Nhớ

Nhớ hồi nhỏ đi học, mỗi lần trong lớp thầy hay cô giáo hỏi cái gì thì có mấy tên, mấy ả vừa giơ tay lên vừa hét "moi, moi". Có tên ngồi trước mình, không dám nói tên, cứ đưa tay lên dù thầy cô chưa nói xong câu hỏi. Nhiều khi được thầy giáo kêu, hắn lại đực ra như ngỗng ị. Mình thuộc dạng ngu lâu trong lớp nên không bao giờ đưa tay lên, thi đua làm học sinh tiên tiến, cháu ngoan của Charles De Gaulle.
Mình cứ như cái lục bình, trôi dạt theo dòng đời nên nay gặp lại bạn học cũ thì ít ai nhớ. Cái tính nhút nhát vẫn theo mình từ dạo đó nên chìm trong đám đông, không ai ngó ngàn. Được cái là ra đời, tính nhút nhát lại giúp mình khi đi mua nhà, xây nhà cho thiên hạ, mua vật liệu thì cái tính nhút nhát lại giúp mình nhiều hơn. Sau này đi học thương lượng thì mấy ông thầy bảo là người nói giá trước là người đó thua.
Tuần vừa rồi, mình gọi một người thuê nhà, nói là bà chủ nhà than là thuế và bảo hiểm lên cao nên muốn tăng tiền nhà. Mình có nói với chủ nhà, ông là người mướn nhà đàng hoàng, trả tiền đúng ngày. Ông ta hỏi tăng lên bao nhiêu, mình hỏi lại ông có thể trả thêm được bao nhiêu. Trong đầu thì mình tính thêm $20/ tháng, ai ngờ ông ta nói $100 khiến mình nức nở, dùng câu hỏi học từ thầy: " can you do better?" Ông ta nói $120 nên mình nói, sẽ hỏi bà chủ nhà rồi cho ông hay. 5 phút sau, mình gọi lại, nói mình phải thuyết phục chủ nhà lắm, nói tốt về ông nên bà chủ đồng ý $120. Nếu mình nói trước $20 thì coi như mất $1,200/ năm.
Nếu mình không hỏi câu: "can you do better?" Thì không được thêm $20. Khi ông ta nói $120 mà mình đồng ý liền thì ông ta sẽ cảm thấy ức ức nhưng mình nói sẽ hỏi bà chủ nhà thì khi mình gọi lại, ông ta rất vui vì đã thương lượng chỉ trả thêm có $120 vì trong đầu ông ta nghĩ là phải trả thêm $200, vì mướn lâu nên tiền thuê thấp hơn giá thị trường. Đây không phải là cái mánh nhưng khi hiểu tâm lý con người thì phải theo từng bước để người đối tác vui vẻ. Người mỹ hay nói; cắt lông con cừu thì mỗi năm mình được lông cừu đều đều còn lột da con cừu thì chỉ lấy được một lần.
Dạo mình mua cái vườn, theo nguyên tắc người bán trả tiền huê hồng cho chuyên viên địa ốc nhưng tên bán không chịu trả nên mình phải trả vì giá hời. Tên chuyên viên địa ốc bảo mình nó sẽ lấy ít tiền huê hồng và phải chia cho tên chuyên viên đem cái deal lại. Sau khi mua được rồi mình gửi thêm cái ngân phiếu riêng cho hắn, số tiền mà hắn phải tự bớt đi, hắn không cần phải chia 50% với chuyên viên đại diện của người bán. Hắn mừng muốn chảy nước mắt rồi mấy tháng sau, kêu mình bán căn nhà của hắn, sắp sửa bị tịch thâu với giá phân nữa. Ăn ít nhưng no lâu.
Họ lại dạy khi đang thương lượng, phải đếm 1 đến 10 trước khi trả lời. Thường thường thì người đối thoại, chịu không nổi sự yên lặng sau khi hỏi mình, nên tiếp tục nói trước mình. Có lẻ cái chiêu này là mình thích nhất, giúp mình được việc nhất là khi bị đồng chí gái la. Mình tính thì rất nóng nhưng tập đếm đến 10 thì mụ vợ chịu không nổi sự yên lặng trong 10 giây nên tiếp tục nói hoài, khi bưa rồi thì nằm thở. Xong om!
Nói tới nhút nhát, nhớ ngày xưa đi kiếm vợ lại nhút nhát không dám đăng ký quản lý đời mấy cô nên hụt mấy vố. Có nhiều cô nêu giá trước, bắt mình phải làm thế này, thế nọ, đòi hột xoàn loại to to nên bỏ chạy vì họ ra giá trước. Khi gặp đồng chí gái thì cô nàng này chỉ hỏi muốn mua nhà chung với cô ta không. Mình thì có cung điền trạch chiếu vào cung mệnh nên nghe nói mua nhà thì nhất trí ngay, ai ngờ mụ vợ dụ mua nhà rồi làm đám cưới. He he he. Chớ mụ dụ mua hột xoàn thì chắc ở giá tới ngày nay.
Hôm trước có tên 2b, kể là Văn Học có lớp dạy về thuật đắc nhân tâm, của ông Dale Carnegie. Hắn nghĩ chỉ là những mánh khi làm ăn nhưng đến khi già mới giác ngộ là những điểm được kể trong cuốn sách của ông Carnegie là pho bí kíp để làm kim chỉ nam trong đời người. Tiếc là khi xưa, không được học mấy lớp này ở Việt Nam.
Nhớ dạo mới lớn, có ông hàng xóm, đi xây dựng nông thôn, kêu mình vào nhà rồi cho mượn mấy cuốn sách học làm người của ông Hoàng Xuân Việt. Có lẻ mấy cuốn sách này quan trọng hơn những cuốn sách khác mình đọc, giúp mình khá nhiều trong những năm đầu ra hải ngoại. Sau này thì đọc đủ loại nên không nhớ nhiều về sách của ông Hoàng Xuân Việt. Nghe ông Nguyễn Hiến Lê kể là ông Hoàng Xuân Việt, viết nhiều sách học làm người, rồi bị vợ bỏ. Chắc lo làm người nên quên làm chồng.
Sau này mình cho hai đứa con đi học lớp của trường Dale Carnegie. Không biết chúng có học được gì không nhưng ít ra vào tuổi chúng đã biết học thuật đắc nhân tâm, không như mình vào tuổi chúng chỉ biết chửi thề.
Khi mình kể về giữ liên hệ với khách hàng, chuyên gia địa ốc hay bạn là đối với những người mình mến vì trong cuộc đời, có nhiều loại người nên chỉ kiếm những người nào mình mến thích để làm bạn hay làm ăn. Có nhiều người, gặp mặt thì thích mến ngay còn nhiều người thì nghi ngại nên tránh cho nên mụ vợ mình hay la vì mình không thích đi chơi với vài người của mụ quen vì thuộc thành phần, phải cẩn thận khi chơi với họ. Già rồi, chỉ cần vài người thân là đủ.
Có lần mình nói với mấy đứa con là trước khi trả tiền, lúc nào cũng phải hỏi câu: "do you have any discount today?" Có lần đi mua đồ với con gái. Trước khi trả tiền mình hỏi nó phải hỏi câu gì, con bé ấp úng hỏi cô thâu ngân viên có khuyến mải không thì cô thâu ngân viên là có, bớt được 25%. Được dịp mình nói mấy đứa con là muốn cái gì thì phải hỏi vì không ai biết mình muốn cái gì.
Có lần cô em từ bên Pháp sang chơi, vợ chồng mình dẫn đi Rodeo Drive chơi trên Hollywood. Vào tiệm bán quần áo Armani, tên bán hàng bảo mình muốn thử cái gì, mình làm sang thử bộ đồ vía. Phải công nhận vào mấy tiệm này, nhân viên của họ tiếp đón rất niềm nở. Cuối cùng tên bán hàng hỏi mình muốn bỏ trong bao da hay nhựa thì mình hỏi câu hỏi bất hủ "do you have any discount today?" Thì anh bán hàng nói " Sir, we never have discount at Armani!", mình trả lời "i never buy without discount" rồi cám ơn ông ta rồi đi ra. Mụ vợ kêu đi với anh ốt dột quá.
Đi vòng vòng đến tiệm Burberry's, cũng vào xem rồi tên bán hàng kêu mình thử bộ đồ vía. Cuối cùng mình hỏi có khuyến mãi không thì anh chàng bảo hôm nay không có nhưng tuần tới, công ty sẽ khuyến mãi vì cuối mùa. Mình nói vậy tuần sau trở lại. Anh này khôn bảo ông cứ mua rồi tuần sau trở lại tôi sẽ bớt vì không biết sẽ khuyến mãi bộ đồ bao nhiêu. Thế là mình vớt hai bộ để xem bộ nào sẽ được khuyến mãi, tuần sau trở lại thấy bớt 50%, thế là mụ vợ kêu mua luôn hai bộ, họ trả tiền lại 50%. Mấy chục năm rồi vẫn bận đi ăn cưới hỏi.
Có lẻ cái seminar quan trọng nhất mà mình theo học, không dính dáng gì đến mua nhà, đầu tư là của ông Stephen Covey, tác giả cuốn "the 7 habits of Highly effective people". Seminar mất 5 ngày nên thiên hạ oải lắm. Họ chỉ làm Mission Statement, đặt những Mục đích trong đời, viễn kiến và giá trị về mặt đạo đức thành kim chỉ nam của cuộc đời. Cuối tuần thì làm thời khoá biểu cho tuần tới, rồi mỗi ngày, đọc lại mấy mục đích,...
Có phần mài lưởi cưa khá hay. Ông Covey kể câu chuyện về hai người tiều fu, một người thì cắm đầu cưa cây từ sáng đến chiều còn một người thì lâu lâu lại ngừng, để mài lưởi cưa. Cuối ngày thì người mài lưởi cưa, cưa được nhiều cây hơn vì khi lưởi cưa bén, thì cưa cây nhanh hơn. Có phần xem việc quan trọng để thực hiện trước quadran.
Cuối tuần là bỏ ra 30 phút để đọc lại cuốn kim chỉ nam, rồi mài lưởi cưa như bổn phận làm con, làm chồng, làm cha, làm hàng xóm,..., bú xua la mua. Như tuần vừa rồi gửi bơ cho vài người bạn, làm chồng thì phải trả bài cho vợ, mỗi sáng trước khi đi vườn thì mi mụ vợ một cái dù mụ đang ngáy như cô gái chèo đò trên sông Hương, làm cha, làm con,..., ghi xuống ngày nào để làm,... Mỗi ngày, kể chuyện lêu bêu cho bà con giúp trí nhớ mình hoạt động nếu không vài năm nữa là teo lại hết.
Mình làm theo kim chỉ nam thì 10 năm sau là thực hiện hết những mục đích về công việc, đầu tư,... nên chả biết làm gì thêm nên về hưu mấy năm trời đến khi mua được cái vườn. Nay thì đang nghiên cứu mấy cây trái để trồng có lợi cho sức khoẻ thêm chuẩn bị cho mấy đứa con. Nếu chúng không thành công trong nghề nghiệp thì về làm việc với bố. Nghe nói trồng saboche phải đợi 5-7 năm mới có trái nhiều khi gặp loại cây đực hay lại cái là không có trái. Chán mớ đời!
Nhs
Sent from my iPad