Mưa Đà Lạt (xưa + nay)

Hè vừa rồi về thăm Đà Lạt, không có đồng chí gái, không phải ghé thăm bạn bè, họ hàng bên vợ ở miền Trung và Sàigòn nên mình ở Đà Lạt đến 2 tuần thay vì 3 ngày như mọi lần. Mỗi lần về Đàlạt vào mùa hè nên gặp mưa nhưng chỉ ghé lại 2 đêm nên không để Ý lắm, lần này thì mới cảm nhận được lại cái mưa của Đà Lạt, đã quên dần trong kí ức của mình trên 47 năm qua.
Đồng chí gái không có phép nhiều nên 3 cha con về Đà Lạt chơi, rồi bay qua Hán Thành gặp mụ vợ, cả gia đình đi chơi ở Nam Hàn, trước khi về Cali.
Cơn mưa đầu tiên mình đón nhận, khi gặp lại vài người bạn học cũ và đối tượng một thời trong quán cà phê. Đang mừng mừng tủi tủi gặp lại cố nhân, đến khi chia tay thì mưa từ đâu ụp xuống làm trắng xoá mặt đường, như thời xưa học tiểu học, thấy mưa đá văng vào cái hiên nơi cửa lớp. Tên Tài, nghe mình kể Chảnh Thị quảng cáo trên diễn đàn, đâm thèm ăn bánh căn vì trên 40 năm qua, chưa có dịp nếm lại món ăn gốc Chàm trở thành đặc sản của người thị dân mà mình có thấy bán ngoài đường khi đi Nam Dương.
 Dù đã về Đà Lạt 6 lần, chưa nếm lại món đặc sản này, hắn đề nghị cả đám đi ăn bánh căn. Thế là 3 cô 3 cậu cựu học sinh Văn Học, rủ nhau ra ấp Xuân An để ăn, thay vì Dốc Nhà Làng, nghe nói ngon và đắt nhất Đà Lạt nhưng khó đậu xe con. Bổng nhiên mưa từ đâu ập xuống như chào đón mình, một đứa con hoang đàng của Đà Lạt, trở về như tắm gội các lớp bụi đóng trên quảng đường đời từ 41 năm qua. Mưa xối xả như trút bao giận hờn của người tình, chờ đợi tên thất hứa từ bao nhiêu năm.
Ngồi ăn bánh căn nhưng mình cứ nghĩ đâu đâu, nhìn mưa rơi trắng xoá mặt đường, nghe những hạt mưa lộp độp trên tấm tăng màu xanh, che cái bếp ngoài trời, che cô chủ quán với hai cái nồi bánh căn, làm bằng đất sét với chín cái khuôn tròn. Những cái nắp đậy có cái núm để cầm như ngực của các tượng phụ nữ Chăm ở tháp Chàm. Lâu lâu, ông chủ quán lấy cây chổi, đẩy tấm tăng từ dưới lên để nước đọng ở trên thoát xuống hai bên, hất tạt nước vào đám thực khách, vội vàng kéo cái ghế đẩu, cái đòn, xích vào trong để tránh nước mưa, rụt rè ái ngại, co ro trong tấm chăn không gian lạnh ướt.
Cảnh tượng đưa mình quay về dòng sông tuổi thơ, những ngày tháng đi học dưới mưa. Lối sống của người Đà Lạt vẫn không thay đổi sau 42 năm. Vẫn lấy cái chổi để làm ráo nước đọng trên mấy tấm tăng (tente) che mưa như các quán ở đường Trương Vĩnh Ký hay Cẩm Đô. Trời mưa ư? Họ lấy tấm tăng, căng ra che phủ cái ghế đẩu. Người Đà Lạt vẫn ngồi ăn, co ro trong gió lạnh giữa tiếng mưa rơi lộp độp.
Cảnh tượng hàng quán Đà Lạt vẫn như xưa, mưa thì che tấm tente để mưa khỏi tạt vào khách hàng.
