Giáo dục = thế kỷ 21

Thế kỷ 21, với kỹ thuật thông tin thay đổi nhanh chóng, các quốc gia ráo riết chạy đua về kinh tế, thông tin vì sợ bị bỏ rơi phía sau như Tây Ban Nha và Bồ đào Nha, Trung Hoa vào thế kỷ 18, lụng bại và lạc hậu khi cuộc cách mạng kỹ nghệ khởi sự. Kỹ thuật thông tin và thông minh nhân tạo sẽ giúp một nước nghèo thoát cảnh đói khổ do đó các nước trên thế giới đều thi đua tái thiết lại môi trường giáo dục của nước họ vì trí tuệ ở thế kỷ 21 là tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia.
Một nông dân ở Việt Nam, cần bán bao nhiêu tấn gạo để mua một cái điện thoại Iphone X? Các quốc gia ráo riết để thành lập hệ thống internet 5 Gờ, sẽ thay đổi cách sử dụng máy móc trong sở làm và đời sống thường nhật. Do đó công ty Sprint và T-Mobile đang xin chính phủ được sát nhập để cùng xây dựng hệ thống 5G. Về Việt Nam thấy nhiều người có iphone loại xịn, hiện đại nhất nhưng chỉ để dùng điện thoại, co người không biết dùng iphone để i-meo hay các chức năng khác.
Xã hội Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19, có đến 150 triệu nông dân nhưng nhờ kỹ thuật, giúp canh tác ngành canh nông khiến thừa thải nông dân và chính phủ đã tạo ra phong trào học đường, lùa các trẻ em nhà quê, không còn cần trong việc đồng áng vào các trường học, để được đào tạo thành những thợ, kỹ sư, chuyên gia giúp hoạt động các nhà máy, được nghỉ hè mấy tháng để giúp phụ gia đình trong mùa gạt hái thay vì học cả năm. Đến nay, vẫn chưa bỏ tục lệ này dù chỉ còn 2% dân số là sống về nghề nông. Mấy tháng hè, bố mẹ không biết làm gì với đám con, ăn không ngồi rồi ngủ. Chán mớ đời.

Ở Pháp, khi xưa học sinh được nghỉ ngày thứ 4 để phụ gia đình công việc đồng án, đi học ngày thứ 7. Không biết nay đã bỏ lệ này chưa. Hôm nào rảnh sẽ kể về vụ này.
Nền giáo dục Hoa Kỳ nổi tiếng thế giới với các trường đại học danh tiếng mà ngày nay các sinh viên khắp thế giới đổ xô về đây để học tập. 70% khôi nguyên của giải Nobel hàng năm đều vào tay các giáo sư đại học Hoa Kỳ. Các khoa học gia nổi tiếng của Âu Châu đều sang Hoa Kỳ. Có một khoa học gia gốc ý, đoạt giải Nobel, được chính phủ Ý kêu mời gọi về làm việc, nghiên cứu cho xứ sở ông ta nhưng ông ta nói, trong hệ thống của Ý, ông ta không làm được gì cả nên phải bỏ sang Hoa Kỳ và từ chối lời mời, cho nên Hà Nội kêu gọi nhân tài đất nước ở hải ngoại thì khó mà có ai về.
Con số thống kê cho thấy mỗi năm đại học Hoa Kỳ sản xuất được 500,000 người cho cuộc chạy đua trí tuệ ở thế kỷ 21 trong khi Trung Quốc sản xuất đến 5,000,000 giúp cán cân trí tuệ càng ngày càng trầm trọng. Mình không biết Ấn Độ sản xuất bao nhiêu, chỉ biết là đa số các tổng giám đốc công ty Hoa Kỳ ngày nay đều là người gốc Ấn Độ. Các đại học Ấn Độ sản xuất được 1.5 triệu kỹ sư hàng năm nhưng 80% bị thất nghiệp. Chế độ chính trị của Ấn Độ rất quan liêu, chia nhiều giai cấp nên khó mà thoát nghèo nếu không thay đổi theo trào lưu dân chủ.
Nếu người ta xét đến nền giáo dục Mỹ ở cấp tiểu học, và trung học thì rất tệ hại. Mỗi năm chỉ có 25% học sinh tốt nghiệp phổ thông, số theo học đại học ít hơn còn số còn lại 75% thì lêu bêu vào tù khá đông. Nuôi một người tù vì tội sì ke ma tuý ($57,000/ năm) tốn ngân quỹ quốc gia hơn đào tạo một sinh viên ở đại học. Do đó người ta kỳ vọng bà bộ trưởng giáo dục Hoa Kỳ sẽ thay đổi được hệ thống giáo dục trung tiểu học phá sản của Hoa Kỳ, để chạy đua trong cuộc chiến trí tuệ.
