Hôm trước, ở Cali có ông thần nào vào quán rượu, lấy súng bắn khách tiêu dùng khiến cả tá lăn đùng ra chết, được dịp nhóm chống đối sở hữu súng ống có dịp lên tiếng, kêu gọi kiểm soát súng ống như mọi lần, phản lại tu chính án của Hoa Kỳ. Chỉ tiếc là có đám cháy rừng giết cả trăm người thêm mấy trăm người mất tích nên vụ giết người tập thể này bị lãng quên nhanh. Đó là trò chơi dân chủ tại Hoa Kỳ.
Theo thống kê, hàng năm tại Hoa Kỳ có độ 13,000 chết vì súng ống giết nhau trong khi chết vì uống rượu gấp 5 lần nhưng không thấy ai kêu gọi, kiểm soát hay cấm bán rượu. Người ta quyết định dựa theo tâm lý, cảm xúc thay vì nhìn thống kê. Nếu cấm uống rượu thì chắc có nhiều nạn giết người tập thể hơn nên có lẻ vì vậy cứ cho thiên hạ chết vì rượu, vừa được thuế vừa được giảm các cuộc giết người.
Báo chí nói tên bắn chết 12 mạng người và làm 15 người khác bị thương, là một cựu quân nhân, thủy quân lục chiến, bị bệnh PTSD (Post Traumatic Stress Disorder ). Một căn bệnh tâm lý khi người ta trải qua hay chứng kiến một sự việc hãi hùng, lưu lại những vết thương tâm lý sau này. Theo thống kê của bộ quốc phòng Hoa Kỳ, mỗi ngày có 20 cựu chiến binh tự tử, xem như 7,300 người mỗi năm. Uỷ ban bầu cử của ông Trump, muốn kiếm phiếu với các gia đình binh lính nên hô hào sẽ giúp đỡ các cựu chiến binh, đang bị bệnh dịch tìm cái chết sau khi rời quân ngủ.
Dạo mình mới sang Hoa Kỳ, thấy nhiều người vô gia cư, đứng đường, cầm tờ giấy “Vet Nam”, cựu chiến binh tại chiến trường Việt Nam. Hỏi ra mới biết họ bị chấn thương tâm lý sau khi đi quân dịch, được gửi đến chiến trường Việt Nam. Khi trở về đời sống dân sự, họ không hội nhập lại được vì những chấn thương tâm lý, chứng nhân cho những việc đã xẩy ra tại chiến trường Việt Nam mà họ khó quên được, nhất là họ bị người Mỹ lên án họ là những tên đồ tể ở Việt Nam với những hình ảnh của bom Napalm, Mỹ Lai... Số này rất nhiều.
Có coi trên Netflix, một chương trình nói về lính biệt kích SAS của quân đội hoàng gia Anh Quốc. Họ nói đến sự hình thành, tập luyện của biệt đoàn đặc công này, được xem là số một trên thế giới. Có một phỏng vấn về ảnh hưởng hậu chiến trường thì mọi người lính biệt kích, nổi tiếng gan dạ, can trường này, đều trả lời tất cả (100%) binh sĩ của đội quân này, khi trở về đời sống dân sự đều bị PTSD. Có nhiều đồng đội, chịu không nổi về những hình ảnh khi xưa, ám ảnh hàng ngày đưa đến tự tử. Có một ông, sau khi rời quân ngủ, đi học lại, nay là giảng sư đại học, kể được bác sĩ quân y khám rồi cho ông ta một nắm thuốc viên sinh tố, khiến ông cười.
Cứ tưởng tượng một cựu biệt kích từng được huấn luyện rất kỹ lưỡng về tuyên truyền, bị tra khảo, đánh đập mà không thể nào quên được những gì đã xẩy ra trong thời chiến. Một người Mỹ trẻ tuổi, 18, 19 tuổi bị động viên, đi nghĩa vụ quân sự, được đưa vào tác chiến tại Việt Nam, đi hành quân, lâu lâu thấy một đứa bé ngây thơ Việt Nam, rồi bổng chốc, quăn trái lựu đạn như Võ Thị 6,…được lệnh của cấp trên tàn sát, rồi đốt hết một ngôi làng như Mỹ Lai thì làm sao họ có thể an bình được sau khi trở về mỹ.
