Xi-nê một thời ở Đàlạt



Hồi nhỏ, mỗi lần có tiền là đi coi xi nê nhất là vào dịp Tết, có bao nhiêu tiền lì xì mình đều cúng vào tổ xi-nê, ngày nào cũng mò ra phố, đi coi hai ba rạp. Mê xi nê còn hơn mê gái, tới khi lập gia đình, bao nhiêu mộng ước, bao nhiêu đào xi-nê-ma mê từ Tây sang Á, từ Đông sang Mỹ đều được chôn vào dĩ vãng. Nói cho ngay Đà Lạt dạo ấy nhỏ bé, xi-nê là cánh cổng đưa mình ra ngoài thế giới, biết đó biết đây.

Đà Lạt dạo đó có 3 rạp: Ngọc Hiệp, Ngọc Lan và Hoà Bình. 2 rạp Ngọc Lan và Ngọc Hiệp có cùng một chủ mà người con trai nay đang sinh sống tại Bolsa. Chủ rạp Hoà Bình chắc là người gốc Hoa vì mấy người bán hay soát vé đều gốc Hoa. Sau này mình được biết ông chủ tiệm nhà hàng Chic Shanghai là chủ rạp xi-nê này và cây xăng Caltex cạnh bến xe đò.
Đây là hình ảnh của rạp LangBian , sau này được phá bỏ để làm cây xăng Ngọc Hiệp. Hình như bị cháy. Nghe người lớn kể là các tuồng cải lương hay đóng đô tại rạp này. Rạp này của ông Cai Sớm, ông nội một người bạn học cũ. Bố vợ của chú Cương, an ninh quân đội Đà Lạt xưa, bạn lính với ông cụ mình.

Trước khi mình ra đời hình như có rạp LangBiang ở đường Cầu Quẹo, sau này họ đập phá để làm cây xăng Ngọc Hiệp. Trên đường Hàm Nghi có rạp xi nê Kinh Đô nhưng khi mình lớn lên thì chỉ còn 2 rạp Ngọc Lan và Ngọc Hiệp. Khi mẹ mình dọn cửa hàng xuống Chợ Mới Đàlạt, thì ông chủ nhà hàng Chic Shanghai mới bỏ tiền xây dựng lại chợ Cây, thành rạp xi-nê Hoà BÌnh. Mình nhớ khi khai trương mình có đi xem phim Tần Thuỷ Hoàng tại đây với bố con anh Bình, Lê mInh Sớm hàng xóm,.
Xem hình này cho thấy rạp LangBiang cạnh tiệm đức Lập, nằm giữa rạp Ngọc hiệp và rạp xi nê LangBian là hai tiệm ăn tàu Kim Linh và Như Ý. Rạp này được phá thì sau đó có chỗ để sửa xe và vá xe phía sau.

Rạp Ngọc Hiệp khi xưa chuyên chiếu phim ấn độ, sau này phim tàu Hongkong còn rạp Ngọc Lan thì chiếu phim cho người lớn, phim tây phương còn rạp Hoà Bình thì nếu mình không lầm được sửa chửa lại trước Mậu Thân với nệm mới; hàng ghế màu xanh lá cây khi mới vô rạp, vé hạng xanh lục này đắt hơn vì xa màn ảnh, sau đến hạng trung bình ở giữa, màu vàng, có nhiều dãy ghế nhất cuối cùng gần màn ảnh có hàng ghế màu đỏ.

Rạp Eden, tiền thân của rạp Ngọc Lan, nằm trên đồi, lúc chưa có bến xe đò và cây xăng Caltex 

3 phim mà mình nhớ nhất đã coi ở rạp Ngọc Hiệp là Bambi và Độc Thủ Đại Hiệp, coi với TTA còn Độc Thủ Đại Hiệp tái xuất Giang Hồ với ĐVQ. Hồi nhỏ mỗi lần đi xi nê với ông cụ ở rạp này là có màn chào cờ trước khi bắt đầu vào phim chính. Mình thấy trên màn ảnh có quốc kỳ vàng 3 sọc đỏ và hình Ngô tổng thống trong khi mọi người trong rạp đều đứng nghiêm hát "này công dân ơi...." sau đó bài "toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô tt...". Mình nhớ ông bà cụ dẫn đi coi phim suất tối, phim Mỹ có đoạn; ảnh và chỉ hôn nhau, nghe nói là nụ hôn dài nhất lịch sử của xi nê nên mình muốn coi nhưng bị bà cụ che mắt lại. Chán Mớ đời! Không ngờ sau này có con, mình cũng bắt chước bà cụ che mắt chúng.

