Make America Great Again

Ông Trump đắc cử tổng thống với slogan “Make America Great Again” khiến mình tò mò, tìm đọc xem Hoa Kỳ đã từng được xem “great” và đã mất tước vị ấy từ bao giờ mà uỷ ban bầu cử của ông ta cứ lập đi lập lại mãi câu thần chú này đến nay.
Khi mấy đứa con học ở trung học, mình hay lấy sách của chúng học đọc để lỡ chúng hỏi thì còn ú ớ trả lời, sợ chúng khám phá ra cái bản chất ngu lâu dốt sớm của bố chúng. Sách lịch sử mà chúng học thì cho thấy văn minh lịch sử Tây Phương phát xuất, đúng hơn là khởi nguồn từ nền văn minh Hy Lạp với những triết gia, với những tên khó đọc đến nay. Lịch sử của những vùng lân cận trước đó như Ai Cập, đã gây ảnh hưởng rất nhiều cho nền văn minh Hy La thì được xoá bỏ, không đề cập hay được dạy.
Mấy đứa con được dạy là lịch sử Hoa Kỳ chỉ bắt đầu từ khi Kha Luân Bố đặt chân lên Mỹ Châu, người ta dạy chúng là Kha Luân Bố khám phá ra Châu Mỹ, làm như trước khi ông này đặt chân lên bờ, mỹ châu là vùng đất không người, hoang dã nhưng có lẻ ông ta dạo ấy, hoang mang thì đúng hơn vì ông ta đinh ninh đi tìm Ấn Độ bằng hướng Tây thì lại đến xứ này. Nói cách khác người dân sở tại tìm ra ông ta và đám tuỳ tùng thì đúng hơn vì trước khi Kha Luân Bố đặt chân lên Châu Mỹ thì vùng đất này cũng đã có lịch sử nhân văn giàu có của nó qua các nền văn minh Inka, Aztec rất cao hơn cả âu châu hay những người da đỏ đã sống trên vùng Bắc Mỹ từ bao giờ, không phải vùng đất không có người sinh sống như khi phi thuyền Apollo đáp xuống mặt trăng, không một bóng người.

Người Mỹ thông thường học lịch sử sơ sơ ở trung học rồi thôi vì lên đại học thì ít ai mò mẩn đến môn này vì không làm ra tiền do đó khái niệm của người Mỹ về lịch sử Hoa Kỳ rất hạn hẹp, đừng nói đến lịch sử thế giới.
Mình tò mò đọc chương trình giảng dạy lịch sử Hoa Kỳ của trường võ bị West Point năm thứ nhất, thú vị vì những chi tiết cho thấy những gì chính phủ dạy học sinh trung học về lịch sử Hoa Kỳ và thế giới rất khác với những gì được dạy cho các người sẽ lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ trong tương lai.
Dạo mấy đứa con còn nhỏ, gần lễ Tạ Ơn là trong trường có trò cho chúng bận đồ của những người tiên phong đến từ Anh quốc, lánh nạn tôn giáo, tạo dựng lên “một tân thế giới”, ngọn đuốc dân chủ sáng toả khắp thế giới. Họ tập cho chúng làm lại những hành trình gian khổ, đặt chân lên đất mỹ rồi được người dân sở tại ra đón, cứu giúp nên hàng năm, người Mỹ có ngày tạ ơn họ. Chỉ có một chi tiết là nhà trường quên không nói đến các vụ tàn sát, chiếm đất những người đã cưu mang họ khi họ mới đặt chân lên đất này.
Dạo mấy đứa con đi hướng đạo, mình muốn các trưởng tập cho các hướng đạo sinh đóng kịch về những con thuyền ra đi tìm tự do đưa bố mẹ chúng rời khỏi Việt Nam,... nhưng họ sợ các em bị tổn thương cũng như họ muốn quên một quá khứ bi thương. Người Do Thái luôn luôn dạy con cháu họ về Holocaust để con cháu họ sẽ không bị tai nạn này lại trong trương lai.
Trong sách giáo khoa chỉ nói đến thành phố Jamestown, tiểu bang Virginia nhưng ít khi nói đến lý do chính người Anh đến vùng này, họ nói nhiều về người di cư đến tiểu bang Massachussetts. Người Anh từ Âu châu đến vùng đất Virginia, không phải vì tránh nạn áp bức tôn giáo như con cháu mình được giảng dạy trong lớp, những chuyến tàu đến vùng này được bảo trợ bởi công ty Virginia Joint Stock Company. Mục đích của họ không phải để tìm ra vùng đất hứa mới, một tân Jerusalem của người tây phương như họ dạy ở các lớp trung học tại Hoa Kỳ.
Mục đích chính của công ty này là lợi nhuận, vì nghĩ sẽ tìm ra vàng như người Tây Ban Nha, Bồ đào Nha đi tìm vàng ở vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ với những Conquistador. Họ cho người đạo Tin Lành sang Châu Mỹ để tìm cách cân bằng hoá với người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì những đạo quân đi tìm vàng đều mang theo các ông cố đạo, tuyên giáo kêu mọi người sinh sống trên Châu Mỹ là những đứa con hoang đàng (prodigal son), phải trở về đạo. Nhờ đó mà ngày nay, ngôn ngữ Tây Ban Nha được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, sau đó mới là hoa ngữ.
Những chuyến tàu đầu tiên đến Bắc Mỹ, mang theo toàn là các giới quý tộc mà người ta hay gọi là “Gentlemen”. Giới này không thích làm việc nặng nhọc, đồng áng, chỉ thích ra lệnh. Họ lại không đem theo nông dân, phụ nữ. Không may là họ chọn vùng có bệnh sốt rét, nên chết rất nhiều. Mùa đông đầu tiên chỉ có 30% sống sót, 2 năm sau, trong số 500 người thì chỉ còn 60 người sống sót. 17 năm đầu, thì trong số 6,000 người được công ty này đưa đến đất Mỹ, chỉ còn 1,200 sống sót, nghe kể có người đói quá ăn thịt vợ của ông ta.
Người ta giải thích lý do tại sao lại chọn thành phố bên cạnh dòng sông James, có tên là Jamestown mà trong chuyến đi tháng 10 vừa qua, mình có ghé tham quan; để tránh quân đội Tây Ban Nha dòm ngó nhưng quan trọng nhất là được công ty Virginia Joint Stock Company chỉ muốn lợi nhuận, không phải sống lâu dài ở đây, chỉ muốn ăn xổi. Họ không tìm ra nhiều vàng như mong đợi nên cuộc đầu tư khai thác tìm vàng có thể được xem là thất bại, nếu họ không tìm ra một loại vàng khác: Thuốc Lá.
Thuốc lá đã cứu cuộc đầu tư của công ty này. Các con tàu ùn ùn chuyên chở thuốc lá về Âu châu, làm giàu cho chủ nhân. Có thể xem, tổ tiên của người Mỹ là những “Drug Dealers” chuyên chính, có môn bài để bán, trồng thuốc lá rồi đem bán cho Âu Châu. Thuốc lá đã thay đổi chính sách của triều đình Anh quốc về Bắc Mỹ. Muốn thu hoạch thuốc lá nhiều thì người ta cần đất đai nhiều để trồng trọt và nhân công nên dạo ấy sự gia tăng về các thuyền từ Mỹ châu chở thuốc lá về Âu châu còn thuyền âu châu thì chở người lao động sang.
Lúc đầu họ gặp trở ngại với người da đỏ nhưng rồi cuối cùng các nông trại cũng được thành lập dọc ven biển. Vấn đề là nhân công, dạo ấy chỉ có hai loại nhân công: nô lệ và nhóm người Tô Cách Lan và Ái Nhỉ Lan, làm việc để đổi đất đai sau vài năm lao động cho chủ đất mà người Anh gọi là “Indentured Servants”, không biết dịch ra Việt ngữ. Không biết ngày nay ra sao, dạo mình làm việc ở luân Đôn, các người gốc Tô Cách Lan và Ái Nhỉ Lan, không tìm được việc ở xứ họ nên phải đến Anh quốc, được xem là công dân hạng 2. Một có tên bạn, gốc Ái Nhỉ Lan, hắn và vợ chán đời sống công dân hạng 2 ở Luân đôn nên khăn gói qua Cali lập nghiệp.
Người ta bắt đầu trồng trọt bắp ngô, nuôi gia súc nên số người lao động chết giảm. Các địa chủ thích sở hữu nô lệ, làm công miễn phí cả đời, ngay cả đời con cháu của họ. Do đó kỹ nghệ buôn bán nô lệ, bắt cóc người da đen ở phi châu, đem sang Mỹ châu gia tăng với mật độ khủng khiếp. Người nổi tiếng nhất về buôn bán nô lệ là ông Elihu Yale, giám đốc công ty British East India Company, sau này bỏ tiền xây dựng đại học Yale, được xem là giàu có nhất thời ấy bằng nghề buôn nô lệ.
Vấn đề chính cho việc canh tác thuốc lá là đất, mà đất thì phải chia cho những người giúp việc “indentured servant”. Những người này làm công khác với tá điền ở Việt Nam. Ở Việt Nam, tá điền làm công hay mướn đất của địa chủ rồi đến mùa gặt thì đem lúa trả, còn dư thì ăn nên đói cả đời. Chế độ “indentured servant” của người Anh quốc thì người lao động đồng ý với địa chủ, họ sẽ làm việc cho địa chủ trong thời gian bao nhiêu năm như 5, 10 năm, sau đó thì địa chủ trả công cho họ bao nhiêu đất đai nên các địa chủ phải bắt buộc tìm đất mới để khai thác, trồng trọt. Kiểu ngày nay, người ta đi làm cho công ty và được stocks option. Cứ mỗi năm công ty cho bao nhiêu cổ phiếu của hãng. Người âu châu đến với mục đích là lao động để rồi vài năm sau sẽ được sở hữu đất đai nên mới chịu khó bỏ quê hương ra đi nên từ đó mới có cụm từ “giấc mơ Hoa Kỳ” (the American Dream).
Có một cuộc nổi loạn do ông Nathaniel Bacon cầm đầu mà lịch sử Hoa Kỳ ít nói đến là khi giá thuốc lá xuống vì có nhiều người trồng nên lợi nhuận ít. Các người làm được trả lương thấp nên họ nổi dậy, nói như thời thượng là nông dân bị áp bức. Họ đốt thành phố Jamestown khiến các địa chủ muốn giữ quyền lợi của họ, phải chia xẻ quyền lợi với một số người nổi loạn để có thể giữ vững quyền lợi của họ. Tương tự ngày nay tổng giám đốc giàu to nhưng cũng chia một ít cho các quản lý qua stocks Options.
Vấn đề này đưa đến kỳ thị chũng tộc, và đặc quyền của người da trắng. Các địa chủ mướn ít lại các “indentured servants”, để không phải chia đất, mà mua người nô lệ da đen bị bắt cóc từ Phi Châu. Họ dành một ít quyền lợi cho người da trắng trung trung, để họ đại diện về mặt chính trị cho người da trắng.
Sự thống nhất của người da trắng về mặt chính trị là quy tắc sinh hoạt cho thuộc địa của tiểu bang Virginia, là nền tảng xây dựng cộng đồng người Mỹ. Người da trắng nghèo vẫn đông hơn nhóm da trắng sung túc nhưng nhãn hiệu chũng tộc da trắng vẫn là một niềm hãnh diện cho người da trắng dù nghèo nhưng ít ra “vẫn là người da trắng”. Tinh thần đó kéo dài mãi đến ngày nay mà chúng ta đã thấy qua các vụ kỳ thị người da màu nhất là ở miền nam Hoa Kỳ như không cho người da màu sinh hoạt chung với họ đến khi đạo luật Civil Rights ra đời. Nhóm người bầu cho ông Trump, đa số là da trắng và nghèo.
Ngược lại cụm từ “người da đen tự do” đã lui sâu về quá khứ, người da đen biểu hiệu cho sự khốn cùng của giai cấp hạ cấp, là người nô lệ, không có quyền lợi, là giai cấp Chí Phèo, thị Nở, chỉ là công cụ sản xuất để chủ nhân da trắng làm giàu đến khi chết.
Cuộc nổi loạn của Bacon cho thấy sự liên kết đất đai, nhân công và màu da. Đất đai tượng trưng cho Tự Do, có đất thì được tự do canh tác, không phải làm công, làm nô lệ cho ai. Nhân công là yếu tố quyết định cho lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế, mướn nhóm da trắng hay mua nô lệ và màu da chũng tộc nối kết giữa đất đai và nhân công.
Mùa lễ Tạ Ơn mà mấy đứa con mình được dạy, làm lại hình ảnh của những người Anh quốc đến Mỹ châu là ở tiểu bang Massachusetts, mà mình đã kể về con tàu Mayflower, gồm những người Puritan và Pilgrim (khó dịch). Cả hai nhóm này đều là người theo đạo Thanh giáo nhưng khác nhau về Đức tin của họ, gây ảnh hưởng về mặt đạo đức của người Mỹ sau này. Mình có kể về Luther và sự thành hình của đạo Tin Lành rồi.
Pilgrims là người theo đạo Tin Lành ly khai với nhà thờ Anh quốc, đa số là thuộc giới nghèo, họ tin là nhà thờ Anh quốc vô phương thuốc chữa, họ trốn qua Hoà Lan, sau đó lên con tàu Mayflower, 100 người cập bến Plymouth. 10 năm sau, nhóm người Puritan, còn được gọi là Calvinist, tên của nhà thần học cải cách Jean Calvin, tin là nhà thờ Anh quốc có thể được thay đổi. Họ, đa số là người giàu có, cũng bị áp bức, đàn áp tín ngưỡng bởi ông vua Charles đệ nhất. 1,000 người vượt Đại Tây Dương một cách đàng hoàng như kể trên là người Anh muốn cân bằng với các ông cố đạo gốc Tây Ban Nha và cập bến xứ mỹ và được gọi là Massachusetts Bay Colony.
