La Mã ngày nay

Hôm qua, hai vợ chồng đến dùng cơm tối tại nhà một gia đình Ý mà 35 năm nay không gặp lại. Những lần trước về lại âu châu từ khi mình sang Hoa Kỳ làm việc thì chỉ quanh quẩn ở Paris, Grenoble, London và Venezia nên không có thời gian đi thăm bạn cũ ở xa.
Điều mình nhận thấy là thủ đô nước Ý kỳ này trở lại sau 35 năm thì có rất nhiều người ngoại quốc sinh sống. Khu gần Piazza Della Republica, theo lời giải thích của thằng Maurizio thì độ 15 năm về trước, người Tàu sang đây mua nhà cửa rồi họ ở tập thể như các chung cư tập thể bên tầu, nhét 30,40 người ở trong một căn hộ nhỏ, từ đó các quán tiệm ăn tầu, ấn độ, Bangladesh,.. mọc lên.
Mình thấy các tiệm bán đồ chạp phô, lặt vặt đều do người Bangladesh làm chủ. Gần nhà nghỉ có một tiệm này, mình hỏi mấy giờ đóng cửa vì tính đi ăn cơm nhà Turriziani về, ghé vô mua nước và trái cây thì được biết là họ đóng cửa vào một giờ sáng. Theo mình được biết thì dân Ý rất lười so người đức, tây nên không ai mở cửa đến 1 giờ sáng chỉ có người ngoại quốc mới chịu khó.
Người âu châu họ sinh ở đất này nên không còn chịu khó như cha mẹ, ông bà của họ khi xưa, sau cuộc đại chiến thế giới. Họ được nhồi nặng qua bao nhiêu năm với các cuộc đình công, đòi hỏi quyền lợi cho giới thợ thuyền lao động. Dần dần thế hệ con cháu của họ không chịu khó làm việc tay chân, chỉ muốn làm theo năng suất, và hưởng theo nhu cầu theo tinh thần của xã hội chủ nghĩa.

Dạo mình ở Ý thì có đến 35% dân Ý bầu cho đảng Cộng Sản, 20% bầu cho đảng Xã Hội. Nhu cầu thì họ có nhiều nhưng lại lười nhưng thật ra theo mình thì họ ở trong thế kẹt, xã hội bế tắc, cơ cấu hết. Con nhà giàu có, quyền quý sẽ thừa hưởng của cha mẹ còn dân ngu khu đen thì dù cố gắng cũng khó mà vươn lên. Mình hỏi tên lái xe mà mình mướn cả ngày chở mình đi viếng đủ trò thì hắn cũng không biết vì chỉ mướn nhà từ thế hệ này qua thế hệ khác, không bao giờ nghĩ đến việc mua một căn hộ vì trong thành phố đều thuộc các gia đình giàu có từ mấy đời, cho thuê.
Xã hội của họ được cơ cấu hết, học ra không có việc làm mà ngày nay thì đa số việc được toàn cầu hoá. Thêm vào với những luật lệ lao động, kinh tế đã đóng băng tinh thần đột phá tư duy hay tư bản tư duy, mặt dù người ta rất sáng tạo. Muốn sa thải nhân công rất khó nên không ai dám mướn cho nên cứ bình bình theo dòng đời. Nếu mình không lầm thì sau Hy Lạp nước Ý và Tây Ban Nha có khả năng bị phá sản vì ảnh hưởng luật lao động, hưu trí do các đảng xã hội và cộng sản đòi hỏi khi xưa.
Du khách thì đông hơn xưa, thêm phần đa dạng, nhiều sắc tộc không như xưa chỉ có dân tây, đức, nhật bản hay người Mỹ đến thăm viếng. Ngày xưa, mình đến viếng đều đi vẽ, nay những chỗ mà mình đã từng vẽ như Fontana Trevi thì khó mà có thể ngồi yên để vẽ vì du khách đông như quân Nguyên, chen lấn, để chụp hình. Ngày nay, thì dân Trung Quốc, phi châu, đại loại các nước đều khá giả hơn xưa nên có thể đi du lịch. Hôm nay đang đi trên cầu ở Firenze thì thấy cặp vợ chồng Nam Hàn bận đồ cưới có thêm người đi theo quay video, cô dâu rạng rỡ cười sung sướng vì có được một tên nô lệ, theo hầu cho cả đời còn chú rễ mặt ngu ngu như khi xưa mình lên xe bông về nhà vợ.
Hôm qua ngồi ăn cơm ở Piazza Navona thì bên cạnh có hai vợ chồng gốc Uraguay, mình ngồi nói chuyện tiếng Tây Ban Nha với họ một hồi thì có ai phía sau lưng kêu:" Anh chị là người Việt Nam", quay lại thấy 3 mẹ con đi từ Hà Nội sang chơi. Bà mẹ ghé lại hỏi đồng chí gái chắc anh chị là Việt kiều khiến mụ vợ chả hiểu chi cả, trả lời ở Cani, không hiểu từ cán bộ gọi dân tỵ nạn Việt Cộng.
Con bé đi theo lấy bánh mì cho chim bồ câu ăn bị thằng chủ quán năn nỉ đừng cho ăn nhưng họ không hiểu lý do tại sao cấm cho chim ăn. Người ta không khuyến khích du khách cho chim bồ câu ăn vì chúng sẽ bò đến đông hơn, nhảy lên bàn ăn đồ của thực khách nhất là họ muốn chim tự tìm thức ăn trong thiên nhiên, thay vì ăn bám vào du khách. Nhớ có lần mình đi Ý lần đầu tiên, đang ngồi ngoài đường ăn dưới ánh nắng mặt trời thì Phọt, một bãi cứt chim rơi vào cái đĩa spaghetti của thằng bạn tây đối diện. Chán Mớ Đời
Các người bán hàng rong, vật lưu niệm cho du khách toàn là người ngoại quốc. Cũng thấy màn bán lậu, cảnh sát đi tới là bà con bỏ chạy. Mấy người Tàu thì ngồi bán mấy bông tai hay vẽ tên theo chữ tầu, khá đông nhưng không bằng người Bangladesh, Syria, phi châu,... để mình hỏi nhóm phi châu chuyên bán bóp giả do ai nắm đầu. Chắc là Mafia nhưng không biết lý do để người phi châu bán. Nghe nói có băng đảng người Kenya ở Ý, cũng bắn nhau chí choé với Mafia ý. Khi xưa, bán mấy đồ này đều do dân Ý bán cả, không hiểu sao họ lại để lọt vào tay các người ngoại quốc đa số ở lậu.
Mình cảm tưởng chắc đế chế La Mã thời xưa cũng tương tự, dân tứ xứ thuộc đế chế về đây, làm kịch, vẽ tranh bằng nhạc Techno, chơi nhạc mà khi xưa hay thấy ở Paris. Đủ loại người khiến mất đi tính đồng nhất về chũng tộc. Dạo mình đi làm ở Ý thì dân miền bắc nước Ý khinh miệt dân miền Nam, gọi là Taru, di cư lên miền Bắc làm việc mà ngày nay dân Ý thì cảm thấy bất mản trước tình trạng người ngoại quốc sang sinh sống ở xứ họ, ở lậu có, ở chính thức có, nên cao trào thiên hữu, bài ngoại lên cao.
Nhớ dạo mình đi làm ở Ý Đại Lợi thì mỗi lần có trận đá banh quan trọng là vị chi trong hãng đều có nhiều người bị bệnh, hoá ra họ đi theo đoàn ủng hộ viên để xem đội banh của họ đá ở tỉnh khác. Thằng Marco, nghệ sĩ mà khen Donald Trump nức nở. Mình nói chính trị như quả lắc của cái đồng hồ treo tường, đánh qua bên tả rồi sẽ chạy ngược về bên hữu.
