Duty Free

Đi chơi, phải quá cảnh tại các phi trường quốc tế, mình rất sợ đồng chí gái cứ rảnh chạy đi mua đồ rồi bắt mình khiêng. Cô nàng kêu Duty Free nhưng Free ở đây thì lại đắt hơn ở ngoài phi trường gấp 3 lần.
Lần đầu tiên mình thấy chữ Duty Free khi trên đường đi Tây, máy bay dừng lại ở phi trường Vọng Các, Tân Đề Li và Teheran nhưng không hiểu gì, thêm phần lo sợ bị lạc nên cứ kiếm mấy tên hành khách trong máy bay, ngồi gần mình, họ đi đâu thì mình lò dò đi theo nhưng công an khu vực. Sau này đi làm ở London, lâu lâu bay về Paris vào cuối tuần để thăm mấy người em mới biết Duty Free, có nghĩa là miễn thuế. Lần đầu tiên về Việt Nam, mình có mua một bịch thuốc 555, để tặng ông cụ và công an khu vực.
Khi xưa, hành khách bay qua Đại Tây Dương bằng máy bay chong chóng nhỏ, thậm chí có máy bay đậu trên nước thì họ đáp xuống phi trường gần nhất để lấy nhiên liệu. Gần nhất là phi trường Shannon, Ái Nhỉ Lan từ Hoa Kỳ và cũng từ phi trường này tạo dựng một nền thương mại Duty Free khắp nơi trên thế giới khi du khách đi máy bay.
Ông Brendan O’Regan, người Ái Nhỉ Lan có công, khởi đầu ngành thương mại Duty Free và phi trường quốc tế Shannon. Ông này được bằng tiến sĩ danh dự nên người ta hay gọi ông ta là tiến sĩ nhưng thật tế thì ông ta khởi nghiệp là người bán rượu ở quán rượu.
Dạo ấy, hành khách đa số là người giàu có, các tài tử nổi tiếng ở Hoa Kỳ và Âu châu, ngồi trong các máy bay nhỏ bé, bị nhồi lên nhồi xuống trên không trung nên khi xuống phi trường đợi tiếp nhiên liệu thì họ cần có đồ ăn thức uống nên ông O’Regan mở tiệm ăn ở phi trường, đặt tên là lạ cho mấy món ăn, để hấp dẫn du khách giàu sang như Kerry Lamb, Dublin Prawns,.. Có thức uống đặc biệt mà ông ta làm cho thực khách là Irish Coffee, cà phê Ái Nhỉ Lan mà ngày nay khắp thế giới dùng sau khi ăn cơm.
Dạo mình sang Ái Nhỉ Lan chơi, nghe đến Irish Coffee nên uống thử, ai dè là rượu mạnh pha cà phê và cream rất đặc. Tây thì sau khi ăn cơm, họ uống rượu mạnh như Courrvoisier rồi thêm ly cà phê, đây chắc họ lười nên pha hằm bà lằn mọi thứ cho tiện.
Ông ta còn mở một tiệm nho nhỏ bên cạnh tiệm ăn để bán những vật lưu niệm và rượu mạnh. Thời ấy, cái gì cũng bị chính phủ đánh thuế và ông ta khám phá một mánh: số là từ thế kỷ 17, các thuỷ thủ của xứ Anh đều được miễn thuế khi họ lên thuyền ra khơi, đi tìm thuộc địa cho hoàng gia Anh hay buôn bán, có lẻ để giúp họ ngủ lâu để tránh say sóng. Các con tàu rời Anh quốc đưa người di cư sang Hoa Kỳ, chở bia và rượu nhiều hơn thức ăn, bia được dùng thay nước uống và có chất bổ, lại giúp thiên hạ ngủ quên đời. Mình nhớ khi đi từ Hy Lạp sang Creete bằng tàu thuỷ, lên tàu vô cabin mình chơi một viên thuốc say sóng, tối thức dậy làm một viên khác, ngủ đến sáng.
Năm 1950, ông O’Regan bay sang Hoa Kỳ, và trở về bằng du thuyền SS America. Ông ta nhận thấy là rượu được bán trên du thuyền này rẻ hơn ở phi trường, vì đang ở hải phận quốc tế. Do đó khi về nước, ông ta yêu cầu chính phủ miễn đóng thuế rượu ở phi trường vì máy bay được xem là những du thuyền trên không trung. Chính phủ Ái Nhỉ Lan kêu miễn thuế cho tụi nhà giàu? Tương tự chính phủ Việt Nam thích đánh thuế visa du khách nhưng lại quên là nếu không đánh thuế thì du khách viếng Việt Nam nhiều hơn và tiêu xài, tạo công ăn việc làm cho người dân thay vì chỉ làm giàu cho mấy tên cán bộ ở các toà lãnh sự.
