Chinese exclusion act

Hôm qua, đi đón thằng con ở ga xe lửa. Trên đường về nhà, thằng con hỏi có biết vụ bác sĩ gốc Việt, bị lôi ra khỏi máy bay, máu me. Mình nói biết và hỏi lại trong trường đại học, nhóm sinh viên á đông có làm gì không, họp hội thảo,… thằng con kêu không vì tinh thần á đông không thích tranh đấu.
Mình nói nếu việc ấy xẩy đến cho một người da đen hay gốc la tinh thì trong đại học đã xuống đường, kêu gào kỳ thị chũng tộc còn da vàng thì cuối mặt làm thinh. Vấn đề là nếu làm thinh, nghĩ không đụng đến mình vì không dính dáng gì đến mình nhưng nếu đã xẩy ra cho người khác thì sẽ có ngày đến phiên mình thì ai cứu. Thấy da đen, La tinh ngay cả người da trắng bị đánh đập thì mình phải la toáng lên nhân danh nhân quyền.
Trong thời đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ đánh nhau với Nhật Bản, đức, và Ý. Chính phủ mỹ lùa các người Mỹ gốc Nhật vào trong các trại tập trung trong khi người gốc Đức, Ý thì vẫn nhởn nhơ sống tự do trong xã hội. Vào thế kỷ 19, có luật cấm người di dân gốc Á châu qua Chinese Exclusion Act, mới được xoá bỏ vào năm 1949.

Người ta chọn ông bác sĩ họ Đào vì ông ta là người á châu, nghĩ là người á châu thụ động, chấp nhận sự việc. Mình chỉ tiếc là giới truyền thông tiếng việt, á châu, không lên tiếng, tổ chức mít ting chỉ đăng tin, nhiều người thì kêu ông ta sắp có tiền thậm chí còn ước ao mình được như vậy. Người da đen dùng lịch sử nô lệ của cha ông họ, bị bắt từ Phi Châu sang Mỹ châu để đòi quyền bình đẳng trong khi người Do Thái sử dụng Holocaust để tranh đấu cho sự sống còn của quốc gia dân tộc họ.
Nếu chúng ta không lên tiếng thì ai sẽ lên tiếng dùm chúng ta. Mình nhớ khi các nước tây phương không muốn nhận tỵ nạn người Việt tại các trại ở á châu, mình có phụ giúp mấy sinh viên gốc Việt ở các đại học vùng đông bắc, tổ chức các buổi nói chuyện trong khuôn viên đại học. Các sinh viên mỹ đến xem các cuộc triễn lãm về hệ trạng tỵ nạn thì họ không ngờ là thiếu thông tin nên đã ký chống cưỡng bách hồi hương, thậm chí có nhiều sinh viên người Mỹ tham gia để nói về tình hình tỵ nạn ở á châu. Sau đó, họ gửi trên 25 ngàn chữ ký đến quốc hội Hoa Kỳ.
Việt Nam có câu "1 sự nhịn 9 sự lành" thì đúng trên quan điểm cá nhân trong cấu trúc của xã hội Việt Nam nhưng sống ở Hoa Kỳ, có nhiều giống dân mà chúng ta không lên tiếng thì sẽ bị đè bẹp, vì không có tiếng nói trong lĩnh vực chính trị. Cách đây mấy năm, người Việt tại miền nam có tiệm nail, bị một đám luật sư lưu manh, kiện vì vi phạm vệ sinh lặt vặt. Mấy người này cứ lặng câm trả tiền cho họ đến khi có người đứng lên kêu gọi họp nhau lại, thuê luật sư thì tổ hợp luật sư lưu manh này bị toà phán cấm hành nghề.
Dạo mình mới sang Hoa Kỳ thì có vụ bố ráp, bắt các y sĩ, nha sĩ gốc việt vì gian lận Medicare, cảm thấy buồn là người việt trí thức lại làm vậy. Sau này đọc tài liệu được biết lý do chính phủ nhắm vào cộng đồng người Việt vì cộng đồng người Việt không có tiếng nói chính trị. Các y sĩ, nha sĩ của các cộng đồng khác như đám Do Thái, Ba Tư,….đều ăn gian bảo hiểm cả trăm lần. Họ đánh vào cộng đồng người Việt để cảnh cáo các cộng đồng khác. Thử cảnh sát Hoa Kỳ bao vây bắt các bác sĩ gốc Do Thái gian lận medicare thì giới truyền thông đại biểu của họ lên tiếng ra sao.
Ngày nay vùng Bolsa có nghị viên, hội đồng thị xã gốc Việt nên mấy đại biểu đến xin phiếu nhưng tiếng nói chính trị của người Việt được xem là không đáng kể. Chúng ta cần làm đại biểu trong quốc hội tiểu bang và Liên bang càng đông thì tiếng nói chính trị của người Việt mới mạnh.
Nhìn các đại diện của quốc hội Hoa Kỳ, gốc Á Châu thì đa số toàn là gốc Trung Quốc hay Nhật. Cha mẹ người Việt thì cứ bắt con đi học ngành y khoa, dược khoa, nha khoa còn về chính trị thì cản, khuyên nên tránh đi. Họ quên chính trị là quyền lực mà quyền lực đem đến giàu sang. Hỏi bà Pelosi, đại diện các dân biểu của đảng Dân Chủ, Bà Feinstein, thượng nghị sĩ đại diện của tiểu bang Cali. Giàu nức vách.
Thế hệ tỵ nạn đầu tiên như chúng ta, tiếng địa phương không rành lại lo xây dựng lại cuộc đời nên không có khả năng để tham gia vào các hoạt động chính trị tại nước sở tại. Mình nhớ dạo mới sang Cali, có đi họp với một nhóm người Mễ, câu đầu tiên là họ nói mình phải giúp ho tranh đấu, đòi quyền lợi vì theo ông chủ tịch hội này, nói người Việt chúng mày chỉ hứa cuội, đến khi chúng tao lên tiếng thì chúng mày câm như hến đến khi chúng mày có chuyện thì chạy lại nhờ ủng hộ.
Mình có đọc sách về người gốc tàu và nhật di dân qua xứ mỹ thì được biết là người Mỹ rất kỳ thị dân gốc Á châu. Hôm qua đi đón con gái học xong năm thứ 1, con bé nói mấy con bạn da trắng của nó từ trung học phổ thông rất thủ cựu. Bảo con da trắng chả biết gì về á châu, không thoáng lắm. Ở trung học chúng chưa thấy sự khác biệt, đại học thì thấy hơi hơi đến khi ra trường đi làm thì mới hiểu sự cạnh tranh qua sắc tộc. Ngay á châu Việt Nam và ấn độ là dã khó chịu.
Vào giữa thế kỷ 19, trong thời kỳ tiểu bang Cali khám phá ra vàng thì người tàu bắt đầu di dân mà khi xưa xem tranh hoạt hoạ Lucky Luke có nói đến người Tàu, làm nghề giặt ủi, hay bị mấy thằng mỹ trắng ăn hiếp. Người Tàu ở các vùng Cựu Kim Sơn, làm nhà hàng hay giặt ủi nhưng khi kinh tế xuống thì họ bị người da trắng kỳ thị, kêu lấy công rẻ như người Mễ ngày nay.
Năm 1858, có đạo luật thông qua ở cấp tiểu bang Cali, cấm những người gốc tàu hay mông cổ được nhập cư vào tiểu bang nhưng toà án tối cao phế bỏ. Năm 1882, thì đạo luật Chinese Exclusion Act ra đời khiến người Tàu phải đứng trước hai đáp án khó xử; về nước hay ở lại Hoa Kỳ. Người da trắng ghét người á đông lan rộng nhưng may thay các nhóm tư bản lại thích vì họ lấy công rẻ.
Điểm khá quan trọng là xứ Gia Nã Đại cũng có một đạo luật tương tự cấm người Tàu di dân vào năm 1923. Năm 1943, khi Trung Hoa trở thành đồng minh của Hoa Kỳ chống lại Nhật BẢn thì đạo luật Magnuson Act ra đời để huỷ bỏ đạo luật Chinese Exclusion Act.
Mình nói với hai đứa con là tụi nó sống ngày nay ấm no, vô tư là cũng nhờ những người đi trước, đã đỗ máu, mồ hôi để dành được quyền làm người tại Hoa Kỳ. Không phải người da trắng đều xấu hết, trong một xã hội tạp chũng thì cần được sự đoàn kết của những người cùng nguồn gốc, ý tưởng để đùm bọc lẫn nhau.
Nhs