Tapas

Cách đây mấy tuần, đồng chí gái và mình có ghé ăn một tiệm ở Huntington Beach, bán toàn các món Tapas khiến mình nhớ đến chuyến du hành tại Tây Ban Nha khi còn sinh viên. Mình quen vài cô sinh viên gốc Tây Ban Nha khi ở Luân Đôn, rồi họ rủ sang viếng xứ họ khi nghỉ hè.
Dạo ấy đi du lịch, mình chỉ để ý đến gái gú, kiến trúc và thức ăn. Thật ra thời đó, sinh viên không tiền, làm Mít ba lô, đi quá giang xe, nay đây mai đó nên không có tiền để ăn món lạ trong tiệm ăn sang trọng. Hôm trước nói chuyện với cô em họ của đồng chí gái, đi du học trước mình mấy năm, kể khi viếng thăm đảo Capri, Ý Đại Lợi.
Mình nhớ hồi còn bé bé nghe bản nhạc "Capri, c' est fini!" do Hervé Vilard hát nhưng không biết Capri ở đâu, đến khi sang Ý thì mới biết là một hòn đảo gần thành phố Napoli, phía nam của La Mã. Khi đi xuống vùng này thì mình bắt buộc phải đi tàu ra đảo, ngồi vẽ cạnh một biệt thự rất đẹp. Bổng có ông ý, chủ nhà kêu vô ăn cơm với gia đình ông ta, sống ở La Mã, hè ra đây nghỉ mát.

Nói tới bài Capri c'est fini, mình mới nhớ năm 1978, ông Hervé Vilard xuất hiện trên đài TF1, hội ngộ lại với khán giả tây vì theo hợp đồng thì cái tên của ông ta bị nhà xuất bản nhạc mua trong vòng 10 năm. Ông ta không đồng ý chi đó với nhà xuất bản nên ông ta chỉ được đi hát ở các xứ khác như Á Can Đình,... Tương tự ca sĩ Ringo, chồng của ca sĩ Sheila cũng lâm vào trường hợp này nên sau này bị cấm hát luôn dứoi cái tên Ringo, đổi tên khác nhưng không nhớ vì xa Tây lâu ngày quá.
Dạo đó, mình làm thẻ sinh viên quốc tế và hội viên của Youth Hostel quốc tế nên đi chơi là ghé lại mấy chỗ này ngủ, không có thì kiếm nhà dân ngủ lại hay nhà nghỉ bình dân. Sáng thì Youth Hótel, lữ quán thanh niên đã cho ăn sáng, trưa mình hay ghé vô tiệm tạp hoá, mua khúc bánh mì thêm jambon, phô mát ăn qua bữa rồi vẽ tranh để bán cho du khách kiếm tiền trả khách sạn và ăn uống.
Chiều thì tắm tiết xong thì nhiều khi ăn ở Youth Hostel với đám trẻ Âu châu tây ba lô như mình là Mít Ba lô, hay ra phố kiếm tiệm ăn rẻ rẻ, bình dân, xa khu du khách, toàn dân địa phương trong xóm, ăn loại Casalinga. Dạo đó mình đi khắp 4 vùng chiến thuật ở âu châu nhưng không bao giờ gặp một tên mít ba lô.
Ở Paris, dạo đó có nhiều người di dân gốc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nhưng mình ít đi ăn tiệm bán cơm của hai xứ này. Chỉ nghe món Paella, một loại cơm nấu với đồ biển và Sangria, một loại rượu pha với trái cây màu đỏ, do đó được gọi là theo Sangre (máu).
Sang tới Tây Ban Nha thì khám phá món Gazpacho, một loại soup cà chua, hành tỏi, uống lạnh vào mùa hè khá ngon và giải nhiệt. Loại này khá thông dụng ở vùng Andalusia. Có lẻ mình thích nhất là món nước uống Horchata ở tỉnh Valencia. Một loại nước hạnh nhân có quế, uống ở quán ốc kiểu xe nước mía ở Việt Nam. Phê không thể tả. Sau này qua Mễ Tây Cơ thì có thấy nhưng ngọt quá, chắc họ bỏ đường nên tự dạo đó hết thèm.