Nhớ nhất là xem đại nhạc hội, có màn vũ sexy của vũ nữ Tuyết Nhung. Đang nghe nhạc của bản ma bố, đi ra đi vô mất năm trăm thì có một cô chạy ở tỏng ra sân khấu, vừa đi vừa lắc Mông. Bổng nhiên trong rạp mấy ông đứng dậy hết như khi chào cờ toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống. Thế là hết xem, chỉ nghe nhạc rồi thiên hạ huýt sáo đủ trò. Chán Mớ Đời 

Có một lần, không nhớ phim nào, Cleopatra thì phải, phim rất dài nên chủ cho chiếu ở 2 rạp Ngọc Hiệp và Ngọc Lan. Cứ lúc giải lao thì tà lọt chở bánh phim đầu đến Ngọc Hiệp, rồi lấy bánh phim đoạn 2 đem về rạp Ngọc Lan, trong khi khán giả la ó, chửi thề vì đợi lâu quá vì dạo đó đâu phải digital như ngày nay. Muốn quay lại cuốn phim từ đầu thì phải mất công quay ngược lại thêm màn phim bị đứt vì độ nóng của máy chiếu nên đang ngồi thì thấy màn ảnh tối dần đi rồi nghe cái phèo rồi tất cả chìm trong bóng tối. 10-15 phút sau thì được chiếu lại nhưng mất một khúc thêm có trò kiểm duyệt, hai anh chị đang mùi mẫn, rờ mó nhau bổng biến mất thấy cô nàng bận quần áo lại gọn ghẽ. Mình nhớ có coi phim Chờ Sáng có Kiều Chinh, Đoàn Châu Mậu đóng, có cảnh KC đang tắm sau cái màn nên chỉ thấy bóng và tiếng nước của vòi sen thôi mà cứ nuốt nước miếng ừng ực. Sau này có gặp lại bà ta nhưng không dám kể. hi hi hi

Sau này lớn hơn mình hay đi coi với thằng em kế. Mua hạng cá kèo, ngồi trên mấy bục gỗ đóng theo kiểu cầu thang dài, con nít ngồi sát vào nhau. Bà cụ cho tiền mua vé cho hai anh em, mình không mua vé, ghé lại chổ soát vé rồi lén đưa tiền cho tên soát vé, hắn liếc ngang liếc dọc, cho 2 anh em vào, leo lên ghế cá kèo còn tiền dư, sau khi tan xuất thì hai anh em ghé lại xe bán xắp xắp của ông tầu chuyên để tang, bận đồ đen làm một đĩa. Mình có coi hai ba tuồng cải lương ở rạp Ngọc Hiệp, chỉ nhớ có tuồng Song Long Thần Chưởng có đào Út Bạch Lan thủ diễn, khi đánh chưởng, khói màu đỏ xịt bắn tới đối phương.


Các chương trình của rạp Ngọc Hiệp khi xưa khi đi xem thường được phát. Mình có anh bạn giữ được mấy tờ này, rồi lâu lâu hỏi cậu có nhớ đi xem phim này với tớ? Chán Mớ Đời 

Mỗi lần Tết là dân chúng Đà Lạt đi coi xi nê mệt thở, mấy tên chủ rạp cũng ma giáo lắm, lựa toàn phim dỗm mướn rẻ nhưng ai cũng chen lấn toát mồ hôi nách để mua vé. Ai mua được vé, bò ra mặt mày sung sướng như vừa trúng lô đề. Sau Tết thì họ chiếu phim hay. Rạp Hoà Bình, ngày Tết lúc nào cũng mở 2 guichet để bán vé mà dân Việt Nam mình có máu văn hoá xô lấn. Hồi nhỏ mình lén chui dưới thấp bò lại quầy vé nhưng lớn hơn thì hơi mệt sau này 16, 17 tuổi thì cao hơn trung bình nên dễ mua vé. Sau này qua tây, thấy tây đầm đứng xếp hàng, không có màn chen lấn như ở Việt Nam, nhiều khi đứng ngoài trời mùa đông lạnh, nhích lần lần đến gần quầy vé thì hết chổ phải bò về. Sau này mình học được cái mánh là đi ngang qua xem có thằng tây con đầm nào thấy hơi quen quen, khờ khờ, chạy lại kêu ça va toi? Mấy đứa này trả lời Bien et toi là lẻn vào đứng bên cạnh hỏi chuyện bậy bạ, vô mua vé rồi mạnh ai nấy kiếm chỗ ngồi. Đám đứng đợi phía sau tưởng mình là bạn của tụi tây đầm này nên không chửi bới.
Đây là Chợ Cũ hay Chợ Cây, sau này được tái trang thành rạp xi nê khi họ xây Chợ Mới và mẹ mình khi xưa buôn bán ở đây, dọn xuống chợ mới.
Hình chợ cây hay chợ cũ phía trong, thấy các dàn cây hình vòm cung, do kiến trúc sư tây Louis Georges Pineau thiết kế.

Rạp Hoà Bình thì mình nhớ lần đầu tiên đi coi là phim Tần Thuỷ Hoàng với anh Bình và thằng Đắc, hàng xóm. Hai cha con tên này có tiền nên ngồi hàng ghế vàng còn mình và thằng em ngồi hàng ghế đỏ gần màn ảnh, lúc ra về nhức đầu không thể tả. Có một năm, Tết họ chiếu Thập Tứ Nữ Anh Hào nhưng không hiểu sao sau năm 70 thì họ chuyên chiếu phim Hongkong, có lẻ rẻ hơn phim Tây nhất là dạo đó dân mình mê truyện Kim Dung, thường là của hãng ông Bernard Shaw như Tân Độc Thủ Đại Hiệp với Khương Đại Vệ, Thập Tam Thái Bảo có cảnh Khương Đại Vệ bị tứ mã phanh thây ghê rợn. Mình có coi phim Doctor Zhivago của đạo diễn David Lean ở đây hai lần nhưng không hiểu lắm, sau này ra khỏi Việt Nam thì coi lại cả chục lần, quá đẹp. Nhìn cảnh cảnh phim này làm mình muốn đi xuất ngoại để xem tuyết.

Vương Vũ từ ngày bỏ đóng phim của hảng Golden Harvest của ông Bernard Shaw thì bớt oanh liệt. Mình có coi lại phim Độc Thủ Đại Hiệp trên du tu be nhưng sao thấy sến không thể tả mà hồi nhỏ mê nức nở. Cái vui nhất là thấy Vương Vũ đóng phim quảng cáo cho kem Hynos của ông Vương Đại Nghĩa, em bà con với Vương Vũ. Lúc đầu bà con tưởng phim chiếu dạo, thấy cảnh một đoàn người bảo tiêu đẫy xe cở cái rương, đem theo cờ lọng, chở đồ kiểu gia đình Lâm Bình Chi, bị cướp đến giết tá lả rồi Vương Vũ nhảy ra, chém chết tơi bời rồi tới mở nắp cái rương, lấy ra hộp kem đánh răng Hynos. Dạo đó, có 3 hãng kem đánh răng nội địa cạnh tranh với nhau là Hynos, Leyna và Perlon.. Cứ nghe đài phát thanh réo hàng ngày mà tới ngày nay còn nhớ.

"Răng em, răng em trắng muốt như ngà
Nhờ kem, nhờ kem Hynos mà ra.
Anh yêu em hay anh yêu kem hay anh yêu anh bảy chà da đen?
Anh yêu em, anh yêu luôn kem, anh yêu luôn anh bảy chà da đen."