Khi xưa phong trào bài người ngoại quốc Do Thái lên cao, dân Ý chạy theo chủ nghĩa Phát Xít của Mussolini rồi sau đệ nhị thế chiến, họ lại chạy theo đảng cộng sản hầu xây dựng thế giới đại đồng. Nhớ dạo sang Ý làm việc, đảng cộng sản có đến 35% cử tri. Bà ngoại của một tên bạn Ý, gốc Do Thái kể cho mình hay thời bà ta phải trốn nên nghe mình tỵ nạn rất mến. Mỗi lần mình qua Ý đều ghé thăm sau này bà ta qua đời nên hết đi thăm. Qua bà này mình mới hiểu là các gia đình giàu có đều sở hữu tài sản qua nhà cửa, nghe nói 90% nhà cửa, đất đai thuộc về các gia đình giàu có tiếng tăm, còn dân thường thì quanh năm suốt tháng trả tiền thuê nhà từ đời này sang đời sau trong khi con cháu nhà giàu ăn sung mặc sướng, không lo chi cả. Đánh thuế họ thì họ tăng tiền nhà. Bù trớt
Phong trào Nazi của Đức quốc hay Phát xít ở Ý Đại Lợi đều khởi nguồn từ xã hội chủ nghĩa, chỉ khác là thay vì thành lập thế giới đại đồng như chủ nghĩa cộng sản ở Liên Sô thì họ chỉ chú tâm vào quốc gia. Nazi từ cụm từ Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, NSDAP; đảng của người công nhân đức quốc xã. Do đó mới có cuộc bài trừ giới tư bản, đa số là người Do Thái, đưa đến cuộc diệt chũng 6 triệu người gốc Do Thái.
Hôm nay đưa vợ đi thăm Vatican. Sáng ra hai vợ chồng xem Yelp thì thấy gần nhà có tiệm ăn sáng. Kêu 2 ly sô cô la, một nước cam vắt cho vợ nhuận trường và hai panini với prosciuto và morzarella. Ăn xong đi bộ ra nhà ga Termini, lên xe mui trần đi dạo phố. Mới đi chưa được 5 phút thì trời mưa, may quá mình lên trễ nên các người lên trước dành hết ghế lộ thiên nên hai vợ chồng ngồi phần có nóc nên không ướt trong khi cha con họ hàng lên trước, dành ghế lộ thiên la chí choé.
Đến dòng sông Tibere thì xuống, dẫn vợ qua cầu đi vào Santo Angelo, di tích một thời của La Mã và sau này được Vatican chiếm đóng. Xây thành để tránh quân của các vua chúa xứ khác đánh phá. Khi xưa các Đức giáo hoàng đều đem quân đi chinh phạt các vương quốc ở Ý để bắt đóng tiền, quy thuận nhà thờ. Ai muốn làm hồng y thì trả bao nhiêu tuỳ nhà thờ ra giá. Gia đình Borghese có người được làm giáo hoàng nhờ cúng cho Vatican đất và tiền. Ngày nay thì chỉ còn đạo quân Thuỵ Sĩ đứng gác toà thánh, bận đồ thời xưa, hình như do Michelangelo hay một nghệ nhân nào mà mình quên tên thiết kế.
Trước thánh đường Santo Paolo có ghi tên chữ la tinh, tuyên dương công trạng của hoàng tử Borghese thứ mấy đó không nhớ, hình như Paulus V đã cúng tiền xây toà thánh đường vĩ đại này và cũng là đức giáo hoàng.
Mình giải thích cho vợ là thánh đường này được thiết kế bởi nhiều kiến trúc sư. Mấy người chính là Donato Bramante, Michelangelo, Carlo Maderno và Gian Lorenzo Bernini của thời Phục Hưng của Ý.
Theo truyền thống của thiên chúa giáo, giáo đường này là nơi thánh Paolo, tông đồ của chúa Giê su được chôn cất tại đây và sau này có những giáo hoàng khác cũng được chôn cất trong thánh địa này. Tại đây có một nhà thờ khi hoàng đế La Mã Constantin trở về đạo và cho xây căn nhà thờ và đến thế kỷ 16 thì được thay thế bởi giáo đường to lớn nhất thế giới được xây trên 100 năm với nhiều kiến trúc sư.
Dẫn vợ đến nhà nguyện Pieta ở bên phải có tượng Đức Mẹ bồng chúa Giê su bên phải do Michelangelo khắc tạc, nay họ lồng kính không cho ai vào. Mình có xem và vẽ cách 1 mét khi đến thăm La Mã lần đầu tiên, sau này có tên nào khùng vác búa đến đập phá nên họ không cho đến gần mà hình như họ để bức tượng giả thì phải tương tự bức tượng David ở Florence.
Có cái bàn thờ che lọng của Bernini thiết kế với 4 cái trụ cột theo kiểu Roccoco nên mình không thích lắm còn cái dome, vòm thì do Michelangelo thiết kế. Vợ cứ chụp hình loạn xà ngầu các giáo hoàng rồi hỏi mình thì đành chịu vì không rành lịch các giáo hoàng chỉ biết vài ông như Julius VI, người đã khởi xướng kêu gọi ông Michelangelo và Bramante thiết kế giáo đường này. Mình có xem một cuốn phim mỹ nói về giai đoạn này, khi ông đức giáo hoàng cứ chạy lại hỏi Michelangelo là xong chưa khi ông ta đang nằm vẽ cái trần nhà của nhà nguyện Sixtina.
Có điểm mà mình thích nhất của ông Bernini là quảng trường ở ngoài. Có cái obelisque mà nhà thờ bứng từ Ai Cập đem về xài tương tự hoàng đế Napoleon vác về một cái để ở Place de Concorde ở Paris. Dạo ấy xứ Ai Cập có hai cái tháp bút chì đẹp, người tây phương đến bứng về xài. Nếu mình không lầm ông Bernini này được vua pháp kêu thiết kế đại điện Louvre của Pháp nhưng giữa chừng thì thôi việc. Thay vì phải đập phá một số nhà xung quanh để làm quảng trường, ông ta làm chéo hai hàng colonnade ra rồi tiếp nối với hai hàng trụ hình ellipse đưa ra như hai cánh tay của thiên chúa ôm gọn các con chiên khi đến nghe Đức giáo hoàng giảng đạo ở sân thượng hàng năm vào mùa lễ Giáng Sinh. Mấy hàng trụ che khuất hết các chung cư của Vatican, được xem là một công trình thiết kế đô thị thành công nhất thế giới. Mình có ngồi đây vẽ mấy ngày chỉ tiếc ngày nay, họ để máy rà chất nổ trước khi vào thánh đường nên che hết làm mất vẻ mỹ quang của kiến trúc đồ sộ, lộng lẫy. Chán mớ đời!
Xong xuôi hai vợ chồng lên xe đi tiếp viếng La Mã, xe chạy dọc bờ sông rồi chạy qua quảng trường Barberini, một đại kiến trúc sư của Ý. Hai vợ chồng xuống xe ghé lại quảng trường Piazza di Spagna, nơi có cái cầu thang đẹp nhất thế giới thêm cái bễ nước có hình chiếc thuyền. Sau này ông dượng mình, Ngô Viết Thụ, thủ khoa Grand Prix de Rome, được gửi đến ở La Mã mấy năm, về Việt Nam, có thiết kế cầu thang chợ Đàlạt với ý tưởng của cầu thang ở quảng trường này. Hai vợ chồng ghé vào ăn kem rồi tà tà theo con đường Sixtina đi bộ về. Vợ kêu đi hết nổi. Mình giặt quần áo rồi đặt bàn ăn cho tối nay.
Tiệm này tên 2 ladroni "hai đại thảo khấu", có từ mấy trăm năm qua, món ăn toàn đồ biển vùng Napoli. Mình lấy Uber đi cả vợ mỏi giò. Tiệm ăn này đông như quân Nguyên, toàn là người ý. Ăn rất ngon nhưng vì đông khách nên dọn ra chậm. Ăn xong hai vợ chồng đi bộ về cho tiêu cơm. Mai đi Florence bằng xe lửa.
Nhs