Versailles và vệ sinh

Khi xưa, hoàng tộc của Pháp sống ở trung tâm Paris, trong hoàng cung Palais Royal, gần vườn Tuileries, bên cạnh đường Rivoli rồi qua ở cung điện Louvres, cạnh bờ sông Seine. Sau đó vua Louis 14 xây cung điện Versailles, ở cách Paris độ 17 cây số, đẹp nguy nga, có thể xem là đẹp nhất Âu Châu. Mình đã viếng các lâu đài của các dòng vua khác ở Âu châu như nhà Hapsburg của Áo Quốc ở Wien, Hoà Lan, Anh quốc,…nhưng cung điện Versailles vẫn đẹp nhất.
Mel Brooks có làm một cuốn phim khiến mình tò mò hỏi vòng vòng; lâu đài Versailles to lớn nhưng không có nhà vệ sinh. Trong phim, có mấy cảnh, Mel Brook đóng vai nô bộc, cầm cái xô đi vòng vòng rồi mấy bà bận đồ đẹp, đứng nói chuyện rồi bỏ đi chỗ khác thì thấy một bãi cứt, Mel Brook đến gắp bỏ vào sô. Chán mớ đời.
Cho thấy vua chúa, hoàng tộc khi xưa cũng ỉa đồng, ỉa vất như người mình, chỉ có là bận đồ đẹp. Không biết mấy bà bận váy đầm, có mấy sợi dây thắt lưng chật bó để giúp đồ ăn đừng xuống, sợ đi cầu bất tử hay sao mà xem phim cứ thấy họ cột dây lại cho chặt cái bụng. Có bác gái nào giải thích cho em biết lý do nào ngày xưa mấy bà cột dây bụng lại. Nghe kể bà hoàng hậu Catherine de Medecis, bắt các người ra vào trong hoàng cung, bận corset vì bà ta ghét người mập. Từ đó áo quần mới có kiểu bó như đòn chả thủ.

Một ngôi lâu đài to lớn vậy mà không có nhà vệ sinh trong cung điện, hệ thống nước cho gia nhân, vua chúa, vì nước dùng của Pháp ngày ấy không được sạch thêm người ta chưa biết cách giữ ấm mấy ống nước vì khi trời lạnh thì ống nước bị đông lạnh và gãy nên vào thời ấy không có hệ thống nước trong lâu đài tương tự hệ thống thoát cống. Nói cho ngay dạo ấy chưa có kỹ thuật làm ống gan hay ống bằng đất sét như bây giờ.
Ở xứ nóng thì dễ như Cali, quanh năm không có tuyết nên hệ thống ông nước và ống cống không bị đông và bể, ngoài trừ các nhà trên núi có tuyết. Mình có mấy người bạn có nhà trên núi, về mùa đông cực lắm, phải chuẩn bị trước nếu không mùa đông hệ thống ống nước và ống cống bị đông lạnh rồi bể, hết mùa lại phải thay. Tốt nhất là mướn khi cần đi chơi thay vì mua, mệt và không có lợi. Chi phí bảo trì rất cao, thợ biết mình ở xa, vẽ đủ trò để mình gửi ngân phiếu.
Ở nhà mình, hệ thống nước có gắn cái bơm nước nóng còn lại trong hệ thống ống nước nóng, khi không dùng sẽ bị nguội nên khi tắm, phải mở nước xã cả 5 gallon nước còn đọng trong hệ thống mới có nước nóng chảy vào, do đó mình dùng cái bơm. Mỗi lần dùng nước nóng để tắm thì mình bấm cái App của công tắc điện của máy bơm thì sẽ bơm nước nguội trong ống qua máy làm nóng nước bằng ga của Nhật, có nước nóng ngay, đở tốn tiền ga và nước lại không phải đợi chờ nước nóng vì có liền.
Vua chúa muốn tắm thì gia nhân nấu nước như mình khi xưa ở nhà rồi đổ vào bồn tắm, sau đó quăn nước dơ qua cửa sổ. Ai may mắn đi ngang là có cơ hội tắm nước dơ miễn phí. Xong om.
Nhà vua và hoàng hậu thì có những cái ghế như khi chầu ở cung điện, có cái lỗ tròn để đánh bom khi đi vệ sinh rồi hầu cận, kéo cái nắp lên, mở cửa tủ ghế, lấy cái bô đi đổ. Xong om. Người ta kể là trong cung điện Versailles, có nhiều chỗ cứt, nước tiểu đầy, gia nhân phải chùi hoài, thối không thể tả vì khách đến,mót nên cứ bươn ra khi không chịu nổi. Có lẻ vì vậy người Pháp đã chế tạo nước hoa vì dạo ấy, chưa có vụ đánh răng súc miệng, tắm rữa còn hạn chế. Ông vua Henry đệ 8, bắt mấy cung nữ, không được tắm trong vòng 3 tháng trước khi động phòng với ông ta. Kinh hồn.
Ở điện Versailles, có một ngôi nhà nhỏ gọi Petit Trianon, nơi nhà vua kêu mấy cô hay bà mà vua thích ra đó vui chơi. Ngôi nhà có lẻ về kiến trúc được xem là đẹp nhất. Mình có đến và vẽ nhưng đi tìm cầu tiêu không thấy, lén lén ra bụi cây như vua chúa khi xưa. Chán mớ đời.
Nghe kể, ông vua Louis 14, mỗi sáng đi cầu khó khăn, bác sĩ nhà vua đến phòng, thấy vua đang nhăn mặt thì hỏi “comment allez vous ce matin? “ nên từ đó người Pháp cứ gặp nhau là hỏi xã giao “comment allez vous?” Như hỏi đi cầu được chưa, mình mới qua tây cứ gặp tây đầm là hỏi câu này khiến họ cười nhăn mặt. Chán mớ đời. Cuộc đời Thái y chưa chắc là sung sướng, vua đi cầu không được cũng hành, kêu dậy nữa đêm.
Thật ra thì có đến 600 cái “commodes”, loại phòng nhỏ, có ghế lũng lỗ cho gia nhân, người ở trong cung điện nhưng vì người đông quá nên nhiều khi khách khứa đến cung điện, phải cho gia nhân tiền để họ cho mượn cái bô nên từ đó có lệ cho “pourboire” khi ai đó giúp mình, người Việt bắt chước tây trong thời bị đô hộ, quen miệng kêu tiền Boa. Nói chung thì cung điện đẹp lộng lẫy nhưng hôi thối lắm.
Nước bị truyền nhiễm, người ta chưa biết cách lọc nước cho sạch nên cũng không có trong cung điện. Ngày nay du khách đến viếng nước Pháp cũng lâm vào cảnh không có nhà vệ sinh công cộng. Dạo mình đi học ở Paris thì có vài chỗ trên đường, hay công viên như vườn Luxembourg, gọi là Pissoire. Ghé lại tè cho thoải mái cuộc đời nhưng sau này, họ dẹp hết thay vào đó mấy cái nhà vệ sinh của nhà thầu Decault, phải bỏ tiền vào nhưng khổ cái là có tiền thì thiên hạ đập để lấy tiền như mấy cái điện thoại công cộng nên họ cũng dẹp luôn hay chỉ còn vài cái và người ta xếp hàng són đái luôn.
Vấn đề ở Versailles là mỗi ngày có ngàn người lui tới, mỗi khi có hội hè thì lên đến 5,000 người, do đó vấn đề vệ sinh rất khó khăn. Mình có coi một cuốn phim có Gerard Depardieu đóng vai một tên chuyên tổ chức tiệc tùng cho vua chúa, giai cấp quý tộc, mới hiểu một chút về lịch sử Pháp khi xưa. Vào thời ấy, có lẻ người ta không quan tâm lắm như ngày nay, trong nhà không có cầu tiêu và nhà tắm nên thiên hạ ra ao hay đi tìm lùm cây nào đó, hay đem theo cái cuốc, làm một lỗ rồi bỏ bom xuống rồi lấp đất lại, làm phân hữu cơ theo tư tưởng sinh thái hiện đại.
Paris khi xưa cũng hôi thối vì trong nhà không có ống cống thoát, có mấy chỗ tập trung đi vệ sinh. Có phòng tắm công cộng nhưng sau này nhà thờ cấm vì không muốn đàn ông và phụ nữ ở truồng tại một chỗ. Hôm nào, rảnh mình kể vụ này vì khá dài. Nói chung là sông Seine hôi thối vì ống cống khắp Paris đều chảy ra đây, dân thợ nhuộm vãi, đổ nước dơ ở đây, dân bán thịt thì quăn xương xuống sông. Đại khái như con suối giữa đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng khi xưa, dân chúng đem rác ra đổ đầy. Nhà vua đánh thuế những người đi lượm rác ven sông.
Dạo mình mới đến Paris, kinh đô ánh sáng, mướn căn phòng ô sin trên lầu 7, không có thang máy. Vệ sinh thì phòng nhỏ (2.5 m x 3.8m) nên không có phòng tắm hay lavabo, ngoài hành lang có cái bồn cầu thời Bảo Đại kiểu họ xuất cảng qua Việt Nam, ngồi chồm hổm như ở Việt Nam. Các ô sin ngày xưa, tắm rữa ở dưới nhà của chủ nên ngoài hành lang chỉ có một nhà vệ sinh và cái robinet. Mùa hè thì mình lấy cái sô hứng nước rồi tắm như kiểu ở Việt Nam, còn mấy mùa khác thì đi đá banh hay đi bơi rồi tắm trong đại học hay ghé lại ký túc xá của mấy thằng bạn để tắm.
Thật ra từ Đàlạt, qua Tây là đã thấy văn minh rồi. Đi Nhật thì mình thấy bồn cầu của họ, ngay ở phi trường là sạch sẽ nhất những quốc gia mình từng thăm viếng. Có hai loại bồn cầu: kiểu ngồi chồm hổm và kiểu ngồi đứng, về khách sạn thì có loại có máy rữa khu như bidet của Pháp nhưng tiện hơn, có nút nhấn là có nước ấm. Mình có gửi mua một cái gắn cho mụ vợ nhưng không dám gắn ở phòng tắm dưới nhà vì sợ khách đến rồi ngồi luôn trong.
Có lần đến nhà bạn, thấy thiên hạ đứng đợi ở ngoài phòng tắm, mấy bà vào trong lâu không thể tả. Hoá ra chủ nhà gắn cái máy rữa khu của Nhật, khiến mấy bà tò mò, ngồi thử, nhiều bà bị nước bắn ướt quần nên phải lấy giấy khăn để chùi.
Chán mớ đời