Hết kiếm hiệp thì nhảy qua các phim đánh võ với cặp Địch Long và Khương Đại Vệ đấu với La Liệt làm Vương Vũ lu mờ, hay cặp Sương Điền Bảo chiêu và Trần Tinh. Nghe nói Trần Tinh là người gốc Việt, trốn lính chạy qua Hongkong với bộ râu mép còn Sương Điền Bảo Chiêu là tài tử Nhật nhưng đến khi Lý tiểu Long xuất hiện thì không muốn coi mấy tên kia nữa. Chán như đường phèn. Hình như mình có coi phim Cầu Sông Kwai ở rạp Hoà Bình, La Chute de L' empire Romaine với Sophia Loren, Le Cid cũng có cô này đóng vì ở trường có học Le Cid,... Có lẻ phim mình thích nhất là La Colère d' Achille của Tây làm mà sau này, Hollywood có làm lại có tài tử Brad Pitt.
Hình này cho thấy rạp Eden tiền thân của rạp Ngọc Lan. Sau này họ có cho xây thêm khách sạn cho lính mỹ mướn, bị đặt chất nổ. Mình về thăm Đàlạt thì bạn học cũ cho hay một cô học chung khi xưa tên Nguyệt Thu thì phải là người đặt chất nổ ở đây.

Rạp Ngọc Lan thì thường chiếu phim Tây, dành cho người lớn. Đầu đường Thành Thái, góc Lê đại Hành, trước nhà trồng răng của bố thằng Hy cũng học Yersin với mình, hình Nguyễn Trình thì phải, mỗi tuần đều có cái banderole giới thiệu phim mới vì rạp Ngoc Lan nằm phía xa ít ai đi lại như rạp Hoà Bình và Ngọc Hiệp. Một bà giáo yêu một tên học trò, cũng chả hiểu gì lắm. Chỉ nhớ có lần đọc báo thấy bên Tây có chuyện bà giáo thương tên học trò rồi họ dựng phim nên tò mò đi coi. Có Annie Girardot đóng. Sau đó lại thấy họ xuất bản chuyện tình cô giáo và học trò ở Đàlạt qua cuốn “vòng tay học trò”. Cách đây đâu 20 năm, cô giáo nhân vật chính có ngụ lại nhà mình vài hôm khi ghé sang Cali.
Hội trường Hoà Bình hậu thân của chợ cũ Đàlạt.

Có coi Borsalino với Alain Delon, Paul Belmondo hay phim Made in Italy. Có lẻ hai phim về tình yêu nổi tiếng là Love Story với Ali MacGraw và Ryan O'Neal và Mùa Hè 42 với Jennifer O'Neill. Mình thích nhất Ali MacGraw đóng trong phim The Getaway với Steve McQueen, sau này Kim Basinger và Alec Baldwin có đóng lại phim này nhưng không hay bằng. Jacqueline Bisset đẹp nức nở trong phim Bullitt mà sau này mình coi lại không biết bao nhiêu lần.

Coi phim ở rạp Ngọc Lan thì có màn dành chỗ vì sau này họ bán vé kiểu mạnh ai nấy dành chỗ. Có lẻ vì lính 302 ...vào coi, mua vé hạng rẻ nhưng lại nhảy lên lầu hay hạng tốt coi mà người soát vé không làm gì được nên từ đó không còn màn soát vé. Nhiều tên lính Địa Phương quân hay Cảnh Sát Dã Chiến vô coi chùa, không mua vé, lớ quớ đánh người soát vé. 

Mình nhớ sau Tết Mậu Thân, đang leo cầu thang chợ, chỗ bến xe Chi Lăng thì nghe tiếng súng nổ rồi thấy vài tên Cảnh Sát Dã Chiến, chạy mệt nghỉ xuống cầu thang nên mình tưởng Việt Cộng vô nên chạy vào chợ lại thì thấy lính Lực Lượng Đặc Biệt, cầm súng AR-18, rượt đám Cảnh Sát Dã Chiến, có vài tên không quen chạy bị bắt lại, LLĐB đánh mệt thở. Sau này mới hiểu là có 5 tên CSDC vào rạp Hoà Bình, muốn vào coi nhưng không chịu mua vé, có tên LLĐB đang ngồi chơi với tên soát vé, bị đám CSDC đánh nên về trại kéo nguyên trung đội ra phố kiếm CSDC đánh. Từ dạo đó đám CSDC đóng ở trên đường Trần Bình Trọng, bớt hống hách ở Đà Lạt.
Mình chưa bao giờ đi xem phim tại rạp Kinh Đô số 55 đường Hàm Nghi. Phim mỹ nói tiếng tây, phụ đề tiếng Việt.