Nhóm người này khác với nhóm người đến định cư ở tiểu bang Massachussetts, họ muốn thành lập một cộng đồng lý tưởng với đức tin của họ nên chú tâm vào trồng trọt tiểu trà, hoà đồng với mọi người đều bình đẳng dưới mắt Thiên Chúa. Do đó không có chế độ nô lệ ở vùng này.
Ngược lại nhóm người định cư ở tiểu bang Virginia thì chú tâm vào lợi nhuận, trồng thuốc lá đại trà, khơi mào cho nền tư bản sau này. Họ bắt đầu đánh đuổi người da đỏ để cưỡng chế đất đai, tạo dựng những đồn điền trồng thuốc lá để bán cho âu châu. Ngày nay, các xứ nghèo ở Trung Mỹ trồng thuốc phiện thì các nước Tây phương lại cấm trong khi ngày xưa, họ trồng để bán cho các dân thuộc địa của họ thì không có vấn đề.
Người Calvinist rất tự hào, tự cho là được Thượng Đế chọn để thay đổi thế giới qua nhân cách của họ. Người thuộc phái Pilgrim thì tìm cách xa rời thế giới tội lỗi còn người thuộc giáo phái Puritan thì tự nhận có thiên chức để xây dựng một thế giới mới hoàn hảo hơn. Với tinh thần, tự nhận mình có sứ mạng, được thiên chúa giao cho xây dựng một thế giới mới hoàn mỹ hơn khiến người Mỹ ngày nay sử dụng chủ thuyết “ American Exceptionalism” trong việc điều hành công việc đối ngoại và đối nội.
Mỗi tuần mình đi họp mặt với các hội đoàn thì trước khi vào họp, mọi người đều đứng trước lá cờ Hoa Kỳ, đọc bài tuyên thệ trung thành với lá cờ và Hoa Kỳ. Ai cũng kêu “Hoa Kỳ là quốc gia tuyệt vời”, mặc dù mình thấy rất đông người vô gia cư, cắm lều sống vất vưởng ở Los Angeles, Quận Cam,… tương tự các người da trắng làm công cho các địa chủ khi xưa, dù bị bốc lột nhưng vẫn tự hào dù sao họ cũng là người da trắng, chũng tộc cao quý nhất vì đã được thượng đế giao phó vai trò xây dựng một thế giứoi hoàn hảo trên thế gian.
Những người di cư để thành lập một thế giới mới, một Jerusalem mới, nên họ rất bảo thủ nên có lẻ những người yêu chuộng tự do, suy nghĩ khác biệt hay phụ nữ cứng đầu, khó mà hoà đồng với nhóm này. Có những phong trào chống tà ma ngoại đạo kinh khủng, tương tự Inquisition ở Tây Ban Nha. Họ treo cổ bà goá phụ Ann Higgins, lý do bà ta dám kêu là người thợ mộc chặt chém quá đắt khi sửa chửa nhà của bà. Có mấy trăm người bị lên án, người ta được biết là 70% số người này là phụ nữ, trung niên, có tinh thần độc lập. Cho nên ngày nay, khi thấy truyền thông lên án các tên theo đạo hồi giáo chà đạp quyền phụ nữ thì mình hay buồn cười vì có lẻ họ chưa được dạy về sự đàn áp của cha ông họ đối với phụ nữ.
Mình đọc tài liệu cho thấy vào thời gian này, ở Hoa Kỳ không có cụm từ “Tình Yêu lứa đôi”. Đàn ông và đàn bà lấy nhau vì họ cần nhau để sống sót ở trên vùng đất mới. Họ lấy nhau vì cần nhau chớ không phải vì tình yêu lứa đôi mà tuổi trẻ đời nay hay mộng mơ, bú xua la mua qua dòng nhạc Bolero. Nếu chồng hay vợ chết thì họ kết hôn với người khác để sống còn trong một môi trường nghiệt ngã.
Nhóm người theo đạo mormon, được phép đa thê vì khi họ đi về phía Tây Hoa Kỳ để thành lập cộng đồng của họ thì chết rất nhiều nhất là đàn ông nên ông tổ trưởng giáo phái này cho phép đàn ông lấy được nhiều vợ, để khỏi có lộn xộn trong giới phụ nữ không chồng và để sản xuất thêm con cháu, thêm người thêm của như nhà nông thường nói. Có lẻ vì vậy mà đàn ông đạo này chết sớm?
Người di cư đến hai vùng Virginia và Massachusetts tuy khởi đầu có mục đích khác nhau nhưng dần dần được kết tụ lại với nhau. Khi nói đến đất đai điền thổ thì có nghĩa là đất đai của người Anh, hay tự do nghĩa là tự do của người Anh. Ở Virginia, giai cấp được chia thành người da trắng và nô lệ da đen còn phía bắc, Massachusetts thì cũng người da trắng và người da đỏ mà mình có kể khi nói đến con thuyền Mayflower.
Hơi dài, khi nào rảnh kể tiếp.
Chán mớ đời.