14 Juillet 1789

Hồi nhỏ cứ nghe mấy người lớn nói lễ cặc to rui dê của tây khiến mình như bò đội nón vì không biết lễ gì đến khi đi học mới hiểu là lễ quốc Khánh của Pháp quốc, ngày 14 tháng 7, kỳ niệm cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ đưa đến cuộc khủng bố long trời lỡ đất, giết hại biết bao nhiêu người của chế độ cũ và giới làm cách mạng trong cuộc thanh trừng mà Tây gọi “la terreur”.

Mình nhớ hồi nhỏ học trường tây, có lẻ mình mê nhất là giờ sử địa (histoire géographie) của một ông Tây không nhớ tên. Ông này say mê kể về La Révolution, Liberté, égalité et fraternité, nào nhóm Jacobins, nhóm Sans-culottes, nào Robespierre với La terreur... Ông ta say mê kể tác giả bài La Marseillaise, Rouget de Lisle, làm bài hát này để động viên các người yêu nước lên đường tòng chinh, đánh quân Phổ xâm chiếm hai vùng Alsace, Lorraine, bị chặt đầu mà tây gọi cái máy chém là La guillotine, lấy tên của ông bác sĩ Guillotin, người đề nghị dùng máy chém do ông Antoine Louis sáng chế mà người dân thường gọi "la louisette". Bác sĩ được xem là lương y như từ mẫu còn ông bác sĩ làm cách mạng là lương y như máy chém. Kinh
Ông Tây mê kể đến nổi sùi bọt mép, văng nước miếng. Mình nhớ ông ta bắt cả lớp đi xem phim Waterloo đang chiếu ở rạp Ngọc Lan, rồi để ông khảo bài. Coi phim phụ đề tiếng Việt, đọc chữ được chữ mất mà ông Tây cứ hỏi mấy ông tướng của Napoleon tên gì thì bố thằng mít nào biết nên cả lớp im lặng như cách mạng mùa thu. Ông tây xì nẹc la lối om sòm khiến mình ghét Tây từ dạo đó đến khi sang Tây thì mê đầm mệt thở.

Có lẻ cuốn sách Les Misérables của Victor Hugo đã giúp mình hiểu lý do về cách mạng 1789 của Pháp hơn là những bài giảng của ông Tây trong lớp. Một người vượt ngục hoàn lương, nhưng vẫn bị chính quyền lùng kiếm nên chỉ có làm cách mạng thì mới thay đổi cuộc đời của mình như 3 chữ Liberté, égalité et fraternité.

Bên Tây, hàng năm vào ngày 14 juillet, dân chúng ăn mừng, khắp phố, tối đến có các buổi dạ vũ ngoài đường gọi Bal Populaire hay mấy trụ sở cứu hỏa cũng tổ chức Bal des pompiers. Họ hay mời ban nhạc kèn đồng (fanfare) của trường mình chơi. Nếu ở Paris thì mình hay đi theo. Thường thường thì ngày đó hay mưa, buổi sáng tổng thống Pháp dự lễ duyệt binh trên đại lộ Champs Elysees, cạnh Khải hoàn môn của vườn bách thảo Les Tuileries, được hoàng đế Napoleon cho xây để kỷ niệm trận đánh Austerlitz, ngày 2/12/1805 mà người ta còn gọi “la bataille des trois empereurs” (pháp, áo và Nga Sô), may là Anh quốc trốn đánh trận này nếu không thì sẽ không còn quân để đánh trận Waterloo sau này thì nước Pháp chắc sẽ giàu mạnh hơn nay. 

