cho em xin.
Xin đa tạ trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét