Lâu lắm mới trở lại thành phố Philadelphia, nơi mình có nhiều ác mộng của một thời ngu dại.
Thành phố này là một thành phố lịch sử của Hoa Kỳ khi các nhà đại nông của 13 tiểu bang tụ họp lại ngày 4 tháng 7 năm 1776, ký kết bản tuyên ngôn độc lập khỏi ách thuộc địa của vương quốc Anh, hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.
Cách đây trên 3,000 năm tại Babylon, thành phố lớn nhất của vùng Mesapotamia, được xem là trù phú nhất, nghe đâu có cả triệu dân cư mà năm 6 ème, học địa lý và lịch sử của vùng Tiểu Á này giúp mình nhận thức là đại ngu, cảm thấy ngu ngu ngố ngố tương tự khi học thời đồ đồng ở Việt Nam. Tại vùng này có một bản tuyên ngôn ra đời, thường được gọi là bộ luật Hammurabi (Hammurabi’s Code) được ban hành trong một xã hội, về mặt sử học được xem là văn minh nhất thời ấy.
Các sử gia hay gọi những hiến chương, tuyên ngôn là những trật tự tưởng tượng do con người tạo dựng và người ta chấp nhận tuân theo ngay cả các thế hệ tương lai. Điển hình là kinh ước có từ trên 2000 năm nay người ta vẫn tin vào những câu chuyện được kể trong kinh thánh là có thật. Ông nuôi ong trong vườn mình, mới mua tặng mình một cuốn sách về chúa Giê Su, do một ông mục sư nổi tiếng ở vùng này viết. Ông ta muốn mình trở về đạo mà mình đã lỡ thờ đồng chí gái. Tôi trung chỉ thờ một chúa. Chán Mớ Đời
Con người khác với các động vật khác là dùng trí óc tưởng tượng tạo dựng ra những câu chuyện, những quy ước mà đa số tuân thủ theo, giúp loài người làm chủ quả địa cầu dù sức vóc bé nhỏ hơn voi, beo báo.
Bộ luật Hammurabi khởi đầu, nhân danh các thần thánh Anu, Enlil và Marduk, bổ nhiệm Hammurabi là người đại diện của họ, để tạo dựng một xã hội tốt với trên 300 điều luật. Sau khi Hammurabi qua đời, người ta vẫn tiếp tục tuân theo những luật lệ này đến khi đế quốc Assyrian tan rả.
Tương tự đế quốc La Mã cùng được thành hình trên những tư tưởng về một nền cộng hoà, đến khi một vị hoàng đế, có tên Constantin, rữa tội, trở về đạo, khiến đế quốc bị chia rẻ và tàn lụi nhường ngôi vị lại cho một đế quốc mới khởi đầu mà ngày nay người ta gọi là Thiên Chúa Giáo, có mặt khắp nơi trên thế giới, khởi đầu bằng các ông cố đạo đi tiên phong rồi quân đội, được xem là Thập Tự quân được các triều đình Âu châu gửi đến để bảo vệ các ông cố đạo và quyền lợi kinh tế.
Khi một quốc gia hay một đế quốc không còn tin vào trật tự tưởng tượng của mình được cơ cấu hình thành thì sẽ tàn vong như khi Liên Xô không còn tin vào ý thức hệ Cộng Sản sẽ đem lại no ấm cho người dân sau 70 năm áp bức các dân tộc trên thế giới.
Người ta giải mã sự thật về cuộc khủng hoảng Vịnh Con Heo ở Cuba. Phản gián Hoa Kỳ đã biết trước là những dàn hoả tiễn đặt ở Cuba chỉ nhằm hăm doạ, chớ trên thực tế Liên Sô chưa có vũ khí hạt nhân nhưng lực lượng sản xuất khí giới của Mỹ vẫn hô hào, vũ khí hạt nhân để bán vũ khí, trang bị cho bộ quốc phòng Hoa Kỳ như ông tổng thống Eisenhower đã tuyên bố khi hết nhiệm kỳ. Các ông tướng của Ngũ Giác Đài, muốn tổng thống Kennedy tấn công Liên Sô vì họ đã chuẩn bị tất cả cho cuộc chiến.
Tổng thống Kennedy, năm 1953, một thượng nghị sĩ trẻ tuổi, được cử đến Việt Nam thăm dò tình hình khi chính phủ Pháp kêu gọi viện trợ giúp họ chống lại Việt Minh, đệ trình cho quốc hội mỹ là không nên can thiệp vào chiến tranh Việt Nam, đưa đến kết quả quân đội viễn chinh Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ. Ngày này, mấy chục năm trước ông ta ký sắc lệnh rút các cố vấn quân sự khỏi Việt Nam thì 24 tiếng đồng hồ sau, bị ám sát tại Dallas. Sau đó tổng thống Johnson đưa quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam.
Tương tự bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ ra đời, đặt trên định đề, cho rằng con người sinh ra đều bình đẳng dưới mắt Thiên Chúa. Oái ăm thay 17 người ký tên, đều có mấy trăm nô lệ làm việc không công trong các nông trại của họ. Họ chỉ bựa ra những ngôn từ, tư duy đã được John Locke, Voltaire,..đề xướng, tạo ra một nền cộng hoà tưởng tượng như bộ luật Hammamuri,… để thu hút người khác theo họ để chống lại binh lính của vương triều Anh quốc.
Gần 200 năm sau thì người Mỹ mới thực thi được quyền bình đẳng trước thiên chúa nhưng trong xã hội thì không. Các đợt người di dân liên tiếp đến Hoa Kỳ, bị xem thường, khinh bỉ như người Ái Nhỉ Lan, bị mất mùa, chết đói rồi đến người Đức, người Ý,…. Những người này được xem là di dân vì kinh tế thay vì tôn giáo, niềm tin như những người khai phá ra Mỹ quốc, bỏ nước ra đi với niềm tin vào thượng đế của họ.
Năm 1860 Hoa Kỳ có cuộc nội chiến, nhân danh quyền bình đẳng, muốn bãi bỏ chế độ nô lệ như Anh quốc. Trên thực tế miền Bắc đang khởi đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ nên cần công nhân trong khi miền nam lại có nô lệ lao động miễn phí nên mới có trò kêu gọi giải phóng nô lệ vì mấy chục năm sau cuộc nội chiến, dòng tên Jesuites của đại học Georgestown vẫn còn mấy trăm nô lệ lao động không công. 100 năm sau cuộc nội chiến người da màu mới được quyền bình đẳng qua đạo luật dân sự Civil Rights nhưng trên thực tế, người da màu vẫn nghèo, ít quyền lợi, khả năng thăng tiến trong xã hội Hoa Kỳ hơn người da trắng.
Theo các nhà sinh vật học, loài người tiến hoá chớ không thể tự nhiên tự tạo ra để được bình đẳng trước thiên chúa. Con chim biết bay là nhờ có đôi cánh, đã được tiến hoá, phát triển sau bao nhiêu triệu năm nhưng nếu không sử dụng thì dần dần sẽ mất đi khả năng đó như con Đà Điểu là một loại chim đã mất kỹ năng bay.
Con người đã mất dần những kỷ năng đã có từ xưa khi cuộc sống họ thay đổi. Từ săn bắn đến làm nông nghiệp, con người mất đi những kỷ năng săn thú, nhận thức sự nguy hiểm, hiện diện của thú rừng ngược lại họ tạo nên những kỷ năng khác về lâm nghiệp. Họ lại đánh mất những kỷ năng về nông nghiệp khi vào thành phố lao động trong các nhà máy. Điển hình khi xưa, phụ nữ có kỷ năng may mặt, nay thì họ tư duy đột phá một kỷ năng mới là đi sắm đồ. 🙂
Dạo mình mới phát hiện ra đồng chí gái, cô nàng may 4 cái áo cho phụ dâu, đẹp như tây, lại còn tính may áo cưới, khiến mình mừng, đở tốn tiền may sắm. Ngày nay chả thấy Mụ Vợ may miết gì cả ngoài cà thẻ tín dụng. Chán Mớ Đời
Con người dần dần tạo nên những luật lệ cộng đồng riêng, phù hợp với đời sống, quyền lợi của họ. Thời đại săn bắn thì họ tin vào chia sẻ thức ăn, sinh lý. Người bị ốm vẫn được các người đi săn chia sẻ thức ăn, đàn bà có thể giao hợp với nhiều người đàn ông trong nhóm vì họ tin rằng làm như vậy đứa con được tạo dựng bởi nhiều tinh trùng sẽ khỏe mạnh và các người đàn ông trong nhóm sẽ thay phiên dạy dỗ kỷ năng hay bảo vệ đứa bé vì họ cho rằng con của họ. Có thể xem thời đại này là một mô thức xã hội chủ nghĩa, làm theo năng suất hưởng theo như cầu.