Chính phủ Hoa Kỳ ngày nay chỉ muốn cho người nhập cư với điều kiện họ có tài năng để đóng góp cho quốc gia này, những điều kiện dễ dãi trước đây vì nhân đạo sẽ bị dẹp bỏ như bảo trợ anh chị em, bố mẹ… Liên Hiệp Âu Châu sẽ bị bỏ xa vì dân chúng họ không chịu sinh đẻ, người Nhật không chịu làm tình (có đọc tài liệu quái này trên the Economist) vì không có thì giờ. Đài BBC phỏng vấn một bà nhật, cho hay là từ 10 năm nay hai vợ chồng không có hò giã gạo. Kinh! Họ đi làm để nuôi cha mẹ già lại không chịu đẻ.
Ở Phần Lan, người ta quan niệm những người giỏi phải được đưa vào nền giáo dục để giúp học sinh nâng cao trí tuệ, bảo đảm chất lượng về giáo dục nên thầy giáo được trả lương rất cao và được tuyển lựa rất kỷ càng. Mình có xem phim tài liệu về giáo dục xứ này, thấy mê luôn, ước gì khi xưa mình được học trong môi trường này, chắc cái bệnh ngu lâu dốt sớm sẽ được điều trị sớm trong khi ở Hoa Kỳ, thành phần giáo chức rất kém và bị chính trị hoá để giữ nghiệp vụ của mình thay vì lo cho giáo dục học sinh của mình, hậu quả cho thấy giáo dục Hoa Kỳ tại cấp 1 đến cấp 3 rất kém thua xa các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Âu châu.
Nói chung học đường ở cấp tiểu học và trung học Hoa Kỳ, được xem là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa với sự áp đặt của chính phủ liên bang và tiểu bang. Giáo dục đại học thì được tự do, ai muốn dạy sao thì mở trường dạy, 100 người bán vạn người mua. Có nhiều đề nghị, phát cho mỗi học sinh một cái phiếu $5,000,00 mỗi năm để họ tự chọn trường cho con cái học nhưng bị nhóm dân chủ bác bỏ vì làm như vậy mấy trường có giáo sư dỡ sẽ bị đóng cửa. Các giáo sư đa số là hội viên của công đoàn giáo chức sẽ bị thất nghiệp.
Thành phố New York có trên 75,000 giáo viên mà trong năm 2011, chỉ có 47 giáo viên bị sa thải. Giáo viên dỡ cứ lo củng cố chân đứng của mình trong vị trí chính trị để khi về hưu sẽ có tiền hưu lớn, 90% tiền lương của năm cuối cùng thêm những đặc quyền về y tế,… Có bà gốc đại hàn, mấy năm trước làm chánh học khu ở thủ đô Hoa Kỳ, cải tổ hệ thống giáo dục, sa thải những giáo viên dỡ, nhường chỗ cho giáo viên trẻ và giỏi, các giáo viên già cứ ôm cái ghế của mình họ không biết sử dụng email thì làm sao giảng dạy học sinh ở thế kỷ 21. Sau hai năm công đoàn giáo chức tìm cách đuổi bà này đi. Bà này từ chối chức bộ trưởng giáo dục của chính phủ Trump.
Hoa Kỳ là một nước rộng lớn nên họ cho thử nghiệm những cuộc cải cách từng học khu nhỏ để xem kết quả rồi thực hiện cho toàn quốc sau. Có một chương trình ở Chicago khiến mình thấy là lạ, do mấy tiến sĩ thực hiện với tiền của những cơ quan vô vị lợi. Họ nhận thấy các học sinh cấp 3, đọc anh ngữ như trình độ học sinh cấp tiểu học tương tự chưa biết làm toán cộng trừ nhân chia, đừng nói đến hàm số,…
Họ thử nghiệm một chương trình cho các trẻ em 3-4 tuổi trước khi vào tiểu học thì được cho vào các lớp tiền mẫu giáo, vườn trẻ thiếu nhi vì các cuộc nghiên cứu như “30 triệu từ” cho rằng trẻ lúc nhỏ nếu nghe nhiều chữ sẽ giúp tạo dựng cái nảo giúp chúng thông minh. Lý do đó mà khi còn bé người ta học nhiều ngoại ngữ được, chơi nhạc,…càng lớn càng ngu lâu dốt sớm như Sơn đen. Chán mớ đời.