Khi mình xuống miền nam của Tây Ban Nha, tỉnh Murcia thì mới khám phá ra bản chất của xứ này. Mình đi xe quá giang thì họ đổ lại thành phố này. Lật cuốn Guide des routards ra thì không thấy Youth Hostel nên mần mò đi kiếm nhà dân đi trả tiền ngủ qua đêm rồi mai đi sớm đến Malaga.
Mần mò hỏi một ông già thì ông ta nói là nhà ông ta nhỏ nhưng nếu mình muốn thì về ngủ lại vài ngày, ông ta không lấy tiền. Hồi trẻ đi chơi thì thích kiếm tụi trẻ gái gú cùng tuổi đi nhảy đầm hay chi đó nhưng có người cho ở không nên ok. Nhờ vậy mình mới khám phá thêm về đời sống hàng ngày của dân sở tại.
Sau khi ngủ trưa xong thì ông Mario, kêu mình đi với ta. Trên một con đường nhỏ mà có đến 52 cái quán rượu. Ông cứ kéo mình vô quán nào ông quen, kêu một caña, ly bia nhỏ hay chato, ly rượu nhỏ. Lúc đó mình mới để ý trên quầy có mấy mấy đĩa nhỏ mà người Tây ban nha gọi là tapa (đậy trên).
Ông Mario giải thích là khi mùa nào có rượu dỡ thì chủ quán hay cho ăn miễn phí mấy món queso, phô mát vì mặn khiến thực khách khát nước kêu thêm rượu như trong các quán rựou ở Hoa Kỳ, họ cho ăn đậu phụng rang mặn. Khi xưa, người đi đường ghé lại quán ăn, đa số dân không biết đọc hay viết nên để quảng cáo các món ăn, họ bày trên những cái đĩa nhỏ để thực khách thấy mà gọi, tương tự ngày nay vô mấy tiệm bán đồ ăn Mễ, hay Đại Hàn mang về, cha con cứ nhìn vào tủ bằng kính rồi chỉ chỏ và gật đầu hay lắc đầu.
Lúc đó mới hiểu danh từ "siesta" mà dân tây hay chọc dân Tây Ban Nha với giọng điệu khinh thường, cho họ lười. Mùa hè nóng kinh hoàng nên người làm nông dậy sớm để làm việc rồi khoảng 11:00 trưa là kéo vô nhà ăn trưa rồi ngủ vì trời quá nóng. 4-5 giờ chiều thì mới thức dậy đi làm tiếp và đi phố đến 10, 11 giờ đêm thì mới ăn cơm.
Mình nhớ khi đi xuống miền nam nước ý, ghé thăm mấy thằng ở chung ký túc xá của đại học bách khoa Torino thì cũng có cái màn này. Trưa thì không có một bóng người, mình ngỗi vẽ mà oải đến khi 5,6 chiều thì gái và trai trong làng hay thành phố ùa ra đường, bận đồ đẹp ngắm mệt thở. Cứ lượn đi lượn tới trên con đường chính của làng hay thành phố.
Mình nhớ hôm ghé lại Ragusa, của đảo Sicily. Chiều nào cũng đi với thằng bạn Ý trên con đường làng. Cứ đi vài bước là phải ngưng vì thằng bạn quen gần như mọi người trong làng. Cứ Ciao Ciao rồi nó giới thiệu mình cho mấy tên hay mấy cô trong làng. Thế là mình phải kể tông tích tích của mình cho đám ý trong làng. Đi mỏi chân thì ghé lại tiệm mua cái gelato, kem ý ăn mệt thở.
Cứ mỗi quán rượu là mình ăn một cái tapa, rồi ông Mario kéo mình đi vài bước lại kéo vô một tiệm khác bên lề phải. Lại thấy món tapa khác nên ăn rồi lại đi, rồi ghé vào quán khác bên tay phải. Trên đường về thì ghé quán phía bên phải nhưng ngược lúc đi. Mình tính nhẩm có đến 52 quán rượu trên con đường độ chiều dài của sân đá banh.
Ông Mario dẫn mình đi viếng 8 quán, ăn được 8 cái tapa. Chiều hôm sau, ông ta dẫn vào mấy tiệm khác cũng trên con đường này. Mình ở trọ nhà ông được 3 ngày rồi đi vì có hẹn với con Catherine, học HEC tại Malaga chiều hôm sau. Ông Mario, kêu mình ở lại thêm nhưng đành chịu. Ông này thuộc lực lượng Franquist, chống cộng sản nên chửi bới chính phủ Tây Ban Nha dạo đó, thiên tả. Gặp mình chống cộng như Bá Nha gặp Chung Tử Kỳ )
Đồ ăn của Tây Ban Nha thì không ngon bằng đồ ăn Ý nhưng bù lại thì các món tapas, kiểu ăn khai vị, hors d'oeuvres của tây hay antipasto của ý thì đại ngon. Vùng Valencia thì có món Paella, cơm nấu trộn với đồ biển. Xem họ nấu trong một cái chảo to độ một thước đường kính. Tên nấu cầm cái vá bự, đảo qua đảo về để khỏi bị cháy.
Đến Malaga, vùng Andalusia thì được giải thích cái tên cúng cơm của tapas. Lý do là khi uống hớp rựou thì người ta bỏ miếng đồ ăn trên ly để tránh ruồi chui đậu trên ly nên gọi món ăn là Tapa, đậy trên. Thường chủ quán dùng jamón, phô mát để đậy vì mặn nên khi người ta uống thì khát lại phải kêu thêm.
Có người lại nói là khi vua Filipe đệ nhị trị vị, ông ta thấy nhiều người uống rượu và ói nôn nên ra lệnh khi bán rượu thì phải kèm theo chút mồi để người uống không bị bụng đói mà say ná thở. Dần dần người ta sáng chế thêm đủ trò, nay có cả món Điểm Sấm của tàu. Người thì nói khi ông vua ra bờ biển Cadiz thì tên đầu bếp lấy miếng mồi để trên cái ly để tránh cát bay vào,...
Khi mình ở Luân Đôn thì có quen một thằng tàu, kiến trúc sư gốc Tân Gia Ba. Có dạo nó rũ mình về xứ nó làm ăn với gia đình nó. Tên này kể học dốt, thi không vào được trường đại học công lập của xứ nó nên phải qua Anh học. Nó rũ đi ăn điểm sấm ở tiệm lớn nhất Chinatown. Đó lần đầu tiên mình biết điểm sấm là cái gì. người Tàu họ để khẩu phần nhỏ nhỏ nên thiên hạ ăn đủ thứ mà họ có cách tổ chức hay là cứ xếp loại theo A, B, C,..., rồi theo đó mà tính tiền. Rất đơn giản!
Thấy khẩu phần tương tự như món Tapas ở Tây Ban Nha nên nghĩ nếu mở nhà hàng thì nên làm kiểu điểm sấm tàu nhưng đồ ăn là tapas. Cứ đẫy xe chở món loại A, B, C,..., đi ngang bàn, thực khách cứ chỉ chỉ là tính tiền, thoải mái con gà rô ti. Sau này sang mỹ, lâu lâu ăn cơm đại hàn thì khám phá họ cũng có những đĩa đồ ăn nhỏ gọi là Banchan.
Việt Nam mình thì cứ chạy theo con số 3. Cờ có 3 gạch, cơm chỉ có ba món; món canh, món xào, món kho, chắc Việt Nam có 3 miền nên ăn ba món như chè 3 màu, đại diện cho 3 miền nam, bắc trung? )) em chế thôi.
Trưa nay, mình chở thằng con ghé ăn cơm Vùng Địa Trung Hải. Không ngờ tiệm này nấu ngon kể gì. Món humus ăn với cải đỏ tuyệt. Mấy món thịt với cơm xà lách rất độc đáo. Để hôm nào rảnh kể thời đi các vùng trung đông, Thỗ Nhỉ Kỳ, Hy lạp, ăn đồ khá ngon.
Nhs