Khi họ dừng chân, cầy cấy thì tinh thần sở hữu riêng được phát động và con người trở thành ích kỷ, muốn tư hữu nhiều của vật, phụ nữ,.. và đưa đến các vua chúa hay bạo chúa, có sức mạnh hay tư duy kha khá hơn mọi người, cầm quyền, áp đặt quyền sinh sát con người. Các tá điền chấp nhận một tư duy mới; làm việc để nuôi các vua chúa qua những công ước thuế má do giới lãnh đạo đặt ra nhân danh thượng đế hay Trời như ở Trung Quốc.
Ở bên tàu, người ta cũng thành lập một trật tự xã hội, chia nhiều giai cấp thứ tự mà khi xưa người ta hay ví von “thân gái 12 bến nước” để nói đến 12 cái nghề, định vị trong xã hội Trung Hoa thời ấy.
Voltaire tuyên bố là Thượng Đế không hiện hữu nhưng đừng có nói với người giúp việc của tôi vì họ sẽ giết tôi đêm nay. Câu tuyên bố này cho thấy người ta không tin vào thượng đế nhưng lại sử dụng thượng đế như một phương tiện để cầm quyền, làm lợi cho họ tương tự Việt Cộng hô hào xây dựng xã hội chủ nghĩa chỉ để đảng viên làm giàu và thao túng quyền lực chính trị.
Mỗi lần xem truyền hình thấy ai đó tuyên thệ, đặt tay lên cuốn kinh thánh và thề nói sự thật khiến mình buồn cười. Kinh thánh chỉ là những câu chuyện tưởng tượng của con người, tập hợp các câu chuyện được kể mà không ai kiểm chứng, được kể cho con nít, dần dần nhập tâm tạo dựng đức tin cho con người như bộ trưởng thông tin đức quốc xã đã từng tuyên bố: nói dối được lập đi lập lại sẽ tin là sự thật.
Mình đọc tiểu sử ông chủ tịch nhà nước Việt Nam mới qua đời, có đoạn tên bồi bút nào chơi một chưởng là nhà nghèo, ông ta phải bắt đom đóm, bỏ vào cái chai để có ánh sáng mà học. Nói riết thiên hạ tưởng thiệt luôn. Nhớ hồi nhỏ, lúc chạng vạng, có vài con đom đóm bay vòng vòng, tạo lên màu xanh của lân tinh. Con nít trong xóm như mình, chạy theo bắt mệt thở.
Thiên chúa giáo sẽ không thể tồn tại trong 2000 năm qua nếu các giám mục, cố đạo không tin vào những chuyện kể trong Tân ước cũng như nền dân chủ Hoa Kỳ không thể kéo dài từ 250 năm qua nếu đa số tổng thống và đại biểu quốc hội Hoa Kỳ không tin vào nhân quyền tương tự nền kinh tế sẽ không tồn tại nếu các ngân hàng hay người đầu tư không tin vào chủ nghĩa tư bản.
Làm sao để người ta tin vào những trật tự tưởng tượng như Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Nho Giáo hay nền dân chủ hoặc chủ nghĩa tư bản. Đó là căn bản của một trật tự tưởng tượng, nhân sinh quan của loài người. Nếu chúng ta xét các nền văn minh xưa như Inca, Aztez,.. đã bị tiêu huỷ khi người Tây Ban Nha, đi tìm vàng, chiếm đóng và tiêu diệt, hay người Chàm ở Việt Nam, đều có những trật tự tưởng tượng về xã hội và tâm linh…
Người ta luôn luôn nói về một trật tự xã hội do chúa, trời phật dạy hay những luật tự nhiên.
