Quê hương của ký ức

Tuần vừa rồi đi tập võ, thấy một anh tập chung, cạo râu tỉa ria, cắt tóc nên hỏi đi ăn cưới hay sao mà tổng vệ sinh hình thể thế. Anh trả lời là sắp đến ngày lễ tưởng niệm 30/ 4, phải bận quân phục để chào quốc kỳ. Câu trả lời của anh ta làm mình kính phục vì sau hơn 40 năm, những người lính VNCH cũ vẫn còn tưởng nhớ đến những ngày tháng hành quân bên đồng đội, chiến đấu cho Lý tưởng Tự Do trong khi đại đa số dường như đã quên Tháng Tư Đen.
Có ai từng nói: " Mình là những gì mình nhớ." Những gì mình nhớ tạo nên ý nghĩa cho những gì mình làm hoặc chứng kiến trong quá khứ hay hiện tại. Nếu những quân nhân cán chính của VNCH không nhớ đến ngày 30/4 thì cuộc chiến đấu khi xưa của VNCH do họ đại diện không có ý nghĩa, họ sẽ không có quá khứ, ký ức của họ chỉ là hư không.
Hà Nội có thể xoá những dấu tích của chế độ VNCH như nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, các tượng lính VNCH khi xưa, cấm nhạc vàng, sách bá kền Nam ...nhưng họ không thể xoá được ký ức của mỗi người đã từng sống tại miền nam trước 1975.
Bà nhạc của mình năm nay đã trên 94 tuổi, không còn nhớ đến ai nữa. Vài năm trước, khi bắt đầu lẫn, bà ta hay nói với con cháu đưa bà về thăm Ao Hồ, quê quán của bà ở Huế nhưng nay thì ít nói, cả ngày cứ ngồi nhìn về một chốn xa xăm, trả nhớ về không như không còn quá khứ. Đồng chí gái mỗi chủ nhật đến thăm, đưa mẹ đi ăn phở. Ngồi nhìn vợ mình đút cho mẹ ăn như ngắm một bức tranh hiện thực rất đẹp. Trời sinh rất hay, từ từ con người bị lão hoá, lú lẫn khiến con cháu cũng từ từ quen sự mất mát trong tâm khảm để rồi một ngày nào bà sẽ vĩnh viễn ra đi, giúp con cháu bớt đau khổ vì mồ côi.
Khi bà cụ nhớ đến Ao Hồ, hình ảnh của căn nhà khi xưa ở Huế, nơi cụ đã sinh trưởng là nguyên liệu đầu tiên giúp tạo ra chính hình ảnh của cụ, bản thể của cụ; một phụ nữ miền Trung nên khi cụ lẫn, không còn nhớ đến hình ảnh xưa thì không còn nhận ra chính mình là ai, mất đi cái căn cước của chính cụ. Nhiều khi nghe cụ hỏi "tui tên chi?" làm mình cũng không biết cụ nói tên cụ là Chi hay hỏi con cháu tên cụ là gì vì tên cúng cơm của cụ là Tôn Nữ Cẩm Chi,...
Sau biến cố 30/4/75, nhiều triệu người VN bỏ xứ ra đi tìm chỗ dung thân trên khắp thế giới. Mình có gặp một anh tỵ nạn đạp xe đạp, bán chả giò ở Dakar, thủ đô của nước Sénégal, Phi Châu. Các lưu dân bỏ nước ra đi, định cư tại một quốc gia khác nhưng vẫn bị các ký ức, kỷ niệm của thời lớn lên tại VN níu kéo, so sánh. Có người hoà đồng nhanh chóng vào nền Văn hoá địa phương nhưng có người vẫn bị những ký ức của VN lôi kéo họ về dĩ vãng khiến họ lơ lững ở hai vùng ranh giới của văn hoá của nước sở tại và văn hoá của nơi họ vừa từ bỏ.
Những thập niên đầu ở hải ngoại, người gốc Việt hay tụ tập với nhau dưới danh nghĩa quân nhân cán chính, các đảng phái dưới thời VNCH nhưng dần dần các hội thân hữu ra đời, mang tên hội Thừa Thiên, Huế, hội Quảng Nam Đà Nẳng, hội thân hữu Đà Lạt, hội Sóc Trăng,.....hình như con người càng lớn tuổi thì họ trở về ký ức của nơi họ sinh trưởng hay đúng hơn tìm về Quê Hương của Ký Ức, của những kỷ niệm thời xưa.
Mình hay ăn sáng mỗi thứ 6 với vài tên bạn mỹ già, trên mình 20 tuổi thì có tên kể hắn đi dự hội ngộ 40 năm của trường trung học của hắn thì không nhận ra ai. Có một tên ngồi kể chuyện ngày xưa hắn và tên bạn hay phá phách nhưng hắn cố moi óc nhưng vẫn không nhớ đến tên kể chuyện. Hắn chỉ nhớ thời đó, mỗi sáng phải dậy sớm đi bỏ báo, kiếm tiền để bảo trì chiếc xe hơi của hắn vì trong trường dạo đó ít học sinh có xe hơi. Hắn nhớ đến những cô gái mà hắn có dịp chở đi chơi thôi. Tương tự khi nói về ký ức Đà Lạt mình nhớ nhiều nhất về hai năm học Văn Học còn Yersin thì nhớ về thời học tiểu học .
Mình nhớ dạo mới sang Văn học thì cũng tụm 3 tụm 4 lại với mấy tên khi xưa học ở Yersin, tuy không cùng lớp nhưng biết mặt nhau như Võ Hoàng Đa, Nguyễn Đình Tài,.. Mấy cô thì có Mai Anh, Ngọc Chân, Anh Đào, Thu Thuỷ, Nguyệt Thu,... Có lẻ vì nhóm này có chung một ký ức tập thể của Yersin? Ký ức cộng đồng của trường Tây? Dần dần cũng bắt đầu quen một số học sinh chương trình Việt nhưng dù sao vẫn cảm thấy thoải mái hơn với đám từ Yersin sang. Sau này gặp lại Võ hoàng Đa ở Cali, ngồi nói chuyện thì có nói khi học Yersin thì mình cảm thấy không thoải mái lắm thì anh chàng giải thích đa số là con nhà khá giả của Đàlạt mới học trường Tây nên tụi mình không thoải mái với đám này nên khi sang Văn học thì Châu về hiệp phố.
Mình thì nghĩ khác. Mình nhớ khi còn học vườn trẻ Ấu Việt, nghe kể về nhà mình nói tiếng Tây như con của mình ngày nay xổ tiếng Mỹ. Sau này sang Yersin thì nói tiếng Việt hơi ngọng tương tự con mình khi nói chuyện với bà Nội, bà ngoại. Dần dần bắt đầu suy nghĩ, nghe kể những chuyện kháng chiến chống Tây, thực dân đô hộ dân mình nên có thể bị khủng hoảng bản thể, không hiểu tại sao phải học trường Tây. Dạo đó tây về nước nên có rất nhiều thầy cô người Việt nhưng lại nói tiếng Tây trong lớp nên mình đâm hoang mang. Khi sang học chương trình Việt thì mình cảm thấy thoải mái hơn vì thầy giáo nói tiếng Việt khiến đầu óc mình bớt lộn xộn.
Năm vừa rồi khi tìm lại một số bạn học xưa ở Đà Lạt thì mình có nhu cầu viết về những ký ức của thời gian sinh sống tại Đà Lạt. Cả đời mình chẳng bao giờ viết nên Thiên Hạ đọc kêu sai lỗi chính tả, dấu hỏi, dấu ngã bỏ sai loạn xà ngầu nhưng mình cứ vô tư vì chỉ muốn viết cho chính mình, cho con cháu sau này đọc tương tự như mình thích nghe Ông cụ kể chuyện thời xưa ở quê.
Mình viết như sợ nguồn suối của ký ức sẽ ngưng, như sợ những kỷ niệm kia sẽ chìm biến trong dĩ vãng. Càng viết thì mình càng thấy rõ hình ảnh của Đà Lạt khi xưa, những tên học chung, những cô gái mà mình thích nhìn trộm, những bản nhạc của bang nhạc Phượng Hoàng,.. mà mấy chục năm qua không để ý, nay nghe lại thì phảng phất đâu đây những tình cảm dào dạt khi xưa, như giúp mình sống lại thời trước 75. Bao nhiêu ký ức được cuộn về như dòng suối được cha con Jean De Florette, khai thông sau khi đã dập tắc để mua đất rẻ từ cha của cô gái tên Manon trong truyện "Manon des Sources" của Marcel Pagnol.
Có cái gì lôi cuốn mình tìm hiểu nơi nào xuất phát ra gia đình, dòng họ, nên đọc hối hả, đọc gia phả rồi nhờ người ta dịch ra việt ngữ, nhờ tiệm in cho ông cụ đem về làng tặng trong họ. Về quê Nội, mình có thăm viếng cái đình làng, chùa Thầy, nhà thờ họ,.. tuy nhỏ bé nhưng mình vẫn thấy có cái gì thiêng liêng buộc mình vào không gian ấy. Mình tìm hiểu lí do ông tổ từ Nghệ An lại trôi dạt về vùng sông Đà núi Tản, lập nghiệp bên dòng sông Đuống,...
Mình hiểu ông thần Nhị Anh khi dùng phần mềm, sưu tầm tài liệu để vẽ lại cái chợ Đà Lạt khi xưa trong không gian ba chiều như Marcel Proust đi tìm lại những dấu chân xưa vì ký ức của anh chàng cũng lấp lánh những tia sáng của ký ức của chính mình. Có một Chị ở bên Đức, tìm kiếm những dư âm, hình ảnh xưa để làm những video như tạo dựng lại một vùng ký ức của thời mang guốc đến trường.