Những ngày hè của thời học tiểu học, xếp giấy vở học trò cũ thành những chiếc ghe để thả trên đường mương khi trời mưa, đưa con tàu ra khơi, nước mưa làm nhoè đi những chữ mực tím rồi đắm chìm trong giây lát, cuốn trôi theo dòng thời gian như tiên đoán số phận những con tàu bé nhỏ bé vượt đại dương, chuyên chở hàng trăm ngàn người, rời bỏ quê hương ra đi vào thế kỷ trước để rồi không bao giờ cặp bến bờ Tự Do. Sau cơn mưa thường có mấy đàn mối trắng từ dưới đất, chui lên, làm từng ụ bay khắp trời rồi rớt xuống đất vì cánh bị ướt, giúp đám gà vịt, có một bửa ăn thịnh soạn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Trên đường về, cô tài xế bất đắc dĩ, tưởng nhà mình ở đường Fan Đình Phùng nên chạy lộn nên mình có dịp xem quang cảnh cầu Nhà Đèn, nơi khi xưa đến mùa mưa là nước tháo từ hồ Xuân Hương, từ cái đập đê cầu Ông Đạo, chảy xiết về Cam Ly làm ngập mấy vườn rau ở Ấp Ánh Sáng và khúc gara STT, lò sát sinh nhất và vạt đất to lớn cạnh đó, sau này gia đình Tăng Trung, Tăng Hiếu có xây cái nhà to đùng để cách mạng sử dụng sau 75 cho hội kiến trúc sư Đà Lạt. Nay thì từ ngoài đường không có thấy nữa vì nhà cửa được xây đầy ngoài đường. Người ta gọi Cầu Ông Đạo là tên của ông Quản Đạo Tôn Thất Hối, người đứng ra chỉ huy, xây cất cái đập đê của hồ Xuân Hương.
Xe chạy qua cầu Cẩm Đô làm mình nhớ có lần trời mưa, khu này bị ngập lụt, mình chạy xe BS ngang thì nước vào ống Pô nên ngũm máy, phải sửa tốn tiền, lại bị thằng thợ sửa xe chơi khăm, vớt thêm tiền. Dân Việt Nam tìm đủ trò để moi tiền thiên hạ mà không ái ngại.
Nguyên nhân khiến đầu mùa mưa, các nơi bằng thấp của Đà Lạt bị lụt vì dân cư, sống cạnh mấy cái suối, đem rác đổ xuống suối thay vì đem ra đường cho xe rác của thị xã đến lấy theo ngày nên vào mùa khô thì suối toàn là rác, chất thành núi vì khi xưa Đà Lạt chỉ có một chiếc xe rác mà dân cư vì chiến tranh đổ dồn vào thị xã càng ngày càng đông. Khi mùa mưa trở về thì nước chảy không thông nên nghẹt và làm ngập nước khu dân cư cạnh bờ suối và đường xá. Tương tự dọc đường Fan Đình Phùng và Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, con suối chảy từ số 4 về, làm ngập vùng thấp của hai bên bờ suối, kéo theo rác rưởi về thác Cam Ly khiến du khách viếng thăm phong cảnh vùng này phải bịt mũi.
Khi người Pháp thành lập Đà Lạt, họ dành các khu đất bằng cho người Việt. Còn trên đồi thì đành cho người Pháp. Mình có xem một lá thư của ông Võ Đình Dung, gửi cho thị trưởng tây của Đà Lạt. Và bản vẽ tiết kế Đà Lạt, mới hiểu vì sao ông ta mua hết đất từ Mả Thánh đến trường Việt Anh, sau này cho thuê để người ta làm vườn.
Có lẻ sang năm, mình sẽ lấy những bài mình viết về Đà Lạt xưa, cập nhật hoá các thông tin mà đã đọc thêm và hình ảnh rồi tải lên đây cho ai tò mò đọc lại. Khi xưa, mình chỉ kể về Đà Lạt theo ký ức, nay thì có thêm tài liệu và hình ảnh nên có những gì sai thì mình sẽ cập nhật hoá lại cho chính xác hơn.