Ông Phật thấy con người đau khổ. Cho rằng đó luật thiên nhiên với sinh bệnh lão tử nên đột phá tư duy, cho rằng thiên nhiên có 4 mùa thì con người có Tứ Diệu Đế. Cho rằng người ta gánh những hệ quả của kiếp trước. Tương tự, trong vườn mình, mùa trước có bơ nhiều thì mùa này ít trái hay bị hạn hán, trái nhỏ rụng. Do đó thuyết về nghiệp chướng không đứng vững lắm.
Nếu năm ngoái mình bón phân, chăm sóc đất đai tốt sẽ đem lại đúng kết quả tốt vì ngoài sức của mình còn phải tuỳ thuộc vào những điều mình không kiểm soát được trên thời tiết, thuế má, hạn hán, sâu bọ, mưa gió... .
Người tin tử vi thì cho rằng cái số của mình như vậy, thêm mấy ông thầy bói cứ khơi khơi kêu đức năng thắng số hay thiên cơ bất khả lậu,…rồi chấp nhận số mệnh do mình tự áp đặt ra rồi nhậu suốt ngày, hút thuốc lá cháy phổi vì số mình là phải hút thuốc. Có thể là khi xưa, giới cai trị người dân nghĩ ra những giả thuyết này để tránh những cuộc cách mạng vùng lên, cướp đi gia tài của cải, quyền lực của họ.
Những tư tưởng của ông Khổng Khâu không được ưa chuộng khi ông còn sống. Ông lang thang, đói rách đi nước này sang nước nọ kiếm ăn nhưng khi Hán Cao tổ thành lập triều đại Hán thì họ sử dụng thuyết của ông này mới cai trị xứ Tàu hơn 400 năm. Ai không nghe là bị chém đầu ngay cả 3 họ.
3,000 năm trước, khi bộ luật xã hội Hammurabi ra đời, cho rằng loài người trong xã hội “không” có quyền bình đẳng mà hậu quả ngày nay còn tồn tại trong xã hội của xứ Ấn Độ khi những người lính của Assyrian chiếm đóng vùng này. Họ cho rằng không phải Hammurabi đã nói mà nhân danh các thần Enlil và Marduk đã nói.
Khi các di dân các thuộc địa của vương quốc Anh, dấy lên chống lại siêu thuế, cho rằng mỗi con người đều có quyền như nhau. Không phải Thomas Jefferson đã viết mà họ cho rằng chính thượng đế đã sinh ra con người theo tư duy đó. Tự do thị trường là hệ thống kinh tế ưu việt nhất, không phải Adam Smith đã nói mà vì luật bất di bất dịch của thiên nhiên. Người ta luôn luôn dùng một sức mạnh thiêng liêng, ý tưởng trừu tượng nào đó để cài đặt cho nặng ký hơn và tránh bị phản đối.
Khi không trả lời được câu hỏi, người ta cứ phán đại là do Thượng Đế tạo ra hay vì kiếp trước chúng ta gây nên tội lỗi nên kiếp này phải đền trả.
Người ta giáo dục con người ngay từ khi mới lọt lòng. Người ta luôn luôn nhắc nhở mọi người những nguyên lý của trật tự xã hội, tâm linh đã được cài đặt trong đời sống hàng ngày như ông cố đạo mỗi tuần đều nhắc nhở, khuyên nhủ con chiên với những điều răn của Chúa. Bà cụ mình kể là mỗi tuần phải đi họp khu phố để học tập trở thành con người mới của xã hội chủ nghĩa, cháu ngoan của bác và trò ngoan của thầy. Nếu ai không nghe thì bị quy chụp là phản động, tà ma, cần phải bị trừng trị.