Ngoài cho con em đến trường, xếp đồng đều 1/3 da trắng , 1/3 da đen và 1/3 Mỹ la tinh, họ còn trả tiền $7,000 cho phụ huynh đến trường để học cách dạy con em ở nhà,… sau đó họ nhận thấy: trẻ em da đen không thay đổi, mễ la tinh thì có tiến bộ từ 30% đến 50%, còn da trắng thì khá hơn,…chỉ tiếc không thấy da vàng. Vẫn còn bị kỳ thị vì dân số quá ít nhưng khi tuyển vào đại học thì không được xếp vào hạng thiểu số, nếu không thì da vàng có mặt đầy khắp Harvard, Yale,….
Tuổi thơ của người Mỹ được xây dựng bởi kinh tế trên các thần tượng thể thao của đại chúng. Các trẻ em từ nhỏ đã được nhồi nắn, mơ ước trở thành những thần tượng của Bóng rổ, Football, Baseball,… nên chúng chú tâm vào chơi thể thao để làm giàu, được giàu sang phú quý. Ai cũng mong trở thành một Michael Jordan, Kobe Bryant, các cầu thủ danh tiếng về banh bầu dục hay banh chuỳ,…
Các cô gái thì mơ trở thành những minh tinh màn bạc, ca sĩ,… do đó giới trẻ không được gia đình khuyến khích học hành như các gia đình gốc á châu, bị ảnh hưởng của Nho giáo như người gốc Tàu, Nhật, Kim Chi hay Việt Nam… cái khổ là trong 1 triệu trẻ chơi banh ở Hoa Kỳ thì mới xuất hiện được một Michael Jordan hay Kobe Bryant còn lại 999,999 đứa bé khác, sau 12 năm đeo đuổi nghề đánh banh, không có nghề ngỗng gì cả thì tương lai khá u ám.
Trong đội bơi của mấy đứa con, có một cô bé bơi rất giỏi, bao nhiêu giải trong vùng Quận Cam, cô ta đều đoạt hết, được thu nhận vào đại học Stanford để bơi cho đội này. Mỗi ngày tập bơi 2 lần, 4 tiếng đồng hồ nên hết sức để học tập nên chỉ học mấy lớp vớ vẩn cho nhẹ. Ai cũng kỳ vọng cô này sẽ được tham dự thế vận hội nhưng đến nay đã 24 tuổi rồi, không thấy dấu hiệu gì cả dù đang thi đua cho đội tuyển Stanford nhưng sắp ra trường năm nay cho nên khó mà đứng đầu Hoa Kỳ.
Bỏ 18 năm bơi lội từ bé đến nay để rồi không đạt gì, học hành chữ nghĩa cũng không thông lắm. Nghe nói các hội bơi lội đang tìm cách giúp các thanh niên thanh nữ này tìm cách hội nhập vào xã hội vì từ bé đến 23 tuổi, họ chỉ biết ăn, tập dợt để thi đấu, nay chới với vì không biết làm gì cả. Tay đua bơi đã giúp Hoa Kỳ đoạt huy chương vàng toàn đội 8 năm về trước, nay lập gia đình, ở nhà nuôi con, để vợ đi làm như mình. He he he.
Dân số Hoa Kỳ chỉ bằng 1/5 Trung Quốc nhưng chỉ đào tạo 1/10 chất xám của Trung Quốc. Với vận tốc này thì trong tương lai Trung Quốc sẽ bỏ xa Hoa Kỳ và không có nước nào có thể bắt kịp. May là chính phủ Trung Quốc vẫn còn giữ chế độ độc tài, cản trở sự lưu thông của thông tin, tự do tư duy thì khó có thể sản xuất được Zuckenberg, Steve Jobs,…của họ do đó họ chỉ phát triển được nhờ ăn cắp các bằng sáng chế của các nước tây phương và ngày nay người da trắng đã phát hiện ra vấn đề, cơ nguy của họ nên sẽ dè dặt khi giao thương với người Tàu.
Hà Nội cũng giác ngộ cách mạng công nghệ 4.0, hiểu giáo dục là cái mốc quan trọng cho cuộc chạy đua ở thế kỷ 21. Họ đưa lên chương trình 20,000 tiến sĩ rất hoành tráng. Trên thực tế nếu Việt Nam mà có chừng 500 tiến sĩ có học thực thụ ở Việt Nam (mình đoán ở hải ngoại chắc có hơn 5,000, vì cá nhân mình có 8 tên bạn có bằng tiến sĩ ở hải ngoại, chưa kể người quen qua vợ), có chất lượng mà được trọng dụng thì Việt Nam cũng tiến xa. Dạo mình mới sang Pháp, người ta nói số bác sĩ y khoa ở Pháp còn nhiều hơn ở Sàigòn. Vấn đề là hệ thống giáo dục trùng tu tại chức, lại gặp phải tham nhũng nên bể cả làng. Họ chạy chức chạy quyền, mua bằng nên có trên 20,000 tiến sĩ nhưng đa số là dỗm.
Có anh bạn học cũ kể, là mấy người nắm quyền ở Đàlạt, kêu anh ta đến nhà dạy họ học trùng tu tại chức. Mấy người này, trình độ tiểu học, anh ta xách cặp đến nhà của mấy viên chức để dạy. Họ mời anh ta nhậu rồi về nhà anh ta phải làm bài cho các cán bộ lớn rồi chấm điểm luôn, xem như đậu trung học. Lên đại học thì chắc cũng kêu giáo sư đại học về nhà nhậu. Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức.
Thật sự một người lãnh đạo chưa chắc phải cần bằng cấp tiến sĩ. Ông Steve Jobs, Bill Gates,...đề bỏ học để mở công ty và thay đổi thế giới ngày nay. Quan trọng là tư duy của con người. Người Việt mình quen với lối tư duy xưa, nghĩ ai có bằng cấp là giỏi, thông minh. Trên thực tế, người có học thật ra chỉ học gạo như con vẹt, chỉ quy nạp rồi đi thi, không có suy diễn, tư duy. Nội phải học các từ “kỵ huý” để tránh khi đi hti là hết còn cái óc.
Ở Hoa Kỳ, mình có anh bạn chịu khó học MBA, chương trình 2 năm nhưng vì anh ta vừa đi học vừa đi làm nên kéo dài chương trình đến 4 năm. Nhiều người vừa đi học đi làm, mất cũng 7- 8 năm mới lấy cái bằng cử nhân. Có lần mình có gặp bà bộ trưởng Lao Động của Việt Nam, trình độ bà này thì cấp tiểu học, cứ một là đảng ta là quang vinh, đánh thắng mỹ cút nguỵ nhào đủ trò nhưng sau này lại thấy có bằng tiến sĩ. Không biết bà ta đi học hồi nào trong khi một tiến sĩ, được học bổng Colombo thời VNCH, tốt nghiệp ở Úc Đại Lợi và trường Quản Trị Hành Chánh Kennedy của Harvard về Việt Nam, ngay cái chức phó giáo sư họ cũng không cho.
Mỗi năm công ty Thompson Reuters thống kê 3,000 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Trong số đó có đến 1,500 khoa học gia mỹ (50%), Anh quốc có 360 người, Trung Quốc có 200 người (6%). Đông Nam Á đứng đầu là Tân Gia Ba có 27 người, Việt Nam có 5 người nhưng chỉ có một người sinh sống tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Hùng còn mấy người kia đều giảng dạy tại các đại học Hoa Kỳ. Tân gia Ba là nước nhỏ bằng thành phố Sàigòn với dân số 5 triệu người trong khi Việt Nam có đến 95 triệu với trên 24,356 tiến sĩ mà chỉ có một người có tên trong danh sách của Reuters. Chán mớ đời.
Nếu tính theo toán học, Tân Gia Ba có 5 triệu người mà nếu Trung Quốc có một thể chế như Tân Gia Ba thì nhân lên 300 lần. Trung Quốc sẽ có 300 x 27 = 8.100 hay Việt Nam sẽ có 27 x 19 = 513 thành viên thay vì “1 người”. Người Việt hải ngoại có đâu 2 triệu người mà có đến 4 người là còn ít so với thế giới nhưng vẫn hơn Việt Nam.
Có anh bạn kể 20 năm về trước, chủ tịch Việt Nam, Võ Chí Công đọc diễn văn do thư ký viết: “Một Răng, Một Rắc” (I-ran, I-rắc, 2 nước vùng Trung Đông), ngày nay thủ tướng Việt Nam, có bằng cử nhân, thông thạo 2 ngoại ngữ (mình xem tiểu sử trên mạng của chính phủ Hà Nội), đọc diễn văn “Cờ lờ mờ vờ”, chắc không hiểu cụm từ mà thư ký viết tắc nên Ma ze in VN luôn. Nội các của ông thủ tướng này có đến 16 tiến sĩ, hơn cả Hoa Kỳ.
Ai đó đã nói: “nước người thì quý, nước mình thì phí”
Chán mớ đời.