Vì nạn lính vô coi mà không chịu trả tiền nên chủ rạp không in vé mỗi xuất nữa nên khi họ mở cửa thì khán giả sau khi xô đẩy nhau để mua vé, lại phải dành giựt, xô nhau chạy vào rạp dành ghế, căm dùi. Chán mớ đời! Có lần đi coi với thằng Nguyên phim Woodstock, mình chạy vào trước, leo lên ghế đạp hai ghế kêu in ỏi thằng Nguyên. Thằng này thuộc loại thật thà nên chả thấy mình, cứ ngơ ngơ ngác ngác đến khi thiên hạ bớt la hét, chỉ còn vài người đứng la gọi thì nó mới nhận ra mình. Cái xứ gì đâu mà cái gì cũng phải chụp giựt.

Thời đó thì đa số các phim ngoại quốc như Mỹ đều được chuyễn ngữ qua tiếng Pháp rồi phụ đề Việt ngữ, vì chủ nhập cảng qua hãng Gaumont phân phối của Tây, không có cái màn thuyết minh như bây giờ. Dân Pháp đa số không thích đọc phụ đề nên phim ngoại quốc thường có vài rạp nhỏ chiếu phim nói tiếng ngoại quốc, phụ đề Pháp ngữ còn toàn là chuyển ngữ sang tiếng pháp. Có lẻ vì vậy dân tây lúc mình còn sinh sống bên đó dốt sinh ngữ. Coi đài truyền hình Dallas, Charlie's Angels,...đều chuyển ngữ sang tiếng Pháp. Đan Mạch hay Na Uy,...cho dân nghe luôn tiếng Anh nên dân mấy xứ đó rất thạo anh ngữ.
Đây là hình ảnh của rạp Ngọc Hiệp khi xưa. Nơi đây mình có rất nhiều kỷ niệm của thời con nít.

Ngày nay rạp Ngọc Lan được xây lại thành một khách sạn cao vời vợi, mình có ngụ tại đây một lần khi về Đàlạt. Rạp Ngọc Hiệp cũng biến mất để trở thành khu phố buôn bán hình như rạp Hoà Bình vẫn còn dành cho xi nê hay các cuộc mít tinh chính trị. Các rạp xi nê khi xưa là cánh cửa sổ cho mình nhìn ra khỏi thành phố nhỏ, buồn thiêu thỉu, cho mình thấy một vài toà nhà, vài phong cảnh của thế giới bên ngoài. Dạo đó còn nhỏ cho nên cũng không hiểu nhiều lắm khi coi phim, phải đọc phụ đề mệt thở nhưng những giây phút trong rạp đã cho mình những ước mơ của thời thơ ấu, như mướn vài tiếng một cánh buồm bơi lượn, lướt trên sóng khát vọng của tuổi thơ.


Tờ quảng cáo chương trình của rạp Eden, tiền thân của rạp Ngọc Lan sau này, số 42 đường Đồng Khánh, sau này đổi thành Thành Thái.

Mình có hỏi con trai của ông bà rạp Ngọc Lan, học dưới mình một lớp ở Yersin, cho mình biết một số tin tức bố mẹ anh ta lên Đàlạt, mua hai cái rạp xi-nê. Ông thần này bê nguyên một bài mình viết về rạp xinê Đàlạt khi xưa rồi gửi cho mình. Chán Mớ Đời 

Ai có tài liệu gì về Đàlạt thì cho em xin, biết đâu em nhớ chút gì, kể lại cho mấy bác . 

Nguyễn Hoàng Sơn