Khi Ông Moise, lên núi, đúc mấy điều răn, đem xuống cho người tỵ nạn Do Thái theo ông về miền đất hứa. Ông ta phải nói là chính Thượng Đế đã giao cho ông 10 điều răn này, khiến đoàn người theo ông, sợ bị chúa trừng phạt mà nghe theo.
Mình nhớ dạo mới sang Tây thì bị choáng ngợp bởi tranh vẽ, sách báo, kiến trúc, âm nhạc,… mọi nơi về thiên chúa giáo. Mình chưa bao giờ đi nhà thờ nên không hiểu gì cả đành phải mượn kinh ước về đọc. Lò mò vào nhà thờ nghe nhạc Gregorien, nghe ông cố đạo giảng bằng tiếng La tinh, mặt cứ như ngỗng ị…để cố tìm hiểu về văn hoá của người tây phương.
Ngày nay, dựa vào bản tuyên ngôn dành độc lập của Hoa Kỳ, và các tu chính án được phổ cập sau này, người ta tin vào sự bình đẳng của con người nên một người thuộc giai cấp giàu có, có thể bận quần bò dành riêng cho giới lao động xưa hay nghe nhạc hip hop khác với nhạc cổ điển của giới thượng lưu. Trên thực tế thì chưa chắc.
Khi sang Tây, mình nhận thức ra mình thuộc loại đại ngu, lò mò đi mượn đĩa hát nhạc cổ điển vì khi xưa, nghe thiên hạ kêu Mozart, Beethoven, Brahms,… nhưng chưa bao giờ được nghe hay đi xem kịch, opera hay xem tranh trong các viện bảo tàng vì là những điều xa lạ đối với một tên học trò của Đàlạt nhỏ bé, chậm tiến.
Có lẻ mình thích nhất nhạc phẩm “Bolero” của Maurice Ravel. Khởi đầu là một nhạc cụ rồi từ từ các nhạc cụ khác được thêm vào như thể con người mới sinh ra, hấp thụ được một nền văn hoá rồi lớn lên học tập, tiếp thu thêm những nền văn hoá khác hay sự hiểu biết, biến con người thành một tập hợp như “Bolero”.
Văn hoá ngày nay được bình đẳng hoá, không còn được dành cho một giai cấp nào. Ai muốn nghiên cứu học hỏi đều được qua mạng, đĩa hát hay youtube. Con gái nhắn tin là khi đến Milan, nó sẽ lấy vé để đi coi opera ở La Scala.
Một đứa bé mới sinh ra người ta đã phán là nó có tội nên phải làm lễ rửa tội. Bố mẹ nó đè nhau, vật lộn trên giường, sinh ra nó mới có tội hoặc kêu là kiếp trước có nợ nên kiếp này phải trả. Mới sinh ra đứa bé đã phải mắc nợ cha mẹ sinh thành vì được dạy dỗ công cha như núi Thái Sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, có bổn phận nuôi nấng bố mẹ về già rồi thêm ông Khổng Khâu chơi thêm một cú giò lái kêu là mọi người đều là con dân của vua nên phải trung thành, không được phản lại và đóng thuế là trung hiếu….
Chúng ta sống trong những cộng đồng tưởng tượng bởi những điều luật tưởng tượng, tạo nên một sự đồng thuận được truyền từ đời này sang đời khác bởi những câu chuyện trong Tân Ước hay Tứ Thư Ngũ Kinh hay Kinh Phật.
Khi học về thương lượng, tranh luận người ta luôn luôn dạy học viên là phải đỗ lỗi cho người thứ 3. Anh không muốn mua thì cứ nói để về hỏi vợ hay dùng người thứ 3 nào đó để áp đặt, giúp cho lập luận của mình vững chắc hơn. Có nhiều người cứ kêu Freud nói thế này, Khổng tử cỏn, hay Đức Phật dạy như thế kia. Có ai đọc hết hay thuộc hết những gì các thánh nhân đã nói mà kiểm chứng.