Mình tránh viết về Đà Lạt hay đọc thêm thông tin của Đà Lạt xưa nhưng thiên hạ cứ gửi cho minh hình ảnh và tài liệu nên phải đọc. Có người lại to mồm kêu mình là nhà nghiên cứu về Đà Lạt. Người ta chịu khó gửi cho mình thêm tin tức, tài liệu xưa của Đà Lạt xưa thì phải viết lại. Chán Mớ Đời  
Mình về Đà Lạt, trông mưa như một du khách, không như khi xưa phải đội mưa, khiến mình bồi hồi nhớ đến thằng Nguyên. Ngày cuối cùng của niên học lớp 12, hai thằng bổng hứng đi dưới mưa như để đánh dấu ngày cuối của cuộc đời học sinh. Hai thằng đi từ trường Văn Học lên khu Hoà Bình, mua ổ bánh mì Vĩnh Chấn, vừa đi vừa cạp bánh mì, băng qua đường Hàm Nghi, mình để nó đi bộ về đường Tăng Văn danh, còn mình thì lang thang xuống ngã ba chùa rồi băng qua vườn ông 3 Đà để về lại nhà ở Hai Bà Trưng.
Ảnh này lột tả được cảnh mưa Đà Lạt. Thấy cái xe bán bánh mì thịt của bà người Huế, với tương ớt cay xè trước  tiệm Vĩnh Hoà.
Sau đó hai thằng bị bệnh gần cả tháng, chả học hành ôn bài để thi tú tài. Cuối cùng hai thằng chán đời, chở nhau ra đập Đa Thiện bơi thì hết bệnh nên ngày nào hai thằng đều rũ nhau đi bơi. Đến khi đi thi Tú tài, mình đã đen lại còn đen như anh 7 Chà của hãng Hynos, còn mấy tên học chung lớp, mặt mày bơ phờ, như phở tái. May hai thằng đều đậu và được du học. Mình gặp lại Nguyên 6 tháng trước khi hắn qua đời. Đó là lần đầu cũng như lần cuối hai thằng đi nghỉ hè với nhau.
Nhớ dạo bắt đầu biết thổn thức ngắm gái thì tối tối, mình hay đi với thằng hàng xóm ra phố Hoà Bình, xuống Hồ Xuân Hương. Khi có tiền thì rão về đường Minh Mạng, uống sữa đậu nành của bà 5. Khi nào sang hơn thì hai thằng chia nhau cái bánh chuối. Cái thú uống sữa đậu nành là khi trời mưa, trú dưới mái hiên của tiệm vàng của ông Bùi Duy Chước, vừa đứng vừa cầm ly sữa đậu nóng, vừa thổi khói bay phừ phừ, vừa nhấp nhấp từng ngụm, mặc mưa hắt dưới chân. Vào trời mưa thì thị dân Đà Lạt đi nhón nhón, lí do là họ mang dép nên nếu không để Ý, ép chiếc dép vào bàn chân thì đôi dép sẽ làm bắn bùn vô quần. Đi giày thì không bị vấn nạn này. Dạo đó biết ai là du khách vì cách họ đi trên dốc.
Tiệm vàng của ông Bùi Duy Chước, ngay góc Mình Mạng và Nguyễn Biểu (hình như Tăng Bạt Hổ, cái đừng từ Tăng Bạt Hổ, nối với Mình Mạng) bên cạnh có mấy thang cấp, có chiếc xe bán sữa đậu nành ban đêm của Bà Năm, người Nam, mà dân Đà Lạt thèm như điên.
Ông Bùi Duy Chước là bố của bà Bùi Thị Hiếu, có tiệm cầm đồ ở khu Hoà bÌnh, ngay góc Tăng Bạt Hổ. Nghe Huỳnh Ngọc Ánh kể; bố hắn học nghề thợ bạc từ ông Chước , sau này mở tiệm vàng.
Có hôm, sau cơm trưa, nằm trong phòng ngủ của mình khi xưa, nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà bằng tôn, tiếng gió reo gọi qua mấy ống gạch thông hơi, trên cửa sổ như một bản sonate “phiên khúc mùa mưa” khiến mình lại bay về thời xưa. Nhớ những ngày mưa thối đất, co ro trong nhà, chả biết làm gì, nằm nghe đài phát thanh nhạc yêu cầu :" như mưa ngày nào thấm ước vai em, như mưa,....", mơ đến, ước ao mối tình đầu.
Nhớ đến những tháng đầu tiên ở xứ Tây, trời mùa đông, ru rú trong phòng ô-sin không có lò sưởi, nghe bản nhạc của Enrico Macias, Adieu Mon Pays, để rồi câm lặng trong đêm thâu của những ngày tháng của kẻ vô tổ quốc, không tin tức của gia đình trong suốt 3 năm trời.
J'ai quitté mon pays, j'ai quitté ma maison
Ma ville, ma triste vie se traîne sans raison
...
Lorsque souvenirs se réveillent, bien après mon adieu
Soleil, soleil de mon pays perdu
Hôm gặp lại đối tượng một thời thì nhớ lúc mới sang Tây, mình hay nhớ đến khuôn mặt của cô nàng rồi từ từ biến mất khi quen đầm. He he he.
J'ai quitté une amie, je vois encore ses yeux
Ses yeux mouillés de pluie, de la pluie de l'adieu
Je revois son sourire, si près de mon visage
Il faisait splendide les soirs de mon village...
Có một chị gốc Đà Lạt, tò mò hỏi đối tượng của mình khi xưa ở Đà Lạt là ai? Mình lục hình ảnh cũ, thấy tấm ảnh của cô nàng tặng trước khi đi Tây. Je revois son sourire et ses seins. Chán Mớ Đời 
Mình nhớ đến những ngày tắm mưa ngoài trời, cởi truồng dưới máng sối, có mấy thùng phi đựng để hứng nước mưa, nấu cơm hay khi cúng. Nhà mình có cái lu riêng, bằng đất sét có tráng men, loại dùng đựng rượu đế như ở tiệm của ông bà Võ Quang Tiềm, ở khu Hoà Bình, để hứng nước mưa, để dùng khi cúng, nấu đồ cúng cho sạch sẽ cả sợ thần hoàn vật chết. Có nhiều nhà, phụ nữ sau khi sanh, họ chôn cái nhau dưới đất, nơi cái mang xối chảy nước xuống, để mong đời con mình sẽ được tươi mát sau này.
Trên nhà bà Ấm Thảo, có chôn cái nhau của một người em mình khi bà cụ bị xảy thai. Có cái am ở đó nên mỗi lần đi ngang nhà bà Ấm Thảo, mình hay vào vái cái am. Sau này, về thăm Đà Lạt, có lên thăm nhà bà ta, thì thấy cái am biến mất. Họ xây nhà hết. Gặp thằng Thọ mà khi xưa, trong xóm hay gọi Thọ Thai, làm thợ mộc.
Thời đó, nhà nào cũng đun sôi nước, để nguội rồi chế vô chai. Lấy cái phễu bỏ vào miệng chai, lấy cục bông gòn để chận cái miệng phễu rồi đổ nước vào để lọc chất dơ, gọi là nước lọc. Dạo ấy học Leçons des choses, có dạy cách lọc kiểu này. Mình có nhiệm vụ, mỗi sáng phải đun nước sôi để pha trà cho ông bà cụ, đổ vào Bình Thuỷ để pha sữa còn ấm nước thì để nguội, sau đó lọc nước. Dạo đó hình như nhà nào cũng có cái bình thuỷ cạnh cái khay đựng tách và bình trà trên bàn.
Hồi nhỏ mình thích nhất là mùa mưa vì không phải đi xách nước. Dạo đó, nước máy nhà mình hay cả xóm, chảy rất yếu vì ống nước được làm thời tây, dạo đó bị rĩ sét làm nghẹt ống. Suốt một đêm chỉ hứng chưa được một thùng thiếc nước mắm. Thùng nước mắm được cắt mặt trên, gò lại cho mấy cạnh bén không cắt đứt tay. Có khúc gỗ làm cái quai, được đóng ngang cái thùng, không quên đệm miếng vỏ cao su để đinh không bị lõng lắc.
