Mỗi lần mình gặp bạn học cũ hay người quen khi xưa, đều nghe họ nói mày sướng, không phải bắt buộc sống với Việt Cộng cho dù mình cũng mang kiếp lưu vong như họ. Lý do là lưu vong đều khởi đầu bởi một bi kịch chính trị để rồi biến thành một bi kịch văn hoá nơi xứ lạ quê người.
Đồng chí gái hay mấy người em mình sinh sống tại hải ngoại, bắt buộc đi tìm một con đường sống bất chấp hiểm nguy trên con đường vượt biển, có thể nói là lao vào cái tử để tìm con đường sống. Có nhiều người bạn kể họ vượt biển nhiều lần, bị lừa hết tiền bạc, vào tù ra khám, giả điên giả rồ để qua mặt công an.
Mình thì bắt đầu cuộc đời lưu vong bởi một bi kịch văn hoá. Mình thoát ra khỏi Việt Nam bằng cách đi du học trước bi kịch chính trị của quê hương; Sàigòn thất thủ. Không chứng kiến đất nước đổi chủ, thấy thiên hạ chạy loạn lo sợ bị Việt Cộng tắm máu, pháo kích, tù tội mà người Việt điển hình bà cụ mình, cứ mỗi lần gặp mình là kể chuyện thời gian sau khi mình rời Việt Nam, như một vết thương tâm lý sau bao nhiêu năm vẫn chưa lành hẳn với thời gian. Mấy người em mình cùng trải nghiệm thời gian ấy nên không thấy có chi là đặc biệt, cười thầm mỗi khi bà cụ bắt đầu cuộc độc thoại.
Mỗi lần nghe bà cụ tâm sự thì mình chỉ ngồi yên, lắng nghe như một bác sĩ tâm lý, ngồi nghe người bệnh, giải bày nội thương tâm lý. Mình vẫn cảm nhận sự tức tưởi của bà cụ, bị hàng xóm thay đua lập chiến công, tố khổ bà cụ và gia đình mình thuộc giai cấp phản động và những may mắn giúp thoát khỏi tấm bi kịch đến ngày nay.
Hôm trước có cô bạn học cũ ở Văn Học, hàng xóm với mình khi xưa, viết thư nói cô nàng mất thời gian khá lâu để đọc những gì mình viết trên diễn đàn. Cô này mới tìm về tổ ấm Văn Học gần đây, sau này cứ thấy email của mình chắc là ớn. Xong om.
Cô nàng hỏi sao mình viết nhiều mà ý tưởng lấy từ đâu ra. Mình trả lời là từ đồng chí gái. Lấy vợ bị đì quá nên con người cần một chỗ để giải bày những uẩn ức của một đời người mang tiếng sợ vợ. Đúng hơn là mình sống ở hải ngoại độc thân, không gia đình bên cạnh, như con thuyền không bến bờ nên đi nhiều, gặp chỗ nào vui thì dừng lại, kiếm việc làm rồi khi chán hay hết hạn làm việc thì lại tiếp tục lên đường như Ulyssus của Homer, đi trên con đường vô định để rồi một hôm, nói như Gẻorges Moustaki, phản bội Tự Do để đổi lấy nhà tù tình yêu với một cán bộ quản giáo xinh đẹp quản thúc, quản chế tại gia đến nay.
Bi kịch của kẻ lưu vong không phải chỉ thay đổi chỗ ở, không gian thôi mà còn phải thay đổi cách suy nghĩ, cách cảm nhận, cách phát biểu qua một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ. Thật ra ở Việt Nam, người dân miền Nam cũng phải học cách phát biểu những từ cách mạng xa lạ ngay chính trên quê hương của họ. Mình nhớ sau khi ở Ý một năm, mình trở lại Pháp thì trong đầu tiếng Ý cứ lùng bùng, mất cả tháng mình mới nói và suy nghĩ theo tiếng Tây lại. Nhìn lại thì mình đã lưu vong từ bé khi học trường Tây. Về nhà thì nói tiếng Việt nhưng vào lớp, nơi mình thâu nhận kiến thức thì phải tấu bằng Pháp ngữ. Hôm trước, có anh chồng của cô bạn học yersin xưa kể là bà xã anh ta đọc tiếng Việt không hiểu, từ bé học trường pháp rồi đi tây đến nay.
Mình mới nhận thức rằng cô bạn học cũ cũng lâm vào tình trạng của mình khi xưa. Mình thì lên trung học thì dần dần tiếng tây bớt phát triển, tiếng Việt cũng sơ sơ, may mà mình qua Văn Học được hai năm cuối trung học phổ thông nên còn ngáp ngáp được chút việt ngữ. Do đó mình khởi đầu cuộc đời lưu vong bằng một bi kịch văn hoá từ bé khi ông bà cụ cho học chương trình Pháp.
Nhiều người ngạc nhiên, kêu sao mình nhớ nhiều về Đà Lạt. Người Mỹ hay kêu "you are what you remember". Cái khổ của người lưu vong là mối quan hệ của họ chỉ được thể hiện qua Nổi Nhớ về quá khứ cho nên mọi kỷ niệm như được tô lên một lớp sơn óng ánh rất đẹp. Nổi nhớ chỉ quy về một không gian, một chốn như mình về Đà Lạt thời bé. Sau này là những thời gian sinh sống tại Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Anh quốc, New York,...
Nổi nhớ giúp mình đi ngược thời gian như chiếc xe trong cuốn phim "Back to the future", trở lại thời còn sinh sống tại Đà Lạt. Nhớ tới Đà Lạt khi xưa chưa đủ mình lại muốn đi xa hơn về thời bố mẹ mình còn trẻ, gặp nhau ra sao rồi dần dần mình muốn biết thêm về ông bà nội, ông bà ngoại.
Marcel Proust trong cuốn " À la recherche du temps perdu", cũng chỉ vật vã nhớ đến cái làng Combray dù ông ta không phải lưu vong như người Việt hay những người tỵ nạn khác trên thế giới. Cũng có thể vào thời đại của ông, di chuyển khó khăn, sống ở Paris cũng là đã xa như một kẻ lưu vong tương tự thi sĩ Nguyễn Bính khi xưa, ra tới Huế đã thấy xa xôi không có tháng ngày.
Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Khi chúng ta thoát khỏi ngục tù quê hương thì chúng ta lại rơi vào một nhà tù khác, đó là nhà tù của Quá Khứ, nhà tù của Trí Nhớ. Sợ quên nên chúng ta bổng đâm ra bảo thủ. Mình đọc báo, thấy mấy người lớn tuổi kêu gọi không để con em mất gốc, phải bắt chúng học tiếng Việt, nào tiếng việt còn nước Việt còn như ông Phạm Quỳnh khi xưa nói, ôi thôi đủ thứ. Chúng ta lo sợ sau khi đánh mất quê hương, lại sợ đánh mất tiếng Việt, văn hoá của nơi sinh trưởng, quên đi những mối quan hệ mới đan xen kẽ với nhau trong cuộc sống mới tại nước sở tại, quên đi chúng ta đã thay đổi dần dần bản thể, mất căn cước của người Việt xưa kia.
Năm ngoái về thăm Đà Lạt, mình có gọi điện thoại cho anh bạn học cũ, ở Pleiku, nói sẽ không lên thăm anh ta được vì thời giờ eo hẹp. Câu đầu tiên anh ta nói: "nghe lại được tiếng Đà Lạt của mình, sau bao năm". Mình buồn cười, có lẻ anh ta ở xứ Thượng nên nghe thổ dân nói giọng Ra đê hoài nên mừng khi nghe lại giọng lai Quảng của người Đàlạt. Thật ra khi người lưu vong, vì sợ mất cái gì từ Việt Nam, trở nên bảo thủ do đó mình giử giọng nói của Đà Lạt và khi nói tiếng Việt thì cố gắng không chêm tiếng tây tiếng tàu vào ngoại trừ khi gặp ai nói tiếng Việt chêm tiếng Tây tiếng Tàu thì dùng từ tiếng Việt họ không hiểu như hôm trước mình nói về Đại Vực, đồng chí gái hỏi cái gì thì nói Grand Canyon.
Người lưu vong là một tù nhân của quá khứ, có tâm lý bảo thủ nên quên là Việt Nam ngày nay cũng vận hành theo năm tháng do đó khi về thăm Việt Nam, ai ở hải ngoại về đều thất vọng, ngoại trừ mấy anh chàng đi tìm chân dài chân ngắn. Người thì chê tiếng Việt ngày nay dùng những từ quái đản. Nhớ lần đầu tiên về thăm Đà Lạt năm 1992, lúc Việt Nam mới mở cửa thì Đà Lạt dạo ấy vẫn còn những vóc dáng của năm tháng trước 75, chỉ khác là già đi, cũ kỷ, buồn thê lương vì mình về vào mùa mưa. Ngày nay về thì không nhận ra Đà Lạt thủa xưa, gặp ai đi Đà Lạt về đều than như bọng vì họ chưa thoát được nhà tù của trí nhớ.
Chúng ta ra đi, rời bỏ quê hương có nghĩa là sự dừng lại, những hình ảnh xưa, kỷ niệm cũ như hoá thạch từ giây phút lên thuyền hay máy bay. Ulyssus của Homer trở về quê hương cũng bàng hoàng khi ông ta so sánh nhà tù trí nhớ và hiện tại mà quên đi cuộc sống ở quê hương vẫn thay đổi theo thời gian. Lưu Nguyễn lọt vào Thiên Thai, trở về quê xưa, không tính đến sự cách biệt thời gian nhiều hay ít ở cỏi tiên và trần thế. Hình ảnh của hai ông này về quê hương dừng lại từ giây phút họ rời làng quê. Khi mình về Đà Lạt, thì hàng xóm cứ lộn mình với người em kế, nhiều đứa bé khi xưa nay lớn, không có khái niệm gì về mình cả vì họ không tự nhốt, giam hảm trong nhà tù của trí nhớ.
Tình cảm sợ mất gốc khiến người lưu vong bị phân thân giữa cái văn hoá việt và văn hoá tây phương, không giúp chúng ta thâm nhập vào văn hoá của nước sở tại. Chúng ta dừng ở điểm gạch nối của Franco-Vietnamien hay Vietnamese-American hay Italiano-Vietnamita... Chúng ta bị day dứt, dày vò trong nhà tù của ký ức vô hình trung biến chúng ta thành những kẻ bên lề, trong xã hội mới. Văn hoá Việt thì chúng ta không thông, cứ kêu họ dùng danh từ quái đản, không thuần tiếng Việt mà văn hoá Tây phương thì chúng ta không có khả năng hay không muốn tiếp nhận.
Chúng ta tôn sùng văn hoá Tây phương nhưng không dám bồi dưỡng cho tri thức của mình vì sợ phản bội văn hoá Việt như một người đàn ông có vợ, ray rức khi thấy một cô gái đẹp như một anh bạn trong lúc tâm sự, bổng nói anh ta chỉ tiếc là không lấy được người anh ta thương.
Dạo này mình nhận thấy có nhiều người vô gia cư gốc việt xuất hiện tại Bolsa. Người ở Việt Nam thì thèm muốn được qua đây nhưng qua đây rồi thì bị lâm vào cái bệnh nhà tù của quá khứ; khi xưa từng là ông này bà nọ, không muốn trở lại con số không, không muốn hội nhập rồi bị khủng hoảng kinh tế, tâm thần rồi lang bang như nhà thơ nổi tiếng một thời, chết trước sân chùa.
Khi bạn học cũ tìm lại nhau qua diễn đàn thì tâm lý tương tự của kẻ lưu vong, tự nhốt trong nhà tù quá khứ, của ký ức. Chúng ta hồ hởi tìm lại nhau nơi chốn dừng lại, điểm khởi đầu của cuộc đời lưu vong. Mình đi trước 75 nên chốn dừng lại của mình khác với người di tản trước 30/4/75. Người đi vượt biển có điểm dừng, kỷ niệm bị hoá đá, khác với những người đi trước do đó khi gặp lại nhau trên diễn đàn lúc đầu thì vui vì ai cũng muốn tìm lại những hình ảnh quá khứ của mình hay của người bạn một thời học chung, lại quên đi sự vận hành cuộc sống của những bạn chung khi xưa.
Một anh bạn kể về một người bạn khác, anh ta rất thất vọng khi gặp lại người bạn mà anh ta rất mến khi xưa. Nay thì chịu không nổi vì anh bạn kia ăn tục nói tục mà tri thức của anh ta không chấp nhận. Anh bạn quên là người bạn kia sống trong môi trường làm ăn tại Việt Nam thì phải như vậy. Đi với ma thì phải bận áo giấy, đi với bụt thì bận áo cà sa. Dần dần dân cư trên mạng thất vọng, muốn tìm lại chút hương xưa như chúng ta như Từ Thức trở về bến cũ, không tìm lại những hoài niệm, những hoài bão của một thời, rồi chúng ta lặng lẽ rời diễn đàn, không muốn tham dự họp mặt, hội ngộ vì không muốn thất vọng thêm, không muốn thoát khỏi nhà tù của ký ức, của nỗi nhớ của kẻ lưu vong.
Thật ra nói chuyện với bạn cũ khi xưa còn sinh sống tại Việt Nam thì mình đoán họ cũng sống kiếp lưu vong như mình vì tuổi trẻ của họ cũng có những hoài niệm, hoài bão chung của một thế hệ dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà. 30/4/75 cũng đổi đời họ, biến họ thành những kẻ lưu vong trên chính đất nước của họ. Có người thích ứng với chế độ mới, trở thành đảng viên hay CM30, có người không thích ứng được thì vẫn làm kẻ đi bên lề của sự chuyển động của lịch sử, manh động của xã hội với thời gian. Khi gặp nhau chúng ta như tìm nhau vài tiếng đồng hồ trong nhà tù của quá khứ, của ký ức rồi sau đó ai về nhà nấy.
Cái khó của kẻ lưu vong là làm sao phá vở được nhà tù của ký ức, của nổi nhớ để cùng đi chung quảng đường đời còn lại, cùng chung tạo những kỷ niệm mới với nhau trong tình bạn của thủa nào, đã dứt đoạn. Khi gặp lại nhau trong nhà tù của trí nhớ thì chúng ta không khỏi so sánh những người bạn học chung một thời.
Ngày nay, chúng ta còn gì ngoài tình bạn, không nên để quá khứ lấn chiếm hiện tại. Sau bao năm sống kiếp lưu đầy trên xứ người hay trên chính quê hương mình, chúng ta chỉ còn lại là tình đồng môn, đồng hương và một trời kỷ niệm. Chia sẻ một bài hát, một bài văn, một hình ảnh, một nụ cười là một hạnh phúc trời ban.
Nguyễn Hoàng Sơn