Vì ít người lý giải được những điều luật tưởng tượng nêu trên nên người ta cần những giáo sĩ, sư sãi hay các ông đồ để diễn giải đưa đến những lạm dụng điển hình các ông cố đạo ấu dâm,..mà báo chí dạo này có nhắc đến không ít. Mấy ông sư cứ xoay quanh với kinh Bát Nhả với sắc sắc không không,..cho nên không vượt xa được. Tương tự một học sinh học hình học Euclid rồi cứ xoay quanh hình học 2 chiều thì khó mà tiếp thu được định lý Thales, Pythagoras hay nghĩ đến hình học 3 chiều hay n chiều.
Trong xã hội ngày nay ở thế kỷ 21, trật tự tưởng tượng tạo dựng những ham muốn của con người. Ngày nay ở phương Tây người ta tin vào những huyền thoại lãng mạn, tư bản, yêu nước và nhân bản.
Từ khi lọt lòng đứa bé đã được tiếp thị bởi truyền hình về chủ nghĩa tiêu thụ với những quảng cáo về Coca cola hay lớn hơn một tí xem Paris Hilton ăn hamburger vừa rữa xe.
Khi xưa giai cấp cai trị xứ Ai Cập dùng tài sản của họ để xây Kim Tự Tháp và khi chết thì thi hài của họ bó lại liệm trong những kim tự tháp này tương tự mấy ông cán bộ lớn Việt Nam, chết xây lăng mộ cho to lớn trong khi dân không có đất để canh tác.
Người giàu có, quyền quý của xứ Ai cập khi xưa, không có tư tưởng đi sang thành phố Babylon để mua sắm hay đi trượt tuyết ở vùng Phoenicia như con người ở thế kỷ 21 tin hoàn toàn vào chủ nghĩa tiêu dùng, được lãng mạn hoá qua các phim hay quảng cáo. Họ háo hức đi Aspen để trượt tuyết, để có thể gáy là đã gặp những nhân vật nổi tiếng hay đi Milan để mua áo quần thời trang,...
Ngày nay, người ta gọi “người tiêu dùng là thượng đế”. Khoa học tiến bộ đã đẩy lùi các tôn giáo thuần tuý từ mấy ngàn năm qua. Người ta thấy xuất hiện các tôn giáo kỹ thuật, những ý thức hệ như chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản,… mà Lê Nin giải thích chủ nghĩa cộng sản là có điện nước khắp nơi và xe lửa khắp xứ Nga Sô.
Các xứ theo cộng sản đều ào ào xây các nhà thủy điện như Trung Quốc với cái đập nước Tam Hiệp, to nhất hoàn cầu. Nếu có chiến tranh, việc đầu tiên địch thủ của tàu cộng sẽ đánh vở cái đập này, được xem là cái gót chân Achille của họ là xem như thắng trận.
Tôn giáo công nghệ lại đem đến những tai hại, phá hủy thiên nhiên từ 1 thế kỷ qua. Ta thấy các tai hại của công cuộc xây dựng nhà máy thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc mà ngày chính phủ Trung Quốc không dám lên tiếng vì sợ nhân dân đánh giá lãnh đạo là ngu xuẩn. Gần đây nhà máy thủy điện ở Lào hay những đập dẫn lũ của Việt Nam. …
Muốn thay thế một ý thức hệ thì người ta cần có một trật tự tưởng tượng mới. Từ ngày ông Al Gore làm cuốn phim “the unbearable truth”, đánh lên hồi chuông báo động về sự tàn phá môi trường. Con người khắp nơi bắt đầu để ý đến bảo vệ môi trường, các luật nghiêm khắc được viết ra nhưng chính phủ che dấu nhiều sự thật.
Người ta nhận thấy không phải nhà máy hay xe hơi làm ô nhiểm môi trường nhiều nhất mà chính những ngành nông nghiệp như nuôi bò, gia súc,… đã làm ô nhiểm môi trường. Một con bò thải nhiều co2 hơn xe hơi. Để nuôi bò, người ta phá rừng. Canh nông sản xuất nhiều với thuốc trừ sâu, phân bón hoá học đã hủy hoại môi trường. …
Phi cơ trưởng vừa báo tin máy bay sắp hạ cánh. Ngừng đây, hôm nào rảnh kể tiếp.
Chán Mớ Đời