Giáo sư Danny Sjursen, thiếu tá, dạy truowfng võ bị Westpoint, cho rằng khi ông ta về Mỹ, sống với bà vợ thấy lộn xộn, chỉ muốn trở về chiến trường I-Rắc, cuộc chiến người Mỹ đã thua, cuộc chiến mà người Mỹ không nên tham dự. Đó là những người có học còn te tua huống chi những binh sĩ ít hiểu biết để tự tìm cách, thoát khỏi những hậu chứng của chiến tranh.
Có lẻ ngày nay, người ta biết chữa trị phần nào các hậu chứng của chiến tranh nên ít thấy những cựu chiến binh tại chiến tranh I-Rắc, Á-PHủ-Hản đứng đường. Thật ra cũng có, mình có gặp vài người ngủ đường ngủ chợ. Có ông kia kể là mỗi tháng nhận được chính phủ $1,000, ông vào Motel ngủ ngáy, tắm rữa rồi khi hết tiền thì lại lấy lều ra công viên ngủ đến đầu tháng.
Trong cuộc phỏng vấn, ông giáo sự, cựu lính biệt kích kể tại chiến trường I-Rắc, ông ta kể bắn chết người lần đầu tiên trong đời, một người lính trẻ, rất trẻ theo ông ta chỉ là một đứa con nít khi giáp mặt nhau, sợ bị lộ nên ông ta phải bắn chết. Khi về nước, ông ta phải đối đầu, lo cho thằng con bị ung thư nên sau khi thằng con qua đời thì ông ta bị chấn thương tâm lý, hình ảnh đôi mắt của đứa trẻ bận quân phục I-Rắc ngồi trong xe, mở đôi mắt ngạc nhiên khi phát hiện ra ông ta nhất là lãnh hai viên đạn từ súng của ông ta, đeo đuổi mãi trong giấc ngủ, ngay cả khi thức.
Trong cuốn “Nổi Buồn Chiến Tranh”, ông Bảo Ninh có nhắc một đoạn về hậu chứng của chiến tranh. Mình không biết phía VNCH, các người lính khi xưa có bị bệnh này hay không vì không có ai trong nhà đi lính cả. Ông cụ mình khi xưa có đi lính, khi giải ngủ thì không thấy gì cả, có lẻ ông cụ là y tá nên không giết ai ở ngoài mặt trận. Mình không sống với ông cụ nên không rõ nhưng hậu chứng sau 15 năm ở trại cải tạo, chắc chắn là có. Để tuần sau, gặp bà cụ mình sẽ hỏi rõ thêm. Chỉ nghe mấy cô em kể là ông cụ rất khó tánh, la mắng đều đều.
Có lần lên San Jose chơi, có ghé lại nhà người bạn của đồng chí gái dùng cơm. Bổng nhiên mụ vợ mình kể chuyện thời vượt biển, rồi đến vợ chồng người bạn kể lúc họ vượt biển, gặp hải tặc ra sao,… cuối cùng anh bạn như trút khỏi một bầu tâm sự được che đậy từ mấy chục năm qua. Anh ta nói là lần đầu tiên qua mỹ mới dám kể cho ai khác nghe vụ vợ chồng anh ta vượt biển, không hiểu tại sao lại kể chuyện này vì thường gặp người vượt biển như mình thì ai cũng muốn giấu, quên những ngày tháng long đong. Cũng có thể mình thích hóng chuyên, ngồi hỏi rồi từ từ họ được giải thoát những ký ức thầm kín từ mấy chục năm qua.
Mấy người phi công của không lực Hoa Kỳ, tuy không ra trận, ngồi ở bản doanh, chỉ việc bấm nút là thấy trên màn ảnh những người đang theo dõi 2 phút trước đó, bổng chốc chìm trong biển lửa do cái nút của họ vừa mới bấm. Mấy người này bị PTSD rất nhiều, khiến không quân Hoa Kỳ phải báo động vì họ thiếu phi công, cho những phi vụ không người lái.
Được biết hiện nay quân đội mỹ có đến 150,000 binh sĩ bị căn bệnh PTSD. Bộ cựu chiến binh mỹ cho biết 30% lính mỹ trở về từ Việt Nam bị hậu chứng thương PTSD, trong khi các chiến trường I-Rắc thì chỉ có 11-20%. Có thể vì lính tình nguyện nên ít hơn.
Được biết hậu chứng tâm lý này được phát hiện sau đệ nhất thế chiến tại Âu châu, lính tráng trở về, bị ám ảnh bởi những hình ảnh tàn khốc, cái chết bị hơi ngạt của đồng đội hay quân thù hay bị pháo binh của quân thù nả tơi bời hoa lá. Nhà văn Mỹ gốc đức Erich Maria Remarque, đã diễn tả trong ‘Der Weg zurück” (con đường trở về).