Cuối cùng ông ta thuyết phục được chính phủ là nếu không đóng thuế thì du khách, thay vì chỉ ghé ngang, chờ đợi máy bay lấy nhiên liệu, sẽ ở lại, đi du lịch ở xứ Ái Nhỉ Lan. Ông ta bán được thì sẽ đóng thuế, trong khi đó du khách sẽ đi thăm viếng các nơi, mua đồ khác và đặc biệt là có đô la vì du khách đến sẽ trả bằng ngoại tệ. Ông ta mở tiệm miễn thuế đầu tiên ở phi trường vào năm 1951 trước khi mình ra đời.
Lúc đầu người ta chú trọng bán rượu mạnh và thuốc lá, họ có bán thêm mật ong, mấy đồ đặc sản địa phương như mình thấy ở phi trường Liên Khương hay Tân Sơn Nhất. Chính phủ rất lo ngại vì đám Mafia có thể buôn lậu vì giá bán chỉ 1/3 ở ngoài, nên bắt ông ta phải kiểm điểm hàng hoá mỗi ngày.
Loại sô-cô-la này được bán chạy nhất tại các phi trường quốc tế. Mình có kể lý do rồi. Ai buồn thì tìm đọc trên bờ lốc của mình. Sô cô la này xuất phát từ Thuỵ Sĩ nhưng do một công ty mỹ làm chủ, nay họ muốn chuyển nơi sản xuất qua Bratislava nên phải gỡ bỏ cái huy hiệu ngọn núi của xứ Thuỵ Sĩ
Các thương hiệu khác bắt đầu để ý đến cách quảng cáo ở phi trường trong gian hàng của ông O’Regan, nên dần dần người ta thấy đồng hồ Omega Thuỵ Sĩ, máy chụp hình, nước hoa Chanel #5,… được bày bán nhất là sô cô la Toblerone của Thuỵ Sĩ, do ông Tobler + thêm cái tên Ý “Torrone”, có nghĩa Nougat, hoá thành Toblerone mà ngày nay người ta chỉ thấy loại sô cô la này ở phi trường. Điểm đáng lưu ý là loại sô cô la không bị đánh thuế nhiều như rượu hay thuốc lá nhưng rất được thành công về thương mại. Có lẻ người ta đi chơi hay công tác, bận bịu nên khi ra phi trường thì nhớ đến con cái ở nhà nên mua làm quà đem về. Mình mà còn dư tiền bản xứ thì đem ra mua hết mấy loại này đem về cho vợ như năm ngoái leo núi Machu Picchu.
Thương vụ này quá thành công, ai cũng muốn ghé Ái Nhỉ Lan để mua đồ miễn thuế, khiến các phái đoàn thương mại trên thế giới phải đến quan sát và phi trường Amsterdam mở một thương hiệu miễn thuế vào năm 1957 rồi DFS mở tiệm đầu tiên ở Hoa Kỳ, ở Hạ Uy Di vào năm 1962 và ngày nay số lượng buôn bán ở phi trường trên thế giới lên đến $70 tỷ đô la, trong số đó có đến 5 tỷ đô la là kẹo bánh sô cô la. Người ta nói là có nhiều người mua sô cô la ở phi trường hơn là người dân ở Ấn Độ.
Nếu ông O’Regan mà làm “patent” cho ý tưởng bán miễn thuế thì ông ta đã trở thành tỷ phú.
Nếu xét về giá cả thì hơi quái đản, thuốc lá mỹ mua ở Âu châu lại rẻ hơn ở Hoa Kỳ, như Whisky của mỹ được bán 2/3 giá ở Hoa Kỳ. Rượu Pháp được bán ở Ý, lại đắt hơn ở Hoa Kỳ, tương tự sô cô la Toblerone, giá gấp đôi ở Hoa Kỳ. Ngoài ra các hàng mỹ phẩm rất đắt.
Khi phi trường Shannon mở tiệm Duty Free đầu tiên thì buôn bán đắt nhưng khi khắp nơi trên thế giới cũng bắt chước nên thị trường cạnh tranh, tiền mướn ở phi trường cao hay lương nhân viên cao nên rốt cuộc mua hàng ngày nay ở phi trường thật ra cũng không rẻ, thà mua ở trong thành phố rồi đến phi trường, đưa sổ thông hành để lấy lại thuế, có lẻ rẻ hơn thêm lấn cấn với cái túi.
Mấy năm trước đi Pháp, mình có mua cho đồng chí gái cái ví LV, bỏ trong vali, gửi đồ xong xuôi lại phòng quan thuế để lấy lại tiền thuế thì họ hỏi cái ví đâu, nói bỏ trong vali rồi nên bù trớt. Mất 15% thêm bị vợ nhằn.
Chán mớ đời

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn