Xóm xưa

Nguyễn Hoàng Sơn

Kỳ này về thăm nhà thì mình nhận thấy cái xóm xưa của mình ở từ lớp 1 đến khi đi Tây đã thay đổi hoàn toàn. Một khung trời kỷ niệm của thời thơ ấu nay đã bị xoá xành sạch, không thấy bóng dáng con nít hàng xóm, chơi ngoài sân hay chạy nhảy, banh tù, đánh đáo,...., khác với thế hệ của mình khi xưa, buổi chiều trước khi ăn cơm là như cái chợ.

Xóm mình khi xưa là một chung cư gồm 7 căn hộ dính liền với nhau, thông nhau bằng hai con hẻm nhỏ phía trước nhà và phía sau nhà vì nhà vệ sinh chung của xóm nằm cuối cùng nên mỗi lần đi vệ sinh là hàng xóm biết ngay, ai có thói quen ngày giờ theo thông lệ đều được ghi vào sổ Tào Tháo. Dạo đó mình thích một cô láng giềng nên canh giờ đi vệ sinh. Cả hai thay nhau dùng cái mồm phía dưới hát Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây, nay nhớ lại khá vui. Nhớ mặt cô nàng đỏ đỏ, ngượng ngượng,
hay hay khi gặp nhau làm ngơ sau khi khám phá tên ngồi cầu bên cạnh là mình. Hình ảnh vẫn sống thực đến ngày nay. Ước gì mình gặp lại cô nàng để kể chuyện cho nhau nghe để rồi cười với nhau như câu chuyện nuôi cá tra. Họ xây hai nhà cầu, nam và nữ thì cán bộ khám phá cá bên nhà vệ sinh nữ thì ốm yếu còn phía bên nam thì mập béo nên kiên quyết tìm ra nguyên do, cuối cùng thì họ khám phá là cá bên phía nữ lo nhìn lên nên quên ăn, đâm ra đói ốm.

Mọi lần về, mình chỉ ở lại Đà Lạt có 3 ngày nhưng lại ở khách sạn nên không để ý đến xóm của gia đình mình cư ngụ. Chuyến này về thì ở lâu, không có vợ đi theo nên ngủ lại nhà, mới khám phá ra sự thay đổi của xóm mình ngày nay.

4:00 giờ sáng thì tiếng chuông của chùa Linh Sơn vẫn boong boong đánh thức mình dậy như ngày xưa dù từ nhà mình không còn thấy chùa như xưa vì các căn nhà hàng xóm mọc lên như nấm, cao 3,4 tầng, che khuất chùa, chẳng bù lại ngày xưa, mình thấy cảnh sát dã chiến, bắn lựu đạn cay vào chùa, bắt sinh viên và học sinh biểu tình chống đối chính quyền. Hôm trước ghé thăm chùa Linh Sơn với con gái, mình chỉ cái chuông đồng mà 52 năm về trước có tham dự lễ đúc chuông này. Họ làm cái khuôn bằng đất sét, ràng chặt bằng dây kẽm và xích, rồi nấu đồng cho chảy lỏng ra, đổ vào cái lỗ phía trên cái khuôn. Mấy ngày sau thì họ đập cái khuôn đất sét trong tiếng cầu kinh của các phật tử.

Đi một vòng xóm thì thấy các không gian, sân chơi khi xưa của đám con nít của thế hệ mình trong xóm nay được xây cất, đi đâu chỉ thấy nhà và nhà. Con đường nhỏ phía sau xóm, khi xưa đi ngang các nhà hàng xóm để làm vệ sinh thì nay được ngăn bởi cái tường 2, 3 tầng của hàng xóm. Các sân xưa trước mấy căn nhà, con nít trong xóm tụ nhau chơi banh tù, tạt lon, vũ cầu, dít hình hay chơi 5, 10 hay đá dế..., để lại cho mọi người nhiều kỷ niệm của thời thơ ấu. Những tiếng con cái hàng xóm cãi nhau không còn nữa vì bị các tường bê tông hay gạch bưng bít, mỗi nhà như một con ốc đảo. Nghe nói có người chết trên lầu mà hai ngày sau con cháu mới phát giác.

Sáng đầu tiên, ngủ không được vì trái múi giờ, sau tiếng chuông của chùa Linh Sơn thì nằm hoài, đợi nghe tiếng chim hót nhưng tiếng chim hót khi xưa không bao giờ trở lại. Cây cối trong xóm đều bị đốn, không còn một vạt đất trống. Những đường dây điện khi xưa mà chim sẻ hay đậu từng đàn nay đã biến mất, được thay bởi những sợi dây cáp to chình chịt của điện thoại,... Miếng đất bên cạnh nhà khi xưa, con nít trong xóm tụ tập lại buổi chiều để chơi thì nay được thay thế bởi 4 căn nhà 4 tầng. Nhà nào cũng có cái cổng sắt to khiến con nít rú rú trong nhà, chơi game điện tử, thế giới của chúng được hiển thị qua cái laptop, iphone, Samsung và cái giường để bò qua lăn về. Mình thấy nhiều nhà lụp xụp, cũ mèm nhưng gia chủ vẫn làm một cổng sắt cực sang.

Khi xưa, nhà trong xóm, nấu ăn thiếu dầu, muối, tiêu thì chỉ chạy xẹt qua hàng xóm mượn rồi hôm nào đi chợ, mua trả lại. Hàng xóm có sách thì cho mượn đọc ké, hè đi thuê truyện ở nhà sách Minh Thu rồi đổi nhau đọc để đở tốn tiền thuê sách. Mình mượn hàng xóm những cuốn như "tội ác và hình phạt", "chiến tranh và hoà bình", "quần đảo ngục tù", "docteur Zhivago" và những cuốn của Enrike Remarque,.... Tình hàng xóm khi xưa sao thân mật chi lạ, ngày nay hỏi nhà ai ở căn này, căn kia cũng không ai biết.

Nhớ có lần Mệ Ngoại mình nấu ăn, làm sao cái lò dầu hôi bị ngã nên dầu chảy ra, phựt cháy, la cứu cho với, cứu cho với thì bà Tước, hàng xóm, chạy qua lấy cái thảm của ông hàng xóm để ngoài mưa, đem vào dập tắt ngọn lửa. Nhiều khi mình bị trúng gió, chạy qua nhờ bà Tước cạo gió và chích lể, chỉ tiếc dạo đó không học nghề bà ta. Chỉ nhớ bà ta lấy dầu cù là xoa rồi lấy miểng chai châm chích rồi nặn máu trên thái dương, ngón tay, thì thấy khoẻ. Mỗi khi nhà có kỵ giỗ là chạy qua mời hàng xóm đến ăn giỗ hay sai con đem hai đĩa xôi, hai chén chè qua hàng xóm biếu thảo đến nhớ cả ngày kỵ cha mẹ, ông bà của họ.

Khi nhà mình mua được cái máy truyền hình thì cuối tuần, hàng xóm, con nít rủ nhau sang nhà để coi kịch sống của Tuý Hồng hay các chương trình văn nghệ, cải lương,... Tết thì cả xóm xúm lại đổ sâm hường, đánh xì lắc, người già thì đánh bài tới đi chợ,... Các cô hàng xóm hay mình lấm lét, lén nhìn nhau nhưng mặt thì vẫn ngơ ngơ. Tết chạy qua hàng xóm chơi, ăn ké mứt, bánh,...

Chơi với đứa trẻ trong xóm, tạo nên sự tương trợ với nhau vì khi bị tụi xóm khác đánh thì về kêu phe ta lên trả thù hay giải vây còn ngày nay con nít đánh nhau trên mạng với game điện tử. Thấy trên mạng tải các cuộc bạo hành, học sinh đánh nhau, học trò thuê người đánh thầy giáo hay còn được gọi là "Tháo Giầy" vì thầy cô làm tiền trắng trợn, mặc dù có bằng tiến sĩ môn đạo đức HCM. Giới trẻ mất đi những không gian để chạy chơi với con nít trong xóm, nối kết nhau tình bạn hữu hay để trút bỏ bao nhiêu nội lực trong người.

Bên Mỹ thì cũng có trường hợp tương tự là không quen biết hàng xóm nhưng ít ra con nít có những công viên nhỏ trong khu dân cư mà chiều chiều hay cuối tuần thấy các cặp vợ chồng đưa con ra đấy chơi, leo cầu tuột, đu dây, đánh đu,... Ở VN, những khu dân cư mới được thành lập đều không có công viên, những khoảng đất trống để con nít trong khu chạy nhảy. Có những đề án xây các sân golf nhưng mấy ai có tiền để đóng tiền hội viên.

Vẫn biết vật đổi sao dời nhưng ngày nay mình thương cho mấy đứa cháu sống trong môi trường ô nhiểm với khói xăng dầu xịt ra vô tội vạ. Khi xưa ít xe nên lâu lâu ngửi được mùi khói xe là thấy như được gần kề nền văn minh, ngày nay thì ra đường ai nấy đều che mặt như đàn bà đạo hồi cho nên hình ảnh người con gái hay trai Đà Lạt với đôi má hồng không còn nữa bù lại là hình dánh của một nhân vật trong truyện khoa học dã tưởng. Đầu đội nón bảo hiểm, kính che mắt, khẩu trang che mũi, mồm, tay đeo găng tay dài, còn chân mặc váy thì ngồi trên xe, có tấm vải che lấy cặp chân dài chân ngắn. Không hiểu mấy cô bé vào tuổi dậy thì làm sao tiếp thị đoá hồng của họ còn mấy tên choai choai như mình khi xưa, làm sao phát hiện ra những bông hoa rực rỡ để chạy theo ngắm. Chắc phải chụp Selfie rồi tải lên mạng.

Có về thăm thì mới tiếc công về vì không tìm lại chút dư âm hay hương xưa như tiếng các bà gánh hàng rong ngày nào được thay thế bởi những cái loa, nghe không rõ, âm thanh rất cô đọng, máy móc. Mình nghe "bánh mì nóng, ngọt", chạy ra chưa kịp xem hình thái của người bán hàng rong thì chiếc xe gắn máy đã chạy mất xa. Nghe "bánh bao nóng" là thấy chiếc xe đạp có hai thùng vuông như thùng nước mắm khi xưa, để hai bên cái porte baggage, do một ông đội mũ, đeo kính đen chạy mất hút trên đường Thi Sách.

Trở về để thất vọng vì những hình ảnh xưa đã mất, như Hoàng Quý tự hỏi về những cô láng giềng ngày xưa nay ở đâu nhưng may mắn, mình tìm lại được các bạn học cũ như Vittorio Gassman trong phim Profuma di donne, bị mù trong chiến tranh tìm lại những người bạn cũ trong quân đội, để hoài niệm về một thời đã sống với nhau, lưu lại cho nhau những kỷ niệm của vòng tay học trò. Âu đó cũng là hạnh phúc trong cuộc đời, được đong cho nhau những kỷ niệm với nhau về một thời để sống và một thời để nhớ.