Vào ngày 2/12 mỗi năm vào đúng 5:00 chiều thì người ta đứng trên đại lộ Champs Elysees, đúng hơn là ở Jardin des Tuileries thì sẽ thấy mặt trời lặn phía sau Khải hoàn môn, phía vùng La Defense, Nanterre. Có lẽ ông Tây dạy sử địa nói nhiều về trận đánh này vì Napoleon thắng oai hùng, không thua te tua như ở Waterloo, bên Bỉ. Đa số dân tây vẫn tin là Napoleon thắng trận này. Khi mình viếng nước Bỉ thì việc đầu tiên là chạy đến thăm địa điểm của trận đánh lịch sử này và Bastogne, nơi mà quân đội đồng minh đã đánh sống chết với quân đội Đức trong đệ nhị thế chiến. Nói chung thì chả có gì cả.

Ông Tây hay kể về Marianne, nữ thần tự do của nền cộng hoà Pháp khiến khi sang Tây mình phải bò ra Place des Nations, để xem bức tượng của nữ thần này. Vào lớp, ông ta thao thao kể về Maximilien Robespierre, một luật sư có tài hùng biện, thuộc nhóm Jacobins, sau này nắm chính quyền, dùng máy chém chặt đầu mấy chục ngàn người ngay cả tác giả bài La Marseillaise mà người ta gọi giai đoạn Thanh trừng (La Terreur). Ai mà lộn xộn, phản đạo đức cách mệnh là đem lên đoạn đầu đài chém. Mình không hiểu sao ông Tây lại khen ông Robespierre, bảo không có ông này thì cách mạng sẽ mất đi dấu ấn của nó. Thời này cũng có một ông khác nổi tiếng tên Danton, khu quartier latin có bức tượng của ông này.
Vua pháp Louis 16 bận culotte (quần ngắn) rồi mang tất cao. Thời trang của quý tộc Âu châu dạo đó
Này gọi người “sans culottes”, toàn là dân hạ cấp nông dân như mình, bận quần dài, không có vớ cao. Dám chả có giầy mà mang.


Ông ta bảo Égalité vì lần đầu tiên dân hạ cấp Sans-culottes được ngồi chung với dân quý tộc, trưởng giả trong quốc hội. Ngày xưa, dân quý tộc Âu châu hay bận culottes, loại quần ngắn, mang vớ cao còn dân bình dân thì bận quần dài (pantalon) nên được gọi Sans-culottes mà dạo đó mình cứ tưởng dân Tây nghèo không có quần đùi (culottes) bận như người Việt thời xưa, kiểu Trần Minh Khố chuối. Nhóm Jacobins này còn được gọi là Montagnards vì khi vào họp, họ hay ngồi khu có ghế cao. Dạo đó mình cứ lộn với người Thượng nên cứ ngơ ngơ ngáo ngáo nghe ông Tây giảng. Người Việt Nam Mới là Jacobins. Ngu chi mà ngu lạ. Đã nói rồi Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen .

Ông ta còn nói cách mạng 14/7 chỉ là khởi đầu cho những cuộc cách mạng sau này như Cách mạng Âu Châu 1848, La Commune 1871 dẫn đến cách mạng thành công của giai cấp vô sản ở Nga năm 1917. Nội ông Robespierre không, đã chém trên 17,000 cái đầu, là mình nghe đã khiếp, ông Tây lại bồi thêm mấy cuộc cách mạng khác khiến mình đã ngu đâm ra khờ. Cũng may, còn nhớ lỏm bỏm nên khi qua Tây cũng hiểu chút ít khi tây nói chuyện.

Mình hay thắc mắc là sau khi cách mạng thành công thì nước Pháp bị cuốn vào La Terreur. Không những tại Pháp mà ngay tại Nga với Stalin hay những nước nào có cuộc cách mạng là vị chi sẽ có thanh trừng, chỉnh lý như VNCH năm xưa, sau khi quân đội đảo chánh lật đổ ông Diệm thì bao nhiêu cuộc chỉnh lý liên tục đến khi ông NCK lên, đem ra bắn Tạ Vinh thì mới êm ấm một chút. Mình đoán từ khi ông Kỳ bắn ông Tạ Vinh, khiến các ông tướng khác ngại đụng ông ta nên mới yên ấm vài năm. Các cuộc biểu tình, bạo động vẫn tiếp diễn nhưng do Hà Nội chủ mưu phía sau.