Khi nói đến một kỷ niệm dù riêng tư nhưng vẫn liên đới đến một người bạn hay một nhóm nào khi xưa, quyện theo thời gian và không gian cho nên ký ức của mình vẫn dính dấp đến ký ức của tập thể. Khi ngồi kể chuyện thời xưa, như ban nhạc của Văn Học trình diễn ở trường Trí Đức thì Hùng Con Cua có những kỷ niệm của hắn, Nguyễn đình Tài có kỷ niệm riêng tư của hắn ngay chính mình lúc đó là trưởng lớp cũng có vài kỷ niệm như Trần Thiện Tân chơi guita Bass nhưng không quen đàn 4 giây của ban tổ chức nên đánh loạn cào cào khiến Tài, Hùng hoảng cả lên nên khi ngồi chung kể lại kỷ niệm xưa thì những kỷ niệm xưa ấy được hiện tại hoá, được kể lại sau 40 năm, khi mỗi người trong chúng ta đã trưỡng thành và quan sát hay đón nhận những ký ức với một lối nhìn, cảm nhận khác.
Mình ít thấy mấy người bạn học xưa còn sinh sống tại VN, lên tiếng trên diễn đàn Văn Học. Có lẻ họ vẫn sinh sống tại Đà Lạt nên ký ức của họ rất khác với mình. Họ nhìn thấy sự thay đổi của Đà Lạt trong đời sống hàng ngày trong suốt 40 năm qua cho nên ít lưu luyến đến quá khứ trước 75. Việt Nam, Đà Lạt là cả cuộc đời của họ trong khi đối với người sinh sống tại hải ngoại, Đà Lạt là một đoạn phim ngắn của cuộc đời họ thuộc về quá khứ. Lâu lâu có người tải hình con cháu lên diễn đàn còn ngoài ra thì họ i meo riêng cho mình. Có thể đó là đặc tính của người Việt, không muốn tiết lộ tình cảm hay ý tưởng cá nhân cho mọi người? Có thể vì sống trong môi trường chính trị không cho phép họ tự bạch? Nói chung thì trên diễn đàn, đa số là dân hải ngoại chia sẻ cho nhau bài thơ, video, giúp các bà trị bệnh không nghe lời của chồng,... Cãi nhăn, cãi cuội, chọc phá nhau như thời còn ngồi ghế nhà trường như Kim Dung nói cải lão hoàn đồng, càng già càng trở nên con nít.
Cho thấy sống tại hai nơi, hải ngoại và trong nước, mọi người đều có những ký ức chung của thời niên thiếu nhưng khó định nghĩa được sự trân trọng về một thời chung bước đi chung một quảng đường đời. Ở Việt Nam, nhiều người bạn học cũ nay đã là đảng viên nên ngại tham gia diễn đàn, sợ diễn biến hoà bình, sợ bị đảng khai trừ nên khi gặp lại ở Việt Nam, ai nấy cũng dè dặt từng câu nói, như có một cái màn vô hình ngăn chia giữa mình và các người bạn đảng viên. Hỏi thăm nhau về gia đình nhưng không dám hỏi về đời sống tinh thần,…
Sau biến cố 30/4, mấy triệu người Việt chạy tản mác ra hải ngoại, đa số chưa thể chối bỏ được nền văn hoá, ký ức của VN, Đà Lạt nên tình cảm của chúng ta vẫn lãng vãng ở làn ranh văn hoá địa phương và VN. Có lẻ vì chúng ta còn nhiều ký ức, kỷ niệm vì đó là quê Hương của chúng ta. Về VN, đi thăm viếng Đà Lạt nhưng chúng ta thất vọng, không tìm lại được những hình ảnh, kỷ niệm của thời thơ ấu, những chén chè Mây Hồng, những ly sửa đậu nành nóng vừa uống vừa thổi về đêm ở đường Minh mạng, những lần chen lấn mua vé đi xem xi nê ,...chúng ta như Từ Thức trở lại quê, không còn nhận ra những dấu tích xưa nên tiếc nuối thời kỳ mới lớn, thời kỳ tập tành yêu đương, mỗi người ấp ủ một hay nhiều hình bóng hình Hoàng thị Ngọ để rồi nhớ đến vô không.
Trên diễn đàn Văn Học, có lẻ mình cảm nhận được tình cảm hay ký ức của các diễn đàn viên khác. Tuy chưa bao giờ gặp mặt nhưng vẫn cảm thấy gần gũi vì diễn đàn tạo nên một không gian để trao đổi những lấp lánh của ký ức của bạn học xưa, tạo nên một ký ức tập thể để giúp chúng ta, những người mất quê tìm lại chút gì của quê hương bỏ lại hay nói cách khác là tìm lại quê hương của ký ức.
Anh bạn tập chung cũng như những người còn nhớ đến ngày 30/4, hàng năm gặp nhau để chào cờ, làm lễ truy điệu các người đã nằm xuống trong cuộc chiến như tìm lại ký ức, nhớ về cội nguồn vì chúng ta là những gì chúng ta nhớ, tìm lại ký ức của cộng đồng, của tập thể người Việt hải ngoại như tìm về Quê Hương của Ký Ức.
Sơn đen
30/4/14