Không biết mấy người thương phế binh tại Việt Nam, nhất là thương phế binh của VNCH, không được cấp dưỡng, có bị hội chứng sau cuộc chiến thêm bị chế độ mới nghi kỵ. Có mấy tổ chức hàng năm, gây quỹ để giúp tài chánh cho nhóm người này nhưng không biết có đến tay của họ hay không.
Lính của Mặt trận Giải Phóng thì Hà Nội đã quên sau khi thắng trận, còn bộ đội Ông Hồ thì lâu lâu mình có thấy báo chí câu Like, chụp vài tấm ảnh ai đó của ban lãnh đạo địa phương ghé cho vài ký gạo, vài tờ cụ hồ. Có ông cựu bộ đội nào ở Tiến Lãng, xin đất rồi cứ đắp thêm đất bồi, tạo ra thêm ruộng cho gia đình ông, cán bộ thấy hấp dẫn nên cướp dưới cụm từ “cưỡng chế”, nghe nói để làm phi trường. Tức quá ông này tử thủ bị bắt, nhà cửa bị xe ủi đất đến ủi sạch bách hết. Đó hậu chứng của cựu bộ đội cụ Hồ, còn cựu quân nhân VNCH thì có thể một số đã đi Mỹ, số còn lại như thương phế binh thì chắc số phận của họ còn te tua hơn bộ đội cụ Hồ.
Mình không có dịp nói chuyện với người Việt bị nhốt trong trại cải tạo lâu năm, ngoài trừ ông cụ mình. Mình chỉ nghe bà cụ sống trong thời bao cấp, từ khi cách mạng về còn khổ hơn con chó nhà mình khi xưa. Gặp bà cụ là nghe bà cụ kể chuyện thời Việt Cộng như ác mộng của một đời người, bà cụ mình xuất thân từ gia đình nghèo khó, cực khổ từ bé mà vẫn bị ám ảnh thời “Cách Mạng”, như Pháp hay nói “La Terreur » thanh trừng mà những người làm cách mạng Pháp khi xưa, đưa ra pháp trường những ai có tư tưởng chống cách mạng. Không những chỉ kể cho mình nghe mà gặp bạn bè của mình nhất là dân Đàlạt ngày xưa là bà cụ cứ mở máy phát thanh để cho bớt ấm ức.
Có dạo mình gặp lại cô giáo dạy việt văn khi xưa. Cô kể là lúc ngủ, nằm mơ thấy ông đạp Cyclo chở cô ta ra phi trường Tân Sơn Nhất để đi Tây. Thấy ông ta đạp chậm quá nên nhảy xuống xe, để chạy vào phi trường cả lở công an nổi hứng, bắt lại không cho đi tây nữa. Thức dậy, thấy té xuống giường. Sau hơn 40 năm mà những hình ảnh ghê tởm của thời Việt Cộng mới vào vẫn để lại hậu chứng cho những ai đã từng trải qua thời gian này.
Không biết Hà Nội có nghiên cứu về hội chứng của thời bao cấp hay không vì có thể có ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân. Người ta sợ hãi như cô giáo mình khi xưa, tuy ở Hoa Kỳ vẫn còn mơ màng về quá khứ của đau thương. Có thể vì vậy mà người ta tìm trong chất men rượu để lãng quên, ngủ cho an bình trong đêm, tránh những ác mộng đêm đêm lại hiện về.
Những đứa bé, trai hay gái mà bị người lớn ấu dâm khi còn bé, để lại cho những đứa bé này nhiều ác mộng trong đời. Xem tài liệu về những người bị mấy ông cố đạo ấu dâm, khiến họ có những cuộc khủng thoảng về tâm lý khi lớn lên cho thấy luật pháp cần được áp dụng mạnh hơn để giải quyết vấn đề này.
Những người lính, bị đưa ra mặt trận, tham dự những cuộc chiến, giúp các tập đoàn kinh tế quốc tế làm giàu trên xương máu của họ và đồng đội. Để rồi khi trở về lại Hoa Kỳ, họ không thể hoà nhập lại vào đời sống dân sự nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ, bạn bè, gia đình.
Mỗi khi mình thấy mấy người binh sĩ mỹ trong tiệm ăn, mình đều báo cho phục vụ viên, mình trả tiền ăn cho họ. Tuy ít ỏi nhưng để nói lên lòng biết ơn sự hy sinh của họ của người dân tại Hoa Kỳ.
Xong om