Cuối cùng ông Robespierre bị chém đầu rồi nhà độc tài khác, ông Bonaparte lên nắm quyền rồi chơi luôn vai hoàng đế. Bao nhiêu người chết để lật đổ chế độ quân chủ để rồi quỳ lạy trước hoàng đế Napoleon.

Ông này lại vác lính đi chinh phạt khắp nơi, độ trên 500,000 chết bỏ xác ở các nước khác rất nhiều, dẫn đến sự suy yếu của đế quốc Pháp và bị Anh quốc qua mặt. Vào thế kỷ 19, dân số của Pháp tương đương nước Nhật nhưng can qua đã giết biết bao binh lính Pháp mà ngày nay dân số Pháp thua gấp đôi dân số Nhật Bản.

Khi lính pháp sống sót trở về thì dân làng thiếu đàn ông nên có màn chia sẻ chồng chung, đưa đến một văn hoá lạ là đàn ông pháp hay có nhân tình. Có một phim do Gerard Depardieu đóng khi đi lính về, ghé nhà người đồng ngủ đã hy sinh, tự xưng là chồng của bà ta. Gia đình liệt sĩ thì không tin nhưng bà vợ thì tin, đưa đến tranh cãi ỏm cù tỏi. Mình biết vài ông tây, không giàu có gì nhưng vẫn có con ngoại giá thú kiểu tổng thống Francois Mitterand. Hay sau này tổng thống Hollande lái mô tô ban đêm đi gặp Bồ.

Mình hay tự hỏi là tại sao các cuộc cách mạng đều phải giết kẻ đối lập. Chỉ có cuộc cách mạng Hoa Kỳ là ít đẩm máu, họ thay đổi từ từ giúp xây dựng nền dân chủ được dài lâu.

Nước Pháp, chém đầu ông vua Louis 16 và bà vợ Marie Antoinette, hay chơi trò cô bé chăn cừu ở cung điện Versailles, ai ngờ đám nông dân mà bà ta muốn tìm hiểu đời sống theo trường phái lãng mạn thời đó, đã đem bà ra chém đầu. Họ kêu gọi, nhân danh dân bần cùng để thay đổi xã hội công bằng, bình đẳng Liberté, égalité et fraternité. Để rồi nhân danh 3 cái danh nghĩa này, họ giết người. Đúng thật, nhân danh tự do tôi có thể giết người, nhân danh sự bình đẳng, tôi cướp của nhà cửa của bọ quý tộc, địa chủ, nguỵ quân và bác ái nên cho các người này thâm nhập vào dời sống người dân đen. Chán Mớ Đời 

Ông Rick Santorum, ứng cử viên Cộng Hoà năm 2012 có nói đến tình trạng hỗn loạn, thiếu vắng thượng đế của những năm tháng cách mạng lật đổ nền quân chủ đã đưa đến tình trạng khủng bố (la terreur) và ông nhấn mạnh nếu Hoa Kỳ đi theo vết chân của ông Obama sẽ dẫn đến tình trạng ấy vô hình trung ông ta lập lại những gì mà các sử gia nói về giai đoạn 1794 sẽ lập lại trong tương lai. Ông ta quên nhắc đến đạo đức cách mạng” khác với đạo đức mà nhà thờ rao giảng.

Ông Santorum nói khá chí lý, vì khi con người vô thần, tin vào sức mạnh của cách mạng, tự xưng mình là Homo Deus, một Thiên Nhân, mình tạm dịch nên không sợ bị trừng phạt bởi một đấng tối cao nào thì họ như con thú tranh mồi, sẽ giết đồng chủng, lo sợ bị mất quyền lợi. Khi giết người, người ta nhân danh thượng đế, Allah khi đến những kẻ làm cách mạng thì nhân danh cách mạng, để giết những kẻ chống lại họ, được gọi là phản động thay vì đối lập theo tinh thần dân chủ. Xem như cách mạng là một thượng đế mới.