Dạo ấy, đi xin nước giếng ở Hai bà Trưng và Thi Sách, cả giếng vườn ông 3 Đà. Nhà nào cho lấy nước thì phải hầu đám con của họ như thờ vong, lạng quạng, chúng đóng cửa, không cho vào nhà là cả nhà khát nước. Nhà mình, phía hông nhà có 3 cái thùng phuy, đựng nước, có nắp đậy lại, có cái lỗ để bỏ cái vòi nước vào. Mình bỏ vòi nước từ phuy thứ nhất qua phuy thứ 2 rồi phuy thứ 2 qua phuy thứ 3, để khi nước dâng đầy thì sẽ theo cái vòi nước chảy qua phuy thứ 2, 3, khỏi mất công múc đổ qua. Sau này học vật lý thì mới hiểu lí do thể tích được bình quân qua cái vòi nước.
Một hôm, con gái đi với mình sang Ngã 3 Chùa, định đi kiếm thằng Khoa, khi xưa học Yersin, hay cúp cua, đi đá banh ở sân Cô Giang, nhưng tới nơi thì mình đứng như Từ Hải, toàn là ngân hàng không, nhà của PTTT (Thuỷ dâm) cũng biến mất, hỏi bên cạnh chả ai biết thằng Khoa là thằng Tây nào cả nên dắt con gái lên chùa Linh Sơn. Nghe nói tên bạn học ngày xưa, nay khổ lắm, chạy xe ôm. Nhìn sang bên kia đường, khu nhà bà 10 Võ với tiệm thuốc Tây cũng không nhận ra. Cái hợp tác xã rau khi xưa được dùng làm trụ sở nhân dân tự vệ cũng biến mất. Hôm trước quên hỏi tên Tài, gia cảnh ông Phấn, đoàn trưởng nhân dân tự vệ của khu phố này.
Trời bắt đầu mưa nên hai cha con chạy lên chùa. Mình không thấy mấy cái bờ thành ở hai bên thang cấp, có khắc hình rồng mà hồi nhỏ mình hay leo để cởi rồng như Na Tra, biến mất. Mấy vườn chè khi xưa, cây cối đầy mà các phật tử tranh nhau hái lộc đầu năm đều tan biến. Kí ức một thời bổng nhiên không còn nữa. Nada!
Chùa này, mình có nhiều kỷ niệm tuổi thơ
Chùa khi mình đứng núp mưa với con gái. Mình nhớ là có mấy con rồng chõ mấy thang cấp đi lên từ cổng, nay biến mất. Hay chỉ có 32 con này. 50 năm nên chỉ mại mại.
Hai bố con đứng núp mưa ở Tam Quang, mới nhớ đến chuyện mưa hắt. Đà Lạt ít nhà nào có tiền để làm máng xối nên khi mưa thì nước chảy từ nóc nhà xuống, chạm đất thì bắn mấy hạt đất hay nước mưa lên làm xoáy mấy cái lỗ. Ai đi đường, bị mắc mưa thì ghé tạt vào trú mưa dưới mấy cái hiên nhà để che nắng, nước mưa rơi xuống đất, bắn hắt vào chân. Cuối cùng không thấy mưa tạnh, đoàn gia đình Phật tử, hăng say tập văn nghệ cho lửa trại cũng bỏ mưa chạy lấy người theo các chú tiểu. Mình gọi Mai Linh Taxi, chạy lên tận chùa để đón lại có thêm cái dù do anh tài xế đem ra cho hai bố con. Hiện đại, hiện đại.
Mình kêu bác tài cho xe chạy vòng vòng Đà Lạt, ra hồ Xuân Hương, thấy nhiều xe honda, đứng trú mưa dưới mấy cái cây. Bổng nhận ra chiếc xe bán xắp xắp khi xưa ở gần đồi Cù, gần nhà hàng Thanh Thuỷ, cạnh nhà vệ sinh, được xây trong lòng đất. Chiếc xe đạp khi xưa, nay được thay thế bằng chiếc xe Honda, trang bị phía sau cái thùng gỗ có mấy cạnh bằng gỗ, xung quanh được gắn kính. Mưa nên cũng không muốn dừng lại nhất là ngày nay, tiệm Đakao ở Bolsa có món đu đủ khô bò trứ danh với gan chấy nên cũng không thèm nữa.
Xe quành về cầu Ông Đạo, người xây cái đập và cầu (Quản Đạo Tôn Thất Hối), thấy khu Ấp Ánh Sáng không còn bị ngập lụt như xưa. Các vườn rau được thay thế bởi một công viên nhưng không thấy ai vào cả. Nam nữ thì họ tìm chỗ nào vắng vẻ, đây vào công viên này, từ trên cầu, thiên hạ nhìn thấy hết. Có lẻ vì vậy vắng người.
Có thấy mấy cái dù cắm, mình đoán tác giả mượn ý của cặp vợ chồng Christo và JC, nghệ sĩ gốc Ru ma ni, nổi tiếng trên thế giới một thời, có làm triển lãm 1000 cái dù Nhật cạnh xa lộ 5 từ Los Angeles lên San Jose năm 1991, khi mới quen đồng chí gái, có chở cô nàng đi viếng. Trước đó thì cặp nghệ nhân này có triển lãm 1000 cái dù này ở Nhật Bản. Năm 1985, họ có dùng vãi để trùm cầu mới (pont neuf) ở Paris.
Xe chạy ngang mấy con suối thì mình khám phá ra, lòng con suối, đúng hơn là con kênh vì hai bờ thành được xây bằng đá ong và xi măng và lòng suối được xây theo thang cấp giúp nước thoát nhanh thay vì đóng trụ một chổ như xưa. Nhưng nước chảy rất xiết, ào ào, nghe ông tài kể là có người té xuống là bị cuốn trôi. Đi qua cầu Cẩm Đô, khúc nhà của Vy Nhật Tảo, khi xưa có học chung ở Yersin, sau này qua Văn Học, mấy tháng trước, qua Mệ Bửu Đàn, Fi Niên Xô và Cô Bé fao câu có gặp lại tên này, nghe nói nay là nhạc sĩ trứ danh ở Việt Nam. Ngày nay, đường đi bộ khúc này được nâng cao, có lót gạch cho bộ hành nên không bị lụt như xưa.
Đến khúc này thì nhớ đến Vũ Văn Tùng người Bắc, học Văn Học chung khi xưa. Có hỏi PMC nhưng hắn không nhớ tên này. Tên này mê Hàng Thị Ngọc Hiền một thời, cứ hít hà khi thấy đối tượng của hắn trong sân trường. Khúc này, khi xưa có cái thang cấp đi lên nhà thương, khi trời mưa thì nước đỏ, màu của đất sét Đà Lạt, chảy ào ào xuống thang cấp như thác nước xuống, làm ngập khu này, lỏng bỏng nước màu đỏ. Nay thì chỉ toàn là tiệm và tiệm nên chả nhận đâu ra đâu. Chỗ cầu Cẩm Đô nay có cái chợ chiều, mấy xe mì khi xưa biến mất.
Dọc đường Hai Bà Trưng, khi xưa có mấy cái vườn, hay bị nước ngập vào mùa mưa, nay biến mất bù vào đó là những căn nhà bé bé, lâu lâu thì có một căn cao ngời ngợi của một đại gia. Mình nói ca sĩ Văn Học, ngưng ở quán Quỳnh Anh, nhà của Võ Việt Điểu, học Yersin khi xưa, nay nghe nói chạy sang Tây nhưng không có tin tức, gần đây mới nhận tin hắn từ Maryland. Nghe nói làm về an ninh quốc phòng.
Rồi ù chạy lên dốc vô nhà, gặp bà cụ ngồi nhìn ra cửa sổ, lòng lo không biết thằng con đi đâu, có bị mắc mưa không. Không ngờ 60 tuổi đầu, tóc trắng trên đầu mà vẫn được bà cụ lo lắng. Không biết 41 năm qua, tuy ở xa nhưng chắc mẹ mình vẫn thắp hương tụng kinh cầu nguyện cho thằng con ở chân trời nào. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuống.
Nguyễn Hoàng Sơn