Phở Tái = Phá Thai

Cuối tuần này, bên dòng họ vợ thay phiên nhau kỵ mấy ông bà nên hai ngày qua, đi qua đi lại mấy nhà bà con, ăn giỗ mệt thở. Khi xưa thì ông mất trước thì con cháu kỵ ôn gthooi, nay bà mất thì con cháu không có thì giờ nhiều như ở Việt Nam nên kỵ chung Ông Bà một ngày cho gọn, giúp con cháu khỏi phải lo nhiều, gọi là Hiệp Kỵ.
Mình thấy cô cháu của đồng chí gái, con gái của một người chị họ, gọi là chị em bạn dì, cháu ngoại của người dì ruột của đồng chí gái. Mỗi năm kỵ đến là cô ta (trên 50 tuổi) nấu kem Flan đem lại sớm để cúng Ôn Mệ, rồi đi làm vì chủ nhật là ngày hái ra tiền, cô ta làm đinh (nail).
Mình thấy cái hay bên vợ là mấy chị em bạn Dì rất quý mến nhau, năng lui tới ngày kỵ hay Tết, tuy đã ra khỏi Việt Nam từ lâu. Đó là cái quý nhất là tình họ tộc.
Bà ngoại đồng chí gái có 5 người con gái và một người con trai út. Ông ngoại dòng Tôn Thất, làm quan nhưng chết sớm. Mình bà ngoại nuôi mấy người con, cho ăn học rồi gả chồng sớm, có người mới lên 16 đã đi lấy chồng, sinh ra 14 người con. Ông chồng làm công chức cho toà khâm rồi giới thiệu mấy người em vợ cho bạn đồng nghiệp do đó mấy gia đình rất thân nhau, qua lại từ xưa đến khi sang Hoa Kỳ. Đa số đều sinh sống tại Cali nên khi có đám cưới, kỵ giỗ thì bà con đến đông như quân Nguyên trong khi bên mình chỉ có mình làm Don Quichotte. Bên gia đình vợ thì đồng chí gái lãnh vụ kỵ giỗ dù là gái út. Mấy ông anh thì cứ đùn cho cô em út vì quyền huynh thế phụ.

Khi mấy người con gái đi lấy chồng thì cậu trai út, không có ai chăm sóc nên thoát ly đi theo cách mạng. Ông cậu làm tuỳ viên cho Võ đại tướng nhưng ông tướng này bị thất sũng nên cũng bù trớt, thêm có lý lịch phong kiến mấy chục đời nên phải đổi họ Tôn thành họ Nguyễn, nay cháu nội được đặt tên là Nguyễn Phước để nhắc con cháu về tổ tiên. Nay gia đình ông cậu ở Hà Nội. Về Hà Nội thì mình có ghé thăm nhưng không thân nhau như con của mấy bà dì ở hải ngoại. Lý do là có sự chống đối ngầm vì gia đình ông cậu toàn là đảng viên.
Mỗi lần gặp nhau là mấy bà kể chuyện gia đình người Huế khá vui. Một bà chị họ của đồng chí gái, mỗi lần gặp mình là cứ hỏi có chuyện chi hay kể tao nghe. Tao được phong chức vụ của đám bạn già là kể chuyện tếu. Nghe nói bị stroke nhẹ, nằm nhà thương mấy ngày trước nhưng có kỵ là mấy bà phải đi. Bà chị cứ lấy cuốn sổ ra để ghi lại mấy chuyện tếu của mình. Kêu mi đọc từ từ, tao ni tra rồi.
Một ông anh họ bên vợ, con của bà dì có 14 người con, làm bác sĩ, có 7 đứa con thì 4 đứa con là bác sĩ. Có hai đứa dạo mới ra trường, phụ phòng mạch của anh ta. Mấy đứa này sinh tại Hoa Kỳ nên tiếng việt khá lêu bêu như mình khi xưa con bé. Ngồi kể chuyện thì bà chị làm tại phòng mạch của ông anh kể nhiều chuyện cười đau ruột.
Gia đình người Huế nên khi ai nói giọng Huế thì mấy đứa cháu bác sĩ hiểu còn khi có ai xổ giọng bắc hay Nam thì chúng đực ra như bò đội nón. Có lần bệnh nhân vào khám, thằng cháu muốn khám cái lỗ đít nhưng lạng quạng sao nó kêu bệnh nhân cho nó xem cái Ngọ Môn khiến bệnh nhân nhìn nó như bò ị khiến nó phải chạy ra hỏi thư ký để thông dịch.
Ở nhà nghe bố mẹ nó kể chuyện cửa Ngọ Môn ở Huế nên thay vì nói hậu môn, nó tư duy đột phá nói bệnh nhân đưa cái Ngọ Môn cho nó khám. Thằng cháu này kể là khi khám bệnh, bác sĩ ngày nay lên internet truy xem các bệnh lý, rồi có các công ty dược phẩm giới thiệu thuốc để viết toa cho bệnh nhân nên sau này nó đi học thêm MBA rồi làm quản lý nhà thương, hết cần thông dịch cờ lờ mờ vờ.
Ở nhà thì bạn bè bố mẹ hay gọi, dạo ấy chưa có điện thoại di động. Bà mẹ dặn mấy đứa con là khi bắt điện thoại thì nói: “xin lỗi, ai ở đầu dây?” Rồi ghi tên xuống cho bố mẹ biết. Mấy đứa con khi nghe điện thoại là quýnh lên, kêu “xin lỗi, đầu ai vậy”.
Khi còn bé mình cũng đọc tiếng Việt lạng quạng. Bà hàng xóm kêu mình chạy xuống đường xem tối nay, đoàn cải lương hát tuồng gì. Dạo ấy, mỗi lần có đoàn cải lương lên Đàlạt, đóng đô tại rạp Ngọc Hiệp, trong ngày họ mướn một chiếc xe Lambretta, gắn loa phát thanh rồi in truyền đơn, chương trình diễn tối đó. Cứ độ 10 giờ sáng là xe Lam chạy khắp nẻo đường Đàlạt, rao đoàn cải lương rồi con nít xin thì họ cho mấy tờ chương trình, xem danh ca nào thủ vai nào,… từ đó mình mới mê Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thanh Nga,...
Mình hăng hái đi thám thính vì bà Hai hay cho mình kẹo mỗi khi sai mình làm chuyện gì. Mình chạy xuống đường, chạy theo xe Lam, khói xe bay mịt mù nhưng dạo ấy sao thích ngửi mùi dầu xe, thấy cực hiện đại, chạy theo một quảng đến khi xe Lam ngừng ở xóm Địa Dư. Mới kỳ kèo xin tờ chương trình màu xanh khổ A4. Mình tung tăng chạy về kêu bà Hai là họ hát tuồng “Hai Lan Thu Hen” khiến bà Hai ngố ra rồi hỏi lại. Mình gương cổ hãnh diện kêu “Hai Lan Thu Hen” lại làm bà Hai càng ngố thêm. Cuối cùng có con Thuý hàng xóm, học trường việt, chạy vào nói “Hai Lần Thu Hẹn” được bà Hai khen, cho con Thuý cục kẹo còn mình bà ta kêu học ngu như cứt.
Có cô cháu gái khác, cũng làm bác sĩ. Một hôm, bệnh nhân vào khám, sau đó bệnh nhân nói gì nó không hiểu, chạy ra hỏi người dì thông dịch. Hoá ra bệnh nhân muốn phá thai mà nói giọng bắc nên nó chả hiểu, nghe cụm từ Phá Thai thành Phở Tái. Nó nói với bệnh nhân ở đây không có bán phở tái, muốn ăn phở thì ở dưới phố có mấy tiệm bán phở.
Có lần bệnh nhân đi Việt Nam về, giao đấu với chân dài quá nên bị bệnh phong tình, đến nó khám. Nó kêu bệnh nhân đưa con cu đây cho nó khám khiến ông bệnh nhân nhe răng cười nham nhở. Nó chạy ra hỏi thư ký, thư ký kêu là đưa cái dương vật cho nó khám. Nó chạy vào rồi chạy ra hỏi Dương chi sau đó chạy ra hỏi vật chi. Cuối cùng nó khôn lên, kêu bệnh nhân đưa con rắn cho tui khám.
Mình kể chuyện bà chị dâu, di tản năm 75 lúc có 10 tuổi. Ở Việt Nam thì học trường Tây, sang đây họ trường mỹ nên tiếng Việt lọng ngọng. Bà mẹ kêu ra chợ mua bao gạo “Ông Địa”, xớn xác ra chợ quên bố tiếng Việt, bươn ra câu: “Cho tôi mua một bao gạo ông Đĩ” khiến bà chủ chợ Quang Minh nhìn bà chị dâu như bò đội nón. Trước khi lấy chồng, họ hàng nói cô nàng là đi làm dâu nhà người ta này nọ, phải cẩn thận. Cô ta nghe chả hiểu gì cả, kêu không muốn làm Strawberry. Kỳ cục quá.
Có ai rũ bà ta về Việt Nam may quần áo. Đến phi trường Tân Sơn Nhất, gặp hải quan hình sự hỏi về Sàigòn cư ngụ ở đâu. Bà ta kêu ở nhà chị họ, hải quan hỏi sao không khai báo trong tờ đơn nhập cảnh. Bà ta bảo để quên địa chỉ trong “Hành Lá” khiến tên hải quan như ngỗng ị. Hỏi đi hỏi lại thì bà ta cứ trả lời tiếng mỹ thì tên hải quan không hiểu mà nói trong hành lá thì tên này cứ ngơ ngơ ra. Cuối cùng có tên hải quan khác chạy đến, có tư duy đột phá một tí nên hỏi “Hành Lý” thì cô nàng bảo đúng rồi. Mình đoán mấy ông hải quan ngồi phi trường chắc cũng có nhiều chuyện tếu để kể cho thiên hạ.
Ông chồng bà chị họ, tối về hỏi thăm, hỏi cả ngày đi đâu chơi. Cô nàng kể là chị Khang đưa em đi giao hợp với bạn chị ấy ở Cần Thơ khiến ông chồng chới với hỏi bà vợ. Bà vợ kêu là đưa đi “giao thiệp” với khách hàng rồi đến tiệm may đồ. Còn Cần Thơ, vì ở tiệm may, có cái bảng đề “Cần Thợ”, bà chị dâu đọc sao thành Cần Thơ, Tây Đô.
Ngồi nói chuyện ngày xưa rồi khi không có bà chị kể về thời đi vượt biển. Bà chị nghe thiên hạ đồn gặp hải tặc, sợ bị hải tặc hiếp nên trước khi lên thuyền, bắt hai chị em bận mỗi người 6 cái quần xì líp để lỡ không may đụng hải tặc thì chúng sợ mất thì giờ khiến cả dòng họ cười sặc bún bò luôn.
Có anh bạn kể là khi đi vượt biển, hắn kêu bà vợ dú trong quần lót một viên hột xoàn. Gặp hải tặc, đè vơ hắn xuống tính làm hổn, bổng viên hột xoàn lăn ra rớt xuống thuyền, khiến tên hải tặc bỏ người chạy lấy của, lo nạy viên hột xoàn, quên khấy bà vợ của nó. Hú vía.
Chán Mớ Đời