 Sau khi mất nước, cộng đồng người Việt hải ngoại lâm vào tình trạng hỗn loạn, vô luật lệ. Họ đổ lỗi cho nhau làm mất nước, không ai nghe ai, chửi bới đánh đấm, nhiều người bị sát hại. Trẻ thì không nghe già, già thì chửi trẻ là mất gốc. Quay đi quay lại, vì không biết tranh luận nên cứ chụp nón cối cho nhau. Ai cũng kêu gọi hợp tác với nhau dưới sự lãnh đạo của họ dù không có tài cán gì cả.

Hai phong trào Occupy Wall Street và TEA Party nổi lên cùng một thời điểm khiến các sử gia lo ngại sẽ tái diễn những bạo động của những năm thời Robespierre cầm quyền nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã dập tắc ngọn lửa cách mạng. Ngược lại, ở Trung Đông thì ngày nay ta thấy tình trạng hổn loạn ở Syria, Iraq, Libya,..., nhưng cường độ tàn khốc hơn thời Robespierre.

14 Juillet 1789, chỉ thay đổi về mặt chính trị còn về mặt xã hội vẫn như xưa. Có lẽ cuộc cách mạng này đánh dấu khởi đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp, sự chuyển tiếp các quốc gia Âu châu từ nền văn minh canh nông sang nền văn minh công nghiệp. Thay vì các gia đình quý tộc, vua nắm chính quyền thì nhường lại cho nhóm giàu có, chủ hãng xưởng, được xem là giai cấp trưởng giả. Thay vì cho các tá điền thuê các đất đai để canh tác rồi đến mùa lấy tiền. Nay họ cho các tá điền vào làm trong các xưởng máy. Còn ngày nay, người ta gọi các địa chủ mới của thế kỷ 21 là techno feudalism (chủ nghĩa phong kiến công nghệ). Các công ty như Amazon, Apple, Uber, ẢirBnB,.. được xem là các tay quý tộc công nghệ của thế kỷ 21. Ở Âu châu, Amazon mỗi năm lời 40 tỷ đô la và không đánh thuế. Ai muốn bán hàng qua Amazon thì phải trả 40% tiền sử dụng mạng Amazon. 

Các nông dân bị bóc lột bởi giới quý tộc thì nay con cháu họ bị bóc lột sức lao động trong các nhà máy để làm giàu cho giai cấp mới, kỹ nghệ gia. Tương tự như cuộc nội chiến Hoa Kỳ là giới công nghiệp muốn nắm chính quyền thay vì các đại điền chủ miền Nam, nô lệ chỉ là cái cớ vì thời đó có nhiều điền chủ da đen sở hữu nô lệ ngay cả nô lệ da trắng. Chế độ nô lệ chỉ được xoá bỏ sau này.

Ở Pháp các chính trị gia, đa số thuộc các gia đình có tiếng tăm giàu có.

Mình nhớ dạo sang Tây thì đã thấy ông Jacques Chirac mà đến 40 năm sau, vẫn thấy ông ta tuy đã về hưu nhưng vẫn ở phía sau hậu trường chính trị của Pháp. Có lẽ cuộc cách mạng 1789 chỉ giúp được một quốc gia độc nhất trên thế giới thể hiện hơi hơi tinh thần Liberté, égalité et fraternité, là Hoa Kỳ. 

Tuy không hoàn toàn lắm nhưng tất cả mọi người từ nhiều tầng lớp, nam nữ chủng tộc, màu da,.., đều có một cơ hội để tạo dựng được giấc mơ của mình. Liberté, égalité et fraternité không thể nào giúp một anh chàng da đen gốc Phi châu, anh rệp gốc trung đông hay anh da vàng ở Pháp, có thể một ngày trở thành tổng thống như ông Obama. Ước gì mình gặp lại ông thầy Tây dạy sử để hàn huyên chuyện đời xưa và nay.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét