Nguyễn Hoàng Sơn
Trong chuyến về thăm Đà Lạt năm nay, ngoài thăm gia đình, dự lễ kim cương của ông bà cụ thì mình mong gặp lại vài bạn học cũ và thầy xưa của Yersin và Văn Học. Mấy lần trước về thì không biết ai nhưng kỳ này, nhờ diễn đàn của hai trường này nên có liên lạc trước nên khá hồi hộp.
Máy bay từ Hán Thành về Sàigòn bị trễ nên có nhắn tin cho NĐT ở Sàigòn vì theo chương trình hắn sẽ lên Đà Lạt chung với mình thăm ông cụ hắn từ Mỹ mới về. Ai ngờ chuyến bay trễ vì họ cố ý đợi một số hành khách của chuyến bay từ Seattle bị trễ. Trên máy bay mình thấy có ai lay tay mình thì tưởng thằng Kim Chi nào, ngồi phía sau đạp cái ghế. Hoá ra Sanh Tử Tiên Sinh và thủ trưởng trong số hành khách trễ từ Seattle. Vợ chồng tiên sinh dự định về Đà Lạt, mua đất xây lâu đài tình ái cho những ngày trong bóng hoàng hôn của đời người. Tên này lại nghĩ đồng chí gái cho con gái của mình theo để quản lý tư tưởng của mình.
Kỳ này ở Hải quan TSN thấy thoải mái, không phải kê khai, nhập cảnh tùm lum. Ra ngoài cửa phi trường thì cơn nóng đập vào người như mỗi lần bước ra casino ở Las Vegas vào mùa hè. Tên T vẫn như xưa, thay vì bon chen đứng hàng đầu cho mình dễ nhận, hắn lại nấp phía sau cái cột bê tông khiến con bé mình lo âu vì đi ra gần chỗ bến taxi mà vẫn chưa thấy hắn.
Gặp nhau, hai thằng mừng rỡ ôm nhau, mừng mừng tủi tủi sau 41 năm biệt tin. Hai thằng ngồi nói chuyện trên xe suốt 7 tiếng về gia đình, những người bạn xưa được tin, từ tết Đinh Mùi đến Nhâm Ngọ. Xe dừng lại vài lần để tài xế và T hút điếu thuốc chống buồn ngủ rồi ghé bên đường ăn phở Kết gần Đèo Chuối lúc 4:00 sáng.
Hai bên đường quán hàng ăn mở đầy vào ban đêm dù ít khách hay chẳng có ai ghé lại như chợ âm phủ dọc bên đường từ Sàigòn lên tới đèo. 3,4 giờ sáng đã có xe gắn máy chở đồ giao hàng như nói lên người dân phải bươn chải, lao động để mưu sinh.
Xe chạy qua nhà ca sĩ Ngân Hà khi xưa, nay thì hàng quán mọc đầy trước nhà nên mất đi phong thái ngày xưa. Đường Trần Hưng Đạo thì họ cho sửa sang lại các biệt thự bỏ hoang khi xưa nhưng cái vẻ đẹp nhất là tĩnh mịch khi xưa đã không còn.
Về đến nhà của T thì không nhận đâu ra đâu cả. 23 năm trước khi mình về lần đầu, căn nhà của hắn đứng chơi vơi một mình nay thì nhà cửa hai bên đường phủ hết. Trên đường về Hai Bà Trưng thì đi ngang góc Nguyễn Trãi và đường đi vào Grand Lycée, nơi xe đò Chi Lăng hay đỗ lại, thấy nhà của ông bà Hai khi xưa được xây cất mấy tầng, chỉ còn dấu vết căn nhà nhỏ phía sau. Cái am Soyer đã bị dẹp bỏ, thay vào đó là nhà dọc hai bên đường.
Sân vận động khi xưa nay được xây theo kiểu công viên nhưng không thấy ai, phía dưới là một siêu thị lớn. Khu ấp Ánh Sáng thì được giải tỏa một bên hẻm khi xưa. Được biết ông của T là người sáng lập ra ấp Ánh Sáng khi làm việc cho chính phủ Bảo Đại nhưng không nhớ tên. Chỗ này được thay thế bởi công viên, con suối thoát nước được xây dựng vững vàng hơn xưa khiến mình nhớ đến mùa mưa khi xưa đã biến các vườn rau ở đây thành hồ lênh láng.
Mình nói anh tài xế cho xe về ngã Hải Thượng thì thấy đầu đường Hoàng Diệu và Hải Thượng, khi xưa là mấy bụi bông Quỳ nay là quán nhậu, bên hông là nhà nghỉ, xe buýt du lịch đậu đầy. Xe rẽ đường Thi Sách thì không thấy bóng dáng cái nhà xác mà có lần mình phải đi bộ qua trong đêm không một bóng đèn.
Mình cho xe ngừng lại nhà cô em, cạnh nhà Nguyễn Thị Đức và Nguyễn Anh Tuấn để con gái xuống vì gia đình cô em từ Pháp về ngụ lại đó nên con bé muốn ở chung với đám em cô cậu made in France.
PMC cho hay là có hẹn với một số bạn học cũ khi xưa lúc 3:00 chiều tại quán cà phê Ngọc Sương. Mình khám phá con đường Lê Quý Đôn chỗ ngã ba Hùng Vương thì họ làm con đường thẳng, nơi có con đường đất băng ngang để vào Petit Lycée, bên tay trái là cái ao. Con đường mới này chạy ngang qua hai cái nhà dù nơi mà học sinh khi xưa trú mưa. Một bên là cho nữ sinh và một cho nam sinh. Hàng cây Long tu bên đường dẫn vào trường từ góc Hùng Vương đã bị dẹp bỏ thay vào đó là hàng quán.
Đến nơi thì đã thấy ca sĩ Ngân Hàng trụ trì rồi, dần dần thì có ca sĩ Thu Cúc, ĐTT, KT rồi Võ Tấn Hưng, Nguyễn Đắc Hớn, Nguyễn Văn Thuận, T, Trương Văn Minh, chú họ một người em rể của mình, tiệm vàng Lung ở Tăng Bạt Hổ. Mấy bông hồng khi xưa thì mình không nhớ vì không có học chung duy chỉ có một cô thì mình không bao giờ quên, đó là BT, một thời được xem là hoa khôi của Văn Học. PMC nói sẽ mời cô nàng đến thì tưởng hắn nói chơi để chọc mình, ai ngờ thấy cô nàng đến khiến mình cảm động vì cô nàng còn nhớ đến mình. Cô nàng kể có cô con gái ở San Jose nên lúc cháu ngoại ra đời hay sang giúp con nên phải sang quán nhậu ốc chi đó. Cô nàng có vẻ lanh lợi, biết mọi người học chung lớp với mình khi xưa.
Đang ngồi nói chuyện thì trời bỗng đổ mưa rồi T rủ đi ăn bánh căn. Chỉ có 3 cô đồng ý đi ăn với mình, PMC và T. Thế là mình được ca sĩ Văn Học chở bằng ô tô con lên Xuân An để ăn bánh căn. Trời mưa, cùng với ba người đẹp Văn-Học ngồi ăn bánh căn trông rất vui như tạo lại thời gian còn học sinh, rủ nhau đi ăn chè chỉ khác là khi xưa thì mấy tên con trai chung tiền mời mấy cô còn nay thì có ca sĩ Văn Học mời. Bánh căn là món mình thèm từ ngày rời xa Đà Lạt đến nay vì Cali không có. Chỉ có bánh khọt mà họ đổ bằng dầu nên ớn lắm lại không có hương vị của Đà Lạt. Ngày nay, món nước chấm được pha chế thêm. Họ có nước mắm pha như xưa nhưng lại bỏ thêm soài, xíu mại hay có nước chấm pha với mắm nêm nhưng mình ngại nên chỉ dùng nước nắm. Chủ bếp có hai cái lò than làm bằng đất để đổ bánh phía ngoài dưới tấm vải dầu để che mưa. Cái vị cháy cháy của bột nơi cái đít bánh không dầu mỡ thêm cái mùi hơi khét khét khiến mình đã tìm lại được những khứu giác đã ngủ quên từ bao năm nay. Nhìn bạn bè ngồi ăn suýt xoa cái vị cay nồng trong tiếng mưa rơi giúp mình quên đi 18 tiếng trên máy bay và 7 tiếng trên tuyến đường từ Sàigòn lên Đà Lạt. Cám ơn các bạn đã cho mình hưởng lại những hương vị của thời xưa.
Cả nhóm hẹn sáng hôm sau tại quán cà phê Duy Tân, nơi ngày xưa là căn nhà được xây cất theo phong thái Nhật bổn. Mình ghé lại tiệm Long Hưng thăm ông Đàn, cậu bà con của bà cụ, bố của Hoa Dung (yersin 7374).
Ông nay đã 95 tuổi vẫn còn nhớ mình, ông kể là có 3,000 thế giới và nói trưa đi cúng chùa nên không lên nhà mình được. Mình cố tìm hình dáng căn nhà nhà Nhật bản ở góc Duy Tân và Thủ Khoa Huân nhưng đã mất biến.
Sau đó mình được đại gia cà phê Duy Tân, làm tài xế xe ôm, đèo đi xuống nha Địa Dư để thăm thầy Nguyên. Vào nhà thầy trong hẻm, thấy có đám học trò đa g học vào ngày chủ Nhật nên ngạc nhiên. Hình như con gái của thầy là cô giáo vừa lo cho thầy vừa dạy học trò. Vào phòng thì nghe thầy than là cả đêm qua không ngủ được vì bệnh trĩ. Thầy cũng cố gắng ra bàn ngồi nhưng than là đau. Thầy vẫn nhớ đến mình, đến lá thư do thầy thảo cho mình để nộp vào đại học ở Pháp khi xin đi du học.
Sợ thầy mệt nhất là đau nên mọi người xin kiếu thầy ra về sớm.
Mình được biết là PMC hay tổ chức hàng tháng với các bạn học xưa đi thăm thầy nhân tiện giúp thầy chút ít để thuốc than vì là cựu sĩ quan của VNCH, cải tạo nay về già, bị tai biến nhưng không có trợ cấp. Thầy nói là thương PMC còn hơn con ruột của thầy vì đến thăm thầy thường xuyên, lấy xe đưa thầy đi chơi. Mỗi lần như vậy thầy ra ngõ đợi cả tiếng trước giờ hẹn. Mình có kể là tên Đá Xanh vẫn nhớ đến thầy và đã theo nghiệp của thầy, làm giáo sư đại học Toán ở Hoa Kỳ. Mình thấy ánh mắt của thầy sáng rực lên và nói thế à với nụ cười độc nhất trong những giây phút gặp thầy sau 41 năm.
Đai gia cà phê đưa mình về nhà, đi ngang qua nhà Nguyễn Anh Quốc, có thời học chung Yersin thì kêu hắn ngừng lại vào xem nhưng không có ai nên đi về. Vậy là không có duyên gặp lại hắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét